Những vị khách cuối cùng trong đám cưới buồn hiu của chúng tôi che mạng lên và mặc áo ấm, mang giày, lôi bọn trẻ của họ ra, chúng vừa theo cha mẹ vừa tọng những viên kẹo cuối cùng vào miệng, để chúng tôi lại với sự im lặng sâu lắng. Tất cả chúng tôi đang ở trong sân, chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng động sẽ sàng của con chim sẻ rón rén uống nước trong cái xô đựng nước giếng lưng phân nửa. Con chim sẻ này, với những chiếc lông trên cái đầu bé xíu lấp lánh trong ánh sáng của lò sưởi lát đá, bất ngờ biến mất vào đêm đen, và tôi cảm thấy sự hiện hữu bất di bất dịch của xác chết trên giường cha tôi trong ngôi nhà trống trải của chúng tôi bây giờ bị bóng đêm nuốt chửng.
“Này mấy đứa,” tôi nói bằng ngữ điệu mà Orhan và Shevket nhận ra ngay là giọng tôi dùng để thông báo một điều gì đó, “lại đây cả hai đứa.”
Chúng đến.
“Siyah bây giờ là cha các con. Các con hôn tay cha đi.”
Chúng làm theo, lặng lẽ và ngoan ngoãn. “Vì chúng lớn lên mồ côi cha, nên bọn trẻ bất hạnh này không biết vâng lời cha, không chú ý đến lời của cha trong khi nhìn vào mắt cha, hoặc tin cậy vào cha,” tôi nói với Siyah. “Vì vậy, nếu chúng cư xử vô lễ, ngang bướng, non nớt hoặc trẻ con với anh, em biết rằng trước hết anh sẽ dung thứ, hiểu rằng chúng lớn lên mà chưa từng một lần vâng lời cha chúng, người mà thậm chí chúng không nhớ nữa.”
“Con nhớ cha con,” Shevket nói.
“Im… nghe này,” tôi nói. “Từ giờ trở đi lời của Siyah thậm chí còn quan trọng hơn cả lời của mẹ.” Tôi đối mặt với Siyah. “Nếu chúng không nghe anh nói, nếu chúng không vâng lời hay thậm chí có dấu hiệu hỗn láo nào dù nhỏ nhất, hư hỏng hoặc bất lịch sự trước hết anh hãy cảnh cáo chúng, nhưng hãy tha thứ cho chúng,” tôi nói, bỏ ý định đề cập đến việc roi vọt vốn đang chực thốt ra. “Nếu em chiếm được chỗ nào trong tim anh, thì chúng cũng được chia sẻ chỗ đó.”
“Anh không cưới em chỉ để làm chồng em, mà còn để làm cha những đứa trẻ đáng yêu này nữa.” Siyah nói.
“Hai đứa có nghe thấy không?”
“Ôi đấng tối cao, cầu xin Người không quên chiếu ánh sáng của Người xuống chúng tôi,” Hayriye đột ngột lên tiếng từ trong góc phòng. “Lạy Thượng đế, cầu xin Ngài che chở chúng con.”
“Cả hai đứa nghe thấy rồi, phải không?” tôi nói. “Tốt cho các con đấy, hai con trai của mẹ. Vì cha đã yêu các con như vậy, nên nếu các con bất ngờ mất tự chủ và coi thường lời của cha, cha sẽ tha thứ cho các con vì chuyện đó từ trước rồi.”
“Và sau này anh cũng tha thứ cho chúng luôn,” Siyah nói.
“Tuy nhiên nếu hai đứa coi thường lời cảnh cáo của cha lần thứ ba… lúc đó các con đáng bị ăn đòn đấy,” tôi nói. “Hai đứa hiểu chứ? Cha mới của các con, Siyah, đến đây từ những trận đánh tồi tệ nhất, xấu xa nhất, từ những cuộc chiến vốn dĩ chính là cơn phẫn nộ của Thượng đế và từ những cuộc chiến mà người cha quá cố của các con không trở về; phải, cha là người đàn ông cứng rắn, ông ngoại đã làm hư các con vì nuông chiều quá mức. Ông ngoại hiện bệnh rất nặng.”
“Con muốn đến với ông,” Shevket nói.
“Nếu con không lắng nghe, Siyah sẽ dạy chúng con biết một trận đòn địa ngục nghĩa là gì. Ông ngoại sẽ không cứu các con thoát khỏi tay Siyah theo cách ông cứu các con khỏi tay mẹ đâu. Nếu không muốn chịu cơn thịnh nộ của cha, các con không được gây lộn nữa, các con phải nhường nhau mọi thứ, không nói dối, đọc kinh cầu nguyện, không đi ngủ trước khi thuộc bài, không ăn nói thô lỗ với Hayriye hay chọc ghẹo chị ấy…Các con hiểu chưa?”
Bằng một động tác, Siyah cúi xuống bế Orhan lên. Shevket vẫn giữ khoảng cách. Tôi thoáng muốn ôm nó và khóc. Đứa con côi cút bất hạnh tội nghiệp của tôi, Shevket cô đơn đáng thương của tôi, con quá cô độc trong thế giới mênh mông này. Tôi nghĩ về chính mình khi còn nhỏ, giống như Shevket, một đứa trẻ hoàn toàn cô độc trên đời, và nhớ tôi đã từng nằm trong vòng tay người cha yêu quý của tôi như Orhan hiện đang nằm trong vòng tay Siyah. Nhưng không như Orhan, tôi không lúng túng trong vòng tay của cha tôi, giống như một quả không quen với cái cây của nó. Tôi thấy hài lòng, tôi nhớ lại cha tôi với tôi thường ôm nhau, ngửi mùi da thịt của nhau như thế nào. Tôi sắp khóc, nhưng cố kìm lại.
Dù tôi không có ý định nói một điều gì đại loại như thế, nhưng tôi vẫn nói:
“Bây giờ các con gọi Siyah là “Cha” cho mẹ nghe xem.”
Đêm quá lạnh và ngoài sân quá yên tĩnh. Xa xa chó sủa, tru lên thống thiết và buồn bã. Vài phút trôi qua. Im lặng bao trùm và thầm kín lan rộng như một bông hoa đen.
“Được rồi, các con,” hồi lâu sau tôi nói. “Vào trong nhà kẻo không lại nhiễm lạnh ngoài đây mất.”
Không chỉ Siyah với tôi cảm thấy sự bẽn lẽn của một cô dâu và chú rể bị bỏ lại một mình với nhau sau lễ cưới, mà cả Hayriye và bọn trẻ, tất cả chúng tôi, đều ngập ngừng bước vào nhà của mình như thể nó là ngôi nhà tối tăm của một kẻ lạ. Chúng tôi gặp phải mùi xác chết của cha tôi, nhưng không ai tỏ vẻ nhận ra điều đó. Chúng tôi lặng lẽ leo lên lầu, và những chiếc bóng hắt lên trần qua ánh sáng của ngọn đèn dầu, như mọi khi, xoay tròn và hòa vào nhau, lúc giãn ra, khi co lại, nhưng có vẻ như đang làm thế lần đầu. Trên lầu, khi chúng tôi cởi giày ngoài hành lang, Shevket hỏi: “Trước khi đi ngủ con hôn tay ông ngoại được không?”
“Tôi vừa vào thăm ông xong,” Hayriye nói. “Ông ngoại cậu đau đớn và khó chịu đến độ ta thấy rõ là ác thần đã tóm được ông. Sốt cao làm ông kiệt sức. Lên phòng cậu đi, để tôi dọn giường cho cậu.”
Hayriye dắt chúng vào phòng. Trong khi trải nệm và khăn phủ mền ra, chị ta làm như mọi món chị ta cầm là một thứ độc đáo lạ thường trên thế giới và lẩm bẩm về chuyện ngủ ở đây, trong căn phòng ấm giữa những tấm khăn sạch và mền ấm, thì chẳng khác gì qua đêm trong cung điện nhà vua.
“Hayriye, kể chuyện cho tụi em nghe đi.” Orhan nói trong khi ngồi trên bô.
“Ngày xửa ngày xưa có một người màu xanh.” Hayriye kể, “và bạn thân nhất của ông ta là một âm hồn.”
“Tại sao người đó có màu xanh?” Orhan hỏi.
“Lạy thánh thần, Hayriye.” Tôi nói. “Ít nhất thì tối nay cũng đừng kể chuyện âm hồn hay ma quỷ nữa.”
“Sao không được kể?” Shevket hỏi. “Mẹ ơi tụi con ngủ rồi mẹ sẽ qua chỗ ông ngoại hả?”
“Ông ngoại con, cầu xin Allah che chở, bệnh nặng lắm.” Tôi nói. “Dĩ nhiên ban đêm mẹ sẽ ở cạnh ông để chăm sóc. Sau đó mẹ sẽ quay lại với các con, đúng không?”
“Có Hayriye chăm sóc ông rồi.” Shevket nói. “Bộ ban đêm Hayriye không chăm sóc ông sao?”
“Cậu xong chưa?” Hayriye hỏi Orhan. Khi chị ta chùi đít Orhan bằng miếng giẻ ướt, mặt nó bơ phờ. Chị ta nhìn vào bô và nhăn mặt, không phải vì cái mùi, mà như thể những gì chị ta thấy là chưa đủ.
“Hayriye.” Tôi nói. “Đổ bô rồi đem nó vô đây nghe. Tôi không muốn Shevket rời phòng lúc nửa đêm.”
“Sao con không được rời khỏi phòng?” Shevket hỏi. “Sao Hayriye không được kể chuyện ma quỷ?” Bởi vì có âm hồn trong nhà này rồi, ngốc ạ,” Orhan nói, không phải vì sợ hãi, mà với tinh thần lạc quan ngu ngốc mà tôi luôn nhận thấy sau khi nó đi ỉa xong.
“Mẹ, có âm hồn ở đây hả?”
“Nếu con rời khỏi phòng, nếu con cố đi gặp ông ngoại, âm hồn sẽ bắt con.”
“Siyah bày giường ở đâu?” Shevket hỏi. “Tối nay ông ấy ngủ ở đâu?”
“Mẹ không biết.” Tôi nói. “Hayriye sẽ dọn giường cho ông ấy.”
“Mẹ ơi mẹ ngủ với tụi con, phải không?” Shevket nói.
“Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi? Mẹ vẫn ngủ với hai con như trước đây.”
“Lúc nào cũng vậy hả?”
Hayriye đi đổ bô. Từ trong tủ nơi tôi đã cất giấu, tôi lấy ra chín bức tranh còn lại mà tên giết người khốn nạn đã bỏ lại rồi ngồi xuống giường. Dưới ánh nến, tôi nhìn chúng chăm chú hồi lâu, cố hiểu bí mật của chúng. Những bức minh họa này đủ đẹp để ta có thể lầm chúng là những ký ức đã quên mất của chính ta; và với phần chữ viết, khi ta nhìn vào chúng, chúng liền lên tiếng.
Tôi đắm mình vào những bức tranh. Qua mùi thơm từ cái đầu xinh đẹp của Orhan mà tôi dụi mũi vào, tôi hiểu rằng nó cũng nhìn vào màu Đỏ đáng ngờ và kỳ cục đó. Như đôi khi vẫn xảy ra, tôi bị thôi thúc muốn vạch vú ra cho nó bú. Sau đó, khi Orhan sợ hãi trước bức tranh khủng khiếp vẽ Thần chết, nó nhẹ nhàng và dịu dàng thở bằng cái miệng đỏ tươi, bất chợt tôi muốn ăn thịt nó.
“Mẹ sẽ ăn thịt con, con hiểu không?”
“Mẹ, cù lét con đi,” nó nói và nằm lăn ra.
“Đứng dậy, nhanh lên nhóc con.” Tôi hét lên và phát vào mông nó. Nó đã nằm lên các bức tranh. Tôi kiểm tra các bức minh họa; rõ ràng chưa có thiệt hại gì. Hình ảnh con ngựa của bức tranh trên cùng hơi bị nhàu, nhưng khó phát hiện.
Hayriye bước vào với chiếc bô không. Tôi gom các bức tranh lại và sắp rời phòng thì Shevket bật khóc: “Mẹ ơi mẹ tính đi đâu?”
“Mẹ trở vô liền mà.”
Tôi băng qua hành lang lạnh ngắt. Siyah ngồi đối diện chiếc nệm trống của cha tôi, đúng vị trí anh đã ngồi bàn về hội họa và luật phối cảnh với ông suốt bốn ngày. Tôi trải những bức tranh lên giá đọc sách, trên nệm và dưới sàn nhà trước mặt anh. Màu sắc bất chợt tràn ngập căn phòng đốt nến với một sự ấm áp và sống động kỳ lạ, như thể mọi thứ được đưa vào chuyển động.
Hoàn toàn bất động, chúng tôi nhìn những bức tranh hồi lâu im lặng và đầy thành kính. Thậm chí khi chúng tôi làm động tác nhẹ nhàng nhất, bầu không khí yên tĩnh, vốn mang mùi cái chết từ căn phòng bên kia hành lang rộng, cũng làm ánh nến đung đưa và những bức minh họa bí ẩn của cha tôi cũng có vẻ như chuyển động. Phải chăng những bức tranh có ý nghĩa quan trọng như thế đối với tôi bởi chúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cha tôi? Tôi có bị mê hoặc bởi nét đặc biệt của con ngựa hay vẻ lạ thường của màu Đỏ, bởi sự khốn khổ của cội cây hay nỗi buồn của hai tín đồ khổ tu lang thang, hay đó là do tôi sợ tên sát nhân đã giết cha tôi và có lẽ còn giết những người khác nữa vì mấy bức minh họa này? Một lát sau, Siyah và tôi đều hiểu rõ rằng sự im lặng giữa chúng tôi có thể do những bức tranh gây ra, mà cũng do chúng tôi ở một mình với nhau trong cùng căn phòng vào đêm tân hôn của chúng tôi. Cả hai đều muốn lên tiếng:
“Sáng mai khi thức dậy, chúng ta phải nói với mọi người rằng người cha bất hạnh của em đã qua đời trong giấc ngủ.” tôi nói. Dù điều tôi nói là đúng, nhưng có vẻ như tôi không thành thực.
“Sáng mai mọi thứ sẽ ổn cả.” Siyah nói với cùng một vẻ lạ kỳ như thế, không thể tin vào sự thật của những gì anh vừa nói.
Khi anh làm một động tác gần như không thấy được để tiến đến gần tôi hơn, tôi bị thôi thúc muốn ôm chầm lấy anh, như tôi đã làm với bọn trẻ, để ôm lấy đầu anh trong tay mình.
Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng cửa phòng cha tôi bật mở, bật dậy trong kinh hoàng, tôi chạy tới, mở cửa phòng chúng tôi mà nhìn ra: Qua ánh sáng hắt ra hành lang, tôi choáng váng khi thấy cửa phòng cha tôi hé mở. Tôi bước ra hành lang lạnh ngắt. Phòng của cha tôi, được sưởi bằng thùng than vẫn cháy, bốc đầy mùi thối rữa. Shevket hay ai đó đã đến đây sao? Xác ông, trong bộ đồ ngủ vẫn nằm bình yên, chìm trong ánh sáng yếu ớt của thùng sưởi. Tôi nghĩ đến cảnh mà trong nhiều đêm tôi thường nói:
“Chúc ngủ ngon, cha thân yêu.” trong khi ông đọc Kitab al-Ruh dưới ánh nến trước khi ngủ. Hơi nhóm người dậy, ông đón chiếc ly tôi mang đến cho ông và nói: “Cầu mong cho người mang nước đến không bao giờ thiếu thốn thứ gì,” trước khi hôn lên má tôi và nhìn vào mắt tôi như ông thường làm khi tôi còn con gái. Tôi nhìn xuống khuôn mặt khủng khiếp của cha tôi và, tóm lại, tôi thấy sợ. Tôi muốn tránh nhìn vào ông, trong khi đồng thời, bị Quỷ sứ thôi thúc, tôi muốn thấy ông đã trở nên kinh khủng đến mức nào.
Tôi rón rén trở về phòng có cánh cửa xanh rồi Siyah chồm vào tôi. Tôi đẩy anh ra, do vô tâm hơn là do giận dữ. Chúng tôi giằng co trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến, dù không thực sự vật lộn mà chỉ bắt chước một cuộc vật lộn. Chúng tôi thích thú với việc đụng vào nhau, chạm tay, chân và ngực của nhau. Sự bối rối này tôi cảm thấy giống tình trạng xúc cảm mà Nizami đã mô tả về Husrev và Shirin: Có thể nào Siyah, người đã đọc Nizami quá kỹ, cảm thấy rằng, giống như Shirin, khi tôi nói: “Đừng hôn em mạnh quá đến độ làm bầm cả môi em” thì tôi cũng hàm ý “Tiếp tục đi”?
Em không ngủ chung giường với anh chừng nào chưa truy tầm ra kẻ ác đó, chừng nào kẻ giết cha em chưa bị bắt.” tôi nói.
Khi chạy khỏi phòng, tôi cảm thấy bối rối. Tôi đã nói bằng một giọng the thé như thế, đến độ có vẻ như tôi muốn cho bọn trẻ và Hayriye nghe được những gì tôi nói – thậm chí có lẽ cho cả người cha tội nghiệp và người chồng quá cố của tôi, mà thân xác từ lâu đã thối rữa và hóa thành đất bụi trên vùng đất khô cằn nào đó không ai biết.
Ngay khi tôi quay lại với bọn trẻ, Orhan nói, “Mẹ ơi, Shevket ra ngoài hành lang.”
“Con ra đó hả?” tôi hỏi, ra vẻ như sắp phát vào mông nó.
“Hayriye,” Shevket nói và ôm chị ta.
“Cậu ấy không ra đó,” Hayriye nói. “Cậu ấy ở trong phòng suốt.”
Tôi rùng mình và tránh nhìn vào mắt chị ta. Tôi nhận ra rằng sau khi cái chết của cha tôi được thông báo, bọn trẻ từ đó sẽ tìm chỗ che chở ở Hayriye, nói với chị ta tất cả những bí mật của chúng tôi, và rồi người đầy tớ hèn mọn ấy sẽ lợi dụng cơ hội này để tìm cách điều khiển tôi. Chị ta sẽ không dừng lại ở đó, mà sẽ đặt trách nhiệm việc giết cha tôi lên vai tôi, sau đó chị ta sẽ đưa việc giám hộ bọn trẻ sang cho Ha san! Phải, thực tế chị ta sẽ làm như vậy! Tất cả mưu đồ trơ trẽn này là do chị ta đã ngủ với cha tôi – cầu cho ông được yên nghỉ. Tại sao tôi lại phải tiếp tục giấu giếm tất cả những chuyện này với bạn? Dĩ nhiên thực tế chị ta đang làm chính điều này đây. Tôi mỉm cười ngọt ngào với chị ta. Sau đó, tôi bế Shevket lên đùi mà hôn nó.
“Con nói với mẹ là Shevket đã ra ngoài hành lang mà,” Orhan nói.
“Vào giường đi hai đứa. Để mẹ nằm giữa kể cho tụi con nghe câu chuyện con chó rừng không đuôi và vị hắc thần.”
“Nhưng mẹ nói Hayriye không được kể cho tụi con nghe chuyện thần thánh ma quỷ mà,” Shevket nói. “Sao tối nay Hayriye không được kể chuyện cho tụi con?”
“Họ đến Thành phố của những đứa trẻ bị từ bỏ hả?” Orhan hỏi.
“Phải!” tôi nói. “Không đứa bé nào trong thành phố đó có mẹ hay cha. Hayriye, xuống nhà kiểm tra cửa nẻo lần nữa đi. Chúng tôi chắc sẽ ngủ giữa chừng câu chuyện.”
“Con không ngủ đâu,” Orhan nói.
“Tối nay Siyah ngủ ở đâu?” Shevket hỏi.
“Trong xưởng,” tôi nói. “Nằm sát mẹ cho ấm. Chân đứa nào lạnh dữ vậy?”
“Chân con đó,” Shevket nói. “Hayriye ngủ ở đâu?”
Tôi bắt đầu kể chuyện, và như thường lệ, Orhan thiếp ngủ trước, sau đó tôi hạ thấp giọng.
“Con ngủ rồi, mẹ đừng đi đâu mẹ nhá?” Shevket nói.
“Ừ mẹ không đi đâu.”
Thật tình tôi không có ý định rời giường. Sau khi Shevket ngủ, tôi ngẫm nghĩ rằng thú vị làm sao khi được ngủ bên các con tôi vào đêm động phòng của lần tái giá – trong khi người chồng thông minh, đẹp trai, đầy khao khát của tôi thì ngủ trong căn phòng kề cận. Tôi ngủ lơ mơ với những ý tưởng như thế, nhưng giấc ngủ của tôi chập chờn. Sau này, những gì tôi nhớ lại được về cái trạng thái bồn chồn kỳ lạ giữa mơ và tỉnh đó là thế này: Trước tiên, tôi thanh toán sòng phẳng với tấm linh hồn giận dữ của người cha quá cố của tôi, sau đó tôi chạy trốn tên giết người tàn ác vốn muốn đưa tôi đi theo cha tôi. Khi hắn đuổi theo tôi, tên giết người sắt đá đó, thậm chí còn đáng sợ hơn linh hồn của cha tôi bắt đầu gây náo loạn ầm ĩ. Trong giấc mơ, hắn ném đá vào nhà tôi, bay trúng cửa sổ và rơi trên mái. Sau đó, hắn ném một viên đá vào cửa chính đến mức gần như phá tung cánh cửa. Kế đó khi cái linh hồn xấu xa nọ bắt đầu rên rỉ như một con thú quái quỷ nào đó thì tim tôi bắt đầu đập thình thịch.
Tôi thức dậy mồ hôi đầm đìa. Phải chăng tôi nghe được những âm thanh đó trong giấc mơ, hay là tôi thức giấc vì những âm thanh ở đâu đó trong nhà? Tôi không xác định được. Thế là tôi rúm lại với lũ trẻ, và không dám cử động, tôi chờ đợi. Tôi gần như đã tự trấn an rằng những tiếng động đó chỉ là trong giấc ngủ của mình thì lại nghe tiếng rên rỉ. Ngay lúc ấy, một vật gì rất lớn rơi huỵch xuống sân. Chỉ là một cục đá, có lẽ vậy chăng?
Tôi cứng người vì sợ. Nhưng tình hình lập tức còn tồi tệ hơn.
Tôi nghe có tiếng động ngay trong nhà. Hayriye ở đâu? Siyah ngủ thiếp đi trong phòng nào? Thi thể đáng thương của cha tôi hiện ra sao? Ôi Thượng đế, tôi cầu xin, hãy bảo vệ chúng con. Bọn trẻ vẫn ngủ say.
Nếu chuyện này xảy ra trước khi tôi kết hôn, hẳn tôi đã rời khỏi giường và đi kiểm soát tình hình như người đàn ông trong nhà, tôi hẳn đã trấn áp được nỗi sợ hãi và xua đi mọi ma quỉ âm hồn. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay tôi rúm người lại và ôm lấy lũ trẻ. Làm như chẳng còn một ai khác trên đời này. Sẽ chẳng có ai đến trợ giúp lũ trẻ với tôi. Trong cảnh chờ đợi một điều gì khủng khiếp xảy rồi tôi cầu xin đấng Allah cứu giúp. Giống như trong những giấc mời tôi luôn cô độc. Tôi nghe tiếng cổng ngoài sân mở ra. Đó là cổng vào sân, phải không? Phải, dứt khoát là thế.
Tôi bất thần chồm dậy, chộp lấy áo khoác ngoài và rời khỏi phòng mà thậm chí không biết mình đang làm gì.
“Siyah!” Tôi đứng ở đầu cầu thang trầm giọng kêu lên.
Sau khi vội vã thọc chân vào đôi giày, tôi đi xuống cầu thang, ngọn nến tôi thắp ở thùng than tắt phụt ngay khi tôi ra tới lối đi lót đá ngoài sân. Một cơn gió mạnh nổi lên, dù trời rất trong.
Ngay khi mắt đã quen với bóng tối, tôi thấy vầng trăng trung tuần rọi sáng khắp sân. Thánh Allah kính yêu ơi! Cánh cổng vào sân mở toang. Tôi đứng sững sờ, run rẩy trong khí lạnh.
Sao tôi không đem theo một con dao? Mà tôi cũng không cầm theo cái giá nến hay khúc củi nào. Trong khoảnh khắc, trong bóng tối, tôi thấy cánh cổng tự động nhúc nhích. Sau đó, khi nó có vẻ đứng yên, tôi nghe nó rít lên. Tôi nhớ khi đó mình nghĩ, đây có vẻ giống một giấc mơ.
Khi đó tôi nghe tiếng động từ trong nhà cứ như ngay bên dưới mái nhà, tôi hiểu rằng linh hồn cha tôi đang vật vã để rời khỏi thân xác. Việc biết linh hồn cha tôi đang trong trạng thái dằn vặt như thế khiến tôi cảm thấy vừa dễ chịu vừa đau đớn cực độ.
Tôi nghĩ nếu Cha là nguyên nhân gây ra những tiếng động này thì sẽ không có điều xấu nào xảy ra với tôi. Mặt khác, hình ảnh linh hồn bị dằn vặt của ông, điên cuồng bay lung tung, cố thoát đi và bay lên, khiến tôi quá đau khổ đến độ tôi cầu xin thánh Allah vỗ về ông. Nhưng khi tôi chợt nghĩ ra rằng linh hồn ông sẽ bảo vệ tôi và bọn trẻ, một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm trùm lấy tôi. Nếu thực sự có một thứ ma quỷ nào đó đang mưu điều ác đằng sau cánh cổng, hãy để hắn khiếp sợ linh hồn xáo động của cha tôi.
Ngay sau đó, tôi lo rằng có lẽ chính Siyah đã khiến cha tôi khó chịu như thế. Cha tôi gây điều xấu cho Siyah chăng? Anh ấy đâu rồi? Ngay khi ấy, ngoài cổng, trên đường, tôi nhận ra anh và cứng người lại. Anh đang nói chuyện với ai đó.
Người đàn ông đang nói chuyện với Siyah bên hàng cây trong sân trống tuốt bên kia đường. Tôi có thể suy ra rằng tiếng rú tôi nghe khi nằm trên giường là do người đàn ông này mà tôi biết ngay là Hasan. Có một sự căng thẳng buồn rầu, một vẻ bi thương trong giọng nói của chú ấy, nhưng cũng hàm ý đe dọa.
Tôi đứng từ xa lắng nghe họ. Trong đêm yên tĩnh, họ mải miết lăng mạ nhau.
Tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn lẻ loi trên đời này cùng bọn trẻ.
Tôi nghĩ rằng tôi yêu Siyah, nhưng nói thật, điều tôi muốn là chỉ yêu một mình Siyah – vì giọng nói u sầu của Hasan làm cháy xém tim tôi.
“Ngày mai tôi sẽ trở lại mang theo quan tòa, binh lính và nhân chứng, họ sẽ thề rằng anh trai tôi vẫn còn sống và vẫn đang chiến đấu ở vùng núi Ba Tư”, chú ấy nói. “Đám cưới của các người là bất hợp pháp, các người phạm phải tội thông dâm rồi đó.”
“Shekure không phải là vợ anh, nàng là vợ của người anh quá cố của anh.” Siyah nói.
“Anh trai tôi vẫn còn sống,” Hasan nói đầy tự tin. “Có nhân chứng đã thấy anh ấy.”
“Sáng nay, dựa trên việc anh ta không trở về sau bốn năm đi chiến dịch, quan tòa Uskudar đã cho phép Shekure ly dị. Nếu anh ấy còn sống, hãy bảo các nhân chứng của anh nói với anh ta rằng hiện anh ta là người đã ly dị.”
“Shekure bị cấm tái giá trong một tháng,” Hasan nói. “Nếu không thì đó là một sụ xúc phạm kinh Koran. Làm sao cha của Shekure có thể đồng ý một điều nhảm nhí tồi tệ như thế?”
“Enishte Kính mến bệnh rất nặng.” Siyah nói. “Ông ấy đang hấp hối…và quan tòa đã thừa nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi.”
“Các người hẳn đã cùng nhau đầu độc Enishte của anh chứ gì?”, Hasan nói. “Các người đã lên kế hoạch chuyện này với Hayriye phải không?”
“Cha vợ tôi hết sức giận dữ vì những gì anh đã làm với Shekure. Anh trai anh, nếu quả thực còn sống, có thể cũng sẽ yêu cầu anh giải thích thái độ sàm sỡ của anh.”
“Toàn những lời dối trá”, Hasan nói. “Đó chỉ là những cái cớ Shekure bịa ra để cô ấy rời bỏ chúng tôi.”
Có một tiếng gào từ trong nhà, người gào lên đó là Hayriye.
Kế đến Shevket thét lên. Họ la hét lẫn nhau. Bất ngờ và sợ hãi, không kìm được mình, tôi cũng hét lên và chạy vào nhà mà không biết mình đang làm gì.
Shevket chạy xuống cầu thang và phóng ra sân.
“Ông ngoại lạnh như nước đá,” nó khóc.
“Ông ngoại con chết rồi.”
Chúng tôi ôm nhau, tôi bế nó lên. Hayriye vẫn la hét. Siyah và Hasan nghe thấy tiếng hét và những câu nó nói.
“Mẹ ơi người ta giết ông ngoại rồi,” lần này Shevket nói.
Mọi người cũng nghe câu này. Hasan có nghe không? Tôi ôm chặt Shevket, và bình tĩnh đi với nó vào trong. Trên đầu cầu thang Hayriye đang tự hỏi làm sao thằng bé thức giấc mà lẻn ra đây được.
“Mẹ đã hứa là không bỏ tụi con mà.” Shevket nói, và bắt đầu khóc.
Đầu óc tôi lúc này mải nghĩ về Siyah. Bởi đang bị vướng với Hasan nên anh không nghĩ đến việc đóng cổng. Tôi hôn hai má Shevket và ôm nó chặt hơn, hít mùi thơm ở cổ nó, an ủi nó. Cuối cùng tôi vừa trao nó cho Hayriye vừa thì thầm: “Cả hai lên lầu đi.”
Họ lên cầu thang, tôi quay lại và đứng cách cổng vài bước chân, cho rằng Hasan không thấy được tôi. Chú ấy đã đổi vị trí trong khu vườn tối đen bên kia đường, có lẽ đã chuyển ra đằng sau hàng cây dọc theo con đường chăng? Tuy nhiên, hóa ra chú ấy đã thấy tôi, và khi nói, chú ấy nói cả với tôi nữa. Thật khó chịu khi tụ họp trong bóng tối với ai đó mà mình không thể thấy mặt, những còn tồi tệ hơn thế, như Hasan đã buộc tội tôi, buộc tội chúng tôi, ấy là khi tôi nhận ra tự đáy lòng rằng chú ấy đúng. Với chú ấy, và với cha tôi, tôi luôn cảm thấy mình có tội, mình luôn luôn sai trái. Hơn nữa, bây giờ, tôi biết với nỗi buồn sâu sắc rằng tôi đã yêu người đàn ông đang buộc tội mình. Xin đấng Allah yêu quý hãy giúp tôi. Tình yêu không phải là đau khổ chỉ vì đau khổ, mà là một phương tiện để đến với Người, có đúng vậy không?
Hasan đã khẳng định rằng tôi cấu kết với Siyah để giết cha tôi. Chú ấy nói chú đã nghe những lời của Shevket, và thêm rằng mọi chuyện đã bị phơi bày và chúng tôi đã phạm một tội không thể tha thứ, đáng bị những hình phạt trong Hỏa ngục. Đến sáng chú ấy sẽ đi gặp quan tòa để giải thích tất cả. Nếu tôi được chứng minh là vô tội, nếu bàn tay tôi không vấy máu cha tôi, chú ấy thề sẽ đưa tôi và bọn trẻ trở về nhà chú ấy, ở đó chú sẽ làm một người cha cho đến khi anh trai chú trở về. Tuy nhiên, nếu tôi có tội, một Phụ nữ như tôi, kẻ đã nhẫn tâm ruồng bỏ chồng mình – người đàn ông sẵn sàng thực hiện hành động hy sinh cao cả nhất – thì với cô ấy không hình phạt nào là quá nghiêm khắc cả. Chúng tôi kiên nhẫn lắng nghe cơn giận dữ của chú ấy, sau đó nhận thấy có một sự im lặng đột ngột giữa đám cây.
“Nếu bây giờ cô tự ý trở về nhà người chồng thực sự của cô”, Hasan nói bằng một giọng điệu hoàn toàn khác, “nếu cô lặng lẽ trở về cùng bọn trẻ mà không để ai trông thấy, tôi sẽ quên trò đám cưới giả này, những tội ác mà cô phạm phải, tất cả, tôi sẽ tha thứ hết. Và chúng ta sẽ cùng nhau chờ, Shekure ạ. từ năm này sang năm khác, cho đến lúc anh trai tôi trở về. Chú ấy say rồi chăng? Có một điều gì quá trẻ con trong giọng của chú ấy và những điều chú ấy đang đề xuất với chồng tôi đến độ tôi sợ nó có thể khiến chú ấy mất mạng.
“Cô có hiểu không?” Chú gọi vọng ra từ hàng cây.
Tôi không thể xác định chính xác chú ấy ở đâu trong bóng tối. Thượng đế lòng lành, hãy đến giúp chúng con, những đầy tớ tội lỗi của Người.
“Bởi vì cô không thể sống cùng mái nhà với người đã giết cha cô, Shekure. Điều đó tôi biết.”
Bất chợt tôi nghĩ rằng chú ấy có thể là người đã giết cha tôi, và có lẽ chú ấy hiện đang chế nhạo chúng tôi. Tay Hasan này là hiện thân của Quỷ sứ. Nhưng tôi không thể chắc chắn bất cứ điều gì.
“Nghe tôi này Hasan Kính mến,” Siyah nói vọng ra từ bóng tối, “Cha vợ tôi bị giết, thật sự như vậy. Những kẻ tột cùng đê tiện đã giết ông ấy.”
“Ông ấy bị giết trước đám cưới, đúng thế chứ?” Hasan nói. “Hai người đã giết ông ta vì ông ta phản đối đám cưới giả này, vụ ly dị giả này, những nhân chứng giả, và tất cả trò lừa dối của các người. Nếu ông ta cho rằng Siyah thích hợp thì ông ta đã gả con gái mình cho anh nhiều năm trước rồi.”
Sau khi sống nhiều năm với người chồng quá cố của tôi, với chúng tôi, Hasan biết quá khứ của chúng tôi như chính chúng tôi vậy. Và với nỗi đam mê của một người tình bị ruồng bỏ, chú ấy nhớ được đến từng chi tiết nhỏ về tất cả những gì tôi đã bàn bạc với chồng tôi tại nhà nhưng sau đó đã quên, hoặc bây giờ muốn quên. Qua bao năm, chúng tôi – chú ấy, anh trai chú ấy và tôi – đã có chung nhiều kỷ niệm đến độ tôi e rằng Siyah có vẻ lạ lẫm, mới mẻ và cách xa tôi làm sao nếu Hasan bắt đầu nhắc lại quá khứ.
“Chúng tôi nghi anh chính là kẻ đã giết ông ta,” Siyah nói
“Trái lại, các người mới là kẻ giết ông ta để lấy nhau. Điều đó quá rõ. Về phần tôi, tôi không có động cơ.”
“Anh giết ông ấy để chúng tôi không lấy nhau được,” Siyah nói. “Khi anh biết rằng ông ta cho phép Shekure ly dị và chúng tôi cưới nhau, anh đã mất trí. Ngoài ra anh rất giận Enishte Kính mến vì ông ta đã khuyến khích Shekure trở về sống với ông ta. Anh muốn trả thù. Chừng nào ông ta còn sống, anh biết mình sẽ không bao giờ có được Shekure.”
“Dẹp cái trò quanh co của anh đi,” Hasan nói dứt khoát. “Tôi không thèm nghe điều nhảm nhí này. Ở đây lạnh quá. Tôi chết cóng ở ngoài này khi cố đánh động anh bằng mấy viên đá – anh có nghe tiếng ném đá không?”
“Siyah đang lo nghiên cứu những bức minh họa của cha tôi,” tôi nói.
Tôi đã hành động sai khi nói điều này chăng?
Hasan nói bằng chính giọng điệu giả dối mà đôi khi tôi phải sử dụng với Siyah: “Shekure, vì cô là vợ của anh tôi, nên cách hay nhất của cô bây giờ là cô hãy cùng các con quay về ngôi nhà của người lính kỵ binh anh dũng mà cô vẫn còn là vợ theo kinh Koran.
“Tôi từ chối,” tôi nói, như rít vào màn đêm. “Tôi từ chối, Hasan ạ. Không.”
“Vậy trách nhiệm và lòng tận tâm với anh trai tôi buộc tôi phải báo với quan tòa ngay sáng mai về những gì tôi nghe được ở đây. Vả lại họ sẽ yêu cầu tôi giải thích.”
“Dù sao thì họ cũng sẽ yêu cầu anh giải thích,” Siyah nói. “Ngay lúc anh đến chỗ quan tòa, tôi sẽ tiết lộ rằng anh là kẻ đã giết Enishte Kính mến, người đầy tớ yêu thương của Đức vua… Đúng sáng mai.”
“Được lắm,” Hasan nói một cách điềm tĩnh. “Cứ tố giác đi.”
Tôi hét lên. “Họ sẽ tra tấn cả hai người!” tôi kêu lên. “Đừng đến chỗ quan tòa. Đợi đã. Mọi thứ sẽ rõ ràng thôi.”
“Tôi không sợ tra tấn.” Hasan nói. “Trước đây tôi đã hai lần bị tra tấn rồi, và cả hai lần tôi đều hiểu đó là cách duy nhất để phân biệt kẻ tội lỗi với người vô tội. Cứ để bọn vu khống sợ tra tấn. Tôi sẽ nói với quan tòa, chỉ huy binh lính,Thượng thư tôn giáo vụ, tất cả mọi người về cuốn sách và những bức minh họa của Enishte Kính mến. Mọi người đang bàn về những tranh minh họa này. Có chuyện gì với chúng vậy? Có cái gì trong những bức tranh minh họa đó?”
“Chẳng có gì trong đó cả.” Siyah nói.
“Điều có có nghĩa là anh đã xem xét chúng ngay khi có cơ hội.”
“Enishte Kính mến muốn tôi hoàn tất cuốn sách đó.”
“Rất tốt. Tôi hy vọng, theo ý Thượng đế, rằng họ sẽ tra tấn cả hai chúng ta.”
Cả hai đều im lặng. Kế đó, Siyah và tôi nghe tiếng chân trong sân vắng vẻ. Chúng đang rời xa hay đến gần chúng tôi? Chúng tôi không thấy được Hasan mà cũng không biết chú ấy đang làm gì. Chú ấy quả là điên rồ nếu cứ băng càn qua những bụi gai, lùm cây và những bụi mâm xôi trồng dài theo mé cuối vườn trong đêm tối như mực này. Chú ấy có thể bỏ đi dễ dàng mà không bị ai thấy, nếu chú ấy băng qua đám cây và rẽ ngay trước mặt chúng tôi, nhưng chúng tôi không nghe tiếng chân nào gần chúng tôi cả.
Tôi liều la lên, “Hasan!” Không có tiếng trả lời.
“Suỵt.” Siyah nói.
Cả hai chúng tôi run lên vì lạnh. Không chút do dự, chúng tôi đóng chặt cổng và các cửa lại. Trước khi bước vào cái giường ấm hơi bọn trẻ, tôi kiểm tra cha tôi lần nữa. Trong khi đó, Siyah lại ngồi trước những bức tranh.