Grigori thấy gặp Miska là một chuyện rất nặng nề. Mối quan hệ giữa hai người đã được xác định rõ ràng ngay từ buổi đầu, vì thế hai người chẳng còn có gì đáng nói với nhau nữa, mà cũng chẳng nói làm gì. Chắc hẳn Miska không thích thú gì mỗi khi gặp mặt Grigori.
Anh thuê hai người thợ mộc, và họ cấp tốc chữa lại cho anh căn nhà nhỏ: họ thay những cái dầm đã gần mục hết trên mái, soi lại mái nhà, dựng lại một trong bốn bức tường xiêu vẹo, làm những đà ngang cửa, các khung cửa sổ và cửa ra vào mới.
Sau khi ở Vosenskaia về, Grigori có tới Uỷ ban cách mạng thôn, trình cho Miska xem các giấy chứng minh của quân đội có đóng dấu của Uỷ ban quân sự rồi bỏ về mà không chào từ biệt. Chàng dọn sang ở với Acxinhia, đem theo cả hai đứa con và ít đồ riêng. Lúc đưa tiễn anh sang ở chỗ mới, Dunhiaska oà lên khóc:
– Anh yêu của em, anh đừng giận em, em không có lỗi với anh đâu? – Dunhiaska nhìn anh trai bằng cặp mắt van lơn.
– Nhưng giận em về chuyện gì cơ chứ, Dunhiaska? Không, không đâu, em nói gì vậy? – Grigori an ủi em gái. – Em nhớ đến thăm anh và các cháu… Cả gia đình nhà ta, anh chỉ còn có mộ mình em, bao giờ anh cũng thương em và bây giờ vẫn thương… Phải, còn chồng em thì lại là chuyện khác. Tình nghĩa giữa hai anh em mình không thể nào sứt mẻ được đâu.
– Chúng em sắp dọn nhà rồi, anh đừng bực mình nhé.
– Việc gì phải làm thế? – Grigori nói có vẻ khó chịu. – Các em cứ ở lại nhà cho đến sang xuân cũng được. Chẳng trở ngại gì anh đâu ở bên nhà Acxinhia cũng có đủ chỗ cho anh và các cháu.
– Anh sẽ lấy chị ấy chứ, anh Griska?
– Vẫn còn chán thì giờ để làm việc ấy, – Grigori không trả lời dứt khoát.
– Anh lấy chị ấy đi anh ạ, chị ấy tốt lắm. – Dunhiaska nói giọng cương quyết. – Hồi mẹ còn sống mẹ thường nói anh chỉ nên lấy chị ấy làm vợ thôi. Trong những ngày cuối cùng mẹ đã mến chị ấy. Trước khi chết mẹ thường sang chơi bên chị ấy luôn.
– Mày nói cứ như dỗ anh ấy. – Grigori mỉm cười nói. – Ngoài Acxinhia ra anh còn lấy ai bây giờ? Hay là anh lấy mụ Andriunhikha?
Mụ Andriunhikha là bà già nhiều tuổi nhất thôn Tatarsky. Mụ đã quá một trăm tuổi từ lâu rồi. Nghĩ tới cái thân hình bé tí tẹo, còng sát đất của mụ, Dunhiaska phì cười:
– Anh chỉ nói bậy, anh yêu của em? Em chỉ hỏi như thế thôi. Anh chẳng đả động gì tới chuyện ấy, vì thế em mới phải hỏi?
– Dù là lấy ai, nhưng thể nào anh cũng mời em đến ăn cưới đấy. – Grigori pha trò, vỗ vai em gái rồi ra khỏi ngôi nhà thân yêu, trong lòng nhẹ nhõm.
Nói đúng sự thật thì đối với chàng sống ở đâu mà chẳng thế, miễn là được sống yên ổn. Nhưng chính sự yên ổn ấy lại là điều chàng không thể nào kiếm được… Chàng sống vài ngày trong hoàn cảnh vô công rỗi nghề. Nó làm chàng cảm thấy rất nặng nề. Chàng cũng đã thử làm vài việc để sửa sang ngôi nhà của Acxinhia, nhưng lại lập tức thấy ngay rằng mình không thể làm gì được. Đầu óc chàng cứ chơi vơi ở chỗ nào. Chàng rất đau khổ vì cái tình trạng chưa biết được điều gì rõ ràng nó dằn vặt, trở ngại không để mình sinh sống: không một phút nào chàng giũ bỏ được ý nghĩ là mình có thể bị bắt, bị bỏ tù, mà như thế còn là may, nếu không còn có thể bị xử bắn nữa là khác
Những lúc thức giấc trong đêm, Acxinhia thường thấy Grigori không ngủ. Chàng thường gối đầu tay nằm ngửa, nhìn đăm đăm vào bóng tối mung lung bằng hai con mắt lạnh lùng đầy phẫn nộ.
Acxinhia cũng biết chàng đang nghĩ gì. Nhưng nàng cũng chẳng biết làm gì để giúp đỡ chàng. Chính nàng cũng đau khổ, khi thấy chàng đau khổ, khi đoán biết rằng các hy vọng của mình về một cuộc sống chung giữa hai người thế là lại không thực hiện được.
Nàng không gặng hỏi chàng về một điều gì. Thôi cứ để cho chàng tự giải quyết lấy mọi việc. Chỉ một đêm, khi nàng chợt tỉnh dậy và nhìn thấy bên cạnh mình có một đốm thuốc đỏ rực, nàng bèn nói.
– Anh Griska ạ, anh cứ là không ngủ… Hay anh tạm rời khỏi thôn đi đâu một dạo có được không? Hoặc là hai chúng mình cùng lánh về một nơi nào có được không?
Chàng ân cần kéo chăn đắp chân cho nàng rồi miễn cưỡng trả lời:
– Để anh nghĩ xem đã. Em cứ ngủ đi.
– Rồi đến khi nào ở đây tình hình mọi mặt đều ổn cả, chúng ta sẽ lại trở về anh thấy thế nào hả?
Nhưng chàng trả lời một cách không dứt khoát, làm như mình chưa quyết định một điều gì cả:
– Chúng ta hãy chờ xem sắp tới đây tình hình sẽ như thế nào đã. Thôi ngủ đi, Acxiutka. – Nói xong chàng nhẹ nhàng và âu yếm đặt môi mình lên bên vai trần mát rượi, mịn như lụa của nàng.
Nhưng thật ra chàng đã quyết định rồi: chàng sẽ không lên Vosenskaia nữa. Người cán bộ phòng chính trị tiếp chàng lần vừa rồi sẽ chờ đợi chàng một cách vô ích. Hôm ấy anh ta khoác chiếc áo ca- pốt lên vai ngồi sau chiếc bàn và trong khi nghe chàng, Grigori nầy kể về cuộc phiến loạn, anh ta cứ vươn vai răng rắc và vờ ngáp dài. Anh ta sẽ không được nghe thêm gì nữa. Mọi điều đã được kể lại hết rồi.
Đến hôm phải lên phòng chính trị, Grigori sẽ bỏ thôn ra đi, và nếu cần sẽ đi lâu ngày. Đi đâu thì chính Grigori còn chưa rõ, nhưng chàng đã nhất quyết thế nào cũng đi. Chàng không muốn chết, cũng không muốn ngồi tù. Chàng đã chọn cho mình một con đường, nhưng không muốn nói trước cho Acxinhia biết. Cũng chẳng nên đầu độc mấy ngày cuối cùng của nàng làm gì, không thế, mấy ngày ấy cũng không vui vẻ lắm rồi. Cần phải chờ đến ngày cuối cùng hãy nói, chàng đã quyết định như thế. Còn bây giờ thì cứ để cho nàng rúc mặt vào nách chàng mà ngủ ngon lành.
Trong những đêm ấy, nàng thường nói: “Em rất sung sướng được ngủ dưới cái cánh của anh”. Thôi được, tạm thời cứ để cho nàng được ngủ. Nhưng tội nghiệp, nàng còn được nép sát vào người chàng cũng chẳng bao lâu. Sáng sáng Griska chăm nom nựng nịu hai đứa con một lát rồi lang thang không mục đích trong thôn. Khi có mặt những người khác, chàng cảm thấy trong lòng vui vẻ hơn.
Có lần Prokho mời chàng đến nhà gã Nikita Mennhikov để tụ tập uống rượu với vài gã thanh niên Cô- dắc đồng ngũ. Grigori kiên quyết từ chối. Qua lời bà con trong thôn kể lại, chàng biết rằng bọn nầy đang bất mãn với chính sách trưng thu lương thực, vì thế trong khi nhậu nhẹt, nhất định chúng sẽ đem chuyện ấy ra nói. Chàng không muốn làm cho mình bị tình nghi nên ngay khi gặp người quen, chàng cũng tránh không đả động tới chuyện chính trị.
Chàng đã chần ngấy cái trò chính trị ấy rồi, dù không nói đến, nó cũng làm cho Grigori đủ đau khổ ê chề vì nó.
Cẩn thận như thế càng không thừa vì lúa má nộp theo chính sách trưng thu lương thực chỉ có được rất ít, chính vì thế mà ba lão già đã bị bắt giữ làm con tin và bị hai đội viên đội trưng thu lương thực áp giải lên Vosenskaia.
Hôm sau, ở gần cửa hiệu của hợp tác xã cung tiêu thống nhất, Grigori gặp Dakha Kramxkov, một tên lính pháo binh cũ vừa mới từ một đơn vị Hồng quân trở về. Gã đang say bí tỉ, chân nam đá chân xiêu nhưng khi bước tới trước mặt Grigori, gã cài lại tất cả những cái khuy trên chiếc áo vét ngắn bê bết đất sét trắng và nói bằng một giọng khàn khàn:
– Chào anh, anh Grigori Pantelevich?
– Chào cậu – Grigori nắm lấy bàn tay rộng bè bè của tên lính pháo binh tướng ngũ đoản, vai u thịt bắp như một cây dâu da.
– Anh có nhận ra tôi không?
– Nhận ra hẳn đi chứ?
– Anh có nhớ năm ngoái ở gần Bokovskaia đại đội pháo của chúng tôi đã cứu anh như thế nào không? Không có chúng tôi, kỵ binh của anh đã bị khốn rồi. Hôm ấy chúng ta đã cho bao nhiêu thằng Đỏ về chầu Chúa, thật là khủng khiếp! Chúng tôi đã tặng cho chúng nó, lúc thì một quả đạn nổ, lúc thì một quả đạn ghém… Hôm ấy tôi phụ trách máy ngắm ở khẩu đội thứ nhất đấy! Chính tôi đấy? – Dakha nắm tay đấm bình bịch vào bộ ngực rất nở nang của gã.
Grigori liếc nhìn chung quanh thấy có vài gã Cô- dắc đang đứng gần đấy nhìn hai người và lắng nghe câu chuyện. Môi Grigori run lên, chàng giận dữ nhe hai hàm răng trắng loá, sát sin sít.
– Cậu say mất rồi, – Chàng khẽ nói, hai hàm răng vẫn nghiến vào nhau, – Tìm chỗ nào mà ngủ đi và đừng nói lung tung nữa.
– Không, tôi chẳng say chút nào cả? – Tên lính pháo binh đã say nhè gào lên rất to. – Có lẽ tôi chỉ say vì đau khổ đấy thôi! Về đến nhà thì thấy không còn là cuộc sống, mà chỉ là cái con b… thôi? Dân Cô- dắc không còn có một cuộc sống nữa rồi, và làm gì còn có dân Cô- dắc nữa! Chúng nó bắt nộp bốn chục pút thóc, như thế thì còn ra sao nữa?
Chúng nó có gieo hạt đâu mà lại bắt người ta nộp? Chúng nó có biết lúa má nó mọc lên bằng cái gì không?
Gã nhìn quanh bằng cặp mắt đờ đẫn, ngầu máu rồi bất thình lình ngật ngưỡng vồ lấy Grigori như con gấu, phà cả hơi rượu vừa nóng vừa nồng vào mặt chàng.
– Sao anh lại mặc cái quần không có nẹp thế nầy hử? Muốn lộn sòng thành một thằng mu- gích à? Không thể như thế được! Anh Grigori Pantelevich yêu quý của tôi ạ! Phải choảng nhau một trận nữa mới được? Đại khái phải làm như năm ngoái ấy; đả đảo chủ nghĩa cộng sản, Chính quyền Xô viết muôn năm!
Grigori xô mạnh gã ra khỏi người chàng và khẽ nói:
– Về nhà đi, thằng say rượu khốn nạn? Mày có biết mày đang nói những gì không?
Tên Kramxkov vươn ra hai bàn tay với mười ngón tõe rộng, miệng lúng búng:
– Xin anh thứ lỗi cho nếu tôi có nói những điều gì không phải… Xin anh thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi đã thành thực nói với anh như nói với vị chỉ huy của tôi… như với một người dù sao cũng là người cha chỉ huy yêu quí của tôi; phải choảng nhau một trận nữa mới được?
Grigori nín thinh quay đi, bước qua bãi thôn về nhà. Cho đến chiều chàng vẫn còn mang ấn tượng của cuộc gặp gỡ lố bịch ấy.
Chàng nhớ lại những tiếng kêu la say rượu của tên Kramxkov, sự yên lặng đầy vẻ đồng tình và nụ cười của những tên Cô- dắc, bụng bảo dạ: “Không, phải mau mau chuồn đi thôi! Sẽ chẳng có gì hay ho đâu…”
Đáng là đến thứ bảy Grigori phải lên Vosenskaia. Ba ngày nữa chàng mới phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn nhưng tình thế đã chuyển biến không như thế: tối hôm thứ năm, Grigori vừa sắp sửa vào giường nằm thì ngoài cửa có người gõ rất mạnh. Acxinhia bước vào phòng ngoài. Grigori nghe thấy nàng hỏi: “Ai đấy?” Chàng không nghe thấy tiếng trả lời, nhưng do một nỗi bồn chồn mơ hồ, chàng nhổm dậy, tụt trên giường xuống và bước ra cửa sổ. Trong phòng ngoài có tiếng then cửa lách cách. Dunhiaska bước vào trước.
Grigori nhìn thấy khuôn mặt tái nhợt của em gái bèn chưa kịp hỏi han gì đã đưa tay với lấy chiếc mũ lông và cái áo ca- pốt.
– Anh yêu của em…
– Có gì thế? – Chàng vừa lồng tay áo ca- pốt vừa khẽ hỏi.
Dunhiaska thở hổn hển vội nói:
– Anh ơi, anh đi ngay đi thôi? Trên trấn có bốn người cưỡi ngựa, vừa tới bên em. Họ đang ngồi ở nhà trong… Họ nói rất khẽ, nhưng em đã nghe được… Em đứng sau cánh cửa nên nghe thấy hết… Miska nói rằng cần phải bắt anh… Miska đang kể cho họ nghe về anh… Anh phải đi đi!
Grigori bước nhanh tới trước mặt Dunhiaska, ôm lấy Dunhiaska và hôn thật mạnh vào má Dunhiaska.
– Cám ơn, em gái của anh! Em về đi, kẻo họ để ý thấy em ra khỏi nhà. Tạm biệt em, – Rồi chàng quay lại bảo Acxinhia – Bánh mì! Mau lên? Nhưng không cần cả cái, một miếng thôi?
Thế là chấm dứt cuộc sống yên ồn mà chàng vừa được hưởng không được bao lâu. Cũng như trong chiến đấu, chàng làm mọi việc một cách vội vã, nhưng chắc chắn. Chàng vào nhà trong, nhẹ nhàng hôn hai đứa trẻ đã yên giấc rồi ôm lấy Acxinhia:
– Tạm biệt em? Anh sẽ gửi tin về ngay. Prokho sẽ cho em biết.
Chú ý chăm nom hai đứa trẻ. Cửa phải đóng lại. Chúng nó có hỏi thì bảo anh đi Vosenskaia rồi. Thôi tạm biệt em, đừng buồn nhé, Acxiutka? – Chàng hôn nàng và cảm thấy trên môi có cái vị ấm mặn mặn của nước mắt.
Chàng không có đâu thì giờ để an ủi và nghe những lời lắp bắp bất lực, không đầu không đũa của Acxinhia. Chàng nhẹ nhàng gỡ hai cánh tay đang ôm ghìm lấy mình, bước ra phòng ngoài, lắng nghe một lát rồi bất thình lình mở toang cánh cửa bên ngoài. Một làn gió lạnh thổi lạt từ ngoài sông Đông vào mặt chàng. Chàng nhắm mắt trong một giây đề quen dần với bóng tối.
Đầu tiên Acxinhia nghe thấy tiếng tuyết lạo xạo dưới chân Grigori. Và mỗi bước chân đều dội vào làm tim nàng đau nhói. Rồi tiếng những bước chân lắng dần và có tiếng hàng rào cọt kẹt. Sau đó tất cả lặng đi, chỉ còn nghe thấy tiếng gió rú ù ù trong khu rừng bên kia sông Đông. Acxinhia cố lắng nghe để nhận thấy một cái gì qua tiếng gió rít nhưng chẳng thấy gì cả. Nàng bắt đầu thấy lạnh, bèn vào trong bếp và tắt đèn.