Viên Thiệu qua cầu đánh Công Tôn;
Tôn Kiên sang sông đá Lưu Biểu.
Tôn Kiên bị Lưu Biểu vây lại, đã tưởng chết, may đâu lại có Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Dương, ba tướng cố sức cứu được thoát nạn, nhưng quân sĩ mất già nửa. Kiên kéo quân về Giang Đông, từ đấy Kiên với Biểu thù nhau. Đây nói chuyện Viên Thiệu kéo quân về đóng ở Hà Nội, lương thảo túng thiếu. Quan mục Ký Châu là Hán Phức thấy vậy sai người đưa lương đến giúp để nuôi quân.
Mưu sĩ Thiệu tên là Phùng Kỷ bảo với Thiệu rằng:
– Đại trượng phu tung hoành thiên hạ, cần chi phải đợi người giúp lương. Ký Châu là đất giàu, lắm lương tướng quân lấy quách đi có được không?
Thiệu nói:
– Ta cũng muốn lắm, nhưng chưa nghĩ được kế gì.
Kỷ nói:
– Nay tướng quân lên mặt sai người đưa thư cho Công Tôn Toản, bảo y tiến binh lấy Ký Châu, tướng quân hẹn với Toản rằng hai bên cùng đánh. Toản tất thể nào cũng tiến binh. Hàn Phức là đức vô mưu, tất sẽ mời tướng quân đến coi đỡ việc châu. Tướng quân thừa dịp ấy mà lấy Ký Châu thì việc dễ như trở bàn tay.
Thiệu mừng lắm, viết ngay thư cho Công Tôn Toản.
Toản xem thấy thư Viên Thiệu bàn cùng đánh lấy Ký Châu rồi chia đôi đất, mừng lắm. Ngay hôm ấy Toản khởi hành.
Thiệu sai người mật báo cho Hàn Phức biết.
Phức bèn gọi hai mưu sĩ tên là Tuân Thầm và Tân Bình để bàn. Thầm nói:
– Công Tôn Toản đem quân nước Yên, nước Đại kéo lại đông lắm, thế mình không đương nổi. Vả Toản có Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi giúp đỡ, ta địch sao được? Nay Viên Thiệu trí dũng hơn người, thủ hạ nhiều, danh tướng lắm, tướng quân nên mời Viên Thiệu lại để cùng coi việc châu. Tôi chắc Thiệu sẽ hậu đãi, tướng quân sợ gì Công Tôn Toản nữa.
Phức liền sai biệt giả tên là Quan Thuần sang mời Viên Thiệu.
Trưởng sử là Cảnh Vũ can rằng:
– Viên Thiệu bây giờ đương thân cô, thế cùng, chỉ trông nhờ vào ta, ví như đứa trẻ con ở trên bàn tay không cho bú mớm thì chết ngay, nay lại đem châu quận của mình mà trao cho nó, thì có khác gì đưa con cọp vào giữa đàn dê!
Phức nói:
– Ta cũng là đấy tớ cũ họ Viên, tài ta lại kém Thiệu. Người ngày xưa từng chọn người hiền để nhường ngôi, sao các ngươi bây giờ hay ghen ghét thế?
Cảnh Vũ than rằng:
– Ký Châu hỏng mất!
Vì việc đó có hơn ba mươi người bỏ chức mà đi. Cảnh Vũ với Quan Thuần, hai người rủ nhau ra phục ở ngoài cửa thành để đợi Viên Thiệu đến.
Sau vài hôm, Viên Thiệu kéo quân lại. Cảnh Vũ, Quan Thuần rút dao, nhảy ra chực đâm Viên Thiệu. Tướng Thiệu là Nhan Lương chém chết Cảnh Vũ; Văn Sú chém chết Quan Thuần.
Thiệu vào Ký Châu, cho Phức làm phấn uy tướng quân, rồi cho Điền Phong, Thư Thụ, Hứa Du và Phùng Kỷ chia tay nhau ra giữ việc trong châu, đoạt cả quyền của Hàn Phức.
Phức bấy giờ hối cũng không kịp nữa bực mình bỏ cả nhà cửa vợ con, sang với thái thú Trần Lưu là Trương Mạc.
Công Tôn Toản thấy Thiệu được Ký Châu, liền sai em là Công Tôn Việt đến thăm Thiệu và giục Thiệu chia đất theo như lời đã ước với nhau.
Thiệu bảo Việt:
– Về mời anh ngươi lại đây, ta sẽ nói chuyện.
Việt về, đi chưa được năm mươi dặm, bỗng gặp một cánh quân mã ở cạnh đường xông ra, nói rằng:
– Ta là gia tướng của Đổng thừa tướng đây!
Rồi tên bắn ra tua tủa. Việt bị thương chết. Thủ hạ trốn được về báo với Công Tôn Toản.
Toản tức lắm, nói rằng:
– Viên Thiệu nhủ ta đem binh đến đánh Hàn Phức, chẳng qua là dụng mưu lừa dối ta. Nay lại giả trá là quân Đổng Trác để giết em ta, thù này thế nào ta cũng phải báo!
Nói rồi đem hết cả quân bản hậu kéo sang Ký Châu.
Thiệu thấy Toản kéo quân đến cũng dẫn quân ra. Hai bên gặp nhau ở trên sông Bản Hà. Thiệu dàn quân bên đông cầu, Toản dàn quân bên tây cầu.
Toản cưỡi ngựa đứng trên cầu, mắng to lên rằng:
– Thằng bội nghĩa kia! Sao mày dám lừa ta?
Thiệu cũng thúc ngựa đến cạnh cầu, trỏ tay vào Toản nói rằng:
– Hàn Phức hèn hạ, tự xin nhường Ký Châu cho ta, có việc gì đến mày?
Toản lại nói:
– Ngày trước ta tưởng mày là đứa có nhân nghĩa, bầu mày làm minh chủ. Bây giờ, xem những điều mày làm có khác gì chó má. Mày còn mặt mũi nào đứng trên cõi đời nữa?
Viên Thiệu giận lắm, thét rằng:
– Ai vào lôi cổ nó ra đây cho ta?
Thiệu nói chưa dứt lời thì Văn Sú vác giáo, thúc ngựa xông thẳng lên cầu. Toản đánh nhau với Sú chưa được mười hiệp, thua chạy. Sú đuổi theo. Toản chạy vào trong trận. Sú cũng phi ngựa xông vào giữa đám quân. Thủ hạ Toản có bốn tướng giỏi, kéo ùa cả ra đánh với Văn Sú, Sú đâm trúng một người ngã ngựa, còn ba người kia đều chạy. Sú đuổi Toản chạy ra đằng sau trận, Toản nhìn vào một cái hang núi toan chạy trốn vào đó. Sú thúc ngựa quát lên rằng:
– Mau xuống ngựa hàng đi!
Toản cung tên rơi mất cả, mũ lăn xuống đất, đầu tóc tả tơi, phi ngựa chạy quanh rặng núi. Chẳng may ngựa vấp quỵ hai chân trước. Toản cũng ngã quay xuống dưới bờ núi. Sú cầm ngọn giáo, xô lại để đâm. Bỗng đâu bên cạnh bờ có một tướng, người trẻ trung vác ngọn giáo phi ngựa ra đâm Văn Sú.
Công Tôn Toản lẻn trèo lên sườn núi, trông thấy tướng ấy mình cao tám thước, mày rậm, mắt to, mặt rộng, má bầu, uy phong lẫm liệt. Hai người đánh nhau năm sáu mươi hiệp, chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quân cứu của Toản kéo đến. Sú quay ngựa lui về, tướng trẻ tuổi ấy cũng không đuổi theo.
Toản vội vàng xuống ngựa hỏi tên họ, tướng ấy vái một vái thưa rằng:
– Tôi là người ở Chân Định, xứ Thường Sơn, họ Triệu tên Vân Trường, tên chữ là Tử Long. Nguyên tôi là người ở địa hạt Viên Thiệu, nhân thấy Thiệu không có bụng trung vua cứu dân, nên tôi bỏ xứ ấy đến đây theo ngài. Không ngờ lại gặp ngài ở chỗ này!
Toản mừng lắm mời Triệu Vân về trại, sửa sang lại áo giáp và đồ khí giới.
Hôm sau, toản chia quân mã ra làm hai cánh, ngựa có hơn năm nghìn con, quá nửa toàn ngựa trắng. Vì khi xưa Toản đánh nhau với người rợ Khương, chọn tuyển ngựa trắng làm tiên phong, gọi là Bạch mã tướng quân. Người rợ Khương trông thấy ngựa trắng là chạy. Từ đó Toản có rất nhiều ngựa trắng.
Thiệu sai Nhan Lương, Văn Sú làm tiên phong, mỗi người đem một nghìn quân cung nỏ cũng chia làm hai cánh tả hữu: Truyền lệnh cho cánh quân tả bắn hữu quân của Toản, cánh quân hữu bắn tả quân của Toản. Lại sai Khúc Nghĩa đem tám trăm tay cung, một vạn rưỡi quân bộ dàn ở giữa trận. Viên Thiệu đem quân mã, bộ vài vạn, đi sau để tiếp ứng.
Công Tôn Toản mới được Triệu Tử Long, chưa biết bụng dạ thế nào, sai lĩnh riêng một toán quân đi mặt sau, chức tiên phong giao cho đại tướng Nghiêm Cương. Toản tự lĩnh cánh trung quân, cưỡi ngựa đứng trên cầu, bên mình dựng một lá cờ đỏ thêu một chữ Súy bằng kim tuyến. Từ giờ Thìn, đánh trống đến mãi giờ Tị không thấy Viên Thiệu tiến binh.
Khúc Nghĩa sai những tay cung phục cả ở dưới mộc, hẹn đến lúc nào thấy có một tiếng súng lệnh mới được bắn tên ra.
Nghiêm Cương đánh trống, reo hò tiến lên, xông thẳng vào đánh Khúc Nghĩa. Quân Nghĩa thấy Cương vào cũng mặc, cứ để cho vào. Khi Cương đến gần, sát quân Nghĩa, mới có một tiếng pháo vang lên, tám trăm cung nỏ cùng bắn ra một lúc. Cương định chạy trở về, Nghĩa đã tế ngựa đến chém Cương chết lăn quay xuống chân ngựa.
Quân Toản thua. Hai bên tả hữu đổ ra để cứu, lại bị Nhan Lương, Văn Sú dẫn quân cung nỏ bắn sang, nên không thể nào cứu lại được nữa.
Quân Thiệu bấy giờ mới tiến lên, đến mãi cạnh cầu. Khúc Nghĩa phi ngựa lên trước, chém ngay tướng cầm cờ của Toản, chặt ngọn cờ gãy đôi rơi xuống đất.
Toản thấy cờ đổ, vội vàng quay ngựa xuống cầu chạy. Khúc Nghĩa đem binh xông vào đến tận hậu binh của Toản; gặp Triệu Tử Long. Tử Long cầm ngọn giáo xông vào đánh Khúc Nghĩa, đánh có vài ba hiệp, đâm Khúc Nghĩa chết ngay.
Tử Long cưỡi một con ngựa, phi vào đám quân Viên Thiệu, xông xáo như đi vào chỗ không người. Toản kéo quân đánh lại. Quân Thiệu lại thua.
Giữa lúc Khúc Nghĩa chém được tướng cầm cờ của Toản, Viên Thiệu sai quân thám mã ra xem, quân thám về báo rằng Nghĩa chém được tướng, chặt được cờ, đương đuổi Toản. Vì thế Thiệu không chuẩn bị gì cả, cùng với Điền Phong dẫn vài trăm quân vác kích, vài mươi tay cung, cưỡi ngựa ra xem, cười ha hả, cho Toản là hạng hèn hạ chẳng làm trò gì được. Trong khi Thiệu đang cười, nói nói, bỗng thấy Triệu Tử Long xông đến tận trước mặt. Những tay cung vội vàng bắn, Triệu Tử Long đâm luôn mấy đứa, chúng khiếp sợ bỏ chạy cả. Đằng sau thì quân Toản cuồn cuộn tiến lên vây Thiệu lại.
Điền Phong vội vàng bảo Thiệu rằng:
– Chúa công nên lánh vào trong bức tường kia.
Thiệu liền cầm mũ đầu mâu quăng xuống đất quát to lên rằng:
– Đại trượng phu muốn chết ở chiến trường, chứ lại núp vào tường cầu sống làm gì!
Quân Viên Thiệu liền cố sức liều chết mà chống cự, Triệu Vân không thể xông vào được nữa. Lúc ấy đại quân của Thiệu vừa kéo đến kịp; Triệu Vân bảo vệ Công Tôn Toản, đánh ra được khỏi vòng vây. Lúc về, đến đầu cầu bên này, quân Thiệu lại tiến lên, sang qua cầu. Quân Toản sa xuống sông chết rất nhiều.
Viên Thiệu xông thẳng lên trước, chưa được năm dặm, đã nghe thấy mé sau núi có tiếng hò reo, một toán quân mã kéo ra. Ba tướng đi trước là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Ba anh em đang ở Bình Nguyên nghe thấy Toản đánh nhau với Thiệu, đem quân đánh giúp.
Ba người vừa đến nơi gặp Thiệu đương đuổi Toản liền tế ngựa chạy lại cứu. Thiệu trông thấy ba người hồn vía lên mây cả, con dao quý đang cầm trong tay rơi ngay xuống đất, chỉ vừa kịp thúc ngựa quay đầu chạy. Nhờ quân mã cố sức cứu, Thiệu mới về được khỏi cầu.
Công Tôn Toản cũng thu quân về trại, Lưu, Quan, Trương vào chào, cùng nhau hỏi han trò chuyện.
Toản nói:
– Giá Huyền Đức không đến cứu ta, ta còn bị khốn đốn nhiều.
Rồi Toản bảo ba người vào gặp Triệu Tử Long. Lưu Bị mới thấy Triệu Vân, đã có bụng yêu mến ngay, không muốn rời xa nữa.
Viên Thiệu thua một trận, bèn giữ trại, không ra đánh. Hai bên cầm cự nhau hơn một tháng. Có người về Trường An bảo với Đổng Trác. Lý Nho nói với Trác rằng:
– Viên Thiệu với Công Tôn Toản đều là hào kiệt bây giờ; nay hiện đương đánh nhau ở trên sông Bàn Hà. Thái sư nên giả chiếu của vua sai người ra giải hòa. Hai người ấy hòa thuận với nhau, tất cảm ơn và quy phục thái sư.
Trác nghe Lý Nho. Ngay hôm sau, sai thái phó là Mã Nhật Đê và thái bộc là Triệu Kỳ, đem chiếu mệnh đi dụ hai người.
Hai sứ đi đến Hà Bắc, Viên Thiệu ra ngoài một trăm dặm đón rước, lạy hai lạy, vâng lệnh chiếu dụ.
Hôm sau Mã Nhật Đê và Triệu Kì lại đến dinh Công Tôn Toản để dụ. Toản cũng vâng chiếu, liền sai sứ đưa thư sang cho Thiệu. Hai bên giảng hòa, Mã, Triệu về Trường An.
Toản lập tức rút quân về, rồi tiến cử Huyền Đức làm tướng ở Bình Nguyên.
Lưu Bị khi từ giã Triệu Tử Long, hai người cầm tay nhau rỏ nước mắt khóc, ngần ngừ không muốn xa nhau.
Vân than rằng:
– Trước kia tôi cũng nghĩ Công Tôn Toản là người anh hùng. Nay xem việc làm, thì bất quá cũng là một tuồng Viên Thiệu mà thôi!
Lưu Bị nói:
– Thôi, xin ông hãy chịu khó náu thân ở đây. Hai chúng ta thế nào cũng có ngày gặp nhau!…
Hai người buông nhau ra, nước mắt chứa chan. Lại nói đến Viên Thuật ở Nam Dương nghe tin Viên Thiệu mới được Ký Châu. Sai sứ lại xin một nghìn ngựa, Thiệu không cho. Thuật giận. Từ đó hai anh em ghét nhau, Thuật lại sai sứ đến Kinh Châu hỏi vay Lưu Biểu hai vạn tạ lương. Biểu cũng không cho vay. Thuật cũng giận, sai người đưa mật đưa thư cho Tôn Kiên xui Kiên đánh Lưu Biểu.
Thư rằng:
“Trước kia Lưu Biểu chẹn đường ông, là do mưu kế của anh tôi Bản Sơ cả. Nay tôi lại thấy anh tôi bàn riêng với Lưu Biểu muốn nuốt cả Giang Đông. Ông nên chong chóng khởi binh đánh Lưu biểu đi. Tôi thì xin đánh Bản Sơ hộ ông. Có thế thì hai mối thù mới báo được. Ông lấy Kinh Châu; tôi lấy Ký Châu. Ông đừng để mất cơ hội.”
Kiên được thư nói rằng:
– Lưu Biểu chẹn trước đường ta, nay không nhân dịp nào báo thù, còn đợi đến bao giờ?
Bèn họp các tướng Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương để bàn. Phổ nói:
– Viên Thuật là người trí khá lắm, không nên tin vội.
Kiên nói:
– Ta muốn đánh báo thù, cần gì Viên Thuật giúp.
Rồi sai Hoàng Cái đến bên sông trước, sắp sẵn chiến thuyền và chở nhiều quân lương khí giới, thuyền lớn thì chứa ngựa chiến để một ngày nào đó sẽ cất quân.
Quân do thám dò biết tình hình, về báo với Lưu Biểu, Biểu sợ lắm, kíp họp các tướng lại bàn.
Khoái Lương nói:
– Lo gì việc này, Chúa công nên sai Hoàng Tổ lĩnh quân ở Giang Hạ đi trước, làm tiền khu. Chúa công đem quân Kinh Tương đi sau này làm hậu viện. Tôn Kiên còn phải qua nhiều sông mới đến đây, còn dụng võ làm sao được?
Biểu cho là phải, sai Hoàng Tổ thu xếp sẵn sàng, rồi đưa đại quân ra nghênh địch.
Lại nói đến Tôn Kiên có bốn con, đều là con vợ cả là Ngô phu nhân. Con cả tên là Sách, tự là Bá Phù; con thứ hai tên là Quyền, tự là Trọng Mưu; con thứ ba tên là Dực, tự là Thúc Bật; con thứ tư tên là Khương, tự là Quý Tá.
Vợ thứ hai Kiên, là em ruột vợ cả, đẻ được hai con, một trai một gái. Con trai tên là Lang, tự là Tảo An, con gái tên là Nhân.
Kiên lại nuôi một người con họ Du làm con nuôi, tên là Thiều, tự là Công Lễ.
Kiên có một người em, tên là Tĩnh, tự là Ấu Đài.
Khi Kiên sắp đi, Tôn Tĩnh dắt cả các con, sắp hàng ở trước ngựa, lạy mà can rằng:
– Nay Đổng Trác chuyên quyền, thiên tử hèn yếu, bốn bể loạn lạc, mỗi người giữ một phương. Giang Đông ta vừa mới yên được ít lâu, nay chỉ vì một chút giận nhỏ, mà anh mang đại quân đi, tôi tưởng không nên. Xin anh nghĩ lại.
Kiên nói:
– Chú đừng nói nhiều. Ý tôi muốn tung hoành trong thiên hạ, nay có thù lẽ nào lại không báo?
Con cả là Tôn Sách nói:
– Nếu cha đã quyết, con xin đi theo!
Kiên cho đi, rồi hai bố con kéo quân đến Phàn Thành.
Hoàng Tổ phục cung nỏ ở bên sông, thấy thuyền Kiên gần đến bờ, bắn tên ra như mưa. Kiên truyền quân sĩ không ai được bắn vội, hãy cứ nấp ở trong thuyền, chở đi chở lại dụ địch luôn ba hôm, thuyền cứ lượn vào bờ đến vài mươi lượt. Quân Hoàng Tổ thi nhau bắn ròng rã, đến hết sạch tên. Đến hôm thứ tư, Kiên sai quân ra rút những tên giắt đầy cả hai mạn thuyền, ước được vài mươi vạn rồi nhân lúc thuận gió, bắn cả vào bờ. Quân Hoàng Tổ chống đỡ không nổi, phải bỏ chạy.
Kiên kéo quân lên bờ, Trình Phổ, Hoàng Cái chia binh ra làm hai đường, đến đánh trại Hoàng Tổ. Đằng sau thì Hàn Đương kéo quân tiến lên. Ba mặt đánh dồn lại, quân Hoàng Tổ thua, bỏ Phàn Thành chạy về Đặng Thành.
Kiên sai Hoàng Cái ở lại giữ lấy thuyền bè còn mình thì đem quân đuổi theo.
Hoàng Tổ đem quân nghênh địch, bày trận ở giữa cánh đồng, Kiên cũng dàn thành thế trận, rồi cưỡi ngựa ra đứng dưới cửa cờ. Tôn Sách mặc áo giáp gọn ghẽ, cầm mác, cưỡi ngựa đứng bên cạnh bố.
Hoàng Tổ dẫn hai tướng cưỡi ngựa ra, một tướng là Trương Hổ ở Giang Hạ, một tướng là Trần Sinh ở Tương Dương. Hoàng Tổ trỏ roi mắng:
– Đàn chuột ở Giang Đông kia! Sao dám xâm phạm vào đất của tôn thân nhà Hán?
Nói rồi sai Trương Hổ ra đánh.
Bên quân của Kiên, Hàn Đương nhảy ra nghênh địch. Hai bên đánh nhau chưa được ba mươi hiệp, Trần Sinh thấy Trương Hổ đuối sức cũng phi ngựa ra đánh giúp. Tôn Sách trông thấy, cắp chặt ngọn mác ở nách, giương cung đặt tên bắn tin ngay vào giữa mặt Trần Sinh. Sau tiếng dây cung bật, Trần Sinh ngã ngựa ngay. Trương Hổ thấy thế, giật nảy mình, bị ngay Hàn Đương giơ dao chém một nhát. Hổ đỡ không kịp bị Đương chém mất nửa đầu.
Trình Phổ xông ngựa vào trận để bắt Hoàng Tổ. Tổ bỏ cả mũ lẫn ngựa, chạy vào đám bộ quân để lẩn trốn.
Tôn Kiên đánh tràn cánh bại quân, đuổi thẳng mãi đến sông Hán Thủy, sai Hoàng Cái đem thuyền tiến lên đóng ở Hán Giang.
Hoàng Tổ thu quân vào ra mắt Lưu Biểu, nói rằng:
– Thế Tôn Kiên to quá, không sao địch được!
Biểu vội gọi Khoái Lương ra bàn.
Lương nói:
– Nay ta mới thua, binh lính ngã lòng cả. Bây giờ chỉ nên thành cao hào sâu, giữ cho vững vàng, rồi mật sai người sang cầu cứu Viên Thiệu, mới có thể giải vây được.
Sái Mạo nói:
– Tử Nhu bàn mưu ấy thực vụng. Nay quân địch tới ngoài thành, tướng địch đã đến bên hào, lẽ nào ta lại ngồi khoanh tay chịu chết! Tôi tuy không có tài cán gì, nhưng cũng dám xin lĩnh quân ra ngoài thành quyết chiến một trận.
Lưu Biểu nghe lời, cho Sái Mạo đem hơn một vạn quân ra ngoài thành Tương Dương, dàn trận ở dưới núi Nghiễn Sơn.
Tôn Kiên đem quân vừa thắng trận, kéo bừa lên đánh Sái Mạo. Mạo thúc ngựa ra. Kiên thấy Mạo liền hô:
– Thằng này là anh vợ bé Lưu Biểu đây, ai ra bắt lấy nó cho ta!
Trình Phổ vác ngay ngọn mâu chuôi sắt, tế ngựa ra đánh. Mới đánh nhau được vài hiệp. Mạo đã thua chạy. Kiên thúc quân vào giết chết vô số quân Mạo, thây người ngổn ngang khắp cả cánh đồng. Mạo trốn về Tương Dương. Khoái Lương thấy Mạo thua chạy về liền nói rằng:
– Tôi đã bày một kế hay, Mạo không nghe, cứ ra đánh để đến nỗi thua to. Nay nên chiếu quân pháp mà đem chém!
Lưu Biểu vừa lấy em gái Sái Mạo, không nỡ chém.
Một hôm, bỗng một cơn gió nổi lên giật đổ lá cờ “Súy” ở trung quân. Hàn Đương nói:
– Điềm này là điềm gở, xin hãy rút quân về.
Kiên nói:
– Ta đánh trận nào được trận nấy, chỉ sớm tối hôm nay thì lấy được Tương Dương, sao lại vì một việc gió thổi gãy cờ mà bãi binh?
Kiên không nghe lời Hàn Đương, càng thúc quân đánh giết.
Khoái Lương một hôm xem thiên văn, bảo Lưu Biểu:
– Tôi trông thiên văn, thấy một ngôi tướng tinh chừng muốn sa, cứ chia phương hướng mà tính ra, thì ngôi sao ấy là Tôn Kiên. Chúa công nên lập tức đưa thư cho Viên Thiệu để cầu cứu.
Lưu Biểu viết thư xong, hỏi có ai dám xông ra ngoài vòng vây. Có mãnh tướng là Lã Công xin đi.
Khoái Lương bảo Lã Công rằng:
– Người đã có gan dám đi, nên nghe kế ta: Ngươi đem năm trăm quân mã đi, phải kén những tay bắn cung giỏi. Ra khỏi được vòng vây rồi lập tức chạy lên Nghiễn Sơn. Đằng kia tất nó đem quân lại đuổi. Ngươi phải lấy ra một trăm người, lên núi tìm đá chất sẵn; một trăm người nữa mang cung nỏ nấp ở trong rừng. Hễ nó đuổi đến nơi, chớ có chạy đường thẳng, cứ chạy quanh co, dử cho nó đến chỗ mai phục, rồi ở trên cùng bắn tên và ném đá xuống. Nếu thắng trận thì lập tức nổi hiệu súng liên châu, trong thành sẽ cho quân ra tiếp ứng. Nếu nó không đuổi thì đừng nổ súng báo hiệu làm gì, cứ đi sấn đi thôi. Đêm nay trăng không sáng lắm. Chiều tà có thể ra khỏi thành.
Lã Công vâng lĩnh kế ấy, sắp sẵn quân mã, đợi đến xâm xẩm tối, bí mật mở cửa phía đông, kéo quân ra khỏi thành.
Tôn Kiên đang ở trong trướng, nghe có tiếng reo, kíp cưỡi ngựa đem ba mươi tên kị mã ra cửa trại xem. Quân sĩ lại báo rằng:
– Có một toán quân mã ở trong thành kéo ra, chạy về mé Nghiễn Sơn.
Kiên không kịp gọi các tướng chỉ dẫn ba mươi tên kị mã đuổi theo.
Bấy giờ Lã Công đã đưa quân vào mai phục trong rừng rậm rồi. Một mình Kiên phóng ngựa chạy nhanh tới thấy quân đằng trước không còn cách xa mấy, Kiên bèn gọi to lên rằng:
– Đừng chạy nữa.
Lã Công quay ngựa lại đánh. Đánh được một hiệp, Lã Công lại chạy, lẻn vào trong đường núi. Kiên đằng sau theo hút, nhưng đi đến núi thì không thấy Lã Công nữa. Kiên toan trèo lên núi bỗng nghe thấy một tiếng cồng rồi đá đâu ở trên núi lăn xuống như mưa. Trong rừng tên bắn ra tua tủa. Kiên bị đá và tên bắn trúng vào đầu, phọt óc ra. Người và ngựa cùng chết cả ở chân núi.
Lúc ấy Tôn Kiên mới có ba mươi bảy tuổi.
Lã Công xuống chẹn đường bắt được ba mươi tên kị mã, giết tuốt cả rồi nổi hiệu súng liên châu. Trong thành nghe thấy, Hoàng Tổ, Khoái Việt, Sái Mạo cùng chia làm mấy ngả ra đánh. Quân Giang Đông xôn xao cả lên.
Hoàng Cái giữ thuyền ở dưới sông, nghe thấy tiếng reo ầm ĩ, cũng dẫn thủy quân kéo lên bờ, gặp ngay Hoàng Tổ, đánh nhau được vài hiệp thì Hoàng Cái bắt sống được Hoàng Tổ.
Trình Phổ bảo vệ Tôn Sách, vội tìm đường chạy, vừa gặp ngay Lã Công đến. Phổ tế ngựa ra, hai bên đánh nhau được vài hiệp. Phổ đâm một ngọn mâu. Lã Công chết ngã xuống chân ngựa.
Hai bên đánh nhau mãi đến tận sáng mới thu quân.
Quân Lưu Biểu rút vào thành. Tôn Sách về đến Hán Thủy mới biết tin bố chết, quân Lưu Biểu đã khiêng xác vào thành mất rồi. Sách khóc lóc thảm sầu, quân sĩ cũng rền rĩ than khóc.
Sách khóc:
– Xác phụ thân ta còn ở bên địch, làm thế nào mang về quê hương được?
Hoàng Cái nói:
– Nay ta bắt sống được Hoàng Tổ, nên sai người vào thành giảng hòa, đem Hoàng Tổ đổi lấy thi thể của chúa công.
Nói chưa dứt lời có viên tướng tên là Hoàn Khải bước ra nói rằng:
– Tôi với Lưu Biểu có quen biết trước, xin nhận đi sứ vào thành.
Sách cho Khải đi. Lúc giáp Lưu Biểu, Biểu nói:
– Hài cốt Văn Đài ta đã nhập quan tử tế, ngươi về nói bên ấy tha Hoàng Tổ ra ta sẽ trả hài cốt cho mà đem về. Hai bên cùng bãi binh, từ nay về sau không phạm nhau nữa.
Khải từ tạ định đi, dưới thềm Khoái Lương nhảy ra ngăn rằng:
– Không nên! Không nên! Tôi có một kế này làm cho quân Giang Đông mảnh giáp không còn. Nhưng trước hết xin hãy chém đầu Hoàn Khải đi đã.
Thế rõ thực là:
Tôn Kiên đuổi giặc vừa toi mạng
Hoàn Khải cầu hòa lại gặp nguy.
Chưa biết tính mệnh Hoàn Khải ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.