Người ở bên tay trái của tôi

Chương 1
Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

Mười sáu tuổi, biệt danh của tôi là “Anh Đào Lớn”.

Anh đào, đồng âm với tên của tôi – Đào Oánh.

Bạn cùng bàn của tôi – Hạ Vi Vi từng nói: “Đào Oánh, cậu giống anh đào thật đấy! Cậu biết không, hạn sử dụng của anh đào không đến hai mươi ngày, cho nên nó là loại quả dễ bị hỏng nhất.”

Khi nói những lời này, cậu ta ngẩng cao đầu, gương mặt trắng nõn và cần cổ thon dài tạo thành một đường cong tuyệt đẹp, như được mạ một lớp màu vàng óng dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Mà ở xung quanh tôi, sẽ vang lên vô số tiếng cười thầm.

Tôi không để ý đến cậu ta, chỉ cúi đầu chăm chăm nhìn vào sách. Nhưng một chữ tôi cũng không bỏ vào mắt, bởi vì tiếng cười không che giấu xung quanh khiến trong đầu tôi tràn ngập xấu hổ và nhục nhã. Tay tôi khe khẽ run, có cái gì đó thấm đẫm lông mi tôi, nhưng đã bị kìm nén lại, dù khóe mắt cay cay vẫn không trào ra được.

Mười sáu tuổi, ấy là thời thanh xuân đầy oan ức của tôi.

Nhưng mà tôi đâu có tư cách gì để phản kháng? Tôi của mười sáu tuổi có gương mặt bầu bĩnh, trên mặt còn có vài nốt mụn ảnh hưởng đến thị giác, thành tích thì không tốt, top 60 trong một lớp có 71 người; tính cách thì lầm lì, nhưng là một người rất hay đọc trộm sách ngoại khóa [1], bị giáo viên bắt được rất nhiều lần, viết kiểm điểm cũng nhiều không kém. Không xinh đẹp, không thông minh, không hướng ngoại, không cầu tiến, cho nên chẳng ai thích tôi.

[1] Loại sách nằm ngoài chương trình học, ví dụ như truyện, tiểu thuyết, sách báo…

Hơn nữa, ngoài không đẹp và không thông minh ra, tôi còn thuận tay trái.

Mặc dù tay tôi chẳng khác gì những cô gái khác – trắng trẻo, thon dài, trông rất mảnh khảnh. Nhưng mà tay trái của tôi giống như có linh hồn vậy: Nó giống như tay phải của người khác, có thể viết chữ đẹp bằng bút máy, có thể vẽ rất nhiều hình chibi sống động ở đầu và cuối sách giáo khoa, cũng bởi vì như thế cho nên nó có vẻ quá khác biệt.

Không một ai muốn ngồi phía bên trái tôi.

Bởi vì điều đó có nghĩa là: Khi người đó đang hùng hục chép bài, chỉ cần lơ đãng một tí, bị khuỷu tay trái của tôi chạm vào một cái, dòng chữ tự nhiên bị lệch ra, thế là toang. Thậm chí một âm thanh “lạch cạch” vang lên, bút trên tay rơi thẳng xuống đất. Có lẽ đó chỉ là một âm thanh rất nhỏ, nhưng vì nhiều lần như vậy cho nên sẽ nhận lại vài ánh mắt: Cảm thông, phiền chán, hả hê khi người khác gặp họa,… Ánh mắt vô cùng kỳ quặc mang theo một chút khó xử khiến cho tôi càng thêm xấu hổ.

Cho nên, không có ai muốn ngồi cùng bàn với tôi.

Và mỗi lúc ấy, tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài cố ý phóng đại của Hạ Vi Vi, và cả tiếng phàn nàn của cậu ta: “Anh đào thật là dễ hỏng, dính đến là khó chịu.”

Tôi cắn răng, trầm mặc. Nhưng bàn tay cầm bút đang siết lại, đến nỗi mạch máu trên mu bàn tay nổi lên rõ ràng.

Mười sáu tuổi, ấy là thời thanh xuân ngấm ngầm chịu đựng của tôi.

Hạ Vi Vi là cô gái như vậy – từ tỉnh thành chuyển đến thành phố nhỏ bên bờ biển của chúng tôi, chắc hoàn cảnh gia đình cũng không tồi. Mặc dù không quá xinh đẹp, không quá xuất chúng nhưng mọi thứ đều tạm được. Là một cô gái thích nói chuyện, có tính bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu cũng thích nêu lên cái nhìn của bản thân, dù đó là nhận xét không tốt đi chăng nữa.

Hơn nữa tôi biết, vì đổi chỗ ngồi, Hạ Vi Vi đã đi tìm chủ nhiệm lớp ít nhất ba lần. Nhưng chủ nhiệm lớp không đồng ý với yêu cầu của Hạ Vi Vi, cô ấy chỉ đổi vị trí của tôi và Hạ Vi Vi – bây giờ, Hạ Vi Vi ngồi bên phải tôi. Thế là tôi không còn chạm phải bút của Hạ Vi Vi nữa.

Nhưng mà vì phòng học nhỏ cho nên cứ hai bàn ngang lại được xếp cạnh nhau. Mà trong lớp tôi có một quy tắc bất thành văn, chính là cứ hai tuần chỗ ngồi của mọi người sẽ được chuyển sang bên phải theo chiều kim đồng hồ, nghe nói như vậy tốt cho thị lực. Vì thế, cứ hai tuần sẽ có người phải ngồi cạnh tôi, cũng sẽ có người luôn bị tôi đụng vào.

Dần dần, tôi quen với việc nhìn thấy bạn học bên tay trái nhíu mày, có khi còn phát ra âm thanh bực bội mất kiên nhẫn.

Ngoại trừ im lặng, tôi còn có thể làm gì được nữa?

Mười sáu tuổi, giá trị của cuộc đời chính là đi học và đi thi. Lúc thành tích tốt sẽ vui vẻ, mà khi thành tích không tốt thì chỉ biết bày tỏ nỗi buồn cho riêng mình.

Cuộc trò chuyện thường thấy sẽ như thế này:

“Cậu hạng mấy? Bao nhiêu điểm?” Giọng điệu bình tĩnh, pha lẫn chút quan tâm tò mò.

“Không nói được, xấu hổ lắm, cậu chắc cao lắm, chín mươi mấy?” Vô cùng hâm mộ, pha chút ghen tị.

“Có ích gì đâu, chín mươi mấy cũng không đỗ đại học, tớ học lệch.” Nói đi nói lại, vẫn nhắc đến chuyện thi đại học.

Tất cả mọi người đều đã từng như vậy đúng không?

Nhưng với tôi thì không.

Mười sáu tuổi, tôi không thích những bài tập lặp đi lặp lại nhiều lần vẫn không hiểu, không thích những giáo viên trong đầu toàn là “đại học”, “thi vào đại học”, tôi biết tôi chắc chắn không thi đậu đại học, nhưng mà tôi cũng không biết đỗ đại học có gì hay – bởi vì tôi không biết tôi nên thi vào đâu, học cái gì. Đối với tôi, thi đại học là một mệnh đề vô nghĩa, xem nhẹ nó đã lâu, dần dần cảm thấy nó chẳng còn liên quan đến mình nữa.

Thực ra chẳng ai biết rằng: Mỗi ngày tôi đến trường đi học, sống ngày nào hay ngày nấy, là bởi vì ngoại trừ đi học ra tôi chẳng biết mình có thể đi đâu được nữa.

Nhưng có thể thấy, cô Vương chủ nhiệm lớp rất là đau đầu với tôi.

Giống như bây giờ – đây là lần thứ ba trong tháng cô Vương nổi giận trước mặt tôi.

“Đào Oánh, em có còn muốn thi đại học nữa không?” Cô Vương tóc hoa râm tức giận phát run, trên tay cô ấy là cuốn tiểu thuyết tôi mới đọc được một nửa, xung quanh im lặng, không có bất kỳ tiếng động nào.

Là tiết ngoại ngữ, tiết ngoại ngữ của cô Vương chủ nhiệm lớp, thế mà tôi lại đọc tiểu thuyết!

Tôi đứng dậy, khoanh tay, trông rất ngoan ngoãn. Chẳng phải lần đầu bị bắt được, không xấu hổ, không chán nản từ lâu rồi. Mắt liếc nhìn những người xung quanh: có người ngẩng đầu, nhưng lại nhanh chóng cúi đầu xuống, vùi đầu đọc sách giáo khoa tiếng Anh. Ai cũng có tương lai của mình, tôi chẳng giống bọn họ chút nào.

“Đào Oánh, gọi cha mẹ em đến.” Cô Vương cố gắng kìm nén cơn tức giận của mình, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được năng lượng rất lớn, hay nói cách khác là áp lực, tích tụ xung quanh tôi.

Tôi không nói gì, chỉ cúi đầu.

Lúc này, ở phía trước bên trái tôi, có một ánh mắt nhìn sang. Có lẽ chỉ lơ đãng lướt qua, nhưng trong nháy mắt tôi ngẩng đầu lên ấy, đột nhiên chạm phải ánh mắt của cậu.

Trong nháy mắt ấy, tôi chợt ngây người.

Trương Dịch?!

Trong lớp này, Trương Dịch là người duy nhất tôi không muốn bộc lộ sự nhếch nhác, xấu hổ của bản thân trước mặt cậu ấy.

Mặt tôi lập tức đỏ bừng, như thể cuối cùng cũng nhớ ra điều gì đó, hận không thể chui xuống một cái lỗ nẻ nào đó, càng sâu càng tốt. Trong lòng thầm nghĩ: Sao cậu ấy lại ngoảnh đầu lại? Vì sao lại là cậu ấy? Vì sao phải ngoảnh đầu nhìn lúc này? Vì sao lại là tôi?

Một trái tim, một trái tim không biết hối cải, một trái tim chẳng quan tâm đến điều gì, trong khoảnh khắc ấy đã chìm xuống vực sâu vạn trượng, tựa như chiếc thuyền chìm vào biển sâu.

Trương Dịch của lớp chúng tôi giống như một huyền thoại vậy.

Cậu ấy là một trong số ít những học sinh ngoan ở độ tuổi này: Luôn hoàn thành bài tập đúng hạn, trả lời các câu hỏi một cách cẩn thận, ghi chép tỉ mỉ, luôn đóng toàn bộ cúc áo đồng phục một cách chỉn chu, huy hiệu trường lúc nào cũng đeo trên ngực trái. Dáng vẻ cậu đứng ở nơi đó giống như một cây bạch dương cao ngất, lá cây được ánh mặt trời chiếu rọi, phản chiếu ánh vàng rực rỡ.

Chàng trai đẹp trai năm mười sáu tuổi ấy cũng thật nổi bật. Và nếu thành tích học tập của cậu ấy cũng tốt nữa thì thật là hoàn hảo.

Thật khéo, Trương Dịch lại chính là người như thế. Cậu ấy đứng thứ nhất trong kỳ thi khảo sát toàn thành phố vừa mới kết thúc cách đây không lâu.

Cậu ấy ngồi phía trước bên trái tôi. Khoảng cách từ chỗ ngồi của tôi đến chỗ cậu ấy chưa tới một mét. Chỉ cần nhìn lên bảng đen, tôi liếc mắt một cái là thấy ngay cái gáy của cậu ấy. Khi trả lời câu hỏi, tiếng phổ thông của cậu rất chuẩn, giọng cũng rất êm tai.

Tôi rất thích cậu ấy.

Thích thường có nguyên nhân, đó là một loại cảm xúc âm thầm phát triển rồi đột ngột phá đất nảy mầm từ lúc nào không hay.

Đó là một buổi thứ bảy sau khi khai giảng không lâu, không được nghỉ vì phải học bù. Mọi người trong lớp đang ôn bài, còn tôi vẫn đọc tiểu thuyết như thường lệ.

Hạ Vi Vi liếc tôi một cái, không nói gì.

Tôi biết cậu ấy không thích tôi – chính cậu ấy từng nói, con gái có thể ngốc nhưng phải xinh, hoặc là xấu nhưng phải thông minh, nhưng nếu đã không đẹp lại còn đần độn thì đúng là không có thuốc chữa.

Mà tôi lại chính là loại con gái không có thuốc chữa ấy, cho nên bị ghét cũng là chuyện bình thường.

Trong giờ học, tôi có đi WC, tiện tay nhét cuốn tiểu thuyết vào ngăn bàn. Bởi vì tiện tay nhét vào cho nên không nhét cẩn thận, mãi sau mới nhớ ra, lúc ấy cuốn sách kia bị lộ ra một góc, đặt nghiêng nghiêng trên cặp sách, như thể chỉ cần chạm nhẹ một cái là sẽ rơi xuống. Vị trí địa lý hết sức nguy hiểm, là một trong những điều kiện có thể gây ra sự cố.

Lúc về lớp, ngay lúc tôi định bước vào lớp học, tôi chợt nhìn thấy bóng dáng lão Vương vừa đi vừa dừng bên cạnh học sinh – nhìn bài tập một chút, nhìn sách giáo khoa một lát.

Ngay khi lão Vương chuẩn bị đi đến chỗ của tôi, Hạ Vi Vi đột ngột rung bàn, “lộp bộp” một tiếng, cuốn sách ngoại khoá kia bị rơi xuống đất!

Tôi bất giác dừng bước trước cửa lớp, vô thức che kín miệng!

Bởi vì cuốn sách này, tầm mắt lão Vương đột nhiên quay lại, một khắc đó, tôi đứng ở cửa phải cố gắng lắm mới có thể kìm nén tiếng hét sắp bật ra!

Cuốn sách ngoại khoá đó, cứ yên tĩnh nằm trên mặt đất giữa hai dãy bàn học, bìa màu cam nhạt, không cần cúi đầu cũng có thể thấy rõ tên sách: “Hoàng tử bé”.

Đó là cuốn sách mới được mẹ tôi mang về, có cả tiếng Trung và tiếng Anh, còn có tranh minh hoạ nhiều màu sắc, rất đẹp mắt. Tôi cực kỳ thích, đã đọc vô số lần, chú hồ ly si tình kia, đoá hoa hồng kiêu sa nọ, chúng ở một tinh cầu xa xôi, cô đơn nhưng vẫn kiên trì bảo vệ tình yêu.

Nhưng mà, cũng vào ngay lúc đó, câu chuyện đã xuất hiện một bước ngoặt lớn — Trương Dịch đang làm bài tập thấy cô Vương đi tới thì vội vàng đứng lên hỏi một vấn đề về tiếng Anh. Lúc đứng dậy, cậu ấy vấp vào ghế, lùi lại một bước, và vô tình giẫm lên cuốn sách mới tinh của tôi!

Tôi đứng ở cửa, thấy rõ cậu ấy hơi ngạc nhiên, cúi đầu, nhặt cuốn sách kia lên.

Lúc ấy cô Vương đã đi đến, cô ấy thấy Trương Dịch nhặt sách thì hỏi: “Đây là sách của em à?”

Điều khiến tôi không ngờ tới là, Trương Dịch lại gật đầu.

Sau đó tôi nghe thấy rất rõ, cậu ấy nói: “Sách song ngữ Trung – Anh, em đang luyện tập đọc hiểu ạ.”

Cô Vương mỉm cười gật gật đầu, sau đó cúi đầu nghiêm túc giảng đề tiếng Anh cho cậu ấy.

Trái tim của tôi, dần dần, trở lại vị trí cũ.

Hôm đó, tôi nghiêm túc nói một tiếng “cảm ơn” với Trương Dịch.

Nhưng Trương Dịch không có biểu cảm gì, cậu ấy gật đầu, đưa tay lau bìa sách bị bẩn.

Cậu ấy nói: “Xin lỗi, chỉ là tôi thấy xấu hổ vì giẫm lên sách của cậu.”

Cậu ấy ngừng một chút, rồi nói tiếp: “Cuốn này hay lắm.”

Tôi trừng mắt nhìn chàng trai được nhiều bạn học nữ yêu thích này, bỗng nhiên sửng sốt. Một dòng nước ấm len lỏi chảy qua, trong không khí hanh khô của mùa đông giá rét, âm thầm dưỡng ẩm cho vạn vật.

Có lẽ, ngay tại khoảnh khắc đó, tôi đã thầm mến Trường Dịch, chàng trai ưu tú nhất lớp chúng tôi. Bởi vì nguyên nhân này, tôi không chỉ không còn hận Hạ Vi Vi nữa, mà ngược lại còn hơi hơi cảm kích cậu ấy – cảm ơn cậu ấy đã khiến tôi và Trương Dịch có duyên cớ gặp gỡ thoáng qua như vậy.

Vì thế, năm mười sáu tuổi này, tôi đã có bí mật đầu tiên trong đời – trên cuốn nhật ký màu xanh nhạt có một ổ khoá nhỏ, tôi lặng lẽ viết ra những ảo tưởng về cô bé Lọ Lem và chàng hoàng tử: Cô bé Lọ Lem và hoàng tử, trong làn váy của điệu Waltz và những cái xoay tròn, ánh mắt khẽ chạm vào nhau. Sau khi đồng hồ điểm mười hai giờ, cô bé Lọ Lem làm rớt đôi giày thuỷ tinh, mà chàng hoàng tử cũng đã mất dấu Lọ Lem.

Trong tưởng tượng của tôi, tôi là Lọ Lem còn Trương Dịch là hoàng tử.

Cho nên, tôi không sợ ánh mắt coi thường của mọi người, mà chỉ sợ chàng trai ở phía trước bên trái đó lộ ra ánh mắt khinh thường dù chỉ là một chút.

Bởi vì thích, cho nên để ý như vậy.

Nhưng mà hiện tại, Trương Dịch à, cậu nên khinh thường tôi như thế nào đây?

Một lát sau tôi về đến nhà. Nhà tôi là một căn nhà nhỏ nằm khuất trong một con ngõ, ở đầu ngõ có mấy cây phù dung rất to, hè vừa đến những đoá hoa màu hồng phấn đã nở rộ, nhuộm cả không khí trong một mùi hương ngào ngạt. Vì thế, người ta gọi con ngõ này là “con ngõ Hoa Thụ Lí”. Tôi ở sân số 27, một cái sân không lớn lắm, có bốn hộ gia đình ở đấy. Đã bao nhiêu năm qua, người già khuất bóng, trẻ nhỏ chào đời, tổ hợp bốn hộ gia đình này lại chẳng có gì thay đổi.

Lúc tôi đẩy cửa lớn ra, cánh cửa gỗ cũ kĩ phát ra tiếng “kẽo kẹt”.

Bà ngoại đang dọn đồ ăn ra bàn, nghe thấy tiếng động, không quay đầu lại đã nói: “Tiểu Đào về rồi đấy à?”

“Tiểu Đào” là tên mụ bà ngoại đặt cho tôi, bởi vì tôi sinh ra vào tháng 8, lúc bà ngoại bế tôi ra khỏi bệnh viện, khi ấy con đường bên ngoài bệnh viện đầy rẫy người bán đào. Những quả đào vừa to vừa ngọt, trông có vẻ mọng nước. Bà ngoại nói, cô nhóc nhà chúng ta thật là xinh đẹp, giống như trái đào mật vậy, hay gọi là Tiểu Đào đi.

Từ đó về sau, bà ngoại khăng khăng gọi tôi là Tiểu Đào. Dần dần, hàng xóm xung quanh cũng bắt đầu gọi: Tiểu Đào, Tiểu Đào, Tiểu Đào,…

Mỗi lúc như thế tôi luôn cố gắng giải thích: Tên cháu là Đào Oánh.

Bởi vì tôi nhớ mẹ từng nói: Oánh, có nghĩa là óng ánh, trong suốt, nói rằng con gái nhà chúng ta phải luôn có đôi mắt trong veo và một trái tim trong sáng.

Một cái tên trong sáng như vậy hay cỡ nào!

Nhưng mọi người vẫn quên tên của tôi, vẫn cứ kêu: Tiểu Đào, Tiểu Đào, Tiểu Đào,…

Dần dần tôi buông tha cho việc giải thích, bởi vì tôi nghĩ tên gọi cũng chỉ là một nhãn hiệu mà thôi. Nếu tôi vẫn là tôi, thế thì có là Đào Oánh hay là Tiểu Đào thì cũng chẳng quan trọng nữa.

Bữa tối là món cà tím om sở trường của bà ngoại, và đó cũng là món tôi yêu thích. Nhưng món cà tím om hôm nay vì việc mời đến gặp của lão Vương mà có vị là lạ.

Ăn được nửa bữa cơm, tôi mới có dũng khí nói cho bà ngoại: “Cô giáo của bọn cháu bảo ngày mai phụ huynh đến gặp một lát.”

Bà nghiêm túc nhìn tôi: “Cháu gặp rắc rối à?”

Tôi mếu máo, liếc nhìn bà một cái: “Bà thấy cháu có giống vậy không ạ?”

Bà không tin: “Thế bảo bà đến làm gì?”

Tôi không có cách nào khác đành phải nói: “Cô giáo muốn nói chuyện với phụ huynh của từng bạn trong lớp.”

Bà nửa tin nửa ngờ: “Thật không?”

Tôi gật gật đầu.

Bà một tay cầm bát, một tay cầm bánh bao nhúng vào phần nước canh còn lại trong bát, vừa nhúng vừa hỏi: “Khi nào?”

“Bốn giờ chiều mai ạ, ở phòng họp lớp mười, cũng chính là văn phòng đối diện với lớp bọn cháu.”

“Ừ, bà biết rồi.” Bà lẩm bẩm, tôi ngẩng đầu nhìn vẻ mặt bà, không có biểu tình gì.

Tối hôm đó, tôi làm bài tập xong ra khỏi phòng, nghe thấy bà ngoại gọi điện thoại cho mẹ tôi. Tôi ghé vào cánh cửa, bà ngoại bị lãng tai nên giọng rất to, tôi nghe thấy rõ ràng.

Bà ngoại nói: “Cô giáo bảo phụ huynh đến, đáng lẽ bọn con làm cha mẹ nên ra mặt, cuối cùng lại phải tìm bà lão không minh mẫn này, chẳng có ai làm cha mẹ như bọn con cả…”

Bà cằn nhằn phàn nàn, phàn nàn việc cha mẹ đẩy tôi đến chỗ bà, phàn nàn cha mẹ lâu rồi không về nhà, phàn nàn bọn họ đi xa quá, không thèm quan tâm con cái của mình…

Tôi không nghe nổi nữa, quay về phòng mình.

Tôi cảm thấy sống mũi hơi cay cay, nhìn tấm ảnh “gia đình” trên bàn, cố gắng nhớ lại bóng dáng của cha mẹ.

Nhưng đáng buồn thay – nếu không có ảnh chụp, tôi chẳng thể nhớ nổi dáng vẻ của cha mẹ như thế nào.

Chỉ nghe bà ngoại từng kể, mười tháng tuổi, tôi vừa mới cai sữa, mẹ đã phải đi Tây Bắc; một tuổi ba tháng, cha cũng đi Tây Bắc. Kể từ lúc đó một mình tôi tự học và trưởng thành – trong những năm tháng không biết cô đơn là gì, nỗi cô đơn đã len lỏi khắp mọi nơi. Ân Nhiên ở sân số 36 cuối tuần nào cũng được mẹ dẫn đi vẽ tranh tại trường tiểu học trực thuộc Học viện Nghệ thuật, cậu ấy còn thường xuyên phàn nàn, luôn tìm cách trốn học. Dĩ nhiên cậu ấy không biết tôi cũng rất thích vẽ tranh, nhưng chẳng ai quan tâm sở thích này của tôi cả. Rồi lên tiểu học, tôi mê đàn Organ nhưng cũng chẳng có người cha nào cho tôi đi học đàn. Dần dần, ngoại trừ đi học và đọc rất rất nhiều sách ngoại khoá, hình như tôi chẳng có thú vui nào khác nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, tuổi thơ của tôi thật buồn tẻ biết bao.

Nhưng mà cũng may, tôi có rất rất nhiều sách.

Của cha mẹ tôi, bọn họ ở tận nửa kia đất nước, không biết gì về giai đoạn trưởng thành của con gái, cũng không dám dựa dẫm hoàn toàn vào sự dạy dỗ của bà ngoại vốn mắt đã mờ. Cách đối phó duy nhất của bọn họ là sách, đằng sau những cuốn sách rực rỡ sắc màu chính là thế giới trong sách tràn đầy hấp dẫn. Vì thế ngay từ hồi tôi còn nhỏ, bọn họ luôn nhấn mạnh niềm vui của việc đọc sách, hy vọng dùng cách thức này để điều chỉnh hành vi của tôi. Trong suốt những năm tháng trưởng thành, tôi không còn bướng bỉnh và nghịch ngợm nữa, mà sẽ yên tĩnh đọc sách. Họ nên cảm thấy may mắn vì đã thành công — đối với tôi của ngày hôm nay, chỉ khi đọc sách ngoại khoá mới có thể cảm nhận được niềm vui. Bởi vì những lúc ấy, tôi mới cảm thấy bản thân đang nói chuyện với những người bạn muôn hình muôn dạng trong sách.

Nhưng mà dần dần, cuộc sống của tôi cũng vì thế mà ngày càng đơn điệu, cô độc. Dường như tôi không thể tách khỏi những cuốn sách ngoại khoá nhiều màu sắc này – lúc đi học tôi đọc sách ngoại khoá, tan học cũng đọc sách ngoại khoá, về nhà lại tiếp tục đọc sách ngoại khoá. Cứ thế, trong 72 người của lớp 10-12, thành tích của tôi giảm xuống hạng thứ 60 và ổn định ở đấy. Về cơ bản, trạng thái này có thể miêu tả bằng một câu thơ cổ: “Nước bay thẳng tắp ba nghìn thước / Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây” (Xa ngắm thác núi Lư – Lí Bạch | Dịch thơ Tương Như)

Bởi vì sách, tôi cô đơn, mà không cô độc.

Những người bạn của tôi, họ đứng xung quanh tôi, lẳng lặng nhìn tôi lớn lên – ở trong phòng tôi, bốn bức tường đều là sách. Giá sách được cha tự tay làm, mỗi giá sách có năm tầng, cha tôi cẩn thận quét sơn trắng lên, khiến chúng trông rất là sáng sủa. Sau đó chúng tôi cùng nhau xếp hơn một nghìn đầu sách báo lên đó, xan xát nhau, giống như hàng ngũ ngay ngắn, trật tự.

Mỗi sáng lúc rời giường, nhìn thấy những cuốn sách này, tôi sẽ cảm thấy thật hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống tẻ nhạt này; đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi, ngoại trừ những ảo tưởng về hoàng tử.

Dường như tôi chưa từng nghĩ tới, nếu có một ngày, giấc mộng này trở thành sự thật thì sao?

Dẫu vậy, tôi luôn bí mật ghi lại những đoạn liên quan đến Trương Dịch trong nhật ký của mình và lặng lẽ quan sát cậu ấy – dáng vẻ cậu ấy học, dáng vẻ cậu ấy cười rộ lên, dáng vẻ cậu ấy cau mày làm đề… Nhưng người ưu tú như cậu ấy, đối với một cô gái bình thường lại tự ti như tôi, giống như một ngọn núi xa xôi, mơ hồ, không thể với tới.

Chưa từng nghĩ rằng, khoảng cách của chúng tôi, sẽ nằm trong khoảng 50 mét.

Cho nên lúc tôi nghe thấy chủ nhiệm lớp tuyên bố để Trương Dịch làm bạn cùng bạn của tôi thì vô cùng sửng sốt!

Cả lớp ai cũng ngạc nhiên!

Thậm chí tôi còn không ngờ cuộc gặp mặt giữa bà ngoại và cô Vương chủ nhiệm lớp lúc bốn giờ chiều sẽ thay đổi vận mệnh của cuộc đời tôi.

Sau đó nghe bà ngoại nói, cô Vương đã kể cho bà nghe câu chuyện và nỗi xấu hổ của một cô gái thuận tay trái. Cô ấy xin phép bà ngoại cho tôi ngồi một mình một bàn, ở bên cạnh bục giảng.

Bà ngoại cũng không nói đồng ý hay không. Bà chỉ kể về tuổi thơ của một cô bé: Vừa sinh ra sức khoẻ đã không tốt, thường xuyên bị ốm đau bệnh tật, thậm chí có lúc còn hôn mê; cha mẹ không ở bên cạnh, từ nhỏ đã phải trưởng thành trong sự bấp bênh, đường học tập luôn dài hơn các bạn cùng trang lứa; cuối cùng cũng học được cách viết chữ, nhưng lại thuận tay trái, sửa thế nào cũng không được; một cô bé thuận tay trái không xinh đẹp, không thông minh, sau khi đi học luôn bị các bạn cười chê, dần dần trên gương mặt bầu bĩnh chẳng còn xuất hiện nét tươi cười…

Bà nói, bà chưa bao giờ mong đợi cháu ngoại mình có thể thi được hạng nhất, tâm nguyện duy nhất của bà là đứa nhỏ này có thể lớn lên khoẻ mạnh, học được thêm vài điều là được…

Cuối cùng, bà ngoại khóc, cô Vương cũng khóc.

Bà ngoại nói cô Vương là một cô giáo tốt. Cô ấy ngỏ ý ngay lúc đó: Không những không thể để tôi ngồi một mình mà còn muốn tôi ngồi cùng bàn với Trương Dịch – học trò mà cô tâm đắc nhất!

Cô ấy nói với bà ngoại, cô tin tưởng người tốt tính, có phong thái như Trương Dịch sẽ khoan dung và cảm thông với cô bé thuận tay trái cô đơn từ nhỏ đến giờ là tôi.

Cứ thế, vào tháng mười một năm ấy, khi trận tuyết đầu mùa của mùa đông còn chưa đổ, cô bé thuận tay trái là tôi, có một người bạn cùng bàn mới.

Cậu ấy tên là Trương Dịch, là cậu bạn đẹp trai, ưu tú nhất lớp 10-12, là bí mật cao ngất như cây bạch dương trong cuốn nhật ký màu xanh nhạt có ổ khoá nho nhỏ của tôi.

Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!