Vừa vào tháng 10, nhiệt độ giảm xuống rõ rệt.
Trước đó vài ngày lại có mưa. Hiên nhà lộng gió, vết mưa chưa khô, sương còn đọng trên ngọn cây, từng giọt từng giọt rơi xuống, thấm ướt cửa kính phòng ngủ. Tạ Bình Xuyên nằm trên giường, sờ đồng hồ báo thức nhìn giờ, rất muốn nằm thêm một lát nữa.
Anh thấy hơi choáng váng.
Tối hôm qua vì chuẩn bị tài liệu, anh bận đến tận 12 giờ đêm. Lúc về nhà lại gặp phải mưa to làm anh ướt mèm từ đầu đến chân, đúng lúc đó di động trượt khỏi tay, rớt vào bụi cỏ ven đường. Vậy là, một Tạ Bình Xuyên luôn chú ý hình tượng, chỉ đành ngồi xổm bên đường, dầm mưa tìm di động.
Đến lúc anh tìm được di động, thì không còn hình tượng nào nữa cả.
Đêm khuya giá rét, anh một mình ngược gió về nhà. Trong nhà cũng không có ai, bố mẹ đã đi công tác, mỗi tuần gọi điện thoại về một lần, vì biết rõ con trai có tính tự lập nên vô cùng yên tâm về anh.
Vì vậy giờ phút này, người đang gõ cửa phòng ngủ anh chỉ có thể là Từ Bạch ra chứ không phải người nào khác.
Tạ Bình Xuyên khoác áo vào, đứng dậy mở cửa cho Từ Bạch.
Từ Bạch đứng ngoài cửa ôm một hộp cơm, nhìn thấy anh thì câu đầu tiên là: “Dì gọi điện qua nhà em. Dì nói sáng nay gọi điện cho anh mà anh không bắt máy, nhờ em đến xem anh thế nào.”
“Dì” mà Từ Bạch gọi chính là mẹ của Tạ Bình Xuyên.
Tạ Bình Xuyên vẫn chưa trả lời, Từ Bạch đã nhón chân lên, giơ tay phải, sờ trán anh.
“Anh bị sốt hả?” Từ Bạch hỏi.
Tạ Bình Xuyên hỏi ngược lại: “Hôm nay thứ Bảy, em không đi học thêm à?”
“Hôm nay giáo viên bận, cho tụi em nghỉ.” Từ Bạch đứng ở cửa phòng ngủ anh, gõ cửa phòng anh vài cái, “Mẹ em đi làm triển lãm tranh rồi, bố em đi câu cá, nhà em cũng chỉ có mỗi em.”
Mẹ của Từ Bạch là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, vì sắp tới tổ chức triển lãm tranh nên công việc cũng bận rộn. Nhưng hôm qua trước khi ra khỏi nhà, mẹ đã cất hai túi sủi cảo đông lạnh vào tủ lạnh, làm phần ăn của Từ Bạch.
Sáng nay Từ Bạch nấu sủi cảo, còn chưa kịp ăn thì điện thoại nhà vang lên. Sau khi nhận được điện thoại của mẹ Tạ Bình Xuyên, Từ Bạch cho sủi cảo vào hộp cơm, định đem sang đây cho Tạ Bình Xuyên.
Tạ Bình Xuyên kéo cửa phòng ngủ ra, ho một tiếng: “Vào đi.”
Anh đưa lưng về phía Từ Bạch, lấy di động của mình ra, quả nhiên thấy vài cuộc gọi nhỡ của mẹ, còn có vài tin nhắn từ Quý Hành. Quý Hành hỏi một vài thứ về chuyện soạn bài thế nào, còn nhắc đến giáo dục tâm lý nhi đồng, trông rất cần mẫn và nghiêm túc.
Tạ Bình Xuyên trả lời Quý Hành trước, sau đó mới gọi điện thoại cho mẹ.
Điện thoại vừa reo vài giây, giọng mẹ đã vang lên: “Ngày kia con có phỏng vấn, đừng quên đó.”
Tạ Bình Xuyên đáp “Dạ”.
Mẹ hỏi tiếp: “Sáng nay có gì hả, con không bắt máy.”
Tạ Bình Xuyên tìm được thuốc cảm rồi trả lời: “Không có gì, con ngủ quên.”
“Mẹ nhờ Từ Bạch sang tìm con.” Lời của mẹ có ẩn ý, “Làm phiền con bé, mẹ cũng ngại quá.”
Nhưng người bị làm phiền là Từ Bạch lại chẳng để ý.
Nhân lúc Tạ Bình Xuyên gọi điện thoại, cô về nhà lấy nhiệt kế sang đây. Tạ Bình Xuyên vừa cúp máy, Từ Bạch đưa nhiệt kế cho anh rồi thúc giục: “Anh bị sốt thật rồi, thử xem bao nhiêu độ.”
Kết quả đo được là 38 độ.
Tạ Bình Xuyên trả nhiệt kế cho cô: “Sốt nhẹ thôi, ngủ một giấc là đỡ.”
Từ Bạch ngồi ở mép giường, hai tay đặt trên đầu gối, nói: “Anh có thèm ăn món gì không?”
Lúc nãy gọi điện thoại, Tạ Bình Xuyên ngồi trên giường. Khi Từ Bạch đi cất nhiệt kế xong, cô rất tự nhiên đắp chăn cho anh, tựa như đang chăm sóc một bệnh nhân.
Mà trong giây phút đó, lúc Tạ Bình Xuyên duỗi thẳng đôi chân dài rồi tựa lưng vào gối đầu của mình, anh mới cảm thấy có gì đó không thích hợp.
Anh nói: “Tiểu Bạch, em 14 tuổi, sắp lên 15 rồi.”
Từ Bạch đang chờ Tạ Bình Xuyên trả lời câu “Anh có thèm ăn món gì không”, chợt nghe thấy anh gọi tên mình, Từ Bạch buột miệng nói: “Anh, anh gọi em làm gì, em hỏi anh muốn ăn gì mà.”
Tai của Tạ Bình Xuyên hơi đỏ.
Để làm dịu lại bầu không khí, anh mở TV, tiếp tục nói rõ: “Ý anh là, em không thể trực tiếp vào phòng anh như trước được.”
Từ Bạch nghe không hiểu. Cô cầm một ly thuỷ tinh, bên trong là thuốc cảm đã pha xong. Cô cầm chặt ly, nhẹ nhàng an ủi Tạ Bình Xuyên: “Sao không được vào phòng anh, hôm nay anh cảm bị sốt, em sẽ chăm sóc anh, anh đừng sợ.”
Lúc cảm thấy ly nước không còn nóng phỏng tay nữa, cô đưa thuốc cảm cho Tạ Bình Xuyên: “Anh uống chút đi, chắc hết nóng rồi.”
Tạ Bình Xuyên nhận lấy.
Đúng là không nóng nữa.
Anh cúi đầu uống một ngụm, trong lòng ấp ủ tìm từ ngữ. Tuy Từ Bạch còn nhỏ, nhưng tương tác với người khác không phòng bị gì cả. Anh cần phải dạy cô đâu là sự khác nhau giữa nam và nữ, nếu không sau này khi con trai cùng lớp có suy nghĩ bậy bạ, Từ Bạch sẽ như dê vào miệng cọp mất.
Đúng vậy, anh biết những thằng nhóc mười lăm mười sáu tuổi nghĩ gì trong đầu.
Tạ Bình Xuyên quyết định nói từ nguồn gốc của vũ trụ, chỉ ra sự khác nhau giữa giới tính từ góc độ sinh học. Tất nhiên phương diện này có rất nhiều giả thuyết, anh nên nói những điều đã được công nhận…
Suy nghĩ của anh bị gián đoạn bởi âm thanh trong TV.
Giường của Tạ Bình Xuyên đối diện TV, mà đúng lúc Từ Bạch ngồi ở mép giường anh. Trên TV đang chiếu “Thế giới động vật”. Trong màn hình, núi non và đồng bằng rực rỡ sắc màu, một giọng nói từ tính vang lên: “Mùa xuân đã đến, vạn vật sinh sôi, lại đến lúc động vật giao….”
Còn chưa kịp nghe thấy chữ ”phối”, Tạ Bình Xuyên đã kịp thời ấn nút tắt tiếng.
Sau đó anh tắt luôn TV.
Anh cho rằng bản thân phản ứng nhanh nhạy, nào ngờ lại nghe thấy Từ Bạch hỏi: “Sao anh không xem tiếp?”
Tạ Bình Xuyên giấu đầu hở đuôi đáp: “Anh chuẩn bị đi ngủ.”
Anh mặc một chiếc áo khoác, chỉ gài hai nút, tóc cũng hơi rối, khác hẳn dáng vẻ quần áo chỉnh tề ngày thường, rất có vẻ đẹp của sự sa sút.
Từ Bạch không biết phải chăm sóc anh sao mới tốt, cô bèn gật đầu một cái, sau đó chỉnh lại chăn cho anh.
“Có gì thì anh kêu em nha.” Từ Bạch nói, “Điện thoại em ở chế độ đổ chuông.”
Tạ Bình Xuyên nhớ tới chuyện quan trọng của mình, lúc Từ Bạch chuẩn bị rời đi, anh giữ tay cô lại.
Phòng ngủ của Tạ Bình Xuyên cực kỳ sạch sẽ, sàn gỗ không hề dính bụi – thậm chí sạch đến nỗi có hơi trơn. Từ Bạch bị anh kéo lại, lòng bàn chân chợt trượt một cái, cả người ngã lên giường.
Ga giường và vỏ chăn của anh cũng làm bằng bông gòn, trong chăn có nhồi thêm lớp lông tơ ngỗng, ngã xuống hẳn là sẽ không bị cộm.
Nhưng Tạ Bình Xuyên cố tình nằm ở mép giường, lúc Từ Bạch ngã xuống, vừa khéo đập lên chân anh.
Yên tĩnh một lúc.
Đến khi cô ngây thơ ngẩng đầu lên, nhìn anh đầy hoang mang.
“Anh, tâm trạng anh không tốt hả?” Từ Bạch thử hỏi.
Tạ Bình Xuyên im lặng không nói, Từ Bạch tự hỏi tự đáp: “Cũng phải thôi, anh bệnh mà, sao vui được.” Cô ngồi dậy, bóng dáng biến mất ngoài cửa: “Anh chờ em chút, em đi nấu cháo cho anh.”
Sau cơn mưa trời lại sáng, ánh mặt trời chói chang. Trong sân có hàng cây xanh không bị khô héo bởi tiết sương đầu thu, nếu nghiêng tai lắng nghe, còn có thể nghe thấy tiếng chim hót.
Nhưng Tạ Bình Xuyên lại không nhàn hạ thoải mái. Anh thất thần nhìn cảnh ngoài cửa sổ, vì thuốc cảm làm buồn ngủ, không bao lâu thì ngủ mất.
Lúc anh thức dậy, đã gần giữa trưa.
Từ Bạch cũng không biết anh dậy. Cô đứng trong bếp nhà mình nấu cháo. Mỗi khi Từ Bạch bị cảm, mẹ sẽ nấu cháo cho cô, ăn xong thì sẽ nhanh khỏe hơn nhiều.
Cô cầm con dao, gọt sạch vỏ táo tàu, nhìn thấy yến mạch và gạo hòa vào nhau, tỏa ra mùi thơm của hạt.
Đây là lần đầu Từ Bạch nấu cháo, nhưng cô thực sự rất giỏi, ngay cả mức lửa cũng rất tốt. Vấn đề duy nhất là, hình như cô nấu hơi nhiều, nồi niêu chứa đầy cháo, phần ăn thực sự có hơi nhiều.
Vài phút sau, lúc Tạ Bình Xuyên mặc quần áo chỉnh tề ngồi trong phòng khách, lúc đang nghĩ trưa nay ăn gì, Từ Bạch đã xuất hiện với một niêu cháo.
“Cho anh nè.” Từ Bạch vui vẻ nói.
Niêu cháo quá nặng, cô sắp cầm không nổi. Cũng may Tạ Bình Xuyên kịp thời bước đến, nhận lấy trong tay Từ Bạch.
Anh đặt chiếc nồi lên bàn gỗ phòng khách.
“Cho anh hết hả?” Tạ Bình Xuyên hỏi.
Nhìn một nồi đầy vung kia, nhiều đến mức đủ cho lợn ăn, ánh mắt Tạ Bình Xuyên có hơi phức tạp. Anh không khỏi nghĩ, chẳng lẽ trong lòng Từ Bạch, anh thực sự có thể ăn nhiều tới vậy.
Từ Bạch không biết anh nghĩ gì, cô nhón chân, lại vươn tay sờ trán anh lần nữa.
“Tốt quá, anh hạ sốt rồi.” Từ Bạch nói.
Tạ Bình Xuyên nắm cánh tay cô, lấy ra khỏi trán mình. Anh kéo một chiếc ghế dựa đến, ý bảo Từ Bạch ngồi xuống, còn mình thì ngồi đối diện cô, như muốn cùng cô thảo luận gì đó.
Từ Bạch lại hỏi: “Anh không thích loại cháo này hả?” Hai tay cô đặt trên ghế dựa, nói rất thản nhiên: “Nếu anh không muốn ăn thì em bưng về nhà.”
Mẹ Từ Bạch dạy cô một điều – khi muốn đối xử tốt với người khác, phải lấy sự chấp nhận của đối phương làm tiền đề, nếu không ý tốt sẽ dễ thành ý xấu. Nói cho cùng thì hoàn cảnh trưởng thành của mỗi người khác nhau, tính cách và sở thích cũng không giống nhau.
Tạ Bình Xuyên hiểu ý cô, anh đứng dậy đi vào phòng bếp.
Khi quay lại, trên tay anh có thêm hai cái chén và hai cái muỗng bạc.
Tạ Bình Xuyên tự tay múc cháo cho cô, tựa như làm hết lễ nghĩa của chủ nhà. Điều này làm Từ Bạch nhớ đến rất lâu trước kia, lúc hai người còn nhỏ, Từ Bạch chính là cái đuôi nhỏ của Tạ Bình Xuyên. Anh đi đến đâu, cô theo đến đó.
Bắt đầu từ khi đó, anh đã thường xuyên chăm nom cô, dù ở chuyện học hay phương diện khác.
Hôm nay, cuối cùng cô cũng đã báo đáp được một ít. Nhưng như người ta vẫn hay nói, chịu ơn một giọt báo ơn một dòng, mới nấu một nồi cháo thôi, hình như còn lâu lâu lắm mới trả đủ.
Thấy cô cúi đầu, Tạ Bình Xuyên thuận miệng hỏi một câu: “Em nghĩ gì vậy?”
Từ Bạch cầm chén sứ, đi thẳng vào vấn đề: “Em đang nghĩ, anh thấy cháo ngon không?”
Độ mặn vừa phải, mịn mà không ngán, rõ ràng rất hợp khẩu vị của anh, nhưng Tạ Bình Xuyên lại trả lời: “Cũng được.”
Bàn gỗ phòng khách đối diện ô cửa sổ vuông, ánh sáng đổ bóng trên mặt bàn tạo thành nhiều khối. Bình hoa trên mặt bàn thuỷ tinh chỉ có nước, không có hoa. Từ Bạch khẽ đẩy bình hoa, làm nước trong bình gờn gợn sóng.
Còn cô thì tựa vào bàn, trông uể oải, như quả bóng bị xì hơi.
Tạ Bình Xuyên lập tức nói lại: “Độ nóng vừa phải, nguyên liệu phù hợp, không đặc không nhạt…” Anh cầm chén nói với cô: “Cảm ơn em đã nấu cho anh.”