Tất cả những chuyện về cô Geraldine làm tôi nhớ lại một chuyện xảy ra ba năm sau đó, rất lâu sau khi ý tưởng về nhóm cận vệ mật đã nhạt đi rồi.
Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở trong Phòng 5 ở tầng trệt mặt sau ngôi nhà, ngồi chờ một tiết học sắp bắt đầu. Phòng 5 là phòng nhỏ nhất, nhất là vào một buổi sáng mùa đông như hôm đó, khi các lò sưởi tản nhiệt lớn được mở phả đầy hơi nước lên cửa sổ, căn phòng trở nên thật là ngột ngạt. Có thể tôi cường điệu, nhưng trong ký ức của tôi, nếu muốn nhét trọn một lớp vào trong phòng đó thì chỉ còn nước học sinh phải chồng lên nhau theo nghĩa đen thôi.
Sáng hôm đó Ruth ngồi trên ghế phía sau một bàn học, tôi thì đang ngồi trên mặt cái bàn đó, thêm hai, ba đứa khác trong nhóm chúng tôi ngồi vắt vẻo lên hoặc tựa vào bàn. Sự thực là, có lẽ đúng lúc tôi đang nép mình để cho ai đó len vào bên cạnh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bao đựng bút chì.
Giờ đây, tôi vẫn nhìn thấy nó như thể nó đang ở trước mặt tôi. Nó sáng loáng như một chiếc giày mới đánh xi; toàn thân nó phủ một màu nâu thẫm điểm những chấm tròn màu đỏ. Chiếc khóa ở mép trên có một cái ngù bằng lông để kéo. Tôi suýt nữa đã ngồi lên cái bao đựng bút chì nhưng kịp nhích ra, và Ruth nhanh chóng dẹp nó đi. Nhưng tôi đã nhìn thấy, mà cô cũng chủ ý để cho tôi thấy, và tôi nói:
“Ồ! Cậu kiếm đâu ra vậy? Có phải ở một cuộc Bán hàng không?”
Trong phòng rất ồn, nhưng đám con gái gần bên đều nghe thấy, nên chẳng mấy chốc đã có bốn, năm đứa bọn tôi nhìn chăm chăm cái bao đựng bút chì một cách ngưỡng mộ. Trong khoảng vài giây Ruth chẳng nói gì, chỉ cẩn thận dò xét những khuôn mặt vây quanh. Cuối cùng cô nói một cách đầy dụng ý:
“Cứ nhất trí như vậy đi. Tụi mình hãy nhất trí rằng mình đã mua ở một cuộc Bán hàng.” Thế rồi cô cười với chúng tôi một nụ cười ranh mãnh.
Nghe chừng là một câu trả lời khá vô thưởng vô phạt, nhưng thực sự tôi cảm thấy như thể cô vừa đột nhiên đứng dậy đánh tôi, và trong mấy giây sau đó tôi cảm thấy vừa nóng bừng vừa ớn lạnh cùng một lúc. Tôi biết đích xác cô muốn nói gì bằng câu trả lời và nụ cười kia: Ruth đang bảo rằng cái bao đựng bút chì kia là quà của cô Geraldine.
Không thể nhầm lẫn gì về chuyện đó bởi nó đã manh nha từ mấy tuần rồi. Có một nụ cười nào đó, một cái giọng nào đó mà Ruth hay dùng – đôi khi kèm theo một ngón tay đặt lên môi hay một động tác giơ tay ra hiệu nói khẽ thôi theo kiểu phường tuồng – mỗi khi cô muốn nói bóng gió về một dấu hiệu ưu ái nào đó mà cô Geraldine dành cho mình: Cô Geraldine đã cho cô nghe một băng nhạc trong phòng bi-a trước bốn giờ chiều vào một ngày cuối tuần; trước đây cô Geraldine đã ra lệnh khi đi bộ ngoài đồng thì phải giữ im lặng, song khi Ruth đến gần cô thì cô lại nói chuyện với Ruth, sau đó thì cho phép cả bọn còn lại cũng được nói chuyện. Luôn luôn có những chuyện như vậy, chẳng bao giờ nói thẳng ra mà chỉ được ám chỉ xa gần bằng nụ cười và vẻ mặt “đừng nói gì thêm nhé” của Ruth.
Dĩ nhiên, chính thức mà nói thì các giám thị không được tỏ ra đặc biệt ưu ái với ai, nhưng vẫn luôn luôn có những biểu hiện thân ái nho nhỏ trong một giới hạn nào đó, và hầu hết những gì Ruth ám chỉ đều thuộc vào trường hợp này. Thế nhưng tôi vẫn không ưa mỗi khi Ruth nói bóng gió kiểu ấy. Dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ biết chắc liệu Ruth có nói thật không, nhưng bởi cô không bao giờ thực sự “nói” ra điều đó mà chỉ nêu bóng gió nên chẳng bao giờ có thể truy Ruth cho ra lẽ cả. Vì vậy mỗi khi chuyện ấy xảy ra, tôi đành cứ để nó qua đi, cắn môi mà hy vọng cái khoảnh khắc đó sẽ qua mau.
Đôi khi, theo hướng diễn tiến của một cuộc trò chuyện mà tôi cảm thấy trước rằng Ruth lại sắp làm như vậy, tôi lại căng mình ra. Song dù vậy đi nữa việc đó vẫn tác động đến tôi với một sức mạnh nào đó, khiến trong vòng vài phút tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì đang diễn ra quanh mình. Nhưng vào buổi sáng mùa đông nọ trong Phòng 5 thì chuyện đó ập vào tôi hoàn toàn bất ngờ. Ngay cả sau khi tôi đã nhìn thấy cái bao đựng bút chì, ý nghĩ rằng một giám thị lại có thể đi tặng một món quà như vậy vượt ngoài mọi giới hạn đến nỗi tôi vẫn hoàn toàn không tin chuyện đó lại xảy ra được. Vì vậy, sau khi Ruth nói xong điều cô nói, tôi đã không thể mặc cho cơn cảm xúc của mình qua đi như mọi lần. Tôi chỉ chằm chằm nhìn cô, không cố công giấu giếm nỗi tức giận. Ruth, có lẽ nhận ra nỗi hiểm nguy, bèn nói nhanh với tôi theo kiểu thì thầm trên sân khấu, thì thầm… mà ai cũng nghe thấy: “Đừng nói gì nhá!” rồi lại mỉm cười. Nhưng tôi không thể cười đáp lại mà cứ nhìn chằm chằm cô. Thế rồi may sao, giám thị đến và tiết học bắt đầu.
Tôi chưa bao giờ thuộc loại trẻ con cứ nghiền ngẫm mãi chuyện này chuyện nọ hết giờ này sang giờ khác. Dạo gần đây thì tôi ít nhiều đâm ra vậy, song đó là do công việc tôi làm và do tôi phải lái xe hàng nhiều tiếng đồng hồ trong im lặng qua những cánh đồng trống vắng kia. Tôi không phải như Laura, kẻ suốt ngày làm trò hề nhưng lại có thể lo nghĩ suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ chỉ vì một điều nhỏ nhặt mà ai đó nói với cô. Nhưng sau buổi sáng nọ ở Phòng 5, tôi như rơi vào trạng thái bị thôi miên. Đang trò chuyện nửa chừng thì tôi lơ đãng nghĩ sang chuyện khác; hàng buổi học trôi qua mà tôi chẳng hề biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi nhất quyết rằng lần này không thể bỏ qua cho Ruth được, nhưng suốt một thời gian dài tôi chẳng làm gì có tính xây dựng cả, chỉ quay đi quay lại trong đầu những cảnh tưởng tưởng trong đó tôi vạch trần cô và buộc cô thú nhận mình đã bịa ra tuốt. Thậm chí tôi còn tưởng tượng lờ mờ rằng chính cô Geraldine nghe được chuyện này và xạc Ruth một mẻ ra trò trước mặt mọi người.
Sau nhiều ngày như vậy tôi bắt đầu suy nghĩ một cách có cơ sở hơn. Nếu cái bao đựng bút chì không phải là quà của cô Geraldine thì nó ở đâu ra? Có lẽ Ruth có được từ một học sinh khác, nhưng khả năng đó cũng khó. Nếu nó từng thuộc về ai đó trước đây, dẫu là trước chúng tôi nhiều khóa đi nữa, thì một món đồ oách như vậy ắt không thể không có người để ý. Nếu biết rằng cái bao đựng bút chì đó từng chu du khắp cả Hailsham thì Ruth chắc chắn đã không liều bịa ra như vậy. Hầu như nhất định là cô đã mua được ở một cuộc Bán hàng. Nhưng cả ở đây nữa Ruth vẫn có thể không may ở chỗ có những người khác từng nhìn thấy nó trước khi cô mua. Nhưng nếu – đôi khi cũng xảy ra như vậy, dù không có khả năng cho lắm – cô đã nghe nói rằng đợt Bán hàng sắp tới sẽ có cái bao đựng bút chì và đã đặt mua trước với một lớp trưởng từ khi cuộc Bán hàng chưa được khai trương, thì cô sẽ có thể đường đường tự tin rằng chẳng mấy ai đã nhìn thấy nó.
Tuy nhiên, thật chẳng may cho Ruth, mỗi đợt Bán hàng đều có sổ ghi chép đã bán được món gì, ai mua, ghi lại tất. Tuy các sổ này không dễ gì đụng tới được – sau mỗi cuộc Bán hàng các lớp trưởng đều thu sổ mang về văn phòng cô Emily – nhưng cũng chẳng phải là thứ tối mật. Nếu tôi cứ lảng vảng gần một lớp trưởng trong cuộc Bán hàng lần sau thì liếc qua các trang sổ cũng không khó mấy.
Thế là tôi phác ra một kế hoạch, và hẳn tôi đã cứ trau đi chuốt lại cái kế hoạch đó suốt mấy ngày cho tới khi chợt nhận ra rằng thật ra chẳng cần thiết phải tiến hành tất cả các bước. Miễn là tôi đúng khi nghĩ cái bao đựng bút chì kia được mua ở một cuộc Bán hàng, vậy thì tôi chỉ cần làm mỗi một việc là trò chuyện thẳng thắn thôi.
Chính vì thế Ruth và tôi đã có cuộc trò chuyện với nhau dưới mái hiên. Hôm đó sương mù, mưa bụi. Hình như hai chúng tôi đi bộ từ khu phòng ngủ về phía căn đình tạ, tôi không nhớ. Dù sao đi nữa, trong khi chúng tôi băng qua sân, mưa đột nhiên nặng hạt hơn, và do không gì phải vội nên chúng tôi nấp vào dưới mái hiên nhô ra của ngôi nhà chính, hơi chếch về một bên cửa trước.
Chúng tôi trú mưa ở đó một lát, chốc chốc lại có một học sinh từ trong sương mù nhô ra rồi băng qua cửa vào nhà, nhưng mưa vẫn không ngớt. Càng đứng đó lâu, tôi càng đâm ra căng thẳng bởi nhận ra đây chính là cơ hội mình chờ đợi. Tôi tin chắc rằng Ruth cũng cảm thấy một cái gì đó sắp diễn ra. Rốt cuộc, tôi quyết định nói thẳng, không úp mở.
“Ở buổi Bán hàng hồi thứ ba tuần trước mình có xem qua sổ. Ghi chép lại các thứ ấy mà.”
“Sao cậu lại xem sổ?” Ruth hỏi nhanh. “Cậu làm thế để làm gì?”
“Ồ, chả có lý do gì cả. Christopher C. là một trong các lớp trưởng, nên mình chỉ nói chuyện với cậu ấy thôi. Cậu ấy là cậu dễ thương nhất ở lớp Cao, nhất định là thế rồi. Và mình chỉ lật lật mấy trang sổ, chỉ để có gì đó mà làm thôi.”
Tôi biết rằng tâm trí Ruth đang căng ra, giờ thì cô đã hiểu đích xác tôi đang nói đến chuyện gì. Nhưng cô nói bình thản: “Sổ ấy thì có gì mà xem, chán ngắt.”
“Không, thú vị lắm ấy chứ. Ai mua cái gì, mình biết hết.”
Tôi vừa nói vậy vừa đăm đăm nhìn trời mưa. Thế rồi tôi liếc sang Ruth và thật sự bị sốc. Tôi không biết thật ra mình chờ đợi cái gì; dù suốt một tháng qua có tưởng tượng kiểu gì đi nữa tôi cũng không bao giờ hình dung được cái tình huống đó sẽ ra sao khi nó thực sự xảy ra, như lúc này. Giờ thì tôi đã thấy Ruth bối rối đến nhường nào; đầu tiên cô hoàn toàn không biết nói gì, sau đó thì quay đi, mắt rưng rưng sắp khóc. Thế rồi tôi bỗng thấy cách cư xử của mình thật hoàn toàn hỏng bét. Bao nhiêu là nỗ lực, bao nhiêu là dày công tính kế, tất cả chỉ để làm cho người bạn thân nhất của mình phải bẽ mặt. Cứ cho là cô đã bịa tí chút về chuyện cái bao đựng bút chì, thì đã sao? Chẳng phải tất cả chúng tôi suốt ngày chỉ ngong ngóng sao cho một giám thị nào đó vượt qua quy tắc mà làm một điều gì đó đặc biệt với chúng tôi sao? Một cái ôm thật tự nhiên, một lá thư đặc biệt, một món quà? Tất cả những gì Ruth đã làm là đẩy một trong những ước mơ vô hại đó xa thêm một bước, chứ thật ra thậm chí cô đã bao giờ nhắc đích danh cô Geraldine đâu.
Giờ thì tôi thấy khó xử, và lúng túng. Nhưng trong khi chúng tôi cùng đứng đó nhìn màn sương và cơn mưa, tôi không nghĩ ra được cách nào để sửa chữa sự tổn thất mà tôi đã gây ra. Chắc là tôi đã nói câu gì đó rỗng tuếch đại loại như “Thật ra mình cũng có thấy gì nhiều đâu,” nhưng cái câu đó lửng lơ một cách ngu xuẩn trong không khí. Thế rồi, sau vài giây im lặng nữa, Ruth bỏ đi dưới trời mưa.