Cuộc chiến đấu đang diễn ra ở cửa ngõ thị trấn Ust- Medvediskaia. Grigori vừa cho con ngựa rẽ từ một con đường dùng về mùa hè sang con đường của các vị Ghet- man thì nghe thấy tiếng hoả lực pháo binh nổ ầm ì.
Trên đường, chỗ nào cũng còn lưu dấu vết cuộc rút lui hấp tấp của các đơn vị Hồng quân. Hai người gặp vô số những chiếc xe hai bánh và bốn bánh bị bỏ lại. Bên ngoài thôn Madveevsky, trong cái mương xói còn nằm chỏng gọng một khẩu pháo mà trục đã bị một đạn pháo bắn gãy, chỗ ngồi cũng bị hỏng. Các đoạn dây thắng trên hai càng của phần trước đều bị chém đứt chéo. Cách con mương nửa vec- xta trên một khoảng đất mặn, thấy xác của những người lính nằm sát nhau trên lớp cỏ ngắn cháy thui dưới nắng. Họ mặc những chiếc sơ- mi và quần màu cứt ngựa, chân quấn xà cạp và đi những đôi giày da đóng cá sắt rất nặng. Đó là những chiến sĩ Hồng quân bị kỵ binh Cô- dắc truy kích đuổi kịp và chém chết.
Trong khi cưỡi ngựa qua chỗ đó, nhìn thấy những đám màu rất lớn đọng trên những chiếc áo sơ- mi cứng cộm lên như bánh đa và dáng nằm của những cái xác chết, đã dễ dàng nhận định ngay như thế. Họ nằm lại đấy như những đám cỏ bị chém ngả dưới lưỡi hái. Bọn Cô- dắc đã không kịp lột quần áo của họ có lẽ chỉ vì trận truy kích còn đang tiếp diễn.
Một gã Cô- dắc bị giết nằm vật bên một bụi sơn trà. Hai chân hắn dang rộng cho thấy những nẹp quần đỏ lóe. Gần đấy còn lăn kềnh một con ngựa chết lông màu hạt dẻ nhạt, với cái yên đã cũ, giá yên sơn màu vàng nghệ.
Hai con ngựa của Grigori chạy đã mệt, cần được cho ăn nhưng Grigori không muốn dừng lại ở một nơi mới đây vừa diễn ra một trận chiến đấu. Chàng bèn cho ngựa chạy thêm một vec- xta nữa, xuống một cái khe, rồi ghìm ngựa. Gần đấy có một cái ao và một con đê, nước xói vào đã làm vỡ hỏng đến chân đê, đất chỗ bờ ao đã rắn lại, nứt nẻ nham nhở.
Prokho vừa đi tới bờ ao thì lập tức quay trở lại ngay.
– Cậu làm sao thế? – Grigori hỏi.
– Anh thử tới mà xem.
Grigori thôi thúc con ngựa ra tới bờ đê. Một người đàn bà bị giết nằm thõng thượt trong một chỗ đất hõm, mặt bị phủ kín dưới cái vạt váy màu lam. Hai cái chân trắng trẻo, đầy đặn dang rộng một cách trơ trẽn nom rất đáng sợ, với những bắp chân rám nắng, đầu gối hằn vài vết lúm đồng tiền. Tay trái bị bẻ ngoặt xuống dưới lưng.
Grigori vội xuống ngựa, bỏ mũ, cúi xuống sửa lại cái váy trên xác người bị chết. Ngay sau khi chết, khuôn mặt còn trẻ, ngăm ngăm đen, nom vẫn còn đẹp. Một ánh đùng đục hiện lên loáng thoáng trong cặp mắt mở he hé dưới hai hàng lông mày cau lại trong đau khổ Hai hàm răng sát sin sít, sáng bóng như xà cừ, nhe ra sau cặp môi có những đường nét rất mềm mại. Một món tóc mịn màng phủ kín bên má áp xuống đất. Vài con kiến bò lăng xăng trên má bên nầy đã bị thần chết in lên những mảng bềnh bệch vàng như nghệ.
– Cái lũ chó đẻ ấy đã làm chết mất một người đẹp như thế nầy? – Prokho khẽ nói.
Hắn lặng đi một lát rồi phẫn nộ nhổ toẹt một bãi nước bọt.
– Những thằng… những thằng thông minh như thế nầy tôi thì đem xử bắn hết! Chúng ta rời khỏi chỗ nầy thôi, anh hãy vì Chúa ráng đi! Tôi không thể nào đứng nhìn được. Lòng dạ lộn cả lên rồi đây nầy!
– Có lẽ chúng ta chôn cất cho chị nầy nhé! – Grigori hỏi:
– Sao lại thế, chẳng nhẽ gặp người chết nào chúng ta cũng lần lượt đem chôn cả hay sao? – Prokho phát khùng. – Ở
Yagonyoe chúng ta đã đem chôn một ông lão cha căng chú kiết nào đó, đến đây lại thêm người đàn bà nầy… Nếu đem chôn tất cả thì hai bàn tay sẽ chẳng còn chỗ nào mà lên chai nữa đâu! Lại còn cái huyệt thì lấy gì mà đào bây giờ? Trời nắng thế nầy, đất bị hun rắn cứng lại sâu đến một ác- sin ấy, dùng gươm cũng không thể đào được đâu, người anh em ạ.
Prokho sợ cuống cuồng, chỉ muốn lên đường ngay, thành thử mãi mới lồng được mũi ủng vào bàn đạp.
Hai người lại cho ngựa chạy lên gò. Lên đến ngọn gò, Prokho từ nãy cứ băn khoăn suy nghĩ về chuyện gì không biết, bỗng hỏi:
– Thế nào, anh Panteleevich, máu đổ xuống đất đến thế đã đủ chưa?
– Gần đủ rồi đấy.
– Thế theo ý anh cái trò nầy đã sắp chấm dứt hay chưa?
– Chúng ta bị chúng nó đánh bại rồi sẽ chấm dứt.
– Đến lúc ấy sẽ lại bắt đầu được hưởng một cuộc sống sung sướng, sướng chết mẹ nó đi được! Cầu sao chúng nó đánh thắng chúng ta quàng quàng lên. Trong cuộc chiến tranh với bọn Đức, thường chỉ tự bắn cho mình một viên dạn vào ngón tay là sẽ được cho về ở hẳn nhà. Bây giờ thì dù chặt phăng một cánh tay chúng nó cũng vẫn bắt ở lại hàng ngũ như thường. Khoèo tay chúng nó bắt đi, thọt cẳng chúng nó bắt đi, lác mắt chúng nó bắt đi, sa ruột chúng nó cũng bắt đi, mọi của thổ tả bất thành nhân dạng đều bị chúng bắt đi tuốt miễn là còn đứng được trên hai chân.
Cứ như thế thì cái cuộc chiến tranh nầy chấm dứt làm sao cho được? Quỷ dữ bắt mẹ tất cả chúng nó đi! – Prokho nói giọng tuyệt vọng rồi rẽ khỏi đường cái, xuống ngựa, vừa rồi nới đai bụng cho con ngựa vừa lẩm bẩm nói thêm không biết những gì.
Đến đêm thì Grigori cưỡi ngựa tới thôn Kovansky ở gần thị trấn Ust- Medvediskaia. Một vọng tiêu của trung đoàn ba bố trí ở đầu thôn giữ chàng lại, nhưng bọn Cô- dắc đã nhận ra tiếng sư đoàn trưởng của chúng. Để trả lời câu hỏi của Grigori, chúng cho chàng biết rằng ban chỉ huy sư đoàn đang đóng ở ngay thôn nầy và gã trung uý trưởng ban tham mưu Kopylov đang mong chờ chàng từng giờ từng phút. Đội trưởng vọng gác là một gã rất lắm mồm. Sau khi cắt một gã Cô- dắc đưa chàng về chỗ ban chỉ huy, cuối cùng gã nói thêm:
– Chúng nó củng cố trận địa vững vàng lắm, thưa anh Grigori Panteleevich, có lẽ chúng ta đánh chiếm Ust- Medvediskaia không phải là chuyện chóng vánh đâu. Nhưng sau nầy như thế nào tất nhiên ai mà biết được… Lực lượng của chúng ta cũng khá đầy đủ. Nghe nói quân đội Anh đang tiến từ Morozovskaia tới. Anh có được biết về chuyện ấy không?
– Không? – Grigori vừa thúc ngựa vừa trả lời.
Trong ngôi nhà dùng làm trụ sở của ban chỉ huy sư đoàn bao nhiêu cửa chớp đều đóng kín mít Grigori cứ tưởng trong các phòng đều đóng kín mít không có ai, nhưng chàng vừa bước vào hành lang đã nghe thấy những tiếng nói trầm trầm sôi nồi. Vì vừa đi trong bóng đêm đen tối nên chàng đã bị loá mắt vì ánh sáng của một ngọn đèn lớn treo trên trần phòng trong. Mùi khói thuốc lá hạng tồi nồng nặc hắc hắc đập vào mũi chànbớ
– Cuối cùng anh cũng về đây rồi? – Kopylov ló mặt ra từ trong đám khói thuốc lá bốc cuồn cuộn trên cái bàn, nói giọng sung sướng. – Chúng tôi đợi người anh em đã mòn con mắt rồi đấy!
Grigori chào hỏi những tên có mặt trong phòng, cởi áo ca- pốt, bỏ mũ rồi bước tới gần cái bàn.
– Chà, các cậu hun khói đến ghê? Chẳng làm thế nào thở được nữa. Ít nhất cũng mở một cái cửa sổ ra chứ? Sao lại nhốt kín nhau trong phòng thế nầy? – Chàng cau mày nói.
Gã Kharlampi Ermakov ngồi bên cạnh Kopylov mỉm cười:
– Chúng tôi ngửi đã quen nên chẳng cảm thấy gì nữa. – Rồi hắn huých khuỷu tay đập vỡ một mảnh kính trên cửa sổ, đẩy mạnh một cánh cửa chớp ra.
Không khí mát rượi của trời đêm ập vào trong phòng. Ngọn đèn sáng bừng lên rồi tắt ngấm.
-Thật là ra dáng một ông chủ! Việc gì mà cậu phải đập vỡ miếng kính như thế? – Kopylov đưa hai bàn tay sờ soạng trên mặt bàn, nói giọng bực bội. – Ai có diêm nào? Cẩn thận kẻo bên cạnh bản đồ có lọ mực đấy.
Mấy gã châm ngọn đèn, đóng lại cánh cửa sổ, rồi Kopylov vội nói ngay:
– Đồng chí Melekhov ạ, tình hình mặt trận hôm nay như thế nầy nầy: bọn Đỏ cố giữ Ust- Medvediskaia, chúng phòng thủ thị trấn về ba mặt với lực lượng pháo binh và súng máy khá đầy đủ. Chúng đã đào chiến hào ở gần nhà tu và ở nhiều địa điểm khác nữa. Các cao điểm ven sông Đông đã bị chúng nó chiếm giữ. Anh xem đấy, trận địa của chúng nó tuy không thể nói là vững như bàn thạch, nhưng dù sao đánh chiếm được cũng là việc khá gay go đấy. Về phía ta, ngoài sư đoàn của tướng Fitkeliurov và hai chi đội xung kích gồm toàn sĩ quan, tham gia tấn công còn có toàn bộ lữ đoàn Sáu của Bogaturev và sư đoàn Một của chúng ta. Song sư đoàn ta không có đủ quân số, không có trung đoàn bộ binh vì hiện nay nó vẫn còn ở một chỗ nào đó gần Ust- Khopeskaia. Còn các trung đoàn kỵ binh thì đều đã có mặt, song quân số các đại đội hoàn toàn không thể nói là đầy đủ
– Cứ lấy trung đoàn của tôi làm thí dụ thì rõ, đại đội ba vẻn vẹn còn ba mươi tám thằng. – Tên chuẩn uý Dudarev, trung đoàn trưởng trung đoàn Hai nói.
– Thế trước kia bao nhiêu? – Ermakov hỏi.
– Trước kia chín mươi mốt.
– Sao cậu lại dám cho phép cả một đại đội về nhà? Cậu làm trung đoàn trưởng cái kiểu gì thế hử? – Grigori cau mày, vừa hỏi vừa gõ gõ những ngón tay xuống bàn.
– Nhưng quỷ quái nào giữ nổi chúng nó bây giờ? Chúng nó bỏ nhau về các thôn, thăm gia đình làng xóm. Song bây giờ đã đang lục tục kéo về đấy. Hôm nay lại về thêm ba thằng.
Kopylov đẩy tấm bản đồ về phía Grigori, đưa ngón tay út chỉ địa điểm bố trí của các đơn vị rồi nói:
– Chúng ta còn chưa tham gia tấn công. Hôm qua sư đoàn ta chỉ có trung đoàn Hai tấn công theo đội hình bộ binh trong khu vực nầy, nhưng không thu được kết quả.
– Thương vong có nhiều không?
– Theo báo cáo của trung đoàn trưởng thì hôm qua chết và bị thương mất hai mươi sáu. Cán cân lực lượng thì như thế nầy, chúng ta chiếm ưu thế về quân số, nhưng thiếu súng máy để yểm hộ cho bộ binh tấn công, tình hình đạn pháo gay go. Trưởng ban quân khí của bên chúng nó có hứa rằng ngay sau khi có đạn chở đến sẽ cho chúng ta bốn trăm quả đạn pháo và mười lăm vạn viên đạn súng trường. Nhưng có trời biết đến bao giờ mới có! Mà ngày mai đã phải tấn công rồi, mệnh lệnh của tướng Fitkhelaurov là như thế. Ông ta đề nghị chúng ta điều một trung đoàn tới chi viện các đơn vị xung kích. Hôm qua chúng nó đã xung phong đến bốn lần, tổn thất rất nhiều. Chúng nó chiến đấu gan góc lì lợm như quỷ dữ ấy. Bây giờ thế nầy, Fitkhelaurov đề nghị tăng cường cánh bên phải và chuyển trung tâm đột kích đến chỗ nầy, anh thấy không? Địa hình khu vực nầy cho phép tiến sát chiến hào của địch tới một trăm, một trăm năm mươi xa- gien. Nhân tiện tôi cũng nói thêm rằng thằng phó quan của ông ta vừa ở đây về. Hắn chuyển đến cho chúng ta một mệnh lệnh bằng lời, bảo chúng ta sáu giờ sáng mai đến họp bàn về cách hợp đồng tác chiến. Hiện giờ tướng Fitkhelaurov và ban chỉ huy sư đoàn của ông ta đang ở thôn Đại Xênhin. Nói chung, nhiệm vụ của chúng ta quy lại là phải lập tức đánh bật quân địch trước khi chúng nó điều được viện binh từ nhà ga Xerebriakovo tới. Bên kia sông Đông, quân chúng ta hoạt động cũng không tích cực lắm đâu… Sư đoàn Bốn đã vượt sông Khop, nhưng bọn Đỏ đã đặt sẵn những lực lượng đánh chặn rất mạnh, và chúng nó cố sống chết cắt con đường tiến về phía đường sắt. Ngoài ra hiện nay chúng nó đã bắc xong một chiếc cầu phao qua sông Đông và ra sức chuyển trang bị đạn dược ra khỏi Ust- Medvediskaia.
– Bọn Cô- dắc đồn rằng hình như quân đồng minh đang kéo đến, chuyện ấy có đúng không?
– Có phong phanh là từ Chernusevskaia đang tiến về đây vài đại đội pháo và một số xe tăng của quân Anh. Nhưng vấn đề là chúng nó làm thế nào đưa nổi những chiếc xe tăng ấy qua sông Đông. Theo tôi thì cái chuyện xe tăng chỉ là chuyện bịa? Chúng nó bàn tán về xe tăng đã lâu lắm rồi…
Trong phòng lặng đi một lúc lâu.
Kopylov cởi khuy chiếc áo quân phục cổ bẻ màu nâu của sĩ quan, chống hai bàn tay lên cặp má phinh phính mọc lồm xồm những đám râu màu hạt dẻ cứng như rễ tre. Vẻ mặt đăm chiêu, hắn nhai nhat rất lâu mẩu thuốc lá đã tắt ngấm. Hai con mắt đen, tròn xoe, rất xa tinh mũi của hắn nheo nheo một cách mệt mỏi, khuôn mặt đẹp trai tiều tụy hẳn đi vì những đêm không ngủ.
Trước kia Kopylov vốn là giáo viên trong một trường nhà chung của giáo khu, cứ chủ nhật lại đến chơi nhà bọn lái buôn trong thị trấn, đánh xtu- con- ca với vợ và đánh prê- phê- ran- xơ với chồng, mỗi ván chỉ đặt rất ít tiền. Hắn chơi ghi- ta rất giỏi và là một thanh niên vui nhộn, hồ hởi. Rồi hắn lấy một cô giáo trẻ và chưa biết chừng sẽ cứ sống mãi như thế trong thị trấn cho đến khi về hưu. Nhưng khi chiến tranh bùng nổ hắn bị gọi ra lính. Sau khi tốt nghiệp trường Yunke, hắn bị đưa sang Mặt trận MiềnTây tới một trung đoàn Cô- dắc. Chiến tranh đã chẳng thay đổi gì tính tình cũng như cái dáng dấp con người của Kopylov. Trong cái thân hình béo lùn, trong cách đeo gươm của hắn, trong cả lối hắn nói năng với cấp dưới đều toát ra một cái gì hoàn toàn vô thưởng vô phạt, chẳng quân sự chút nào.
Giọng nói của hắn thiếu hẳn cái âm sắc kim khí lanh lảnh cần có khi ra lệnh, Trong khi nói chuyện hắn không có cái lối diễn đạt vắn tắt khô khan của tầng lớp quân nhân. Bộ quân phục sĩ quan trên người hắn bao giờ cũng rộng thùng thình. Ba năm sống trên mặt trận vẫn chưa làm cho hắn có được một tư thế quân nhân chỉnh tề đĩnh đạc.
Ở hắn bất kỳ cái gì cũng đều chứng tỏ một con người ngẫu nhiên rơi vào chiến tranh. Nom hắn giống một anh chàng “xi vin” phát phì cải trang làm sĩ quan hơn là một tên sĩ quan chính cống. Tuy vậy bọn Cô- dắc vẫn kính trọng hắn, lời hắn nói được lắng nghe trong các cuộc hội nghị tham mưu và những tên chỉ huy của quân phiến loạn rất quý hắn vì đầu óc hắn tỉnh táo sáng suốt, tính hắn dễ dãi nhường nhịn, không thích ra dáng vẻ, và lòng can đảm của hắn đã được tỏ rõ nhiều lần trong chiến đấu.
Trước Kopylov, trưởng ban tham mưu ở chỗ Grigori tà Krugiulin, một gã thiếu uý vô học và thiếu thông minh. Tên nầy đã bị giết trong một trận chiến đấu bên kia sông Tria. Sau khi lên nắm ban tham mưu, Kopylov đã điều hành công việc một cách khéo léo, thận trọng và thông minh. Hắn ngồi lì trong ban tham mưu nghiên cứu các kế hoạch chiến đấu một cách có lương tâm cũng như xưa kia hắn chữa bài cho học sinh, nhưng khi cần thiết, vừa có lệnh của Grigori là hắn quẳng ban tham mưu đấy, để lên ngựa, nắm quyền chỉ huy một trung đoàn, lôi trung đoàn dó xông lên chiến đấu.
Hồi đầu, đối với tên trưởng ban tham mưu mới, Grigori không phải không có định kiến, nhưng hai tháng sau chàng đã hiểu sâu hơn về hắn và một hôm chàng đã nói thẳng với hắn sau một trận chiến đấu: “Kopylov ạ mình đã có những ý nghĩ rất tồi về cậu, nhưng bây giờ mình đã thấy rằng mình nhầm. Chỉ có thế thôi, cậu hãy thứ lỗi cho mình”. Kopylov chỉ mỉm cười, không nói gì cả, nhưng thật ra mấy lời nhận lỗi có phần thô bạo của Grigori đã làm hắn hả lòng hả dạ.
Không hiếu danh, cũng không có những quan điểm chính trị dứt khoát Kopylov coi chiến tranh chỉ như một điều bất hạnh không thế nào tránh được, song hắn cũng không mong chờ chiến tranh chấm dứt. Ngay lúc nầy hắn cũng hoàn toàn không nghĩ gì tới diễn biến của trận chiến đấu đánh chiếm Ust- Medvediskaia, mà chỉ nhớ tới những người trong gia đình và cái thị trấn chôn nhau cắt rốn của hắn. Hắn cứ nghĩ thầm, bây giờ mà được chuồn về nhà, nghỉ phép chừng tháng rười thì thú biết bao…
Grigori nhìn Kopylov giờ lâu rồi đứng dậy:
– Thôi các thầy quyền ngự lâm, chúng ta giải tán về đi ngủ thôi.
Bọn mình chẳng cần phải đau đầu suy nghĩ về chuyện đánh chiếm Ust- Medvediskaia làm gì. Bây giờ đã có các ông tướng tính toán và quyết định thay cho chúng ta rồi. Ngày mai chúng ta sẽ đến chỗ Fitkhelaurov để hắn mở mắt cho những thằng khốn khổ như chúng ta… Còn về chuyện trung đoàn Hai thì mình nghĩ như thế nầy: trong lúc quyền hành vẫn còn trong tay chúng ta, ngay hôm nay phải cách chức trung đoàn trưởng Dudarev, tước hết quân hàm, huân chương…
– Và cả suất cháo. – Ermakov nói xen vào.
– Không, đừng có đùa, – Grigori nói tiếp, – ngay hôm nay phải cho hắn xuống làm đại đội trưởng và cử Kharlampi chỉ huy thay. Ermakov ạ, cậu vù ngay đến đấy đi, cậu nhận lấy trung đoàn và sáng mai chờ lệnh của chúng mình. Mệnh lệnh cách chức Dudarev, Kopylov sẽ viết ngay bây giờ, cậu hãy mang theo. Như mình thấy, Dudaev không thể làm nổi công việc nầy đâu. Hắn chẳng hiểu quỷ quái gì cả, không khéo lại làm cho anh em Cô- dắc giơ đầu chịu báng lần nữa. Cái lối đánh đấm của bộ binh nó đòi hỏi… Nếu thằng chỉ huy có một đầu óc ngu xuẩn thì rất dễ đưa con nhà người ta tới chỗ chết.
– Đúng đấy. Tôi tán thành việc thay Dudarev. – Kopylov nói.
– Còn cậu thì thế nào. Ermakov cậu phản đối à? – Grigori nhìn mặt Ermakov thấy hắn có vẻ không vừa ý bèn hỏi.
– Không mà, tôi có gì đâu. Tôi động đậy lông mày một chút cũng không được hay sao?
– Thế thì càng tốt. Ermakov không phản đối rồi. Riaptrikov sẽ tạm thời nắm trung đoàn kỵ binh của cậu ấy. Thôi viết ngay đi, ngài Mikhailo Grigorieevich, viết xong mệnh lệnh rồi vào mà đánh một giấc đến sáng. Chúng ta sẽ tới gặp cái ông tướng ấy. Chúng mình sẽ mang theo bốn liên lạc.
Kopylov ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày.
– Đem chúng nó đi nhiều thế làm gì?
– Cho ra vẻ một chút! Chúng mình đâu phải là những thằng ngốc nghếch ngu xuẩn, chẳng gì cũng chỉ huy một sư đoàn. – Grigori mỉm cười châm biếm, ngọ nguậy hai vai, khoác đại khái chiếc áo ca- pốt rồi bước ra ngoài cửa.
Chàng trải một tấm áo ngựa, không tháo ủng mà cũng chẳng bỏ áo ca- pốt, nằm ngủ ngay dưới hiên nhà kho. Ngoài sân, bọn liên lạc vẫn còn làm ồn ào rất lâu. Ở một chỗ nào đó gần đấy, vài con ngựa thở phì phì và nhai thóc đều đều. Nồng nặc mùi phân khô và mùi đất bị nắng ban ngày hun nóng còn chưa nguội. Những tiếng nói tiếng cười của bọn liên lạc vẳng đến tai Grigori trong lúc chàng đã thiu thiu. Chàng nghe thấy một gã, giọng có vẻ còn trẻ, vừa thắng yên con ngựa, vừa thở dài nói:
– Chà anh em ạ, sống như thế nầy mà cũng gọi là sống à? Đêm hôm khuya khoắt thế nầy cũng vẫn phải mang công văn đi, chẳng được ngủ ngáy, cũng chẳng có phút nào yên ổn… Nhưng có đứng yên không, đồ quỷ sứ? Cái chân! Cái chân, bảo mày kìa?
Một tên khác khẽ hát bằng một giọng trầm trầm, khàn khàn như bị cảm lạnh:
Chán ngấy đời lính
Toàn thân buồn phiền
Đã vì mày cưỡi chết bao ngựa chiến…
Rồi hắn chuyển ngay sang một giọng van lơn liến thoắng rất ăn người:
– Prokho nầy, cho mình dúm thuốc cuốn một điếu nào? Cậu thật là một thằng vắt cổ chầy ra nước? Cậu quên rằng hồi ở gần Belavin mình đã cho cậu một đôi giầy da của bọn Hồng quân rồi à? Cậu lồi thật đấy? Một thằng khác mà được đôi giầy thì có lẽ suốt đời không quên đâu, còn cậu thì một điếu thuốc cũng chẳng chịu nhả ra?
Có tiếng hàm thiếc lách cách trên răng ngựa. Con ngựa thở dài, tiếng thở như rút từ trong ruột ra. Rồi nói cất bước, bốn vó đập khô khan trên chất đất khô, rắn như đá. “Đứa nào cũng nói đến chuyện đó… Chán ngấy đời lính, toàn thấy buồn phiền”, – Grigori mỉm cười thầm nhẩm lại câu hát rồi lại thiếp đi ngay. Chàng vừa chợp mắt thì nằm mơ ngay một giấc mà trước kia chàng đã có lần mới thấy rồi: những tuyến tản khai của Hồng quân đang tiến trong những đám rạ cao trên cánh đồng nâu nâu. Tuyến tản khai đầu tiên kéo dài vô tận, nhìn đến đâu cũng vẫn còn.
Phía sau vẫn còn sáu bảy tuyến nữa. Bên tấn công tiến tới mỗi lúc một gần trong bầu không khí chết lặng nặng nề. Những hình người đen đen mỗi lúc một to dần và cuối cùng đã thấy những người lính đội mũ có tai, miệng mở hoác nhưng không kêu lên tiếng gì cả, đang cầm ngang cây súng trường, vừa chạy vừa vấp chân. Họ chạy mãi, chạy mãi và đã tới tầm bắn. Nằm trong một dãy chiến hào nông hoen hoẻn, Grigori liên tiếp kéo quy- lát nổ súng rất nhanh. Những phát đạn của chàng làm những chiến sĩ Hồng quân ngãn vật ra. Chàng nhét một kẹp đạn mới vào súng và đưa mắt nhìn quanh trong một giây và thấy bọn Cô- dắc đang nhảy ra từ những dãy chiến hào bên cạnh.
Chúng quay đầu chạy bán sống bán chết, mặt méo xệch vì kinh hoàng. Grigori nghe thấy tiếng tim mình đập một cách khủng khiếp. Chàng kêu lên: “Bắn đi chứ! Lũ khốn kiếp! Chạy đi đâu? Đứng lại, không chạy nữa? Chàng cố hết sức gào thật to, nhưng giọng chàng lại yếu lạ lùng, chỉ hơi nghe thấy. Bản thân chàng cũng bị cái sợ xâm chiếm? Chàng cũng nhảy chồm dậy, và khi đã đứng lên rồi, chàng nổ súng lần cuối cùng vào một chiến sĩ Hồng quân đã có tuổi, da mặt ngăm ngăm, đang lầm lì chạy thẳng tới trước mặt mình, và thấy rằng mình bắn trượt.
Người chiến sĩ Hồng quân có bộ mặt gan lì sôi nổi và nghiêm nghị. Anh ta chạy nhẹ nhàng, hai chân gần như không chạm đất, lông mày giương lên, mũ hất ra sau gáy, tà áo ca- pốt vén sang hai bên. Trong khoảnh khắc nào đó, Grigori liếc nhìn kẻ địch đang chạy tới, thấy một cặp mắt long lanh, hai gò má nhợt nhạt, bộ râu mới mọc loăn xoăn, chàng thấy hai cái ống ủng vừa rộng vừa ngắn, con mắt đen ngòm của nòng súng hơi chúc xuống và trên đầu súng còn có cái mũi lưỡi lê sẫm sẫm đưa đi đưa lại đều đặn theo nhịp bước chân. Grigori xâm chiếm bởi một nỗi kinh hoàng không thể giải thích nổi. Chàng kéo khoá hậu của khẩu súng trường nhưng không kéo được: nó bị hóc.
Trong cơn tuyệt vọng, Grigori đập bừa cái khoá hậu vào đầu gối, nhưng chẳng có kết quả gì! Lúc nầy người chiến sĩ Hồng quân chỉ còn cách chừng năm bước. Grigori quay đầu chạy. Trước mặt chàng trên khắp cánh đồng nâu nâu trơ trụi đều đầy những tên Cô- dắc đang bỏ chạy.
Grigori đã nghe thấy sau lưng tiếng thở nặng nề của kẻ địch đuổi theo mình, nghe thấy tiếng chân hắn chạy rầm rập vang rất to, nhưng chẳng làm thế nào chạy nhanh hơn. Chàng phải cố gắng một cách khủng khiếp mới có thể bắt hai cái chân bất lực chỉ muốn khuỵu xuống phải chạy nhanh hơn. Cuối cùng chàng chạy tới một nơi nghĩa địa âm u, gần hoàn toàn đổ nát, nhảy qua một dãy hàng rào xiêu vẹo, chạy len lỏi giữa những nấm mồ đã lún dụi, những cây thánh giá và những cái miếu nghiêng ngả. Chỉ cần cố gắng thêm một chút là có thể chạy thoát. Nhưng tiếng chân thình thịch phía sau nghe mỗi lúc một to hơn, vang hơn. Hơi thở nóng rực của kẻ đuổi theo Grigori như làm cổ chàng cháy bỏng và trong khoảnh khắc ấy, chàng cảm thấy như mình đã bị kẻ kia túm chặt lấy đai áo và vạt áo ca- pốt. Grigori kêu lên một tiếng khản đặc rồi tỉnh dậy. Chàng đang nằm ngửa, hai chân bị đôi ủng quá chật bó chặt, tê dại. Mồ hôi lạnh ngắt toát ra trên trán, toàn thân đau dần như vừa bị một trận đòn hội chợ. “Chà cái anh nầy, mẹ khỉ…” – Chàng nói giọng khàn khàn và sung sướng lắng nghe giọng nói của chính mình song vẫn còn chưa tin rằng tất cả những điều mình vừa thấy chỉ là một giấc mộng. Sau đó chàng xoay mình nằm nghiêng, kéo tà áo ca- pốt lên trùm đầu và nghĩ thầm: “Đáng là cứ để nó xông tới, tránh miếng đòn của nó, đánh báng súng cho nó ngã xuống, rồi hãy chạy…”. Chàng suy nghĩ một lát về giấc mơ mà mình vừa thấy lần thứ hai, trong lòng bồi hồi sung sướng vì tất cả những điều đó chỉ là một cơn ác mộng và thực tế tạm thời còn chưa có điều gì đe doạ mình. “Kỳ quặc thật, tại sao trong một giấc mộng mọi chuyện diễn ra khủng khiếp gấp mười lần trong đời sống như thế nhỉ? Suốt đời mình chưa từng có một mẻ sợ như thế bao giờ, dù cho mình đã gặp phải bao nhiêu khó khăn gian nan rồi!” – Chàng duỗi hai cái chân tê dại một cách khoái trá, nghĩ thầm và ngủ thiếp đi.