Huyền Đức khéo léo, nói khích Tôn phu nhân;
Khổng Minh hai phen trêu tức Chu Công Cẩn.
Lại nói Huyền Đức trông thấy trong phòng Tôn phu nhân hai bên giáo mác tua tủa, thị tì lại toàn đeo gươm đứng hầu, hồn vía rụng rời. Mụ quản gia bước ra thưa:
– Quý nhân đừng sợ hãi, phu nhân tôi từ thuở bé vốn thích nghề võ. Thường thường vẫn sai thị tì đấu gươm giúp vui, cho nên có quang cảnh ấy.
Huyền Đức nói:
– Đó không phải là những đồ của phu nhân chơi, ta khiếp sợ lắm, hãy bỏ đi thôi.
Mụ liền vào bẩm với Tôn phu nhân:
– Tân lang trông thấy khí giới có vẻ không an tâm, xin hãy cho cất cả đi.
Phu nhân cười tủm tỉm nói rằng:
– Chinh chiến đã quá nửa đời người, cũng sợ gươm giáo à?
Nói đoạn sai bỏ cả đi, và bảo thị tì cởi gươm ra đứng hầu. Đêm hôm ấy, Huyền Đức thành thân với Tôn phu nhân, tâm đầu ý hợp lắm. Huyền Đức lại phát vàng lụa cho các thị tì để gây cảm tình; rồi sai Tôn Càn về Kinh Châu báo tin mừng. Từ bữa ấy yến tiệc luôn mấy hôm, Quốc Thái yêu mến vô cùng.
Tôn Quyền sai người đến Sài Tang, báo tin cho Chu Du biết rằng:
– Việc đó do mẫu thân ta chủ trương cả, mẫu thân ta đã đem em gái ta gả cho Lưu Bị rồi, không ngờ chuyện giả hóa thật! Bây giờ định liệu làm sao?
Chu Du được tin, giật mình, đứng ngồi không yên, liền nghĩ ra một kế, vội viết mật thư sai người dâng lên Tôn Quyền. Quyền mở thư xem, trong thư nói:
“Việc mới rồi, không ngờ xảy ra điên đảo như vậy. Nay đã chuyện giả hóa thật, phải lợi dụng việc này mà dùng kế khác mới xong. Lưu Bị đã là bậc kiêu hùng, lại có Quan, Trương, Triệu Vân làm tướng. Gia Cát Lượng bày mưu lập mẹo, chắc không phải là người chịu hèn mãi đâu. Theo ý tôi, chi bằng hãy giam lỏng hắn ở Đông Ngô. Ta sửa sang cửa nhà cho lộng lẫy, làm nhụt chí khí của hắn đi, đưa vào nhiều gái đẹp, và những đồ quý báu khiến hắn mê mải cuộc vui, nhạt tình cũ với Quan, Trương, quên Gia Cát Lượng, mỗi người một nơi. Rồi ta sẽ đem quân sang đánh, thế nào việc lớn cũng thành công. Nếu thả về ngay, e rằng giao long gặp được mưa gió, không khi nào chịu chết già trong ao tù nữa đâu. Xin chúa công xét cho kĩ.”
Quyền xem thư xong, đưa cho Trương Chiêu, Chiêu thưa:
– Mẹo của Công Cẩn cũng hợp với ý tôi. Lưu Bị xuất thân hàn vi, long đong bốn bể, chưa được nếm mùi phú quý bao giờ. Nay nếu cho hắn ở cửa cao nhà rộng, lắm tiền nhiều bạc, hầu con gái đẹp, ra vào nâng giấc, tất nhiên hắn sẽ không tưởng gì đến Khổng Minh, Quan, Trương nữa, khiến bọn đó đâm ra oán tức. Có thế thì ta mới tính được Kinh Châu. Chúa công nên theo mẹo Công Cẩn mà làm ngay đi.
Quyền mừng lắm, lập tức sai sửa sang tòa đông phủ, trồng cây cối hoa cảnh cực đẹp, bày biện đồ đạc tươm tất, rồi mời Huyền Đức và em gái sang ở cả đó. Lại kén hàng chục con hát cực hay và cả đồ vàng ngọc, gấm vóc đem lại. Quốc Thái tưởng là Tôn Quyền có lòng tốt, lấy làm hả dạ lắm. Quả nhiên Huyền Đức mê mải về nhạc hay sắc đẹp, không tưởng trở về Kinh Châu nữa.
Triệu Vân và năm trăm quân sĩ ở riêng một nhà cạnh đông phủ, nhàn rỗi cả ngày, chỉ ra ngoài thành phóng ngựa săn bắn chơi bời. Ngày tháng thấm thoát, đã gần hết năm. Vân sực nhớ Khổng Minh trao cho ba cái túi gấm, có dặn thoạt tiên đến Nam Từ thì mở túi thứ nhất, cuối năm, mở túi thứ hai, đến khi nào nguy cấp không có đường chạy, thì mở nốt cái thứ ba. Trong túi có mẹo xuất quỷ nhập thần, bảo toàn được chúa công về tới nhà. Nay đã sắp hết năm rồi, chúa công thì cứ ham mê nữ sắc, không trông thấy mặt lúc nào, sao không mở túi thứ nhì xem kế mà làm?
Vân liền mở túi ra xem, biết được mưu mẹo như vậy. Ngay hôm ấy, Vân đến phủ xin gặp Huyền Đức. Thị tì vào báo:
– Triệu Vân có việc khẩn cấp đến bẩm với quý nhân.
Huyền Đức gọi vào hỏi. Vân làm ra vẻ lo sợ, nói:
– Chúa công cứ ở trong cung thẳm, không tưởng gì đến Kinh Châu nữa à?
Huyền Đức nói:
– Có việc gì mà ngơ ngác như thế?
Vân đáp:
– Sáng nay, Khổng Minh sai người sang Tào Tháo muốn trả thù hận Xích Bích, đã khởi năm mươi vạn tinh binh đánh đến Kinh Châu. Việc nguy cấp đến nơi, chúa công phải về ngay mới được!
Huyền Đức nói:
– Ta cần phải bàn với phu nhân đã.
Vân nói:
– Nếu chúa công bàn với phu nhân, chắc phu nhân chả để cho đi. Bất nhược đừng nói, chiều nay về luôn, kẻo chậm thì lỡ việc.
Huyền Đức nói:
– Ngươi hãy ra ngoài, để ta sẽ liệu.
Vân cố giục giã hai ba lần, rồi lui ra.
Huyền Đức trở về gặp Tôn phu nhân liền rơm rớm nước mắt. Phu nhân nói:
– Phu quân có điều chi phiền não làm vậy?
Huyền Đức nói:
– Tôi nghĩ mình tôi, một thân nương nhờ đất khách. Khi cha mẹ còn, đã không thờ phụng được thì chớ, tết nhất đến nơi, lại không tề tựu được tổ tiên, làm cho tôi áy náy trong lòng.
Phu nhân nói:
– Thôi, phu quân đừng giấu tôi nữa. Tôi đã biết rõ cả rồi. Lúc nãy, Triệu Tử Long báo tin Kinh Châu nguy cấp, phu quân muốn về nên mượn cớ đó thôi.
Huyền Đức quỳ xuống nói:
– Phu nhân đã biết, tôi đâu dám giấu giếm? Tôi mà không về, nếu mất Kinh Châu sẽ bị thiên hạ chê cười. Tôi mà về thì lại không dứt được tình nghĩa với phu nhân. Vì thế tôi phiền não lắm.
Phu nhân nói:
– Tôi thì phận gái chữ tòng, chàng đi thiếp cũng một lòng xin theo.
Huyền Đức nói:
– Đành rằng phu nhân có lòng tốt như thế, nhưng Quốc Thái và Ngô hầu sao chịu cho phu nhân đi? Phu nhân có thương tôi, xin hãy yên tâm tạm ở lại đây, để tôi đi một mình cho tiện.
Nói đoạn, nước mắt ròng ròng.
Phu nhân khuyên giải rằng:
– Phu quân đừng phiền não nữa, để tôi nói khó với mẫu thân tôi, chắc sẽ cho tôi về với phu quân nhân thể.
Huyền Đức nói:
– Mặc dầu Quốc Thái cho phép, nhưng thế nào Ngô hầu cũng ngăn trở.
Tôn phu nhân ngồi nghĩ một lúc, rồi nói:
– Để đến giữa hôm mồng một tết, tôi với phu quân mượn cớ ra bờ sông tế tổ, rồi ta cùng lẻn đi cả, có được không?
Huyền Đức nói:
– Nếu được thế, tôi sống chết cũng không quên ơn phu nhân. Nhưng xin chớ để lộ chuyện ra ngoài.
Hai vợ chồng bàn định đâu đấy, Huyền Đức mật gọi Tử Long vào dặn:
– Ngày mồng một tết, người dẫn quân ra trước chực sẵn ở dọc đường. Ta lấy cớ tế tổ sẽ cùng phu nhân đi một thể.
Vân vâng lời.
Ngày nguyên đán, tháng giêng, mùa xuân, năm Kiến An thứ 15, Ngô hầu hội cả văn võ trong triều. Huyền Đức và Tôn phu nhân vào bái yết bà Quốc Thái.
Phu nhân thưa:
– Phu quân con nhớ đến mồ mả tôn tổ, cha mẹ, ở cả Trác Quận, ngày đêm thương cảm khôn nguôi. Nay muốn ra bờ sông tế vọng, xin cáo để mẫu thân được biết.
Quốc Thái nói:
– Đó cũng là đạo hiếu, lẽ nào mẹ chẳng đồng ý. Con không được biết bố mẹ chồng, thì phải cùng với chồng con ra tế bái cho xứng đạo làm dâu con ạ!
Hai vợ chồng lạy tạ trở ra. Muốn giấu, không cho Tôn Quyền biết, phu quân ngồi xe, chỉ mang một ít đồ dùng lặt vặt, Huyền Đức lên ngựa, dẫn vài tên quân kị mã đi theo ra thành, hội với Triệu Vân. Năm trăm quân sĩ tiền hô hậu ủng, rời khỏi Nam Từ, cấp tốc đi miết. Hôm ấy, Tôn Quyền say quá, tả hữu vực vào nhà trong, văn vũ tan đâu về đấy. Đến lúc các quan biết tin Huyền Đức và phu nhân đi, thì trời đã tối. Muốn báo cho Tôn Quyền biết nhưng Quyền lại đang ngủ say. Khi Quyền tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng.
Hôm sau, Quyền nghe tin Huyền Đức trốn mất, vội vàng đòi văn võ vào bàn bạc.
Trương Chiêu nói:
– Nếu để người này chạy thoát được, nay mai tất sinh loạn, nên sai người đuổi cho mau.
Quyền sai ngay Trần Vũ, Phan Chương lựa năm trăm tinh binh, không kể ngày đêm phải đuổi kịp bắt Huyền Đức về.
Hai tướng được lệnh nhận quân đi.
Tôn Quyền giận Huyền Đức không biết ngần nào, cầm nghiên mực bằng ngọc trên án thư đập tan ra từng mảnh.
Trình Phổ nói:
– Chúa công dù có nổi trận lôi đình, tôi tin chắc hai tướng cũng không bắt nổi Lưu Bị.
Quyền nói:
– Ai dám trái lệnh ta?
Phổ nói:
– Quận chúa từ nhỏ ưa chuộng nghề võ, tính khí nghiêm nghị, các tướng đều sợ cả. Nay đã thuận theo Lưu Bị, tất nhiên đồng tâm đi với nhau. Các tướng đuổi theo, nếu gặp quận chúa, thì còn ai dám hạ thủ nữa.
Quyền giận lắm, rút ngay thanh gươm đang đeo, gọi Tưởng Khâm, Chu Thái đến bảo rằng:
– Hai tướng đem thanh gươm này đi lấy cả đầu em ta dẫn đầu Lưu Bị mang về đây. Nếu trái lệnh sẽ bị chém đầu!
Hai tướng lĩnh mệnh, lại dẫn một nghìn quân mã đuổi theo.
Nói về Huyền Đức, gò cương ra roi, đi như rút đường. Đêm hôm ấy, nghỉ tạm ở dọc đường chừng hai trống canh lại vội vàng khởi hành, gần đến đầu địa phận Sài Tang, ngoảnh lại, thấy mé sau bụi bay mù mịt, đoán chắc là có quân đuổi theo. Huyền Đức đâm hoảng, hỏi Vân:
– Quân đuổi đến nơi, làm thế nào bây giờ?
Vân nói:
– Chúa công hãy đi trước, để tôi đi chặn hậu.
Vừa qua chân núi trước mặt, một toán quân mã xông ra chẹn đường, hai tướng đi đầu quát to lên rằng:
– Lưu Bị xuống ngựa chịu trói cho mau! Ta phụng lệnh Chu đô đốc đợi ở đây đã lâu rồi!
Thì ra Chu Du vẫn có ý sợ Huyền Đức chạy trốn, nên đã sai Từ Thịnh, Đinh Phụng dẫn ba nghìn quân mã đóng đồn chực sẵn ở nơi xung yếu, hàng ngày cho người lên gò cao trông chừng, đoán chắc nếu Huyền Đức đi theo đường bộ thế nào cũng qua lối này. Khi ấy hai tướng trông thấy có một toán quân mã của Huyền Đức đi đến, liền cầm võ khí ra chặn đường.
Huyền Đức hoảng sợ, dừng ngựa lại hỏi Triệu Vân rằng:
– Trước mặt có quân chặn đường, sau lưng có quân đuổi theo, hết đường rồi, làm thế nào bây giờ?
Vân thưa:
– Chúa công chớ ngại. Quân sư có ba điều diệu kế ở trong túi gấm này. Hai lần mở trước đều đã trúng cả. Nay còn điều thứ ba, dặn lúc nào nguy cấp lắm mới mở. Chính lúc này nên mở ra xem sao.
Nói rồi, Vân mở nốt túi thứ ba dâng lên, Huyền Đức xem xong, đến ngay trước xe Tôn phu nhân khóc mà nói rằng:
– Tôi có mấy lời tâm phúc, đến đây phải thành thật tỏ bày cùng phu nhân.
Phu nhân nói:
– Phu quân có điều gì, cứ nói thực cho tôi được biết?
Huyền Đức nói:
– Trước kia Ngô hầu đồng mưu với Chu Du gọi gả phu nhân cho tôi, thực ra không phải có ý muốn tác thành cho phu nhân đâu, mà chính là định cấm tù Bị này để cướp Kinh Châu đó thôi. Khi Kinh Châu về tay rồi, họ sẽ giết tôi đi. Rõ ràng họ dùng phu nhân làm cái mồi thơm để dử tôi đó. Sở dĩ tôi không sợ chết, dám cả gan đến đây, vì biết chắc phu nhân có chí khí nam nhi, có lòng yêu thương đến tôi. Vừa rồi, thấy Ngô hầu có ý muốn hại, nên tôi nói dối là Kinh Châu có việc, để tính đường trở về. Nay được phu nhân không nỡ bỏ nhau, theo tôi đến đây. Không ngờ Ngô hầu sai người đuổi theo sau lưng. Chu Du lại cho người chặn đường trước mặt. Ngoài phu nhân ra không ai gỡ được nạn này. Nếu phu nhân không rủ lòng cứu cho, thì tôi xin chết ngay ở trước xe để đáp ơn đức của phu nhân!
Phu nhân nổi giận nói:
– Anh tôi đã không coi tôi là ruột thịt thân thiết thì còn mặt nào trông thấy nhau nữa. Thôi! Việc hôm nay phu quân cứ để mặc tôi!
Lập tức Tôn phu nhân sai đẩy xe lên trước, cuốn rèm lên, rồi mắng Từ Thịnh, Đinh Phụng rằng:
– Hai người muốn làm phản hay sao?
Hai tướng vội vàng xuống ngựa, bỏ gươm giáo xuống, bẩm rằng:
– Chúng tôi đâu dám làm phản, nguyên phụng tướng lệnh của Chu đô đốc, đóng tại đây đợi chờ Lưu Bị đó thôi.
Phu nhân giận lắm, nói:
– Thằng giặc Chu Du kia! Đông Ngô ta có phụ gì mày? Huyền Đức là hoàng thúc nhà Hán, lại là chồng ta. Ta đã nói với mẹ và anh cho vợ chồng ta về Kinh Châu rồi. Nay các người dẫn quân chặn đường định cướp đồ đạc của vợ chồng ta hay sao?
Hai tướng vâng dạ liên hồi, thưa rằng:
– Chúng tôi đâu dám thế, xin phu nhân nguôi giận. Việc này là chúng tôi phụng mệnh của đô đốc chớ có can gì đến chúng tôi đâu.
Phu nhân thét:
– Các ngươi chỉ biết sợ Chu Du, còn không biết sợ ta à? Chu Du giết nổi các người, ta đây dễ thường không giết nổi Chu Du hẳn?
Nói rồi chửi mắng Chu Du thảm hại, rồi đẩy xe tiến lên.
Từ, Đinh hai tướng nghĩ rằng mình là người bề dưới, đâu dám kháng cự với phu nhân, vả lại trông thấy Triệu Vân có vẻ căm tức lắm, nên buộc lòng phải thét quân sĩ mở đường cho đi.
Xe vừa đi được năm sáu dặm, thì Trần Vũ, Phan Chương đuổi đến nơi. Từ Thịnh, Đinh Phụng thuật lại chuyện trước. Hai tướng kia nói rằng:
– Các ngươi tha cho đi là hỏng rồi. Chúng ta phụng mệnh Ngô hầu đuổi theo bắt họ về đây!
Rồi bốn tướng họp binh làm một ra sức đuổi theo. Huyền Đức đang chạy, bỗng nghe mé sau có tiếng reo nổi lên ầm ầm, lại nói với phu nhân rằng:
– Quân mé sau lại đuổi đến thì làm thế nào?
Phu nhân nói:
– Phu quân cứ đi trước, để tôi với Tử Long đón đánh mặt sau.
Huyền Đức dẫn ba trăm quân, nhắm bờ sông đi trước. Tử Long dùng ngựa đứng bên cạnh xe, dàn quân ra đợi các tướng kia đến. Bốn tướng đến nơi, trông thấy phu nhân vội vàng xuống cả ngựa, chắp tay đứng im. Phu nhân hỏi:
– Trần Vũ, Phan Chương đến đây có việc gì?
Hai tướng bẩm rằng:
– Chúng tôi phụng mệnh chúa công, mời phu nhân và Huyền Đức trở về.
Phu nhân nghiêm nét mặt quát:
– Bọn ngươi toàn là đồ thất phu, chia rẽ anh em ta, để chúng ta không hòa thuận với nhau. Ta đã gả bán cho người, hôm nay đi về, không phải là đi theo trai. Ta vâng lệnh mẹ ta để cho vợ chồng ta trở lại Kinh Châu, dù anh ta có đến đây nữa, cũng phải theo lễ phép. Các người cậy có quân, muốn giết ta hay sao?
Tôn phu nhân mắng mỏ một chập, khiến bốn tướng chỉ đứng nhìn nhau. Ai nấy tự nghĩ rằng: Người ta với chủ mình vạn năm vẫn là anh em với nhau, mà việc này còn có Quốc Thái làm chủ. Ngô hầu lại là người chí hiếu, sao dám trái lời mẹ? Mai này nghĩ lại, thì muôn sự té ra chúng mình không phải cả. Chỉ bằng ta hãy làm một việc có chút tình tử tế là hơn.
Vả lại trong đám ấy không thấy Huyền Đức, chỉ thấy có Triệu Vân mắm môi trợn mắt, lăm le muốn đánh. Bởi thế, các tướng dạ ran mấy tiếng, rồi rút quân về.
Tôn phu nhân sai đẩy xe đi thẳng.
Từ Thịnh nói với các tướng rằng:
– Chúng ta hãy cùng đến trình việc đó với Chu đô đốc.
Bốn tướng còn đương do dự, bỗng thấy, một toán quân xồng xộc chạy đến, trông ra thì là Tưởng Khâm và Chu Thái.
Hai tướng hỏi ngay.
– Các ông có thấy Lưu Bị không?
Bốn người đều nói:
– Buổi sáng có qua đây, đến bây giờ đã đi xa rồi.
Tưởng khâm nói:
– Sao không bắt trói lại?
Bốn tướng thuật lại chuyện phu nhân mắng mỏ vừa rồi. Tưởng Khâm nói:
– Chính vì thế Ngô hầu ban cho một thanh kiếm mang theo đây, truyền cho giết cô em trước, Lưu Bị sau. Hễ sai lệnh sẽ bị chém đầu!
Bốn tướng nói:
– Họ đi xa rồi, làm thế nào?
Tưởng Khâm nói:
– Hắn chỉ có một ít quân bộ, mình đi gấp cũng không được. Từ, Đinh hai tướng nên phi báo với đô đốc, sai đường thủy bơi thuyền tốc hành đuổi mau. Bốn chúng ta thì đuổi trên bộ. Bất kì đường nào, hễ đuổi kịp thì cứ việc chém phăng đi, không cho nói lôi thôi gì hết!
Đinh, Từ liền phi báo với Chu Du, còn bốn tướng dẫn quân men bờ sông đuổi riết.
Lại nói, Huyền Đức và quân sĩ rời Sài Tang đã xa, đến bến Lưu Lang, mới hơi vững dạ, đi dọc bờ sông tìm thuyền, chỉ thấy dòng sông mênh mông không một bóng thuyền nào. Huyền Đức cúi đầu nghĩ ngợi. Triệu Vân nói:
– Chúa công ở trong hang hổ trốn nạn ra đây, nay đã gần đến địa giới nhà rồi, tôi chắc thế nào quân sư cũng liệu trước, không phải lo ngại đâu?
Huyền Đức nghe xong, sực nhớ đến chuyện phồn hoa sung sướng ở Đông Ngô vừa rồi bỗng dưng ứa hàng nước mắt.
Người sau có thơ than rằng:
Sóng này Ngô Thục kết nhân duyên.
Cửa ngọc nhà vàng bóng dáng tiên.
Thiên hạ chịu nhường cô gái đẹp,
Đổi làm sao nổi chí Lưu Lang?
Huyền Đức sai Tử Long ra mé trước tìm thuyền, chợt tin báo phía sau cát bụi bay mù trời. Huyền Đức lên cao trông xem, thấy người ngựa kéo đến đông như kiến cỏ, liền than rằng:
– Chạy tất tưởi cả ngày, người ngựa mỏi mệt chưa thở được, lại có quân đuổi theo, thiệt là chết không còn chỗ chôn đây.
Tiếng reo mỗi lúc một gần. Huyền Đức đang luống cuống không biết tính thế nào, chợt thấy một dãy hơn vài chục chiếc thuyền muôi bồng đậu ở bờ sông. Tử Long nói:
– Trời ơi! May quá, có thuyền đây rồi, xin chúa công xuống thuyền ngay để sang sông, rồi ta sẽ lại liệu.
Huyền Đức cùng Tôn phu nhân, Tử Long và năm trăm quân sĩ xuống cả thuyền. Chỉ thấy một người khăn lượt áo the ở trong khoang vừa cười vừa bước ra nói:
– Xin chúc mừng chúa công! Gia Cát Lượng chờ ở đây đã lâu rồi!
Những người giả làm lái buôn ở trong thuyền đều là thủy quân ở Kinh Châu cả.
Huyền Đức mừng lắm.
Một lát, bốn tướng đã đuổi kịp đến nơi. Khổng Minh cười trỏ đám người trên bờ, nói:
– Ta biết trước đã lâu rồi. Các ngươi về nói với Chu Lang từ rày đừng dùng cái kế mĩ nhân ấy nữa nhé!
Trên bờ, cung tên bắn xuống tới tấp, nhưng thuyền ra xa rồi. Bốn tướng cứ đứng ngây mặt nhìn theo.
Thuyền Huyền Đức và Khổng Minh đang đi, bỗng thấy nước sông réo lên ầm ầm. Ngoảnh đầu lại xem, thấy chiến thuyền Đông Ngô kéo đến như lá tre. Chu Du ngồi dưới lá cờ tướng, bên tả có Hàn Đương, bên hữu có Hoàng Cái, thế như ngựa bay, sao chạy, ào ào lướt tới.
Khổng Minh sai lái giạt vào bờ phía bắc, rồi bỏ thuyền lên cả bộ, xe ngựa kéo đi. Chu Du đuổi đến nơi cũng ùa lên bộ đuổi theo. Toàn bộ thủy quân để đi trước, Hoàng Cái, Hàn Đương, Từ Thịnh, Đinh Phụng kèm sau.
Du hỏi:
– Đây là xứ nào?
Quân sĩ bẩm:
– Trước mặt là địa đầu Hoàng Châu.
Chu Du trông theo, thấy quân mã Huyền Đức chưa đi xa mấy, liền sai quân sĩ ráng sức đuổi đánh.
Đang đuổi miết, bỗng thấy hồi trống nổi lên, một toán quân ở trong sườn núi kéo ra, đại tướng đi đầu là Quan Vân Trường. Du luống cuống, vội quay ngựa chạy. Vân Trường xốc tới, Du tế ngựa chạy chí chết. Đang chạy, Hoàng Trung, Ngụy Diên hai bên đổ ra đánh giết, quân Ngô thua to. Du lật đật xuống được đến thuyền, thì quân sĩ ở trên bờ đồng thanh hô lớn:
Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ,
Đã mất phu nhân, lại thiệt quân!
Du nổi giận, nói:
– Lại phải lên bờ, quyết một trận sống mái xem sao?
Hàn Đương, Hoàng Cái cố sức can ngăn. Du tự nghĩ rằng:
– Kế của ta không thành công, còn mặt mũi nào trông thấy Ngô hầu nữa!
Nghĩ đoạn gầm lên một tiếng, vết đau vỡ tung ra, ngã quay xuống thuyền. Các tướng xúm lại cấp cứu, thì Du đã mê man bất tỉnh nhân sự rồi.
Đó là:
Hai phen khôn quá thành ra vụng.
Nay lại hờn căm, lại thẹn thùng!
Chưa biết Chu Du rồi ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.