Lưu tiên chủ viết chiếu gửi con côi;
Gia Cát Lượng ngồi yên bình năm đạo.
Nói về năm Chương Võ thứ hai (221), tháng sáu, mùa hạ, Lục Tốn Đông Ngô phá xong quân Thục ở đất Di Lăng, xứ Hào Đình. Tiên chủ chạy về thành Bạch Đế, Triệu Vân đem quân trấn giữ. Chợt Mã Lương đến, thấy quân đã thua rồi, hối không kịp nữa, mới đem lời Khổng Minh tâu với tiên chủ.
Tiên chủ than rằng:
– Nếu trẫm sớm nghe lời thừa tướng thì đâu đến nỗi thua thế này, nay còn mặt mũi nào mà về Thành Đô trông thấy quần thần nữa!
Bèn truyền lệnh đóng quân ở lại thành Bạch Đế, đổi nơi quán dịch gọi là cung Vĩnh An.
Có tin báo Phùng Tập, Trương Nam, Phó Đồng, Trình Kỳ, Sa Ma Kha đều chết vì việc nước cả. Tiên chủ thương cảm không biết ngần nào.
Lại có cận thần tâu rằng:
– Hoàng Quyền dẫn quân Giang Bắc sang hàng Ngụy mất rồi, bệ hạ nên sai bắt gia thuộc hắn giao cho hữu tư hỏi tội.
Tiên chủ nói:
– Hoàng Quyền bị quân Ngô chẹn ở mé bắc ngạn, muốn về không được, bất đắc dĩ phải hàng Ngụy, thế là trẫm phụ Quyền, chớ không phải Quyền phụ trẫm, can gì mà bắt tội vợ con người ta?
Bèn sai cứ việc cấp lương gạo tử tế cho gia quyến Hoàng Quyền như thường.
Hoàng Quyền sang hàng Ngụy, các tướng dẫn vào ra mắt Tào Phi. Phi nói:
– Khanh nay đã hàng trẫm lại muốn sánh với Hàn Tín, Trần Bình ngày xưa chăng?
Quyền khóc mà tâu rằng:
– Tôi chịu ân của Thục đế đối đãi rất hậu, sai tôi đốc mặt quân Giang Bắc. Lục Tốn chặn mất đường, tôi muốn về Thục không được, mà hàng Ngô thì không ổn, cho nên mới đến theo hàng bệ hạ. Tướng đã bị thua, được khỏi chết là may, tôi đâu dám theo đòi với cổ nhân!
Phi mừng lắm, phong cho Quyền làm trấn nam tướng quân. Quyền nhất định từ, không chịu nhận. Chợt có cận thần tâu rằng:
– Có người đi do thám ở Thục về báo tin Thục chủ giết sạch cả gia thuộc Hoàng Quyền rồi.
Quyền nói:
– Tôi với Thục đế, lấy bụng thực mà tin nhau, tất biết bụng tôi, không nỡ hại cả nhà tôi đâu.
Phi cho là phải.
Người sau có thơ trách Hoàng Quyền rằng:
Hàng Ngô chẳng muốn, lại hàng Tào,
Trung nghĩa thờ vua ngỡ thế nào?
Chỉ vị Hoàng Quyền còn ngại chết,
Tử Dương thư pháp dễ tha sao?
Tào Phi hỏi Giả Hủ rằng:
– Trẫm muốn thống nhất cả thiên hạ, nên đánh Thục trước hay đánh Ngô trước?
Hủ thưa rằng:
– Lưu Bị là người hùng tài, lại có Gia Cát Lượng giỏi việc trị nước, Tôn Quyền ở Đông Ngô hay biết hư thực, Lục Tốn hiện đóng quân nơi hiểm yếu, cách trở sông hồ, khó lòng làm gì nổi họ. Cứ ý tôi thì trong các tướng, không có tay nào địch thủ với Tôn Quyền, Lưu Bị được. Dẫu đến thiên uy của bệ hạ đem xuống cũng vị tất có thể vẹn toàn. Vậy chỉ nên giữ vững nước nhà, đợi khi nào hai nước có biến sẽ hay.
Phi nói:
– Trẫm đã sai đạo quân chia làm ba đường sang đánh Ngô, có lẽ nào mà chẳng được?
Thượng thư là Lưu Hoa nói:
– Gần đây Lục Tốn ở Đông Ngô mới phá được bảy mươi vạn quân Thục, trên dưới đồng tâm, lại có sông hồ cách trở, chưa chắc ta đã làm gì nổi. Vả lại Lục Tốn lắm mưu, tất có phòng bị rồi.
Phi nói:
– Trước ngươi khuyên trẫm đánh Ngô, nay lại ngăn trở trẫm là cớ làm sao?
Hoa nói:
– Mỗi lúc một khác, khi Đông Ngô thua luôn với Thục, thế đang nguy cấp, cho nên mới nên đánh, nay họ vừa được to, nhuệ khí gấp trăm khi trước, thì lại không nên đánh nữa.
Phi nói:
– Ý trẫm đã quyết rồi, ngươi chớ nói nữa!
Bèn dẫn quân ngự lâm thân ra tiếp ứng cho cả ba mặt.
Sực có tiểu mã về báo rằng:
– Đông Ngô đã có phòng bị rồi, Lữ Phạm dẫn quân chống nhau với Tào Hưu, Gia Cát Cẩn dẫn quân Nam Quận chống Tào Chân, Chu Hoàn giữ cửa Nhu Tu để chống Tào Nhân.
Lưu Hoa tâu rằng:
– Họ đã phòng bị như thế, đi cũng vô ích thôi!
Phi không nghe, cứ kéo quân đi.
Nói về tướng Ngô là Chu Hoàn, hai mươi bảy tuổi, rất can đảm mưu lược, Tôn Quyền yêu lắm. Bấy giờ Hoàn đốc quân ra Nhu Tu chống quân Tào. Lại nghe Tào Nhân dẫn quân đến lấy Tiện Khê, liền cho quân ra giữ, chỉ để năm nghìn quân ở lại trong thành. Chợt có tin báo Tào Nhân sai đại tướng là Thường Điêu cùng với Gia Cát Kiền, Vương Song dẫn năm vạn tinh binh đến Nhu Tu. Quân sĩ nghe tin, ai nấy cùng nhớn nhác sợ hãi. Chu Hoàn chống gươm, nói:
– Được thua cốt tại tướng, không cốt gì quân nhiều ít. Binh pháp có nói: “Quân khách nhiều gấp hai quân chủ, cũng còn có thể đánh được.” Nay Tào Nhân từ nghìn dặm xa xôi đến đây, người ngựa mỏi mệt, ta với chúng bay, ngồi giữ thành cao, mé nam trông ra sông to, mé bắc dựa vào núi hiểm. Thế là mình nhàn nhã mà đánh kẻ địch tất tả; mình làm chủ mà chế kẻ địch là khách; đó thực là có cái thế đánh trăm trận được cả trăm; dẫu đến Tào Phi lại đây cũng chẳng ngại, huống chi bọn Tào Nhân.
Bởi vậy, Hoàn sai quân sĩ ngả cờ im trống, làm ra dáng không có người giữ gìn gì cả.
Tướng tiên phong Ngụy là Thường Điêu dẫn quân đến Nhu Tu, trông lên mặt thành không thấy quân mã canh giữ, mới giục quân đến sát dưới thành. Bỗng trong thành nổi một tiếng pháo, rồi tinh kì dựng lên san sát. Chu Hoàn dẫn quân ra, xốc vào đánh nhau với Thường Điêu, chưa đầy ba hiệp chém Điêu chết lăn xuống ngựa. Quân Ngô thừa thế đánh dàn ra, quân Ngụy tan vỡ, chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Chu Hoàn đại thắng, bắt được tinh kì, khí giới rất nhiều.
Tào Nhân dẫn quân đến sau, lại bị quân ở Tiện Khê đánh ra, cũng thua to, phải rút quân về.
Tào Nhân về ra mắt Ngụy chủ, tâu việc bại trận. Tào Phi giật mình. Khi đang thương nghị, lại có thám mã về báo rằng:
– Tào Chân, Hạ Hầu Thượng vây ở Nam Quận, bị Lục Tốn phục binh ở trong, Gia Cát Cẩn phục binh ở ngoài, hai mặt đánh ập vào, bởi thế thua liểng xiểng.
Chưa dứt lời, bỗng lại có thám mã nữa về báo rằng:
– Tào Hưu cũng bị Lữ Phạm đánh tan cả rồi!
Phi nghe tin quân ba mặt thua cả, chép miệng than rằng:
– Trẫm không nghe lời Giả Hủ, Lưu Hoa, quả nhiên có trận thua này!
Bấy giờ, đang tiết mùa hạ, dịch khí truyền nhiễm, quân mã mười phần chết hết sáu, bảy. Phi mới rút quân về Lạc Dương. Từ đó, Ngô, Ngụy không hòa với nhau.
Đây nói, tiên chủ từ khi nghỉ lại trong cung Vĩnh An bị bệnh nặng lắm. Đến tháng tư, năm Chương Võ thứ ba, tiên chủ biết bệnh mình đã nguy rồi, lại thêm thương khóc Quan, Trương, cho nên bệnh mỗi ngày một nặng thêm. Tiên chủ mắt lờ đờ, không muốn cho thị vệ đứng cạnh, mới đuổi cả tả hữu ra ngoài, chỉ một mình nằm ở trên sập rồng. Bỗng dưng, một cơn gió lạnh lẽo nổi lên, ngọn đèn lập lòe, gần tắt lại sáng, rồi thấy có hai người thập thò đứng núp dưới bóng đen.
Tiên chủ giận, nói:
– Trẫm trong bụng không yên, cho chúng bay hãy lui ra ngoài kia, sao còn đến đây?
Mắng thế nào hai người cũng vẫn không lui. Tiên chủ đứng dậy trông xem ai, té ra mé trên là Quan Vân Trường, mé dưới là Trương Dực Đức.
Tiên chủ giật mình nói:
– Hai em vẫn còn sống à?
Vân Trường thưa:
– Chúng tôi không phải người sống mà là quỷ đây thôi. Thượng đế thấy hai chúng tôi bình sinh có tín nghĩa, đã phong làm thần cả rồi. Ca ca chẳng mấy lúc nữa cũng được tụ hội với anh em.
Tiên chủ ôm chặt lấy Quan Công, khóc ầm cả lên, bỗng sực tỉnh dậy thì không thấy hai người đâu, mới gọi thị vệ vào hỏi. Bấy giờ vào độ canh ba.
Tiên chủ than rằng:
– Trẫm cũng không thọ được bao lâu nữa!
Liền sai sứ về Thành Đô, mời thừa tướng Gia Cát Lượng và bọn Lý Nghiêm phải sớm tối đến ngay cung Vĩnh An nghe chiếu. Khổng Minh và các quan đem con thứ tiên chủ là Lỗ vương Lưu Vĩnh và Lương vương Lưu Lý đến cung Vĩnh An thăm bệnh, để thái tử Lưu Thiền ở lại giữ Thành Đô.
Khổng Minh đến cung Vĩnh An, thấy tiên chủ bệnh đã nguy lắm, vội vàng lạy phục dưới long sàng. Tiên chủ mời Khổng Minh lên ngồi cạnh sập vàng; vỗ vào lưng mà bảo rằng:
– Trẫm từ khi gặp được thừa tướng, may thành được đế nghiệp. Không ngờ trí thức nông nổi, không biết nghe lời thừa tướng, đến nỗi thua nặng thế này, hối hận thành bệnh, chưa biết sống chết lúc nào! Con nối trẫm thì ngu hèn, vậy trẫm đem việc lớn ủy thác cho thừa tướng.
Nói đoạn nước mắt chảy ròng ròng.
Khổng Minh cũng khóc mà rằng:
– Xin bệ hạ giữ gìn long thể, để thỏa lòng trông mong của thiên hạ.
Tiên chủ liếc mắt trông xung quanh, thấy có em Mã Lương là Mã Tốc đứng cạnh giường, liền truyền cho Mã Tốc lui ra ngoài, rồi bảo Khổng Minh rằng:
– Thừa tướng coi tài Mã Tốc thế nào?
Khổng Minh nói:
– Người ấy cũng là bậc giỏi đời nay.
Tiên chủ nói:
– Không phải, trẫm coi người ấy, nói thì nhiều mà làm thì kém, không nên dùng vào việc to, thừa tướng phải xét cho kĩ mới được.
Dặn dò xong, lại cho triệu cả các quan vào cung, sai lấy giấy bút, viết một tờ di chiếu, đưa cho Khổng Minh và than rằng:
– Trẫm không học được mấy, chỉ biết đại khái mà thôi. Thánh nhân có câu: “Con chim sắp chết thì biết tiếng kêu ai oán, người ta sắp mất nói lời khôn ngoan”. Trẫm cùng với các ngươi, thề nhau giết giặc Tào để giúp nhà Hán, chẳng may nửa đường lìa rẽ. Vậy phiền thừa tướng cầm tờ chiếu này, giao cho thái tử Thiền bảo hắn chớ coi làm thường, và cũng nhờ thừa tướng dạy bảo thêm cho mới được.
Bọn Khổng Minh khóc lạy xuống đất mà tâu rằng:
– Xin bệ hạ tĩnh dưỡng long thể, chúng tôi xin hết sức khuyển mã để báo đền ơn tri ngộ ấy.
Tiên chủ sai nội thị đỡ Khổng Minh dậy, một tay gạt nước mắt một tay cầm tay Khổng Minh mà nói rằng:
– Trẫm nay nguy mất, có lời tâm phúc xin ngỏ với thừa tướng.
Khổng Minh nói:
– Bệ hạ có thánh dụ gì vậy?
Tiên chủ khóc mà nói rằng:
– Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi tất yên định được nhà nước, làm nên việc to. Đối với con trẫm, có thể giúp được thì giúp, bằng không thì ngươi nên làm chủ Thành Đô đi!
Khổng Minh nghe nói rụng rời, mồ hôi đổ ra khắp mình, lạy xuống đất, khóc mà nói rằng:
– Chúng tôi đâu dám chẳng hết sức chân tay, dốc niềm trung trinh, kì cho đến chết mới thôi!
Nói đoạn dập đầu xuống đất, máu chảy đầy mặt. Tiên chủ mời Khổng Minh ngồi lên giường, gọi Lưu Vĩnh, Lưu Ký đến trước mặt dặn rằng:
– Các con phải nhớ lời cha: Khi cha mất rồi, ba anh em chúng mày, phải coi thừa tướng như cha, không được khinh nhờn.
Nói đoạn, sai hai người lạy Khổng Minh.
Khổng Minh nói:
– Tôi dẫu gan óc lầy đất, cũng không đền báo được cái ơn tri ngộ này.
Tiên chủ lại bảo với các quan rằng:
– Trẫm đã giao con trẫm cho thừa tướng rồi, dặn thái tử phải coi thừa tướng như cha. Các ngươi cũng chớ có coi thường mà phụ mất lòng mong mỏi của trẫm!
Lại dặn Triệu Vân rằng:
– Trẫm với ngươi cùng nhau trong lúc gian nan, không ngờ đến đây li biệt, ngươi nên nghĩ tình cố giao, sớm tối trông nom con trẫm, chớ phụ lời trẫm!
Vân khóc, lạy mà tâu rằng:
– Chúng tôi đâu dám không hết sức khuyển mã hay sao?
Tiên chủ lại bảo các quan rằng:
– Này bách quan, trẫm không thể dặn dò từng người được, vậy xin các ngươi ai nấy hãy yêu lấy cái thân mình.
Nói xong liền băng hà, thọ sáu mươi ba tuổi. Bấy giờ là ngày hai mươi bốn tháng tư, mùa hạ, năm Chương Võ thứ ba (222). Các quan văn võ không ai không thương xót. Về sau, Đỗ Phủ có thơ than rằng:
Vua Thục nhòm Ngô hướng Ba giáp,
Băng hà lúc ở Vĩnh An cung.
Ngoài núi sum suê cây rợp bóng,
Trơ trơ điện ngọc chốn chùa đồng.
Miếu cổ khóm tùng chim lót tổ,
Mùa săn rộp rịp những thôn ông.
Đền miếu võ hầu bày lân cận,
Quân hầu một lễ tế nhau cùng.
Khổng Minh dẫn các quan rước linh cữu về Thành Đô. Thái tử Lưu Thiền ra thành đón rước linh cữu vào trong chính điện, làm lễ cử ai, rồi tuyên đọc tờ di chiếu.
Chiếu rằng:
“Khi trẫm mới mắc bệnh, chỉ có đi lị mà thôi, về sau mỗi ngày một nặng thêm, chuyển ra bệnh khác, biết rằng khó khỏi.
Trẫm nghe có câu rằng: “Người ta sống được năm mươi tuổi cũng đã gọi là thọ”. Nay trẫm đã hơn sáu mươi tuổi, chết cũng không còn oán hận gì nữa, nhưng chỉ lo về anh em chúng mày thôi!
Các con! Phải cố gắng lên mới được! Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người. Đức của cha con mỏng manh, chớ nên bắt chước! Các con cùng làm việc với thừa tướng, phải đối đãi như cha, chớ có lười, chớ có quên! Anh em các con phải làm thế nào cho có tiếng khen mới được! Gắn bó mấy lời, nhớ lấy! Nhớ lấy!”
Quần thần đọc chiếu xong, Khổng Minh nói:
– Trong nước không thể một ngày không có vua, xin lập ngay vua kế vị để nối dõi nhà Hán.
Bèn lập thái tử Thiền lên ngôi hoàng đế, cải niên hiệu là Kiến Hưng, gia phong cho Gia Cát Lượng làm Võ hương hầu, lĩnh chức mục ở Ích Châu, táng đức tiên chủ ở Huệ Lăng, tôn tên thụy gọi là Chiêu Liệt hoàng đế, tôn bà Ngô hoàng hậu làm hoàng thái hậu, đặt tên thụy bà Cam phu nhân là Chiêu Liệt hoàng hậu, lại truy tôn bà My phu nhân làm hoàng hậu, thăng thưởng cho quần thần; đại xá cho thiên hạ.
Có người báo tin về Trung Nguyên. Cận thần tâu với Ngụy chủ Tào Phi. Phi mừng, nói:
– Lưu Bị mất rồi, trẫm không lo gì nữa! Không nhân dịp này cất quân sang đánh sao được!
Giả Hủ can rằng:
– Lưu Bị mất, tất nhiên phó thác con côi cho Gia Cát Lượng. Lượng cảm ơn sâu của Lưu Bị biết đến mình, tất phải hết lòng giúp vua nối nghiệp, ta cũng khó lòng đánh nổi, xin bệ hạ chớ vội vàng làm chi!
Chợt có một người ở trong ban, nhảy ra nói rằng:
– Không nhân dịp này mà đánh đi, còn đợi đến bao giờ nữa?
Chúng trông ra thì là Tư Mã Ý.
Tào Phi mừng lắm, hỏi mẹo đánh Thục ra làm sao. Ý thưa rằng:
– Nếu chỉ dùng một đạo binh trong nước, thì khó làm gì được họ. Ta phải dùng năm đạo đại binh, bốn mặt giáp lại mà đánh, để cho Gia Cát Lượng đầu đuôi không cứu ứng được nhau, mới có thể đánh được!
Phi hỏi:
– Năm đường là những đường nào?
Ý tâu rằng:
– Nên viết một phong thư, sai sứ sang Liêu Đông, đến nước Tiên Ti, đem vàng lụa vào ra mắt vua nước ấy là Kha Tỵ Năng, bảo hắn khởi mười vạn binh Tây Khương, theo mặt bộ đến đánh ải Tây Bình, đó là một đường. Viết thư sai sứ đem cáo sắc sang Nam Man, thưởng cho vua Man là Mạnh Hoạch, bảo hắn khởi mười vạn binh đánh bốn quận Ích Châu, Vĩnh Xương, Tường Khi, Việt Tuấn, để triệt mặt nam Tây Xuyên, đó là hai đường. Sai người sang kết hiếu với Ngô, hứa sẽ cắt đất phong cho, để Tôn Quyền khởi mười vạn binh đánh cửa Giáp Khẩu hai Xuyên, đến tắt Bồi Thành, đó là ba đường. Sai sứ đến chỗ hàng tướng Mạnh Đạt, bảo hắn khởi mười vạn quân ở Thượng Dung, đánh vào Hán Trung, đó là bốn đường. Lại sai đại tướng quân là Tào Chân làm đại đô đốc, cầm mười vạn quân, từ con đường Kinh Triệu, ra tắt cửa Dương Bình, đến lấy Tây Xuyên, thế là năm đường. Cả thảy năm mươi vạn đại quân, chia làm năm mặt tiến đánh. Dù Gia Cát Lượng có tài như Lã Vọng, cũng không sao đương lại được!
Tào Phi mừng lắm, lập tức sai sứ đi ra các nơi, lại cử Tào Chân làm đại đô đốc, dẫn mười vạn quân đến lấy cửa ải Dương Bình. Bấy giờ, bọn tướng cũ Trương Liêu đều được phong liệt hầu, chia giữ ở Ký Châu, Từ Châu, Thanh Châu và Hợp Phì, cho nên không điều dụng đến.
Nói về hậu chủ nhà Hán là Lưu Thiền, từ khi lên ngôi, các cựu thần lẻ tẻ chết dần. Nội bao nhiêu công việc triều đình, như tuyển pháp, tiền lương, từ tụng đều giao phó cho thừa tướng Gia Cát Lượng khu xử.
Bấy giờ hậu chủ chưa lập hoàng hậu. Khổng Minh và quần thần tâu rằng:
– Có con gái quan cố xa kị tướng quân Trương Phi, người rất hiền hậu, mới mười bảy tuổi, nên lập làm chính cung hoàng hậu.
Hậu chủ nghe theo.
Năm Kiến Hưng thứ nhất (223), mùa thu tháng tám, sực có tin ngoài biên về báo rằng:
– Nước Ngụy sai năm đường đại quân đến lấy Tây Xuyên. Đường thứ nhất do Tào Chân làm đại đô đốc, dấy binh mười vạn lấy cửa Dương Bình. Đường thứ hai do phản tướng Mạnh Đạt đem mười vạn quân từ Thương Dung chiếm Hán Trung. Đường thứ ba do Tôn Quyền Đông Ngô đem mười vạn tinh binh lấy giáp khẩu vào Xuyên. Đường thứ tư do Mạnh Hoạch Man vương đem mười vạn quân đánh bốn quận Ích Châu. Đường thứ năm do Phiên vương là Kha Tỵ Năng đem mười vạn quân Khương chiếm ải Tây Bình, rất là nguy cấp!
Hậu chủ nghe tin giật mình, sai nội thị triệu Khổng Minh vào chầu. Nội thị đi nửa ngày mới về, tâu rằng:
– Người trong phủ nói thừa tướng bị mệt, không ra được ngoài.
Hậu chủ hoảng sợ. Hôm sau, lại quan hoàng môn thị lang Đổng Doãn và quan gián nghị đại phu Đỗ Quỳnh đến tận giường thừa tướng mà cáo việc ấy. Hai người đến trước phủ nhưng cũng không được vào.
Đỗ Quỳnh nói:
– Tiên đế đem con côi nhờ cậy thừa tướng. Nay chúa thượng mới lên ngôi. Tào Phi sai năm đạo quân đến xâm phạm, quân tình cấp lắm, cớ sao thừa tướng lại thác bệnh không ra?
Một lúc lâu, lính canh cửa truyền lệnh thừa tướng rằng:
– Bệnh tình đã khá, đến sáng mai sẽ ra triều đường bàn việc.
Đổng, Đỗ hai người than thở trở về.
Hôm sau, các quan chầu chực cả ở trước phủ thừa tướng, từ sáng đến tận chiều tối mà cũng không thấy Khổng Minh ra. Ai nấy ngơ ngác, đành phải tan về.
Đỗ Quỳnh vào tâu với hậu chủ rằng:
– Xin bệ hạ hãy thân đến phủ thừa tướng mà hỏi kế mới xong.
Hậu chủ dẫn các quan vào cung tâu với thái hậu. Thái hậu giật mình nói:
– Thừa tướng làm sao lại thế, có phụ mất cả bụng tiên đế ủy thác cho không? Ta phải đến mới được.
Đổng Doãn tâu rằng:
– Nương nương chớ nên đi vội, tôi chắc thừa tướng có mẹo mực gì rồi đây. Hãy để chúa thượng đi trước. Như quả thừa tướng lười nhác, xin nương nương đòi ngay vào thái miếu mà hỏi cũng chưa muộn.
Thái hậu y lời.
Hôm sau, hậu chủ xa giá thân đến tận tướng phủ. Lính canh trông thấy, vội vàng lạy phục xuống đất đón rước.
Hậu chủ hỏi rằng:
– Thừa tướng ở đâu?
Lính canh nói:
– Tâu bệ hạ, chúng tôi không biết thừa tướng ở chỗ nào, chỉ truyền cho chúng tôi phải cản các quan lại, không được cho ai vào.
Hậu chủ xuống xe, một mình đi thẳng vào tận lớp cửa thứ ba, thấy Khổng Minh đang chống gậy trúc, đứng trên bờ ao xem cá.
Hậu chủ đứng mé sau, lâu lâu mới nói:
– Thừa tướng có được vui vẻ không?
Khổng Minh ngoảnh đầu lại thấy hậu chủ, vội vàng quẳng gậy, lạy phục xuống đất mà nói rằng:
– Tội tôi đáng muôn chết!
Hậu chủ đỡ dậy, hỏi rằng:
– Nay Tào Phi chia quân làm năm đường, phạm vào cõi ta gấp lắm; tướng phụ mấy bữa nay sao không ra coi việc?
Khổng Minh cười ầm lên, đỡ hậu chủ vào trong nhà, ngồi yên đâu đấy, rồi tâu rằng:
– Quân Ngụy năm đường kéo đến, sao tôi chẳng biết! Không phải tôi đang xem cá, mà đang nghĩ việc đó thôi!
Hậu chủ nói:
– Việc ấy thế nào?
Khổng Minh nói:
– Đám vua Khương Kha Tỵ Năng, Man vương Mạnh Hoạch, phản tướng Mạnh Đạt và Ngụy tướng Tào Chân, bốn xứ ấy tôi lo liệu đâu vào đấy cả rồi. Chỉ còn một mặt Tôn Quyền, tôi cũng đã có mẹo đánh lui được, nhưng cần phải có một người nói giỏi đi sứ mới xong. Vì chưa có ai, tôi còn đang nghĩ tìm, bệ hạ hà tất phải lo.
Hậu chủ mừng rỡ nói:
– Tướng phụ quả nhiên có mưu kế, quỷ thần cũng không biết đâu mà lường! Xin cho nghe mẹo của tướng phụ ra làm sao?
Khổng Minh nói:
– Tiên đế đem bệ hạ phó thác cho tôi, tôi đâu dám lười nhác. Vì các quan ở Thành Đô, không mấy người hiểu được rằng cái hay của binh pháp là cốt khiến người ta không biết đâu mà lường, cho nên không dám để tiết lộ ra ngoài. Tôi đã biết vua Tây Khương phạm vào cửa Dương Bình, tôi chắc Mã Siêu vốn gốc tích ở Tây Xuyên xưa nay được lòng người Tây Khương lắm, ở đấy họ gọi Mã Siêu là thần oai thiên tướng quân. Bởi thế, tôi đã cho mang hịch ra sai Mã Siêu giữ vững cửa ải Tây Bình, mai phục bốn đạo quân tinh nhuệ, hàng ngày luân phiên nhau chống cự, mặt ấy không phải lo gì nữa. Tôi lại biết Mạnh Đạt dẫn quân ra Hán Trung; Đạt với Lý Nghiêm, kết nghĩa cùng sống chết có nhau. Lúc trở về Thành Đô, để Nghiêm ở lại giữ cung Vĩnh An, tôi đã đưa thư sai hắn viết thư cho Mạnh Đạt; Đạt tất nhiên giả ốm không ra, để nản lòng quân: đường ấy cũng yên rồi. Mạnh Hoạch ở Nam Man, phạm vào bốn quận, chia làm tả hữu, thay nhau ra vào để làm nghi binh. Quân Man tuy khỏe nhưng đa nghi, nếu trông thấy nghi binh tất không dám tiến, mặt ấy cũng không phải lo gì nữa. Tôi lại biết Tào Chân dẫn quân phạm vào cửa Nam Bình. Nơi này hiểm trở có thể giữ được. Tôi đã sai Triệu Vân dẫn một toán quân giữ quan ải, nhất định không ra đánh. Tào Chân bằng thấy quân ta không ra, chẳng bao lâu cũng phải rút về. Bốn mặt ấy đều không phải lo gì cả.
Nhưng tôi còn ngại không được chu toàn, lại mật sai Quan Hưng, Trương Bào, mỗi người dẫn ba vạn quân đóng ở các nơi hiểm yếu, để tiếp ứng. Quân mấy mặt không phải đi qua Thành Đô, cho nên không mấy người biết. Chỉ còn một mặt quân Đông Ngô thì vị tất đã động, nếu thấy quân bốn mặt kia thắng, trong Xuyên ta nguy cấp, thì họ mới đến đánh, nhược bằng bốn mặt kia không xong việc, chắc gì họ đã chịu cất quân đi. Tôi biết rằng Tôn Quyền còn oán Tào Phi sai ba đạo quân đến xâm nước Ngô, tất nhiên không chịu nghe lời. Tuy vậy, vẫn phải có một người nói giỏi sang sứ Đông Ngô, lấy đường lợi hại bảo Tôn Quyền, thì trước hết ta giữ chắc được mặt Đông Ngô, còn lo gì bốn mặt kia nữa! Vì tôi chưa tìm được người nào, cho nên còn trù trừ. Bệ hạ can gì phải đến đây cho mệt nhọc!
Hậu chủ nói:
– Thái hậu cũng muốn đến gặp tướng phụ. Nay được nghe lời tướng phụ, như đang ngủ mê mà có người đánh thức dậy, trẫm còn lo gì nữa!
Khổng Minh mời hậu chủ uống vài chén rượu, rồi đưa tiễn ra về. Các quan đứng vòng quanh cả ở ngoài cửa, thấy hậu chủ ra, vẻ mặt có dáng mừng rỡ. Hậu chủ từ biệt Khổng Minh, lên xe về triều. Các quan đều nghi hoặc, không hiểu tình hình ra sao.
Khổng Minh trông trong đám các quan, thấy một người ngẩng mặt lên trời, đứng cười, cũng có dáng mừng rỡ. Nhìn ra thì là Đặng Chi, tự Bá Miêu, người ở Nghĩa Dương, hiện đang làm hộ bộ thượng thư. Khổng Minh sai người ra bảo nhỏ Đặng Chi ở lại. Các quan tan đâu về đấy. Khổng Minh cho mời Đặng Chi vào trong thư viện, hỏi rằng:
– Nay Thục, Ngô, Ngụy, thiên hạ chi ba như hình chân vạc, ta muốn đánh hai nước kia để được thống nhất, thì nên đánh nước nào trước?
Đặng Chi thưa rằng:
– Cứ ý tôi, nước Ngụy tuy là giặc nhà Hán, nhưng thế to lắm, khó lay chuyển được, phải từ từ mà tính liệu mới xong. Nay chúa thượng vừa lên ngôi, bụng dân chưa được yên, hãy nên hòa với Đông Ngô kết làm môi răng, giải cái oan cũ của tiên đế khi xưa. Đó là kế lâu dài, chưa biết ý thừa tướng nghĩ thế nào?
Khổng Minh cười, nói:
– Ta nghĩ đã lâu, vẫn chưa tìm được ai, hôm nay mới có người đây!
Chi nói:
– Thừa tướng muốn dùng người làm gì?
Khổng Minh nói:
– Ta muốn sai người sang kết hiếu với Đông Ngô, ông đã hiểu ý ấy, chắc không làm nhục mệnh vua. Việc đi sứ, phi ông không xong.
Chi nói:
– Tôi tài mọn trí ngu, e không đương nổi.
Khổng Minh nói:
– Ngày mai tôi tâu với thiên tử, mời Bá Miêu đi cho một chuyến, xin chớ chối từ.
Chi vâng lời, lui ra. Đến hôm sau, Khổng Minh tâu xin hậu chủ sai Đặng Chi sang thuyết Đông Ngô. Chi lạy từ, nhắm Đông Ngô thẳng tiến.
Ấy là:
Quân Ngô vừa mới thu đồ chiến,
Sứ Thục liền sang giảng cuộc hòa.
Chưa biết Đặng Chi đi chuyến này ra làm sao, xem hồi sau phân giải.