Người ở bên tay trái của tôi

Chương 8
Trước
image
Chương 9
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

Tỉnh thành là một nơi rất lớn nhưng cũng rất hỗn loạn.

Hỗn loạn kiểu không sạch sẽ: Vô số xe cộ chen chúc trên con đường chật hẹp phát ra đủ loại tiếng ồn và nhiều người chen nhau để đi tới nơi có không khí trong lành hơn. Trong thành phố mang khí hậu gió mùa lục địa có rất ít gió nên có thể thấy một lớp bụi tích tụ trên các tòa nhà và công trình công cộng khác nhau, trông như lớp sương mù mênh mông. Còn khô nữa, trước khi nhận ra điều đó, trên môi đã có một vết khô nứt nho nhỏ rồi.

Sau đó là lớn, rộng lớn không thấy giới hạn. Tôi đang đi trên một con đường xa lạ, nghe mẹ nói với tài xế: “Hướng Tây, tới đường Giải Phóng rồi lại rẽ hướng Nam…” Hoàn toàn chẳng hiểu gì cả, chỉ biết đây là một con đường hẹp và dài, đi mãi chưa thấy điểm cuối. Mà những tòa nhà hay đám đông xung quanh đang nói cho bạn biết rằng: Bạn đang ở thành phố, trước sau luôn ở trong thành phố.

Đi lâu như vậy mà vẫn ở trong thành phố chứ không phải vùng ngoại thành?

Tôi thừa nhận trông mình rất giống nhà quê mới lên thành phố, nhìn gì cũng thấy mới mẻ.

Thật ra ý thức về phương hướng của tôi chưa bao giờ tốt, tôi không thể nhớ được những con đường lắt léo như thế này, chỉ biết dùng ánh mắt tò mò và kinh ngạc để ngắm nhìn thế giới bên ngoài xe —— Nó lớn như vậy, chỉ cách tôi một cánh cửa kính xe TEXI, tôi đang ở trong lòng nó mà nó chính là niềm hy vọng của tôi.

Ngày xưa cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn trong thị trấn nhỏ, đối với tôi thế giới là một bản đồ tồn tại theo tỉ lệ 1:33000000. Khi ấy tôi như ếch ngồi đáy giếng, tâm hồn đơn thuần mà ngây thơ, chưa bao giờ nghĩ rằng: Thật ra thế giới rất xa, xa đến nỗi bạn đứng ở một điểm rồi dõi mắt nhìn ra xa cũng chẳng thể nhìn thấy cuối, không tìm thấy phương hướng, hoang mang và mờ mịt.

Hóa ra điều đáng sợ nhất khi ở thành phố không phải là bụi bẩn hay hỗn loạn mà là xa lạ.

Tôi bỗng thấy hơi sợ: Tôi phải sống một mình trong thành phố xa lạ này thật ư?

Nhưng cũng thấy hơi hơi hiếu kỳ: Phải mất bao lâu thành phố này mới không còn xa lạ với tôi nữa?

Tôi quay mặt ra ngoài cửa kính, tò mò ngắm nhìn thành phố. Tôi nghĩ, giả sử một ngày nào đó bạn đi ngang qua thành phố và thấy một cô gái ngồi trong một chiếc xe TEXI có vẻ mặt khát khao, sợ sệt, tò mò cùng với ánh mắt không tìm thấy phương hướng, như vậy có thể chứng minh trong thành phố rộng lớn này, bạn và tôi đã từng lướt qua nhau.

So với thành phố rộng lớn này, Học viện Nghệ thuật nhỏ nằm ngoài mong đợi của tôi.

Nó nhỏ thật —— còn không rộng bằng khuôn viên trường trung học của tôi, không có rừng cây nhỏ, sân vận động như tiểu thuyết mô tả, chỉ có một quảng trường nho nhỏ nằm ở đối diện với cổng trường.

Trên quảng trường có vài ba tác phẩm điêu khắc, một tấm gỗ được đặt cạnh đó với vài dòng chữ rất lớn “Triển lãm Báo cáo Chuyên ngành Điêu khắc bậc 99”. Có vài người trông như giáo viên mặc áo khoác dày đứng trước các tác phẩm điêu khắc và chỉ trỏ gì đó. Ngoài ra còn có mấy sinh viên nam đang đứng nói chuyện xung quanh các tác phẩm. Lúc này có mấy cô gái bước tới và chào hỏi những người trông như giáo viên hướng dẫn, đang là mùa đông nhưng bọn họ đều mặc váy.

Tôi nhìn quanh khuôn viên trường, thấy nó thật nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ có mấy khu nhà dạy học: Trong đó có một khu đang truyền ra tiếng nhạc du dương, có người đang đàn piano, có người đang hát, có người thổi sáo; Có một tòa liên tục có người ra vào, mấy chàng trai bê những bức tượng thạch cao cực lớn ra, bọn họ còn đeo cả tạp dề nữa; Còn có một tòa nhà nhìn là biết ký túc xá bởi vì bên trong rèm cửa sổ xinh đẹp có thể thấy bình hoa được đặt trên cửa sổ và những bông hoa màu đỏ chẳng rõ là hoa gì…

Nhưng tất cả những thứ này, những thứ trông chẳng ấn tượng cho lắm này lại đột nhiên khiến tôi thích thú!

Tôi nhìn mấy cô gái xinh đẹp đang ríu rít cách đó không xa và những gương mặt trẻ trung đi ngang qua mình bằng ánh mắt cực kỳ hâm mộ, trong lòng thầm nghĩ —— Nếu tôi có thể thi đỗ vào nơi này, có khi nào tôi sẽ xinh đẹp, vui vẻ và tự tin như bọn họ hay không?

Tôi nhắm mắt lại, thậm chí còn có thể tưởng tượng ra: Thi đỗ đại học, tôi sẽ có thể vui vẻ đi trong sân trường, mỉm cười xán lạn và ân cần chào hỏi mỗi khi nhìn thấy giáo viên giống như những anh chị sinh viên này.

Đại học cứ thế đi vào giấc mơ của tôi.

Tôi gọi bạn học của mẹ tôi là dì Tống.

Dì ấy là một người phụ nữ có ngoại hình thanh tú, nước da rất đẹp, dáng người cân đối, ăn mặc thướt tha, cao quý mà xinh đẹp. Hôm ấy dì mặc chiếc áo len màu đen cao cổ và chiếc quần đen trông không dày lắm, khoác một chiếc áo khoác dài màu be có viền, rồi bước nhanh tới chỗ chúng tôi. Dì ấy mỉm cười, dưới ánh nắng mặt trời, nụ cười của dì trông rạng rỡ hẳn lên.

Đến gần mới nhìn rõ trên áo len của dì ấy là những viên đá nhỏ mô phỏng hình giọt nước, trên cổ áo khoác có đính một chiếc ghim cài màu vàng rực rỡ, bên trên là hình bông hoa nhỏ với những cánh hoa màu vàng và xanh lục trông giống như thạch anh vậy.

Ở cổng trường, dì ấy dang tay ôm mẹ tôi thật chặt. Lúc cười rộ lên, khóe mắt dì cong cong, dì ôm mẹ tôi vui vẻ nói: “Thẩm Văn, Thẩm Văn, bao nhiêu năm tớ không được gặp cậu rồi?”

Mẹ tôi trông cũng kích động: “16 năm, lần trước gặp nhau Oánh Oánh mới chào đời thôi.”

Mẹ chỉ vào tôi, dì Tống lập tức ngoảnh mặt sang. Dì ấy nhìn tôi, vẫn mỉm cười tủm tỉm: “Chào cháu, Oánh Oánh, cháu lớn vậy rồi sao!”

Sự nhiệt tình của dì không hề giả tạo chút nào, khiến bạn cảm thấy thật vui vẻ và ấm áp.

Dì Tống độc thân.

Tôi chưa từng thấy dấu vết của phái nam trong cuộc sống của dì. Dì chỉ là chính dì, sống cuộc đời của riêng mình, quy luật mà lại đơn giản. Có lẽ phái nam duy nhất chính là cháu ngoại trai của dì ấy, một chàng trai tên là Trịnh Dương hơn tôi 1 tuổi, chúng tôi cùng học một chuyên ngành. Dựa theo lời dì Tống, hai người chúng tôi có thể xem là “sư huynh sư muội đồng môn” cho nên cần “giám sát lẫn nhau và giúp đỡ cho nhau”.

Lúc nghe thấy cách xưng hô này, tôi thấy có hơi buồn cười, đột nhiên nhớ đến Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San [1] —— Cách xưng hô sư huynh sư muội này đúng là hơi có khuynh hướng giang hồ, tôi còn cười trộm hai tiếng, tiện thể đưa mắt quan sát chàng trai luôn tỏ ra được giáo dưỡng tốt từ lúc xuất hiện cho tới bây giờ. Ánh mắt anh ta hơi mơ hồ, không nhìn tôi, cũng chẳng biết anh đang nhìn cái gì.

[1] Nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Điều đó khiến tôi hiếu kỳ cho nên càng cố gắng quan sát anh ta hơn: Lúc ăn tối anh ngồi đối diện tôi, dáng vẻ lúc ăn thật sự rất nhã nhặn, tôi nhìn mà trợn mắt há mồm; Tôi nhìn chằm chằm dao nĩa trong tay anh rồi lại cúi đầu nhìn mấy miếng thịt nướng Brazil lộn xộn trong đĩa mình, chẳng hiểu sao chúng có thể ngoan ngoãn dưới tay anh như thế; Anh không hay nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng ngẩng đầu khéo léo trả lời mấy câu hỏi của mẹ tôi, quy củ đến nỗi tôi thấy mà xấu hổ…

Thầm nghĩ tôi cũng là người đọc vạn cuốn sách mà lớn lên, sao có thể chênh lệch lớn như vậy nhỉ?

Tôi quên nói, chàng trai ngồi đối diện tôi này, tôi phải thừa nhận rằng anh ta rất đẹp trai.

Không đẹp trai theo kiểu năng động và xán lạn như ánh dương, cũng không phải kiểu già dặn như ông cụ non, cảm giác vẻ đẹp trai của anh như mấy nam MC trong bản tin trên TV vậy —— Chỉ cần ngồi một bên màn hình, cho dù tuổi không lớn vẫn có thể khiến bạn cảm thấy giọng điệu, ngữ khí và biểu cảm của anh vô cùng bình tĩnh và thoải mái.

Hơn nữa tôi rất thích ánh mắt của anh ta: Không quá dịu dàng cũng không quá cứng cỏi —— Chàng trai có ánh mắt cứng cỏi, ngoài ưu điểm là sự rắn rỏi và dứt khoát ra thì đa phần sẽ khiến cuộc sống có cảm giác xa cách; Chàng trai có ánh mắt dịu dàng chẳng hiểu sao lại khiến người ta thấy có hơi nữ tính, không đủ nam tính. Mà ánh mắt của Trịnh Dương vừa hay ở giữa, khiến người ta càng thêm tín nhiệm.

Cho nên không thể phủ nhận rằng ấn tượng đầu tiên Trịnh Dương mang lại cho tôi ngày hôm đó quả thật tốt không thể tốt hơn.

Điều tôi thấy lạ ấy là Trịnh Dương rất thích uống trà.

Một chàng trai 18 tuổi không thích uống Coca, Sprite hay Fanta mà lại thích trà, chẳng lẽ không kỳ lạ ư?

Tôi rất tò mò về những loại trà có màu sắc khác nhau trong bình giữ nhiệt của anh: trà xanh, vàng, đỏ sẫm và những chiếc lá bồng bềnh bồng bềnh trong chén trà mang theo mùi thơm nhẹ xông thẳng vào mặt.

Có lẽ do sự tò mò của tôi quá đỗi rõ ràng, cuối cùng anh ấy cũng trịnh trọng cho tôi một lời giải thích, đó là vì ông nội thích.

Lúc nói chuyện, anh ấy đứng bên cạnh tôi, chúng tôi đang đứng trên sân thượng tòa nhà Âm nhạc của Học viện Nghệ thuật, vừa phơi nắng vừa ngắm nhìn những con phố nhộn nhịp bên ngoài khuôn viên trường. Ánh mặt trời chiếu xuống chúng tôi, cơn gió mùa đông mang theo chút mát mẻ.

“Ông nội anh là người thích uống trà, ngày nào ông cũng dùng chiếc ấm sành nhỏ màu tím để pha trà, nhắm mắt ngồi trên chiếc ghế mây ngoài sân phơi nắng. Xung quanh ông chỉ toàn là hoa hồng và giàn nho, còn có một con mèo tên là ‘Lão Hổ’. Ông nội thương anh nhất. Trong ba đứa cháu, anh không phải là cả cũng không phải là út nhưng ông lại thương anh nhất. Bởi vì ông nói, anh là đứa trẻ đơn độc nhất.” Anh ấy hơi khựng lại.

“Ngày xưa anh bị nói lắp, nói năng không rõ, còn vì nói lắp nên thường xuyên có người nhại lại rồi cười nhạo. Anh trốn tránh, không muốn chơi với ai cả. Tâm hồn anh trưởng thành hơn những đứa trẻ cùng tuổi, anh chẳng thấy vui chút nào. Vì thế anh là đứa cháu khiến ông nội lo lắng nhất. Ông đã dùng gần hết tuổi già để cố gắng giúp anh phát âm chuẩn. Ông bắt đầu cùng anh tập nói những từ ‘cây táo, mặt trời, hoa’ đến ‘đòn gánh, băng ghế dài’. Tới khi anh phát âm càng rõ ràng thì ông nội đã già rồi. Ông ở trong bệnh viện, thời gian ngày càng ít…” Ánh mắt anh dần trở nên xa xôi: “Khoảng thời gian ấy anh chuẩn bị thi cấp ba, ông không cho anh tới thăm ông. Ông nói ông rất khỏe, tất nhiên là anh không tin. Cho đến một buổi tối nọ, gió thổi mạnh, anh đang mơ ngủ thì bị mẹ đánh thức rồi chạy tới bệnh viện, lại chỉ thấy bác sĩ và y tá đang rút bình oxy…”

Anh hơi ngẩng đầu lên, dõi mắt nhìn ra xa: “Trong lễ tang của ông, anh không khóc, rất nhiều người thấy anh là đồ vô lương tâm. Nhưng bọn họ không biết anh chỉ đang hối hận, hối hận đến độ nước mắt cũng không có. Bởi vì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh lại không ở bên cạnh ông.”

“Có lẽ anh bắt đầu uống trà từ khi đó, uống Thiết Quan Âm, trà Long Tĩnh mà khi còn sống ông thích nhất. Tháng 4 hằng năm, anh lại mua Trúc Diệp Thanh [2] tới đổ quanh mộ, sau đó ngồi một bên trò chuyện với ông. Tùy tiện nói gì đó, chỉ cần không ngừng nói là được. Vì biết ông nội thích nghe anh nói cho nên anh quyết định học chuyên ngành phát thanh dẫn chương trình để nói cho mọi người nghe. Anh tin rằng nhất định ông có thể nghe thấy…” Giọng anh dần nhỏ lại.

[2] Trúc Diệp Thanh là một loại thuộc họ trà xanh. Đây là sản phẩm nổi tiếng của Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Trong ánh nắng ban mai ấm áp, tôi cúi đầu nhìn dòng người qua lại bên dưới, từ đầu đến cuối không nói câu nào.

Tôi không nói cho anh ấy biết rằng lúc nghe anh kể lại câu chuyện kia, đột nhiên có một ngọn lửa nhỏ bùng lên trong lòng tôi —— Chúng tôi đều là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, chúng tôi lớn lên trong sự cô độc, nhạy cảm lại yếu ớt, cố chấp lại ngoan cường. Chúng tôi đều khát khao được quan tâm lại rất muốn quan tâm đến người khác.

Có lẽ đến lúc này tôi không thể không thừa nhận rằng Trịnh Dương có rất nhiều thứ khiến tôi khâm phục và tán thưởng: Ví dụ như kiên cường, chăm chỉ và chưa bao giờ từ bỏ. Có nhiều khi tôi thấy anh ấy cứ đọc mãi một chữ không ngại phiền hà chỉ để tìm được cách phát âm chuẩn xác nhất. Anh ấy là một người có ước mơ cực kỳ bền bỉ, có lẽ thành tích học tập không quá xuất sắc nhưng anh có thể kiên trì vì chuyên ngành mình yêu thích. Vẻ ngoài tốt tính và nội tâm mạnh mẽ hòa hợp trên người anh một cách kỳ lạ.

Anh ấy và Trương Dịch là hai kiểu người hoàn toàn khác nhau.

Tự nhiên lại nhớ đến Trương Dịch, chẳng hiểu sao lại nhớ tới cậu ấy.

Trong nháy mắt đó, trong lòng bỗng nhói một cái, giống như vải gấm hảo hạng lại bị rút mất một sợi chỉ ở ngay vị trí quan trọng nhất.

Khoảng thời gian ấy, buổi tối tôi và Trịnh Dương thường cùng nhau ngắm sao. Chúng tôi đứng trên sân thể dục, ngẩng đầu tìm kiếm sao Bắc Cực, sao Bắc Đẩu, chòm sao Tiên Hậu sau đó ngâm một vài bài thơ yêu thích.

Đoạn ngâm tôi thích nhất là một đoạn tên là <Kỷ niệm tháng Tư> [3] đã từng thịnh hành trong vô số trường học. Bản đầu tiên tôi được nghe là bản của Kiều Trăn và Đinh Kiến Hoa, những năm tháng xa xôi và sâu lắng, một chút cảm xúc ấm áp hòa vào âm nhạc êm dịu.

[3] Bài thơ này là tác phẩm kinh điển mà những người yêu thích ngâm thơ nhất định phải chọn. Nó được viết vào khoảng năm 1986. Bản dịch thơ dưới đây do bạn Vong Nguyệt dịch.

Đó là những câu thơ đầy ắp vết sẹo và yêu thương, từng chữ một, trôi theo năm tháng phù du.

“Năm 22 tuổi, anh bò ra khỏi đầm lầy của tuổi trẻ, như một chiếc đàn ghi ta đầy vết xước, mù mịt trong cuộc đời lạc lõng —— và rồi em đến…” Giọng anh trầm thấp, đượm chút ưu thương của năm tháng. Trong nháy mắt ấy, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến Trương Dịch.

Giọng tôi nhẹ nhàng: “Em đi về phía anh.”

“Với ánh mắt sáng long lanh như bông hoa chuông.”

“Anh nói rằng anh thích đôi mắt của em.”

“Xóa sạch nỗi cô đơn trần trụi của anh.” Dần dần trở nên nặng nề.

“Cô đơn? Tại sao anh luôn cô đơn?”

“Đó là sự thật.”

“Thật vậy chăng?”

“Lần đầu tiên.”

“Là lần đầu tiên sao?”

“Những ngón tay ấm áp của mặt trời.”

“Ấm áp và êm dịu…”

“Nhẹ nhàng.”

“Nhẹ nhàng…”

“Chạm vào anh.”

“Có chạm vào anh không?”

Chúng tôi đang đối đáp lời kịch, dồn dập đọc qua đoạn này, khoảnh khắc tôi ngẩng đầu nhìn anh, trùng hợp là anh ấy cũng đang nhìn tôi. Chúng tôi như hai kẻ đã từng quen biết nhau thật lâu để rồi giờ đây đột nhiên tiến lại gần nhau. Những tiếng thở dài ấy như thăm dò, với tốc độ hơi vội vàng, như đang trăn trở muốn tâm sự một điều gì đó.

“Vì vậy, chuyện quá khứ không bao giờ đóng băng hy vọng nữa.”

“Chuyện quá khứ không bao giờ đóng băng hy vọng nữa…”

“Anh cầm bài hát của mình lên.”

“Cầm bài hát của mình lên…”

“Cầm lên một chuỗi nốt nhạc đã buông xuống.”

“Cầm lên một chuỗi nốt nhạc đã buông xuống.”

“Bước vào một buổi hoàng hôn ngày xuân.”

“Buổi hoàng hôn ấy, là một buổi hoàng hôn yên ả.”

“Và trong buổi hoàng hôn ấy, chuyến xe sẽ không còn lỡ hẹn.”

“Đừng lỡ hẹn nữa, đừng bao giờ lỡ hẹn nữa.”

Lúc ngâm tới đây, tôi ngẩng đầu, nhìn ánh mắt sáng rỡ của Trịnh Dương. Anh đứng trên đài cao, mắt nhìn về phương xa, thâm tình và trìu mến.

Anh tiếp tục ngâm: “Buổi tối tháng tư đó, không có trăng cũng không có sao.”

“Không có sao, cũng không có trăng. Đêm đó rất bình thường.”

“Anh dùng những trải nghiệm nơi đầm lầy để trao đổi với những chuyện quá khứ của em.”

“Ai cũng không thể quên được những vũng bùn nơi đầm lầy, những câu chuyện đau lòng.”

“Ngay lúc này, em đã trở thành sự ẩm ướt trong võng mạc của anh.”

“Em lật một tập thơ trên đầu gối, một tập thơ của Whitman.”

“Anh cảm thấy, em như một chú chim trắng thuần khiết.”

“Em đang nghĩ, anh đang suy nghĩ gì.”

“Anh biết rằng chiếc lồng xinh đẹp đã giam cầm em, đó cũng là nơi nuôi dưỡng nỗi cô đơn hiu quạnh và sự trầm tĩnh tốt đẹp của em.”

“Đúng vậy, nó đã giam cầm và nuôi dưỡng em.”

“Anh biết, em cũng không ngờ rằng sẽ đột ngột cất cánh bay lần đầu tiên vào một buổi sáng, hơn nữa lúc ấy vừa hay trời đổ cơn mưa.”

“Đúng vậy, lần đầu tiên ấy cất cánh bay đã gặp mưa.”

“Anh biết rằng, nước mưa làm ướt lông vũ, làm nặng trĩu đôi cánh, và cũng khiến em đau lòng.”

“Đúng vậy, hạt mưa đã khiến em đau lòng.”

Khi ngâm tới đây, tôi chợt thấy một sự trùng hợp kỳ diệu —— Đúng vậy, một chú chim màu trắng bị mắc mưa trong lần đầu tiên cất cánh bay. Đó là một ẩn dụ tinh tế —— cô gái tựa như con chim trắng lần đầu tiên yêu một người, lại yêu đến mức bầm dập và kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.

“Em không phát hiện ra sao?”

“Anh đang nhìn em à?”

“Mạch đập ấm áp của anh như đang mời gọi một sự thôi thúc không thể nói ra!”

“Thật muốn muốn ngước mắt lên để ngắm nhìn anh…”

“Nhưng em đã không ngẩng đầu lên.”

“Không ngẩng đầu… Em vẫn đang xem tập thơ của Whitman.”

“Đúng vậy, anh biết mà, anh không phải là một tảng đá, cũng không phải là một bờ đê.”

“Không phải là một tảng đá, cũng không phải là một bờ đê.”

“Cũng không phải là một cây lớn vững chắc mà em có thể dựa vào.”

“Cũng không phải là một cây lớn vững chắc.”

“Nhưng nếu như em bằng lòng…”

“Anh nói rằng, nếu như em bằng lòng…”

“Anh sẽ dùng bờ vai tuy chẳng rộng lớn nhưng can đảm và một một trái tim chân thành được nuôi dưỡng bởi cao nguyên để chống đỡ cho em một mảnh trời vĩnh viễn không còn đau thương.” Anh ấy nhìn tôi, giọng điệu kiên định mà mạnh mẽ.

“Anh nói nếu như em bằng lòng ư?”

“Đúng vậy, nếu như em bằng lòng!”

“Em —— bằng lòng…” Tôi nghe thấy âm thanh của mình nhỏ dần, rồi lại nhỏ dần.

Chúng tôi không ai nói chuyện, chỉ lặng lẽ đứng trên sân thượng. Kỳ nghỉ đông bắt đầu, học sinh lần lượt rời khỏi khuôn viên trường, trong khuôn viên yên tĩnh chỉ có thể nhìn thấy những ngôi sao cũng lặng yên, thỉnh thoảng có thể nghe thấy tiếng kèn xô-na yếu ớt từ ký túc xá của giáo viên.

Dường như tôi có thể nghe thấy tiếng tim đập của anh ấy, điều đó khiến tôi bối rối.

Một lúc lâu sau, anh nói: “Đi thôi.”

Tôi đi theo anh, nhảy từ trên đài cao xuống. Bước chân của anh rất lớn, tôi đi đằng sau, dần dần nới ra một khoảng cách.

Khi tới dưới nhà dì Tống, anh quay đầu nhìn tôi đi đến. Giọng anh vẫn bình tĩnh như cũ: “Lên lầu đi, anh về đây.”

Tôi gật đầu bước lên lầu mà không thèm nhìn lại anh. Tôi vừa bước mạnh, đèn cảm biến trên cầu thang lần lượt sáng lên. Tôi biết anh ấy nhất định đang đứng bên dưới nhìn những ngọn đèn này và sẽ rời đi cho đến khi đèn ở tầng 4 sáng.

Anh ấy là người tốt, tôi biết.

Tôi và Trịnh Dương đã thống nhất với nhau sẽ cùng thi vào một trường đại học.

Kỳ nghỉ đông, chúng tôi cùng nhau tham gia một lớp học phụ đạo của khoa Hí kịch, trong một phòng học nho nhỏ trên tầng hai cùng với hai mươi mấy người nữa. Chúng tôi ngồi cùng một bàn, tôi bên phải anh ấy bên trái.

Tôi muốn đổi lại nhưng anh ấy nhất định không chịu.

“Nam trái nữ phải.” Anh nhấn mạnh.

“Em thuận tay trái!” Tôi tức giận lườm anh ấy một cái.

“Này không quan trọng.” Anh cúi đầu đọc sách, không thèm để ý đến tôi nữa. Cẩn thận nghe kỹ, anh còn đang đọc đi đọc lại chữ: “Của, của, của…”

Thật ra tôi cảm thấy sự cố chấp của anh ấy rất thú vị, nhưng không cần phải thể hiện sự cảm kích bởi vì tập mãi thành quen —— Nếu không như thế anh ấy đã chẳng phải Trịnh Dương.

Anh là người hiền lành, tốt tính nhưng lại hơi bá đạo. Đôi khi thấy tôi nổi hứng đùa giỡn, anh sẽ đứng xem rồi cười cười, song anh vẫn nhân nhượng vì anh cảm thấy con trai nên nhường con gái. Nhưng trong những chuyện quan trọng như thi cử hay học hành, điều anh làm là giúp bạn đưa ra quyết định, cho bạn lời khuyên, thỉnh thoảng hơi bá đạo một chút để kiềm chế sự tùy hứng của bạn —— Đó là điểm mấu chốt của anh ấy, anh ấy không cho phép tôi hành động mạo hiểm hoặc buông thả. Tựa như một vị quân sư quá đỗi thông minh và cẩn thận nên mới nuông chiều nên một chủ soái ngày càng lười biếng.

Chúng tôi đã thống nhất với nhau sẽ cùng thi vào một trường, chẳng qua mỗi lần nói thế lòng tôi lại không yên: Bởi vì thành tích chuyên ngành và điểm văn hóa của tôi. Lúc học lên chuyên ngành tôi mới biết thi vào phát thanh dẫn chương trình khó hơn tôi nghĩ nhiều.

Cuộc chiến thi chuyên ngành kéo dài rất lâu, từ vòng sơ khảo đến vòng thứ 3 phải mất nửa tháng. Ngâm thơ, đọc ngẫu hứng, bình ngẫu hứng, thể hiện ưu điểm, sáng tác, thi tuyển,… Lại không thể chỉ đăng ký vào một trường, vì thế lịch thi chuyên ngành của các trường đại học cứ bị vướng vào nhau. Thí sinh nào cũng hốt hoảng và mệt mỏi vì phải di chuyển từ Nam tới Bắc.

Nhưng may thay, Trịnh Dương nói: “Cô bé, có anh đây.”

Lập tức yên tâm.

Cảm giác này thật sự kỳ quái: Anh ấy rõ ràng chỉ tầm tuổi tôi nhưng lại dễ dàng khiến người ta tin tưởng đến thế.

Anh ấy còn thích vỗ đầu tôi, thỉnh thoảng lại gõ trán tôi: “Em ngốc à!”

Tôi tức lắm, nện bước nhanh hơn. Anh ấy nhanh chóng đuổi kịp, vươn tay túm lấy góc áo tôi, hét lên như đang gọi vịt: “Ê ——”

Tôi gạt tay anh ra, giận đùng đùng đi về phía trước. Anh ấy túm cánh tay tôi lại: “Đừng giận nữa, anh mời em ăn takoyaki nhé.”

Thế là tôi lập tức tha thứ cho anh ấy.

Còn có bắp rang bơ, chuối chiên chấm sốt cà chua, một bát cơm rang 2 tệ hay mì gạo cay, tất cả những thứ đó đều có thể dùng để tha thứ cho anh ấy.

Và cả quán lẩu vỉa hè Đầy Sao trên quảng trường cổng Bắc của Học viện Nghệ thuật với 3 xu một đĩa rau, 5 xu một xiên thịt gà vừa rẻ vừa mang lại ấm áp. Ăn được một nửa ngẩng đầu lên là có thể thấy những ngôi sao rải rác trên bầu trời, vì thế chúng tôi mới gọi nó là “Quán lẩu Đầy Sao”. Bình thường chúng tôi hay ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, ăn lẩu, ngắm sao, hạnh phúc nhỏ bé và giản đơn đến thế.

Thỉnh thoảng tôi sẽ thất thần, nghĩ mình đã từng gặp chàng trai trước mặt này ở đâu?

Và không khỏi nhớ tới Trương Dịch, đã không còn hận nữa nhưng còn rất nhiều tiếc nuối —— Thật ra chúng tôi có thể trở thành bạn bè, nhưng đáng tiếc là chúng tôi chưa bao giờ bình đẳng. Đáng lẽ từ lúc ngẩng đầu lên nhìn cậu ấy và biết ơn cậu ấy vì đã từng quan tâm tôi, tôi nên biết rằng tình bạn bất bình đẳng như vậy không thể tồn tại vĩnh viễn.

Trịnh Dương không biết quá khứ của tôi, anh ấy chỉ biết tôi là một cô gái an tĩnh, không nói nhiều nhưng rất cố chấp, không hơn.

Cho đến khi Hạ Vi Vi xuất hiện.

Khi cô gái có làn da trắng nõn này đứng trước mặt tôi, chúng tôi xuýt nữa thì không nhận ra nhau.

Trên con đường vắng bóng người do được nghỉ lễ trong khuôn viên Học viện Nghệ thuật, tôi, Trịnh Dương và Hạ Vi Vi đứng nhìn nhau, anh nhìn tôi tôi nhìn anh mà chẳng ai nói gì.

Trong ánh mắt của Hạ Vi Vi có ngạc nhiên, có sửng sốt, có lẽ còn có cảm xúc khác nữa. Cậu ta nhìn tôi rồi lại nhìn Trịnh Dương, có chút do dự nói không nên lời.

Trịnh Dương nhìn hai chúng tôi rồi cẩn thận phá vỡ sự yên lặng: “Bạn học của em à?”

“Vâng.” Nét mặt tôi không chút thay đổi, chỉ nhìn chằm chằm Hạ Vi Vi. Trịnh Dương nhìn tôi, rõ ràng có hơi bất đắc dĩ.

Anh ấy xoay người mỉm cười với Hạ Vi Vi: “Chào em.”

“Chào anh.” Hạ Vi Vi đáp, nhưng từ đầu đến cuối ánh mắt luôn dán chặt vào chiếc cặp sách Trịnh Dương cầm giúp tôi.

Cậu ta nhìn Trịnh Dương rồi lại nhìn tôi. Song tôi vẫn không nói gì, dù Trịnh Dương ám chỉ với tôi thế nào, câu “Xin chào” kia vẫn chẳng thể thốt ra miệng. Tôi biết ánh mắt mình rất lạnh, lạnh đến nỗi đến bản thân tôi còn phải run lên.

Thậm chí tôi còn biết nguyên nhân của sự đề phòng, sự thù địch của tôi là do tôi tự ti, nhưng tôi không thể đối diện với cậu ta bằng vẻ mặt hiền hòa được!

Cậu ta dựa vào đâu? Mà tôi dựa vào đâu?!

Tôi thừa nhận cho tới tận bây giờ mình vẫn không thể thoát khỏi áp bức của sự tự ti, tôi cứ mãi quẩn quanh trong cái vòng luẩn quẩn này không thể trốn thoát. Trong mắt Trịnh Dương, tôi vừa ngốc vừa đơn thuần, chính trực mà lại đáng yêu, tôi khỏe mạnh, trong sáng, vô ưu vô lo, nhưng chỉ mình tôi biết đó chỉ là vẻ bề ngoài.

Thực ra tôi là người mà ngay cả Hạ Vi Vi cũng phải để ý.

Cuối cùng Hạ Vi Vi lên tiếng trước: “Trương Dịch bị bệnh rồi.”

Một tiếng nổ lớn, một cú sốc nặng, tựa như trò “cầu trượt nước” thường chơi hồi bé, vừa lao xuống, những giọt nước bắn tung tóe, nỗi sợ hãi và lạnh lẽo bao vây lấy bạn.

Tôi lập tức ngây ra.

Trương Dịch, một cái tên quá đỗi xa xôi rồi lại quanh quẩn bên tai tôi gần đến vậy —— Xa xôi vì tôi cố gắng kháng cự, gần là bởi tôi chẳng thể quên được, giờ đang đập vào màng nhĩ và thần kinh của tôi. Cuối cùng tôi cũng cảm nhận được nỗi đau nhè nhẹ trong tim: Tôi vẫn không thể kháng cự những cảm xúc yêu và ghét đằng sau cái tên này.

Trịnh Dương ngạc nhiên nhìn tôi, tôi đoán nhất định anh ấy có thể thấy được nội tâm đấu tranh, những mâu thuẫn và buồn bã của tôi. Có lẽ chỉ mất mấy giây, anh ấy từ từ đến gần rồi đặt một tay lên vai tôi.

Cách một lớp quần áo dày, tôi có thể cảm nhận được hơi ấm dần được rót vào.

Sự trầm mặc của tôi khiến Hạ Vi Vi rất không vừa lòng.

Ngữ điệu của cậu ta dần trở nên cứng rắn hơn: “Bị xuất huyết dạ dày, nghe nói lúc đang học tiết tự học tối thì đột nhiên phun một ngụm máu, kinh khủng lắm.”

Tôi trừng mắt nhìn cậu ta, muốn xoay người rời đi nhưng lại rất muốn nghe tiếp: Tôi cảm thấy trái tim như đang co thắt, sự đau đớn này quá đỗi rõ ràng, giống như một con cá lạnh lẽo và trơn tuột nhanh chóng lướt qua để lại dấu vết cực kỳ rõ ràng.

Tôi cắn chặt môi, thấy Hạ Vi Vi do dự một chút rồi nhấc chân đi qua tôi. Lúc đi qua, cậu ta đột nhiên ngẩng đầu lên hung hăng trừng tôi: “Đào Oánh, cậu sống tốt phết nhỉ!”

Cậu ta như cắn răng nói ra những lời này, sau đó bước nhanh đi, không hề quay đầu nhìn lại. Mỗi bước đi của cậu ta như thể mang trong mình một nỗi uất hận nặng trĩu.

Đó mới là Hạ Vi Vi tôi quen.

Cậu ta là một cô gái khôn khéo, có mục tiêu của mình và có cách để tiếp cận mục tiêu. Cậu ta ngứa mắt tôi nên mới khắt khe và soi mói. Nhưng mà không thể xem đó là hư hỏng.

Tôi cảm nhận được nước mắt đang lặng lẽ rơi xuống.

Thậm chí tôi còn chưa kịp hỏi tại sao Hạ Vi Vi lại xuất hiện ở đây, thậm chí còn không có cơ hội hỏi Trương Dịch hiện tại thế nào rồi. Tôi biết tôi chẳng thể hỏi nên lời. Nhưng mà chỉ mình tôi biết tôi rất lo lắng cho cậu ấy. Khoảnh khắc ấy, tôi không muốn hận cậu ấy nữa, tôi có thể thỏa hiệp, có thể đầu hàng, chỉ hy vọng cậu ấy sẽ tốt.

Cũng là lúc ấy, Trịnh Dương vươn tay đưa gói khăn giấy qua, trên gói khăn có bông hoa nhỏ màu tím nhạt, nhãn hiệu Tâm Tương Ấn.

Tôi chợt thấy đau đớn từ tận đáy lòng: Là ai ở bên ai, phải yêu như thế nào mới có thể tâm đầu ý hợp?

Nước mắt quá nhiều, lau mãi mà chẳng hết.

Những ký ức ngày xưa chợt hiện ra, nó lướt qua quá nhanh khiến tôi trở tay không kịp. Những năm tháng vừa vui vừa buồn kia, những tâm sự của tuổi 16, bí mật của giọng nói, có lẽ đó là thật lòng nhỉ? Nhưng sao có thể dễ dàng cô phụ chúng được?

Cuối cùng Trịnh Dương thở dài một tiếng. Sân trường rất yên tĩnh, cho nên tiếng thở dài của anh ấy mới rõ ràng và đột ngột đến vậy.

Ngày hôm đó là lần đầu tiên tôi kể cho Trịnh Dương nghe câu chuyện về Trương Dịch.

Nhưng chỉ kể lướt qua, tóm tắt lại thôi, có điều chúng tôi đều là những người nhạy cảm, anh ấy chỉ cần nghĩ kỹ một chút là hiểu được những tình cảm sâu xa đằng sau câu chuyện này.

Anh ấy chỉ lẳng lặng lắng nghe chứ không đánh giá gì.

Đó mới là Trịnh Dương tôi quen, anh ấy không hay nói những lời đả kích người khác, càng không coi thường bất kỳ ai hay những chuyện anh ấy không hiểu. Anh ấy chỉ lẳng lặng ngồi bên cạnh tôi, tựa như lời Điền Giai Giai từng nói —— Đứng bên cạnh bạn, thưởng thức lẫn nhau.

Chỉ tiếc là năm 17 tuổi ấy tôi không tin tưởng bất kỳ ai: Ngoài người thân ra, tôi không có lý do gì để tin rằng một người khác sẽ đối xử tốt với tôi vô điều kiện.

Tôi dựa vào đâu? Mà người khác dựa vào đâu chứ?

Trước
image
Chương 9
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!