Những thay đổi ở bà ngoại trở nên hiển hiện đầu tiên nhất là vào mùa đông năm 1947 khi Francis lên chín.
Bà thôi không dùng bữa trong phòng mình cùng Francis. Họ chuyển ra ngoài bàn chung trong phòng ăn nơi bà ngồi làm chủ trong các bữa ăn cùng những cư dân lớn tuổi.
Thời con gái, bà ngoại được huấn luyện để trở thành bà chủ tiệc duyên dáng nên giờ bà giở chiếc chuông bạc ra, đánh bóng lên và đặt nó cạnh đĩa mình.
Làm cho bàn ăn luôn trò chuyện rôm rả, điều khiển cho các món được dọn ra nhịp nhàng, giữ nhịp trao đổi đối thoại, chuyền những chủ đề trò chuyện dễ nói sang điểm mạnh của những người nhút nhát, xoay các khía cạnh ưu việt của những người sáng láng thành tâm điểm chú ý của các khách mời khác là một kỹ năng rất đáng giá và cũng là một kỹ năng mà buồn thay ngày nay đang biến mất dần.
Vào thời trẻ bà ngoại rất giỏi việc đó. Thoạt đầu thì các cố gắng của bà quả cũng có giúp cho các bữa ăn được sinh động lên với hai ba người trong số những cư dân vẫn còn có khả năng trò chuyện đôi chút.
Frands ngồi ghế chủ tọa ở đầu kia một dãy những cái đầu gật gù trong khi bà ngoại lôi ra các hồi tưởng từ những ai còn có thể nhớ được.
Bà tỏ ra thích thú quan tâm đến chuyến đi hưởng tuần trăng mật của bà Floder đến thành phố Kansas, bà nhớ lại trận dịch sốt vàng da vài ba lần cùng ông Eton, và bà rạng rỡ lắng nghe những âm thanh thảng hoặc, chẳng rõ đầu đuôi gì từ những người còn lại.
“Chẳng phải thú vị lắm sao, phải không Francis?” bà ngoại vừa nói vừa rung chuông gọi món tiếp theo. Thức ăn là một số loại rau củ cùng thịt nghiền, nhưng bà lại chia thành nhiều món, khiến cho mấy người phụ bếp phải vất vả lắm phen.
Những tai nạn tại bàn ăn không bao giờ được đề cập đến.
Một tiếng chuông rung hoặc một cái khoa tay giữa khi đang nói thế là những ai đã làm rơi vãi đồ ăn hay ngủ gật hay quên bẵng vì sao họ đang ngồi tại bàn ấy được chăm sóc ngay. Bà ngoại luôn mướn một lượng nhân viên đông đảo hết mức chi trả của mình.
Khi tình hình sức khỏe của bà suy giảm, bà sụt cân và có khả năng mặc vừa những chiếc váy mà từ lâu đã bị xếp xó. Một vài váy áo rất trang nhã. Cộng thêm nét mặt cùng kiểu tóc, bà giống đến kinh ngạc với hình ảnh George Washington trên tờ tiền.
Cung cách của bà đến khoảng mùa xuân thì bớt đẹp đi. Bà thống trị bàn ăn và không cho phép ai cắt ngang khi bà đang kể về thời con gái của mình Ở St. Charles, thậm chí bà còn tiết lộ đôi chút vấn đề cá nhân để tạo cảm hứng và khai sáng cho Francis lẫn những người khác.
Quả là bà ngoại từng có một mùa làm người đẹp vào năm 1907 và được mời đến các buổi dạ vũ sang trọng ở bên kia sông trong thành phố St. Louis.
Trong câu chuyện này có một “bài học khách quan” cho mọi người, bà bảo. Bà nhìn Francis đầy chủ đích, cậu thì đang ngồi khoanh chân dưới bàn.
“Ta xuất hiện vào cái thời y học chẳng thể làm được gì nhiều để vượt qua những tai nạn bẩm sinh be bé,” bà nói. “Ta có làn da mái tóc xinh đẹp nên ta vận dụng chúng triệt để. Ta vượt qua trở ngại về hàm răng bằng sức mạnh của tính cách và tinh thần rạng ngời – và ta đã rất thành công đến nỗi hàm răng trở thành “nốt son” của ta. Ta nghĩ các người thậm chí còn có thể gọi chúng là “thương hiệu quyến rũ” của ta cũng được đấy. Ta sẽ chẳng đổi chúng lấy bất cứ thứ gì khác trên thế giới này đâu.”
Bà không tin bác sĩ, bà dài dòng giải thích, nhưng khi thấy rõ vấn đề về nướu có thể làm bà mất hết răng, bà tìm đến một trong những nha sĩ nức tiếng nhất vùng Midwest, bác sĩ Pelix Bartl, người Thụy Sĩ. “Hàm răng Thụy Sĩ” của bác sĩ Felix Bertl rất phổ biến trong một tầng lớp người nhất định, bà ngoại bảo, và tay nghề của ông ta rất đáng nể.
Những ca sĩ nhạc kịch luôn sợ rằng khẩu hình mới của họ sẽ ảnh hưởng đến giọng hát, các diễn viên, và những người nổi tiếng khác đến từ mãi tận San Francisco tìm đến nha sĩ này để lắp răng.
Bác sĩ Bertle có thể tái tạo lại chính xác hàm răng bẩm sinh của bệnh nhân và đã từng thí nghiệm trên nhiều tổ hợp răng khác nhau về tác động của chúng lên sự phát âm.
Khi bác sĩ Bertle làm xong hàm răng giả cho bà ngoại, răng của bà trông hệt như lúc trước. Bà đã vượt qua chúng bằng tính cách của mình mà không đánh mất đi chút nét duyên độc đáo nào, bà bảo với nụ cười lởm chởm.
Nếu trong chuyện này mà có bài học khách quan nào, thì đến mãi sau này Francis mới nhận ra: cậu sẽ chẳng được phẫu thuật gì hết cho đến khi tự mình chi trả được.
Francis có thể ngồi chịu đựng được hết bữa tối là vì có một chuyện mà cậu trông chờ xảy ra sau đấy.
Chồng của Queen Mother Bailey mỗi tối đều đến đón bà bằng cổ xe la kéo vẫn dùng để kéo củi. Nếu bà ngoại đang bận rộn trên lầu, Francis có thể đi nhờ xe họ đến cuối đường mòn dẫn ra con lộ chính.
Cậu bé chờ đợi cả ngày để đến đêm xuống: ngồi trên ghế trong xe cạnh Queen Mother, ông chồng cao nhỏng ốm nhách của bà im lặng và hầu như tàng hình trong bóng tối, những bánh xe sắt vang vang trên nền sỏi ẩn dưới tiếng va chạm lanh canh của các món đồ khác. Hai con la, màu nâu và đôi khi lấm bùn, bờm cắt ngắn chĩa dựng lên như bụi chổi, ngoáy ngoáy đuôi sột soạt quanh mông. Mùi mồ hôi và vải bông luộc sạch, mùi dây cương âm ấm nồng nồng. Còn có mùi của khói củi khi ông Bailey đốt quang bãi đất mới, vài ba con thỏ hay sóc nằm trong thùng xe, người duỗi dài như thể chúng đang chạy.
Họ không trò chuyện gì trong chuyến đi ra đến cuối đường mòn; ông Bailey chỉ ra lệnh với hai con la. Chuyển động của cỗ xe xốc nẩy cậu bé thích thú va vào ông bà Bailey. Khi được thả xuống ở cuối đường mòn, mỗi đêm cậu đều hứa sẽ quay trở lại đi thẳng vào nhà rồi đứng nhìn theo ánh đèn lồng trên cỗ xe đi xa dần. Cậu có thể nghe thấy tiếng họ vừa đi vừa nói. Đôi khi Queen Mother còn làm cho chồng mình phá ra cười và bà cũng cười với ông. Đứng trong bóng đêm thật dễ chịu làm sao khi nghe thấy họ trò chuyện và biết rằng họ không phải đang cười nhạo mình.
Sau này cậu sẽ đổi ý về điều này…
Người bạn thỉnh thoảng đến chơi cùng Francis Dolarhyde là con gái của người làm đồng thuê sống cách đấy ba cánh đồng. Bà ngoại cho phép cô bé đến chơi vì thi thoảng bà thấy vui khi mặc cho cô bé những váy áo mà Marian từng mặc lúc nhỏ.
Đấy là một cô bé tóc đỏ lù rù và đa phần cô bé hay mệt mỏi không thể chơi đùa được gì.
Một buổi chiều tháng Sáu nóng nực, khi đã chán trò dùng cọng rơm câu bọ cánh cứng trong sân nuôi gà, cô bé đòi được xem chỗ kín của Dolarhyde.
Trong góc sân giữa chuồng gà và dãy hàng rào thấp che chắn hai đứa nhỏ khỏi những cửa sổ tầng dưới của ngôi nhà, Dolarhyde giở ra cho cô bé xem. Cô bé đáp lại bằng cách cho cậu bé xem của mình, đứng đấy với chiếc quần lót vải bông tụt xuống mắt cá.
Khi Francis ngồi xổm xuống để xem, một con gà cụt đầu vỗ cánh phành phạch phi vào góc sân, lăn lộn trên lưng, tung đầy bụi đất. Cô bé con lúng túng nhảy lùi lại vì con gà vấy máu tung tóe lên hai chân nó.
Fracis nhảy dựng lên, quần dài vẫn còn đang tụt xuống, thì Queen Mother Bailey đuổi theo con gà quành qua góc sân và trông thấy hai đứa nhỏ.
“Này cậu kia” bà bình thản bảo, “cậu muốn nhìn xem là gì chứ gì, thì giờ thấy rồi đấy, thì thôi đi chơi tiếp đi rồi tìm việc gì khác mà làm nhé. Chơi trò con nít thôi và mặc nguyên quần áo vào. Cậu với cô kia giúp tôi bắt con gà nào.”
Nỗi mắc cỡ trẻ con nhanh chóng qua đi khi con gà vụt né hai đứa nhỏ. Nhưng bà ngoại nãy giờ đang đứng quan sát từ cửa sổ lầu trên…
Bà ngoại nhìn theo Queen Mother quay trở vào nhà. Hai đứa trẻ đi vào chuồng gà. Bà ngoại chờ cho năm phút, rồi lẳng lặng đi tóm bọn nhỏ. Bà đẩy tung cửa và bắt được chúng đang lượm lông gà đội lên đầu.
Bà đuổi cô bé đi về rồi dẫn Francis vào nhà.
Bà bảo cậu sẽ phải quay trở lại trại mồ côi của Sư huynh Buddy sau khi bà trừng phạt cậu xong. “Đi lên lầu. Đi vào phòng cởi quần ra chờ ta lấy kéo.”
Cậu chờ trong phòng mình hàng giờ, nằm dài trên giường, quần cởi, tay nắm chặt khăn trải giường chờ cái kéo. Cậu chờ qua âm thanh dùng bữa tối ở dưới lầu và cậu nghe thấy tiếng lộc cộc của cỗ xe kéo củi và tiếng khụt khịt của hai con la khi chồng của Queen Mother đến đón bà.
Đến gần sáng cậu ngủ thiếp đi rồi giật mình thức dậy mà tiếp tục chờ.
Bà ngoại chẳng bao giờ lên phòng cậu. Chắc là bà quên.
Cậu chờ qua hoạt động thường nhật của những ngày kế tiếp, mỗi ngày bao nhiêu lần thảng thốt lạnh người chợt nhớ ra. Cậu chẳng bao giờ thôi chờ.
Cậu tránh mặt Queen Mother Bailey, không nói chuyện với bà và cũng không giải thích tại sao: cậu đã lầm tin rằng chính bà đã mách với bà ngoại những gì mình thấy trong chuồng gà. Giờ thì cậu tin rằng tiếng cười cậu nghe được khi dõi mắt theo ánh đèn lồng trên cổ xe nhỏ dần ra đến ngoài đường là cười chính cậu. Rõ ràng cậu không thể tin tưởng ai được.
Thật khó mà nằm im rồi thiếp đi khi chuyện vẫn còn đó để mà nghĩ đến. Thật khó mà nằm im trong một đêm sáng vằng vặc.
Frands biết bà mình nói đúng. Cậu đã làm tổn thương bà. Đã làm bà mất mặt. Mọi người cần phải biết chuyện cậu đã làm – thậm chí là ở mãi tận St. Charles. Cậu không giận gì bà ngoại. Cậu không giận bà ngoại. Cậu biết mình Yêu bà thật nhiều. Cậu muốn làm chuyện đúng đắn.
Cậu tưởng tượng ra bọn trộm đột nhập vào nhà và cậu bảo vệ cho bà và bà sẽ rút lại những gì đã nói. “Rốt cuộc thì con cũng không phải là con của Quỷ đâu Francis à. Con là thằng bé ngoan của ngoại.”
Cậu nghĩ đến chuyện một tên trộm đột nhập vào nhà. Chui vào nhà với ý định muốn cho ngoại thấy chỗ kín của hắn.
Francis sẽ bảo vệ bà thế nào? Cậu còn quá bé không thể đánh trả một tên trộm to lớn được.
Cậu nghĩ đến chuyện này. Trong phòng để thức ăn có chiếc rìu của Queen Mother. Mỗi lần giết gà xong bà thường chùi nó bằng giấy báo.
Cậu phải xem qua cái rìu xem sao. Đấy là trách nhiệm của cậu. Cậu sẽ chống chọi lại nỗi sợ bóng tối của mình. Nếu cậu thật sự Yêu Bà Ngoại, cậu phải là thứ khiến người ta sợ trong bóng tối. Là thứ mà tên trộm phải e sợ trong bóng tối.
Cậu bỏ xuống lầu tìm thấy chiếc rìu đang treo trên đinh. Nó mang mùi lạ lạ, như mùi trong bồn rửa khi người ta đang làm gà. Rìu sắc ngọt và sức nặng của nó trong tay cậu làm cậu an lòng.
Cậu mang rìu vào phòng ngoại để bảo đảm không có tên trộm nào.
Bà đang ngủ. Trời tối om nhưng cậu biết chính xác bà ở đâu. Nếu có tên trộm nào trong này thì cậu sẽ nghe thấy hắn thở ngay y như cậu có thể nghe thấy bà đang thở. Cậu sẽ biết cổ của hắn ở đâu chắc chắn như cậu biết cổ của bà ở đâu. Ngay bên dưới nơi đang thở.
Nếu có trộm, cậu sẽ im lặng tấn công hắn như thế này này. Cậu sẽ nâng rìu lên trên đầu hắn bằng hai tay như thế này này.
Frands giẫm lên dép của bà ngoại cạnh bên giường. Lưỡi rìu vung lên trong bóng tối đen ngòm và va vào cái chao đèn đọc sách bằng kim loại.
Bà ngoại lăn sang bên, miệng phát ra tiếng chọp chẹp. Francis đứng im phăng phắc. Hai tay cậu bé run bần bật vì phải gồng lên giữ đứng lưỡi rìu. Bà ngoại bắt đầu ngáy.
Tình Yêu mà Francis đang cảm nhận dường như khiến cậu muốn nổ tung. Cậu rón rén ra khỏi phòng. Cậu đang cuồng tay cuồng chân chỉ muốn bảo vệ cho bà. Cậu phải làm gì đấy. Lúc này cậu không còn sợ ngôi nhà tối om nữa, nhưng chính nó lại đang làm cậu nghẹt thở.
Cậu đi ra cửa hậu rồi đứng trong đêm sáng vằng vặc, mặt ngửa lên, hópu hớp như thể cậu có thể hít thở được ánh sáng. Một đĩa trăng be bé, méo mó đi trên phần tròng trắng của mắt cậu đang trợn ngược lên, rồi tròn vạnh khi hai mắt đảo xuống và cuối cùng cũng đứng chính chắn giữa con ngươi.
Tình Yêu trồi lên trong cậu chật căng không sao chịu nổi mà cậu thì không thể thở hắt nó ra ngoài. Cậu đi về phía chuồng gà, thật rảo chân, mặt đất dưới chân cậu lạnh ngắt, chiếc rìu lạnh ngắt va vào chân cậu, đôi chân lúc này đã chuyển thành chạy trước khi cậu nổ bung…
Francis, đang kỳ cọ mình tại vòi nước nơi sân chuồng gà, trước nay chưa bao giờ cảm nhận được nỗi yên bình vừa ngọt ngào vừa dễ chịu đến vậy. Cậu thận trọng sờ tay vào nó và phát hiện ra nỗi yên bình ấy không có điểm dừng và đang dâng tràn quanh khắp cậu.
Thứ mà bà ngoại đã nhân từ không cắt bỏ đi vẫn còn nguyên đấy như một giải thưởng khi cậu rửa máu khỏi bụng và chân mình. Đầu óc cậu sáng suốt và bình thản.
Cậu phải làm gì đấy với chiếc áo ngủ thôi. Tốt nhất là giấu nó vào dưới mấy bao tải trong nhà sấy thịt.
Phát hiện ra con gà chết làm bà ngoại rối trí. Bà bảo trông không giống do cáo gây ra.
Một tháng sau Queen Mother tìm thấy một con khác khi bà đi thu nhặt trứng. Lần này thì đầu con gà đã bị vặt mất.
Tại bàn ăn tối bà ngoại bảo bà tin rằng trò này do mấy kẻ “xin lỗi giúp với tôi bỏ chạy đây” vì thù hằn mà gây ra. Bà bảo đã gọi cho cảnh sát trưởng về chuyện này.
Francis ngồi im lặng tại chỗ, úp tay rồi mở tay ra khi nhớ lại con mắt chớp chớp trong lòng bàn tay mình. Thỉnh thoảng khi nằm trong giường cậu nắm lấy mình để bảo đảm rằng nó chưa bị cắt. Thỉnh thoảng khi tự nắm lấy mình, cậu cảm nhận được một cái chớp mắt. (câu này tớ nghĩ người dịch dịch chưa đúng, nhưng chả biết sửa thế nào, )
Bà ngoại thay đổi nhanh chóng, bà ngày càng cau có và không thể giữ chân được người giúp việc nhà. Mặc dù thiếu quản gia, bà vẫn đích thân quản lý nhà bếp, đưa cho Queen Mother Bailey những chỉ đạo làm tổn hại cho thức ăn. Queen Mother, người cả đời làm việc cho nhà Dolarhyde, là nhân viên thường trực duy nhất
Mặt đỏ bừng trong hơi nóng của nhà bếp, bà ngoại liên tục làm hết việc này đến việc kia, thường là bỏ lại các món ăn đang nấu dở, không bao giờ được dọn ra. Bà làm món hầm từ thức ăn thừa trong khi rau củ bị bỏ héo trong phòng chứa đồ ăn.
Đồng thời, bà lại phát cuồng về sự phí phạm. Bà giảm thiểu lượng xà phòng và thuốc tẩy trong phòng giặt cho đến khi các tấm trải giường xỉn màu xám xịt.
Trong tháng Mười một bà thuê năm người phụ nữ da đen khác nhau để phụ giúp việc nhà. Họ không ở lại làm lâu dài.
Bà ngoại nổi giận vào đêm người cuối cùng bỏ đi. Bà đi khắp nhà quát tháo. Bà vào trong bếp và thấy Queen Mother Bailey đã bỏ lại một muỗng bột mì trên thớt sau khi nhồi chút bột nướng bánh. Trong hơi nước và sức nóng của nhà bếp nửa tiếng trước giờ ăn tối bà ngoại bước thẳng đến Queen Mother và tát vào mặt bà.
Queen Mother đánh rơi muôi, sững sờ. Nước mắt ứa ra. Bà ngoại rụt tay lại. Một bàn tay to lớn hồng hồng đẩy bà ra.
“Đừng có bao giờ làm thế. Bà đang không bình tĩnh, thưa bà Dolarhyde, nhưng đừng có bao giờ làm thế.”
Quát lên những lời chửi bới, bà ngoại dùng tay không xô đổ ấm xúp, xúp tràn ra xèo xèo trên lò. Bà đi về phòng đóng sầm cửa lại. Francis nghe thấy bà chửi rủa trong phòng cùng đồ đạc bị ném vào tường. Cả buổi tối hôm ấy bà không trở ra ngoài.
Queen Mother lau chùi số xúp rồi cho những người già ăn.
Bà gom vài vật dụng cá nhân vào làn rồi mặc áo len cũ và đội nón vào. Bà đi tìm Francis nhưng không thấy cậu đâu.
Bà ngồi vào cỗ xe thì thấy cậu bé đang ngồi ngoài góc hiên. Cậu nhìn theo bà nặng nề leo xuống quay trở lại chỗ cậu.
“Chuột sóc, ta phải đi rồi. Ta sẽ không quay trở lại đây. Sironia ở hiệu thức ăn, bà ấy sẽ gọi cho mẹ cậu giùm ta. Nếu cậu cần ta trước khi mẹ cậu đến đây, thì cậu cứ tới nhà ta nhé.”
Cậu oằn người né cái vuốt ve lên má mình.
Ông Bailey chậc chậc giục mấy con la. Francis nhìn theo ánh đèn lồng rời đi. Trước đây cậu từng nhìn theo nó, cùng cảm giác buồn rầu trống rỗng vì cậu hiểu rằng Queen Mother đã phản bội mình. Giờ thì cậu không màng. Cậu vui là khác. Một ánh đèn xe kéo đốt bằng dầu kém cỏi đang mờ đi về phía cuối con đường. Nó chẳng là gì so với ánh trăng.
Cậu thắc mắc không biết giết chết một con la thì cảm giác thế nào nhỉ.
Marian Dolarhyde Vogt không đến khi Queen Mother gọi cho cô.
Cô đến hai tuần sau đó sau cuộc gọi của cảnh sát trưởng ở St. Charles. Cô đến lúc xế chiều, tự mình lái một chiếc Packard kiểu tiền chiến. Cô mang găng và đội mũ.
Tay phó đồn gặp cô tại cuối đường mòn và dừng lại ngang cửa xe.
“Thưa bà Vogt, mẹ bà gọi cho văn phòng chúng tôi khoảng lúc trưa và nói gì đó về chuyện người giúp việc trộm đồ. Khi tôi ra đến đấy, xin bà thứ lỗi chứ bà ta cứ luyên tha luyên thuyên và có vẻ toàn những việc chẳng mấy thực tế. Cảnh sát trưởng nghĩ là nên gặp bà trước, nếu bà hiểu ý tôi. Ông Vogt còn phải đối mặt với công chúng rồi bao chuyện khác nữa.”
Marian hiểu ý ông ta. Bấy giờ ông Vogt đang là ủy viên Công trình Công cộng ở St. Louis và đang không được đảng chiếu cố đến cho lắm.
“Theo như tôi biết thì không có ai khác trông thấy nơi này” viên cảnh sát phó nói.
Marian tìm thấy mẹ mình đang ngủ. Hai trong số mấy người già vẫn đang ngồi tại bàn chờ bữa trưa. Một bà lão chỉ mặc áo lót ngồi ngoài sân sau.
Marian gọi điện thoại cho chồng mình. “Họ thường thanh tra những nơi thế nào bao lần… hẳn họ đã chẳng trông thấy gì hết… Em không biết liệu có người thân nào từng phàn nàn không, em không nghĩ mấy người này còn được người thân nào… Không. Anh tránh mặt đi, em cần vài đứa mọi đen. Kiếm cho em vài đứa mọi đen… và bác sĩ Waters. Để em lo chuyện này cho”
Bốn mươi lăm phút sau một bác sĩ cùng một hộ lý mặc đồ trắng đến nơi, theo sau là xe tải thùng mang theo người hầu của Marian cùng năm người giúp việc khác.
Lúc Francis đi học về, Marian, ông bác sĩ cùng hộ lý đang ở trong phòng bà ngoại. Cậu có thể nghe thấy bà mình đang chửi bới. Khi họ đẩy bà ra trên một trong mấy chiếc xe lăn của nhà dưỡng lão thì mắt bà đã đờ đẫn vô hồn và một mảnh bông được dán trên cánh tay bà. Mặt bà trông hóp lại lạ lẫm khi không mang răng. Tay của Marian cũng băng bó, cô đã bị cắn.
Bà ngoại được chở đi trong xe bác sĩ, ngồi ở ghế sau cùng hộ lý. Francis nhìn theo bà rời đi. Cậu định giơ tay vẫy, nhưng rồi để tay mình rơi thòng xuống bên hông.
Nhóm người lau dọn của Marian kỳ cọ thông khí cho ngôi nhà, lau dọn tắm rửa tẩn mẩn cho các người già. Marian cùng làm với họ và trông coi lúc họ chuẩn bị bữa ăn sơ sài.
Cô chỉ nói chuyện với Francis để hỏi đồ đạc ở đâu.
Rồi cô cho nhóm giúp việc ra về và gọi cho chính quyền trong hạt. Bà Dolarhyde bị đột quỵ, cô giải thích thế.
Khi các nhân viên phúc lợi xã hội đến đón bệnh nhân bằng xe buýt đưa đón học sinh thì trời đã tối. Francis tưởng họ cũng đưa cả mình đi. Nhưng không ai đề cập tới cậu.
Chi còn Marian và Francis ở lại trong nhà. Cô ngồi tại bàn ăn, hai tay ôm đầu. Cậu bé đi ra ngoài và leo lên cây táo dại.
Cuối cùng Marian gọi cậu vào. Cô đã soạn một va li nhỏ chứa quần áo cậu.
“Con phải đi cùng ta,” cô vừa nói vừa đi ra xe. “Lên xe đi. Đừng có bỏ chân lên ghế.”
Chẳng có scandal nào. Chính quyền hạt bảo rằng thật đáng tiếc cho bà Dolarhyde, bà quả đã giữ cho mọi thứ được tinh tươm. Gia đình Vogt không bị dính chàm.
Bà ngoại bị nhốt vào viện điều dưỡng tư chuyên về thần kinh. Cũng phải đến mười bốn năm sau Francis mới lại trở về nhà cùng bà.
“Francis, đây là anh chị em khác bố của con,” mẹ cậu bảo. Họ đang ở trong thư phòng nhà Vogt.
Ned Vogt mười hai tuổi, Victoria mười ba và Margaret, chín. Ned và Victoria nhìn nhau. Margaret nhìn xuống sàn.
Francis được cho một phòng trên đầu cầu thang dành cho người hầu. Từ sau cuộc bầu cử thảm bại năm 1944 nhà Vogt không còn thuê người hầu cho lầu trên nữa.
Cậu được cho theo học trường tiểu học Potter Gerard, có thể đi bộ từ nhà và cách xa trường tư Episcobal nơi mấy đứa trẻ họ Vogt theo học.
Bọn trẻ nhà Vogt tránh mặt cậu hết mức trong mấy ngày đầu tiên, nhưng đến cuối tuần đầu tiên Ned và Victoria đã leo lên cầu thang người hầu để ghé vào thăm.
Francis nghe thấy chúng thì thào với nhau đến vài phút trước khi nắm cửa phòng cậu xoay đi. Khi thấy cửa đã khóa, chúng cũng chẳng buồn gõ. Ned bảo, “Mở cái cửa này ra đi.”
Francis mở cửa. Chúng chẳng nói gì thêm với cậu khi lục lọi qua quần áo cậu trong tủ. Ned Vogt mở ngăn kéo trên bàn gương nho nhỏ và dùng hai ngón tay nhặt mấy món nó tìm thấy: khăn tay sinh nhật có thêu chữ FD, bộ tăng âm cho đàn ghita, một con bọ màu sắc rực rỡ trong lọ thuốc, một quyển Baseball Joe in the World Series đã từng một lần thấm nước tiểu cùng một tấm thiệp chúc mau lành bệnh được ký tên “Bạn cùng lớp, Sarah Hughes”.
“Gì đây? Ned hỏi.
“Bộ tăng âm.”
“Để làm gì?”
“Cho đàn ghita.”
“Mày có đàn ghita à?”
“Không?”
“Vậy mày giữ nó làm gì?” Victoria hỏi.
“Bố tao dùng nó.”
“Tao không thể hiểu mày. Mày nói gì thế? Ned, bảo nó nói lại đi.”
“Nó bảo thứ ấy của bố nố.” Ned hỷ mũi vào một trong mấy chiếc khăn tay rồi quẳng lại trong ngăn hộc.
“Hôm nay người ta đã đến đem lũ ngựa con đi,” Victoria nói. Cô bé ngồi xuống chiếc giường hẹp. Ned ngồi cùng, lưng tựa vào tường, hai chân để trên chăn.
“Chẳng còn ngựa con nữa” Ned nói. “Chẳng còn nhà bên hồ để nghỉ hè. Mày có biết tại sao không? Nói ra nào, thằng nhãi khốn kiếp.”
“Bố bị ốm và không kiếm ra được nhiều tiền như trước,” Victoria nói. “Có ngày ông còn không đến văn phòng nữa kia.”
“Biết vì sao bố tao ốm không, thằng khốn?” Ned hỏi. “Nói sao cho tao hiểu đấy.”
“Bà ngoại tao bảo ông ta là tay nát rượu. Cái này thì hiểu chứ?”
“Ông ấy ốm vì cái bản mặt xấu xí của mày đấy” Ned nói.
“Đấy cũng là lý do vì sao người ta không bầu cho ông” Victoria bảo.
“Ra ngoài” Francis nói. Khi cậu quay ra mở cửa, Ned đá vào lưng cậu. Francis cố đưa hai tay ôm thận, làm vậy đỡ cho mấy ngón tay cậu vì Ned đã đá vào bụng cậu.
“Ôi Ned,” Victoria nói. “Ôi Ned.”
Ned chộp lấy hai tai Francis mà gí cậu sát vào gương trên bàn phấn.
“Đây là lý do vì sao mà bố tao ốm!” Ned dộng mặt Francis vào gương. “Đây là lý do vì sao bố tao ốm!” Rầm. “Đây là lý do vì sao bố tao ốm!” Rầm. Tấm gương bê bết máu và nước mũi. Ned thả Frands ra và cậu ngồi bệt xuống sàn. Victoria nhìn cậu, mắt mở lớn, bặm môi dưới giữa hai hàm răng. Chúng bỏ mặc cậu đấy. Mặt cậu nhoe nhoét máu và nước dãi. Mắt cậu chảy nước vì đau, nhưng cậu không khóc.