Ông Già Và Biển Cả

Chương 6
Trước
image
Chương 6
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
Tiếp

Khi mặt trời lặn, lão hồi tưởng, để tự củng cố thêm niềm tin, về cái hôm ở quán rượu tại Casablanca khi lão chơi vật tay với anh chàng da đen lực lưỡng quê ở Cienfuegos, người được xem là khỏe nhất ở cảng ấy. Hai người đấu suốt một ngày và một đêm; khuỷu tay đặt trong vòng phấn trên bàn, cánh tay dựng thẳng, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Người nào cũng cố vật tay của đối thủ xuống bàn. Người ta đặt cược rất nhiều và cứ đi vào đi ra căn phòng sáng ánh đèn dầu; lão nhìn cánh tay, bàn tay rồi nhìn mặt anh chàng da đen. Sau tám giờ đầu, người ta quyết định cứ bốn tiếng thì thay trọng tài để họ có thể đi ngủ. Máu từ tay lão và tay anh chàng da đen tứa ra kẽ móng tay. Hai đấu thủ nhìn vào mắt, vào bàn tay, cánh tay của nhau; dân đánh cược cứ ra ra vào vào và ngồi trên những chiếc ghế cao tựa vào tường theo dõi. Mấy ngọn đèn hắt bóng họ lên những bức tường gỗ sơn màu xanh biếc. Bóng tay da đen nom đồ sộ, cứ chập chờn trên vách mỗi khi gió nhẹ lùa vào mấy ngọn đèn. Suốt đêm, tình thế trận đấu vẫn chưa ngã ngũ, người ta cho tay da đen uống rượu rum và châm thuốc mời hắn. Rồi thì anh chàng da đen, sau ngụm rum đã dốc hết nỗ lực phi thường và có lúc đã đè nghiêng tay lão, người lúc ấy chưa già mà là Santiago EL Campeón, chừng bảy phân. Nhưng lão đã đẩy bật trở về vị trí ban đầu. Lúc đó lão chắc là lão sẽ thắng tay da đen, một vận động viên điền kinh cừ khôi, sung sức. Rồi ngày ló rạng, khi những người cá cược đang đề nghị xem trận đấu là hòa và trọng tài đang lắc đầu thì lão dồn hết gân cốt đè bàn tay của anh chàng da đen xuống, xuống nữa cho đến khi chạm hẳn mặt bàn. Trận đấu bắt đầu vào sáng chủ nhật và kết thúc vào sáng thứ hai. Nhiều tay cá độ đề nghị hòa vì họ phải ra cảng bốc vác các bao đường hay làm việc cho Công tá than Havana. Nếu không thế thì mọi người hẳn muốn đợi xem cho đến lúc kết thúc. Nhưng dẫu sao thì lão cũng kết thúc trận đấu trước lúc mọi người phải đi làm.

Trong suốt thời gian dài sau sự kiện ấy, mọi người đều gọi lão là Nhà Vô Địch; dĩ nhiên còn có cả trận phục thù vào mùa xuân nữa kia. Nhưng tiền đặt cược không nhiều và lão đã chiến thắng quá dễ dàng bởi đã đập tan lòng tin của tay da đen ở Cienfuegoạ trong trận chạm trán đầu tiên. Sau chiến thắng ấy, lão còn đấu vài trận nữa rồi nghỉ hẳn. Lão biết lão có thể đánh bại bất cứ ai nếu lão thực sự khao khát và lão cũng hiểu rằng bàn tay phải của lão sẽ kém đi khi câu cá. Lão đã thử vài trận đấu luyện với bàn tay trái. Nhưng tay trái lão luôn là kẻ phản bội, không chịu làm theo ý chí lão nên lão không thể tin cậy nó.

Lúc này, mặt trời đã làm nó đủ ấm, lão nghĩ. Nó sẽ không bị chuột rút nữa nếu ban đêm không bị lạnh quá. Mình không rõ, đêm nay chuyện gì sẽ đến đây. Một chiếc máy bay vượt qua bầu trời trên đường đến Miami, lão thấy cái bóng của nó làm cả đàn cá chuồn hoảng sợ.

“Nhiều cá chuồn đến thế thì ở đó chắc có cá dorado.”

Lão nói rồi trì sợi dây lại xem thử có khả năng đoạt được đoạn dây nào từ con cá kia không. Nhưng lão không thể, nó cứ trơ trơ, sợi dây rung rung bắn cả nước cơ hồ như sắp đứt. Chiếc thuyền vẫn bình lặng tiến về phía trước và lão dõi theo chiếc máy bay cho đến khi không còn nhìn thấy nó.

Ngồi trong máy bay chắc là lạ lắm, lão nghĩ. ở độ cao ấy, mình không biết mặt biển trông ra sao… Họ có thể thấy rõ con cá nếu không bay cao quá. Mình thích bay thật chậm ở độ cao hai trăm sải để quan sát cá từ trên cao. Những lần theo thuyền săn rùa, mình đứng trên xà ngang của cột buồm tiền và chỉ với độ cao ngần ấy mình cũng đã nhìn rõ ra phết. Đám cá dorado trông xanh hơn từ trên đấy và bạn có thể nhìn thấy những đường sọc, những đốm đỏ tía trên mình chúng và có thể thấy hết cả đàn khi chúng bơi. Tại sao tất thảy các loài cá bơi nhanh trong vùng nước tối thì lưng lại tím sẫm và luôn có vằn và đốm tím… Loài cá dorado có màu xanh thẫm là vì da chúng vàng ruộm. Nhưng khi chúng đi kiếm mồi, vào những lúc đói ngấu thì mấy cái vằn tím hai bên lườn trông giống hệt như vằn của loài cá kiếm. Có phải là do giận dữ hay là do tốc độ lớn mà da chúng có hiện tượng ấy…

Ngay trước khi trời tối, lúc vượt qua đảo rong biển Sargasso mênh mông đang ngả nghiêng dập dềnh trong sóng nhẹ như thể đại dương đang làm tình với ai đó dưới cái mền vàng, thì sợi dây câu nhỏ của lão đã móc vào họng một con cá dorado. Lão thấy nó lần đầu tiên khi nó nhảy lên mặt nước, vàng ruộm trong sắc nắng còn nán lại, uốn cong mình vẫy vùng loạn xạ trong không trung. Nó lại cứ tiếp tục lao lên, lần nữa, rồi lần nữa trong cơn hoảng sợ tột cùng và ông lão lom khom lần về phía đuôi thuyền, bàn tay phải và cả cánh tay giữ sợi dây câu lớn, còn tay trái lão lôi con cá vào, chân trái chận giữ những đoạn dây thu được. Khi vào gần mạn thuyền con cá cứ nhào lên lặn xuống hoảng loạn trong cơn tuyệt vọng, ông lão cúi người qua mạn, nhấc con cá vàng cháy lốm đốm vệt tím sẫm vào thuyền. Mồm nó cứ há ra rồi ngoạp liên hồi xuống lưỡi câu rồi cứ nảy trong lòng thuyền bằng cái thân dẹt dài, bằng cả đầu và đuôi nữa cho đến lúc ông lão quật mạnh xuống cái đầu vàng nhẫy thì nó mới rùng mình nằm im. ông lão tháo lưỡi câu khỏi con cá, móc lại mồi bằng một con cá mòi khác rồi buông qua mạn thuyền. Lão dò dẫm trở lại mũi thuyền. Lão rửa tay trái và chùi vào quần. Đoạn lão chuyền sợi dây nặng từ tay phải sang tay trái rồi rửa tay phải trong lúc quan sát mặt trời đang chìm xuống biển và độ chếch của sợi dây lớn.

“Nó chẳng thay đổi chút nào”, lão nói. Nhưng khi nhìn sức cản của nước dội vào tay, lão biết tốc độ đã có phần giảm đi.

“Ta sẽ buộc hai mái chèo sau lái chéo vào nhau để làm chậm con cá vào ban đêm”, lão nói.

“Về đêm nó khỏe và ta cũng thế”.

Tốt hơn là để lát nữa mới mổ thịt con cá, như thế mới giữ được máu trong thịt, lão nghĩ. Lát nữa ta làm việc ấy và cả việc buộc hai mái chèo để làm vật cản luôn thể. Bây giờ ta nên để con cá yên thì tốt hơn và không nên quấy nó quá vào lúc hoàng hôn. Hoàng hôn là khoảng thời gian khó khăn đối với tất cả các loài cá. Lão để bàn tay cho gió thổi khô rồi nắm sợi dây, thả lỏng cơ thể hết mức, nương theo đà kéo, nép vào mạn thuyền để con thuyền chia đều áp lực hay chiếm hơn phần lực đè lên lão. Mình biết cách rồi đấy, lão nghĩ. Dẫu sao thì đấy cũng là một trong những mẹo. Rồi lão nhớ con cá chưa hề ăn thứ gì kể từ lúc cắn câu; nó là con cá khổng lồ nền cần phải ăn nhiều. Mình đã ăn hết con cá thu. Ngày mai mình sẽ ăn con dorado. Mình gọi loài dolphin này là dorado. Có lẽ ta nên ăn một ít khi đã mổ thịt. Thịt nó sẽ khó ăn hơn thịt con thu. Nhưng giờ đây, có gì là dễ đâu.

“Mày cảm thấy thế nào hở cá…” lão hỏi lớn. “Còn tao thì thấy khỏe, bàn tay trái cũng đã khá hơn. Tao có đủ thức ăn cho một đêm, một ngày nữa. Có giỏi thì cứ kéo thuyền đi, cá”.

Lão không thật sự cảm thấy khỏe khoắn bởi nỗi nhức nhối do sợi dây hằn lên lưng lão đã vượt qua giới hạn đau để đi vào miền tê dại mà lão chẳng thể nào lường nổi. Nhưng ta đã từng gặp chuyện tồi tệ hơn thế, lão nghĩ. Bàn tay chỉ bị cứa nhẹ một tí, còn chứng chuột rút thì đã đi đâu mất rồi. Đôi chân còn khỏe chán. Đấy là chưa kể ta còn nhỉnh hơn nó về khoản thịt cá kia. Giờ thì trời đã tối, đêm tháng chín, bóng tối ập xuống rất nhanh ngay sau lúc mặt trời lặn. Lão ngả người tựa vào mạn thuyền và cố nghỉ ngơi thư thái. Những ngôi sao đầu tiên xuất hiện. Lão không biết tên vì Rigel nhưng lão nhìn thấy nó và biết chẳng mấy nữa, cả trời sao sẽ hiện lên và lão sẽ có những người bạn ở nơi xa xôi kia.

“Con cá cũng là bạn ta”, lão nói lớn. “Ta chưa hề được nhìn thấy hay nghe nói về một con cá nào như thế. Nhưng ta phải giết nó. Ta lấy làm mừng vì chúng ta không phải cố giết những vì sao”.

Hãy tưởng tượng hằng ngày con người phải cố giết cả mặt trăng. Mặt trăng sẽ lánh xa. Nhưng thử hình dung nếu có ngày có người phải giết cả mặt trời. Chúng ta được sinh ra may mắn, lão nghĩ. Rồi lão xót xa cho con cá lớn đã không có cái gì để ăn và dẫu cho có xót xa như thế thì quyết tâm giết con cá của lão cũng không hề suy giảm. Bao nhiêu người sẽ ăn thịt con cá này, lão nghĩ. Nhưng liệu họ có đủ tư cách để ăn thịt nó không. Không, đương nhiên là không. Chẳng một ai có đủ tư cách để ăn thịt nó bởi cái cách cư xử đĩnh đạc và phong độ của nó. Mình không hiểu những chuyện này, lão nghĩ. Nhưng thật dễ chịu khi chúng ta không phải cố giết mặt trời, mặt trăng hay những vì sao. Sống nương vào biển và giết người anh em thực sự của chúng ta là đã quá đủ rồi.

Bây giờ, lão nghĩ, mình phải nghĩ về chuyện hãm bớt. Việc này thì có phần lợi và cũng có phần hại. Nếu con cá dốc sức chạy và hai cái chèo cản nước làm con thuyền mất độ nhẹ thì chắc mình cũng phải buông hết dây rồi để mất con cá. Con thuyền càng nhẹ thì càng kéo dài nỗi khổ của mình lẫn con cá nhưng đấy lại là điểm an toàn của mình bởi sức lực của con cá hãy còn rất dồi dào và nó chưa dùng hết. Dù gì đi nữa thì mình cũng phải mổ thịt con dorado để nó không bị hỏng và ăn vài miếng để lấy sức. Bây giờ mình sẽ nghỉ thêm một tiếng nữa để xem nó có còn lừng lững và ngoan cố trước khi mình quay ra sau lái quyết ra tay thử xem sao. Nhưng trong khi chờ đợi mình hẵng quan sát xem cách thức nó hành động và liệu nó có giở trò gì ra không. Buộc chèo là mẹo tốt nhất nhưng đã đến lúc cuộc chơi phải an toàn. Nó vẫn còn sung sức, mình thấy lưỡi câu móc vào khóe miệng và nó cứ ngậm chặt miệng. Nỗi đau đớn của lưỡi câu chẳng nghĩa lý gì cả. Nhưng sự hành hạ của cái đói cùng với việc không hiểu rõ mình đang chống lại cái gì là cả vấn đề đối với con cá. Giờ thì hãy nghỉ đi, lão già ạ, và cứ để nó kéo cho đến khi nhiệm vụ sắp tới của mày đến.

Lão nghỉ độ chừng hai tiếng. Mặt trăng chưa mọc bây giờ nhưng lát nữa sẽ mọc; lão không có cách nào đoán thời gian. Và cái việc nghỉ ngơi của lão cũng lơ mơ nốt. Lão vẫn cứ chịu sức kéo của con cá dồn lên vai tuy đã đặt bàn tay trái lên mép mạn thuyền trước mũi để trút bớt, bớt nữa gánh nặng của con cá lên chiếc thuyền. Thật đơn giản làm sao nếu ta có thể buộc sợi dây, lão nghĩ. Nhưng chỉ với một cú quẫy nhẹ, con cá sẽ giật đứt. Mình phải đưa thân ra làm chiếc đệm cho sợi dây và lúc nào cũng sẵn sàng cả hai tay nới thêm dây.

“Nhưng mày vẫn chưa ngủ, lão già ơi”, lão nói lớn. “Đã nửa ngày và một đêm còn bây giờ lại sang một ngày nữa mà mày vẫn chưa ngủ tí nào cả. Nếu con cá cứ lặng lẽ và kéo đều như thế thì mày phải thu xếp để ngủ đi một lát. Nếu mày không ngủ thì đầu óc không chừng sẽ rối tung lên mất”.

Đầu mình vẫn còn tỉnh táo, lão nghĩ. Quá tỉnh táo nữa là đằng khác. Mình tỉnh như những vì sao anh em kia. Nhưng mình phải ngủ. Sao ngủ, mặt trăng, mặt trời ngủ và ngay cả đại dương đôi khi cũng ngủ vào những hôm nào đó khi dòng hải lưu ngừng trôi và mặt nước phẳng lặng. Nhưng hãy nhớ chợp mắt, lão nghĩ. Cố ngủ đi và hãy nghĩ ra một kế gì đó đơn giản nhưng bảo đảm về mấy sợi dây câu. Bây giờ hãy lùi lại mổ thịt con cá dorado kia. Nếu mày phải ngủ thì chớ có liều mạng buộc chèo làm vật cản. Ta có thể chịu đựng mà không cần ngủ, lão tự nhủ. Nhưng như thế thì thật là quá nguy hiểm.

Lão bắt đầu dò dẫm bò về phía đuôi thuyền, thận trọng không làm giật sợi dây. Có lẽ nó cũng đang lơ mơ ngủ, lão nghĩ. Nhưng mình không muốn nó được nghỉ ngơi. Nó phải kéo cho đến khi chết. Ra đến lái, lão xoay người để bàn tay trái giữ chặt sợi dây và dồn sức mạnh lên cả hai vai rồi rút con dao ra khỏi vỏ bằng tay phải. Lúc này ánh sao chiếu sáng, lão nhìn rõ con cá dorado, cắm lưỡi dao vào đầu và lôi nó ra khỏi tấm ván sau lái. Lão đè chân lên con cá, rạch phăng một nhát từ phía dưới bụng dọc lên đến mõm hàm dưới. Rồi lão đặt dao xuống, dùng tay phải moi sạch ruột và móc hết mang ra. Cảm thấy cái dạ dày con cá nặng và trơn trơn nên lão mổ nó ra. Có hai con cá chuồn trong đó. Chúng còn tươi rói, lão đặt nằm cạnh nhau rồi quẳng mớ lòng lẫn mang qua mạn thuyền. Khi chìm, chúng kéo thành vệt lân tinh dài trong nước.

Con cá dorado lạnh ngắt, trong ánh sao, chỗ thịt trắng nhợt màu phong hủi; lão lột một bên da trong lúc đạp chân phải lên đầu cá. Rồi lão lật lại lột nốt nửa kia và lóc thịt cả hai bên từ đầu đến đuôi. Lão quẳng xương xuống biển và nhìn xem thử có xoáy nước không. Nhưng chỉ có ánh lân tinh khi cái xương từ từ chìm xuống. Rồi lão quay lại đặt hai con cá chuồn vào giữa hai miếng thịt cá; đút dao vào vỏ, lão chầm chậm quay về phía mũi thuyền. Lưng lão oằn xuống bởi độ nặng của sợi dây; tay phải lão cầm mấy miếng thịt cá. Đến mũi, lão đặt chỗ thịt cá lên tấm ván, hai con cá chuồn xếp bên cạnh. Sau đó lão nhích sợi dây sau vai sang chỗ mới, tay trái lại giữ nó và tì lên mạn thuyền. Rồi lão nghiêng người qua mạn rửa con cá chuồn và để ý tốc độ nước vỗ vào tay. Tay lão dính lân tinh khi lột da con cá, lão nhìn dòng nước xói vào chỗ ấy. Dòng nước không còn xiết nữa và khi lão miết mu bàn tay vào ván thuyền, nhiều mảnh lân tinh bong ra, từ từ trôi về phía lái.

“Hoặc là nó đang mệt hoặc là nó đang nghỉ”, ông lão nói. “Bây giờ ta cố ăn chỗ thịt cá dorado này, rồi nghỉ ngơi và ngủ một tí”. Dưới trời sao, trong đêm thâu mỗi lúc một lạnh, lão ăn hết nửa miếng cá dorado và một con cá chuồn sau khi đã móc ruột và cắt bỏ đầu.

“Thịt cá dorado này càng tuyệt vời khi nấu chín bao nhiêu”, lão nói, “thì lại càng dở ẹc khi ăn sống bấy nhiêu. Mình sẽ không bao giờ ra khơi mà lại không mang theo muối hay quất nữa”.

Nếu biết trù tính thì mình đã đổ nước biển lên ván mui phơi khô để lấy muối, lão nghĩ. Nhưng mãi cho tới lúc gần tối thì mình mới bắt được con dorado. Dẫu sao thì cũng đã thiếu sự chuẩn bị. Nhưng mình sẽ nhai kỹ và cố không bị nôn. Từ hướng Đông, mây đang giăng lên bầu trời và lần lượt từng ngôi sao lão thấy chìm đi. Bây giờ lão như thể đang trôi vào hẻm mây lớn và gió đã ngừng thổi.

“Trời sẽ trở trong vòng ba bốn hôm nữa”, lão nói.

“Nhưng tối nay và ngày mai thì chẳng sao. Bây giờ trong lúc con cá đang bơi bình tĩnh, đều đặn thì hãy quên mọi chuyện và cố ngủ đi, lão già ạ”.

Trước
image
Chương 6
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!