Người ở bên tay trái của tôi

Chương 7
Trước
image
Chương 8
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

Đó là lần đầu tiên tôi đứng trước công chúng.

Trong hội trường rất đông, chỉ khẽ nâng đầu lên là có thể thấy rất nhiều giám khảo ngồi ở hàng ghế đầu tiên. Xung quanh yên tĩnh đến vậy, tôi lại chợt thấy cô độc.

Trên sân khấu to nhường này chỉ có một mình tôi, tôi có thể nghe thấy tiếng tim đập thình thịch, thình thịch của chính mình.

Tôi ngẩng đầu, đột nhiên rất muốn tìm chỗ ngồi của lớp tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ hóa ra bản thân lại dựa dẫm và tin tưởng vào tập thể đến thế. Tôi nhìn một lượt, không thấy, tôi bỗng sợ hãi. Nhưng đúng lúc gần như hít thở không thông, tôi bất ngờ nhìn thấy hai người đứng bật dậy ở phần nửa sau khán đài. Họ làm dấu chiến thắng và cố gắng vẫy tay với tôi.

Chính là Điền Giai Giai và Doãn Quốc Đống!

Lòng tôi chợt lắng lại, như cánh diều chấp chới trên bầu trời vì không thấy mục tiêu lại đột nhiên phát hiện những ánh mắt quan tâm dưới mặt đất và sợi dây diều chắc chắn trong tay họ. Đó là phương hướng tin cậy nhất giữa không trung vô ngàn.

Tôi hít sâu một hơi, chậm rãi bắt đầu bài phát biểu của mình.

Tôi nói: “Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn, thưa toàn thể quý vị, em là Đào Oánh đến từ lớp 11-11. Chủ đề bài phát biểu của em hôm nay là <Tính chất của lịch sử>.”

Bài phát biểu được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của giáo viên Ngữ văn. Trong bài phát biểu, tôi nói: “Nếu giả như lịch sử cũng có tính chất, như vậy tính chất của lịch sử chính là đá. Bề ngoài của đá có thể bị bào mòn dần sau khi trải qua thăng trầm mưa gió nhưng tinh thần lại chẳng thể hủy diệt được. Từ những bức họa trên đá thời Đông Hán đến điêu khắc Phật giáo thời Đường, họ đã dùng đá để khắc ghi lịch sử, ghi lại một thời huy hoàng, vẻ vang và đáng tự hào của dân tộc…”

Tôi dần dần không cảm thấy căng thẳng nữa, dường như tôi đã thực sự trở lại thời nhà Đường thịnh vượng, trong những thứ gọi là ‘y hương tấn ảnh’ [1], ‘khúc nghê thường’ [2], hay nhịp trống, hoa văn trên tơ lụa.

[1] Y hương tấn ảnh – 衣香鬓影: (thành ngữ) có thể hiểu đại khái là ‘quần áo lụa là thơm tho, dáng dấp tóc mai yểu điệu’. Theo Baike giải thích, đây là thành ngữ thường được dùng để chỉ người con gái ăn mặc phục trang hoa lệ.

[2] Khúc nghê thường: Một điệu ca vũ xưa. Điệu múa của các tiên nữ mặc nghê thường, tức xiêm có nhiều màu như cầu vồng.

Giọng tôi trở nên hùng hồn hơn, thậm chí tôi còn cảm nhận được sự thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt mình. Tôi chỉ vô thức nhẩm lại những câu từ đã thuộc làu làu từ trước, như thể lời nói cũng có quán tính, cứ thế tràn ra khỏi đại não: “Nếu lịch sử cũng có tính chất thì có lẽ tính chất của lịch sử chính là nước. Những con sông chảy xiết kia không chỉ nuôi dưỡng mảnh đất rộng lớn này mà còn nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu, cần cù của những người con Trung Hoa. Khi bước qua dòng sông 5000 năm tuổi, khi đi ngược dòng lên thượng nguồn, chúng ta mơ hồ thấy được những nền văn minh xán lạn và lịch sử đầy huy hoàng…”

“Nếu lịch sử cũng có tính chất, vậy thì tính chất của nó chính là lửa. Chỉ là một tia lửa nhỏ, tuy không lớn nhưng đủ để cháy lan ra khắp thảo nguyên. Nó bùng cháy từ Nam chí Bắc, thiêu rụi mảnh đất Trung Quốc và bùng cháy lên một thế giới hoàn toàn mới…”

“Nếu lịch sử có tính chất thì tính chất của nó chính là máu. Đó là lòng trung thành của vô số con người với lý tưởng cao cả đã đầu rơi máu chảy để đổi lấy nền hòa bình hạnh phúc hôm nay. Đó là lá cờ đỏ có thể thấy trong ngục giam, là khẩu hiệu cuối cùng trong sinh mệnh, là tương lai họ chưa từng gặp, cũng là tự do của dân tộc mà họ tình nguyện dùng mạng sống của mình để đổi lấy…”

Cuối cùng, ở trên sân khấu chói lọi rực rỡ này, tôi đã quên mất chính mình, quên hết những tổn thương, đau khổ, quên mất nỗi tuyệt vọng khi lòng tự trọng bị đạp đổ. Cuối cùng tôi cũng đánh thức được dũng khí đang say ngủ của chính mình, cuối cùng cũng nghe thấy âm thanh của sự tự tin đang đâm chồi nảy lộc trong giọng nói của mình —— Nếu như giọng nói có bí mật, vậy bạn có nghe thấy niềm vui và khúc hát vô ưu ở sâu trong nội tâm của tôi không?

Dù chỉ là khoảnh khắc cũng khiến tôi muốn níu kéo.

Hốc mắt tôi dần đong đầy nước mắt, dường như tôi đã bị cảm động vì chính bản thân mình. Khoảnh khắc ấy, xuyên qua đường hầm thời gian, tôi phảng phất nhìn thấy một cuộc sống mới sắp bắt đầu và vô số ước mơ sẽ trở thành sự thật.

Vào ngày hôm ấy, ngay khoảnh khắc đó, ở trên sân khấu, tôi mơ hồ thấy được sự trùng lặp giữa một số giấc mơ và thực tế hôm nay, tôi bắt đầu nghi ngờ suy nghĩ của chính mình: Tôi thực sự không có ước mơ sao? Tôi thực sự muốn cắt đứt con đường tương lai của mình ư? Tôi thực sự vô duyên với đại học sao?

Hôm đó, tôi đã giành được vị trí thứ nhất toàn trường.

10 ngày sau, tôi đại diện cho trường tham gia cuộc thi hùng biện cấp thành phố và vẫn đứng nhất.

Tôi đã chiến thắng.

Tôi biết tôi đã chiến thắng chính mình, điều đó quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.

Tôi quen giáo sư Đinh Ký Lâm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm cũng nhờ cuộc thi hùng biện cấp thành phố đó. Thầy là một ông lão tóc hoa râm, cũng chính là chủ tịch ban giám khảo cuộc thi. Thầy đã cho tôi lời bình: Bài phát biểu có góc nhìn mới lạ, văn chương xuất sắc, cảm xúc chân thành tha thiết, giọng văn, cách diễn đạt và hành động rất tự nhiên, kỹ năng đọc diễn cảm mang tính nghệ thuật cao.

Sau lễ trao giải, thầy còn nói với tôi: “Cô bé à, em nên đăng ký học chuyên ngành Phát thanh dẫn chương trình. Chỉ cần cố gắng, nhất định em sẽ trở thành một MC ưu tú.”

Tôi cực kỳ vui mừng và xen chút ngượng ngùng, bởi tôi biết mình không xinh đẹp, người có ngoại hình như tôi không thể làm MC được.

Hình như thầy có thể nhìn thấu tâm tư của tôi: “Cô bé, không cần biết có thể hay không, em nên đi thử một lần cho biết. Theo kinh nghiệm của thầy, người không có ngoại hình xinh xắn thường rất ăn ảnh, còn người đẹp lại không ăn ảnh cho lắm. Em nên đi thử xem, vậy mới không tiếc nuối chứ. Nếu em không thử, làm sao em biết mình không được?”

Lòng tôi chợt sáng tỏ, tôi ngẩng đầu nhìn mái đầu hoa râm cùng với gương mặt mỉm cười và ánh mắt đầy khích lệ của thầy.

Trước khi đi, thầy bước lại gần tôi và nói rất thấm thía: “Nếu em không thích ngành này thì đành thôi, nhưng nếu em thích, thầy khuyên em nên thử sức một lần. Mặc dù nghề này rất khổ nhưng lại có niềm vui riêng của nó. Nếu một ngày nào đó em trở thành người dẫn chương trình phát thanh cũng được, không ai thấy dáng vẻ của em nhưng em có thể mang đến niềm vui cho mọi người qua sóng vô tuyến. Em phải biết rằng người hạnh phúc nhất chính là người có thể đem lại niềm vui cho người khác.”

Tôi dõi mắt theo bóng thầy rời đi, chợt thấy như có một dòng nước ấm, dòng suối trong lành hay ôn tuyền ấm áp giữa mùa đông lạnh lẽo, từng chút từng chút chảy qua nội tâm khô cạn của tôi, thấm đẫm vùng đất khô cằn bằng tiếng chim và hương hoa.

Lần đầu tiên trong thế giới tuyệt vọng và thờ ơ của tôi xuất hiện một ngọn hải đăng kiên cường —— Đó là tiếng gọi hướng về tương lai và lý tưởng khiến tôi nóng lòng muốn thử sức.

Có hai ‘tôi’ đang đấu tranh kịch liệt: Một ‘tôi’ nói “Tôi thích, tôi thật sự thích”, mà ‘tôi’ kia lại nói “Mày cứ mơ đi, mày dựa vào cái gì”. Cãi nhau rất lâu, đến mức đầu tôi muốn nổ tung luôn, song vẫn không thể lừa dối bản thân rằng: Tôi thích, tôi thật sự thích cuộc sống và nghề nghiệp này. Mỗi sáng sớm, mỗi hoàng hôn, mỗi khi khán giả không nhìn thấy nhưng lại có thể nghe thấy âm thanh của tôi, tôi muốn dùng trái tim chân thành, giọng nói êm dịu để truyền hạt giống vui vẻ tới mỗi người xa lạ, sau đó nhìn nó lớn dần trong cuộc đời của họ.

Những tưởng tượng và khao khát đẹp đẽ như vậy đã khiến trái tim vốn đã tuyệt vọng của tôi một lần nữa chứa chan niềm hy vọng.

Cứ thế, người chưa từng có khát vọng như tôi đã sinh ra tâm trạng mang tên mơ ước. Giống như khinh khí cầu nhiều màu sắc đang bay lượn về phía chân trời.

Ước mơ của tôi, ước mơ đẹp đẽ ấy chính là trở thành một người dẫn chương trình, dùng thanh âm của mình để truyền niềm vui tới mọi người, bất cứ lúc nào, bất kể nơi đâu.

Cuộc thi đã kết thúc nhưng có một số thứ chỉ vừa mới bắt đầu.

Điền Giai Giai là người đầu tiên gửi lời chúc mừng đến tôi. Trong sách giáo khoa, tôi nhìn tấm thiệp màu hồng nhạt với dòng chữ xinh xắn: Chúc mừng bạn yêu của tớ, cậu giỏi quá!

Trong buổi sớm huyên náo, một dòng nước ấm đang từ từ lan ra.

Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là những người bạn cùng lớp bình thường không hay nói chuyện với nhau cũng dành cho tôi những lời chúc rất chân thành tương tự.

Chỉ một nụ cười, chỉ một câu “Cố lên”, chỉ là vài câu chúc mừng của mấy cậu bạn ngồi đằng sau nhưng đã đủ chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của Tam Cửu [3], đang gợn lên một mùa xuân ấm áp nhất trong cái không khí lạnh giá nhất của mùa đông.

[3] Nguyên văn là 三九严寒: đề cập đến “chín ngày” thứ ba sau ngày đông chí, tức là ngày thứ 19 đến thứ 27 sau ngày đông chí. (Theo Baidu)

Cuối tháng 12, tôi mới biết ánh mặt trời ấm áp thế nào, không khí tươi mát ra sao, thế giới này đáng yêu cỡ nào!

Nhưng chỉ có Trương Dịch là đi ngang qua tôi mà mặt không chút thay đổi.

Thấy vậy, Điền Giai Giai khó hiểu: “Lạ thế, hôm cậu đi thi cậu ấy căng thẳng lắm.”

“Cậu ấy căng thẳng cái gì?” Tôi cũng thấy khó hiểu.

Điền Giai Giai liếc tôi một cái: “Cậu ở trên sân khấu nên không thấy, cậu ấy ngồi ngay bên cạnh tớ mà cứ nhìn cậu suốt, tay thì nắm chặt, chóp mũi toàn là mồ hôi. Tớ còn tưởng cậu ấy bị bệnh nữa. Sau đó quan sát kỹ hơn mới biết cậu ấy đang căng thẳng. Chắc sợ cậu mắc sai lầm gì đó, còn căng thẳng hơn cả cậu nữa.”

Cô ấy ngẫm lại rồi bổ sung thêm câu: “Cảm giác vẻ vang vì tập thể của lớp trưởng mãnh liệt thật đấy!”

Tôi sửng sốt, sau đó mỉm cười với cô ấy rồi cúi đầu nhìn sách giáo khoa. Mặc dù mấy chữ này không lọt vào đầu nhưng tôi vẫn ngẩn người nhìn chằm chằm vào chúng. Hình như tôi mới phát hiện ra trong lòng mình đã không còn những yêu thích và oán hận mãnh liệt ấy nữa!

Điều đó khiến tôi cảm thấy khá bất ngờ: Sau khi có được ước mơ thuộc về riêng mình, tôi lại có thể thay đổi lớn đến vậy ư?!

Tất nhiên tôi vẫn không thể nguôi ngoai trước những người, những việc đó, có lẽ vẫn không thể tha thứ nhưng giờ không bị điều ấy trói buộc nữa mà thay vào đó có thể thoải mái hít thở.

Dẫu biết rằng những ước mơ ấy cũng có cánh và những ước nguyện đó vẫn ở nơi xa mà tôi không thể nhìn thấy nhưng tôi đã có thể nghe thấy tiếng cửa mở giòn tan. Đó là cánh cửa trong trái tim tôi, vốn đã đóng lại trong nhiều năm và tích tụ quá nhiều bụi bặm, nhưng bây giờ nó đã rũ bỏ lớp bụi và từ từ mở ra.

Tối hôm đó, tôi cất giấy chứng nhận giải thưởng vào ngăn kéo dưới tủ. Lúc đóng ngăn kéo lại, tôi cúi đầu xuống và nhìn thấy chiếc hộp cát tông đầy bụi bặm dưới gầm giường.

Tôi kéo mạnh nó ra ngoài và mở ra. Trên tầng cao nhất, ngôi nhà nhỏ bằng pha lê vẫn trong sáng lung linh dưới ánh đèn.

Tôi đặt nó trong lòng bàn tay và giơ cao lên, nhìn những mặt cắt nhẵn, các cạnh và góc sắc nét, ánh sáng rực rỡ màu sắc, nó vẫn đẹp như ngày nào. Mà lúc này nhìn ngôi nhà nhỏ, dường như tôi có thể nhớ lại khoảng thời gian ấy, nó đang hiện ra rõ ràng trước mắt tôi. Tôi khẽ khàng thổi bay mấy hạt bụi bên trên rồi cất nó vào hộp. Tôi còn cẩn thận phủi bụi bặm trên hộp và dán kín băng dính vào các khoảng trống.

Lúc dán băng dính, tiếng “xoẹt, xoẹt” đập vào màng nhĩ, trí nhớ và cả trái tim của tôi. Hình như tôi lại thấy chàng trai tôi từng thích khi tôi còn thích cậu ấy, nụ cười thân thiện, dáng vẻ điềm đạm, còn câu nói đầy chính nghĩa “Cậu ấy là bạn cùng bạn của tôi” kia nữa.

Những kỷ niệm đó khiến tôi bồi hồi, song vẫn ân ẩn đau thương: Tôi biết mình vẫn chưa thể tha thứ cho cậu ấy. Có lẽ, vĩnh viễn không thể tha thứ cho cậu ấy.

Bởi vì tôi cho rằng: Cậu có thể lấy bất cứ thứ gì ra vui đùa nhưng không thể lấy tình cảm tuổi 16 ra đùa giỡn.

Dù sao tuổi 16 chỉ có một mà thôi. Mất đi sẽ không bao giờ quay trở lại được, tổn thương vĩnh viễn không thể hồi phục —— Đó mới là điều khiến tôi thấy đau lòng và nuối tiếc, là vết sẹo ân ẩn đau mà năm tháng để lại trên da thịt.

Theo thường lệ, nghỉ đông là phải học bù.

Không ai oán trách gì, hình như mọi người đã quen rồi —— Đây là cuộc sống của chúng ta, cũng là sứ mệnh của chúng ta. Bốn tuần nghỉ đông nếu chỉ được nghỉ một tuần cũng không ai oán thán, nếu như được nghỉ 10 ngày thì đúng là ông trời ban ơn.

Nhưng đối với tôi thì bốn tuần này không phải đi học. Bởi vì tôi xin nghỉ —— trong kỳ nghỉ đông, tôi muốn lên tỉnh thành tìm giáo viên để học các khóa học chuyên ngành phát thanh dẫn chương trình.

Ngày đến phòng giáo vụ xin nghỉ, tôi tình cờ gặp Hạ Vi Vi. Cậu ta cất giọng mỉa mai, nụ cười khinh thường treo trên mặt.

“Đào Oánh, cậu muốn cầm micro bằng tay trái à?” Cậu ta hỏi như thế, có vẻ như vô tình mà lại cố ý đến vậy.

Tôi trả lời đầy tức tối: “Chẳng lẽ không được cầm micro bằng tay trái à?” Tôi ngẩng đầu ưỡn ngực bước qua, lúc quay đầu lại, tôi thấy vẻ mặt tức giận của cậu ta.

Thật ra ngoài giáo viên Ngữ văn ra, không ai nghĩ tôi sẽ thành công.

Kể cả Điền Giai Giai.

Cô ấy hơi cau mày không nói gì, một lúc sau mới hỏi tôi: “Cậu thích thật không?”

“Thật.” Tôi chưa bao giờ dứt khoát thế này.

Trong những năm tháng khốn đốn và xấu hổ, những năm tháng tự ti và hoang mang đó, tôi chưa bao giờ biết rằng chính mình trong mơ cũng có những mặt dễ thương và đáng yêu đến thế.

Nói cách khác, đối với tôi, cuộc sống đã lâu không được viên mãn như vậy.

Ý tôi là, viên mãn.

Viên mãn chính là hạt giống nảy mầm từ đất rồi đâm chồi nảy lộc trở thành một cái kén nhỏ nắm trong lòng bàn tay. Là cảm xúc căng phồng lấy đầy chỗ trống trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy thật hư vô.

Sau khi có ước mơ, rốt cuộc tôi cũng cảm nhận được màu sắc lộng lẫy của cuộc sống đang cập bến trong một buổi chiều đẹp trời.

Tôi nhớ trong quá khứ tôi đã từng đánh mất chính mình: Tương lai của tôi, ước mơ của tôi, hy vọng của tôi. Đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất trong ký ức, tôi như một con tốt trên bàn cờ, chỉ biết cầm lá chắn và thận trọng nhích từng bước, chỉ có thể tiến về phía trước chứ không thể lùi lại. Không có ý định làm tổn thương người khác và không để mình bị tổn thương đã là tốt lắm rồi.

Những lời chế giễu, sự chỉ trỏ của những người đó suy cho cùng chỉ là dòng sông chảy xiết vất vả lội ngược dòng. Mọi thứ chẳng là gì ngoài chuyện —— đã sớm luyện được lòng can đảm không sợ chết thì sợ gì người ta nói mình mặt dày.

Có lẽ tôi chưa thể quên những chuyện từng xảy ra trong quá khứ nhưng giờ thì không còn sợ hãi nữa.

Bởi vì học sinh dễ quên lắm. Có quá nhiều câu chuyện vụn vặt xảy ra sau khi phân ban, ngoại trừ kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến gần, trong đầu không còn chỗ trống cho bất cứ thứ gì khác. Tôi chưa bao giờ oán hay hận một người người xa lạ, bởi vì tôi biết mình không thể quên được điều đó. Nhưng chung quy lại đó là vì sự thất vọng tột độ sau khi mất hết hy vọng, hoặc do tôi không thể đối mặt với Trương Dịch, Hạ Vi Vi, Từ Sướng và tất cả những người, những thứ liên quan đến sự kiện đó.

Cảm ơn ước mơ —— Bởi vì tình yêu đột nhiên chấm hết, tôi lại tìm thấy ước mơ của tôi.

Nó vội vàng tham gia vào cuộc sống của tôi, nhưng cú va chạm đột ngột không khiến người ta cảm thấy đau đớn, có lẽ có thể nói nó còn mang lại một niềm vui nào đó.

Tôi không rõ tương lai sẽ ra sao nhưng sau khi đã trải qua những điều đó, tôi không còn đường trốn nữa, chỉ có thể chiến đấu đến cùng. Đây là lựa chọn duy nhất của tôi, là hy vọng duy nhất có thể cứu vớt tương lai và chính bản thân thôi.

Cho nên tôi đã tìm thấy con đường của chính mình rồi, dù có khổ, có khó vẫn phải cắn răng đi tiếp. Dù sao điều đáng sợ nhất trên thế giới không phải không có sức đi tiếp mà là không có đường để đi.

Cảm ơn Điền Giai Giai, cô ấy thu lại ánh mắt lo lắng rồi khích lệ tôi: Trong tiết tự học, cô ấy đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ, nói rằng tôi phải kiên trì đến cùng —— Dù kết quả ra sao cũng phải kiên trì tới cùng.

Nhưng điều tôi không ngờ nữa là thái độ của mẹ lại tiến bộ đến vậy.

Trong điện thoại, sau khi nghe tôi nói về ý tưởng của mình, mẹ trầm mặc một lúc rồi hỏi: “Con thấy mình có thật sự thích chuyên ngành này không?”

Tôi đáp: “Có ạ.”

Mẹ lại hỏi: “Con nghĩ mình có đủ sức để chống lại những hấp dẫn và áp lực nó mang lại không?”

Tôi thành thật trả lời: “Con không rõ nữa.”

Mẹ thở dài: “Đúng vậy, con vẫn còn nhỏ.”

Yên lặng một lát, mẹ lại nói: “Mẹ có một người bạn làm giảng viên ở Học viện Nghệ thuật, để mẹ hỏi cô ấy thử xem nhé? Nếu cô ấy nói con có thể thử sức thì chúng ta hãy dũng cảm thử một lần!”

Ngữ điệu của mẹ thật kiên định, bình tĩnh và ngập tràn khích lệ. Cách đường dây điện thoại, tôi không thấy được biểu cảm của mẹ nhưng tôi luôn cảm thấy có điều gì đó không rõ ở sâu trong nội tâm đang nhẹ nhàng mở ra.

Trong khi chờ điện thoại của mẹ, tôi không khỏi nhớ lại những hình ảnh ít ỏi còn sót lại về mẹ.

Mẹ tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, có lẽ điều này rất kỳ lạ bởi vì từ nhỏ tôi đã không phải một cô bé xinh xắn.

Mẹ có dáng người mảnh mai, không cao lắm nhưng trông rất dịu dàng và đoan trang. Mẹ đứng ở đó, bạn vừa quay đầu lại là có thể thấy đôi mắt cười tràn ngập bình yên và tĩnh lặng của mẹ tôi. Cha tôi nói khi đang đi dạo trong trường hồi những năm 80, cha thấy một cô gái mặc váy kẻ sọc lướt qua mình, trên người thoang thoảng mùi kem dưỡng da. Cha quay đầu, thấy cô gái ấy lững thững đi vào tòa nhà dạy học gần đó. Cha lặng lẽ đi theo, định làm quen với cô gái ấy.

Cha nói cả đời này cha chỉ ‘hồn bay phách lạc’ với một người phụ nữ. Khi nói những lời đó, cha hơi mỉm cười nhưng không hề xem đó là trò đùa.

Quá trình cha theo đuổi mẹ chính là một giai thoại của trường Đại học Địa chất.

Chàng thanh niên thật thà ấy không biết cách nói chuyện, chất phác, hay ngượng ngùng, muốn đến gần nhưng không có dũng khí, chỉ biết dùng thư tình để đánh gục trái tim cô gái. Nghe nói khi ấy trong trường rất thịnh hành thứ gọi là “thư tình” này, ai ai cũng viết nhưng chất lượng lại không giống nhau. Tình cờ là hồi đó cha tôi thuộc loại văn chương tài hoa, thật ra cha không đẹp trai lắm nhưng lại hơi có nét đẹp nội tâm. Những bức thư tình của cha ít khi ba hoa khoác lác, chỉ thuận miệng nói những điều vui vẻ và tâm tình trong sinh hoạt, nhưng vô tình, có một câu nói đã chạm đến trái tim của người con gái.

Cha viết trong thư: “Plato nói rằng cuộc đời ta là một nửa vòng tròn. Chỉ khi tìm được nửa kia mới có thể hạnh phúc. Tôi mong mình có thể tìm được nửa kia thuộc về mình, khi ấy vòng tròn hoàn chỉnh này mới có thể luôn vui vẻ hạnh phúc về sau.”

Thời nay, câu nói này được rất nhiều người biết tới nhưng trong bầu không khí của những năm 80, nó đã từng là một tòa kiến trúc độc nhất vô nhị. Vì vậy, họ đã đến với nhau vì Plato —— Cô gái mặc áo sơ mi trắng và váy kẻ sọc cùng chàng thanh niên mặc áo khoác xám xanh và quần sợi terylen tổng hợp đã yêu nhau theo cách đó.

Nửa năm sau khi tốt nghiệp, bọn họ kết hôn. Lại thêm một năm nữa, bọn họ có tôi.

Cuộc sống đã hạnh phúc lắm rồi.

Nhưng đơn vị công tác chuyển đến Cách Nhĩ Mộc [4], bọn họ thuộc loại sinh viên có hạn của đơn vị, khu vực Tây Bắc rộng lớn cần họ cống hiến thanh xuân của mình.

[4] Cách Nhĩ Mộc: là một thành phố cấp phó địa khu thuộc Châu tự trị dân tộc Mông Cổ & dân tộc Tạng Hải Tây, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Đấu tranh rất lâu.

Bà ngoại nói khoảng thời gian ấy cha mẹ liên tục cãi nhau, tôi thì khóc không ngừng khiến sân số 37 không có ngày nào được yên tĩnh.

Cuối cùng bà ngoại vẫn đứng ra: “Tiểu Đào để mẹ, hai đứa đi đi.”

Hai người đều sửng sốt.

Có lẽ đó là cách giải quyết hợp lý nhất dưới tình huống ấy.

Vì thế họ rời đi. Hai người từng hứa hẹn sẽ mang hạnh phúc vĩnh cửu đến cho nhau đã cùng đi Tây Bắc, mà con gái nhỏ của họ kéo áo bà ngoại mà lớn lên trong cơn gió ẩm ven biển.

Bọn họ viết thư rất nhiều, gửi tới nơi, bà ngoại sẽ nhờ người đọc cho nghe, có câu nào liên quan tới tôi sẽ chỉ tay cho tôi xem. Lúc ấy tôi chưa biết chữ, ánh mắt quét qua, chỉ nhìn chằm chằm túi áo của bà ngoại và mong ngóng viên kẹo trong đó.

Sau này lớn lên, trở thành tôi đọc thư cho bà ngoại nghe.

Rất thiếu kiên nhẫn.

Điều duy nhất khiến tôi thấy hứng thú là những tấm ảnh, postcard hay gói hàng gửi kèm với thư.

Trong ảnh, mẹ tôi vẫn xinh đẹp, làn da cha tôi đã rám nắng. Bọn họ đứng dưới ánh nắng cao nguyên và mỉm cười.

Lớn hơn một chút nữa.

Sau khi trưởng thành, tôi cũng từng nhớ mẹ nhưng hàng năm chỉ có tháng 2 là có thể thấy mẹ. Vì tôi, cha mẹ chưa bao giờ hưởng thụ ngày nghỉ cùng nhau, mẹ nghỉ tháng 2 còn cha tôi nghỉ tháng 8, chỉ vì một năm có hai tháng là có thể về bên cạnh con gái.

Sự hy sinh ấy tôi lại không hiểu và chẳng bao giờ quý trọng.

Tôi rất ghét mấy ngày ít ỏi này vì mẹ cứ kiểm tra bài tập của tôi, ghét mẹ đi tới đi lui ảnh hưởng đến việc tôi đọc tiểu thuyết, cũng ghét những giọt nước mắt cố gắng nén xuống mỗi khi rời đi của mẹ.

Ghét mẹ rời đi, cũng ghét mẹ ở lại.

Do tính cách quái gở nên tôi chẳng khác gì con nhím nhỏ đầy gai, quen dựng gai lên khiến người ta chẳng thể ôm vào lòng được.

Tôi trưởng thành sớm —— những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh thế này thường sẽ trưởng thành sớm. Tôi chờ mong một tình yêu, khát khao luôn có một người đứng bên cạnh, dù là mùa hạ nóng nực hay mùa đông lạnh lẽo cũng không bao giờ rời đi. Người đó cho tôi tình yêu và tôi cũng thương người ấy —— Đương nhiên tình yêu không chỉ có yêu. Thậm chí tôi còn nghĩ xa hơn, nếu tôi cũng có con gái, nhất định tôi sẽ lớn lên cùng con bé, cùng chơi xếp gỗ, ca hát, vẽ tranh cùng nó. Tôi sẽ cho nó sự ấm áp, không để nó thấy cô độc hay rét lạnh, giống như Ân Nhiên của sân viện số 36 và tất cả đứa trẻ khác vậy.

Bởi vì tất cả sự thiếu vắng đó nên tôi tưởng rằng tôi hận mẹ.

Cho tới khi Trương Dịch xuất hiện rồi lại biến mất, cho đến lúc cuộc đời tôi có sự thay đổi cực kỳ quan trọng, dường như khi ấy tôi mới phát hiện ra mẹ ở cách xa tôi như thế nhưng lòng của mẹ luôn ở bên cạnh tôi. Thật ra từ xưa tới nay tôi chưa bao giờ khuyết thiếu tình yêu của mẹ.

Ít nhất thì từ đầu tới cuối mẹ luôn trả giá, chỉ là tôi quá ngốc nghếch nên không phát hiện ra.

Tiếng chuông điện thoại đã phá tan sự yên lặng, lúc này đã là 9 giờ tối. Trong bóng đêm nặng nề, tôi bỗng thấy lo lắng: Nếu như đó không phải con đường nên đi, vậy thì tôi phải làm sao bây giờ?

Sự hy vọng của tôi đã trải qua quá nhiều đả kích, sớm vỡ tan tành từ lâu, đây là lần cuối cùng, tôi không dám tưởng tượng nếu nó biến mất thì tôi sẽ còn lại gì, sụp đổ hay gục ngã?

Nhưng giọng mẹ lại dịu dàng đến thế: “Oánh Oánh, nếu con thử sức nhưng thất bại, vậy con có hối hận không?”

Mẹ dừng một chút: “Có lẽ sau đó sẽ càng không có khả năng thi đỗ đại học.”

Giọng mẹ rất lo lắng, nhưng tôi nói rồi, tôi chỉ có con đường này thôi.

“Mẹ ơi, con sẽ không hối hận, tuyệt đối không.” Lần đầu tiên giọng tôi kiên định đến thế.

Mẹ trầm ngâm, có lẽ chỉ mất một lát thôi nhưng với tôi nó lại dài như vậy.

Cuối cùng, mẹ nói: “Được rồi Oánh Oánh à, nếu đã quyết định thì phải cố gắng hết sức, con hãy nhớ kỹ những lời mình nói hôm nay nhé.”

Ở đầu dây bên này, mẹ không nhìn thấy tôi đang gật đầu thật mạnh.

Từ đầu đến cuối mẹ không hề hỏi tôi rằng: “Nó có phù hợp với con không? Con làm được không?”

Mẹ cũng không nói mấy lời kiểu “Con không xinh đẹp, thôi đừng hy vọng quá”, mẹ chỉ nói cho tôi biết rằng: “Chỉ cần con cố gắng, dù thất bại cũng có thể học được rất nhiều bài học quý giá!”

Khi nói câu ấy, giọng mẹ cách tôi thật gần, như thể ở ngay bên cạnh tôi. Mà tôi sẽ rúc vào lòng mẹ giống như bao cô con gái khác, rủ rỉ tâm sự những tâm tư thiếu nữ.

Tôi nghĩ bắt đầu từ buổi tối hôm đó, tôi đã trở nên gần gũi với mẹ hơn.

Trước
image
Chương 8
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!