Tôi là dượng của Siyah, enishte của nó, nhưng những người khác cũng gọi tôi là “Enishte.” Có một thời gian mẹ của Siyah khuyến khích nó gọi tôi là “Enishte kính mến,” và sau đó, không chỉ mình Siyah, mà mọi người đều gọi tôi theo kiểu đó. Ba mươi năm trước, sau khi chúng tôi chuyển đến con đường ẩm ướt và tối tăm núp dưới hàng cây đoạn và cây dẻ phía bên kia quận Aksaray, Siyah bắt đầu thường xuyên đến thăm nhà chúng tôi. Đó là chỗ ở của chúng tôi trước khi có ngôi nhà này. Nếu tôi ra đi trong chiến dịch mùa hè với Tổng trấn Mahmut, tôi hẳn sẽ trở về vào mùa thu để thấy rằng Siyah với mẹ nó đến lánh ở nhà chúng tôi. Mẹ của Siyah, cầu mong cho bà được yên nghỉ, là chị của người vợ quá cố của tôi. Có nhiều lần vào những tối mùa đông, tôi về nhà và thấy vợ tôi với mẹ của Siyah ôm nhau và an ủi nhau trong nước mắt.
Cha của Siyah, vốn không còn giữ được chỗ dạy tại những ngôi trường tôn giáo nhỏ bé xa xôi nơi ông từng dạy nữa, có tính tình cục cằn nóng nảy và một điểm yếu là rượu chè. Lúc đó Siyah lên sáu; nó khóc khi mẹ nó khóc, bình tĩnh lại khi mẹ nó im lặng và nghĩ về tôi. Enishte của nó, với sự sợ hãi.
Tôi thấy vui khi thấy nó trước mặt tôi lúc này. một đứa cháu trai cương cường, chín chắn và lễ phép. Sự tôn trọng nó dành cho tôi sự ân cần trong cách nó hôn tay tôi và ép tay tôi vào trán nó, cái cách nó nói chẳng hạn như “Thuần túy dành cho màu đỏ,” khi nó đưa cho tôi lọ mực Mông Cổ như một món quà, cùng vẻ lễ phép và thói quen khép nép của nó cứ chụm hai đầu gối lại khi ngồi trước mặt tôi, tất cả chuyện đó không chỉ cho thấy nó là một người đàn ông trưởng thành đầy hiểu biết như nó khao khát trở thành, mà còn nhắc cho tôi nhớ rằng tôi thực sự là một người lớn đáng kính như tôi từng ao ước.
Nó giống cha nó, người tôi từng gặp một hai lần: Nó cao gầy, hai cánh tay và bàn tay của nó có những cử chỉ hơi bồn chồn nhưng phù hợp. Thói quen đặt hai tay lên gối hoặc nhìn sâu và chăm chú vào mắt tôi như thể muốn nói, “Cháu hiểu, cháu đang nghe dượng với lòng tôn kính” khi tôi nói với nó một điều gì quan trọng, hoặc cách nó gật đầu với một nhịp điệu tinh tế theo chừng mực những lời nói của tôi, thảy đều rất thích hợp. Bây giờ, khi đến từng tuổi này, tôi biết rằng lòng tôn kính thật sự không xuất phát từ trái tim, mà từ lòng tôn trọng và những nguyên tắc riêng biệt.
Trong suốt những năm mẹ Siyah thường xuyên dẫn nó đến nhà chúng tôi với mọi lý do vì bà đã tiên liệu một tương lai cho nó tại đây, tôi hiểu những cuốn sách làm nó vui thích, và điều này mang chúng tôi lại gần nhau. Như những người trong nhà này thường nói, nó sẽ làm “thợ học việc” cho tôi. Tôi giải thích cho nó biết cách những nhà tiểu họa ở Shiraz tạo ra một phong cách mới bằng việc nâng đường chân trời lên đến đỉnh của lề giấy, và rằng trong khi mọi người mô tả Mejnun trong tâm trạng đau khổ tại sa mạc, điên lên vì yêu nàng Leyla 1 của anh ta, thì bậc thầy vĩ đại Bihzad lại có thể truyền đạt tốt hơn nhiều nỗi cô đơn của Mejnun bằng việc vẽ y lang thang giữa những nhóm phụ nữ đang nấu nướng, cố gắng nhen lửa để đun củi bằng cách thổi vào chúng, hoặc đi loanh quanh giữa những lều bạt. Tôi nhận thấy thật ngớ ngẩn khi hầu hết những người vẽ minh họa muốn mô tả cảnh Husrev rình nàng Sharin trần truồng đang tắm trong hồ lúc nửa đêm đã tô màu một cách kỳ cục những con ngựa và quần áo của cặp tình nhân này mà không hề đọc bài thơ của Nizami, quan điểm của tôi là, nhà tiểu họa nào cầm cọ lên mà không có đủ quan tâm và chu đáo để đọc văn bản mà anh ta đang minh họa thì kẻ đó chẳng bị thúc đẩy bởi cái gì ngoài lòng tham.
Hiện giờ tôi rất hài lòng khi thấy rằng Siyah có được một đức tính quan trọng khác: Để tránh sự chán nản trong nghệ thuật, người ta phải coi nó như một sự nghiệp. Cho dù người ta có tài năng và ý thức nghệ thuật lớn cỡ nào đi nữa, anh ta vẫn phải kiếm tiền bạc và quyền lực ở chỗ khác để tránh bỏ rơi nghệ thuật của mình khi không nhận được sự đền bù xứng đáng cho tài năng và nỗ lực của anh ta.
Siyah kể lại chuyện nó đã gặp từng người một trong số những nhà minh họa và thư pháp bậc thầy ở Tabriz khi nó làm sách cho các tổng trấn, những người Istanbul giàu có và những mạnh thường quân tại các tỉnh như thế nào. Tôi hiểu ra, tất cả các nghệ sĩ này đều nghèo khó và bị gục ngã trước sự vô nghĩa trong số phận của họ. Không chỉ ở Tabriz, mà ở Mashhad và Aleppo, nhiều người vẽ tiểu họa đã bỏ việc làm sách mà bắt đầu làm những bức tranh rời riêng lẻ – những món lạ mắt có thể làm vui lòng du khách châu Âu – thậm chí những bức tranh khiêu dâm.
Người ta đồn rằng bản thảo có minh họa mà Vua Abbas tặng cho Đức vua của chúng ta trong Hòa ước Tabriz đã bị người ta tháo rời để sử dụng các trang trong đó cho một cuốn sách khác. Người ta cho là Akbar, hoàng đế của người Hindustan đã vung tiền để làm một cuốn sách mới với khổ lớn hơn đến độ hầu hết các nhà minh họa tài năng xứ Tabriz và Kazvin dừng ngay những gì họ đang làm mà kéo nhau đến lâu đài của ông.
Khi kể cho tôi nghe các chuyện này, nó cũng vui vẻ xen vào những câu chuyện khác; chẳng hạn nó mỉm cười mô tả một câu chuyện thú vị về vụ giả mạo đấng cứu thế Mehdi hoặc việc người Uzbek đột ngột nổi cơn thịnh nộ khi ông hoàng ngu ngốc mà người Safavid gửi sang làm con tin để cầu hòa đã ngã bệnh bất ngờ và chỉ trong ba ngày là chết. Tuy nhiên, qua vẻ u ám phảng phất trên khuôn mặt nó, tôi có thể thấy rằng tình trạng khó xử mà không ai trong chúng tôi nhắc đến, nhưng lại gây rắc rối cho cả hai chúng tôi, vẫn chưa được giải quyết.
Một cách tự nhiên, Siyah, cũng như mọi thanh niên vốn thường xuyên lui tới nhà tôi hoặc nghe người khác nói về chúng tôi hoặc biết về Shekure, đứa con gái xinh đẹp của tôi qua lời đồn, đã yêu con bé. Có lẽ hồi đó tôi đã không xem chuyện này là đủ nguy hiểm đáng để quan tâm, nhưng mọi người – kể cả những kẻ chưa từng trông thấy con gái tôi – cũng đã phải lòng nó, người đẹp của những người đẹp. Nguồn cội đau khổ của Siyah chính là niềm đam mê quá lớn của một chàng trai trẻ xấu số vốn được tự do đến nhà chúng tôi, người được chấp nhận và được yêu thích trong nhà chúng tôi và là người thực sự có cơ hội gặp Shekure. Nó không hề giấu giếm tình yêu của nó, như tôi hy vọng, mà đã phạm sai lầm là để lộ ra niềm đam mê dữ dội của nó với con gái tôi.
Kết quả là nó bị buộc phải rời khỏi nhà chúng tôi mãi mãi.
Tôi cho rằng hiện giờ Siyah đã biết ba năm sau khi nó rời khỏi Istanbul, con gái tôi đã cưới một kỵ binh, đang lúc tuổi thanh xuân đẹp nhất của nó, và rằng người lính đó, đã là cha của hai đứa con trai nhưng vẫn thiếu sự hiểu biết thông thường, đã tham gia một chiến dịch và không trở về. Trong bốn năm không ai nghe tin gì về người kỵ binh này. Tôi suy ra rằng nó đã biết hết, không chỉ vì những chuyện đồn đại như thế lan truyền nhanh ở Istanbul, mà còn bởi trong những lần im lặng trôi qua giữa hai chúng tôi, tôi cảm thấy nó đã biết toàn bộ câu chuyện từ lâu, qua cách nó nhìn vào mắt tôi. Thậm chí vào lúc đó, khi nó liếc nhìn cuốn Kitab al-Ruh 2 vốn đang để mở trên giá đọc hình chữ X, tôi biết nó đang chú ý lắng nghe tiếng con cái Shekure chạy chơi khắp nhà; tôi biết nó biết rằng con gái tôi cùng hai con trai của con bé đã quay về nhà tôi.
Tôi quên đề cập đến ngôi nhà mới tôi đã xây trong khi Siyah vắng mặt. Rất có khả năng là Siyah, giống như bất cứ chàng trai nào vốn quyết tâm trở thành người giàu có và uy tín, cũng cho rằng thật bất lịch sự khi bàn về một vấn đề như thế. Tuy nhiên, khi chúng tôi bước vào, tôi nói với nó trên cầu thang rằng tầng hai luôn đỡ ẩm hơn, và nhờ chuyển lên lầu mà các khớp của tôi bớt đau nhức. Khi tôi nói “tầng hai,” tôi cảm thấy bối rối kỳ lạ. nhưng để tôi nói cho các vị biết: Những người có ít tiền hơn tôi, thậm chí chỉ là một anh kỵ binh có chút ít đất đai, cũng sớm có thể xây nhà hai tầng.
Chúng tôi ở trong căn phòng có cửa chính màu xanh mà tôi dùng làm xưởng vẽ vào mùa đông, và tôi có cảm giác rằng Siyah ý thức về sự có mặt của Shekure trong căn phòng kế bên. Tôi lập tức tiết lộ cho nó vấn đề đã khiến tôi viết lá thư gửi đến Tabriz mời nó về Istanbul.
“Giống như cháu đã hợp tác với những nhà thư pháp và vẽ tiểu họa Tabriz, ta cũng đang chuẩn bị một bản thảo có minh họa,” tôi nói. “Khách hàng của ta, nói thực, chính là Đức vua vinh quang của chúng ta, Nền móng của thế giới. Bởi vì cuốn sách này là một bí mật, Đức vua đã mượn danh Trưởng ngân khố để trả lương cho ta. Và ta đã thỏa thuận với từng họa sĩ tài hoa và lừng danh nhất trong xưởng làm việc của Đức vua. Ta đang tiến hành giao cho người này việc minh họa một con chó, người khác một cái cây, người thứ ba ta ra lệnh làm các họa tiết phần lề và những đám mây trên chân trời, một người khác nữa thì chịu trách nhiệm về những con ngựa. Ta muốn những thứ ta vẽ tiêu biểu cho toàn bộ thế giới của Đức vua, giống như trong tranh của những bậc thầy Venice. Nhưng không như người Venice, công việc của ta không chỉ là vẽ những đối tượng vật chất, mà tất nhiên còn mô tả sự phong phú nội tại, những niềm vui và sợ hãi trong vương quốc mà Đức vua trị vì. Nếu cuối cùng ta đưa vào bức tranh vẽ một đồng vàng, thì đó sẽ là xem nhẹ đồng tiền; ta đã đưa Thần chết và quỷ Satan 3 vào bởi chúng ta sợ chúng. Ta không biết những lời đồn đại nói về điều gì. Ta muốn sự bất tử của một cội cây, sự mệt mỏi của một con ngựa và sự thô tục của một con chó biểu trưng cho Đức vua vinh quang của chúng ta và vương quốc trần thế của người. Ta cũng muốn lực lượng các nhà minh họa nòng cốt của ta, biệt danh “Leylek”, “Zeytin”, “Zarif” và “Kelebek” được chọn những đề tài theo ý họ. Cả trong những tối mùa đông lạnh nhất, đáng sợ nhất, một trong những nhà minh họa của Đức vua vẫn bí mật đến để cho ta biết anh ta đang chuẩn bị gì cho cuốn sách.
“Chúng ta đang làm loại tranh gì? Tại sao chúng ta minh họa chúng theo cách đó? Lúc này ta thực sự không thể trả lời cháu. Không phải vì ta giữ bí mật với cháu, và không phải vì rốt cuộc ta sẽ không nói cho cháu biết. Cứ như bản thân ta cũng hoàn toàn không biết những bức tranh có ý nghĩa gì. Tuy nhiên chắc chắn ta biết những bức tranh này phải thuộc dạng gì.”
Bốn tháng sau khi tôi gửi lá thư, tôi nghe tay thợ cắt tóc ngụ trên con đường ngày xưa tôi từng sống nói rằng Siyah đã trở lại Istanbul, và đến lượt tôi mời nó đến nhà chúng tôi. Tôi ý thức rõ ràng câu chuyện của tôi hứa hẹn nỗi buồn lẫn niềm vui mà chúng sẽ nối kết chúng tôi với nhau.
“Mỗi bức tranh nói lên một câu chuyện,” tôi nói. “Nhà tiểu họa, để làm đẹp cho bản thảo chúng ta đọc, đã mô tả những những cảnh sinh động nhất: lần đầu những tình nhân gặp nhau; Rustem anh hùng cắt đầu con quái vật hung ác; nỗi thống khổ của Rustem khi nhận ra kẻ lạ mà ông hạ sát chính là con trai ông; gã Mejnun cuồng tình lang thang ở nơi hoang dã, cô độc giữa đám sư tử, hổ, hươu và chó rừng; nỗi thống khổ của Alexander người đã đến khu rừng trước trận đánh để tiên đoán hậu quả từ lũ chim, chứng kiến con chim ưng khổng lồ xé xác con chim săn của ông. Mắt chúng ta, mệt mỏi khi đọc những câu chuyện này, sẽ nhìn vào những bức tranh. Nếu có điều gì đó trong văn bản mà sức tưởng tượng và trí tuệ của chúng ta phải cực nhọc lắm mới hình dung được, thì tranh minh họa lập tức trợ giúp chúng ta. Những hình ảnh này là câu chuyện nảy nở thành màu sắc. Nhưng bức tranh mà không có câu chuyện của nó đi kèm là điều bất khả.
“Hoặc ta từng nghĩ thế,” tôi nói thêm, như thể hối tiếc. “Nhưng điều này thực tế hoàn toàn có thể xảy ra. Hai năm trước ta lại một lần nữa du lịch đến Venice trong vai trò đại sứ của Đức vua. Ta đã quan sát rất kỹ những chân dung mà các bậc thầy Venice đã thực hiện. Ta quan sát mà không hề biết các bức tranh ấy liên quan đến câu chuyện và bối cảnh nào, và ta đã cố gắng rút ra câu chuyện từ hình ảnh. Một ngày nọ, ta đi ngang một bức tranh treo trên tường một tòa lâu đài và ta chết lặng.
“Hơn cả mọi thứ, bức đó vẽ một người, một ai đó giống như ta. Dĩ nhiên, đó là một kẻ ngoại giáo, không phải là một người trong chúng ta. Thế nhưng, khi ta chăm chú nhìn nó, ta có cảm giác như thể ta giống hệt nó. Nhưng nó hoàn toàn không giống ta chút nào. Nó có khuôn mặt tròn trịa đến độ có vẻ như không có xương gò má, và hơn nữa, nó không có dấu vết gì của chiếc cằm tuyệt vời của ta. Dù nó trông tuyệt không giống ta chút nào, nhưng khi nhìn vào bức tranh, tim ta đập liên hồi như thể đó là chân dung của chính ta vậy.
“Qua quý ông Venice, người dẫn ta đi khắp tòa lâu đài này, ta biết được rằng bức chân dung đó vẽ một người bạn, một tay quý tộc như ông ta. Ông ta đã đưa mọi thứ quan trọng trong cuộc đời ông ta vào bức chân dung này: Trong bối cảnh có thể thấy được qua khung cửa sổ mở là một nông trại, một ngôi làng và một sự kết hợp màu sắc tạo thành một khu rừng trông rất thực. Nằm trên chiếc bàn trước mặt tay quý tộc này là một cái đồng hồ, những quyển sách, Thời gian, Cái ác, Cuộc sống, một cây bút viết thư pháp, một bản đồ, một la bàn, những chiếc hộp đựng tiền vàng, đồ vặt vãnh, những thứ không giá trị, những vật bí hiểm nhưng dễ nhận ra vốn thường có mặt trong nhiều bức tranh, bóng dáng các hồn ma và quỷ sứ và cả bức hình cô con gái xinh đẹp tuyệt trần của người đàn ông này đang đứng cạnh cha mình.
“Câu chuyện mà bức tranh này muốn tô điểm và làm hoàn chỉnh là gì? Trong khi xem xét tác phẩm, dần dần ta ý thức rằng câu chuyện nằm bên dưới là chính bức tranh. Bức vẽ này hoàn toàn không phải là phần triển khai của một câu chuyện nào cả. tự thân nó đã là một cái gì riêng biệt rồi.
“Ta không bao giờ quên bức tranh đã làm ta lúng túng như thế. Ta rời tòa lâu đài, trở về nhà khách và nghĩ về bức tranh đó suốt đêm. Ta cũng muốn được vẽ chân dung theo kiểu này. Nhưng không, điều đó không thích hợp, chỉ có Đức vua mới được vẽ chân dung như thế! Đức vua phải được vẽ cùng với mọi thứ Ngài sở hữu, những thứ tượng trưng cho Ngài và tạo thành vương quốc của Ngài. Ta đi tới quyết định rằng một bản thảo có thể được minh họa theo ý tưởng này.
“Người nghệ sĩ bậc thầy Venice đã vẽ chân dung vị quý tộc này theo một cách mà cháu có thể lập tức nhận ra vị quý tộc cụ thể đó là ai. Nếu cháu chưa từng gặp người đó, và nếu họ bảo cháu chỉ ra ông ta trong đám đông hàng ngàn người, cháu có thể chọn ra đúng người này nhờ vào bức chân dung đó. Những bậc thầy Venice đã khám phá ra những kỹ thuật hội họa mà qua đó họ có thể làm nổi bật bất cứ ai ra khỏi những người khác – không dựa vào quần áo hay huy chương của người đó, mà bằng đường nét đặc thù của khuôn mặt. Đây là cốt tủy của “nghệ thuật chân dung.”
“Nếu khuôn mặt cháu được vẽ kiểu này dù chỉ một lần, không ai có thể quên được cháu, và nếu cháu đi xa, những ai đã từng nhìn thấy bức chân dung của cháu sẽ cảm thấy sự hiện diện của cháu như thể cháu thực sự đang ở gần bên. Những ai chưa từng gặp cháu khi còn sống, thậm chí nhiều năm sau khi cháu qua đời, họ vẫn có thể thấy rõ cháu như thể cháu đang đứng trước mặt họ vậy.”
Chúng tôi im lặng hồi lâu. Ánh sáng lạnh lẽo mang màu băng giá bên ngoài lọt vào qua phần trên của cửa sổ hành lang dẫn ra đường; đây là của sổ mà phần bên dưới không bao giờ được mở ra, tôi vừa mới dùng một mảnh vải nhúng sáp ong dán kín lại.
“Có một nhà tiểu họa,” tôi nói. “Anh ta vẫn đến đây như những họa sĩ khác vì cuốn sách bí mật của Đức vua, và dượng với anh ta có thể làm việc với nhau đến bình minh. Anh ta rất giỏi mạ vàng. Zarif kính mến không may đó, một đêm nọ anh ta đã rời khỏi đây và chẳng bao giờ về đến nhà. Ta e rằng họ đã giết anh ta, tay thợ cả mạ vàng tội nghiệp của ta.”
— —— —— —— ——-