Sân bay quốc tế Lambert ở St. Louis có một sạp báo bán nhiều tờ nhật báo quan trọng từ khắp Hoa Kỳ. Báo từ New York, Washington, Chicago và Los Angeles được vận chuyển đến bằng đường hàng không và ta có thể mua chúng cùng ngày chúng được xuất bản.
Giống như nhiều sạp báo khác, sạp này cũng do một hệ thống kinh doanh làm chủ, và cùng với các loại báo và tạp chí cơ bản, người chủ sạp buộc phải nhận cả một số báo lá cải nhất định.
Khi tờ Chicago Tribune được giao đến sạp báo vào lúc 10 giờ tối thứ Hai, một đống tờ Tattler cũng rơi đánh thịch xuống sàn ngay bên cạnh. Phần lõi trong đống báo ấy vẫn còn ấm.
Chủ sạp báo đang ngồi xổm trước kệ bày biện số báo Tribune. Ông ta cũng có nhiều việc khác phải làm. Mấy người đứng quầy ban ngày chẳng bao giờ chịu chỉnh thẳng báo lại.
Một đôi bốt có dây kéo hiện ra bên khóe mắt ông. Một người đến đọc qua các loại báo thôi mà. Không, đôi bốt ấy đang hướng về phía ông.
Ai đó đang muốn cái quỷ gì đây này. Chủ sạp báo chỉ muốn sắp cho xong đống Tribune nhưng sự chú ý chằm chằm kia khiến gáy ông giần giật.
Thường chỉ là khách mua một lần. Ông ta không cần phải dễ thương làm gì.
“Gì thế?” ông ta hỏi cặp đầu gối.
“Một tờ Tattler.”
“Anh phải chờ tôi tháo chồng báo ra đã.”
Đôi bốt chẳng dời đi đâu. Chúng đứng quá sát.
“Tôi bảo anh sẽ phải chờ cho đến khi tôi dỡ chồng báo ra. Hiểu chưa hả? Có thấy tôi đang làm việc đây không?”
Một bàn tay, một lóe thép sáng lạnh và tiếng bụp khi chồng báo bên cạnh ông bật rời ra. Một đồng một đô la Anthony (Đồng 1 đô la dạng tiền xu, có hình Susan Anthony, nhà đấu tranh vì quyền bình đẳng cho phụ nữ). rơi leng keng xuống sàn trước mặt ông. Một tờ Tattler sạch sẽ, được giật ra từ giữa chồng báo, khiến những tờ ở trên đổ xuống đất.
Chủ sạp báo đứng dậy. Hai má đỏ phừng. Gã đàn ông kia đang bỏ đi với tờ báo cặp dưới tay.
“Ê. Này thằng kia.”
Gã quay lại đối mặt ông. “Tôi hả?”
“Phải, mày đấy. Tao đã bảo là..”
“Mày bảo gì tao?” Gã đang đi lại. Gã đứng quá gần. “Mày bảo gì tao?”
Thường thì một chủ tiệm lỗ mãng có thể khiến cho khách hàng anh ta chột dạ. Nhưng có điều gì đó rất kinh khủng trong sự bình thản của gã này.
Tay chủ sạp nhìn xuống đất. “Anh thừa 25 xu.”
Dolarhyde quay lưng bỏ đi. Hai má tay chủ sạp còn nóng bừng bừng đến nửa tiếng sau. Phải rồi, thằng này tuần trước cũng tới đây. Nếu hắn còn quay lại, mình sẽ bảo hắn cút mẹ đi chỗ khác. Mình có cất thứ dưới quầy kia dành cho mấy thằng chó đẻ như thế này.
Dolarhyde không nhìn qua tờ Tattler khi còn ở trong sân bay. Tin nhắn thứ Năm tuần trước từ Lecter đã làm hắn mang nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bác sĩ Lecter đã nói đúng, dĩ nhiên rồi, khi bảo rằng hắn thật đẹp đẽ và đọc qua đoạn đấy là sướng rơn cả ngườỉ. Hắn đẹp mà. Hắn cảm thấy chút khinh rẻ cái nỗi sợ tên cảnh sát kia của Lecter. Lecter cũng chẳng hiểu được nhiều hơn gì đám quần chúng.
Tuy nhiên, hắn nôn nao muốn biết liệu Lecter có gửi cho hắn tin nhắn khác không. Hắn sẽ chờ về đến nhà rồi mới đọc. Dolarhyde tự hào về khả năng tự kiềm chế của mình.
Hắn vừa lái xe vừa thích thú ngẫm nghĩ về tay chủ sạp báo.
Từng có một thời hắn hẳn sẽ nói xin lỗi vì đã quấy rầy ông ta rồi sẽ không bao giờ quay lại sạp báo ấy. Bao nhiêu năm trời hắn đã phải nhận cơ man nào những kiểu đối xử khinh miệt từ người khác. Nhưng giờ thì không như thế nữa. Gã đàn ông kia có thể đã xúc phạm Frands Dolarhyde đấy: nhưng gã không thể đối mặt với Rồng. Đây là một phần của sự Biến Đổi.
Nửa đêm, đèn trên bàn làm việc của hắn vẫn sáng. Tin nhắn trong tờ Tattler đã được giải mã và vo viên vứt dưới sàn. Mấy mảnh tờ Tattler vương vãi nơi Dolarhyde đã cắt ra để đóng vào nhật ký của mình. Cuốn nhật ký to tướng đang nằm mở ra bên dưới bức tranh Rồng, keo dán vẫn đang khô dần đi ở những nơi các mảnh cắt được dán vào. Bên dưới đấy, vừa mới được bấm vào, là một túi ni lông nhỏ, lúc này vẫn trống không.
Dòng diễn giải bên cạnh túi ni lông ghi: Với Thứ Này Hắn Đã Sỉ Nhục Ta.
Nhưng Dolarhyde đã rời khỏi bàn.
Hắn đang ngồi trên mấy bậc thang dẫn xuống tầng hầm giữa mùi ẩm thấp lành lạnh của đất và nấm mốc. Tia sáng từ chiếc đèn ắc quy trên tay hắn di chuyển qua những bàn ghế được phủ khăn, qua phần mặt sau bụi bặm của những tấm gương lớn từng một thời được treo trong nhà còn bây giờ đang phải tựa vào tường, qua cái rương đựng hòm thuốc nổ của hắn.
Tia sáng dừng lại tại một hình thù cao cao bọc khăn, một trong nhiều hình thù tương tự nơi góc kia căn hầm. Mạng nhện vương vào mặt hắn khi hắn đi đến đấy. Bụi bặm làm hắn hắt hơi khi hắn lôi tuột phần khăn phủ ra.
Hắn chớp chớp mắt khỏa đi nước mắt và rọi ánh đèn lên chiếc xe lăn bằng gỗ sồi cũ kỹ vừa bị hắn lấy đi tấm khăn phủ. Đó là một chiếc xe lăn lưng cao, nặng và chắc, một trong ba cái dưới hầm này. Chính quyền hạt đã cung cấp chúng cho bà hắn vào những năm 40 khi bà điều hành viện dưỡng lão của mình tại đây.
Những bánh xe cót két kêu lên khi hắn đẩy qua sàn. Dù xe nặng là thế, hắn vẫn dễ dàng bưng được nó lên cầu thang. Hắn vào bếp tra dầu bánh xe. Hai bánh xe nhỏ đằng trước vẫn kêu cút kít, nhưng hai bánh xe sau đã chạy êm ru và xoay nhẹ nhàng chỉ bằng một cú đẩy ngón tay.
Cơn giận ngùn ngụt trong hắn dịu đi theo tiếng quay rù rù êm dịu của mấy bánh xe. Vừa xoay bánh xe vòng vòng, Dolarhyde vừa ư ử theo.