Tiết trời mùa thu đã ấm hơn thỉnh thoảng lại mưa một trận. Bên trên thành phố Bykhov, năm thì mười hoạ mới thấy ló ra một vừng mặt trời nhợt nhạt như người bị băng huyết. Tháng mười, chim trời bắt đầu bay đi. Đến đêm vẫn còn tiếng sếu hối hả gọi đàn, tiếng kêu đau khổ vang lên trên vùng đất lạnh lẽo, đen ngòm, nghe đến là rạo rực. Từng đàn chim mùa vội vã trốn chạy những băng giá sắp ập tới, những cơn gió bấc lạnh buốt hoành hành trên các tầng cao.
Những kẻ bị bắt vì dính líu tới vụ án Kornilov rồi bị giam ở Bykhov, đã chờ ngày xét xử một tháng rưỡi trời. Trong thời gian ấy cuộc sống của họ trong nhà tù hình như chỉ ngưng đọng lại, với một hình thức nếu không phải là hoàn toàn bình thường, thì dù sao cũng chỉ chặt chẽ theo một kiểu đặc biệt. Sáng sáng, điểm tâm xong, các tướng lĩnh đi dạo chơi rồi về đọc thư từ, tiếp những người họ hàng thân thuộc đến thăm, dùng bữa trưa, và sau giờ “chết” người nào về làm việc riêng trong phòng người nấy. Tối tối họ thường tụ tập ở chỗ Kornilov, chuyện trò bàn bạc rất lâu.
Dù sao trong cái trường trung học con gái chuyển thành nhà giam nầy, họ sống cũng không thiếu tiện nghi.
Đảm nhiệm công việc canh gác, bên ngoài có tiểu đoàn Georgievsky bên trong có những tên lính của trung đoàn Turkestan. Sự canh gác nầy kể ra cũng có gò bó đến mức nào đó và hạn chế tự do của những kẻ bị giam, nhưng bù vào đó, nó lại có một ưu điểm hết sức căn bản: cách bố trí canh phòng đã được sắp xếp để bất cứ lúc nào những kẻ giam cũng có thể bỏ trốn một cách dễ dàng và an toàn nếu họ muốn. Suốt thời gian sống trong nhà giam ở Bykhov, họ vẫn có thể liên lạc với thế giới bên ngoài mà không gặp trở ngại gì cả, họ có thể gây áp lực với giới nhân sĩ tư sản, yêu cầu điều tra và xét xử cho nhanh, làm phi tang cuộc nổi loạn, mò xem tinh thần của giới quân quan hiện nay như thế nào, và chuẩn bị vượt ngục nếu tình huống chuyển hướng tới một kết cục tệ hại.
Kornilov lo giữ bên cạnh hắn bọn lính trung đoàn Turkestan từ xưa vẫn trung thành với hắn, vì thế hắn đã liên lạc với Kaledin, và bên nầy, theo yêu cầu khẩn khoản của hắn, đã cấp tốc gửi đi Turkestan vài toa xe lúa mì cho gia đình đang bị đói của bọn lính trong trung đoàn. Để giúp đỡ vợ con những tên sĩ quan tham gia âm mưu chính biến, Kornilov đã viết cho những tên chủ nhà băng kếch sù ở Moskva và Petrograd một bức thư hết sức gay gắt, thế là bọn nầy lập tức gửi ngay vài vạn rúp, vì sợ có những lời phát giác không lợi cho mình. Cho tới tháng mười một, Kornilov không ngừng trao đổi rất nhiều thư từ với Kaledin. Trong một bức thư dài gửi cho Kaledin hồi trung tuần tháng mười, hắn đã hỏi han về tình hình sông Đông và thái độ của dân Cô- dắc nếu hắn trốn về vùng đó. Kaledin đã gửi cho hắn một bức thư trả lời với nội dung thuận lợi.
Cuộc chính biến tháng mười đã làm ngả nghiêng đất dưới chân những kẻ bị giam ở Bykhov. Ngay hôm sau đã có những tên liên lạc được tung đi các nơi, và chỉ một tuần sau trong bức thư Kaledin gửi cho tướng Dukhonin, một Tổng tư lệnh tối cao tự phong, đã có thể nhận ra tiếng vang của tâm trạng lo lắng cho số phận của những kẻ bị giam. Trong bức thư đó, Kaledin khẩn khoản xin bảo lãnh cho Kornilov cùng những tên bị bắt khác. Đại bản doanh cũng nhận được những lời đề nghị như thế của Hội đồng Hội liên hiệp các quân nhân Cô- dắc và Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan Lục quân và hải quân. Nhưng Dukhonin lần lữa không giải quyết ngay.
Ngày mồng một tháng mười một, Kornilov gửi cho hắn một bức thư. Những lời Dukhonin ghi bên lề bức thư chứng tỏ rõ ràng rằng Đại bản doanh đang trong tình trạng bất lực như thế nào, và hồi nầy nó đã thực tế mất hết quyền hành đối với quân đội, chỉ còn đờ đẫn sống cho qua những ngày cuối cùng.
“Kính gửi ngài Nicolai Nicolaevich!
Định mệnh đã đặt Ngài vào cương vị có thể quyết định sự chuyển biến của nhưng sự kiện diễn ra theo một hướng nguy hại cho đất nước, chủ yếu do cái thói do dự bất quyết và dung túng buông lỏng của các cấp chỉ huy bên trên.
Đối với Ngài đang sắp tới giờ phút người ta chỉ còn hai con đường, một là gan dạ dám làm, hai là rút lui nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm về việc nước nhà bị diệt vong và phải mang cái nhục về sự tan ra hoàn toàn của quân đội.
Theo những tài liệu không đầy đủ, phiến đoạn mà tôi được biết thì tình thế quả thật có gay go, nhưng còn chưa mất hết lối thoát.
Nhưng tình thế sẽ trở nên như thế, nếu Ngài để cho bọn Bolsevich chiếm được Đại bản doanh, hoặc nếu Ngài tự nguyện công nhận chính quyền của chúng.
Trong tay Ngài hiện giờ chỉ còn tiểu đoàn Georgievsky một nửa đã bị tuyên truyền làm tan rã, và trung đoàn Turkesstan yếu ớt bất lực, lực lượng như thế hoàn toàn không thể coi là đầy đủ
Dự kiến bước phát triển sau nầy của các sự kiện, tôi nghĩ rằng Ngài cần phải lập tức thi hành những biện pháp, như nắm vĩrng Đại bản doanh, có thể tạo ra hoàn cảnh thuận lợi để tổ chức việc đấu tranh sau nầy với tình trạng vô Chính phủỉ đang ập tới.
Tôi cho rằng các biện pháp đó là:
1. Lập tức điều về Mogilov một trong các trung đoàn Tiệp Khắc và trung đoàn kỵ binh nhẹ Ba Lan.
Lời ghi của Dukhonin: Đại bản doanh không coi các đơn vị ấy là hoàn toàn đáng tin cậy. Các đơn vị nầy nằm trong số các đơn vị đầu tiên giảng hoà với bọn Bolsevich.
2. Chiếm Orsa, Smolen, Globin và Gomel với những đơn vị của Quân đoàn Ba Lan, sau khi tăng cường pháo binh của các sư đoàn thuộc quân đoàn nầy bằng những đại đội pháo Cô- dắc ngoài mặt trận.
Lời ghi: Với mục đích chiếm Orsa và Smolen, đã tập trung Sư đoàn Kuban số 2 và một lữ đoàn Cô- dắc Astrakhan. Không nên điều trung đoàn của sư đoàn Ba Lan số 1 ra khỏi Bykhov để bảo đảm an toàn cho những người đang bị giam giữ. Các đơn vị của sư đoàn 1 có những cán bộ rất yếu vì thế không thể coi là một lực lượng có thật. Quân đoàn nầy đã nhất định không can thiệp vào các công việc nội bộ của nước Nga.
3. Với danh nghĩa điều quân về Petrograd và Moskva, tập trung trên tuyên Orsa- Mogilov- Gbolin tất cả các đơn vị của Quân đoàn Tiệp khắc – Slovak, trung đoàn Kornilov, cùng một hay hai sư đoàn Cô- dắc chọn trong số các sư đoàn vững vàng nhất.
Lời ghi: Bọn Cô- dắc đã dứt khoát giữ lập trường không đánh nhau với bọn Bolsevich.
4. Cũng trong khu vực ấy, tập trung tất cả các xe thiết giáp của Anh và của Bỉ, thay tất cả các nhân viên trên các xe ấy bằng những sĩ quan.
5. Tập trung ở Mogilov và tại một trong những địa điểm gần nhất, có bảo vệ cẩn mật, một kho dự trữ súng trường, đạn, súng máy, súng trướng tự động và lựu đạn, để phân phát cho các sĩ quan và những người tình nghyện, những người nầy nhất thiết phải tập trung ở khu vực đã chỉ định.
Lời ghi: Làm như thế có thể gây ra những việc quá khích.
6. Đặt liên hệ chặt chẽ và hiệp đồng ăn khớp với các ataman, các quân khu sông Đông, Chevek, và Kuban, cũng như các Uỷ ban Ba Lan và Tiệp khắc. Người Cô- dắc đã dứt khoát tuyên bố ủng hộ việc lập lại trật tự trong nước.
Còn đối với người Ba Lan và người Tiệp Khắc thì vấn đề lập lại trật tự trong nước Nga… là vấn đề sống còn của chính bản thân họ”.
Các tin tức nhận được mỗi ngày một thêm đáng lo ngại. Những con người ở Bykhov ngày càng mất ăn mất ngủ. Xe hơi của những kẻ muốn giúp đỡ Kornilov chạy như mắc cửi giữa Mogilov và Bykhov để yêu cầu Dukhonin thả những người bị giam. Thậm chí Hội đồng Hội liên hiệp quân nhân Cô- dắc đã dùng đến những lời đe doạ ngầm.
Bị đè nặng dưới những sự kiện dồn dập xảy đến, Dukhonin bắt đầu dao động. Ngày mười tám tháng mười một, hắn đã ra lệnh chuyển những tên bị giam về vùng sông Đông, nhưng lại lập tức thu huỷ nó ngay.
Sáng hôm sau có một chiếc xe hơi bùn bắn bê bết chạy tới cổng chính của trường trung học Bykhov dùng làm nhà giam: Gã lái xe mở cửa xe với một vẻ vừa quị lụy vừa có ý đề phòng, rồi từ trong xe bước ra một viên sĩ quan không còn trẻ nữa, nhưng người rất cân đối. Hắn đưa cho viên sĩ quan cảnh vệ xem tờ chứng minh thư ghi tên đại lá Kusonsky ở Bộ tổng tư lệnh.
– Tôi ở Đại bản doanh đến, được uỷ nhiệm đến gặp tướng quân Kornilov đang bị giữ. Tôi có thể gặp ngài chỉ huy cảnh vệ ở đâu?
Viên chỉ huy cảnh vệ là trung tá Ergar thuộc trung đoàn Turkestan lập tức dẫn viên sĩ quan vừa tới đến chỗ Kornilov.
Tự giới thiệu xong, Kusonsky báo cáo giọng nhấn mạnh, và cũng có phần làm vẻ quan trọng:
– Bốn tiếng đồng hồ nữa, Đại bản doanh sẽ rút khỏi Mogilov, không có chiến đấu gì cả. Tướng quân Dukhonin ra lệnh cho tôi truyền đạt với ngài rằng tất cả những người bị giam đều phải lập lức rời khỏi Bykhov.
Kornilov hỏi Kusonsky về tình hình Mogilov rồi cho mời viên trung tá Ergar tới. Hắn nặng nề chống năm ngón tay của bàn tay trái xuống mép bàn và nói:
– Ngài hãy lập tức thả ngay các vị tướng ra. Các binh sĩ trung đoàn Turkestan phải chuẩn bị để sẵn sàng lên đường lúc mười hai giờ đêm. Tôi sẽ cùng đi với trung đoàn.
Suốt hôm ấy, những cái bễ trong lò rèn dã chiến luôn luôn kéo phì phì, than cháy đổ rực, búa đập chan chát, những con ngựa bực tức hí rầm lên bên các cọc buộc ngựa. Bọn lính Turkestan đóng lại tất cả các móng ngựa, sửa chữa dây cương, lau súng, làm tất cả các việc chuẩn bị. Ban ngày, những tên tướng được thả ra lẻ tẻ rời khỏi nơi giam giữ. Nhưng đến nửa đêm; lúc đã rất khuya, đến giờ lang sói hoành hành, lúc cái tỉnh lỵ nhỏ bé nầy đã tắt hết đèn lửa và ngủ mê mệt, lúc đó mới thấy một đoàn người ngựa xếp hàng ba, tiến ra khỏi trường trung học Bykhov, với những thân hình đen như quạ hiện lên rõ mồn một như những bức tượng khắc nổi trên nền trời màu thép. Những tên lính kỵ binh đội những chiếc mũ lông cừu rất cao, gù lưng trên yên vì lạnh, giấu kín những bộ mặt nâu bóng nhấp nhoáng như dầu dưới những chiếc mũ có tai, nom chẳng khác gì những con chim đen đang sù lông. Ở giữa đội hình hàng dọc của trụng đoàn, Kornilov gù gù lưng, ngồi lắc lư trên một con ngựa cao rất khoẻ, đi bên cạnh viên đại tá trung đoàn trưởng Kinghenghen. Mặt hắn nhăn như bị dưới làn gió buốt lạnh thổi lùa qua những dãy phố nhỏ của Bykhov, hai con mắt lươn nheo nheo nhìn lên bầu trời băng giá lấm tấm sao.
Tiếng những vó ngựa mới đóng lại móng vang lên lộp cộp trên đường phố, ra đến ngoại ô thì lắng dần.