Những bản quân lệnh của Fomin đập phấp phới trên những dãy hàng rào ở Vosenskaia. Người ta chờ đợi Hồng quân kéo đến có thể bất cứ lúc nào. Trong khi đó bộ tư lệnh của Mặt trận miền Bắc vẫn đóng ở trấn Karginskaia, cách Vosenskaia ba mươi nhăm vec- xta.
Đêm mồng bốn tháng Giêng, một chi đội quân Turkestan kéo đến Karginskaia và một chi đội tiễu phạt của tên trung tá Roman Ladarev được điều cấp tốc từ trấn Ust- Belokaletvenskaia đi bộ tới đánh trung đoàn nổi loạn của Fomin theo đội hình hành quân.
Đáng là bọn lính Turkestan đã phải tấn công Vosenskaia từ ngày mồng năm. Trinh sát của chúng đã mò tới thôn Belogora.
Nhưng trận tấn công không thực hiện được. Những tên Cô- dắc chạy khỏi trung đoàn Fomin cho biết rằng một lực lượng lớn của Hồng quân đang nghỉ đêm ở thôn Gorokhovka và sẽ có mặt ở Vosenskaia vào ngày mồng năm.
Krasnov đang bận đón những tên đại biểu đồng minh vừa tới Novocherkask, vì thế hắn thử đánh Fomin bằng một đòn cân não. Hắn dùng đường điện tín trực tiếp từ Novocherkask đến Vosenskaia gửi cho Fomin một bức điện. Gã báo vụ đánh đi đánh lại rất lâu mấy tiếng “Vosenskaia, gửi Fomin” rồi truyền đi mấy dòng ngắn ngủi:
“Gửi Fomin ở Vosenskaia. Ta ra lệnh cho thượng sĩ Fomin hãy tỉnh ngộ và cùng trung đoàn trở về trận địa. Chi đội tiễu phạt đã xuất phát. Cưỡng lệnh sẽ bị án tử hình. Krasnov”.
Dưới ánh một ngọn đèn dầu hoả. Fomin phanh tà chiếc áo da ngắn đứng nhìn cái băng giấy mỏng đầy những điểm lấm tấm nâu chạy ngoằn ngoèo như con rắn dưới những ngón tay của gã báo vụ. Hắn vừa nói vừa phả vào gáy gã báo vụ một làn hơi lạnh sặc sụa mùi rượu:
– Thế nào, nó nói bậy bạ gì đấy? Tỉnh ngộ à? Nó đánh đã hết chửa? Viết cho nó… Cái gì hử? Sao lại không được?
Tao ra lệnh, nếu không tao sẽ lập tức moi nốt tim gan mề phổi của mày ra!
Thế là gã báo vụ đánh đi:
“Gửi ataman Krasnov ở Novocherkask. Cút mẹ mày đi. Fomin”.
Tình hình Mặt trận miền Bắc đã trở nên đặc biệt phức tạp. Vì thế Krasnov quyết định thân chinh tới Karginskaia để từ đấy trực tiếp phóng “nắm tay tiễu phạt” ra đánh Fomin và chủ yếu là lấy lại tinh thần cho bọn Cô- dắc đang dao động. Chính vì mục đích ấy hắn đã mời mấy tên đại diện của đồng minh đi một chuyến thăm mặt trận.
Ở làng Buturlinovka đã tổ chức lễ duyệt trung đoàn huân chương thánh Gioóc Gundorov vừa chiến đấu trở về. Duyệt binh xong, Krasnov tới đứng bên cạnh lá quân kỳ của trung đoàn. Hắn quay người sang bên phải, cất tiếng hô oang oang:
– Những ai đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi trong trung đoàn Mười tiến một bước… bước!
Gần một nửa quân số trung đoàn Gundorov bước lên phía trước. Krasnov bỏ chiếc mũ lông của hắn xuống, hôn chéo miệng một tên quản đứng gần nhất, tên nầy đã có tuổi nhưng tư thế còn rất hùng dũng. Tên quản đưa tay áo ca- pốt lên chùi bộ ria xén tỉa ngay ngắn, hoảng hốt trợn tròn hai con mắt, đứng đực ra như ngỗng ỉa. Krasnov hôn tất cả những tên lính và sĩ quan cũ trong trung đoàn của hắn.
Bọn đại biểu của Đồng minh chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả, chúng kinh ngạc thì thầm với nhau. Nhưng chẳng mấy chốc vẻ mặt ngạc nhiên của chúng đã được thay bằng một nụ cười mãn ý vì Krasnov đã đi tới trước mặt chúng và giải thích:
– Đây là những người anh hùng đã cùng tôi đánh quân Đức ở gần Neviska, quân Áo ở Bengiet và Komarov, đã góp phần vào chiến thắng chung của chúng ta đánh bại kẻ thù.
Hai bên vầng mặt trời treo lơ lửng ngay giữa đường, hai hàng cột dây thép ngũ sắc với những cái đai trắng đứng chết lặng như những tên lính gác hai bên một hòm tiền. Gió đông- bắc lạnh buốt rúc lên như tiếng kèn trong những khu rừng, lao đi vùn vụt qua đồng cỏ lan rộng ra như những dòng phún thạch, đè rạp đầu và làm gãy những khoảng cỏ dại lồm xồm. Chiều ngày mồng sáu tháng giêng, lúc ánh hoàng hôn đã buông xuống trên sông Tria như một tấm màn, Krasnov đến Karginskaia cùng hai sĩ quan quân đội hoàng gia Anh Edwardt và Oncot, hai sĩ quan Pháp, đại uý Bactelo và trung uý Eclich. Bốn đại diện Đồng minh mặc những chiếc áo choàng dài bằng lông, đội chiếc mũ lông thỏ lồm xồm. Họ cười khà khà, so vai rụt cổ giậm giậm chân bước trên xe hơi xuống, mùi xì gà và mùi nước hoa Colone nồng nặc. Sau khi đã sưởi ấm và uống vài tách trà trong nhà lão phú thương Levotkin, mấy sĩ quan cùng với Krasnov và thiếu tướng Ivanov tư lệnh Mặt trận miền Bắc tới ngôi trường dùng làm địa điểm cho một cuộc họp.
Krasnov nói rất lâu trước một đám đông toàn là dân Cô- dắc. Bọn nầy có vẻ e ngại đề phòng, nhưng vẫn chăm chú lắng nghe, thái độ rất tốt. Nhưng đến khi hắn bắt đầu tả lại một cách sống động “những hành động dã man của bọn Bolsevich” trong các trấn bị họ chiếm đóng thì từ mấy hàng cuối có người bực tức kêu lên trong làn khói thuốc lá xanh xanh:
– Không đúng thế đâu! – Ấn tượng từ nãy thế là tan ra mây khói.
Sáng hôm sau, Krasnov cùng mấy tên đại diện Đồng minh vội vã chuồn về Minlerovo.
Bộ tư lệnh Mặt trận miền Bắc cũng rút đi không kém phần hấp tấp. Mãi đến chiều tối, bọn lính Turkestan còn sục sạo khắp trấn lùng bắt những gã Cô- dắc không chịu rút lui. Đêm hôm ấy kho đạn bị đốt. Mãi đến nửa đêm, đạn súng trường vẫn còn nổ ran như người ta đang đốt một đống củi khổng lồ. Những phát đạn pháo nổ long trời như tiếng đá lở. Hôm sau, giữa lúc trên quảng trường đang cử hành lễ cầu kinh trước khi rút lui trên ngọn gò bên cạnh trấn Karginskaia bỗng có một khẩu súng máy bắn ra như tiếng máy khâu. Đạn súng máy gõ trống trên mái nhà thờ như một trận mưa đầu mùa xuân. Thế là tất cả mọi người chạy ùa ra đồng cỏ, không còn trật tự gì nữa. Ladarev chỉ huy chi đội của hắn cùng vài đơn vị Cô- dắc nhỏ định yểm hộ cho những tên rút lui, bọn bộ binh tản khai bố trí sau cái cối xay gió. Đại đội pháo 36 Karginskaia dưới quyền chỉ huy của viên đại uý Fedor Popop người Karginskaia, bắn với tốc độ nhanh vào các chiến sĩ Hồng quân đang tấn công, nhưng chẳng mấy chốc chúng đã thắng ngựa đánh bài chuồn. Còn bộ binh Cô- dắc thì bị kỵ binh Hồng quân vu hồi từ phá thôn Latysev bao vây dồn tới vách khe núi, chém chết chừng ba mươi tên bô lão ở Karginskaia mà có kẻ đã gọi đùa là “Gaiđamác” 1.
Chú thích
1 Chỉ những người Ukraina khởi nghĩa chống đế quốc Ba Lan từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Trong thời kỳ Nội chiến, chỉ một loại kỵ binh đặc biệt của bọn phản động Ukraina (ND).