Tích Thành nằm về phía đông nam của vương triều, cả Tích Thành lẫn Lâm Thành đều nằm trong địa hạt của An Nam Vương, cho nên việc tìm chọn lễ vật mừng thọ rơi lên phủ của An Nam Vương.
An Nam Vương đặt tên cho lần chọn lễ vật này là hội Hiến Bảo, địa điểm đặt ở Tích Thành, là nơi phồn hoa nhất trong ba toà thành, thời gian là cuối tháng, vị trí cụ thể chính là ở thương hộ giàu có nhất thành —- dinh phủ của Chương gia.
Đông Cô nghĩ bụng, có lẽ lần tu sửa gióng trống khua chiêng gần đây ở Chương phủ là để cho lễ hội Hiến Bảo này.
Cáo thị rất dài, Đông Cô đọc kỹ từng điểm, sau đó chậm rãi tính toán.
Đề tài cho lễ vật mừng thọ không giới hạn, cầm kỳ thi hoạ, bất cứ thứ nào thời cổ đại hay chuộng, miễn sao khiến cho thái hậu vui là được.
Tuy nhiên Đông Cô không dám làm bừa, đây là quà mừng thọ, hơn nữa là cho lễ mừng thọ trong hoàng gia, không cẩn thận là xui tận mạng, vậy chẳng phải là không được gà mà mất luôn nắm thóc sao, không lấy được bạc mà còn mất luôn đầu, nàng cảm thấy cần phải suy nghĩ cho kỹ.
Quà, nàng chắc chắc muốn dâng, nàng cần tiền, cần hơn bất cứ lúc nào trong đời.
Do chưa có tính toán cụ thể nào, nên nàng chưa báo cho La Hầu biết.
Hôm ấy lúc về nhà, nàng ngồi trong sân nhìn trời ngẩn người.
Thứ mình có thể dâng, khẳng định chỉ có thể là tranh vẽ, điểm này không cần bàn, mấu chốt là vẽ cái gì.
Thật ra lúc đọc cáo thị, trong đầu Đông Cô hiện ra một tác phẩm mừng thọ nổi tiếng từ kiếp trước —- bức tranh “Chúng Tiên Chúc Thọ” của Nhâm Bá Niên cuối đời nhà Thanh. Bức tranh này thuật lại cảnh 46 vị tiên cùng tham dự yến tiệc mừng thọ của Vương Mẫu, vì là cảnh chúc thọ, nên toàn bộ bức tranh tươi sáng rực rỡ và sinh động, hơn nữa trông rất lộng lẫy huy hoàng, đầy khí phái.
Đông Cô nghĩ, nhìn từ bất cứ góc độ nào, bức tranh “Chúng Tiên Chúc Thọ” này vô cùng tốt lành và rất phù hợp, hơn nữa rất sang trọng, phù hợp với những yêu cầu của Hiến Bảo lần này.
Có điều, bức tranh “Chúng Tiên Chúc Thọ” đó không dễ vẽ chút nào.
Đầu tiên, điểm quan trọng nhất — nó là một bức tranh vẽ trên bình phong, toàn bộ bức tranh là do 12 tấm bình phong được mạ vàng rồi vẽ lên gộp thành. Hơn nữa Nhâm Bá Niên thời đó, để bức tranh này có được đường nét tinh xảo và màu sắc tươi sáng, đã phải dùng hơn hai lượng vàng mài ra thành bột, tiền vốn bỏ ra rất cao.
Đối với hội hoạ, xưa nay Đông Cô luôn mang thái độ cầu toàn, tuyệt đối không qua loa, khi nàng đã quyết định tạo nên một tác phẩm, khẳng định sẽ theo đuổi hoàn mỹ cho đến cùng. Cho nên, lúc này đây, trong lòng nàng rất mâu thuẫn.
Nàng biết bất kể là kiếp trước hay kiếp này, hoàng gia luôn chú trọng đến quy phép trên hết mọi sự, và cũng chú trọng đến mặt mũi. Thứ gì trông nghèo nàn, cho dù có tinh xảo khéo léo cách mấy, cũng vô ích. Cho nên quà mừng thọ, nhất định phải công phu, cộng thêm sang trọng.
Nhưng hiện giờ nàng thật sự đang nghèo kiết xác.
Đông Cô tính đi tính lại, nếu như bắt buộc phải làm ra được bức tranh này, chỉ có nước bán nhà bán đất, coi như táng gia bại sản. Mai mốt nếu được chọn thì còn may, nếu không được chọn, thì sau này nàng hết có chỗ để ở.
Nhưng nếu bảo nàng buông cơ hội này, nàng sẽ không cách nào chịu làm như vậy.
Nguyên một đêm Đông Cô không hề ngủ, nàng không ngừng nghĩ tới nghĩ lui. Nghĩ về việc vẽ, nghĩ về cuộc sống, nghĩ về La Hầu.
Rạng sáng, Đông Cô đã có quyết định.
Nàng phải tin vào bản thân.
Tin vào kỹ thuật mà kiếp trước đã bỏ ra không biết bao nhiêu tâm huyết đổi lấy, tin vào trái tim của chính mình.
Hôm sau, nàng đi tìm trưởng thôn, nói với bà, nàng muốn bán đất.
Trưởng thôn nghe xong giật mình, đuổi theo Đông Cô hỏi đủ điều, Đông Cô không tiết lộ tính toán của mình với bà, chỉ nói là muốn tìm chỗ ở khác.
Trưởng thôn hỏi không được gì, đành thở vắn thở dài đồng ý bán đất giùm nàng.
Thật ra trong lòng Đông Cô vẫn cảm thấy áy náy. Trưởng thôn là một người phụ nữ ngoài ngũ tuần, bình thường rất quan tâm đến nàng, thôn dân ai ai cũng hiền lành, bản thân nàng cứ thế rời đi không một lời giải thích, đúng là không tử tế chút nào.
Đông Cô nghĩ, mình đã nhận biết bao nhiêu ơn từ người trong thôn, mai sau bất kể thế nào, nhất định phải ra sức báo đền.
Thương lượng giá cả xong xuôi với trưởng thôn, nàng quay về nhà bắt đầu thu xếp. Nhà nghèo, ngoài quần áo cũ sờn thì chẳng còn được bao nhiêu thứ khác, nàng bỏ vào bao xong xuôi, đặt lên giường.
Những việc cần nghĩ, còn rất nhiều, #1 — tháng này nàng sống ở đâu đây?
Thoạt tiên nàng nghĩ ngay đến La Hầu, xong lập tức loại bỏ. Một bên chưa cưới một bên chưa gả, cứ thế ở chung với nhau cô nam quả nữ, mai mốt chẳng phải sẽ nghe người ta nói cho thối mặt sao.
Nghĩ một hồi lâu, cuối cùng nàng quyết định tới cửa tiệm nhà họ Lý một chuyến.
Nàng muốn thử xin Lý Khương Liễm giúp xem sao, hơn nữa, ngoài vấn đề tá túc ra, nàng còn một chuyện khác cần nhờ đến Khương Liễm.
Hôm đó khi ghé qua xưởng mộc nhà họ Lý, Lý Khương Liễm đang làm việc.
Khương Liễm mặc một chiếc áo vạt ngắn, trông rất mẫn cán, hình như đang đóng một chiếc ghế gỗ.
Trong xưởng không có ai khác, Đông Cô vừa định lên tiếng chào, Khương Liễm đã phát hiện ra nàng.
“Đông Cô?!”
Vừa thấy Đông Cô, Khương Liễm liền buông ngay việc xuống, vội vàng chạy ra nghênh đón.
“Lâu lắm rồi em không ghé, sao rồi, không có việc để làm thì quên luôn chị?”
Đông Cô cười ngượng nghịu, ngại không biết nên mở miệng thế nào. Bất kể kiếp này hay kiếp trước, nàng vốn rất ít khi xin ai giúp đỡ, luôn cảm thấy thứ gì nên có được thì tự nhiên sẽ tới, không nên có thì có cầu cũng không có được.
Nay có dục vọng, đương nhiên cũng sẽ dính theo không ít phiền toái.
Ý nghĩ trong đầu xoay vòng, cuối cùng Đông Cô quyết định thẳng thắn, có sao nói vậy.
“Khương Liễm, em có việc cần nhờ vả chị.”
Khương Liễm thoáng sửng sốt. Quen biết Đông Cô bấy lâu nay, chưa từng thấy Đông Cô trong bộ dạng như hiện giờ. Có lẽ vì đang e ngại, mặt của Đông Cô hơi ửng đỏ, đầu hơi cúi, nhìn xuống đất. Lý Khương Liễm nhìn Đông Cô như thế này thì mềm lòng, bước tới hơi đỡ lấy tay của Đông Cô.
“Ngồi xuống trước đi nhé, từ từ nói.”
Giọng của Khương Liễm ôn tồn, Đông Cô cũng từ từ bớt căng thẳng.
“Khương Liễm, em muốn mua chịu từ chị một tấm bình phong.
Nghe xong lời này, Lý Khương Liễm kinh ngạc.
“Bình phong? Đông Cô cần bình phong làm gì?”
“Em có việc cần dùng, sau này sẽ nói cho chị nghe.”
Khương Liễm rất muốn hỏi, rốt cuộc dùng vào việc gì. Nàng ấy cảm thấy, hôm nay Đông Cô rất lạ, nhưng nhìn ánh mắt khẩn cầu của Đông Cô, không làm sao gặng hỏi thêm được.
“Khương Liễm, mai mốt nhất định em sẽ trả tiền lại cho chị.”
Khương Liễm cười, “Một tấm bình phong thôi mà, Đông Cô đừng lo, em muốn một tấm bình phong như thế nào.”
Đông Cô đáp: “Mỗi lá bình phong cao 6 thước, rộng một thước tám.”
“Cần bao nhiêu lá bình phong?”
“Mười hai lá.”
Khương Liễm lấy làm lạ: “Mười hai lá? Em cần bình phong dài như thế để làm gì?”
Đông Cô rối rắm, nghĩ mãi, cuối cùng phát hiện bản thân hoàn toàn không có thiên phú gạt người, nàng ngước lên nhìn thẳng vào mắt Khương Liễm.
“Em muốn dâng lễ vật mừng thọ thái hậu.”
Khương Liễm sửng sốt, “Sao cơ?”
“Em muốn dâng lễ vật mừng thọ thái hậu.”
Khương Liễm bật cười ha hả, “Đông Cô, em đúng là hay thật, chả biết có phải em ngốc hay không nữa, em muốn chị tuỳ tiện làm một tấm bình phong xong em đem đi dâng cho thái hậu mừng thọ? Có phải là em quá coi trọng chị rồi không.”
Đông Cô bị Khương Liễm cười, mặt đỏ gay, “Không phải, em không định dâng bình phong.”
Khương Liễm cười hỏi: “Thế thì em dâng cái gì?”
Đông Cô hít sâu một hơi, khẽ đáp: “Em muốn dâng một bức tranh ghép.”
“Cái gì?”
Đông Cô: “Em muốn dâng một bức tranh ghép.”
Lý Khương Liễm nhìn Đông Cô với ánh mắt khó hiểu.
“Tranh ghép là gì?”
Câu hỏi này cũng làm Đông Cô ngớ người. Khương Liễm không biết tranh ghép là gì? Nàng ấy cũng có xuất thân từ một thế gia, trong nhà khá giả, hơn nữa chuyên đóng gỗ, cũng tạm gọi được là nghệ nhân, sao lại không biết gì đến tranh ghép?
“Khương Liễm không biết tranh ghép gì?”
Lý Khương Liễm lắc đầu.
“Chị chưa bao giờ nghe nói.”
Đông Cô nghĩ, lẽ nào thế giới này chưa có tranh ghép.
Nàng giải thích với Khương Liễm: “Tranh ghép là do nhiều tấm hoạ gộp lại thành một bức tranh mang nội dung hoàn chỉnh, núi non trải dài nhân vật tiếp nối, em muốn vẽ một bức tranh dài, đặt nó ở trên bình phong.”
Lý Khương Liễm từ từ thu lại nét cười đùa trên mặt, suy nghĩ về những lời miêu tả của Đông Cô.
“Ý tưởng này của em đúng là mới lạ.”
Đông Cô vã mồ hôi trong bụng, thấp thỏm không yên. Đây là của cả đống hoạ sĩ lừng danh bao thời đại lưu lại, nào có phải ý tưởng của nàng.
Khương Liễm thì đang quan sát Đông Cô, giống như mới gặp nàng lần đầu.
“Đông Cô, mấy thứ này em nghe từ đâu ra thế?”
Đông Cô: “Là do mẹ nuôi đã qua đời của em kể lại ạ.”
Nàng đã sớm chuẩn bị lời giải thích, âm thầm xin lỗi mẹ nuôi của mình, nhưng đây là lý do duy nhất nàng có thể nghĩ ra, gán hết những kỹ thuật hội hoạ mà mình biết được cho mẹ nuôi, biến bà thành một cao nhân lỗi lạc không ai hay biết, chỉ biết truyền lại hết thảy mọi kiến thức của mình cho đứa con bà nhặt về nuôi là Đông Cô.
Nàng buộc lòng phải tìm một lý do đàng hoàng, chứ một cô gái quê mùa nghèo nàn mà mang trên người đầy kỹ thuật hội hoạ, ai lại không nghi ngờ.
Lý do này của nàng tuy nghe thì có vẻ ly kỳ, nhưng sẽ không tìm ra được sơ hở lớn nào. Mẹ nuôi của Đông Cô đã mất, cho dù người khác muốn chứng thực thì cũng không còn cách.
“Mẹ nuôi của Đông Cô là…….”
“Mẹ nuôi của em đã qua đời năm em 12 tuổi, lúc em còn nhỏ, mẹ đã dạy em một số điều, trước đó em cho là không dùng được, nên không nói cho ai biết.”
“Thì ra là vậy.” Khương Liễm gật đầu, “Ý nghĩ này hay lắm, nhưng chị chỉ biết làm bình phong, còn tranh thì chị không giúp được.”
Đông Cô: “Tranh thì em sẽ vẽ.”
“…….”
Khương Liễm: “Em biết vẽ tranh?”
Đông Cô gật đầu.
Khương Liễm nghĩ ngợi một lúc, nghiêm túc nói với Đông Cô: “Được, chuyện này chị đồng ý.”
“Cảm ơn chị.”
Lý Khương Liễm cười lớn: “Đông Cô em đừng khách sáo, nếu như chúng ta gặp vận may, thì có gì tốt em đừng tự hưởng một mình nhé.”
Đông Cô bị nàng ấy chọc cho cười, “Nếu thật sự được chọn, bạc thưởng chúng ta chia đôi.”
Hai người nói cười một lúc, Đông Cô chợt nhớ đến một việc.
“Khương Liễm, em vẫn còn một việc phải xin chị giúp đỡ.”
Khương Liễm nói: “Bây giờ coi như em nằm trong tay chị rồi, nói đi, còn việc gì nữa?”
“Em tạm thời ở lại trong xưởng gỗ của chị được không?”
“Ở lại trong xưởng gỗ? Vì sao?”
Đông Cô không kể việc mình đã bán nhà bán đất cho Khương Liễm nghe, nàng không muốn để cho nàng ấy biết mình đã đánh cược tất cả, để tránh cho nàng ấy lo lắng.
“Em hy vọng có thể ở lại trong thành, như vậy tiện cho việc mua vật liệu vẽ tranh hơn, ở trong núi thường bất tiện.”
Khương Liễm: “Coi bộ Đông Cô đã suy nghĩ rất nghiêm túc về việc làm lễ vật này, như vậy cũng tốt, em cứ ở lại chỗ của chị cho đến khi dâng bình phong.”
Đông Cô nhìn Khương Liễm, “Khương Liễm, chị giúp em quá nhiều, em vô cùng biết ơn.”
Khương Liễm cười cười xua tay: “Đông Cô không cần nói gì thêm, phụ nữ nào chẳng có tham vọng, cũng phải vươn lên một lần chứ không thì uổng phí một đời.”
Đông Cô nhìn Khương Liễm, “cảm động” không còn đủ để hình dung cảm giác trong lòng nàng. Nàng không ngờ Khương Liễm lại có thể dễ dàng đồng ý giúp nàng, thậm chí chưa cần nhìn qua tác phẩm của Đông Cô mà đã tin nàng.
Thân phận của Khương Liễm và Đông Cô chênh nhau nhau không ít, tuy Khương Liễm không phải quyến thuộc của quan thần, nhưng cũng là danh gia phú hộ trong Tích Thành, nhưng nàng ấy chưa từng làm khó dễ Đông Cô, lần nào cũng đối đãi ôn hoà. Đông Cô nghĩ, Khương Liễm đúng là một người đáng để kết duyên tri kỷ.