Eileen đang đọc một bài nhan đề “BẨN TRONG BÁNH MÌ CỦA BẠN!” trong tờ National Tattler thì Dolarhyde bước vào căng tin. Cô chỉ mới ăn hết phần nhân chiếc sandwich xà lách- cá ngừ.
Sau cặp kính bảo vệ đỏ, đôi mắt Dolarhyde đảo qua lại theo đường dích dắc từ trên xuống khắp trang nhất tờ Tattler. Những dòng tít ngoài “BẨN TRONG BÁNH MÌ!” gồm có “ELVIS NGHỈ DƯỠNG BÍ MẬT – ẢNH ĐỘC QUYỀN!!” “ĐỘT PHÁ KHÔNG NGỜ CHO CÁC NẠN NHÂN UNG THƯ” và tít lớn nhất: “HANNIBAL KẺ ĂN THỊT NGƯỜI GIÚP ĐỠ CHO NHÂN VIÊN THI HÀNH LUẬT PHÁP – CẢNH SÁT NHỜ TƯ VẤN VỀ KẺ THỦ ÁC TRONG NHỮNG VỤ SÁT NHÂN CỦA “TIÊN RĂNG”.”
Hắn đứng bên cửa sổ lơ đãng khuấy ly cà phê cho đến khi nghe tiếng Eileen đứng dậy. Cô quẳng mâm thức ăn vào thùng rác và định ném luôn tờ Tattler vào thì Dolarhyde chạm nhẹ vào vai cô.
“Cho tôi tờ báo đấy nhé, Eileen?”
“Được chứ anh D. Tôi mua nó vì mục đoán số tử vi thôi mà.”
Dolarhyde đóng kín cửa đọc báo trong văn phòng mình.
Freddy Lounds được đăng tên đến hai lần trong cùng một bài viết dàn hai trang chính giữa báo. Bài chính là một màn tái hiện nghẹt thở về các vụ án mạng nhà Jacobi và Leeds. Vì phía cảnh sát không tiết lộ nhiều chi tiết cụ thể nên Lounds đã phải nhờ đến trí tưởng tượng của mình để viết ra những chi tiết ghê người.
Còn Dolarhyde chỉ thấy tầm thường.
Mục viết kèm bên cạnh thú vị hơn nhiều.
KẺ THỦ ÁC ĐIÊN LOẠN ĐƯỢC VIÊN CẢNH SÁT HẮN CỐ GIẾT HẠI NHỜ CẬY TƯ VẤN VỀ CÁC VỤ SÁT NHÂN HÀNG LOẠT ĐĂNG BỞI PREDDY LOUNDS
CHESAPEAKE, bang Maryland. – Cảnh sát truy nã tội phạm Liên bang, loay hoay trong công cuộc tìm kiếm “Tiên Răng”, tên giết người tâm thần ra tay giết hại cả một gia đình ở Birmingham và Atlanta, đã phải quay sang cầu viện tên sát nhân máu lạnh nhất đang bị giam giữ.
Bác sĩ Hannibal Lecter, kẻ đã gây ra những chuyện không thể thốt nên lời từng được trang báo này tường thuật lại cách đây ba năm, tuần này đã được điều tra viên xuất sắc William (Will) Graham đến nhờ tư vấn ngay trong xà lim bệnh viện tâm thần được canh giữ tối đa của hắn.
Graham từng bị chém suýt chết trong tay Lecter khi anh lật mặt kẻ sát nhân hàng loạt.
Dù đã về hưu non nhưng anh lại được gọi về để giương ngọn cờ đầu trong cuộc săn lùng “Tiên Răng”.
Chuyện gì đã diễn ra trong lần gặp mặt ly kỳ giữa hai kẻ thù sinh tử này? Graham đang theo đuổi điều gì?
“Cần một người như thế để bắt được tên này” một quan chức liên bang cấp cao đã nói với phóng viên. Ông ta đang muốn nói đến Lecter, được biết đến dưới cái tên Hannibal Kẻ Ăn Thịt Người, nhà tâm thần học đồng thời cũng là tên giết người hàng loạt.
HAY ÔNG TA ĐANG NÓI ĐẾN GRAHAM???
Tờ Tattler được biết rằng Graham, cựu giảng viên pháp chứng tại Học viện F.B.I. ở Quantico, Virginia, từng một lần bị giữ lại trong bệnh viện tâm thần suốt bốn tuần…
Các quan chức liên bang từ chối không nói ra lý do vì sao họ lại đưa một người với tiền sử thần kinh không ổn định ra tiền tuyến trong cuộc săn người tuyệt vọng này.
Bản chất vấn đề về thần kinh của Graham không được tiết lộ, nhưng một cựu điều dưỡng viên khoa tâm thần gọi đấy là chứng “trầm uất nặng”.
Garmon Evans, phụ tá viên dày dạn trước đây làm việc cho bệnh viện Bethesda Naval, bảo rằng Graham được nhập viện vào khu trị liệu tâm thần chẳng bao lâu sau khi anh ta hạ sát Garrett Jacob Hobbs, “Bách thanh điểu vùng Minnesota”. Graham đã bắn chết Hobbs vào năm 1975 đặt dấu chấm hết cho tám tháng tung hoành gieo rắc kinh hoàng của Hobbs lên khắp Minneapolis.
Evans cho biết Graham sống khép kín, không chịu ăn uống hay nói năng gì trong tuần đầu tiên điều trị.
Graham chưa từng là nhân viên F.B.I. Các quan sát viên kỳ cựu cho rằng nguyên nhân là bởi quy trình sát hạch nghiêm ngặt của Cục điều tra, được đề ra để phát hiện tình trạng không ổn định.
Những nguồn tin liên bang chỉ tiết lộ rằng thoạt đầu Graham làm việc trong Phòng thí nghiệm phân tích tội phạm của F.B.I. và được giao nhiệm vụ giảng dạy tại Học viện sau những thành tựu nổi bật cả trong phòng thí nghiệm lẫn ngoài hiện trường nơi anh ta hoạt động như là một “chuyên viên điều tra”.
Tờ Tattler được biết rằng trước khi hoạt động trong mạng lưới liên bang, Graham thuộc Đội Trọng án Sở Cảnh sát New Orleans, rồi anh rồi bỏ nhiệm vụ này để học một khóa cao học về pháp chứng tại Đại học George Washington.
Một nhân viên cảnh sát New Orleans từng làm việc cùng Graham bình luận rằng, “ừ, anh có thể nói anh ấy đã về hưu, nhưng liên bang luôn muốn biết là anh ta luôn sẵn đấy. Như là có một con rắn chúa dưới gầm nhà. Có thể họ không gặp anh ta luôn, nhưng vẫn yên lòng khi biết anh ta có mặt đấy để thịt hết mấy con rắn hổ.”
Bác sĩ Lecter bị giam cầm đến hết đời. Nếu có khi nào hắn được tuyên bố là tỉnh táo, thì hắn sẽ phải hầu tòa cho chín vụ sát nhân cấp độ một.
Luật sư của Lecter bảo rằng kẻ giết người hàng loạt dùng thời gian để viết ra những bài báo bổ ích cho các chuyên san khoa học, và luôn có cuộc “đối thoại đang tiếp diễn” qua thư từ với vài cá nhân được trọng vọng trong giới tâm thần học.
Dolarhyde ngừng đọc nhìn vào mấy tấm ảnh. Có hai ảnh bên trên mục báo đi kèm. Một hình là Lecter đang bị đè nghiến vào hông xe tuần tra cảnh sát bang. Hình còn lại là ảnh của Will Graham do Freddy Lounds chụp được bên ngoài bệnh viện Chesapeake. Một bức ảnh Lounds nho nhỏ in cạnh mỗi dòng danh tính.
Dolarhyde nhìn mấy tấm ảnh thật lâu. Hắn chậm rãi rê đầu ngón tay trỏ qua mấy tấm ảnh, rê tới rê lui, xúc giác của hắn đặc biệt nhạy cảm với loại giấy báo nham nhám. Mực in để lại một vết trên đầu ngón tay hắn. Hắn thè lưỡi thấm ướt vết mực rồi chùi vào khăn giấy. Đoạn hắn cắt mẩu tin đính kèm ấy bỏ vào túi áo.
Trên đường từ xưởng trở về nhà, Dolarhyde mua giấy vệ sinh loại hủy nhanh dùng trên tàu thuyền và đi cắm trại, cùng ống xịt mũi.
Hắn cảm thấy khỏe khoắn dù đang bị viêm mũi dị ứng- như nhiều người phải trải qua giải phẫu chỉnh hình mũi trên diện rộng khác, Dolarhyde không có lông mũi nên hay bị viêm mũi dị ứng. Và cả viêm đường hô hấp trên.
Khi một chiếc xe tải chết máy làm hắn kẹt một chỗ đến mười phút trên cầu Missouri River dẫn sang St. Charles, hắn kiên nhẫn ngồi chờ.
Chiếc xe tải nhỏ màu đen của hắn được đóng thảm mát rượi và im lặng. Tiếng bản giao hưởng Water Music của Handel phát ra từ hệ thống loa stereo.
Hắn nhịp nhịp mấy ngón tay trên vô lăng cùng nhịp với tiếng nhạc rồi sờ nhẹ lên mũi.
Hai người phụ nữ trong chiếc xe mui trần đang ở làn đường bên cạnh hắn. Họ mặc quần soóc và áo cánh buộc ngang eo. Dolarhyde từ trên xe của mình nhìn xuống chiếc mui trần. Hai người phụ nữ dường như thấm mệt và chán, nheo nheo mắt nhìn mặt trời đang lặn. Cô ngồi bên ghế hành khách tựa đầu ra lưng ghế, gác chân lên mặt đầu xe. Tư thế gập người của cô ta tạo ra hai đường ngấn ngang phần bụng phơi trần. Dolarhyde có thể nhìn thấy dấu cắn yêu bên trong đùi cô ta. Cô ta bắt gặp hắn đang nhìn, bèn ngồi thẳng dậy bắt tréo chân. Hắn trông thấy vẻ ghê tởm mệt mỏi trên gương mặt cô.
Cô ta quay sang nói gì đấy với người đang cầm lái. Cả hai nhìn thẳng về phía trước. Hắn biết hai ả đang nói về mình. Hắn rất mừng vì điều này không khiến hắn nổi giận. Chẳng còn bao nhiêu điều khiến hắn nổi giận được nữa. Hắn biết hắn đang phát triển ra một thứ rồi sẽ trở thành chân giá trị.
Tiếng nhạc nghe rất dễ chịu.
Dòng xe cộ trước mặt Dolarhyde bắt đầu dịch chuyển. Làn xe bên cạnh hắn vẫn đứng yên. Hắn mong được về tới nhà. Hắn nhịp nhịp tay trên vô lăng theo tiếng nhạc và dùng tay kia hạ cửa sổ xuống.
Hắn khạc rồi nhổ ra một cục đờm xanh lè vào bụng người phụ nữ bên cạnh mình, rơi sát ngay vào rốn cô ả. Tiếng chửi rủa của cô ta nghe chói lói the thé át tiếng nhạc Handel khi hắn lái xe đi.
Cuốn sổ cái của Dolarhyde ít nhất cũng đã cả trăm tuổi. Được bọc bìa da màu đen và bốn góc bịt đồng, cuốn sách này nặng đến nỗi cần đến một bàn máy công nghiệp chắc nịch để đỡ lấy nó trong ngăn tủ chìm khóa kín trên đầu cầu thang. Ngay từ khi nhìn thấy cuốn sách này trong đợt thanh lý phá sản của một xưởng in cũ kỹ ở St. Louis, Dolarhyde biết rằng cuốn sổ phải thuộc về mình.
Giờ đây, sau khi tắm gội rồi quấn mình trong chiếc kimono, hắn mở khóa tủ chìm đẩy bàn máy ra. Khi cuốn sổ đã nằm thẳng thớm ngay bên dưới bức tranh Rồng đỏ vĩ đại, hắn yên vị trên ghế rồi mở nó ra. Mùi giấy ố lâu ngày xộc lên mặt hắn.
Dàn ra trên trang đầu tiên, được viết bằng những con chữ to lớn mà tự tay hắn đã tô vẽ màu mè, là những lời trong Sách Khải huyền: “Và Kia Rồi Rồng Đỏ Vĩ Đại Bước Đến Cũng Như…”. Vật đầu tiên trong cuốn sổ cũng là thứ duy nhất không được lồng khung cẩn thận. Nằm lỏng lẻo giữa các trang giấy là một bức ảnh ố vàng hình Dolarhyde khi còn là thằng bé con chụp cùng bà hắn ngoài bậc tam cấp của ngôi nhà lớn. Hắn đang bấu lấy váy bà. Hai tay bà khoanh lại trước ngực, lưng ưỡn thẳng.
Dolarhyde lật qua trang. Hắn lờ tấm hình đi như thể nó bị bỏ nhầm lại đấy.
Cuốn sổ chứa nhiều mẩu báo được cắt ra, những mẩu xưa nhất là về sự biến mất của vài người phụ nữ lớn tuổi trong vùng St. Louis và Toledo. Những trang giấy giữa các mẩu báo ấy phủ đầy chữ viết tay của Dolarhyde – bằng mực đen theo kiểu chữ bản khắc đồng thanh tao, trông gần như chính chữ viết tay của William Blake vậy.
Được buộc vào lề giấy là những mảnh da đầu bị cắn nham nhở loằng ngoằng thêm dúm đuôi tóc như những dải sao chổi bị nhét vào cuốn tập nháp của Chúa trời.
Các mẩu báo về gia đình Jacobi ở Birmingham cũng nằm trong sổ này cùng với những cuộn phim âm bản lẫn dương bản đặt trong các túi nhỏ dán vào mấy trang giấy.
Cả những bài báo về gia đình Leeds, cũng kèm phim.
Cụm từ “Tiên Răng” phải đến vụ ở Atlanta mới xuất hiện trên báo chí. Cái tên ấy được đánh dấu màu trong khắp các bài báo về gia đình Leeds.
Lúc này Dolarhyde đang làm tương tự với mẩu báo hắn cắt ra từ tờ Tattler, đang gạch những gạch giận dữ đè lên cái tên “Tiên Răng” bằng bút dạ đỏ.
Hắn lật sang một trang mới, trang trắng trong cuốn sổ cái của mình rồi xén mẩu báo từ tờ Tattler cho vừa. Ảnh của tên Graham có nên được đưa vào không nhỉ? Mấy chữ “Tội phạm Tâm thần” khắc nơi phiến đá bên trên Graham làm Dolarhyde phẫn nộ. Hắn ghét hình ảnh của bất cứ nơi giam giữ nào. Gương mặt Graham hắn thấy kín như bưng. Hắn cứ đặt hình ấy qua một bên đã.
Nhưng mà Lecter… Lecter. Đây không phải là một tấm ảnh dẹp của tay bác sĩ này. Dolarhyde có tấm hình còn đẹp hơn mà hắn lấy ra từ một cái hộp trong tủ chìm của mình. Tấm ảnh được công bố dịp Lecter bị tống giam và phản ánh rõ đôi mắt tinh anh. Ấy nhưng như thế cũng chưa thỏa. Trong tâm trí của Dolarhyde, chân dung của Lecter phải là bức chân dung hắc ám của một ông hoàng thời Phục hưng. Vì Lecter, duy chỉ ông ấy trong toàn cõi con người này, mới có thể có sự nhạy cảm lẫn trải nghiệm để hiểu được cái vinh quang, uy vũ của Sự Biến đổi của Dolarhyde.
Dolarhyde cảm nhận rằng Lecter hiểu được tính không thực của những con người phải chết để giúp đỡ cho ta trong những chuyện này – hiểu được rằng họ không phải là máu thịt mà chỉ là ánh sáng, là không khí, là màu sắc, là âm thanh đanh gọn, nhanh chóng lụi tàn khi ta thay đổi chúng. Như những bong bóng sắc màu nổ bung. Rằng họ quan trọng hơn cho quá trình biến đổi, quan trọng hơn nhiều mấy cuộc sống mà họ cứ vật lộn theo đuổi, van nài.
Dolarhyde chịu đựng những tiếng la hét như một người thợ điêu khắc hứng chịu bụi rơi ra từ phiến đá đẽo.
Lecter có khả năng hiểu được rằng máu và hơi thở chỉ là những thành phần đang kinh qua sự biến đổi để cung cấp năng lượng cho Sự Huy hoàng của hắn. Giống như nguồn ánh sáng đang cháy rực.
Hắn rất muốn được gặp Lecter, được trò chuyện và chia sẻ cùng ông ấy, được tự hào cùng ông ấy về tầm nhìn chung của hai người, được ông ấy công nhận như Thánh Gioan Tẩy Giả công nhận Người đến sau mình, ngồi lên người mình như Con rồng ngồi trên con quỷ 666 (The Number of the Beast for 666) trong loạt tranh do Blake vẽ minh họa cho Sách Khải huyền, và hắn rất muốn quay phim lại cái chết của mình như vậy, trong lúc hấp hối hắn hòa nhập mình vào sức mạnh của Rồng.
Dolarhyde đeo đôi găng tay cao su mới rồi đi đến bàn viết. Hắn tháo bỏ lớp ngoài của cuộn giấy vệ sinh hắn vừa mua. Rồi hắn thả một dải bảy tấm giấy đoạn xé chúng ra.
Dùng tay trái nắn nót viết chữ in hoa lên lớp giấy vệ sinh, hắn thảo một bức thư gửi cho Lecter.
Cách nói không bao giờ là chỉ điểm đáng tin cậy cho cách một người viết; không bao giờ biết được đâu. Khi nói, lời của Dolarhyde bị những khuyết tật vừa có thật vừa do hắn tưởng tuợng ra bóp méo và cắt gọt nên sự khác biệt của lời lẽ khi hắn nói với khi hắn viết là một trời một vực. Nhưng mà, hắn thấy mình không thể nói ra điều quan trọng nhất hắn đang cảm nhận.
Hắn muốn nhận được hồi âm từ Lecter. Hắn cần một lời đáp từ chính ông ấy trước khi hắn có thể nói cho bác sĩ Lecter những chuyện quan trọng nhất.
Làm sao làm được đây? Hắn sục sạo trong hộp đựng những mẩu báo về Lecter, đọc đi đọc lại.
Cuối cùng một cách đơn giản nảy ra trong hắn và hắn lại viết.
Bức thư dường như quá rụt rè khiêm tốn khi hắn nhẩm đọc lại. Hắn đã ký tên là “Người hâm mộ tha thiết.”
Hắn nghiền ngẫm chữ ký này trong nhiều phút.
“Người hâm mộ tha thiết” đúng quá chứ còn gì. Cằm hắn thoáng chút hếch lên hống hách.
Hắn đưa ngón tay cái còn đeo găng lên miệng, tháo hàm răng giả ra đặt lên bàn thấm mực.
Khung hàm trên trông bất thường. Răng thì bình thường, thẳng đều trắng bóc, nhưng phần nhựa hồng hàm trên có hình dạng méo mó được làm ra để khớp vào những chỗ vặn vẹo cũng như những vết nứt nơi nướu hắn. Đính vào hàm giả là một bộ phận giả bằng nhựa mềm bên trên có nắp trám vào nhằm giúp cho hắn đóng được ngạc mềm vào khi nói năng.
Hắn lấy từ bàn ra một hộp nhỏ. Hộp đựng một hàm răng giả khác. Khung hàm trên cũng tương tự, chỉ có điều không có bộ phận giả lắp vào. Những cái răng xiên xẹo xen giữa là những vết bẩn đen đúa và thoảng mùi hôi thối.
Chúng giống hệt như hàm răng của bà trong ly nước bên tủ đầu giường dưới nhà.
Lỗ mũi Dolarhyde phập phồng khi ngửi thấy mùi hôi.
Hắn mở nụ cười hở hàm ếch ra rồi lắp hàm giả vào đoạn dùng lưỡi liếm cho ướt.
Hắn gấp thư ngang qua phần chữ ký rồi cắn xuống thật mạnh. Khi hắn lại mở thư ra, phần chữ ký được bao quanh bởi dấu răng cắn hình ô van; là dấu niêm phong chứng thực của hắn, một sự phê chuẩn lốm đốm máu cũ.