Sáng hôm sau, Grigori đến nhà Mokhov. Sergey Platonovich vừa ở ngoài hiệu về uống trà. Lão ngồi cùng với Atepin trong phòng ăn, tường dán một thứ giấy đắt tiền giả vân gỗ sồi, và đang chuyên trà, một thứ trà đặc sánh, đỏ như rượu Boóc-đô. Grigori để mũ ờ phòng ngoài rồi bước vào phòng ăn.
– Thưa ông Sergey Platonovich, tôi xin phép gặp ông một lát.
– À, hình như anh là cậu hai nhà ông Panteley Prokofievich thì phải.
– Vâng, đúng đấy ạ.
– Anh có việc gì thế?
– Tôi muốn hỏi xem ông có nhận tôi vào một chân làm công được không?
Chợt có tiếng cánh cửa rít, Grigori quay đầu lại. Từ trong phòng khách, bước ra một sĩ quan trẻ tuổi, tay cầm tờ báo gấp tư. Hắn mặc quân phục màu xanh lá cây, đeo lon trung uý. Grigori nhận ra viên sĩ quan bị Mitka Korsunov vượt trong cuộc đua ngựa năm ngoái.
Sergey Platonovich đẩy một chiếc ghế dựa cho viên sĩ quan ngồi rồi nói:
– Sao thế, chẳng nhẽ ông cụ nhà anh đã sa sút đến nỗi phải cho con trai đi làm thuê hay sao?
– Tôi không ở với cha tôi nữa.
– Ra ở riêng à?
– Vâng.
– Tôi cũng rất muốn nhận anh vào làm, vì tôi biết gia đình bên ấy lắm, toàn những người hay lam hay làm, nhưng hiện nay lại không thiếu người.
– Có việc gì thế ông? – Viên trung uý đến ngồi vào bàn, rồi đưa mắt nhìn Grigori và hỏi.
– Anh chàng muốn kiếm việc làm.
– Anh có biết chăm nom ngựa không? Đánh xe có càng giữa thắng hai con ngựa có khá không? – Viên trung uý vừa hỏi vừa khuấy chiếc cùi dìa nhỏ trong cái tách.
– Vâng được, nhà tôi cũng nuôi sáu con ngựa của gia đình.
– Tôi đang cần một tay đánh xe. Thế các điều kiện của anh như thế nào?
– Công xá tôi cũng không xin nhiều đâu…
– Nếu thế ngày mai anh cứ tới dinh cơ ông cụ nhà tôi. Anh có biết trại của cụ Litnhitki Nicolai Alekseevich ở đâu không?
– Vâng có biết.
Cách đây khoảng mười hai vec-xta thôi. Mai vào buổi sáng nhé. Sang bên ấy ta sẽ thoả thuận với nhau.
Grigori ngập ngừng nán lại một lát. Cầm quả đấm rồi, chàng mới nói:
– Thưa quan lớn, quan lớn cho gặp riêng một lát, tôi có chuyện muốn thưa với quan lớn…
Viên trung uý bước theo Grigori ra khoảng hành lang tranh tối tranh sáng. ánh sáng hồng hồng ngoài sân thượng lọt vào dè sẻn qua những miếng kính mờ.
– Có việc gì thế?
– Tôi không phải chỉ có một mình… – Mặt Grigori đỏ như gấc. – Cùng đến với tôi còn có một người đàn bà. Không biết có kiếm được cho cô ấy một việc nào làm không?
– Vợ anh à? – Viên trung uý mỉm cười hỏi, hai hàng lông mày giương lên, nắng chiếu vào nom hồng hồng.
– Vợ người khác.
– Chà, ra vậy. Cũng được thôi, chúng tôi sẽ sắp xếp để nấu ăn cho bọn đầy tớ. Thế chồng cô ấy đâu?
– Ở ngay đây, cũng người thôn nầy.
– Sao vậy, anh cướp vợ của người ta à?
– Tự cô ấy theo đấy thôi.
– Câu chuyện cũng lãng mạn nhỉ? Thôi được, sáng mai cứ lại. Bây giờ thì anh về được rồi, người anh em ạ.
Grigori đến Yagonoie, dinh cơ của nhà Litnhitki, khoảng tám giờ sáng. Dãy tường bao bằng gạch loang lổ vây quanh cái sân rất rộng, trong sân có những căn nhà phụ, cái ra cái vào chẳng thành hàng lối gì cả: một dãy nhà ngang mái ngói, giữa mặt trước có con số 1910 đắp bằng ngói, nhà đầy tớ, nhà tắm, tàu ngựa, nhà nuôi gà vịt chuồng bò, một nhà kho dài, nhà để xe. Một toà nhà cổ rất to nằm giữa khu vườn, từ sân vào phải qua dãy hàng rào. Sau nhà có cánh rừng dựng đứng như bức tường xám với những cây tiêu huyền và dương liễu trơ trụi. Những cái tổ quạ nằm lắt lẻo trên cây nom như những cái mũ màu nâu, nhưng quạ đã bỏ đi hết rồi.
Grigori chưa vào đến trong sân thì một đàn chó mực giống Krym đã chạy ra đón chàng. Một con chó cái già, mắt ướt như mắt bà lão, khập khiễng chạy tới đánh hơi Grigori trước nhất, rồi nó gục cái đầu gầy khô lẽo đẽo đi theo chàng. Trong nhà đầy tớ, mụ nấu bếp đang chửi nhau với chị hầu phòng còn trẻ, mặt đầy tàn hương. Một cụ già loắt choắt ngồi ở ngưỡng cửa, giữa đám khói thuốc lá, như trong một cái túi ông cụ có cặp môi rất dày. Chị hầu phòng dẫn Grigori vào trong nhà. Phòng ngoài nặc mùi chó và mùi da thú chưa khô. Một cái bao súng hai nòng nằm bẹp trên mặt bàn, bên cạnh có một chiếc túi dết với những ngù lụa màu xanh lá cây, tua đứt nham nhở.
– Công tử cho gọi anh vào – Chị hầu phòng trong cửa bên ngó ra.
Grigori lo lắng nhìn xuống đôi ủng đầy bùn của mình, bước tới cửa phòng.
Viên trung uý nằm dài trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ. Trên chăn có hộp ống giấy để nhồi thuốc lá và thuốc lá sợi. Nhồi xong một điếu thuốc, hắn cài cúc cổ chiếc áo sơ-mi trắng rồi nói:
– Anh đến sớm quá đấy. Chờ một lát, ông cụ nhà tôi sẽ sang đây ngay.
Grigori đứng chờ bên cửa. Một phút sau có tiếng chân bước lệt sệt trên sàn gỗ ọt ẹt. Một giọng ồm ồm hỏi qua khe cửa:
– Con còn ngủ không đấy, Evgeni?
– Mời cha vào đi.
Một lão già đi ủng dạ đen kiểu Kavkaz bước vào. Grigori đứng bên liếc nhìn lão. Điều đầu tiên đập vào mắt chàng là cái mũi thanh thanh, gẫy sống và bộ ria bạc hình bán nguyệt rất rộng, chỗ dưới mũi vàng khè vì khói thuốc. Lão cao như cây sào, người gầy nhưng vai rất rộng. Một chiếc áo khoác dài bằng lông lạc đà thõng trên người lão cổ áo bó chặt cái cổ nhăn nheo, da nâu sẫm. Hai con mắt đã bạc màu nằm ngay sát tinh mũi.
– Cha ạ, đây là gã đánh xe mà hôm qua con đã thưa với cha là nên thuê đấy. Một anh chàng con nhà cũng tốt.
– Con nhà nào thế? – Giọng lão già nổ ra ồm ồm như tiếng sấm.
– Melekhov ạ.
– Melekhov nào cơ chứ?
– Cha tôi là Panteley Melekhov.
– Ta có biết Prokofi, Panteley ta cũng biết. Lão ấy khập khiễng có máu trec-ket phải không?
– Vâng đúng đấy ạ, có khập khiễng đấy ạ. – Grigori rướn thẳng người như sợi dây cung.
Chàng nhớ lại vài câu chuyện đã được nghe cha kể về vị tướng về hưu Litnhitki, anh hùng trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Thổ nhĩ kỳ.
– Sao phải đi làm thuê hử? – Cái giọng ồm ồm như sấm lại từ trên cao dội xuống.
– Bẩm cụ lớn, tôi không còn ở với cha tôi nữa.
– Đem thân đi làm thuê mà sống thì còn gì là một thằng Cô-dắc? Chẳng nhẽ bố cho ra ở riêng mà không cho gì à?
– Bẩm cụ lớn, đúng thế đấy ạ, chẳng cho gì cả.
– Nếu thế thì lại chuyện khác. Cùng đi ở với vợ có phải không?
Viên trung uý cựa mạnh làm chiếc giường kêu cọt kẹt. Grigori đưa mắt nhìn sang, thấy hắn nháy mắt, lắc đầu ra hiệu.
– Bẩm cụ lớn, vâng ạ.
– Đừng cụ lớn, cụ bé gì cả. Ta không thích thế! Tiền công mỗi tháng tám rúp. Tính cho cả hai. Vợ mầy sẽ nấu nướng cho bọn đầy tớ và thợ làm mùa. Có thuận không?
– Vâng ạ.
– Ngày mai cả hai sẽ phải đến ngay trang trại. Mầy sẽ đến ở nhà đầy tớ bên nửa mà thằng đánh xe cũ đã ở ấy.
– Hôm qua cha đi săn thế nào? – Người con hỏi lão già rồi bỏ thõng hai bàn chân nhỏ bé xuống chiếc thảm con.
Đến khe Gremiatri thì lùa được một con cáo to tướng ở trong đó ra, đuổi tới cánh rừng. Nhưng con cáo già đã lừa được đàn chó rồi mất hút.
– Con Katbech vẫn còn khập khiễng hả cha?
– Có lẽ nó bị sai khớp. Thôi mau mau lên, Evgeni, bữa sáng nguội mất bây giờ.
Rồi ông già quay về phía Grigori và bật đánh tách một cái hai ngón tay gầy gò, xương xẩu.
– Đi đều bước! Ngày mai phải có mặt ở đây trước tám giờ.
Grigori ra khỏi cổng. Đàn chó săn đang nằm sưởi nắng bên bức tường sau lưng nhà kho, chỗ đất đã khô không còn tuyết nữa. Con chó cái già có hai con mắt như mắt bà lão lon ton chạy tới sau lưng Grigori, ngửi ngửi người chàng, rồi lại ủ rũ gục đầu, lẵng nhẵng đưa tiễn Grigori đến khe núi đầu tiên. Đến đấy thì nó quay về.