Một sự im lặng bao trùm căn phòng khi anh ta thú nhận mình đã giết Zarif Kính mến. Tôi cho rằng anh ta cũng sẽ giết tôi. Tim tôi đập liên hồi. Anh ta đến đây để giết tôi hay để thú nhận và làm tôi sợ hãi? Liệu anh ta có biết mình muốn gì không? Tôi thấy sợ, nhận ra rằng tôi hoàn toàn không hiểu được thế giới nội tâm của người nghệ sĩ tài hoa mà những dòng chữ tuyệt đẹp và cách sử dụng màu sắc đầy ma lực đã quen thuộc với tôi trong nhiều năm này. Tôi cảm nhận được anh ta đang đứng sau lưng tôi, ngay sát gáy tôi, người cứng đơ, tay nắm chặt cái bình mực đỏ to kia, nhưng tôi không quay lại đối mặt với anh ta. Tôi biết sự im lặng của tôi sẽ làm anh ta lo lắng. “Lũ chó cũng không chịu im mồm nữa,” tôi nói.
Chúng tôi lại im lặng. Lần này tôi biết rằng cái chết của tôi, hoặc việc tôi ít nhiều tránh được bất hạnh này, sẽ tùy thuộc vào điều tôi nói với anh ta. Ngoài công việc của anh ta, tôi chỉ biết rằng anh ta rất thông minh, và nếu công nhận rằng một nhà minh họa không nên để lộ tâm hồn mình trong tác phẩm, thì sự thông minh, dĩ nhiên, là một vốn quý. Sao anh ta lại dồn tôi vào chân tường tại nhà khi không có ai khác ở đây? Đầu óc già nua của tôi bị ám ảnh một cách giận dữ với câu hỏi này, nhưng tôi quá bối rối đến độ không thể tự cứu mình thoát khỏi trò này. Shekure đâu rồi?
“Ông đã biết đó là tôi, đúng không?” anh ta hỏi.
Tôi hoàn toàn không biết gì cả, cho đến khi anh ta nói với tôi. Trong thâm tâm thậm chí tôi đang tự hỏi phải chăng anh ta không giết được Zarif Kính mến và rằng tay tiểu họa quá cố có thể thực sự đã không chịu nổi những lo lắng của anh ta và gây rắc rối cho những người còn lại chúng tôi.
Tôi còn hơi biết ơn tên giết người mà tôi đang một mình đối diện trong ngôi nhà vắng vẻ này nữa.
“Ta không ngạc nhiên việc anh giết anh ta,” tôi nói. “Những người như chúng ta vốn sống với những cuốn sách và luôn luôn mơ về những tranh sách của họ, chỉ sợ một điều duy nhất trên đời này. Hơn nữa chúng ta đang đấu tranh với một điều còn nguy hiểm và bị cấm đoán hơn, nghĩa là, chúng ta đang đấu tranh để làm những bức tranh trong một thành phố Hồi giáo. Cũng như Sheikh Muhammad xứ Isfahan, những nhà tiểu họa chúng ta thường cảm thấy có lỗi và hối tiếc, thoạt tiên chúng ta tự trách mình trước khi người khác khiển trách, xấu hổ và cầu xin Thượng đế cùng cộng đồng thú tội. Chúng ta làm sách trong vòng bí mật giống như bọn tội phạm đáng xấu hổ. Ta biết quá rõ rằng việc khuất phục trước những lời công kích bất tận của các hoja, nhà thuyết giáo, quan tòa và những tu sĩ phái thần bí vốn buộc chúng ta tội báng bổ, rằng cảm giác tội lỗi khôn nguôi vừa bóp chết vừa nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người họa sĩ như thế nào mà.”
“Ông không trách cứ tôi vì đã giết tay tiểu họa ngu ngốc đó, đúng không?”
“Những gì thu hút chúng ta vào việc sáng tác, minh họa và vẽ tranh gắn liền với nỗi sợ bị báo thù này. Không phải chỉ vì tiền và đặc ân mà chúng ta bò lê trước tác phẩm của chúng ta từ sáng đến tối, tiếp tục bên ánh nến thâu đêm cho đến khi bị mù và hy sinh bản thân cho những bức tranh và sách, ấy còn là để thoát khỏi chuyện tầm phào của kẻ khác, để thoát khỏi đám đông, nhưng ngược với đam mê sáng tạo này, chúng ta cũng muốn những người mà chúng ta từ bỏ thấy được và đánh giá cao những bức tranh đầy cảm hứng mà chúng ta tạo ra – và liệu họ có cần phải gọi chúng ta là những kẻ tội lỗi không? Ôi, đau đớn thay cho nhà minh họa tài năng thực sự! Nhưng hội họa đích thực thì ẩn trong nỗi đau khổ mà không ai thấy và không ai tạo ra. Nó nằm trong bức tranh, mà thoạt nhìn lần đầu họ sẽ cho là xấu, khiếm khuyết, bất kính hay dị giáo. Một họa sĩ đích thực biết anh ta phải đạt đến chỗ đó, nhưng đồng thời anh ta lại sợ sự cô độc vốn đang chờ đợi anh ta ở đó. Ai sẽ tán thành một kiếp sống căng thẳng, đầy đe dọa như thế? Bằng việc tự trách mình trước khi bị người khác trách, người nghệ sĩ tin anh ta sẽ thoát khỏi những gì anh ta đã sợ hãi trong nhiều năm. Những người khác chỉ lắng nghe và tin anh ta khi anh ta thừa nhận tội lỗi của mình, mà rồi vì nó anh ta sẽ bị kết án hỏa thiêu trong Địa ngục – chính nhà minh họa xứ Isfahan đã châm ngọn lửa hỏa ngục đó.”
“Nhưng ông không phải là một nhà tiểu họa,” anh ta nói. “Tôi không giết anh ta vì sợ.”
“Anh đã giết anh ta vì anh muốn vẽ như anh muốn, mà không sợ hãi.”
Lần đầu tiên trong một thời gian dài, nhà tiểu họa, người khao khát trở thành kẻ giết tôi, nói một điều hết sức thông minh: “Tôi biết ông đang giải thích mọi chuyện này để làm tôi phân tâm, để đánh lừa tôi, để gỡ ông ra khỏi tình huống này,” Và anh ta nói thêm: “nhưng điều ông vừa nói là sự thật. Tôi muốn ông hiểu và lắng nghe tôi.”
Tôi nhìn vào mắt anh ta. Anh ta đã hoàn toàn quên nghi thức quen thuộc giữa chúng tôi khi anh ta nói: Anh ta đã bị ý tưởng của chính mình cuốn đi. Nhưng tới đâu?
“Đừng bao giờ sợ, tôi sẽ không xúc phạm đến danh dự của ông,” anh ta nói. Anh ta bật cười cay đắng khi vòng ra đằng trước, đối diện tôi. “Ngay cả bây giờ,” anh ta nói, “khi tôi đang làm chuyện này, thì tôi cũng không có vẻ là tôi nữa. Như thể có điều gì dằn vặt trong tôi ép tôi tuân theo ý đồ xấu xa của nó. Tuy nhiên tôi vẫn cần điều đó. Với việc vẽ tranh cũng vậy.”
“Đó là chuyện kể của các bà già về Quỷ sứ.”
“Vậy ông cho là tôi nói dối hả?”
Anh ta không có đủ can đảm để giết tôi, vì vậy anh ta muốn tôi chọc giận anh ta. “Không, anh không nói dối, nhưng anh cũng không thừa nhận điều anh cảm thấy.”
“Tôi thừa nhận những gì tôi cảm thấy. Tôi chịu đựng những giày vò của cái chết mà không chết. Vô tình chúng tôi ngập cổ trong tội lỗi vì ông, thế mà bây giờ ông đang thuyết giáo “hãy can đảm hơn”. Ông chính là người biến tôi thành kẻ sát nhân. Bọn tay chân hung ác của Nusret Hoja sẽ giết tất cả chúng ta.”
Càng mất tự tin, anh ta càng cao giọng và càng siết chặt bình mực trong tay hơn. Liệu có ai đi ngang qua trên con đường đầy tuyết này nghe được tiếng la của anh ta và bước vào nhà không?
“Anh đã giết anh ta như thế nào?” Tôi hỏi, để kéo dài thời gian hơn là vì tò mò. “Làm sao các anh tình cờ gặp nhau ngay miệng giếng đó?”
“Cái đêm Zarif Kính mến rời nhà ông, anh ta đến chỗ tôi,” anh ta nói, với một khao khát thú nhận bất ngờ. “Anh ta nói anh ta đã thấy bức tranh tờ đôi cuối cùng đó, tôi cố hết sức thuyết phục anh ta đừng làm lớn chuyện. Tôi kéo anh ta đi tới khu bị hỏa hoạn tàn phá. Tôi bảo anh ta tôi có chôn tiền cạnh một cái giếng. Nghe tôi nói vậy, anh ta tin ngay… Còn có chứng cứ nào tốt hơn cho việc nhà minh họa chỉ bị lòng tham thúc đẩy nữa không? Đó cũng là một lý do khác khiến tôi không hề thấy hối tiếc. Anh ta là một nghệ sĩ tài năng nhưng tầm thường. Tên ngốc tham lam đó sẵn sàng lấy móng tay đào lớp đất cứng kia. Ông biết đó, nếu tôi thực sự có chôn vàng cạnh cái giếng thì tôi đã không giết anh ta. Phải, ông đã thuê một tên đê tiện khốn nạn làm việc mạ vàng cho ông. Kẻ quá cố đó khéo thì có khéo, nhưng việc chọn lựa màu sắc và cách ứng dụng của anh ta thì bình thường và những trang trí của anh ta thì thiếu cảm hứng. Tôi không để lại dấu vết… Vậy, cho tôi biết, cốt tủy của “phong cách” là gì? Ngày nay cả người Trung Hoa lẫn Tây vực đều nói về tính cách trong tài năng của một người họa sĩ, thứ mà họ gọi là “phong cách”. Phong cách có phân biệt được một nghệ sĩ tài hoa với những người khác hay không?”
“Đừng sợ,” tôi nói, “phong cách mới không xuất phát từ ước muốn riêng của nhà tiểu họa. Một ông hoàng qua đời, một vương hầu thua trận, một thời đại có vẻ trường tồn muôn thuở lại chấm dứt, một họa xưởng bị đóng cửa và các thành viên của nó giải tán, tìm kiếm mái ấm khác và những người yêu quý sách khác để làm người bảo trợ cho họ. Một ngày nào đó, một vị vua giàu lòng trắc ẩn sẽ tập hợp những kẻ lưu lạc này, những nhà tiểu họa và thư pháp tha phương hoang mang nhưng đầy tài năng này trong lều hoặc lâu đài của ông và bắt đầu thành lập xưởng làm sách nghệ thuật của riêng ông. Thậm chí dù những nghệ sĩ này, vốn không quen biết nhau, ban đầu vẫn tiếp tục theo những phong cách vẽ tranh riêng của họ, thì qua thời gian, giống như trẻ con dần trở thành bạn bè qua việc đùa giỡn trên đường phố, họ sẽ cãi nhau, chơi lại với nhau, đánh nhau rồi lại dàn hòa. Sự ra đời của một phong cách mới là kết quả của những năm tháng bất đồng, đố kỵ, kình địch và nghiên cứu về màu sắc và cách vẽ. Nói chung, thành viên tài hoa nhất của xưởng sẽ là cha đẻ của hình thức này. Cứ gọi anh ta là người may mắn nhất. Những nhà tiểu họa còn lại chỉ có nhiệm vụ hoàn thiện và trau chuốt phong cách này qua việc bắt chước không ngừng.
Không thể nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta đột nhiên có vẻ hòa nhã, và cầu xin lòng trắc ẩn cũng như sự trung thực của tôi, anh ta hỏi tôi, run rẩy như một trinh nữ:
“Tôi có phong cách riêng của tôi không?”
Tôi nghĩ mình sẽ khóc. Với tất cả sự dịu dàng, đồng cảm và ân cần mà tôi có thể tập trung, tôi vội vàng nói với anh ta điều tôi tin là chân lý:
“Anh là họa sĩ có thần hứng và tài năng nhất với phong cách mê hoặc và con mắt tinh tường đến từng chi tiết nhất mà ta từng gặp được trong suốt sáu mươi năm qua. Nếu anh đặt một bức tranh trước mặt ta, người đã từng thấy tác phẩm kết hợp của hàng ngàn nhà tiểu họa, ta vẫn có thể nhận ra ngay lập tức vẻ tráng lệ thiên phú từ ngòi bút của anh.”
“Đồng ý, nhưng tôi biết ông không đủ thông minh để hiểu sự huyền bí trong tài năng của tôi”, anh ta nói. “Lúc này ông đang nói dối, bởi vì ông sợ tôi. Hãy mô tả một lần nữa đặc điểm trong những phương pháp của tôi.”
“Ngòi bút của anh có vẻ tự nó chọn ra đường nét đúng, cứ như không cần anh xen vào. Những gì ngòi bút anh vẽ không chân thật mà cũng không phù phiếm! Khi anh vẽ chân dung một đám đông người, sự căng thẳng hiện ra từ cái nhìn giữa các nhân vật, việc sắp xếp bọn họ trên trang giấy và ý nghĩa của bài văn biến thành một tiếng thì thầm tao nhã muôn thuở. Ta xem đi xem lại các tranh của anh nhiều lần để nghe tiếng thì thầm đó, và mỗi lần ta lại mỉm cười nhận ra rằng ý nghĩa đó đã thay đổi, và ta biết nói thế nào đây, ta bắt đầu hiểu bức tranh lần nữa. Khi những tầng ý nghĩa này được kết hợp lại với nhau, một độ sâu thẳm hiện lên thậm chí vượt hẳn luật phối cảnh của những bậc thầy châu Âu.”
“Đẹp và hay. Hãy quên những bậc thầy châu Âu đi. Hãy khởi sự từ đầu.”
“Anh có một đường nét cuốn hút và thực sự tuyệt vời đến độ người xem tranh tin vào những gì anh vẽ hơn là vào chính thực tế. Và bởi vì tài năng của anh có thể tạo ra một bức tranh buộc kẻ sùng đạo nhất phải từ bỏ niềm tin của mình, nên nó cũng có thể đưa một kẻ vô thần cứng đầu và ngoan cố nhất đi theo con đường của Allah.”
“Đúng, nhưng tôi không chắc rốt cuộc nó lại là một lời tán dương. Nói lại đi.”
“Không một nhà tiểu họa nào biết được độ đặc nhuyễn của thuốc màu và những bí mật của nó bằng anh. Anh luôn luôn chuẩn bị và sử dụng những màu thật nhất, rực rỡ nhất, tỏa sáng nhất.”
“Phải, còn gì khác nữa?”
“Anh biết anh là họa sĩ vĩ đại nhất sau Bihzad và Mir Seyyid Ali.”
“Phải, tôi biết rõ điều này. Nếu ông cũng biết vậy, sao ông làm cuốn sách này với tay Siyah Kính mến tầm thường đó?”
“Trước tiên, công việc anh ta làm không đòi hỏi kỹ năng của một nhà tiểu họa,” tôi nói. “Sau nữa không như anh, anh ta không phải là kẻ sát nhân.”
Anh ta cười một cách duyên dáng trước lời nói đùa của tôi. Thấy thế, tôi nghĩ mình có thể thoát khỏi cơn ác mộng này nhờ một cách diễn đạt mới – thuật ngữ “phong cách” này. Khi tôi khơi mở đề tài, chúng tôi bắt đầu một cuộc thảo luận thú vị liên quan đến cái bình mực Mông Cổ bằng đồng anh ta đang cầm, không như cha với con trai, mà như hai ông già từng trải và tò mò. Trọng lượng của đồng, sự cân đối của cái bình mực, độ sâu của cổ bình, độ dài của những cây bút sậy thư pháp xưa và những điều huyền bí của mực đỏ, độ đậm nhuyễn của nó mà anh ta có thể cảm thấy trong khi vung vẩy nhẹ nhàng bình mực trước mặt tôi… Chúng tôi đồng ý rằng nếu người Mông Cổ không mang những bí mật về thuốc màu đỏ – điều mà họ học được từ những bậc thầy Trung Hoa – đến Khorasan, Bukhara và Herat, thì chúng tôi ở Istanbul đã hoàn toàn không thể làm ra những bức tranh này. Trong khi chúng tôi nói, độ đặc nhuyễn của thời gian, giống như độ đặc nhuyễn của thuốc màu, có vẻ thay đổi, chảy nhanh hơn. Trong tận cùng thâm tâm, tôi đang tự hỏi sao chưa có ai về đến nhà. Giá mà anh ta đặt cái vật thể nặng nề đó xuống.
Với sự thoải mái thường lệ quen thuộc của chúng tôi, anh ta hỏi, “Khi cuốn sách của ông hoàn tất, những ai thấy tác phẩm của tôi có đánh giá cao khả năng của tôi không?”
“Nếu, theo ý Thượng đế, chúng ta có thể hoàn tất cuốn sách này mà không bị gián đoạn gì, dĩ nhiên là Đức vua sẽ xem qua nó, kiểm tra trước xem chúng ta có sử dụng đủ hết những miếng vàng lá ở những chỗ thích hợp không. Sau đó, như đọc một bản mô tả về chính Ngài, như bất cứ vị vua nào khác sẽ làm, Ngài sẽ nhìn bức chân dung của Ngài, bị ấn tượng bởi hình ảnh đó giống hệt Ngài hơn là bởi những bức tranh minh họa lộng lẫy của chúng ta; sau đó, nếu Ngài dành thì giờ để xem xét cái phong cảnh mà chúng ta đã khó nhọc và tận tụy tạo ra bằng cái giá là thị lực của chính chúng ta thì càng hay. Anh, cũng như tôi, đều biết rằng trừ phi có phép màu, Ngài sẽ cất kỹ cuốn sách trong kho báu mà thậm chí không hỏi xem ai đã làm cái khung hay những bức minh họa dát vàng, ai vẽ người này hay con ngựa kia – và giống như mọi nghệ nhân tài hoa khác, chúng ta sẽ trở lại với việc vẽ tranh, luôn hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng.”
Chúng tôi im lặng hồi lâu, như thể đang chờ đợi một điều gì đó.
“Khi nào ta mới được đền đáp như thế?”, anh ta hỏi. “Khi nào những bức tranh chúng ta đã làm cho đến khi mắt không còn nhìn thấy nữa thực sự được đánh giá cao? Khi nào người ta sẽ cho tôi, cho chúng ta sự tôn trọng mà chúng ta đáng được hưởng?”
“Không bao giờ!”
“Sao lại thế?”
“Họ sẽ không bao giờ cho anh những gì anh muốn,” tôi nói. “Trong tương lai, thậm chí anh còn ít được đánh giá cao hơn.”
“Sách tồn tại qua nhiều thế kỷ mà,” anh ta nói một cách tự hào nhưng không tự tin.
“Tin ta đi, không một bậc thầy Venice nào có được sự nhạy cảm nên thơ, niềm tin, sự mẫn cảm của anh, sự thuần khiết và rực rỡ trong màu sắc của anh, nhưng tranh của họ hấp dẫn hơn bởi chúng giống cuộc sống thực hơn. Họ không vẽ thế giới này như được thấy từ ban công của một ngọn tháp mà bỏ qua những gì họ gọi là luật phối cảnh; họ vẽ những gì trông thấy được ở trên đường phố, hoặc từ bên trong căn phòng của một ông hoàng, ghi lại chiếc giường ngủ, tấm mền bông, bàn làm việc, gương soi của ông ta, con cọp, nàng con gái và những đồng tiền vàng của ông ta. Họ ghi nhận tất cả, như anh biết đó. Ta không tin vào mọi thứ họ làm. Việc cố mô phỏng thế giới một cách trực tiếp thông qua hội họa với ta có vẻ đáng hổ thẹn. Ta phẫn nộ về việc đó. Song, những bức tranh họ làm theo phương pháp mới đó có sức cám dỗ không thể chối bỏ. Họ vẽ những gì mắt ta thấy đúng như con mắt nhìn thấy nó. Thực sự thì họ vẽ những gì họ thấy, trong khi chúng ta vẽ những gì chúng ta nhìn. Ngắm tác phẩm của họ, người ta dần nhận ra rằng cách duy nhất để làm sống mãi một khuôn mặt là thông qua phong cách Tây vực. Và không chỉ dân Venice mới chấp nhận khái niệm này, mà mọi thợ may, đồ tể, binh lính, thầy tu và chủ tiệm tạp hóa trên mọi miền đất Tây vực đều như thế… Tất cả họ đều được vẽ chân dung theo cách này. Chỉ cần nhìn vào những bức tranh đó là anh cũng sẽ muốn thấy chính mình theo cách đó, anh sẽ muốn tin rằng anh khác với mọi người, một con người cá biệt, đặc thù, độc nhất. Vẽ con người không như trí não ta mường tượng họ mà như ta thực sự thấy họ bằng con mắt phàm trần, vẽ theo phương pháp mới này cho phép ta đạt được khả năng đó. Một ngày nào đó mọi người sẽ vẽ như họ. Khi đề cập đến “hội họa”, cả thế giới sẽ nghĩ đến tác phẩm của họ! Ngay cả một thợ may ngốc nghếch nghèo khổ vốn chẳng hiểu gì về hội họa cũng sẽ muốn một bức chân dung như thế, để khi thấy đường cong độc đáo của mũi anh ta, anh ta có thể vững tin rằng anh ta không phải một tên ngốc bình thường, mà là một kẻ khác thường.”
“Vậy hả? Chúng ta cũng có thể làm được chân dung kiểu đó”, kẻ sát nhân hóm hỉnh châm biếm.
“Chúng ta không làm”, tôi đáp. “Anh không học được từ nạn nhân của anh, Zarif Kính mến quá cố đó, rằng chúng ta sợ hãi đến thế nào khi bị cho là những kẻ bắt chước bọn Tây vực sao? Ngay cả nếu chúng ta dám cả gan vẽ giống họ, thì cũng đi đến kết cục như vậy. Cuối cùng thì những phương pháp của chúng ta rồi cũng sẽ thất truyền, màu sắc của chúng ta sẽ phai nhạt. Không ai còn quan tâm đến sách và những bức tranh của chúng ta, và những ai có quan tâm sẽ hỏi với nụ cười khẩy, không chút hiểu biết gì, rằng tại sao không có luật phối cảnh – có khi họ còn không thể tìm ra bản thảo nào nữa không chừng. Sự thờ ơ, thời gian và tai họa sẽ hủy hoại nghệ thuật của chúng ta. Keo dán của người Ẳ Rập dùng để dán bìa sách có chứa cá, mật ong và xương, các trang thì được phết keo và đánh bóng bằng hợp chất làm từ lòng trắng trứng trộn với hồ. Lũ chuột tham lam và trơ tráo sẽ nhấm những trang này, lũ mối mọt và hàng ngàn thứ côn trùng khác sẽ gặm nhấm sạch những bản thảo của chúng ta. Bìa sẽ bung ra và các trang sẽ sút rời. Phụ nữ nhóm bếp lò, lũ trộm cắp, bọn đầy tớ thờ ơ và trẻ em sẽ thản nhiên xé toạc các trang sách và hình vẽ. Các hoàng tử nhỏ tuổi sẽ dùng bút đồ chơi vẽ bậy lên những tranh minh họa. Chúng sẽ bôi đen mắt người, quẹt chiếc mũi thò lò của chúng lên trang giấy, dùng mực đen vẽ bậy lên lề. Và những chức sắc kiểm duyệt của giáo hội sẽ bôi đen những gì còn lại. Họ sẽ xé và cắt tranh của chúng ta, có thể dùng chúng để làm ra những bức tranh khác hoặc dùng cho các trò chơi và trò tiêu khiển như thế. Trong khi những bà mẹ tiêu hủy những bức tranh mà họ cho là khiêu dâm, những ông bố và những ông anh lớn tuổi sẽ thủ dâm trên những bức tranh phụ nữ và các trang sẽ dính vào nhau, không chỉ vì chuyện này mà còn vì chúng bị dính bùn, nước, thứ hồ tồi, nước bọt và các thứ chất bẩn khác cùng thức ăn. Những đốm nấm và bụi sẽ nở rộ như hoa ở chỗ các trang bị dính vào nhau. Mưa, mái nhà dột, những trận lụt và bụi đất sẽ phá hủy sách của chúng ta. Dĩ nhiên, cùng với những trang rách tả tơi, phai màu không thể đọc được nữa, mà nước, hơi ẩm, bọn nhậy và sự thờ ơ sẽ biến chúng thành bột giấy, pho sách cuối cùng còn nguyên vẹn, như một phép màu, xuất hiện ở đáy một cái rương còn khô mà một ngày nào đó cũng sẽ biến mất, bị nuốt trong ngọn lửa tàn nhẫn. Có vùng nào ở Istanbul không bị cháy rụi ít nhất một lần trong hai mươi năm để chúng ta hy vọng một cuốn sách như thế sẽ tồn tại không? Trong thành phố này, nơi mà cứ ba năm một lần có nhiều sách và thư viện biến mất hơn sách và thư viện mà người Mông Cổ đã đốt và cướp bóc ở Baghdad, người họa sĩ nào có thể hình dung rằng kiệt tác của anh ta có thể tồn tại hơn một thế kỷ, hay một ngày nào đó người ta có thể thấy được những bức tranh của anh ta, và anh ta được sùng kính giống như Bihzad? Không chỉ có nghệ thuật riêng của chúng ta, mà mọi tác phẩm riêng lẻ trên thế giới qua năm tháng đều sẽ biến mất trong lửa, bị mối mọt gặm nhấm hoặc bị thất lạc bởi sự thờ ơ: Shirin tự hào nhìn Husrev từ cửa sổ; Husrev rình Shirin tắm dưới ánh trăng; những đôi tình nhân nhìn nhau với sự duyên dáng và tinh tế; Rustem vật con quỷ trắng đến chết dưới đáy giếng; tâm trạng khổ não của chàng Mejnun thất tình kết bạn với một con cọp trắng và một con sơn dương trong sa mạc; một con chó chăn cừu phản phúc bị bắt và treo cổ vì đêm nào cũng nộp một con cừu trong đàn của nó cho con sói cái để được phủ con này; hoa, thiên thần, chồi lá và giọt nước mắt viền những tranh minh họa; những người chơi đàn luýt tô điểm cho những bài thơ thần bí của Hafiz; những hình trang trí trên tường đã hủy hoại đôi mắt của hàng ngàn, không, hàng chục ngàn thợ tiểu họa học việc; những tấm bảng mỏng treo trên cửa hoặc tường; những cặp thơ đối được viết kín đáo giữa những đường viền của tranh minh họa; những chữ ký khiêm tốn được giấu ở chân tường, trong góc, trong những phần trang trí mặt tiền nhà, dưới lòng bàn chân, bên dưới những bụi cây và giữa những tảng đá; những chiếc chăn thêu hoa đắp lên các cặp tình nhân; những chiếc đầu của bọn ngoại giáo bị cắt lìa kiên nhẫn chờ đợi ông nội quá cố của Đức vua khi ông ta diễu hành trong chiến thắng trên pháo đài của kẻ thù; đại bác, súng và lều mà ngay từ hồi trẻ anh đã góp công minh họa và xuất hiện ở hậu cảnh vẽ cảnh bọn sứ thần ngoại giáo hôn chân ông nội vĩ đại của Đức vua; bọn quỷ sứ, có sừng hay không sừng, có đuôi hay không đuôi, với răng nhọn và móng vuốt nhọn, hàng ngàn loài chim khác nhau kể cả chim đầu rìu của Salomon, chim én nhảy nhót, chim cưu và chim họa mi đang hót; những con mèo bình thản và những con chó nhộn nhạo; những đám mây trôi nhanh; những lá cỏ nhỏ xíu duyên dáng được vẽ đi vẽ lại trong hàng ngàn bức tranh; những chiếc bóng vụng về vắt ngang những tảng đá và hàng chục ngàn cây bách, cây tiêu huyền và cây lựu mà lá của chúng được vẽ từng chiếc một với sự kiên nhẫn của Ayyub 1 những lâu đài – và hàng trăm ngàn viên gạch của nó – vốn rập theo những lâu đài từ thời Tamerlane hay Shah Tahmasp nhưng đi cùng những câu chuyện từ những thời đại trước đó rất lâu; hàng chục ngàn ông hoàng u sầu đang lắng nghe những phụ nữ đẹp và các cậu bé ngồi chơi nhạc trên những tấm thảm lộng lẫy trên cánh đồng hoa và dưới hàng cây trổ bông; những bức tranh kỳ lạ trên gốm và thảm có được sự hoàn hảo của chúng nhờ hàng ngàn thợ minh họa học việc từ Samarkand đến Istanbul bị đánh đến chảy nước mắt suốt một trăm năm mươi năm qua; những khu vườn siêu phàm và những con diều đen bay vút mà anh vẫn vẽ với nhiệt tình cũ của anh, những cảnh kinh hoàng về chết chóc và chiến tranh của anh, những vị vua hào hoa đang săn bắn của anh, và với chính sự khéo léo đó, những chú linh dương lồng lên bỏ chạy của anh, những vương hầu hấp hối của anh, những tù nhân chiến tranh của anh, những chiếc thuyền buồm của bọn ngoại giáo và những thành phố thù địch, những đêm tối đen loang loáng chập chờn như thể bóng đêm chảy ra từ ngòi bút, những vì sao, những cây bách giống như ma của anh, những bức tranh về tình yêu và cái chết nhuốm màu đỏ của anh, và tất cả những gì còn lại của anh, tất cả rồi sẽ biến mất…”
Giơ chiếc bình mực lên, anh ta dùng hết sức bình sinh giáng xuống đầu tôi.
Tôi ngã bổ về phía trước dưới sức mạnh của cú đánh. Tôi thấy đau dữ dội đến độ thậm chí không bao giờ hy vọng có thể tả được. Cả thế giới bị cơn đau của tôi bao phủ và nhạt dần sang màu vàng. Phần lớn ý nghĩ của tôi cho rằng cuộc tấn công này là cố ý; nhưng, cùng với cú đánh – hoặc có lẽ vì nó – một phần do dự khác trong ý nghĩ của tôi, để bày tỏ thiện chí một cách đau buồn, lại muốn nói với tên điên vốn đang khao khát trở thành kẻ sát hại tôi: “Hãy thương ta, anh tấn công ta thì thật sai lầm.”
Anh ta giơ bình mực lên lần nữa và giáng xuống đầu tôi.
Lần này, cả phần do dự trong đầu tôi cũng hiểu rằng đây không phải là một nhầm lẫn, mà là sự điên loạn và giận dữ có thể đưa tôi đến cái chết. Tôi quá khiếp hãi trước diễn biến của sự việc đến độ tôi bắt đầu cao giọng, rú lên với tất cả sức lực và đau đớn. Màu của tiếng rú này có thể là màu xanh đồng, và trong cõi đen ngòm của buổi tối trên những con đường vắng vẻ, không ai có thể nghe được màu sắc của nó; tôi biết tôi chỉ có một mình.
Anh ta giật mình bởi tiếng gào của tôi và do dự. Phút giây đó chúng tôi đối mặt nhau. Qua con ngươi của anh ta tôi có thể thấy rằng, bất chấp sự kinh hoàng và bối rối, anh ta sẵn sàng chấp nhận điều anh ta đang làm. Anh ta không còn là nhà tiểu họa tài hoa tôi từng biết, mà là một kẻ bệnh hoạn, hoàn toàn xa lạ không cùng ngôn ngữ với tôi, và cảm giác này kéo dài trạng thái cô lập nhất thời của tôi thành nhiều thế kỷ. Tôi muốn nắm tay anh ta, như để ôm lấy cả thế giới này; điều đó không ích lợi gì. Tôi van xin, hay nghĩ là tôi đã làm thế: “Con trai, con trai yêu quý, làm ơn đừng giết ta.” Như thể trong cơn mơ, anh ta có vẻ không nghe thấy.
Anh ta lại giáng bình mực xuống đầu tôi lần nữa.
Những ý nghĩ của tôi, những gì tôi thấy, ký ức tôi, mắt tôi, tất cả hợp lại với nhau, trở thành nỗi sợ hãi. Tôi không thể thấy màu nào và nhận ra tất cả các màu đã trở thành màu đỏ. Điều tôi nghĩ là máu của tôi là mực đỏ, cái mà tôi cho là mực trên tay anh ta chính là máu tôi đang chảy. Tôi nhận thấy thật là bất công, độc ác và tàn nhẫn biết bao khi phải chết ngay lúc đó. Nhưng đó là kết luận mà đầu óc già nua và đẫm máu của tôi chậm chạp rút ra được. Rồi tôi thấy nó. Những hồi ức của tôi là màu trắng ảm đang giống như tuyết bên ngoài. Tim tôi đau buốt khi nó đập mạnh như thể ngay trong miệng tôi.
Giờ tôi sẽ mô tả cái chết của tôi. Có lẽ các vị đã hiểu điều này từ lâu: Cái chết không phải là sự kết thúc, điều này là chắc chắn. Tuy nhiên, như nó được miêu tả đầy trong sách vở, cái chết là điều gì đau đớn ngoài khả năng thấu hiểu. Như thể không chỉ cái sọ và bộ óc bị đập bể của tôi mà tổng bộ phận của tôi, hợp nhất với nhau, đang cháy và quằn quại vì đau đớn. Chịu đựng cơn đau vô hạn này thật quá khó đến độ một phần trong ý thức của tôi phản ứng lại – như thể đây là chọn lựa duy nhất của nó – bằng cách quên đi nỗi thống khổ này và tìm một giấc ngủ nhẹ nhàng.
Trước khi chết, tôi nhớ lại truyền thuyết Assyria mà tôi nghe khi còn thanh niên. Một ông già, sống một mình, rời khỏi giường lúc nửa đêm và uống một ly nước. Ông đặt ly lên đầu bàn và phát hiện ra cây nến ở đó đã biến đâu mất. Nó đi đâu? Một vệt ánh sáng mỏng manh phát ra từ bên trong. Ông theo ánh sáng đó, lần trở lại phòng ngủ của mình và phát hiện có ai đó đang cầm cây nến mà nằm trên giường ông. “Ông là ai?” ông ta hỏi. “Ta là Thần chết,” người lạ đáp. Ông già choáng váng trước sự im lặng bí ẩn này. Rồi ông ta nói, “Vậy là ông đã đến.” “Phải,” Thần chết ngạo mạn đáp. “Không,” ông già nói một cách dứt khoát, ông chỉ là giấc mơ dang dở của tôi.” Ông già bất ngờ thổi tắt cây nến trên tay người lạ và mọi thứ biến mất trong bóng đêm. Ông già bước lên chiếc giường trống trơn của mình, ngủ và sống thêm hai mươi năm nữa. Tôi biết đây không phải là số phận của tôi. Anh ta nện bình mực xuống đầu tôi lần nữa.
Tôi đang trong trạng thái đau đớn cùng cực đến độ tôi chỉ có thể mơ hồ cảm nhận được sự va chạm này. Anh ta, bình mực và căn phòng được soi sáng một cách yếu ớt bằng ánh nến đã bắt đầu tàn lụi.
Nhưng, tôi vẫn còn sống. Nỗi khao khát của tôi muốn bám víu vào thế giới này, bỏ chạy và thoát khỏi anh ta, việc tôi vung hai bàn tay và cánh tay cố che lấy mặt và cái đầu đầy máu, cái cách tôi cắn cổ tay anh ta, chắc vậy, và bình mực đập vào mặt tôi, tất cả khiến tôi ý thức được mình còn sống.
Chúng tôi vật lộn một hồi, nếu có thể gọi vậy. Anh ta rất mạnh và hết sức kích động. Anh ta vật tôi nằm ngửa ra. Tì hai gối lên vai tôi, anh ta đè chặt tôi sát đất, trong khi say sưa nói bằng giọng đầy khinh thường, hằn học với tôi, một ông già đang hấp hối. Có lẽ vì tôi không thể hiểu mà cũng không thể lắng nghe anh ta, có lẽ vì tôi không thích nhìn vào đôi mắt đỏ ngầu của anh ta, nên anh ta đánh vào đầu tôi một cái nữa. Khuôn mặt và thân thể anh ta trở nên đỏ chói do mực trong bình văng tung toé, mà tôi cho rằng do cả máu của tôi.
Đau buồn bởi điều cuối cùng tôi thấy trên cõi đời này lại là kẻ sẽ trở thành kẻ thù của tôi, tôi nhắm mắt lại. Ngay sau đó, tôi thấy một ánh sáng dịu nhẹ, ánh sáng này ngọt ngào và quyến rũ như giấc ngủ mà tôi nghĩ nó sẽ giải thoát ngay tức khắc mọi đau đớn của tôi. Tôi thấy một bóng dáng trong ánh sáng đó và như một đứa trẻ, tôi hỏi, “Ông là ai?”
“Chính ta đây, Azrael, Thiên sứ của Thần chết”, ông ta nói. “Ta là kẻ kết thúc hành trình của con người ở thế gian này. Ta là người chia cách trẻ con khỏi mẹ, vợ khỏi chồng, những tình nhân khỏi vòng tay nhau và những người cha khỏi con gái họ. Không ai trên cõi đời này tránh gặp ta được.”
Khi tôi hiểu rằng cái chết là không thể tránh khỏi, tôi khóc.
Nước mắt tôi khiến tôi khát ghê gớm. Một mặt là nỗi đau đến mụ người vì khuôn mặt và đôi mắt tôi đẫm máu; mặt khác nó là nơi sự điên cuồng và tàn bạo chấm dứt, nhưng nơi đó thật lạ lẫm và kinh khủng. Tôi biết nó là cõi rực rỡ ấy. Xứ của Người chết, nơi Azrael vẫy gọi tôi đến, và tôi thấy sợ. Dù vậy, tôi biết mình không thể nán lại cái thế giới đang khiến tôi phải quằn quại và kêu gào vì đau đớn này thêm nữa. Trên vùng đất đầy đau khổ dằn vặt khủng khiếp này không có chỗ cho tôi tìm kiếm sự an ủi. Nếu ở lại, tôi phải chấp nhận sự đau đớn quá sức chịu đựng này và điều đó là không thể đối với tình cảnh già nua của tôi.
Ngay trước khi chết tôi thực sự khao khát được chết, và đồng thời tôi hiểu ra câu trả lời cho câu hỏi mà tôi đã dành cả đời suy ngẫm, câu trả lời tôi không thể tìm thấy trong sách vở: Làm thế nào mà mọi người, không trừ ai, đều chết được? Đó chính xác là do nỗi khao khát đơn giản được chết. Tôi cũng hiểu rằng cái chết sẽ khiến tôi trở thành một kẻ khôn ngoan hơn.
Tuy nhiên lòng tôi vẫn đầy nỗi do dự của một người sắp bước vào một cuộc hành trình dài và không thể ngăn mình nhìn một lần cuối căn phòng của mình, tài sản của mình, ngôi nhà của mình. Trong nỗi hoảng loạn, tôi ước ao được thấy mặt con gái tôi lần cuối. Tôi mong muốn điều này đến độ tôi sẵn sàng nghiến chặt răng một hồi lâu nữa mà chịu đựng cơn đau cùng cơn khát ngày càng tăng, những mong Shekure trở về.
Vì vậy, ánh sáng dịu nhẹ và chết chóc trước mặt tôi nhạt đi ít nhiều, đầu óc tôi đón nhận những âm thanh và tiếng động của cái thế giới nơi tôi đang nằm hấp hối. Tôi có thể nghe tên giết người đi quanh phòng, mở tủ, lục tung các tờ giấy cố tìm cho được bức tranh cuối cùng. Khi hắn không kiếm được gì, tôi nghe tiếng hắn cạy tung thùng thuốc màu của tôi và đá mấy cái rương, hộp, lọ mực, cái bàn làm việc. Tôi có cảm giác rằng thỉnh thoảng tôi lại cất tiếng rên, và vặn vẹo bằng đôi tay già nua cùng đôi chân mệt mỏi. Và tôi chờ đợi.
Cơn đau của tôi không dịu đi chút nào. Tôi dần dần lịm đi và không còn cắn chặt răng được nữa, nhưng một lần nữa, tôi cố gắng chờ đợi.
Rồi tôi chợt nghĩ, nếu Shekure về nhà, con bé sẽ chạm trán tên giết người man rợ này. Thậm chí tôi không muốn nghĩ về điều này nữa. Ngay lúc đó, tôi có cảm giác tên giết người đã ra khỏi phòng. Chắc hắn đã tìm thấy bức tranh cuối cùng.
Tôi thấy khát nước dữ dội nhưng vẫn chờ. Đến ngay đi, con gái cưng, Shekure yêu quý, đến đi.
Con bé không đến.
Tôi không còn sức để chịu đựng cơn đau. Tôi biết mình sẽ chết mà không thấy mặt con bé. Điều này quá cay đắng đến độ tôi muốn chết vì đau đớn. Sau đó, một khuôn mặt tôi chưa từng thấy xuất hiện bên trái tôi, và luôn giữ nụ cười, ông ta tử tế đưa tôi một ly nước.
Quên mọi thứ khác, tôi tham lam với lấy ly nước.
Ông ta kéo ly nước về. “Hãy vạch mặt Tiên tri Muhammad là một kẻ nói dối,” ông ta nói. “Hãy phủ nhận tất cả những gì ông ta đã nói.”
Đó là Satan. Tôi không trả lời, thậm chí tôi không hề sợ hắn. Vì tôi chưa từng tin rằng hội họa đã đi đến chỗ bị hắn lừa đảo, tôi vững tin chờ đợi. Tôi mơ về một chuyến hành trình bất tận đang chờ tôi và mơ về tương lai của tôi.
Trong khi đó, khi vị thiên thần rục rỡ, người tôi vừa mới thấy đến gần tôi, Satan biến mất. Một phần trong tôi hiểu rằng vị thiên sứ rực sáng khiến Satan phải bỏ đi đó là Azrael. Nhưng một phần nổi loạn khác trong đầu tôi nhớ rằng trong Kitab al-Qiyamah có viết Azrael là một thiên sứ có hàng ngàn đôi cánh trùm cả Đông và Tây và có thể nắm cả thế giới này trong tay.
Khi tôi càng lúc càng bối rối, vị thiên sứ giữa ánh sáng tiến đến gần như để giúp tôi, và đúng vậy, như Gazzali đã ghi trong Jawahir al-Qur”an wa dararuh 2, thiên sứ nói dịu dàng:
“Hãy mở miệng ra để linh hồn con được ra đi.”
“Miệng con chưa từng phát ra điều gì ngoài bài kinh besmele,” tôi trả lời Người.
Tuy nhiên đây chỉ là cái cớ cuối cùng, tôi biết mình không thể cầm cự được nữa, rằng thời điểm của tôi đã đến. Trong giây lát tôi thấy bối rối khi phải để lại thân thể xấu xí nhuốm máu của mình trong tình trạng khốn khổ này cho con gái, kẻ mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại. Nhưng tôi muốn rời bỏ thế giới này, rũ bỏ nó giống như cởi một chiếc áo chật chội thít chặt lấy tôi.
Tôi mở miệng và đột nhiên tất cả trở thành màu sắc như trong những bức tranh về chuyến hành trình Miraj 3 của đấng Tiên tri của chúng ta, trong chuyến đi đó Người đã viếng Thiên đàng. Mọi thứ chìm trong vẻ sáng chói rực rỡ như được tô tràn với một nước sơn bằng vàng. Những giọt lệ đau đớn chảy ra từ mắt tôi. Hơi thở căng thẳng từ phổi tuôn ra khỏi miệng tôi. Tất cả bao trùm trong sự im lặng lạ thường.
Bây giờ tôi có thể thấy linh hồn rời khỏi thân xác tôi và tôi nằm gọn trong lòng bàn tay của Azrael. Linh hồn tôi, bằng cỡ con ong, được tắm trong ánh sáng, nó run lên khi rời khỏi thân xác tôi và tiếp tục run rẩy giống thủy ngân trong lòng bàn tay Azrael. Ý nghĩ tôi không hướng về thế giới này, mà hướng về một cõi mới mẻ xa lạ mà tôi vừa được bước vào.
Sau nhiều đau đớn như thế, sự bình yên trùm lên tôi. Cái chết không gây đau đớn như tôi vẫn sợ, trái lại, tôi nhẹ nhõm, nhanh chóng nhận ra rằng tình cảnh hiện tại của tôi là vĩnh viễn, còn những ràng buộc tôi cảm thấy trong cuộc sống chỉ là nhất thời. Từ giờ trở đi nó sẽ cứ như thế, hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, cho đến tận cùng của vũ trụ. Điều này không làm tôi giận dữ hay sung sướng. Những biến cố tôi từng chịu đựng một cách nhanh chóng và liên tiếp giờ đây trải khắp không gian bao la và tồn tại đồng thời. Giống như trong một bức tranh tờ đôi lớn, ở đó một nhà tiểu họa thông minh đã vẽ một số điều không liên quan với nhau ở mỗi góc – nhiều thứ đang xảy ra cùng một lúc.
— —— —— —— ——-
1 Ayyub: Nhân vật được nhắc tới trong Kinh Koran, được coi như một tiên tri của đạo Hồi. Trong tiếng Ẳ Rập, tên gọi này biểu tượng cho đức kiên nhẫntuy nó không hề mang nghĩa đó. Ayyub chính là nhân vật Job trong Cựu ước, người đã bình thản chịu đựng mọi bất hạnh mà không oán than Thượng đế, và sau đó được ban nhiều ơn phước.
2 Những viên ngọc tuyệt vời trong kinh Koran.
3 Miraj: một từ trong tiếng Ẳ Rập để chỉ phần thứ nhì trong một cuộc hành trình của Muhammad trong một đêm vào năm thứ nhất lịch Hồi giáo (tức năm 621) từ Mecca đến Jerusalem, trong đó có việc Muhammad bước vào thiên đàng. Đa số tín đồ Hồi giáo tin rằng đây là chuyến đi thật, còn nhiều học giả cho rằng đấy chỉ là giấc mơ.