Người gọi đến, “Kẻ Hành Hương”, đã bảo với Sarah rằng có thể hắn gọi lại vào chiều hôm sau. Tại cơ quan đầu não F.B.I. một số sắp xếp được bố trí để nhận cuộc gọi.
Kẻ Hành Hương là ai? Không phải Lecter – điều này Crawford đã làm rõ. Kẻ Hành Hương có phải Tiên Răng không? Có thể thế, Crawford nghĩ.
Mọi bàn làm việc lẫn điện thoại trong văn phòng của Crawford qua một đêm đã được dời sang phòng rộng hơn bên kia hành lang.
Graham đứng ngay lối cửa vào một ngăn cách âm. Sau lưng anh trong ngăn ấy là điện thoại của Crawford. Sarah đã dùng nước chùi kính lau qua điện thoại. Với nào là máy ghi phổ đo giọng nói, máy thu âm và máy đánh giá mức độ stress chiếm hết phần lớn bàn làm việc của cô cùng một chiếc bàn khác đặt cạnh, và Beverly Katz đang ngồi trên ghế cô, thì Sarah cần có việc gì đó để làm.
Chiếc đồng hồ to tướng trên tường chỉ đến mườỉ hai giờ kém mười.
Tiến sĩ Alan Bloom và Crawford đứng cùng Graham. Cả hai đều chọn tư thế ngoài cuộc, hai tay đút túi quần.
Một kỹ thuật viên ngồi đối diện với Beverly Katz đang nhịp nhịp ngón tay lên bàn cho đến khi cái cau mày từ Crawford ngưng anh ta lại.
Bàn của Crawford chen chúc hai điện thoại mới, một đường dây mở qua hệ thống chuyển tổng đài điện tử Bell System (E.S.S.) và một đường dây nóng đến phòng thông tin liên lạc của F.B.I.
“Anh cần bao nhiêu thời gian để truy nguồn cuộc gọi?” tiến sĩ Bloom hỏi.
“Với hệ thống chuyển mới thì sẽ nhanh hơn nhiều người nghĩ nhiều” Crawford đáp. “Có lẽ là một phút nếu cuộc gọi được chuyển qua tổng đài điện tử toàn phần. Sẽ mất nhiều thời gian hơn thế nếu cuộc gọi xuất phát từ nơi người ta phải chuyển đường dây bằng tay.”
Crawford lớn giọng nói với cả phòng. “Nếu hắn có gọi thật, cuộc gọi sẽ rất ngắn, nên chúng ta phải lừa hắn thật ngọt. Có muốn tập dượt lại không Will?”
“Có. Đến lúc tôi trò chuyện, tôi muốn hỏi ông vài điều đấy thưa Tiến sĩ.”
Bloom đến đây sau mọi người. Sau đấy ông lại có lịch thuyết giảng với bộ phận Khoa học Hành vi tại Quantico. Bloom có thể ngửi thấy mùi thuốc súng trên quần áo của Graham.
“Được rồi” Graham bảo. “Điện thoại reo. Mạch đường dây sẽ được kết nối ngay lập tức và cuộc truy gọi bắt đầu tại E.S.S., nhưng bộ phận tạo tín hiệu vẫn tiếp tục đưa ra tiếng đổ chuông để hắn không biết được là chúng ta đã nhấc máy. Như thế sẽ cho chúng ta được hai mươi giây truy đến hắn.” Anh chỉ tay vào kỹ thuật viên. “Bộ phận tạo tín hiệu phải “ngắt” sau hồi chuông thứ tư, rõ chứ?”
Kỹ thuật viên gật đầu. “Sau hồi chuông thứ tư.”
“Rồi, Beverly sẽ nhấc máy. Giọng cô ấy khác với giọng hắn đã nghe thấy hôm qua. Trong giọng nói không được có sự nhận biết nào. Giọng Beverly phải có vẻ đều đều chán ngắt. Hắn sẽ yêu cầu được gặp tôi. Bev sẽ nói ‘Tôi phải nhắn máy gọi anh ấy, xin phép để tôi chuyển anh sang chế độ chờ nhé?” Sẵn sàng hết chưa Bev?” Graham nghĩ nếu không ôn lại lời thoại sẽ hay hơn. Học thuộc lòng có thể làm lời thoại nghe thiếu sức sống.
“Hiểu rồi, đường dây mở ở đầu chúng ta, chết ở đầu hắn. Tôi nghĩ hắn sẽ giữ máy lâu hơn là nói đấy.”
“Có chắc là các anh không muốn mở nhạc chờ cho hắn nghe không?” kỹ thuật viên hỏi.
“Chúa ơi không” Crawford đáp.
“Chúng ta sẽ để hắn chờ chừng hai mươi giây, rồi Beverly sẽ trở lại bảo với hắn rằng, “Anh Graham đang trả lời, tôi sẽ nối đầu dây cho ông ngay” Rồi tôi nhấc máy.” Graham quay sang tiến sĩ Bloom. “Ông sẽ chơi với hắn thế nào đây, tiến sĩ?”
“Hắn sẽ trông đợi anh bán tin bán nghi về việc có phải người gọi thật sự là hắn không. Là tôi thì tôi sẽ nói với hắn vài lời nghi hoặc lịch sự. Tôi sẽ nhấn mạnh sự khác nhau giữa một bên là nỗi phiền phức bị mấy kẻ mạo danh gọi đến và một bên là tầm quan trọng, là ý nghĩa của một cuộc gọi từ kẻ đích thực. Những kẻ mạo danh rất dễ nhận ra vì chúng không đủ khả năng để hiểu những gì đã xảy ra, đại loại là thế.”
“Bắt hắn nói ra những điều để chứng minh hắn là ai.” Tiến sĩ Bloom nhìn xuống sàn nhà và đan tay ra sau gáy.
“Anh không biết hắn muốn gì. Có lẽ hắn muốn sự thấu hiểu, có lẽ hắn chọn anh làm đối thủ và muốn huênh hoang – rồi chúng ta sẽ biết. Hãy cố nắm bắt tâm trạng của hắn và trao cho hắn thứ hắn theo đuổi, từ từ từng chút một thôi. Tôi sẽ rất thận trọng nếu muốn kêu gọi hắn tìm đến chúng ta để được giúp đỡ, trừ phi anh cảm giác được là hắn đang yêu cầu chuyện ấy.
“Nếu hắn là kẻ hoang tưởng thì anh sẽ nhanh chóng nhận thấy ngay. Trong trường hợp đấy tôi sẽ đánh vào lòng ngờ vực hay bất mãn của hắn. Cứ để cho hắn trải lòng. Nếu hắn mãi kể lể, có thể hắn sẽ quên mất hắn đã nói trong bao lâu. Tôi chỉ biết có chừng đó để nói với anh thôi.” Tiến sĩ Bloom đặt tay lên vai Graham, lặng lẽ bảo, “Nghe này, đây chẳng phải lời động viên vớ vẩn gì đâu, anh sẽ tóm được hắn dễ như bỡn thôi. Đừng để ý đến mấy lời khuyên làm gì, hãy làm những gì mà anh thấy đúng.”
Chờ đợi. Nửa tiếng đồng hồ im lặng là quá đủ.
“Có gọi hay không, chúng ta vẫn phải quyết định xem phải làm gì từ đây trở đi,” Crawford lên tiếng. “Có muốn thử vụ thùng bỏ thư không?”
“Tôi chẳng thấy còn ý gì hay hơn thế nữa,” Graham nói.
“Như thế chúng ta sẽ có được hai mồi nhử, vụ theo dõi nhà cậu ở vùng Keys và vụ gửi thư.”
Điện thoại reng lên.
Bộ phận phát tiếng chuông bật mở. Tại E.s.s. cuộc truy gọi bắt đầu. Bốn hồi chuông đổ. Kỹ thuật viên gạt nút và Beverly nhấc máy. Sarah đang lắng nghe.
“Văn phòng đặc vụ Crawford nghe.”
Sarah lắc đầu. Cô biết người gọi đến, một trong mấy ông bạn chí cốt của Crawford bên tổ Vũ khí, Thuốc lá và Rượu mạnh. Beverly vội vã đuổi khéo ông ta, rồi dừng cuộc truy gọi. Mọi người trong tòa nhà F.B.I. này đều biết phải giữ cho đường dây được rảnh.
Crawford lại thảo luận qua những chi tiết về việc thùng thư. Mọi người đều chán và căng thẳng. Lloyd Bowman ghé qua cho mọi người xem các cặp số trong những tờ Kinh Thánh của Lecter khớp với trang 100 trong cuốn Niềm vui nấu nướng. Sarah chuyền cà phê trong ly giấy ra cho mọi người.
Điện thoại reng lên.
Bộ phận phát tiếng hoạt động và tại đầu E.s.s. cuộc truy gọi bắt đầu. Bốn hồi chuông. Kỹ thuật viên gạt nút. Beverly nhấc máy.
“Văn phòng đặc vụ Crawford nghe.”
Sarah đang gật đầu. Gật lia lịa.
Graham đi vào ngăn của mình rồi đóng cửa lại. Anh có thể thấy môi Beverly mấp máy. Cô nhấn nút “chờ” rồi theo dõi kim dài trên chiếc đồng hồ treo tường.
Graham có thể trông thấy mặt mình trên ống nghe được đánh bóng. Hai bản mặt bồng bềnh trên đầu nghe và đầu nói. Anh có thể ngửi thấy mùi thuốc súng từ bãi tập bắn trên áo mình. Đừng gác máy. Lạy Chúa lòng lành, đừng gác máy. Đã tròn bốn mươi giây. Chiếc điện thoại trên bàn anh khẽ nhúc nhích khi nó reo lên. Cứ để nó reng. Một lần nữa. Bốn mươi lăm giây. Nào.
“Will Graham đây, tôi có thể giúp được gì không?”
Một tiếng cười trầm đục. Một giọng nói nghèn nghẹt, “Tôi cho là anh có thể đấy.”
“Xin hỏi ai gọi đến đấy?”
“Thư ký của anh không nói cho anh biết à?”
“Không, nhưng cô ấy đã gọi tôi ra khỏi cuộc họp, thưa ông, và…”
“Nếu anh bảo tôi rằng anh sẽ không nói chuyện với Kẻ Hành Hương, thì tôi sẽ gác máy ngay. Có hay không?”
“Kẻ Hành Hương này, nếu anh có vấn đề gì mà tôi có khả năng giúp được, thì tôi rất sẵn lòng nói chuyện với anh.”
“Tôi nghĩ anh có vấn đề đấy, anh Graham.”
“Xin lỗi, tôi không hiểu ý anh.”
Chiếc kim giây đã bò về phía tròn một phút.
“Anh bận rộn lắm phỏng?” người gọi hỏi.
“Rất bận đến nỗi không thể nói chuyện qua điện thoại được trừ khi anh nói rõ vấn đề của anh ra.”
“Vấn đề của tôi ở cùng chỗ với những vấn đề của anh đấy. Atlanta và Birmingham.”
” Anh có biết gì về mấy chuyện đó à?”
Tiếng cười nhẹ. “Biết gì đó sao? Anh có quan tâm đến Kẻ Hành Hương không? Có hay không? Nói dối là tôi gác máy đấy.”
Graham có thể trông thấy Crawford qua tấm kính. Mỗi tay ông cầm một ống nghe.
“Có. Nhưng anh biết đấy, tôi nhận được cả đống cuộc gọi và đa số là từ những người bảo là họ biết gì đấy.” Một phút.
Crawford đặt một ống nghe xuống mà hí hoáy gì đấy lên mảnh giấy.
“Anh sẽ ngạc nhiên cho xem khi biết có đến bao nhiêu là kẻ mạo danh” Graham nói. “Cứ nói chuyện với họ vài phút là có thể thấy ngay họ không có khả năng để thậm chí hiểu được những gì đã xảy ra. Anh có hiểu không?”
Sarah giơ tấm giấy sát mặt kính để Graham nhìn thấy. “Buồng điện thoại ở Chicago. Cảnh sát đang tới.”
“Nói thế này nhé, anh nói cho tôi biết một điều về Kẻ Hành Hương đi rồi có thể tôi sẽ nói là anh đúng hay sai” giọng nói nghèn nghẹt kia bảo.
“Nói thẳng ra chúng ta đang nói về ai đi nào” Graham nói.
“Chúng ta đang nói về Kẻ Hành Hương.”
“Làm sao tôi biết là Kẻ Hành Hương này có từng gây ra bất cứ chuyện gì mà tôi quan tâm hay không chứ. Có phải không?
“Ta cứ nói là có đi đã.”
“Anh là Kẻ Hành Hương à?”
“Tỏi không nghĩ là tôi sẽ trả lời câu này đâu.”
“Anh là bạn của hắn sao?”
“Đại loại là thế.”
““À, thế thì chứng minh đi. Nói cho tôi biết vài điều chứng tỏ anh thân thiết mức nào với hắn.”
“Anh nói trước. Nói cho tôi biết các bằng chứng của anh đi.” Một tiếng khúc khích căng thẳng. “Lần sai đầu tiên, tôi gác máy ngay”
“Được rồi, Kẻ Hành Hương thuận tay phải.”
“Đoán thế thường quá. Đa số người ta thuận tay phải mà.”
“Kẻ Hành Hương bị hiểu lầm.”
“Đừng nói ba cái điều chung chung nhảm nhí chứ.”
“Kẻ Hành Hương rất to khỏe.”
“Đúng, có thể nói là thế.”
Graham nhìn đồng hồ. Một phút rưỡi. Crawford gật gù khích lệ.
Đừng cho hắn biết bất cứ điều gì mà hắn có thể thay đổi.
“Kẻ Hành Hương là người da trắng và cao khoảng gần mét tám. Này anh, anh chưa nói gì cho tôi hết đấy nhé. Tôi không chắc là anh có biết hắn nữa không đấy.”
“Có muốn ngừng nói không?”
“Không, nhưng anh bảo chúng ta sẽ trao đổi cơ mà. Tôi chỉ đang làm theo những gì anh yêu cầu.”
“Anh có nghĩ Kẻ Hành Hương bị khùng không?”
Bloom đang lắc đầu.
“Tôi không nghĩ bất cứ ai cẩn thận như hắn lại có thể là khùng cả. Tôi nghĩ hắn khác biệt. Tôi nghĩ nhiều người quả có tin rằng hắn khùng đấy, và lý do là vì hắn đã không để cho người ta hiểu nhiều về hắn thôi.”
“Hãy mô tả chính xác những gì anh nghĩ là hắn đã làm với bà Leeds và có lẽ tôi sẽ nói là anh nói đúng hay sai.”
“Tôi không muốn làm thế.”
“Tạm biệt”
Tim Graham nẩy lên, nhưng anh vẫn có thể nghe thấy tiếng thở ở đầu dây bên kia.
“Tôi không thể nói về chuyện ấy cho đến khi tôi biết…”
Graham nghe thấy tiếng cửa buồng điện thoại bị tông bật ở Chicago rồi tiếng ống nghe rơi loảng xoảng. Những giọng nói văng vẳng rồi tiếng va lạch cạch khi ống nghe vung vẩy trên dây. Mọi người trong văn phòng đều nghe thấy qua loa ngoài điện thoại.
“Đứng im. Không động đậy. Đan hai tay sau đầu rồi từ từ bước ra khỏi buồng điện thoại. Từ từ thôi. Để hai tay lên kính rồi dang ra.”
Cơn nhẹ nhõm mát lòng ngập tràn trong Graham.
“Tôi không có vũ khí đâu Stan. Anh sẽ tìm thấy giấy tờ của tôi trên túi áo. Nhột quá.”
Một giọng nói lúng túng vang lên qua điện thoại. “Tôi đang nói với ai đây?”
“Will Graham”
“Đây là trung sĩ Stanley Riddle, Sở Cảnh sát Chicago.”
Giọng nói giờ bực dọc. “Làm ơn nói cho tôi biết chuyện quái gì đang diễn ra ở đây thế?”
“Anh nói cho tôi biết đi. Bắt được tên kia rồi chứ?”
“Được rồi. Freddy Lounds, tay phóng viên. Tôi biết anh này cả mười năm nay rồi. (Sổ tay anh đây, Freddy.) Các anh có muốn buộc tội anh ta không?”
Gương mặt Graham tái xanh. Crawford đỏ dừ. Tiến sĩ Bloom nhìn theo cuộn băng thu âm quay vòng vòng.
“Các anh nghe tôi chứ?”
“Có, tôi muốn cáo buộc đây.” Giọng Graham nghe như bị bóp nghẹt. “Cản trở thực thi công lý. Hãy bắt hắn và giữ đấy giao cho ủy viên Công tố.”
Đột nhiên tiếng Lounds vang lên trong điện thoại. Gã nói năng nhanh nhẹn rõ ràng khi mấy cục bông gòn đã được lấy ra khỏi má.
“Will, nghe này..”
“Đi mà nói với ủy viên Công tố ấy. Đưa điện thoại cho trung sĩ Riddle.”
“Tôi biết vài điều..”
“Đưa cái điện thoại chó chết ấy cho trung sĩ Riddle ngay.” Giọng Crawford vang lên. “Để cho tôi, Will.”
Graham nện ống nghe xuống đánh rầm khiến cho mọi người quanh loa ngoài điện thoại phải rúm người lại. Anh ra khỏi buồng điện thoại rồi rời khỏi phòng mà không nhìn một ai.
“Lounds, anh đã phạm tội tày đình rồi anh bạn” Crawford nói.
“Các anh có muốn bắt hắn hay không? Tôi có thể giúp đấy. Để tôi nói một phút thôi.” Lounds liến thoắng giữa lúc Crawford ngừng lại. “Nghe đây, các anh vừa mới chứng tỏ các anh cần tờ Tattler đến chừng nào. Trước thì tôi không chắc đâu – nhưng giờ thì chắc lắm rồi đấy. Mẩu rao vặt là một phần của vụ Tiên Răng bằng không các anh đã không làm đủ trò để truy cuộc gọi này. Hay lắm. Tờ Tattler sẵn sàng phục vụ. Bất cứ điều gì các anh muốn.”
“Làm sao anh phát hiện ra được?”
“Quản lý mục rao vặt tìm đến tôi. Bảo rằng văn phòng Chicago của các anh cử một tay mặc com lê xuống kiểm tra các mẩu quảng cáo. Người của các anh đã lấy năm lá thư trong những mẩu quảng cáo gửi đến. Bảo rằng là để “theo đuổi một vụ thư lừa đảo” Thư lừa đảo cái gì. Tay quản lý đã photocopy những lá thư lẫn phong bì trước khi anh ta để cho người các anh mang đi.
“Tôi đã coi qua các thư ấy. Tôi biết anh ta lấy năm lá thư là để tung hỏa mù nhằm giấu đi bức thư anh ta thật sự muốn có. Tôi mất một hai ngày để kiểm tra chúng. Lời đáp nằm trên phong bì. Dấu bưu điện từ Chesapeake. Số hiệu bưu chính là của bệnh viện tâm thần Chesapeake. Tôi đã ở đó anh biết chứ, sau lưng cái anh bạn vừa đùng đùng bỏ đi của anh đấy. Có thể là gì khác được chứ?
“Nhưng tôi phải chắc chắn. Bởi vậy tôi đã gọi, để xem các anh có ba chân bốn cẳng chạy bổ đến “Kẻ Hành Hương” hay không, và quả là có.”
“Anh phạm sai lầm lớn rồi đấy Freddy.”
“Các anh cần tờ Tattler và tôi có thể mở cửa chào đón các anh. Rao vặt, xã luận, theo dõi giám sát thư gửi đến, bất cứ thứ gì. Muốn gì anh cứ nói. Tôi có thể giữ bí mật. Có thể mà. Cho tôi tham gia đi, Crawford.”
“Chẳng có gì để cho anh tham gia vào cả đâu.”
“Okay, thế thì nếu số báo tới có kẻ đăng đến sáu mẩu tin rao vặt cũng chẳng sao chứ gì. Tất cả đều gửi cho “Kẻ Hành Hương” và cùng ký tên một kiểu.”
“Tôi sẽ có một lệnh cấm vả vào mặt anh cùng một bản cáo trạng niêm phong về tội cản trở công lý.”
“Và tin có thể bị rò rỉ đến mọi tờ báo trên toàn quốc.” Lounds biết mình đang bị thu băng. Gã chẳng quan tâm nữa “Thề có Chúa, tôi sẽ làm đấy, Crawford. Tôi sẽ phá hỏng cơ hội của anh trước khi tôi mất đi cơ hội cho chính mình “
“Cộng thêm buổi phát thanh toàn liên bang về lời nhắn đe dọa đến những gì tôi vừa nói.”
“Hãy để tôi giúp anh mà, Jack. Tôi có thể đấy, tin tôi đi.”
“Lo mà chạy đến đồn cảnh sát đi, Freddy. Giờ thì đưa điện thoại cho trung sĩ.”
Chiếc Lincoln VersaiDes của Freddy Lounds nồng nặc mùi keo xịt tóc cùng nước cạo râu, mùi tất chân cùng xi giầy làm tay trung sĩ mừng húm khi được chui ra khỏi xe khi họ đến đồn cảnh sát.
Lounds biết viên chỉ huy của đồn cảnh sát nay cùng nhiều tuần tra viên. Chỉ huy trưởng mang cà phê đến cho Lounds rồi gọi đến văn phỏng Ủy viên Công tố để “thu dẹp cái mớ rác rưởi này”.
Không một cảnh sát liên bang nào đến bắt Lounds. Trong nửa tiếng đóng hồ gã nhận cuộc gọi từ Crawford trong văn phòng của đồn trưởng. Rồi gã được tự do ra về. Đồn trưởng tiễn gã ra xe.
Lounds đang kích động, gã lao xe vun vút dằn xóc băng qua trung tâm thành phố theo hướng Đông đi về phía căn hộ nhìn xuống hồ Michigart của mình. Có rất nhiều điều gã muốn có được từ câu chuyện này và gã biết mình có thể tìm được. Tiền là một chuyện, và chủ yếu tiền đấy sẽ đến từ sách xuất bản. Gã sẽ có ngay một cuốn sách bày bán chỉ ba mươi sáu tiếng sau khi vụ bắt người xảy ra. Một câu chuyện độc quyền trên tờ báo thường nhật sẽ là một cơn đảo chính trong báo giới. Gã sẽ được hả lòng hả dạ khi thấy các tờ báo chính thống – Chicago Tribune, Los Angeles Times, tờ Washington Post thần thánh và tờ The New York Times thiêng liêng, đăng tài liệu bản quyền của gã dưới dòng tên cùng hình ảnh chứng thực cho gã.
Và rồi những tay phóng viên của những tờ chuyên san khả kính, những kẻ coi thường gã, không chịu đi uống cùng gã, chúng có thể ngồi đấy mà ghen tức lộn ruột lộn gan.
Với chúng, Lounds là kẻ hạ đẳng vì gã đã chọn một niềm tin khác. Giả sử nếu gã bất tài, là một thằng khùng không vây cánh nào khác, thì các tay kỳ cựu từ báo chí chính thống hẳn có thể tha thứ cho gã vì đã làm việc cho Tattler, như người ta tha thứ cho một thằng lập dị bị thiểu năng vậy. Nhưng Lounds lại giỏi. Gã có các tố chất của một phóng viên có tài – thông minh, liều lĩnh và quan sát tốt. Gã có năng lượng dồi dào cùng tính kiên nhẫn.
Điều chống lại gã là gã thâm độc và do đó bị đám quản lý báo giới ghét bỏ, cùng với việc gã không thể nào tách mình khỏi những câu chuyện của mình.
Tồn tại trong con người của Lounds là nhu cầu thôi thúc muốn được chú ý đến thường hay bị gọi sai là cái tôi. Người Lounds đầy những mụn thịt thừa, xấu xí và nhỏ thó. Gã có răng hô còn đôi mắt chuột chù của gã lại đóng màng như đốm nước bọt nhổ trên mặt đường nhựa.
Gã từng làm việc trong ngành báo chính thống được mười năm rồi nhận ra rằng sẽ chẳng ai phái gã đến Nhà Trắng cả. Gã thấy rằng đám chủ báo sẽ bắt gã làm việc vắt chân lên cổ, xài xể gã cho đến lúc gã biến thành một thằng già nát rượu sức cùng lực kiệt chỉ được làm thứ việc bàn giấy không lối thoát, không thể tránh khỏi chứng xơ gan hay chết cháy trên nệm.
Người ta muốn có thông tin mà gã có thể lấy được, nhưng họ lại không muốn Freddy. Họ trả gã lương cao nhất, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu nếu phải mua lấy phụ nữ. Họ vỗ vai gã, bảo rằng gã rất gan dạ, rồi họ không chịu cho tên gã vào riêng một chỗ để xe.
Một đêm nọ năm 1969 trong lúc ngồi viết lại bài trong văn phòng, Freddy chợt tỉnh ngộ.
Frank Larkin đang ngồi gần gã chép lại lời qua điện thoại.
Ghi chép lại là công việc chôn thân cho những phóng viên lớn tuổi trong tòa báo nơi Freddy làm việc. Frank Larkin năm mươi lăm tuổi, nhưng ông trông như bảy mươi. Mắt mũi ông ta kèm nhèm và thường ba mươi phút một lần bỏ vào tủ cất đồ của mình làm một ly. Freddy có thể ngửi thấy mùi ông ta từ nơi gã ngồi.
Larkin đứng dậy lịch xịch len lỏi đến đầu dãy khều khào thì thào với biên tập viên tin tức, một phụ nữ. Freddy luôn lắng nghe những cuộc đối thoại của người khác.
Larkin nhờ người phụ nữ ấy lấy cho ông ta băng vệ sinh từ máy trong phòng vệ sinh nữ. Ông ta phải dùng chúng cho cái hậu môn rò máu của mình.
Freddy ngừng đánh máy. Gã bỏ mẩu chuyện ra khỏi máy đánh chữ, thay giấy khác vào để viết thư xin thôi việc.
Một tuần sau gã làm việc cho tờ Tattler. Gã bắt đầu ở vị trí Biên tập viên mục Ưng thư với mức lương gần gấp đôi những gì gã kiếm được trước đấy. Ban quản trị vô cùng ấn tượng với thái độ làm việc của gã.
Tờ Tattler có khả năng trả lương cao cho gã vì tờ báo thấy rằng bệnh ung thư đem lại lợi nhuận cao.
Một trong năm người Mỹ chết vì ung thư. Những thân nhân của người đang chết, đã kiệt lực, đã cạn lời cầu khẩn, đang cố chống chọi các tế bào ung thư tàn bạo bằng bơ cục, bằng bánh chuối hay chuyện đùa lợm giọng, luôn tuyệt vọng muốn tin vào bất cứ điều gì mang lại hy vọng.
Các khảo sát nghiên cứu thị trường cho thấy một tít báo in đậm trên trang đầu “PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ Mới” hay “THUỐC TRỊ UNG THƯ KỲ DIỆU” luôn đẩy doanh số bán ra trong siêu thị của bất kỳ số báo Tattler nào thêm 22,3 phần trăm. Sáu phần trăm sụt giảm trong doanh số ấy nếu bài báo được đăng ngay trên trang nhất dưới dòng tít, vì độc giả có thời gian để lướt qua phần nội dung rỗng tuếch khi hàng hóa đang được tính tiền.
Các chuyên gia tiếp thị phát hiện ra rằng tốt hơn hết là nên có dòng tít thật lớn trên trang trước rồi in toàn câu chuyện trong mấy trang giữa vì rất khó để giữ mở tờ báo cùng lúc phải xoay xở với túi ví và xe đẩy hàng.
Một câu chuyện thông thường gồm năm khổ đầu lạc quan ở cỡ chữ mười, rồi giảm xuống cỡ chữ tám, rồi cỡ sáu, trước khi đề cập đến rằng thứ thuốc “kỳ diệu” ấy vẫn chưa bán trên thị trường hay đợt nghiên cứu trên động vật ấy chỉ mới bắt đầu.
Freddy kiếm được tiền nhờ áp dụng những chiêu trên và các câu chuyện ấy đã bán được vô khối Tattler.
Ngoài việc tăng số lượng độc giả, còn có thêm nhiều mối tăng doanh số ngẫu nhiên của các loại mề đay thần kỳ và khăn quấn chữa bệnh.
Những nhà sản xuất các thứ này trả thêm tiền để quảng cáo của họ được đặt gần với các câu chuyện về ung thư hằng tuần.
Nhiều độc giả viết thư đến tòa báo hỏi thêm tin tức. Một ít lợi tức cộng thêm được sinh ra bằng cách bán tên mấy người này cho một tay “truyền bá Phúc âm” trên radio, một kẻ tâm thần khùng điên gửi thư đến cho những người đó để làm tiền, dùng các loại bì thư có in dòng chữ “Một Ai Đó Bạn Yêu Thương Sẽ Chết Trừ Khi…”
Freddy Lounds mang lại lợi ích cho tờ Tattler và Tattler đối đãi gã rất tốt. Giờ đây, sau mười một năm làm việc cho tờ báo, gã kiếm được 72.000 đô một năm. Gã đã đạt được cơ bản mọi thứ gã muốn và xài tiền đấy cố mua chút thời gian huy hoàng. Gã sống hoành tráng hết mức mà gã biết.
Theo chiều hướng mọi chuyện đang tiến triển thế này, gã tin mình có thể đặt cược vào việc được in sách và còn có người quan tâm muốn làm phim. Gã từng nghe nói Hollywood là một nơi đất lành cho những kẻ thâm độc có tiền.
Freddy thấy vui. Gã phóng xe xuống dốc đến ga ra dưới mặt đất trong tòa nhà của mình rồi đánh tay lái vào chỗ đậu xe theo một tiếng cao su bánh xe rít lên hân hoan. Nơi đấy ngay trên tường là những chữ tên của gã cao cả ba tấc, đánh dấu chỗ đậu riêng. Ông Frederick Lounds.
Wendy đã có mặt ở đấy rồi – chiếc Datsun của cô ả đậu kế chỗ gã. Hay lắm. Gã ước mình có thể mang ả theo cùng đến Washington. Như thế sẽ khiến đám cám kia nổ cả mắt. Gã huýt sáo trong thang máy trên đường đi lên lầu trên.
Wendy đang thu dọn hành lý cho gã. Ả luôn sống trong cảnh sẵn sàng lên đường nên đã làm rất nhanh gọn.
Gọn gàng trong quần jean và áo len kẻ ô, mái tóc nâu cột thấp như đuôi sóc trên cổ, ả trông như gái quê, nếu không nhìn vào nước da trắng xanh cùng thân mình của ả. Vóc dáng của Wendy gần như một bức biếm họa của tuổi dậy thì.
Ả nhìn Lounds bằng đôi mắt bao nhiêu năm nay không thoáng chút ngạc nhiên. Ả thấy gã đang run.
“Anh làm việc căng quá, Roscoe à.” Ả thích gọi gã là Roscoe và chẳng hiểu sao gã lại thích như vậy. “Anh đi chuyến nào vậy, xe buýt lúc sáu giờ ư?” Ả mang đến cho gã ly nước rồi dịch bộ đồ liền thân đính kim sa cùng hộp đựng tóc giả ra khỏi giường để gã có thể nằm xuống. “Em có thể đưa anh ra sân bay mà. Đến sáu giờ em mới lên club.”
“Wendy City” là quán bar ngực trần của ả và ả không cần phải nhảy nhót nơi ấy nữa. Lounds đã đồng ký tên vào séc.
“Anh nghe cứ như là tiếng con Morocco Mole khi anh gọi cho em ấy,” ả nói.
“Ai cơ?”
“Anh biết đấy, chiếu sáng thứ Bảy trên ti vi ấy, nó bí ẩn lắm và nó giúp cho Sóc Điệp viên ấy. Bọn mình đã coi phim đó khi anh bị cúm… Hôm nay anh phê rồi chứ gì? Trông anh rất thỏa mãn.”
“Chính xác. Hôm nay anh đã liều một phen, cưng à, và kết quả mỹ mãn. Anh đã có được cơ hội cho một việc ngon lành.”
“Anh còn thời gian chợp mắt tí trước khi đi đấy. Anh đang làm việc kiệt lực kìa.”
Lounds châm điếu thuốc. Gã đã đốt một điếu đang cháy dở trên gạt tàn.
“Anh này?” ả nói. “Em cá là nếu anh uống hết ly kia rồi làm một phát thì anh có thể ngủ được đấy.”
Mặt của Lounds, như một nắm đấm ấn lên cổ ả, cuối cùng cũng giãn ra, trở nên di động một cách bất thình lình như khi nắm đấm biến thành bàn tay. Gã thôi không run rấy. Gã kể cho ả nghe câu chuyện, thì thầm vào trong bộ ngực được gia cố nghễu nghện của ả, còn ả vân vê ngón tay theo hình số tám lên gáy gã.
“Như thế thông minh quá, Roscoe à,” ả nói. ““Giờ anh ngủ đi nhé. Em sẽ đánh thức anh dậy đón chuyến bay. Sẽ ổn thôi anh ạ, mọi chuyện sẽ ổn. Và chúng ta sẽ có thời gian huy hoàng”. Họ rù rì về những nơi sẽ đến. Gã thiếp ngủ.