Chắc chắn rằng các vị cũng đã trải qua những gì tôi sắp mô tả: Nhiều lần, đi qua những con đường quanh co vô tận của Istanbul, trong khi đang múc một muỗng rau cải hầm đưa lên miệng tại một bếp ăn công cộng, hay nhìn chằm chằm vào họa tiết cong của một mảng trang trí lề sách theo phong cách bút sậy, tôi cảm thấy mình đang sống trong hiện tại cứ như nó là quá khứ. Nghĩa là mỗi khi đang đi dọc theo một con đường ngập đầy tuyết trắng, tôi sẽ cảm thấy thôi thúc muốn nói rằng tôi đang đi dọc theo nó vào một lúc nào đó đã qua.
Những sự kiện khác thường tôi sắp kể lại đã xảy ra cùng lúc trong hiện tại và trong quá khứ. Đó là buổi tối, trời đã tối đen và tuyết rơi lác đác khi tôi đi bộ xuống phố nơi Enishte Kính mến cư ngụ.
Không như những tối khác, tôi đến đây và biết chính xác mình muốn gì. Vào những tối khác, chân tôi sẽ đưa tôi đến đây trong khi tôi nghĩ lơ mơ về những điều khác: rằng tôi sẽ nói với mẹ tôi chỉ làm một cuốn sách mà kiếm được tới bảy trăm đồng bạc, về bìa của những tác phẩm Herat với những họa tiết hoa hồng trang trí không dát vàng có niên đại từ thời Tamerlane, về cảm giác choáng váng không ngừng khi biết rằng những người khác vẫn vẽ ký tên tôi hoặc về cách ứng xử ngớ ngẩn và quá lố của tôi. Tuy nhiên, lần này tôi đến đây có suy tính trước và có ý định hẳn hoi.
Cánh cổng to dẫn vào sân – mà tôi cứ e không ai mở cho tôi – tự mở khi tôi gõ, tái khẳng định với tôi rằng Allah đứng về phía tôi. Phần sân lát đá sáng bóng mà tôi thường đi qua trong những đêm tôi đến để bổ sung tranh minh họa mới cho cuốn sách lộng lẫy của Enishte Kính mến hiện giờ vắng lặng. Phía bên phải cạnh giếng có một chiếc xô, đậu trên đó là một con chim sẻ rõ ràng không biết đến cái lạnh; xa hơn một chút là cái lò bằng đá ngoài trời mà vì lý do nào đó đã không được đốt lên dù lúc này đã muộn; phía bên trái, chuồng dành cho ngựa của khách chiếm một phần tầng trệt của ngôi nhà. Mọi thứ y như tôi mong đợi. Tôi bước vào qua cánh cửa không khóa bên cạnh chuồng ngựa, và như một vị khách không mời vẫn làm để tránh bắt gặp một cảnh không thích hợp, tôi giậm mạnh bước chân và ho lên khi leo cầu thang gỗ dẫn đến phòng khách.
Không ai đáp lại tiếng ho của tôi, cả tiếng giẫm mạnh của đôi giày lấm bùn của tôi cũng vậy. Tôi cởi giày để cạnh những đôi giày xếp hàng tại lối vào hành lang rộng dùng làm phòng đợi.
Như đã thành thói quen mỗi khi đến đây, tôi tìm kiếm cái mà tôi cho là đôi giày xanh thanh tú của Shekure giữa những đôi khác, nhưng không có, tôi nghĩ chắc là không có ai ở nhà.
Tôi bước sang bên phải vào phòng – không có bóng ai trong mọi ngóc ngách của tầng lầu – nơi tôi hình dung Shekure đang ôm các con mà ngủ. Tôi mò tìm giường và nệm, rồi mở một cái rương trong góc và một chiếc tủ quần áo cao có cánh cửa rất nhẹ. Trong khi tôi nghĩ hương thơm hạnh đào thoang thoảng trong phòng hẳn là hương thơm của da thịt Shekure, thì một cái gối, vốn được nhét vào tủ, rơi trúng cái đầu đần độn của tôi rồi rơi xuống chiếc bình bằng đồng và mấy cái tách. Cũng như các vị nghe tiếng động và bất chợt nhận ra căn phòng tối om om, tôi nhận ra trời thật lạnh.
“Hayriye hả?” Enishte Kính mến lên tiếng trong một phòng khác, “Shekure hả? Đứa nào đấy?
Tôi lẹ làng ra khỏi phòng, đi xéo ngang qua hành lang rộng, bước vào căn phòng có cửa màu xanh da trời nơi tôi làm việc cùng Enishte Kính mến cho cuốn sách của ông trong mùa đông qua.
“Tôi, thưa Enishte Kính mến,” tôi đáp. “Tôi đây.”
“Anh là ai?”
Ngay lúc đó, tôi hiểu rằng những nghệ danh mà Enishte Kính mến đã chọn nhằm giữ bí mật thì ít mà chủ yếu là liên quan đến trò giễu cợt tinh tế của ông ta đối với chúng tôi. Như một người sao chép kiêu ngạo có thể ghi lại ký hiệu của mình trên tờ cuối cùng của một bản thảo đã minh họa lộng lẫy, tôi chầm chậm phát âm những âm tiết tên đầy đủ của tôi, bao gồm tên cha tôi, nơi sinh của tôi và cụm từ “người đầy tớ tội lỗi đáng thương của các vị.”
“Hả?” Mới đầu ông thốt lên, rồi tiếp “À”.
Giống như một ông già gặp Thần chết trong truyện ngụ ngôn Assyria tôi nghe hồi còn nhỏ, Enishte Kính mến chìm vào một khoảng im lặng rất ngắn vốn kéo dài mãi mãi. Do tôi vừa đề cập tới “Thần chết” nên nếu có ai trong các vị lại tin rằng tôi đến đây để dính líu vào một chuyện như thế, thì các vị đã hoàn toàn hiểu sai cuốn sách mà các vị đang cầm trên tay rồi. Liệu có ai đó với những ý đồ như thế lại gõ cổng trước khi vào? Cởi giày ra? Đến mà không mang theo một con dao ư?
“Vậy là anh đã đến,” ông ta nói, lại giống ông già trong truyện ngụ ngôn. Nhưng sau đó ông ta bắt đầu nói bằng một giọng hoàn toàn khác. “Xin chào con trai. Vậy nói cho ta biết đi, anh muốn gì?”
Bây giờ trời đã tối đen. Nhưng có đủ ánh sáng lọt vào qua ô cửa sổ che bằng vải tẩm sáp ong – vốn được gỡ ra vào mùa xuân, để lộ một cây lựu và cây tiêu huyền – giúp nhận ra đường nét của những vật thể trong phòng, đủ ánh sáng để làm hài lòng một nhà minh họa Trung Hoa tầm thường. Tôi không nhìn rõ được khuôn mặt của Enishte Kính mến khi ông ta ngồi trước chiếc bàn đọc sách thấp như thường lệ, để ánh sáng rọi vào bên trái ông. Tôi cố hết sức để khôi phục lại mối thân tình giữa hai chúng tôi khi chúng tôi vẽ những bức tiểu họa cùng nhau, nhẹ nhàng và lặng lẽ thảo luận về chúng suốt đêm dưới ánh nến giữa những viên đá đánh bóng, những cây bút sậy, lọ mực và cọ vẽ này. Tôi không chắc có phải vì cảm giác xa lánh này hay vì sự bối rối, nhưng tôi thấy xấu hổ và không dám thú nhận công khai những nghi ngại của mình; lúc đó, tôi quyết định biện bạch cho mình qua một câu chuyện.
Có lẽ các vị cũng có nghe về họa sĩ Sheikh Muhammad ở Isfahan? Không một họa sĩ nào có thể qua mặt ông ta trong việc chọn màu, trong ý thức về sự cân đối, trong việc vẽ hình người, thú vật và những khuôn mặt, trong cách vẽ với xúc cảm đậm chất thơ, trong việc áp dụng một luận lý bí ẩn dành riêng cho hình học. Sau khi đạt tới vị thế một họa sĩ bậc thầy khi tuổi còn trẻ, danh họa này với phong cách thần thánh đã dành trọn ba mươi năm để theo đuổi sự cách tân can đảm nhất trong chủ đề, bố cục và phong cách. Làm việc theo phong cách thủy mặc Trung Hoa – do người Mông Cổ mang đến cho chúng tôi – với kỹ năng và một ý thức tinh tế về sự cân đối, ông là người đã du nhập bọn ma quỷ khủng khiếp, những âm hồn có sừng, những con ngựa có hòn dái to, những quái vật nửa người và những tên khổng lồ vào phong cách vẽ Herat nhạy cảm và tinh tế; ông là người đầu tiên quan tâm và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chân dung do những con tàu phương Tây từ Bồ Đào Nha và Flander mang đến; ông tái khám phá những kỹ thuật bị quên lãng có từ thời Thành Cát Tư Hãn và được giấu kín trong những pho sách cũ mục nát; trước bất cứ ai khác, ông đã dám vẽ những cảnh gợi dục ở đàn ông như cảnh Alexander nhìn trộm những mỹ nữ trần truồng tắm trên đảo đàn bà và Shirin tắm dưới ánh trăng, ông ta vẽ đấng Tiên tri vinh quang của chúng ta thăng thiên trên lưng con ngựa Burak có cánh của Người, những vị vua cào gãi mình mẩy, lũ chó đang giao phối và các lãnh tụ Hồi giáo uống rượu vang, và khiến cả cộng đồng những người yêu sách chấp nhận chúng. Ông đã làm chuyện đó, có lúc bí mật, có lúc công khai, uống rất nhiều rượu vang và hút thuốc phiện, với một nỗi nhiệt tình kéo dài ba mươi năm. Sau này, khi tuổi đã già, ông trở thành môn đồ của một lãnh tụ Hồi giáo sùng đạo, và trong một thời gian ngắn đã thay đổi hoàn toàn. Đi đến kết luận rằng mọi bức tranh ông làm trong thời kỳ ba mươi năm trước là xúc phạm và báng bổ, ông đã chối bỏ tất cả chúng. Hơn nữa, ông cống hiến ba mươi năm còn lại của đời ông cho việc đi từ lâu đài này đến lâu đài khác, từ thành phố này đến thành phố khác, lục lọi trong các thư viện và kho báu của các vua chúa để tìm và hủy bỏ những bản thảo ông đã minh họa.
Trong bất cứ thư viện của bất cứ vị quý tộc vua chúa nào mà ông tìm thấy một bức tranh ông làm từ những năm trước, ông sẽ không từ một thủ đoạn nào để tiêu hủy nó, tìm cách tiếp cận chúng bằng cách nịnh hót hay mưu kế, và ngay khi không ai chú ý ông sẽ xé trang sách mà ông đã minh họa, hoặc tìm cơ hội đổ nước lên trang đó, làm nó hỏng. Tôi kể lại câu chuyện này như một ví dụ về cảnh một nhà tiểu họa có thể chịu đựng đau khổ cực độ ra sao vì vô tình từ bỏ đức tin của mình trước sự quyến rũ của nghệ thuật. Điều này lý giải tại sao tôi đề cập chuyện Sheikh Muhammad đốt cháy thư viện khổng lồ của ông hoàng Ismail Mirza chứa hàng trăm cuốn sách mà chính tay vị thầy này minh họa; quá nhiều sách đến độ ông ta không thể lựa riêng những cuốn do ông làm ra khỏi những cuốn sách khác. Với sự cường điệu lớn lao, như thể chính tôi trải qua chuyện đó, tôi kể tiếp chuyện vị họa sư này, trong nỗi buồn khổ và hối tiếc sâu sắc, đã chết thiêu trong đám cháy khủng khiếp đó thế nào.
“Con có sợ, con trai,” Enishte Kính mến hỏi một cách thương hại, “những bức tranh chúng ta đã làm không?”
Căn phòng bây giờ tối đen, tôi không thể tận mắt thấy nhưng tôi có cảm giác rằng ông hỏi câu này với một nụ cười.
“Cuốn sách của chúng ta không còn là một bí mật,” tôi đáp. “Có lẽ điều đó không quan trọng. Nhưng tin đồn đang lan truyền. Họ nói chúng ta đã lén phạm tội báng bổ. Họ nói rằng ở đây, chúng ta đã làm một cuốn sách – không như Đức vua đã đặt làm và mong mỏi – mà là một cuốn sách để thỏa mãn những ý thích khác thường của chính chúng ta; một cuốn sách nhạo báng cả đấng Tiên tri và bắt chước những bậc thầy ngoại giáo. Có người thậm chí còn tin chúng ta vẽ quỷ Sa tan như một kẻ đáng yêu. Họ nói chúng ta đã phạm phải một tội lỗi không thể tha thứ bởi dám vẽ một con mòng và một thánh đường như thể chúng có cùng kích cỡ, theo tầm nhìn của một con chó hoang ghẻ lở với lý do là thánh đường nằm ở hậu cảnh – vì thế mà nhạo báng những kẻ ngoan đạo đang tham dự buổi cầu kinh. Tôi không ngủ được vì nghĩ về những điều như thế.”
“Chúng ta đã cùng nhau làm tranh minh họa,” Enishte Kính mến nói. “Chúng ta có từng cân nhắc đến những ý tưởng như thế chưa, chứ đừng nói tới chuyện làm một điều xúc phạm như thế được?”
“Dĩ nhiên là không rồi,” tôi nói một cách cởi mở. “Nhưng người ta vẫn cứ nghe nói có chuyện như thế. Họ nói có một bức cuối cùng mà theo lời đồn đại là dám công khai thách thức đạo giáo của chúng ta và những gì chúng ta cho là thiêng liêng.”
“Bản thân anh có thấy bức tranh cuối cùng ấy bao giờ chưa?”
“Không. Tôi làm tranh theo bất cứ gì ông yêu cầu ở những vị trí khác nhau trên một tờ giấy to, chắc là một bức minh họa tờ đôi.” Tôi nói với sự cẩn trọng và chính xác mà tôi hy vọng sẽ làm vừa lòng Enishte Kính mến. “Nhưng tôi chưa từng thấy bức minh họa hoàn chỉnh. Nếu tôi thấy được cả bức tranh thì lương tâm tôi đã thanh thản trong việc phủ nhận toàn bộ trò vu khống bẩn thỉu này rồi.”
“Tại sao anh có cảm giác tội lỗi?” ông hỏi. “Cái gì đang cắn rứt linh hồn anh? Ai đã khiến anh nghi ngờ bản thân?”
“… lo lắng rằng mình đã công kích những gì chính mình coi là thiêng liêng, sau khi dành nhiều tháng hoan hỉ minh họa cho một cuốn sách…chịu đựng những giày vò của Hỏa ngục ngay khi đang sống… giá như tôi thấy được trọn vẹn bức tranh cuối cùng đó.”
“Đây là điều khiến anh lo lắng phải không?” ông ta hỏi. “Đây là lý do khiến anh đến đây hả?”
Chợt tôi thấy kinh hoàng. Có thể nào ông ta đang nghĩ đến một điều gì kinh khủng, kiểu như chính tôi là kẻ giết Zarif Kính mến xấu số không?
“Những kẻ muốn Đức vua bị truất phế và hoàng tử lên ngôi đang ra sức truyền bá chuyện đồn đại ngấm ngầm rằng Ngài bí mật tài trợ cuốn sách này,” tôi nói.
“Bao nhiêu người thực sự tin điều đó?” Ông ta hỏi một cách mệt mỏi. “Mọi giáo sĩ có tham vọng từng được đặc ân nào đó và do đó trở nên kiêu căng sẽ thuyết giảng rằng đạo giáo của chúng ta đang bị gạt bỏ và coi thường. Đây là cách chắc chắn nhất để bảo đảm miếng ăn cho họ.”
Phải chăng ông ta cho rằng tôi đến chỉ để thông báo về một tin đồn?
“Zarif Kính mến tội nghiệp, cầu Chúa phù hộ anh ta”, tôi nói, giọng run run. “Người ta cho rằng chúng ta giết anh ấy vì anh ấy đã thấy trọn vẹn bức tranh cuối cùng và tin chắc rằng nó nhục mạ tín ngưỡng của chúng ta. Một người trưởng nhóm mà tôi biết tại xưởng vẽ hoàng cung đã nói với tôi như thế. Ông biết những thợ học việc từ lớn tới nhỏ là như thế nào rồi mà, ai cũng thích ngồi lê đôi mách.”
Vẫn theo hướng lập luận này và càng lúc càng say sưa, tôi nói tiếp một hồi lâu. Tôi không biết có bao nhiêu phần trong những điều tôi nói là do tôi nghe được, bao nhiêu phần là do tôi bịa đặt vì sợ hãi sau khi đã thanh toán tên vu khống xấu xa đó, hoặc bao nhiêu phần là do tôi ứng tác tại chỗ. Sau khi dành phần lớn cuộc nói chuyện để nịnh hót, tôi đoán rằng Enishte Kính mến sẽ cho tôi xem bức minh họa tờ đôi đó và giải thoát tôi khỏi mối ưu tư. Tại sao ông không nhận ra đây là cách duy nhất tôi có thể vượt qua những sợ hãi về việc bị vướng vào tội lỗi?
Với ý đồ khiến ông ta giật mình, tôi hỏi một cách thách thức, “Người ta có thể nào làm nghệ thuật mang tính báng bổ mà không ý thức về điều đó không?”
Thay vì trả lời, ông phác một cử chỉ nhẹ nhàng và tinh tế – như thể cảnh báo tôi rằng có một đứa trẻ đang ngủ trong phòng và tôi câm bặt. “Trời tối lắm rồi,” ông nói, hầu như thì thào, “để ta đốt nến lên.”
Sau khi dùng than trong lò sưởi đốt nến lên, tôi nhận thấy trên khuôn mặt ông nét tự hào, một vẻ tự hào tôi chưa từng thấy, và điều này làm tôi vô cùng bực tức. Hay đó là vẻ thương hại? Hay ông ta đã hình dung ra mọi chuyện? Ông ta nghĩ tôi là loại sát nhân đê tiện hay ông ta sợ tôi? Tôi nhớ lại những ý nghĩ của mình đã bất ngờ vượt khỏi tầm kiểm soát như thế nào và tôi đã lắng nghe một cách ngốc nghếch những gì mình đang nghĩ cứ như một ai khác đang nghĩ ra sao. Chẳng hạm tấm thảm dưới chân tôi: Có một họa tiết giống hình chó sói ở một góc, nhưng tại sao trước đó tôi không nhận thấy nó?
“Tình yêu mà tất cả các đại hãn, vương hầu và vua chúa dành cho những bức tranh, minh họa và những cuốn sách đẹp có thể được chia làm ba mùa,” Enishte Kính mến nói. “Ban đầu họ táo bạo, hăm hở và tò mò. Những người thống trị thích những bức tranh vì ngưỡng mộ, để ảnh hưởng đến cách người ta nhìn ngắm chúng.. Trong thời kỳ này, họ giáo dục chính họ. Trong thời kỳ thứ hai, họ đặt làm những cuốn sách để thỏa mãn óc thẩm mỹ của mình. Bởi vì họ đã thành thực học được cách thưởng thức tranh, họ tích lũy thanh thế đồng thời tích lũy sách vở, mà sách vở thì sau khi họ chết đi, sẽ bảo đảm sự tồn tại cho tên tuổi của họ trong thế giới này. Tuy nhiên vào mùa thu trong cuộc đời một vị vua, ông ta không còn quan tâm đến việc duy trì trạng thái bất tử trần thế của mình nữa. Khi nói “trạng thái bất tử trần thế” là ta muốn nói đến khao khát được những thế hệ tương lai, cháu chắt của chúng ta, nhớ đến. Những người thống trị ngưỡng mộ các nhà tiểu họa và sách vở đã đạt được sự bất tử thông qua những bản thảo mà họ đặt chúng ta làm – trong những trang bản thảo đó họ nhét tên của họ và nhiều lúc cả chuyện đời của họ vào. Sau đó, từng người trong số họ đi đến kết luận rằng hội họa là một rào cản ngăn không cho họ có được một chỗ ở thế giới bên kia, điều mà dĩ nhiên tất cả họ đều khao khát. Đấy là điều khiến ta lo lắng và sợ hãi nhất. Ngài Tahmasp vốn là nhà tiểu họa bậc thầy và dành cả tuổi trẻ trong họa xưởng, đã đóng cửa khu xưởng lộng lẫy của ông khi cái chết đến gần, đã đuổi những họa sĩ đầy thần hứng của ông khỏi Tabriz, tiêu hủy những pho sách ông đã làm ra và chịu đựng những cơn hối tiếc bất tận. Tại sao tất cả bọn họ lại tin rằng hội họa sẽ ngăn không cho họ vào cánh cổng Thiên đàng?”
“Ông biết rõ tại sao mà! Bởi vì họ nhớ lại lời cảnh báo của đấng Tiên tri rằng vào Ngày phán xét, Allah sẽ trừng phạt giới họa sĩ nghiêm khắc nhất.”
“Không phải các họa sĩ,” Enishte Kính mến chỉnh lại. “Mà những ai làm ra ngẫu tượng. Và điều này không phải từ kinh Koran mà từ Bukhari .” 1 Vào Ngày phán xét, những kẻ làm ra ngẫu tượng sẽ bị yêu cầu đem lại sự sống cho những hình tượng mà họ đã tạo ra,” tôi dè dặt nói. “Vì họ không thể nào làm được điều đó nên tất cả sẽ phải chịu những hành hạ của Hỏa ngục. Đừng quên rằng trong kinh Koran Vinh quang, “tạo hóa” là một trong những thuộc tính của Allah. Chính Allah người sáng thế, người biến cái không có thành có, người ban cuộc sống cho vật vô tri. Không ai được phép sánh với Người. Tội lớn nhất trong các tội lỗi là do những họa sĩ phạm phải, những kẻ dám làm những gì Người làm, những kẻ tự cho rằng mình cũng sáng tạo như Người.”
Tôi tuyên bố một cách chắc nịch, như thể chính tôi cũng đang kết tội ông ta. Ông nhìn đăm đăm vào mắt tôi.
“Anh nghĩ đây là điều chúng ta đang làm hả?”
“Không bao giờ,” tôi cười và nói. “Tuy nhiên đây là những gì Zarif Kính mến, cầu cho anh ta được bình yên, bắt đầu thừa nhận khi anh ta thấy bức tranh cuối cùng. Anh ta nói rằng việc ông sử dụng khoa học về luật phối cảnh và những phương pháp của các bậc thầy Venice chẳng là gì ngoài sự cám dỗ của Satan. Trong bức tranh cuối cùng, ông được cho là đã vẽ khuôn mặt của một người trần bằng những kỹ thuật Tây vực, vì vậy người xem tranh có ấn tượng không phải về một bức tranh mà về thực tại; tới mức độ hình ảnh này có khả năng khiến con người cúi đầu trước nó, như cúi đầu trước những tượng thánh trong nhà thờ Tây vực. Theo anh tại đây là tác phẩm của Quỷ sứ, không chỉ vì nghệ thuật phối cảnh đưa bức tranh rời xa cách nhìn thế gian của Thượng đế và đưa nó xuống tầm nhìn của một con chó hoang, mà còn vì việc ông dựa vào những phương pháp của bọn Venice cũng như trộn lẫn những truyền thống lâu đời của chúng ta với truyền thống của bọn ngoại giáo sẽ tước mất sự thuần khiết của chúng ta và đẩy chúng ta xuống hàng nô lệ của họ.”
“Chẳng có gì là thuần khiết cả”.Enishte Kính mến nói. “Trong lãnh vực nghệ thuật làm sách, bất cứ khi nào một kiệt tác được làm ra, bất cứ khi nào một bức tranh tráng lệ làm ta chảy nước mắt vì vui sướng và khiến ta ớn lạnh cả sống lưng, ta có thể chắc chắn điều sau đây: Hai phong cách từ trước đến nay chưa bao giờ được kết hợp với nhau đã đi cùng nhau để tạo ra một cái gì mới mẻ và diệu kỳ. Nhờ có cuộc hội ngộ giữa sự nhạy cảm trong minh họa kiểu Ẳ Rập và nền hội họa Trung Hoa – Mông Cổ, chúng ta mới có Bihzad và sự huy hoàng của nền hội họa Ba Tư. Những bức tranh đẹp nhất của Ngài Tahmasp kết hợp phong cách Ba Tư với những vẻ tinh tế của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay, nếu người ta không thể ca ngợi đúng mức những xưởng làm sách nghệ thuật của Akbar Khan ở Hindustan, đó là bởi ông ta đã cố thuyết phục những nhà tiểu họa của ông ta chấp nhận phong cách của những bậc thầy Tây vực. Cả phương Đông lẫn phương Tây đều thuộc về Thượng đế. Có lẽ Người bảo vệ chúng ta tránh khỏi ý muốn về sự tinh túy và không pha trộn.
Dù nét mặt ông có vẻ bừng sáng và dịu dàng dưới ánh nến, nhưng bóng của ông hắt trên tường vẫn tối đen và đầy đe dọa. Dù nhận thấy những gì ông nói hết sức hợp lý và có cơ sở, nhưng tôi không tin ông. Tôi cho rằng ông ta nghi ngờ tôi, và vì thế tôi càng lúc càng ngờ vực ông; tôi có cảm giác rằng nhiều lúc ông lắng nghe cổng sân bên dưới, rằng ông đang hy vọng ai đó sẽ giải thoát ông khỏi sự có mặt của tôi.
“Chính anh đã nói với tôi chuyện Sheikh Muhammad bậc thầy của Isfahan đã đốt cháy thư viện lớn chứa những bức tranh mà ông chối bỏ và đã tự thiêu trong cơn thống hối,” ông ta nói.” Bây giờ hãy để ta kể cho anh một câu chuyện liên quan đến truyền thuyết đó mà anh chưa biết. Quả thực là ông ta đã dành ba mươi năm cuối đời để săn tìm tác phẩm của chính mình. Tuy nhiên, trong những cuốn sách ông đọc, ông ngày càng phát hiện ra những sự bắt chước lấy cảm hứng từ ông thay vì tác phẩm sáng tạo của ông. Trong những năm cuối đời, ông dần nhận ra rằng có hai thế hệ nghệ sĩ đã chọn dạng tranh minh họa mà ông từ bỏ làm mẫu mực, rằng họ đã khắc sâu những bức tranh của ông vào tâm trí họ – hay nói chính xác hơn, đã làm cho chúng trở thành một phần trong tâm hồn họ. Khi Sheikh Muhammad nỗ lực tìm kiếm những bức tranh của mình và tiêu hủy chúng, ông phát hiện ra rằng những nhà tiểu họa trẻ, với lòng sùng kính, đã sao chép lại chúng trong vô số pho sách, đã dựa vào chúng khi minh họa những câu chuyện khác, đã làm cho chúng được mọi người nhớ đến và đã truyền bá chúng khắp thế giới. Qua bao năm dài, khi chúng ta nhìn hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, hết bức minh họa này đến bức minh họa khác, chúng ta dần biết được điều sau đây: Một họa sĩ vĩ đại không bao giờ bằng lòng với việc gây ấn tượng cho chúng ta bằng những kiệt tác của mình; rốt cuộc thì, anh ta thành công trong việc thay đổi khung cảnh trong tâm trí chúng ta. Một khi nghệ thuật của nhà tiểu họa đi vào tâm hồn chúng ta theo cách này, nó trở thành tiêu chuẩn cho cái đẹp của thế giới chúng ta. Vào cuối đời, khi bậc thầy của Isfahan đốt công trình nghệ thuật của mình, ông không chỉ chứng kiến cái thực tế rằng công trình của ông, cho dù đã biến mất, đã thực sự sinh sôi nảy nở và gia tăng; ông hiểu rằng mọi người hiện nay nhìn thế giới theo cách ông đã nhìn nó. Những thứ không giống như những bức tranh ông làm thời trẻ giờ được coi là xấu xí.”
Không thể kiềm chế nỗi kinh sợ đang dậy lên trong tôi và không kiểm soát được nỗi khao khát muốn làm hài lòng Enishte Kính mến, tôi sụp xuống trước gối ông. Khi hôn tay ông, mắt tôi đầy lệ và tôi cảm thấy mình đã dọn cho ông một chỗ trong tâm hồn, nơi vốn luôn được dành cho Sư phụ Osman.
“Một nhà tiểu họa”, Enishte Kính mến nói với giọng của một người tự mãn, “tạo ra nghệ thuật của mình bằng việc quan tâm đến lương tâm mình và bằng cách vâng theo những nguyên lý mà anh ta tin tưởng, không sợ bất cứ điều gì. Anh ta không quan tâm đến chuyện kẻ thù anh ta, những kẻ cuồng tín và ghen tỵ với anh ta nói gì.” Nhưng tôi chợt nhận ra rằng Enishte Kính mến thậm chí không phải là nhà tiểu họa khi tôi hôn bàn tay trổ đồi mồi và nhăn nheo của ông ta qua nước mắt. Tôi bối rối trước ý nghĩ của mình. Như thể một người khác đã nhét ý niệm trơ trẽn, quỷ quái này vào đầu tôi. Tuy thế các vị cũng biết tuyên bố này chân thực đến cỡ nào.
“Ta không sợ họ”, Enishte nói. “vì ta không sợ chết.”
“Họ” là ai? Tôi gật đầu như thể tôi hiểu. Nhưng cảm giác khó chịu bắt đầu lớn dần trong tôi. Tôi nhận thấy rằng pho cổ thư hiện nằm bên cạnh Enishte là cuốn Kitab al-Ruh của El-Jevziyye.
Tất cả những người già cả lú lẫn đang đi tìm cái chết đều yêu quý cuốn sách kể về những cuộc phiêu lưu dành cho linh hồn này. Vì tôi đã có mặt ở nơi này lúc gần đây, nên tôi thấy món mới mẻ duy nhất giữa những đồ vật đựng trong các khay, nằm trên rương, giữa những hộp viết, dao chuốc bút, bàn cắt ngòi bút, những lọ mực và cọ: đó là một lọ mực bằng đồng.
“Chúng ta hãy xác định, lần cuối cùng, rằng chúng ta không sợ họ,” tôi nói đầy tự tin. “Hãy lấy bức minh họa cuối cùng đó ra. Hãy cho họ xem nó.”
“Nhưng điều này sẽ không chứng minh rằng chúng ta quan tâm đến lời vu khống của họ, ít nhất là đến mức coi trọng nó, phải không? Chúng ta chẳng làm điều gì để phải sợ cả. Cái gì có thể biện minh cho nỗi sợ hãi đến thế của anh?” Ông ta vò đầu tôi như một người cha. Tôi sợ rằng mình sẽ òa lên khóc lần nữa; tôi ôm ông ta.
“Tôi biết tại sao tay thợ mạ vàng Zarif Kính mến bất hạnh đó bị giết,” tôi nói đầy kích động. “Qua việc vu khống ông, cuốn sách của ông và chúng ta, Zarif Kính mến đã lên kế hoạch cho môn đồ của Nusret Hoja xứ Erzurum nhắm vào chúng ta. Anh ta tin chắc rằng chúng ta đã rơi vào vòng khống chế cửa Quỷ sứ. Anh ta bắt đầu tung những tin đồn như thể cố xúi giục những nhà tiểu họa khác đang làm cho cuốn sách này nổi lên chống lại ông. Tôi không biết tại sao đột nhiên anh ta làm vậy. Có lẽ vì ghen tỵ, có lẽ anh ta bị Satan xui khiến. Và những nhà tiểu họa khác cũng nghe chuyện Zarif Kính mến nhất quyết tiêu diệt tất cả chúng ta như thế nào. Ông có thể hình dung từng người trong bọn họ càng lúc càng sợ hãi và ngả theo những nghi ngờ như thế nào, chính tôi đây cũng vậy. Bởi vì một người trong số họ, vào lúc nửa đêm, đã bị Zarif Kính mến dồn vào chân tường – xúi giục anh ta chống lại ông, chúng ta, cuốn sách của ông, cũng như chống lại việc minh họa, vẽ tranh và tất cả những thứ khác mà chúng ta tin tưởng – người nghệ sĩ đó đã hoảng sợ, giết tên vô lại đó và ném xác hắn xuống giếng.”
“Tên vô lại?”
” Zarif Kính mến là một kẻ phản bội hèn hạ, xấu xa. Tên đểu cáng”, tôi la to như thể anh ta đang đứng trước mặt tôi trong phòng này vậy.
Im lặng. Ông ta sợ tôi chăng? Tôi sợ chính mình. Nó như thể tôi đã khuất phục trước ý chí và ý nghĩ của ai khác vậy; những điều này không hẳn là kém thú vị.
“Nhà tiểu họa hoảng sợ giống anh và họa sư xứ Isfahan này là ai vậy? Ai đã giết anh ta?”
“Tôi không biết,” tôi đáp.
Nhưng tôi muốn ông ta suy luận được qua vẻ mặt của tôi rằng tôi nói dối. Tôi nhận ra rằng mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi đến đây, nhưng tôi không đi đến chỗ đầu hàng cảm giác phạm tội và hối tiếc. Tôi có thể thấy rằng Enishte Kính mến càng lúc càng nghi ngờ tôi, điều này khiến tôi vui và vững vàng hơn. Nếu ông ta tin chắc rằng tôi là kẻ giết người và nhận thức này khiến ông kinh hoàng, vậy thì ông ta sẽ không dám từ chối cho tôi xem bức tranh cuối cùng. Tôi quá tò mò về bức tranh đó không phải vì tôi đã phạm tội vì nó, mà thật lòng tôi muốn xem nó ra thế nào.
“Việc ai giết tên đê tiện đó quan trọng lắm sao?” tôi nói. “Chẳng phải bất cứ ai giải thoát chúng ta khỏi tay hắn thì cũng đã làm một việc tốt sao?”
Tôi can đảm lên khi thấy ông ta không còn nhìn thẳng vào mắt tôi nữa. Nhưng con người hào hiệp, những người nghĩ họ tốt hơn và đạo đức hơn người khác, không thể nhìn thẳng vào mắt ta khi họ bị ta làm cho lúng túng, có lẽ bởi vì họ đang suy tính việc tố giác ta và bỏ mặc ta bị tra tấn, hành hình.
Bên ngoài, ngay trước cổng sân, lũ chó bắt đầu tru lên dữ dội.
“Tuyết lại rơi.” tôi nói. “Mọi người đi đâu hết vào giờ khuya khoắt này nhỉ? Sao họ để ông một mình ở đây? Thậm chí họ không đốt một ngọn nến cho ông nữa.”
“Thật hết sức kỳ cục,” ông nói. “Ta cũng chẳng hiểu nữa.” Ông quá chân thật đến độ tôi tin ông hoàn toàn, và dù nhạo báng ông ta như những nhà tiểu họa khác đã làm, tôi một lần nữa biết rằng mình thật sự rất yêu quý ông. Nhưng làm thế nào ông ta cảm nhận được rất nhanh lòng tôn trọng và yêu quý bất ngờ và dữ dội của tôi, để ông phản ứng bằng cách xoa đầu tôi với tình cảm của một người cha như vậy? Tôi bắt đầu thấy rằng phong cách hội họa của Thầy Osman, và di sản của những sư phụ lão thành ở Herat, không hề có tương lai gì cả. Và ý tưởng tồi tệ này một lần nữa khiến tôi hoảng sợ. Sau một bi kịch nào đó, tất cả chúng ta đều cảm thấy như vậy: Trong niềm hy vọng mong manh cuối cùng, và không cần biết chúng ta có vẻ khôi hài và ngu ngốc đến mức nào, chúng ta luôn cầu xin cho mọi chuyện cứ tiếp tục như xưa nay.
“Chúng ta hãy tiếp tục minh họa pho sách của mình,” tôi nói. “Hãy để mọi thứ tiếp diễn như vẫn thế từ trước đến nay.”
“Có một tên giết người trong đám tiểu họa. Ta vẫn tiếp tục công việc của ta với Siyah Kính mến.”
Có phải ông ta đang kích động tôi giết anh ta?
“Siyah bây giờ ở đâu?” tôi hỏi. “Con gái ông với bọn trẻ đâu cả rồi?”
Tôi có cảm giác một sức mạnh nào đó đã đặt những lời này vào miệng tôi, nhưng tôi không kiềm chế được mình. Không còn đường nào cho tôi hạnh phúc và hy vọng. Tôi chỉ có thể thông minh và châm chọc. Đằng sau hai vị thần luôn có tính giải khuây này – thông minh và châm chọc – tôi cảm thấy có sự hiện diện của Quỷ sứ, kẻ điều khiển họ và khuất phục tôi. Đồng thời, lũ chó đáng ghét bên ngoài cổng bắt đầu tru điên cuồng cứ như chúng đánh hơi thấy mùi máu.
Phải chăng tôi đã sống đúng giây phút này từ rất lâu rồi? Trong một thành phố xa xôi, tại một thời điểm mà bây giờ với tôi có vẻ đã lâu lắm rồi, khi một cơn mưa tuyết đang rơi mà tôi không thấy được bên ánh nến, tôi đang cố giải thích qua nước mắt rằng tôi hoàn toàn vô tội với một lão già lẩm cẩm cáu kỉnh, kẻ đã buộc tội tôi ăn cắp thuốc màu. Hồi đó, giống như bây giờ, chó cũng bắt đầu tru như thể chúng ngửi được mùi máu. Và tôi hiểu qua chiếc cằm to của Enishte Kính mến, phù hợp với một lão già độc ác, và qua đôi mắt ông ta, vốn sau cùng đã soi mói không thương xót vào mắt tôi, rằng ông ta có ý định khuất phục tôi. Tôi nhớ lại ký ức tả tơi này từ khi tôi là chú thợ học việc tiểu họa lên mười tuổi giống như một bức tranh mà những đường nét thì còn rõ nhưng màu sắc đã nhạt nhòa. Như thể tôi đang sống thời hiện tại cứ như đó là một ký ức có thực nhưng đã mờ nhạt.
Vì vậy khi tôi nhổm dậy đi vòng phía sau Enishte Kính mến, cầm lên chiếc bình mực bằng đồng nặng, to, mới mẻ đó giữa đống bình mực bằng pha lê, sứ và thủy tinh trên bàn làm việc của ông ta, nhà tiểu họa chăm chỉ trong tôi – mà Thầy Osman đã làm cho thấm nhuần trong tất cả chúng tôi – đang minh họa những gì tôi đã làm và những gì tôi đã thấy bằng màu sắc rõ ràng nhưng đã mờ nhạt, không như cái gì đó tôi đang trải nghiệm lúc này mà cứ như nó là một ký ức xa xưa. Các vị biết trong giấc mơ, chúng ta rùng mình thế nào khi thấy chính mình như nhìn từ bên ngoài, thì cũng với cảm giác như vậy, cầm bình mực bằng đồng lớn nhưng có miệng nhỏ, tôi nói:
“Hồi tôi còn là đứa học việc lên mười, tôi cũng thấy một cái bình mực như vầy.”
“Đó là bình mực Mông Cổ ba trăm năm tuổi,” Enishte Kính mến nói. “Siyah mang nó từ mãi tận Tabriz về đây. Nó dùng để đựng mực đỏ.”
Vào đúng lúc đó, dĩ nhiên chính Quỷ sứ thúc giục tôi dùng hết sức bình sinh giáng bình mực này vào cái đầu sai lầm của lão già tự phụ này. Nhưng tôi không đầu hàng Quỷ sứ, và với niềm hy vọng hão huyền, tôi nói, “Chính tôi, tôi là kẻ đã giết Zarif Kính mến.”
Các vị hiểu tại sao tôi nói điều này một cách đầy hy vọng, đúng không? Tôi tin rằng Enishte sẽ hiểu, và do đó tha thứ cho tôi – rằng ông ta sẽ sợ và giúp tôi.
— —— —— —— ——-
1 Bukhari: Bukhari. Còn gọi là Al-Bukhari hoặc Imam Bukhari (810-870), một học giả Hồi giáo phái Sunni người Ẳ Rập, được coi là tác giả bộ sách giai thoại có tên là Sahih Bukhari (Sahih tiếng Ẳ Rập nghĩa là chân thực), được phái Sunni coi là chân thực nhất sau kinh Koran.