Tam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì), nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết về lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14, kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190–280) với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.
Tam quốc diễn nghĩa về phương diện biên soạn chủ yếu là công lao của La Quán Trung, nhưng thực ra bộ tiểu thuyết này trước sau đã trải qua một quá trình tập thể sáng tác lâu dài của rất nhiều người.
- Trước La Quán Trung từ lâu, chuyện Tam quốc đã lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng, các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, diễn kịch, đều không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật phong phú thêm. Từ đầu thời Nguyên, các câu chuyện Tam quốc đã được thu thập thành một cốt truyện hoàn chỉnh có đầu có cuối, gọi là Tam quốc chí bình thoại.
- Cuối đời Nguyên đầu đời Minh, La Quán Trung đã viết bộ Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa chính là đã dựa trên cơ sở sáng tác tập thể rất hùng hậu đó của nhân dân quần chúng, có tham khảo những bản ghi chép của các nhà viết sử và các nhà văn khác (Tam quốc chí của Trần Thọ, Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi), nhưng quan trọng hơn là phần thể nghiệm cuộc sống phong phú của bản thân ông và tài năng văn học kiệt xuất của ông.
- Đầu đời Thanh, hai cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương (người Tràng Châu tỉnh Giang Tô) lại bắt đầu tu đính truyện Tam quốc. Công việc tu đính này hoàn thành vào khoảng năm Khang Hy thứ 18 (1679). Mao Tôn Cương đã gia công, thêm bớt, nhuận sắc những chi tiết nhỏ, sắp xếp lại các hồi mục, câu đối, sửa chữa lại câu, lời trùng hoặc những chỗ chưa thỏa đáng. Ông đã tước bỏ rất nhiều những chương tấu, những bài bình luận, tán rộng trong phần chú thích, thay đổi một số câu thơ lẫn lộn văn kể với văn vần, v.v… và thêm vào đó những lời bàn, dồn 240 tiết thành 120 hồi, lại đặt cho bộ Tam quốc cái tên là “cuốn sách đệ nhất tài tử”. Làm cho truyện càng hoàn chỉnh, văn kể trong sáng, gọt giũa, trên một mức độ nào đó cũng đã làm tiện lợi cho mọi quần chúng độc giả. Từ đó bản của Mao Tôn Cương thay bản của La Quán Trung, tiếp tục được lưu truyền rộng rãi.
- Năm 1958, Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh đã chỉnh lý lại nhiều, bằng cách dựa vào bản của Mao Tôn Cương hiệu đính rất kỹ từng câu, từng chữ, từng tên riêng có đối chiếu với bản của La Quán Trung rồi sửa chữa lại những chỗ mà bản của Mao Tôn Cương đã sửa hỏng, sửa sai với nguyên bản của La Quán Trung, nhưng nói chung vẫn giữ nguyên bộ mặt của bản Mao Tôn Cương. Còn những tên lịch sử đặc biệt như tên người, tên đất, tên triều đại… nếu cả hai bản trên đều sai, thì hiệu đính lại theo sử sách. Nên các lần in sau hầu hết đều lấy theo bản in này.
Tam Quốc diễn nghĩa là một trong những kiệt tác của văn học thế giới. Ngay từ khi được dịch sang chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết này đã được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt với bản dịch của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ hiệu đính, dựa trên ấn bản của nhà xuất bản Phổ thông năm 1959.
🎯 Thông tin tác giả: La Quán Trung (khoảng 1330 – khoảng 14000) là tiểu thuyết gia Trung Quốc giai đoạn cuối thời Nguyên, đầu thời Minh. Tên tuổi của ông gắn liền với Tam quốc diễn nghĩa – một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Ông được cho là người chỉnh biên, hoặc viết phần sau tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am. Ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu khác như Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Đại Đường Tần vương từ thoại…
🎯 Thông tin dịch giả: Phan Kế Bính (1875 – 1921) từng đỗ Cử nhân dưới triều vua Thành Thái, nhưng không theo nghiệp quan trường, mà trở thành một cây bút nổi tiếng đầu thế kỷ XX với các tác phẩm dịch thuật và biên khảo sách chữ Hán, tiêu biểu là Tam quốc diễn nghĩa (dịch), Hán Việt văn khảo (biên khảo). Ngoài ra, ông còn viết cuốn Việt Nam phong tục – một công trình nghiên cứu về tập tục của người Việt đến nay vẫn còn nhiều giá trị.