Tôi xuất hiện ở Ghazni khi nhà thơ Firdusi tác giả Shahnameh hoàn tất dòng cuối cùng của một khổ thơ tứ tuyệt với những vần điệu rắc rối nhất, đánh bại những nhà thơ cung đình của vua Mahmud, những kẻ đã cười nhạo ông chẳng là gì khác hơn một nông dân. Tôi ở đó trong ống tên của nhân vật Rustem trong Shahnameh khi chàng đi khắp nơi truy tìm con ngựa đã mất của chàng; tôi trở thành máu phọt ra khi chàng chém tên khổng lồ độc ác đứt làm hai bằng thanh gươm tuyệt vời của chàng; và tôi nằm trên những nếp gấp của cái mền mà trên đó chàng đã làm tình dữ dội với cô con gái yêu kiều của vị vua đã tiếp đón chàng như một thượng khách. Thật sự thì tôi đã và đang có mặt khắp nơi. Tôi hiện lên khi tên Tur phản bội chém đầu em trai Iraj của hắn ta; khi những đội quân huyền thoại, ngoạn mục như một giấc mơ, giao chiến trên những thảo nguyên; và khi máu của Alexander lấp lánh chảy từ chiếc mũi thanh tú sau khi ông bị cảm nắng. Vâng. Quốc vương Behram Gur đã ngủ mỗi đêm với một người đẹp khác nhau dưới nhiều mái vòm có màu khác nhau ở những vùng đất xa xôi, lắng nghe câu chuyện nàng ta kể, và tôi ở trên quần áo của cô gái hấp dẫn mà ông ta đến thăm vào một ngày thứ Ba, cô gái mà ông yêu ngay khi nhìn thấy chân dung, cũng như tôi xuất hiện trên từ chiếc mũ đến khăn choàng của Husrev, người đã yêu bức tranh vẽ nàng Shirin. Thực sự, tôi hiện rõ trên cờ xí của những đội quân đang bao vây các pháo đài, trên tấm khăn phủ những chiếc bàn chuẩn bị cho bữa tiệc, trên áo choàng nhung của những sứ thần đang hôn chân các vị vua, và ở bất kỳ nơi nào người ta có vẽ thanh gươm, mà truyền thuyết của nó bọn trẻ rất thích. Vâng, những thợ học việc có đôi mắt hình trái hạnh đào đã phết tôi bằng những cây cọ thanh tú lên những tờ giấy dày được làm ở Hindustan và Bukhara; tôi đã tô điểm những tấm thảm Ushak, hoa văn trang trí tường, mào của những chú gà đá, những quả lựu, những trái cây ở các miền đất huyền thoại, miệng của Satan, những nét nhấn tinh tế trong phần viền bức tranh, nét thêu loăn xoăn trên những căn lều, những bông hoa khó nhìn rõ bằng mắt trần được làm vì niềm vui thích riêng của họa sĩ, những chiếc áo cánh trên người các phụ nữ tuyệt trần với chiếc cổ vươn dài nhìn đường phố qua tấm mành hé mở, đôi mắt đỏ tươi của những tượng chim làm bằng đường, đôi vớ của những người chăn cừu, những buổi bình minh được mô tả trong các truyền thuyết và xác chết cùng vết thương của hàng ngàn, không, hàng chục ngàn cặp tình nhân, chiến binh và vua chúa. Tôi thích tham dự vào những cảnh chiến tranh nơi máu loang nở như những đóa hoa anh túc; xuất hiện trên áo choàng của thi sĩ tài giỏi nhất đang lắng nghe nhạc trong một chuyến đi dạo miền quê khi những cậu trai và nhà thơ tuấn tú uống rượu vang; tôi thích trang trí cánh của các thiên thần, đôi môi các thiếu nhi, những vết thương chí mạng của xác chết và những cái đầu bị cắt lìa nhuốm máu.
Tôi nghe câu hỏi trên môi các người: Là một màu nghĩa là gì?
Màu là sự cảm nhận của mắt, âm nhạc đối với người điếc, lời nói từ bóng tối. Bởi vì tôi đã lắng nghe những linh hồn thì thầm – giống như tiếng rì rào của gió – từ cuốn sách này đến cuốn sách khác và vật thể này đến vật thể khác trong hàng chục ngàn năm, nên hãy cho phép tôi nói rằng cảm nhận của tôi giống cảm nhận của các thiên thần. Một phần trong tôi, phần nửa nghiêm túc thu hút tầm quan sát của các người trong khi phần nửa hạnh phúc bay vút cao trong không gian với cái nhìn của các người.
Tôi thật may mắn được là màu đỏ! Tôi bùng cháy. Tôi mạnh mẽ. Tôi biết người ta chú ý đến tôi và người ta không thể cưỡng lại tôi.
Tôi không giấu mình: Với tôi sự mềm mại lộ ra không phải trong sự yếu đuối hay tinh tế, mà qua quyết tâm và ý chí. Vì vậy, tôi lôi kéo sự chú ý về phía mình. Tôi không sợ những màu khác, bóng tối, đám đông hoặc thậm chí cả sự cô đơn. Tuyệt vời làm sao khi được phủ lên bề mặt đang chờ đợi tôi với thực thể bách thắng của chính tôi! Bất cứ nơi nào tôi trải ra, tôi lại thấy những ánh mắt bừng sáng, những nhiệt tình gia tăng, những đôi mày nhướng lên và những nhịp tim đập nhanh. Nhìn xem tuyệt vời làm sao khi được sống! Nhìn xem tuyệt vời làm sao khi được thấy. Nhìn xem: Sống là thấy. Tôi ở khắp nơi. Cuộc sống bắt đầu với tôi và trở lại với tôi. Hãy tin những gì tôi nói với các người.
Hãy im lặng lắng nghe cách tôi phát triển một sắc độ đỏ lộng lẫy như thế nào. Một nhà tiểu họa bậc thầy, một chuyên gia về thuốc màu, dùng chày và cối điên cuồng nghiền nhiều loại bọ cánh cứng đỏ tốt nhất từ vùng khí hậu nóng nhất thuộc Ấn Độ đã phơi khô thành một thứ bột nhuyễn. Anh ta chuẩn bị năm đồng drachma bột đỏ, một drachma cỏ kiềm và nửa drachma phẩm màu. Anh ta đun sôi cỏ kiềm trong một cái nồi chứa ba cân nước. Kế đến anh ta trộn đều phẩm trong nước. Anh ta đun nó sôi trong khoảng thời gian đủ để uống một tách cà phê hảo hạng. Khi anh ta thưởng thức cà phê, tôi càng lúc càng bồn chồn như một đứa trẻ sắp ra đời. Cà phê làm minh mẫn đầu óc bậc thầy đó và cho anh ta đôi mắt của một âm hồn. Anh ta trút bột đỏ vào ấm nước và trộn kỹ hỗn hợp đó bằng một chiếc que mảnh và sạch được dành riêng cho việc này. Tôi đã sẵn sàng để trở thành màu đỏ đích thực. Nhưng độ đậm và nhuyễn của tôi là vấn đề quan trọng nhất: Chất lỏng này không được để cho sôi cạn đi. Anh ta quết đầu que khuấy vào móng tay cái (những ngón tay khác hoàn toàn không chấp nhận được). Ôi tuyệt vời làm sao được là màu đỏ! Tôi duyên dáng sơn móng tay cái đó mà không bị chảy ra hai bên vì độ loãng. Tóm lại, tôi có độ đậm đặc thích hợp, nhưng tôi vẫn còn cặn. Anh ta nhấc nồi xuống và lọc tôi qua một miếng vải the sạch, làm tôi tinh khiết hơn. Kế đến anh ta đun nóng tôi lần nữa, cho tới lúc sủi bọt hai lần nữa. Sau khi thêm một nhúm phèn bột, anh ta để tôi nguội lại.
Vài ngày trôi qua tôi vẫn ở yên đó trong nồi. Với dự trù sẽ được phết lên giấy, được trải khắp nơi và tô lên mọi thứ, thì việc ở yên một chỗ như vậy đã làm tan nát trái tim và linh hồn tôi.
Chính trong thời kỳ im lặng này mà tôi trầm tư về chuyện làm thân phận màu đỏ thì có ý nghĩa gì.
Có lần tại một thành phố Ba Tư, khi tôi được một thợ học việc dùng cọ phết lên phần thêu của miếng vải phủ yên ngựa mà một nhà tiểu họa mù đã vẽ theo ký ức, tôi nghe lỏm được hai thợ cả mù tranh luận:
“Bởi vì chúng ta đã dành cả cuộc đời một cách nhiệt tình và chung thủy để làm công việc của những họa sĩ, đương nhiên, chúng ta, những kẻ hiện đã mù, biết màu đỏ, nhớ nó là màu gì và nó có cảm giác ra sao,” người vẽ con ngựa qua ký ức nói. “Nhưng nếu chúng ta sinh ra đã mù thì sao? Làm sao chúng ta có thể hiểu đúng cái màu đỏ mà tay thợ học việc đẹp trai của chúng ta đang dùng?”
“Một vấn đề rất hay,” người kia nói. “Nhưng đừng quên rằng người ta không biết màu sắc, mà cảm nhận chúng.”
“Ông bạn thân mến, hãy giải thích màu đỏ cho người chưa bao giờ biết màu đỏ đi.”
“Nếu chúng ta sờ nó bằng đầu ngón tay, nó sẽ cho cảm giác về một thứ gì đó giữa sắt với đồng. Nếu chúng ta nắm nó trong lòng bàn tay, nó sẽ cháy. Nếu chúng ta nếm, nó sẽ đậm đà, như thịt muối. Nếu chúng ta ngậm nó giữa hai môi, nó sẽ đầy miệng. Nếu chúng ta ngửi, nó sẽ có mùi ngựa. Nếu nó là một đóa hoa, nó sẽ có mùi hoa cúc trắng, chứ không phải hoa hồng đỏ.”
Cách nay một trăm mười năm ngành nghệ thuật Venice chưa là một đe dọa để các nhà cai trị của chúng ta phải quan tâm và những bậc thầy huyền thoại tin vào những phương pháp của họ một cách nhiệt thành như tin vào Allah, vì vậy họ xem cái cách người Venice sử dụng các sắc độ đỏ khác nhau cho từng vết gươm chém bình thường và thậm chí cho thứ vải bao tải tầm thường nhất là một dạng bất kính và thô lậu hầu như không đáng một tiếng cười khẩy. Chỉ một nhà tiểu họa yếu kém và do dự mới sử dụng những sắc độ đỏ khác nhau để vẽ màu đỏ của một chiếc áo choàng, họ khẳng định – những mảng tối không phải là một lý do. Ngoài ra chúng tôi chỉ tin một màu đỏ duy nhất.
“Ý nghĩa của màu đỏ là gì?” nhà tiểu họa mù đã vẽ con ngựa theo ký ức lại hỏi.
“Ý nghĩa của màu là ở chỗ nó có ở đó trước mặt chúng ta và chúng ta thấy nó,” người kia nói. “Anh không thể giải thích màu đỏ với người không thấy được nó.”
“Để phủ nhận Thượng đế, những kẻ theo Satan vẫn cho rằng Thượng đế không hữu hình đối với chúng ta,” nhà tiểu họa mù đã vẽ con ngựa nói.
“Nhưng, Người hiện ra với những ai có thể nhìn thấy,” người thợ cả kia nói. “Vì lý do này mà kinh Koran phán rằng việc mù và thấy là không như nhau.”
Tay thợ học việc đẹp trai quệt nhẹ tôi lên miếng vải phủ yên ngựa. Cảm giác gắn sự sung mãn, sức mạnh và sinh lực của tôi với màu trắng và đen của một bức tranh minh họa đẹp thật kỳ diệu làm sao: Khi chiếc cọ bằng lông mèo phết tôi lên tờ giấy trải sẵn, tôi nhột nhạt một cách đầy thú vị. Bằng cách đó, tôi mang màu của tôi đến trang giấy, nó tựa như tôi ra lệnh cho thế giới này “Hãy hiện hữu!” Phải, những ai không thể thấy sẽ chối bỏ nó, nhưng sự thật là người ta có thể thấy tôi ở khắp nơi.