Và thế là vào sáng thứ sáu đó, tôi bắt đầu mô tả cuốn sách chứa chân dung Đức vua được vẽ theo phong cách Venice. Tôi bắt đầu bàn đề tài này với Siyah bằng cách kể lại việc tôi đã nêu vấn đề này với Đức vua như thế nào và tôi đã thuyết phục Ngài tài trợ cho cuốn sách ra sao. Mục tiêu thầm kín của tôi là cho Siyah viết những câu chuyện được dự trù sẽ đi kèm theo những tranh minh họa, việc mà tôi thậm chí còn chưa bắt đầu.
Tôi nói với nó rằng tôi đã hoàn tất phần lớn những tranh minh họa và bức cuối cùng cũng sắp hoàn tất. “Có một bức vẽ Thần chết”, tôi nói, “và ta bảo Leylek, một tay tiểu họa thông minh nhất trong nhóm tiểu họa, vẽ một cái cây tượng trưng cho sự thanh bình tại vương quốc trần thế của Đức vua. Có một bức vẽ quỷ Sa tan và một con ngựa để mang chúng ta đi xa thật xa. Có một con chó, luôn ranh ma và láu lỉnh, và cũng có một đồng vàng… Ta có những nhà tiểu họa bậc thầy vẽ những thứ này cực đẹp.” tôi nói với Siyah, “đến độ dù thấy chỉ một lần thôi cháu sẽ biết ngay bài văn tương ứng sẽ ra sao. Thơ ca và hội họa, ngôn từ và màu sắc, những thứ này là anh em với nhau, cháu biết rõ vậy mà”
Trong một lát, tôi cân nhắc liệu có nên nói cho nó biết tôi có thể gả con gái tôi cho nó không. Liệu nó chịu sống với chúng tôi trong ngôi nhà này không? Tôi tự nhủ không nên để sự chú ý ân cần và vẻ trẻ con của nó lừa phỉnh. Tôi biết nó đang lên kế hoạch chạy trốn với Shekure của tôi. Nhưng tôi không còn biết dựa vào ai khác để hoàn tất cuốn sách của mình.
Cùng nhau trở về sau buổi lễ cầu nguyện thứ sáu, chúng tôi bàn về “phần bóng”, điểm cách tân vĩ đại nhất thể hiện trong những bức tranh của các bậc thầy Venice. Tôi nói: “Nếu chúng ta có ý định làm tranh dựa vào cách nhìn của những khách bộ hành đang chuyện phiếm và quan sát thế giới của họ; nghĩa là, nếu chúng ta có ý định minh họa từ đường phố, thì chúng ta phải học cách lý giải – như người Tây vực làm – những gì thực sự phổ biến nhất ở đó: những cái bóng.”
“Người ta vẽ bóng bằng cách nào?” Siyah hỏi.
Thỉnh thoảng, khi cháu tôi lắng nghe, tôi nhận thấy vẻ bồn chồn ở nó. Nó bắt đầu nghịch lọ mực Mông Cổ mà nó đã tặng tôi. Nhiều lần, nó cầm lấy cây cời lửa để khơi lửa trong bếp lò. Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng rằng nó muốn giáng cây cời lửa đó vào đầu để giết tôi vì tôi dám đưa nghệ thuật minh họa khỏi cách nhìn của Allah; bởi vì tôi có thể phản bội ước mơ của những bậc thầy Herat và toàn bộ truyền thống hội họa của họ; bởi vì tôi đã lừa Đức vua làm như thế. Đôi khi Siyah ngồi im lặng hồi lâu mà nhìn sâu vào mắt tôi. Tôi có thể hình dung nó đang nghĩ gì: “Tôi sẽ là nô lệ của ông cho đến khi tôi chiếm được con gái ông.” Có lần, như tôi đã làm khi nó còn nhỏ, tôi dắt nó ra sân và cố giải thích cho nó, như một người cha, về cây cối, về ánh sáng chiếu trên cành lá, về tuyết đang tan và tại sao ngôi nhà có vẻ nhỏ lại khi chúng ta rời xa chúng. Nhưng đây là một sai lầm: Nó chỉ chứng minh rằng mối quan hệ cha con trước đây của chúng tôi từ lâu đã sụp đổ. Bây giờ việc chịu đựng kiên nhẫn những lời huênh hoang của một ông già điên rồ đã thế chỗ cho sự tò mò thời thơ ấu và lòng khao khát hiểu biết của Siyah. Tôi chỉ là một lão già có cô con gái là đối tượng yêu thương của Siyah. ảnh hưởng và kinh nghiệm của những đất nước và thành phố mà cháu trai tôi đã đi qua trong hàng chục năm đã tác động mạnh lên tâm hồn nó. Nó đã mệt với tôi, và tôi thương hại nó. Và tôi cho rằng nó giận dữ, không chỉ vì mười hai năm trước tôi không cho nó cưới Shekure – rốt cuộc thì hồi đó không có chọn lựa nào khác – mà còn bởi tôi mơ ước vẽ những bức tranh theo phong cách có thể vi phạm những quy tắc của các bậc thầy Herat. Hơn nữa, bởi vì tôi cứ nói say sưa về điều nhảm nhí này với lòng tin vững chắc như thế, nên tôi hình dung tới cái chết của tôi dưới tay nó.
Tuy nhiên tôi không sợ nó; ngược lại, tôi cố làm nó sợ. Vì tôi tin rằng sợ hãi thích hợp cho tác phẩm mà tôi muốn nó viết. “Như trong những bức tranh này,” tôi nói, một người phải có quyền đặt chính mình vào trung tâm thế giới. Một trong những tay tiểu họa của ta đã thể hiện xuất sắc Thần chết cho ta. Nhìn đây.” Thế là tôi cho nó xem những bức tranh tôi đã bí mật đặt những họa sĩ bậc thầy vẽ trong năm rồi. Thoạt tiên nó hơi rụt rè, thậm chí sợ hãi. Khi nó hiểu rằng bức tranh vẽ Thần chết mượn hứng từ những cảnh tương tự có thể được tìm thấy trong nhiều tập của bộ Shahnameh – từ cảnh Afrasiyab xử trảm Siyavush chẳng hạn, hoặc cảnh Rustem giết Suhrab mà không nhận ra đó là con trai mình – nó nhanh chóng quan tâm đến vấn đề này.
Trong số những bức tranh vẽ đám tang của Đức vua Suleyman quá cố có một bức tôi đã dùng màu sắc táo bạo nhưng buồn bã, kết hợp sự nhạy cảm về bố cục do người Tây vực gợi ra với việc tạo bóng của riêng tôi mà tôi thêm vào sau đó. Tôi chỉ ra chiều sâu ma quái do tác động của mây và chân trời đem lại. Tôi nhắc nó nhớ rằng Thần chết là độc nhất, giống những bức chân dung của bọn ngoại giáo mà tôi từng thấy treo trong các lâu đài của người Venice; tất cả đều khao khát được thể hiện một cách khác biệt. “Họ muốn trở nên khác biệt và nổi bật,” tôi nói, và họ muốn điều này với niềm đam mê đến độ, hãy nhìn đi, nhìn vào đôi mắt của Thần chết. Hãy xem những người này không sợ Thần chết như thế nào, mà đúng hơn là mức độ dữ dội ngấm ngầm trong nỗi ao ước trở thành mẫu duy nhất, độc đáo, khác thường. Hãy nhìn vào tranh minh họa này và viết một câu chuyện về nó. Hãy diễn tả Thần chết. Giấy với viết đây. Ta sẽ đưa những gì cháu viết cho người sao chép ngay.” Nó im lặng nhìn chằm chằm vào bức tranh. “Ai vẽ bức này vậy?” hồi lâu nó hỏi.
“Kelebek. Anh ta có tài nhất trong nhóm. Thầy Osman thương và được anh ta kính nể trong nhiều năm qua.”
“Cháu từng thấy những bản thô hơn của bức tranh vẽ con chó này tại quán cà phê có người kể chuyện hành nghề”, Siyah nói.
“Những người vẽ minh họa của ta, hầu hết họ đều bị ràng buộc về tinh thần với Thầy Osman và xưởng vẽ, nên vẫn xem thường việc lao động dành cho cuốn sách của ta. Những đêm khi họ rời khỏi đây ta vẫn hình dung họ hưởng thú vui tầm thường của mình qua những tranh minh họa họ vẽ vì tiền và chế giễu ta tại quán cà phê. Và ai trong số họ có bao giờ quên được lúc Đức vua nhờ một họa sĩ Venice trẻ, mà Ngài đã mời từ sứ quán theo đề nghị của ta, vẽ chân dung của Ngài. Về sau, Ngài đã nhờ Thầy Osman sao lại bức tranh sơn dầu đó. Bị buộc phải bắt chước một họa sĩ Venice, Thầy Osman nghĩ ta là thủ phạm gây ra trò ép buộc khó coi này và bức chân dung đáng xấu hổ nảy sinh từ đó, ông ta có lý.”
Suốt cả ngày tôi cho nó xem mọi bức tranh – trừ bức minh họa cuối cùng, mà vì lý do nào đó tôi chưa thể hoàn tất. Tôi giục nó viết. Tôi bàn luận về tính khí của những tay tiểu họa, và tôi liệt kê tổng số tiền tôi đã thưởng cho họ. Chúng tôi bàn về “luật phối cảnh” và về việc liệu những vật thể mỗi lúc một nhỏ dần ở bối cảnh nền của các bức tranh Venice có phải là phạm thượng không, và chúng tôi cũng nói về chuyện cũng có thể Zarif Kính mến bất hạnh đã bị giết vì tham vọng quá độ và bởi người ta ghen tỵ sự giàu có của anh ta.
Khi Siyah ra về đêm đó, tôi tin chắc nó sẽ trở lại vào sáng mai như đã hứa và nó sẽ lại lắng nghe tôi kể những câu chuyện vốn sẽ tạo thành cuốn sách của tôi. Tôi lắng nghe tiếng bước chân của nó xa dần đằng sau cánh cổng mở, có điều gì đó trong đêm lạnh dường như khiến cho tên giết người bồn chồn và không ngủ của tôi còn mạnh mẽ hơn và ác độc hơn cả tôi cùng cuốn sách của tôi.
Tôi đóng chặt cổng lại sau khi nó ra khỏi. Tôi đặt chậu đựng nước bằng gốm cũ mà tôi dùng để trồng cây húng quế chặn sau cánh cổng như tôi vẫn làm mỗi đêm. Trước khi dụi tắt lửa trong bếp và đi ngủ, tôi nhìn lên thì thấy Shekure mặc áo ngủ trắng giống như một hồn ma trong bóng tối.
“Con hoàn toàn chắc là con muốn lấy nó hả?” tôi hỏi.
“Không, thưa cha yêu quý. Con đã quên chuyện cưới xin lâu rồi. Vả lại, con đã có chồng.”
“Nếu con vẫn muốn cưới nó, ta sẵn sàng đồng ý ngay bây giờ.”
” Con không muốn lấy anh ấy.”
“Sao vậy?”
“Vì điều đó ngược lại ý cha. Thật lòng, con không muốn lấy người nào mà cha không ưng.”
Ngay khi ấy, tôi nhận thấy than trong bếp lò ánh lên trong mắt con bé. Đôi mắt con bé đã già, không phải vì đau khổ, mà vì giận dữ; nhưng giọng nói của con bé không lộ chút gì hỗn láo.
“Siyah rất yêu con,” tôi nói làm nhu đang tiết lộ một bí mật.
“Con biết.”
“Nó lắng nghe tất cả những gì ta nói hôm nay không phải vì yêu thích tranh, mà vì nó yêu con.”
“Anh ấy sẽ hoàn tất cuốn sách của cha, đó mới là điều quan trọng.”
“Một ngày nào đó chồng con sẽ trở về,” tôi nói.
“Con không chắc tại sao, có lẽ đó là sự im lặng, nhưng tối nay con nhận rõ rằng chồng con sẽ không bao giờ trở về. Những gì con mơ thấy có vẻ chính là sự thật: Hẳn chúng đã giết anh ấy. Anh ấy đã biến thành cát bụi từ lâu rồi.” Nó thì thầm câu cuối vì sợ bọn trẻ đang ngủ nghe. Và nó nói câu đó với một thoáng giận dữ kỳ lạ.
“Nếu lỡ họ có giết ta,” tôi nói, “thì ta muốn con hoàn tất cuốn sách mà ta đã dồn trọn tâm huyết. Hãy thề là con sẽ làm đi.”
“Cho con hỏi. Ai sẽ là người hoàn tất cuốn sách của cha?”
“Siyah! Con có thể bảo đảm rằng nó sẽ hoàn tất.”
“Cha đã chắc chắn anh ấy sẽ làm, thưa cha”, nó nói. “Cha đâu cần con.”
“Đồng ý, nhưng nó nhượng bộ vì con. Nếu họ giết ta, nó có thể sợ không dám làm tiếp.”
“Trong trường hợp đó, anh ấy sẽ không thể cưới con,” con gái thông minh của tôi nói, mỉm cười.
Tôi moi đâu ra chi tiết về nụ cười của nó? Suốt cuộc nói chuyện, tôi chẳng thấy gì ngoài ánh lửa chập chờn trong đôi mắt nó. Chúng tôi đang đứng đối diện nhau giữa phòng.
“Các con có liên lạc với nhau, trao cho nhau những dấu hiệu không?” tôi hỏi, không kìm được mình.
“Sao cha thậm chí có thể nghĩ ra một điều như thế?”
Một khoảng im lặng nặng nề kéo dài. Có tiếng chó sủa xa xa. Tôi hơi lạnh và rùng mình. Căn phòng giờ tối quá đến độ chúng tôi không thấy được nhau nữa; chúng tôi chỉ có thể cảm nhận sự hiện diện của nhau. Bất ngờ chúng tôi ôm nhau với tất cả sức mạnh. Con bé bắt đầu khóc, vừa khóc vừa nói rằng nó nhớ mẹ nó. Tôi hôn và vỗ đầu nó, mùi tóc nó rất giống mùi tóc mẹ nó.
Tôi dìu con bé về phòng ngủ của nó rồi đặt nó nằm cạnh hai đứa trẻ đang ngủ bên nhau. Và khi tôi nghĩ ngược về hai ngày vừa qua, tôi chắc chắn rằng Shekure đã trao đổi thư từ với Siyah.