Mai Như tưởng rằng mẫu thân sẽ nghỉ ngơi thêm mấy ngày nhưng ai ngờ sau hôm ca ca rời kinh, Kiều thị liền xuống giường.
Mai Như tới thỉnh an từ sớm, Kiều thị đang được bọn nha hoàn hầu hạ trang điểm.
“Hôm nay nương dậy làm gì?” Mai Như tò mò hỏi.
Kiều thị hờn dỗi, “Ta đâu thể nằm suốt. Tương ca nhi đi rồi thì nương cũng phải đến thỉnh an lão thái thái.”
Khoảng thời gian trước Kiều thị không khỏe, suốt ngày uể oải, cả người lờ đờ, động chút là khóc lóc nỉ non. Đỗ lão thái thái nhìn phiền lòng bèn chấp thuận cho bà nghỉ ngơi, không cần ngày ngày tới Xuân Hi Đường thỉnh an.
Đương nhiên, ngoại trừ chuyện đó thì lão thái thái còn để tiểu Ngô thị tạm quản lý phủ mấy ngày.
Kiều thị hiếu thắng cực kỳ nên sao chịu nổi? Bà nghĩ tới nghĩ lui, càng nghĩ càng bực, trong lòng khó nén sự hờn dỗi với lão thái thái.
Nhưng hôm Mai Như nhắc tới ngày sinh của lão thái thái, Kiều thị ý thức được bản thân mấy ngày qua đã sao nhãng và không chu toàn.
Sau khi Mai Tương rời kinh, bà tất nhiên khôi phục tinh thần.
Hôm nay, Kiều thị dẫn Mai Vân và Mai Như đi Xuân Hi Đường. Ba người chưa đặt chân vào đã nghe bên trong truyền ra tiếng cười hòa thuận vui vẻ.
Kiều thị siết chặt tay rồi bình tĩnh bước vào.
Thấy Kiều thị tới, lão thái thái cũng phản ứng như Mai Như, “Sao không nghỉ thêm mấy ngày?”
Kiều thị cười nói, “Nương, ngài đâu phải không phải biết con là người chẳng chịu ngồi yên, giờ đã khỏe lại thì sao nằm mãi được?” Bà nói tiếp, “Lúc con ở bên ngoài đã nghe thấy mọi người cười nói nên con biết ngay hôm nay tới là đúng, chứ không một mình con ở trong phòng chẳng phải buồn chết à?”
Mấy câu nói của Kiều thị chọc cười lão thái thái, bà bảo, “Mọi người đang bàn chuyện chuẩn bị tiệc mừng thọ cho lão thái bà ta, con tới đúng lúc lắm, cùng nghe đi.” Dứt lời, bà nghiêng đầu nhìn tiểu Ngô thị, “Ý kiến của con không tồi, tháng sau để con phụ trách, có gì chưa hiểu cứ hỏi tẩu tử con.”
Tiểu Ngô thị vội vàng đứng dậy từ chối, “Lão thái thái, nếu tẩu tử đã khỏe lại thì hay là để tẩu tử xử lý.”
Kiều thị nghe xong liền mau chóng khước từ, “Đệ muội đừng khách khí, năm nay để muội chuẩn bị, ta cũng được nhàn hạ. Đến lúc ấy ta chỉ cần mang miệng tới ăn tiệc mừng thọ của lão thái thái thôi!”
Bà thốt ra lời này lại khiến mọi người cười vang.
Đỗ thị bảo, “Vác mỗi miệng tới là không được, phải chuẩn bị lễ vật.” Bà chỉ vào Kiều thị, “Vợ Dần ca nhi, con phải làm gương! Không được chểnh mảng!”
“Chểnh mảng ai chứ sao dám chểnh mảng lão tổ tông.” Kiều thị xoa tay trả lời.
Mọi người càng vui vẻ hơn.
Lão thái thái ôm Mai Thiến, bà nhớ đến một chuyện bèn nói, “Nhắc tới lễ vật, vẫn là A Du tri kỷ luôn nhớ thương ta. Hai ngày trước còn tặng ta hoa đăng.”
“Lão tổ tông, hoa đăng đó là do tam muội muội chọn đấy.” Mai Thiến giải thích thay Mai Như rồi nàng ấy quay đầu nhìn Mai Như mà cười.
Nụ cười kia vừa ấm áp vừa hiền lành.
Mai Như hơi chột dạ nên chỉ đáp lại bằng nụ cười nhạt.
Người lớn bàn chuyện, các tỷ muội rời Xuân Hi Đường trước. Mai Thiến đi chậm lại để chờ Mai Như.
Mai Như đoán nàng ấy có việc cần nói nên chủ động hỏi, “Nhị tỷ tỷ, có chuyện gì à?”
Ánh mắt Mai Thiến dịu dàng nhìn nàng, giọng nàng ấy nhẹ nhàng, “Tam muội muội, hoa đăng kia…ta nghe nhị ca ca nói là do Yến Vương điện hạ vẽ.” Nàng ấy thoáng ngừng lại rồi nói tiếp, “Muội có biết việc này không?”
Mai Như tất nhiên tỏ vẻ kinh ngạc, nàng lắc đầu, “Sao ta biết được?”
Nàng bĩu môi khinh thường, “Yến Vương điện hạ tài trí hơn người mà thích vẽ loại tranh này? Nói ra sợ người ta buồn cười chết! Khéo hắn cũng chỉ là kẻ mua danh cầu lợi.”
“Tam muội muội, tuyệt đối không thể nói vậy.” Mai Thiến vội can ngăn, “Đừng nghĩ đấy chỉ là mấy viên trôi nước, đồ vật càng đơn giản thì càng chứng tỏ bản lĩnh người vẽ. Bút vẽ vào tay Yến Vương điện hạ đúng là đủ sức tạo nên tác phẩm khiến người khác say mê.”
Mai Như nghe vậy thì cúi đầu, mắt nàng đau xót, môi nàng mím lại. Sau đấy nàng ngước đầu nhìn Mai Thiên mà cười khanh khách. Nàng cười nói, “Nhị tỷ tỷ, hôm nay tỷ toàn nói lời hay về điện hạ thôi.”
Lời của cô nhóc mang theo ẩn ý, Mai Thiến lập tức đỏ mặt rồi cúi gằm đầu.
Mai Như nhìn sang chỗ khác, nhất thời cảm thấy hoảng hốt.
Trở lại phòng, Mai Như thấy giấy bút còn đặt trên bàn cạnh cửa sổ; gần đây nàng bận túi bụi nên đã nhiều ngày chưa luyện chữ. Đúng lúc buồn chán, Mai Như kêu Ý Thiền lấy ra thỏi mực rồi đứng một bên mài cho nàng. Nàng đứng cạnh bàn, một tay cầm bút, một tay vén tay áo, trong lòng suy nghĩ xem nên viết gì. Nhưng lúc đặt bút xuống, không hiểu sao nàng lại nghĩ tới mấy viên bánh trôi kia.
Mai Như bắt đầu vẽ. Chỉ vài nét thôi là trên giấy đã hiện lên hình dạng tròn tròn mềm mại, thêm vài nét nữa để tạo nếp gấp là có cái bánh bao hoàn chỉnh.
Ý Thiền thấy vậy bèn cười, “Cô nương vẽ giống thật, cứ như trên giấy có bánh bao ấy.”
Mai Như cúi đầu nhìn ngơ ngác. Nàng vẽ bên cạnh chiếc bánh bao một chiếc bánh tròn mềm khác rồi dùng đầu bút nhấn nhá vài điểm trên nó.
Nàng hỏi Ý Thiền, “Đây là cái gì?”
Ý Thiền nhìn nhìn rồi bỗng hiểu ra, “Là bánh trôi mè.”
Mai Như cười.
Ý Thiền khen, “Cô nương vẽ giống quá.”
Mai Như lạnh lùng ngừng cười, nàng cụp mắt xuống. Thật ra đây là Phó Tranh dạy nàng. Sở dĩ nàng có thể nhận ra hoa đăng của Phó Tranh cũng vì lý do này.
Có một dịp tết ở kiếp trước, Phó Tranh dẫn binh chống giặc tại Cam Túc nên không về kinh. Mai Như ở kinh thành ăn không ngồi rồi, thế là quyết đoán chạy đến doanh trại tìm hắn.
Thấy Mai Như tới, người này vẫn lạnh lùng như thế, hắn mất kiên nhẫn trừng mắt với nàng, “Ngươi mau về kinh.”
Hắn đuổi nàng nhưng Mai Như nào chịu đi.
Nàng ở trong trướng của Phó Tranh; người này ban ngày vắng mặt, đêm mới trở về. Hai người hiếm khi ngủ cạnh nhau, cũng có thể miễn cưỡng nói là tương đối hòa thuận. Đêm Nguyên Tiêu, Mai Như chọt lưng hắn, “Vương gia, hôm nay ta chưa ăn bánh trôi nha.” Nơi đây chiến tranh loạn lạc, làm gì có người nhớ mấy thú vui này.
Phó Tranh không để ý tới nàng, Mai Như tiếp tục chọt lưng hắn.
Lưng hắn vừa rắn chắc vừa cứng cáp, Mai Như chọt chả có tác dụng gì nhưng nàng vẫn làm không biết mệt.
Phó Tranh bị nàng làm phiền đành chịu thua. Hắn ngồi dậy, vẽ mấy viên bánh trôi rồi ném cho nàng.
“Trông mơ giải khát[1], cầm đi!”
Mai Như lặng lẽ ngắm nhìn thật lâu rồi vụng trộm giấu dưới gối.
Đêm Nguyên Tiêu thứ hai, hai người từ cung điện trở về. Phó Tranh uống rượu nên dựa vào thành xe ngựa nhắm mắt nghỉ ngơi. Mai Như mở lời, “Vương gia, năm nay ta cũng chưa ăn bánh trôi.”
Phó Tranh không mở mắt, cũng chẳng nói câu nào.
Mai Như bảo, “Vương gia, ngài lại vẽ một bức cho ta nhé?”
Lúc này Phó Tranh mới mệt mỏi mở mắt ra, “Cái gì?”
Khi về phủ, Mai Như lấy bức tranh năm ngoái từ trong hộp ra rồi giơ lên trước mặt hắn như đang dâng hiến báu vật.
Phó Tranh ngẩn ngơ nhìn.
Hắn tới bên bàn, cầm bút lên, xoay người nói với nàng, “Ta dạy ngươi.” Mai Như mừng rỡ, nhưng người nọ đã xoay người sang chỗ khác và lạnh lùng bảo, “Học được thì về sau đừng làm phiền ta.”
Ý cười mới nãy còn đọng ở khóe miệng nàng đông cứng trong nháy mắt…
Mai Như than một tiếng, lười nhác gác bút xuống. Nàng vò tờ giấy trên bàn rồi ném cho Tĩnh Cầm.
Nàng tới phòng Kiều thị.
Lúc Mai Như đến, không biết Lưu mụ mụ đang khuyên mẫu thân cái gì mà thấy nàng thì im bặt. Mai Như đại khái cũng đoán được. Mẹ nàng háo thắng cả đời, hồi nãy ở chỗ lão thái thái bàn chuyện ngày sinh nhật, dù trong lòng không vui nhưng Kiều thị vẫn phải giả bộ hòa nhã. Đảm bảo bà lại đang giận dỗi.
Mai Như đoán trúng phóc, từ lúc trở về Kiều thị vẫn luôn nghĩ tới việc trong phủ.
Nếu đặt hai phòng cạnh nhau thì lão thái thái rõ ràng thích nhị phòng hơn.
Mấy năm nay, đường làm quan của Thần nhị gia ngày càng thăng tiến, song Mai Dần vẫn giữ bộ dạng phong lưu không biết tiến bộ. Chưa kể còn mấy đứa trẻ nữa; Mai Tương chẳng biết cố gắng, Tuần Tuần không tuân thủ quy củ, lão thái thái không thích cả hai. Con cái nhị phòng thì chả đứa nào thua kém. Không bàn đến mấy ca nhi, chỉ riêng Thiến tỷ nhi đã như hoa như ngọc làm người ta thương, ngôn ngữ cử chỉ lại hoàn hảo chả có chút sai lầm. Tết Nguyên Tiêu mấy hôm trước, bài thơ của nàng ấy còn được Yến Vương điện hạ coi trọng, khiến nàng ấy nhất thời nổi bật hơn xưa.
Nhìn con gái đứng trước mặt, Kiều thị nhịn không được mà than một tiếng.
Mai Như vội vàng tới xoa bóp vai cho mẫu thân, vừa xoa vừa khuyên, “Sức khỏe là quan trọng nhất, mẫu thân đừng làm lụng vất vả.”
Kiều thị nghiêng đầu liếc mắt dọa nàng, “Đứa nhỏ như con thì biết cái gì?”
“Sao con lại không biết chứ?” Mai Như nói, “Mẫu thân đơn giản là rảnh quá nên muốn tìm chuyện làm.”
Kiều thị quay đầu lại, “Chuyện thứ nhất khiến ta bận tâm là con đó!” Vừa nghĩ đến Thiến tỷ nhi viết một bài thơ liền có tiếng tài nữ, bà không khỏi nóng lòng thúc giục, “Tuần Tuần, bao giờ con ghé chỗ dì?”
Mai Như cũng đang nghĩ tới chuyện này, nàng thản nhiên trả lời, “Đợi mẫu thân khỏe đã.”
“Không được, không được, ngày mai con đi luôn đi!” Kiều thị xua nàng.
Mai Như ngẩn người, “Sao phải gấp như vậy?”
Kiếm thanh danh thì sao có thể không gấp?
Nhìn bộ dạng không chí tiến thủ của con gái, Kiều thị hận bản thân chẳng thể vén tay áo lên rồi thay Tuần Tuần đọc sách!
Hôm sau, Mai Như tới Mạnh phủ, nàng thỉnh an Mạnh lão thái thái rồi lại thỉnh an tiểu Kiều thị.
Tiểu Kiều thị thấy nàng tới bèn thở phào nhẹ nhõm, “Ta thật nhìn không nổi mấy bản ghi chép do An ca nhi biên soạn. Đến trâm cài còn chẳng phân biệt được, đúng là đầu gỗ! Tuần Tuần vẫn tốt hơn, các cô nương kỹ tính hơn nhiều…”
Khi tiểu Kiều thị nói mấy lời này, Mạnh An đứng cạnh xấu hổ, khuôn mặt trắng nõn đỏ bừng.
Mí mắt Mai Như giật giật. Nàng thầm răn đe chính mình tuyệt đối không thể phạm sai lầm, bằng không…kết cục sẽ cực kỳ xấu.
[1] Ví von việc dùng ảo tưởng để tự an ủi. Xuất phát từ câu chuyện sau: Quân lính trên đường hành quân rất khát. Tào Tháo thấy thế liền bảo họ sắp hành quân qua rừng mơ. Nghe vậy, ai nấy đều ứa nước miếng và cảm thấy đỡ khát hẳn.