Sái phu nhân bàn hiến Ký Châu;
Gia Cát Lượng hỏa thiêu Tân Dã.
Lại nói Huyền Đức hỏi Khổng Minh kế chống cự quân Tào, Khổng Minh nói:
– Tân Dã là một huyện nhỏ, không ở lâu được. Mới đây, tôi nghe Lưu Biểu bị bệnh nguy cấp lắm, chúa công phải nhân dịp này chiếm lấy Kinh Châu làm căn cứ đã, rồi hãy chống cự Tào Tháo sau.
Huyền Đức nói:
– Kế của tiên sinh hay lắm nhưng tôi đã chịu ơn Cảnh Thăng, không nỡ làm thế!
Khổng Minh nói:
– Nếu chúa công không lấy bây giờ, sau sẽ hối không kịp.
Huyền Đức nói:
– Thà rằng ta chết thì thôi, chớ không chịu làm điều phi nghĩa.
Khổng Minh nói:
– Vậy để liệu kế khác.
Lại nói Hạ Hầu Đôn về Hứa Xương, tự trói mình lại, vào lạy Tào Tháo, xin chịu tội. Tháo tha tội cho Đôn nói:
– Tôi gặp phải quỷ kế của Gia Cát Lượng, y dùng hỏa công, phá vỡ cả quân mã của ta.
Tháo nói:
– Ngươi dùng binh từ thuở bé, há không biết rằng ở chốn hiểm phải phòng hỏa công à?
Đôn nói:
– Lý Điển và Vu Cấm đã nhắc bảo, nhưng hối lại thì sự đã rồi.
Tháo lập tức thưởng cho Lý Điển và Vu Cấm.
Đôn nói:
– Lưu Bị hung hăng như thế, thật là cái họa lớn không thể không trừ ngay đi.
Tháo nói:
– Ta cũng chỉ lo có Lưu Bị và Tôn Quyền mà thôi, còn những bọn khác có ngại gì. Nay nên nhân dịp này bình định Giang Nam mới được.
Lập tức truyền lệnh huy động năm mươi vạn quân, sai Tào Nhân và Tào Hồng làm đội thứ nhất; Trương Liêu và Trương Nhân làm đội thứ nhì; Hạ Hầu Đôn và hạ Hầu Uyên làm đội thứ ba; Vu Cấm và Lý Điển làm đội thứ tư. Tháo tự lĩnh các tướng làm đội thứ năm. Mỗi đội dẫn mười vạn quân, Hứa Chử làm Chiết Xung tướng quân, dẫn ba nghìn quân đi tiên phong, lại chọn ngày Bính Ngọ, tháng bảy, năm thứ 13 đời Kiến An (208) xuất phát.
Thái Trung đại phu là Khổng Dung can rằng:
– Lưu Bị, Lưu Biểu là tôn thân nhà Hán, không nên khinh thường mà đánh. Tôn Quyền nắm giữ sáu quận, lại được sông Trường Giang hiểm trở, cũng không dễ lấy được đâu. Nay thừa tướng huy động đạo quân vô đạo ấy, tôi e trái với nguyện vọng của thiên hạ.
Tháo giận nói:
– Lưu Biểu, Lưu Bị, Tôn Quyền đều là bọn nghịch thần, sao lại không đánh?
Liền mắng đuổi Khổng Dung ra và hạ lệnh “Ai can nữa thì chém”.
Khổng Dung ra khỏi phủ, ngẩng mặt lên trời than rằng:
– Người chi bất nhân đi đánh người chí nhân, chẳng thua sao được!
Lúc ấy, người khách nhà quan ngự sử đại phu Khước Lự, nghe thấy câu đó, liền báo với chủ. Khước Lự vốn đã nhiều lần bị Khổng Dung khinh miệt, vẫn đương căm tức Dung, vội vàng đem chuyện ấy vào tâu với Tào Tháo, lại nói thêm vào:
– Khổng Dung ngày thường vẫn khinh thừa tướng, lại chơi thân với Nễ Hành, Nễ Hành tán dương Khổng Dung là “Trọng Mỗ không mất”; Khổng Dung lại gọi Nễ Hành là “Nhan Hồi tái sinh”. Lần trước Nễ Hành nói xấu thừa tướng, cũng là tự Khổng Dung xui đó.
Tào Tháo giận lắm, lập tức sai đình úy đi bắt Khổng Dung. Khổng Dung có hai con, còn nhỏ tuổi, lúc ấy đương ngồi ở nhà đánh cờ, bỗng có người nhà cấp báo rằng:
– Có đình uý đến bắt tôn quân sắp sửa đem chém sao hai công tử không trốn tránh cho mau?
Hai công tử nói:
– Trong cái tổ vỡ, trứng đâu có lành được?
Nói chưa dút lời, đình úy đã đến bắt cả nhà Khổng Dung đem chém, thây Khổng Dung thì đem bêu ở ngoài chợ.
Có một người ở Kinh Triệu, tên là Chi Tập, đến khóc lóc lăn bên thây Khổng Dung, Tháo biết tin, giận lắm, muốn giết luôn, Tuân Úc can rằng:
– Tôi nghe Chi Tập thường can Khổng Dung: “Ông cương trực quá, tất là rước vạ vào thân.” Nay Dung chết mà hắn khóc, tức là người có nghĩa, xin thừa tướng đừng giết.
Tháo tha cho. Chi Tập thu thập thi thể cha con Khổng Dung đem tống táng.
Người sau có thơ khen Khổng Dung rằng:
Khổng Dung ở Bắc hải,
Hào khí át cầu vồng
Trên ghế khách chật ních;
Trong cốc rược chẳng không
Văn chương lừng thiên hạ,
Cười nói khinh vương công
Sử sách khen trung trực
Quan danh ghi thái trung.
Tào Tháo giết Khổng Dung rồi, truyền lệnh quân mã năm đội lần lượt kéo đi, chỉ để bọn Tuân Úc ở lại giữ Hứa Xương.
Lại nói ở Kinh Châu, Lưu Biểu bệnh nguy kịch lắm, bèn sai người mời Huyền Đức đến dặn dò việc thừa tự, Huyền Đức dẫn Quan, Trương đến Kinh Châu, Biểu nói:
– Bệnh ta đã đặt vào đến mạng mỡ, không biết sớm tối lúc nào, muốn ủy thác đứa con côi cho hiền đệ. Nhưng con ta bất tài, sợ không nối được nghiệp bố. Sau khi chết, xin hiền đệ tự lĩnh lấy Kinh Châu cho.
Huyền Đức khóc lạy nói rằng:
– Em xin hết sức giúp cháu nhỏ, đâu dám có ý gì khác.
Đang nói chuyện, có tin báo Tào Tháo tự thống lĩnh đại binh đến đánh. Huyền Đức vội vàng từ biệt Lưu Biểu, về ngay Tân Dã.
Lưu Biểu đương ốm, nghe tin ấy, lo lắm, bàn bạc việc viết di chúc, sai Huyền Đức giúp con trưởng là Lưu Kỳ làm chủ Kinh Châu.
Sái phu nhân thấy vậy, giận lắm, đóng ngay cửa trong lại, sai Sái Mạo, Trương Doãn canh giữ cửa ngoài.
Bấy giờ, Lưu Kỳ ở Giang Hạ, nghe tin cha đau nặng, vội vàng về Kinh Châu thăm cha. Vừa đến cửa ngoài, Sái Mạo lại nói rằng:
– Công tử phụng mệnh cha, coi giữ Giang Hạ, trách nhiệm rất nặng, nay dám tự tiện bỏ về, nhỡ Đông Ngô kéo đến, thì làm thế nào? Nếu vào ra mắt chúa công, chúa công nổi giận, bệnh lại tăng thêm, đó là bất hiếu. Công tử nên cấp tốc về ngay đi!
Lưu Kỳ đứng ở ngoài cửa, khóc rống một hồi rồi đành phải lên ngựa trở về Giang Hạ.
Lưu Biểu bệnh tình nguy cấp lắm, mong mãi không thấy con cả về. Ngày Mậu Thân tháng tám, kêu to vài tiếng rồi chết.
Đời sau có thơ than rằng:
Trước nghe Viên Thiệu bên Hà Sóc,
Nay thấy Lưu Quân ở Hán Dương
Đều vì gà mái hư gia đạo,
Đến nỗi không lâu phải diệt vong!
Lưu Biểu chết rồi, Sái phu nhân cùng với Sái Mạo, Trương Doãn bàn bạc, viết tờ di chúc giả cho con thứ là Lưu Tôn làm chủ Kinh Châu; xong rồi mới cho báo tang.
Khi ấy, Lưu Tôn mới 14 tuổi, tư chất khá thông minh. Tôn họp các quan lại bàn rằng:
– Cha ta chẳng may tạ thế, anh ta hiện ở Giang Hạ, lại có chú ta là Lưu Huyền Đức ở Tân Dã. Các ngươi lập ta làm chủ, nếu chú ta và anh ta đem quân về hỏi tội, thì ăn nói làm sao?
Mọi người còn chưa nghĩ ra sao thì Mạc quan là Lý Khuê thưa rằng:
– Công tử nói rất phải. Nay nên đưa thư cáo tang đến Giang Hạ, mời đại công tử về làm chủ Kinh Châu rồi cử Huyền Đức cùng coi việc lớn. Mặt bắc địch được Tào Tháo, mặt nam chống được Tôn Quyền, đó là kế vẹn toàn.
Sái Mạo mắng rằng:
– Mày là thằng nào, dám mở mồm nói càn, trái lời di chúc của chúa công!
Lý Khuê to tiếng mắng lại rằng:
– Mày cấu kết trong ngoài, mưu mô với nhau, giả mạo làm di mệnh, bỏ con trưởng lập con thứ, chín quận Kinh Tương sẽ mất không ở trong tay họ Sái. Chúa công có thiêng chắc giết mày đi!
Sái Mạo tức lắm, quát tả hữu lôi ra chém. Lý Khuê, đến lúc chết, vẫn còn chửi mắng không dứt lời.
Rồi đó, Sái Mạo lập Lưu Tôn lên làm chủ, Tôn tộc họ Sái chia nhau lĩnh luôn Kinh Châu; còn Sái phu nhân cùng Lưu Tôn đến ở Tương Dương để phòng Lưu Kỳ, Lưu Bị; nhân thể đem linh cữu Lưu Biểu táng ở gò Hán Dương, phía đông thành Tương Dương mà không báo tang cho Lưu Kỳ, Lưu Bị biết.
Lưu Tôn đến Tương Dương, vừa tháo yên ngựa xong, có người báo Tào Tháo dẫn đại quân đi thẳng đến Tương Dương. Tôn thất kinh, bèn mời lũ Khoái Việt, Sái Mạo đến bàn, đông tào diện là Phó Tôn nói:
– Không những phải lo Tào Tháo đem quân đến mà thôi, nay đại công tử ở Giang hạ, Huyền Đức ở Tân Dã ta đều không cho đến báo tang; nếu họ đem quân về hỏi tội, thì Kinh Tương nguy mất. Tôi có một kế làm cho dân Kinh Tương vững như núi Thái Sơn, lại giữ toàn được danh tước cho chúa công.
Tôn hỏi:
– Kế gì?
Tôn nói:
– Chi bằng đem chín quận Kinh Tôn dâng Tào Tháo, Tháo chắc trọng đãi chúa công.
Tôn mắng rằng:
– Ngươi chỉ nói càn. Ta mới nối cơ nghiệp của tiên quân, ngồi chưa yên chỗ, có lẽ đâu đã bỏ cho người khác.
Khoái Việt nói:
– Phó Công Đễ nói phải lắm. Thuận hay nghịch đều phải theo tình hình chung. Khỏe hay yếu, đều có thế hẳn hoi. Vả Tào Tháo đánh nam dẹp bắc đều lấy danh nghĩa triều đình. Nếu chúa công chống lại thì vẫn mang tiếng phản nghịch. Hơn nữa chúa công mới lên, việc lo bên ngoài chưa xong, việc lo bên trong lại sắp đến. Dân Kinh Tương nghe quân Tào đến, chưa đánh đã mất vía rồi, thì còn địch thế nào được?
Tôn nói:
– Lời các ông đều phải cả, không phải tôi không nghe theo; nhưng cơ nghiệp của tiên quân để lại cho, phút chốc phải sang tay cho người khác, chỉ e thiên hạ chê cười cho!
Tôn nói chưa dứt lời, có một người ngang nhiên nói:
– Phó Công Đễ, Khoái Di Dộ nói đúng lắm, sao chúa công không nghe theo?
Các tướng nhìn xem ai, thì ra là Vương Sán, tự trọng Tuyên người ở Cao Bình, quận Sơn Dương. Sán hình dáng gày gò, mình mẩy bé nhỏ, thuở bé lại chơi nhà quan trung lang Sái Ung. Bữa ấy trong nhà Ung đang đông khách quý ngồi chơi. Ung nghe thấy Sán đến chơi, lật đật đi trái cả giày ra đón; khách khứa thấy vậy, ai cũng ngạc nhiên, hỏi rằng:
– Quan trung lang sao lại tôn kính riêng chú bé này như thế?
Ung nói:
– Chú bé có tài lạ, ta cũng không bằng.
Sán quả là người học rộng nhớ dai, không ai sánh kịp, thường xem bài văn bia ở cạnh đường, chỉ đọc qua một lượt là thuộc lòng; xem người ta đánh cờ, đương đánh mà xóa đi, Sán bày ngay lại được, không sai một quân. Tính toán cung giỏi, văn chương nhất đời ấy. Khi 17 tuổi, Sán được cử làm hàn môn thị lang nhưng không chịu ra. Sau vì chạy loạn đến Kinh Tương, Lưu Biểu đãi làm thượng khách. Hôm đó, Sán hỏi Lưu Tôn:
– Tướng quân tự so mình có bằng Tào Công không?
Tôn đáp không bằng được.
Sán nói:
– Tào công binh cường tướng khỏe, nhiều trí lắm mưu; bắt sống Lã Bố ở Hạ Phi; phá vỡ Quan Thiệu ở Quan Độ, đuổi Lưu Bị ở Lũng Hữu; trừ Ô Hoàn ở Bạch Lang; đánh dẹp, bình định, không sao kể xiết. Nay lại kéo đại quân xuống Nam Hạ, thế Kinh Tương thực khó lòng địch nổi. Kế của hai ông Phó, Khoái rất hay. Tướng quân nên quyết ngay đi, kẻo về sau lại hối.
Tôn nói:
– Tiên sinh dạy phải lắm, nhưng tôi còn phải bẩm để mẫu thân biết đã.
Nói chưa dứt lời, đã thầy Sái phu nhân ở sao bức bình phong bước ra, bảo Tôn rằng:
– Ba ông đã đồng ý với nhau mà bảo thế, hà tất phải hỏi ta.
Lưu Tôn lúc này mới quyết định, lập tức viết thư hàng, sai Tống Trưng bí mật mang đến bản doanh Tào Tháo. Trung vâng lệnh, đi thẳng tới Uyển Thành, ra mắt Tào Tháo và dâng thư lên.
Tháo mừng lắm, trọng thưởng cho Tống Trung và sai về bảo Lưu Tôn ra thành đón rước, rồi sẽ cho giữ Kinh Châu mãi.
Tống Trung lạy từ biệt Tào Tháo trở về Kinh Tương. Lúc sắp qua sông, chợt gặp một toán quân mã kéo đến, trông ra thì là Quan Vân Trường, Tống Trung chưa kịp tránh thì bị Vân Trường gọi lại, hỏi tỉ mỉ công việc Kinh Châu. Trung trước còn giấu giếm, sau Vân Trường truy riết, phải nói thật cả.
Vân Trường thất kinh, bắt luôn Tống Trung đến Tân Dã ra mắt Huyền Đức, kể lại tường tận việc đó.
Huyền Đức nghe xong, khóc ầm lên.
Trương Phi nói:
– Việc thế này, nên chém Tống Trung trước, rồi cất quân sang sông chiếm lấy Tương Dương, giết Sái Thị và Lưu Tôn, rồi hãy đánh nhau với Tào Tháo.
Huyền Đức nói:
– Chú hãy im đi, để cho ta liệu.
Rồi quát hỏi Tống Trung:
Mày thấy chúng nó mưu mô như thế nào, sao không báo cho ta biết trước? Nay ta chém mày cũng vô ích, bước ngay đi!
Trung bái tạ, ôm đầu lủi thủi đi thẳng. Huyền Đức đang buồn bực, chợt có tin công tử Lưu Kỳ sai Y Tịch đến, Huyền Đức vẫn còn nhớ ơn Y Tịch cứu giúp khi trước, nên xuống thềm đón vào, rồi tạ ơn hai ba lượt.
Tịch nói:
– Đại công tử ở Giang Hạ nghe tin quận Kinh Châu đã mất, Sái phu nhân cùng với lũ Lưu Tôn bàn nhau không báo tang, lập Lưu Tôn làm chủ. Công tử sai người đến Kinh Dương dò xét, quả thật là thế, sợ sứ quân không biết nên sai tôi đem tin buồn đến trình, và xin sứ quân khởi hết binh mã sang Tương Dương hỏi tội.
Huyền Đức xem xong thư, bảo Y tịch rằng:
– Cơ Bá chỉ biết Lưu Tôn chiếm ngôi, chứ chưa biết Lưu Tôn đã đem cả chín quận Kinh Tương dâng lên Tào Tháo rồi.
Tịch thất kinh, nói rằng:
– Sao sứ quân biết việc ấy?
Huyền Đức mới kể lại chuyện bắt được Tống Trung, Tịch nói:
– Nếu thế sứ quân nên mượn danh nghĩa viếng tang, đến Tương Dương dụ Lưu Tôn ra đón, lập tức bắt lấy, giết sạch những bọn tòng đảng thì kinh Tương nhất định về tay sứ quân.
Khổng Minh nói:
– Lời Cơ Bá chí phải, chúa công nên nghe theo.
Huyền Đức ứa nước mắt, nói rằng:
– Lúc anh ta sắp mất đã gửi con cho ta; nay nếu ta bắt lấy con, cướp lấy đất, thì sau này xuống chín suối còn mặt mũi nào trông thấy anh ta nữa!
Khổng Minh nói:
– Chúa công không theo kế ấy, nay quân Tào đã đến Uyển Thanh rồi, thì lấy gì chống cự?
Huyền Đức nói:
– Chi bằng chạy ra Phàn Thành để tránh.
Đương bán định, có thám mã phi báo:
– Quân Tào đã đến Bác Vọng.
Huyền Đức vội vàng bảo Y Tịch về Giang Hạ sắp sẵn quân mã, còn mình cùng Khổng Minh bàn kế đánh địch.
Khổng Minh nói:
– Xin chúa công cứ bình tĩnh. Lần trước chỉ có một bó lửa, đã đốt hơn một nửa quân mã Hạ Hầu Đôn. Lần này, quân Tào lại đến, dù có làm cho nó mắc phải kế trước, thì mình cũng không thể ở Tân Dã được nữa. Chi bằng ta đi Phàn Thành cho sớm thì hơn.
Lập tức sai người treo bảng bốn cửa thành, thông báo nhân dân rằng: Bất cứ ai, không nề già, trẻ, trai, gái, muốn theo thì hôm nay cùng đi Phàn Thành để tạm lánh giặc, không nên chậm trễ. Lại sai Tôn Càn sang sông sắp đặt thuyền đò để chở trăm họ; còn My Chúc, hộ tống gia quyến các quan đến Phàn Thành; một mặt, họp các tướng lại để nghe lệnh.
Trước hết sai Quan Công đem một nghìn quân lên thượng lưu sông Bạch Hà mai phục, mang theo nhiều bao tải đựng đầy đất cát để lấp khúc sông, đợi đến cuối canh ba hôm sau, hễ nghe tiếng người ngựa rầm rộ ở hạ lưu thì vớt những túi đất lên cho nước tràn xuống, rồi cứ thuận dòng sông kéo về tiếp ứng.
Lại sai Trương Phi dẫn một nghìn quân mai phục ở bến đò Bác Lăng. Khúc sông này nước chảy từ từ, quân Tào bị ngập tất trốn qua lối đó, bấy giờ thừa thế đánh về để tiếp ứng.
Lại sai Triệu Vân dẫn ba nghìn quân, chia làm bốn đội; Vân tự lĩnh một đội phục cửa đông; còn ba đội phục ba cửa tây, nam, bắc. Nhưng trước hết phải gài những vật bắt lửa như lưu hoàng, diêm tiêu trong các mái nhà trong thành. Quân Tào vào thành tất phải nghỉ ở nhà dân. Chiều tối hôm sau thế nào cũng có gió lớn. Hễ nổi gió, thì sai quân phục ba cửa tây, nam, bắc bắn tên lửa vào thành; lúc lửa bốc lên to, bên ngoài hò reo ầm lên để trợ oai. Các cửa đều phải giữ cả, duy cửa đông bỏ ngỏ cho giặc chạy. Khi giặc chạy ra, thì thừa thế đuổi đánh, đến sáng sẽ hội với hai tướng Quan, Trương, thu quân về Phàn Thành.
Còn My Phương, Lưu Phong đem hai nghìn quân, một nửa cờ đỏ, một nửa cờ xanh, đóng trước gò Thước Vĩ, cách Tân Dã ba mươi dặm; hễ thấy quân Tào đến thì cho quân cờ đỏ chạy về tả, quân cờ xanh chạy về hữu. Quân địch nghi hoặc tất không dám đuổi. Hai người lúc ấy chia nhau ra mai phục, đợi trong thành nổi lửa, sẽ kéo ra đuổi đánh bại binh, rồi lên cả trên thượng lưu Bạch Hà để tiếp ứng.
Khổng Minh cắt đặt xong xuôi, cùng với Huyền Đức lên chỗ cao đứng quan sát, đợi tin thắng trận.
Lại nói Tào nhân, Tào Hồng đem mười vạn quân làm tiền đội. Đằng trước, đã có Hứa Chử dẫn ba nghìn quân thiết giáp mở đường rầm rộ kéo đến tân Dã. Trưa hôm ấy đi đến gò Thước Vĩ, trông thấy trước gò một toán quân mã cầm toàn cờ hiệu xanh đỏ. Hứa Chử thúc quân tiến lên.
Lưu Phong, Lưu My chia làm bốn đội, cờ đỏ chạy về mé tả, cờ xanh chạy về mé hữu.
Hứa Chử dừng ngựa ra lệnh:
– Hãy dừng lại, đây chắc có quân mai phục, quân ta đóng ở đây thôi.
Nói rồi, một mình một ngựa báo với tiền đội tào Nhân.
Tào Nhân nói:
– Đó là nghi binh, không có mai phục, ngươi nên tiến quân mau lên, ta sẽ thúc quân tiếp ứng đến.
Hứa Chử quay ngựa tới trước gò, hô quân đánh vào trong rừng, đuổi tìm toán quân mã lúc nãy, thì chẳng thấy một người nào nữa. Lúc ấy mặt trời đã lặn về tây. Hứa Chử vừa định tiến lên thì trên núi thổi còi, đánh trống ầm ĩ, Chử vội ngẩng đầu lên, thấy trên đỉnh núi cắm một hàng cờ, trong đó có đôi lọng, bên tả thì Huyền Đức, bên hữu thì Khổng Minh ngồi đối diện uống rượu.
Hứa Chử tức lắm, đem quân tìm đường lên núi, bị gỗ, đá ở trên lăn xuống, không tài nào lên được; lại nghe mé sau núi có tiếng reo rầm trời, định tìm lối đến đánh thì trời đã tối.
Tào Nhân kéo quân đến, ra lệnh hãy cướp thành thì bốn cửa mở toang. Quân Tào xông vào không thấy ngăn trở; trong thành cũng không có một bóng người nào cả. Tào Hồng nói:
– Lưu Bị gặp thế bí, nên đem cả trăm họ chạy trốn rồi, quân ta hãy tạm nghỉ lại, sáng mai sẽ tiến.
Lúc này quân sĩ đều mệt và đói khát cả, liền tranh nhau thổi cơm ăn. Tào Nhân, Tào Hồng vào nghỉ trong huyện.
Cuối canh một, gió to nổi lên. Lính gác chạy vào báo cháy. Tào Nhân nói:
– Chắc quân sĩ thổi cơm, sơ ý để lửa cháy đấy thôi, không được xôn xao.
Nói chưa dứt lời, Nhân lại liên tiếp nhận được tin ba cửa tây, nam, bắc đều bốc cháy. Khi Tào Nhân ra lệnh tất cả các tướng phải lên ngựa ngay, thì toàn huyện đã trở thành bể lửa bốc sáng rực trời. Lửa đêm hôm ấy lại cháy dữ hơn lửa đồn Bác Vọng hôm trước.
Đời sau có thơ than rằng:
Gian hùng Tào Tháo giữ Trung Nguyên
Tháng chín sang năm đánh Hàn Xuyên
Phong Bá ra oai huyện Tân Dã
Chúc Dung bay xuống Diễm ma thiên.
Tào Nhân dẫn tướng tá xông pha khói lửa tìm đường chạy trốn. Thấy cửa đông không có lửa, Nhân vội vàng chạy ra phía đó. Quân sĩ giày xéo lẫn nhau, chết nhiều vô kể. Bọn Tào Nhân vừa thoát được nạn lửa thì đàng sau đã thấy ngay Triệu Vân dẫn quân đuổi đến đánh giết. Quân Tào tranh nhau chạy trốn, không ai dám ngoảnh cổ lại. Đang chạy, bị My Phương kéo quân ra bồi cho một trận nữa. Tào Nhân thua to, cướp đường rút chạy. Lưu Phong lại dẫn quân ra chặn đường, hai bên đánh nhau đến canh tư.
Bấy giờ, người ngựa đều mệt, quân Tào phần lớn bị bỏng, sém trán, cháy đầu, chạy đến sông Bạch Hà, thấy nước sông không sâu, người ngựa hí hửng lội xuống uống nước, người thì ồn ào, ngựa thì gầm hí.
Lại nói Vân Trường đã đem những túi sỏi lấp khúc sông trên rồi, vừa sẩm tối thấy lửa cháy ở Tân Dã, đến canh tư lại nghe dưới hạ lưu có tiếng người ngựa kêu, vội vàng hô quân sĩ rút túi sỏi đất lên, nước đổ xuống như thác, rồi kéo quân theo xuống. Quân Tào lại chết đuối vô số.
Tào Nhân dẫn quân nhằm chỗ nước chảy nhẹ, cướp đường chạy. Đi đến bến đò Bác Lăng, lại thấy tiếng reo ầm ĩ, một toán quân kéo đến chặn đường, đại tướng đi đầu là trương Phi. Phi quát to:
– Giặc Tào lại chịu chết cho mau!
Quân Tào hết vía.
Thế là:
Trong thành vừa thấy ngọn lửa đỏ.
Bên sông lại gặp cơn gió đen.
Chưa biết tính mệnh quân Tào thế nào, xem hồi sau mới rõ.