Bên trong sảnh chính không có người hầu hướng dẫn, mọi người ngồi quỳ theo thứ tự. Bọn họ ngầm tôn Chu Tố Khanh làm kẻ cầm đầu, nàng ta từ chối miết rồi cũng ngồi ở vị trí trên cùng. Chẳng ai ngó ngàng tới Mai Như, nàng ngồi trong góc để tránh mất mặt.
Khoảng nửa nén hương sau, một nha hoàn tiến vào.
Nhóm quý nữ ngồi quỳ nãy giờ nên hơi nhức mỏi, song chả ai biểu lộ mình mệt; bọn họ đều ráng giữ vẻ nghiêm trang. Ngay cả con khỉ năng động như Mai Như cũng chỉ lén lắc chân, vì nàng nhớ đến những lời dặn dò lặp đi lặp lại của Kiều thị.
Nha hoàn búi tóc hai bên kia nhìn quanh phòng.
Mọi người không khỏi tò mò người đầu tiên được Bình Dương tiên sinh gọi là ai. Suy nghĩ một hồi thì bọn họ cảm thấy người đó chắc chắn là Chu Tố Khanh. Trong số họ, Chu Tố Khanh thành danh từ lâu, kinh thành có ai không biết danh hiệu Chu đại tài nữ đâu? Bình Dương tiên sinh không về kinh nhiều năm liền nhưng chắc đã nghe qua. Mọi người nhất thời nhìn về phía Chu Tố Khanh bằng ánh mắt cực kỳ hâm mộ.
Chu Tố Khanh ngồi ở đầu, khi cảm nhận được ánh mắt của mọi người thì khóe môi nàng ta cong lên. Tuy nhiên, nàng ta vẫn nhìn nha hoàn với vẻ đoan trang dịu dàng.
Mắt tiểu nha hoàn lướt khắp phòng, nàng ấy cất tiếng, “Tam cô nương Mai phủ hãy đi cùng ta.”
Mọi người sững sờ rồi đồng loạt ngoái đầu ra sau để thấy Mai Như ngồi tít trong góc. Cả đám bỗng nghĩ hay Bình Dương tiên sinh định nhổ bỏ mầm non ngang ngược, hư hỏng, và ngu ngốc rồi mới tuyển chọn kỹ lưỡng từ những người còn lại?
Mai Như thầm than vãn tại sao mình lại bị chọn đầu tiên chứ? Nàng đâu dám tỏ thái độ nên đành đứng dậy đi theo nha hoàn. Bình Dương tiên sinh có vẻ thích trúc, khu vườn của bà trồng đầy những cây trúc xanh mướt. Mai Như bước vô một căn phòng nhỏ đốt trầm hương và treo màn trúc xanh hơi ố vàng, nàng quỳ gối bên ngoài rồi cung kính thi lễ.
Người ở phía bên kia màn trúc hỏi, “Ngươi biết làm gì?”
Mai Như thành thật trả lời, “Học sinh không thạo thơ ca, đánh cờ cũng kém, chỉ hơi hứng thú với luyện chữ.”
“Ồ,” tiếng cười khẽ vang lên, “cô bé này trung thực đấy.”
Mai Như lễ độ đáp, “Học sinh nào dám giấu giếm.”
“Nghe nói ngươi thích nghiên cứu thức ăn?”
Mai Như lúng túng, biểu ca không nhắc tới chuyện này mà sao Bình Dương tiên sinh biết? Nàng chần chừ trước lúc xấu hổ thừa nhận, “Học sinh thích mấy món đồ lặt vặt.”
Bình Dương tiên sinh hờ hững hỏi tiếp, “Ngươi thông thạo tiếng man di nhỉ?”
Biểu ca đảm bảo không biết vụ ấy! Mai Như ngẩn người, một cái tên gây sợ hãi nhảy lên đầu lưỡi và khiến nàng suýt buột miệng thốt ra – Phó Tranh?
Mai Như nhíu mày.
Tại sao Phó Tranh tiến cử nàng?
Bây giờ nàng chẳng có thời gian nghĩ nhiều, nàng nói, “Học sinh chỉ hiểu một chút.”
Đối phương “ừ” một tiếng, sau đấy có người đưa ra nàng quyển sách từ phía sau màn trúc. Nội dung sách được viết bằng ngôn ngữ phiên bang chứ không phải ngôn ngữ Đại Ngụy; Mai Như lật vài tờ thôi đã hoa cả mắt vì chả hiểu gì hết. Nàng đáp trả đúng sự thật.
Bình Dương tiên sinh thở dài, “Hóa ra ngươi không đọc hiểu mà chỉ nghe hiểu, thế thì không được.”
Những lời trên làm lỗ tai Mai Như ửng hồng.
Bình Dương tiên sinh chẳng nói gì thêm, phía trong gian phòng hoàn toàn yên tĩnh. Mai Như theo chân nha hoàn quay lại sảnh chính.
Mọi người thấy nàng về thì nhận định những thí sinh kém nhất sẽ bị gọi vào trước. Bọn họ mải nghĩ chả biết ai xui xẻo xếp thứ hai sau Mai Như, nào ngờ người được mời tiếp theo là Chu Tố Khanh!
Chu Tố Khanh nghe tên mình cũng ngỡ ngàng giây lát, nàng ta ngoảnh đầu nhìn Mai Như.
Mai Như im lặng ngồi tại chỗ với vẻ mặt lãnh đạm.
Khó hiểu thật, dựa trên tình hình thực tế thì chẳng lẽ Bình Dương tiên sinh đánh giá kẻ ngang ngược thành thói như tam cô nương Mai phủ cao hơn Chu Tố Khanh? Thậm chí bà còn coi trọng Mai Như nữa?
Sau khi mọi người gặp Bình Dương tiên sinh theo thứ tự, nha hoàn mời những người không có duyên về nhà.
Mai Như bị Bình Dương tiên sinh nhận xét như thế nên chẳng hy vọng mấy. Nàng bình chân như vại nhưng cũng khá bẽ mặt, coi bộ nàng quả thật chả có chí cầu tiến. Ấy thế mà tên Mai Như lại vắng bóng khỏi danh sách do nha hoàn đọc! Quyên tỷ nhi của Hạ phủ lại bị mời về, làm mọi người vô cùng kinh ngạc.
Bọn họ chưa kịp nghĩ sâu xa đã được dẫn đến một căn phòng, trên bàn của mỗi người đặt chén trà nhỏ.
Từng loại trà đều sở hữu mùi thơm lẫn hương vị riêng biệt, chén trà nhỏ trước mặt bọn họ chứa sáu loại trà khác nhau. Đề bài yêu cầu các nàng viết tên sáu vị trà rồi dùng chúng để sáng tác một bài thơ.
Màn bình phẩm trà và mùi hương này khác bình thường, bởi vì các loại hương vị đã bị trộn lẫn tùm lum.
Mai Như tập trung thưởng thức, trước hết phải ngửi mùi. Mùi thơm dễ chịu và kéo dài, sau đấy hương thơm nồng nàn chậm chạp tan, bên trong mùi hương còn sót lại hàm chứa cả hơi mát. Mai Như gật gù rồi nhấp thử một ngụm.
Nàng nhăn mặt lẹ hơn bất kỳ ai.
Nàng đâu ngờ trà này vào miệng lại đắng thế, hơn nữa vị đắng còn đậm đặc và chẳng khiến người uống khoan khoái chút nào. Lúc nàng cố gắng nhấm nháp dư vị thì mới loáng thoáng tìm thấy vị ngọt giữa kẽ răng; vị ngọt nhạt tới mức dễ dàng bị người ta bỏ qua.
Thành thật mà nói, thưởng trà là hoạt động thanh tao của văn nhân, nhưng thưởng trà hỗn hợp thì chả có gì nho nhã.
Khi vị chát trong miệng giảm bớt, Mai Như cầm bút viết cái tên thứ nhất: bất tri xuân[1]. Nàng ăn miếng mứt hoa quả rồi lần lượt viết tên năm vị trà còn lại. Mai Như mê ăn uống nên bài thi này không làm khó nàng được. Nàng dở sáng tác thơ văn, song vận dụng tâm lực hai đời cũng giúp nàng viết ra một bài thơ tạm ổn.
Mai Như may mắn vượt qua bài kiểm tra, chưa kể nhiều thí sinh mà chỉ mình nàng viết đúng sáu loại trà.
Mai Như ngượng ngùng nghĩ phải chăng nàng tham ăn tục uống quá?
Kế tiếp là kiểm tra vẽ tranh, không có đề bài nên mọi người được thỏa sức vẽ chủ đề của riêng mình.
Người xung quanh đã sớm đặt bút vẽ nhưng Mai Như cứ thong dong đứng yên, nàng cần suy nghĩ cẩn thận. Kỳ thật nàng chẳng giỏi vẽ tranh, được một lần có cảm hứng thì lại bị Phó Tranh phá hư. Nghĩ đến đây, Mai Như bất giác nổi giận.
Nàng thở dài rồi cầm bút. Cuối cùng Mai Như vẫn chẳng biết mình muốn vẽ gì, vì vậy nàng vung bút theo tâm trạng.
Thật kỳ lạ, chỉ với vài nét bút mà cơn mưa thu đã hiện trên mặt giấy. Thêm vài nét nữa là có nhánh cây lay động giữa mưa bụi. Ngoài ra còn những chiếc lá rơi la đà; có chiếc vùi mình vào lòng đất, có chiếc bay theo gió đến nơi xa. Sau khi hoàn tất khung cảnh này, Mai Như tính vẽ thêm song cảm hứng đã tắt ngúm. Nàng ngơ ngác đứng trước bàn, bất chợt cảm thấy nội tâm trống rỗng.
Mai Như chấm mực rồi đề bút viết ba chữ – bất tri xuân.
Nha hoàn treo tranh của mọi người lên, đập vào mắt người ta là tranh do Chu Tố Khanh vẽ. Nàng ta vẽ non sông vạn dặm, núi non trùng điệp, ngàn sông vạn suối; tất cả toát lên khí khái hào hùng. Những người khác vẽ cảnh trêu đùa hoa lá chim muông hoặc vẽ mỹ nhân thật chi tiết. Lọt thỏm giữa các tác phẩm trên là bức Bất Tri Xuân của Mai Như, trông nó quá đơn giản và lạc lõng.
Bây giờ Bình Dương tiên sinh mới lộ diện.
Bình Dương tiên sinh để mặt mộc cũng như mặc trang phục thanh lịch, tóc bà chỉ cắm nghiêng một cây trâm ngọc. Bà khoác áo ngoài xanh nhạt thêu hoa văn mai lan cúc trúc tối màu và phối cùng váy lụa màu trà, toàn thân bà tỏa ra khí chất thanh đạm. Mai Như thấy hình như mình từng gặp Bình Dương tiên sinh ở đâu đó vì trông bà hơi quen mắt, thế là nàng cố nhìn kỹ hơn.
Nàng chợt nhớ ra bà chính là vị phụ nhân ốm yếu mà nàng gặp tại cái am ở Trác Châu. Hai người chỉ gặp một lần nhưng không ngờ lại có ngày tái ngộ.
Mắt Bình Dương tiên sinh nhìn thẳng, bà đi lướt qua tranh mọi người và thờ ơ liếc nhìn chứ chẳng dừng lại.
Bà chỉ dừng bước lúc đến vị trí treo bức tranh của Chu Tố Khanh.
Mọi người đều nhìn Chu Tố Khanh, ánh mắt hàm chứa cả chúc mừng lẫn ngưỡng mộ.
Bình Dương tiên sinh quay đầu nhìn bốn, năm cô nương phía dưới rồi bảo nha hoàn thân cận, “Ta không thích bức tranh này, nét chữ phối với tranh vẽ một cách giả tạo và miễn cưỡng.”
Mọi người: “…”
Đây là tranh của Chu Tố Khanh mà Bình Dương tiên sinh bắt bẻ thế ư?
“Tiên sinh, tranh của ta…” Chu Tố Khanh cất tiếng hỏi với khuôn mặt đỏ bừng. Nàng ta hiếm khi bị chê bai như vậy nên chật vật tới độ nói không ra lời.
Bình Dương tiên sinh nhận xét, “Ngươi vẽ khá đẹp, đáng tiếc nội dung tranh quá giả, làm mất chất riêng. Nhất là bài thơ này…”
Lời phê bình của bà khiến mọi người chú ý đến bài thơ Chu Tố Khanh viết ở góc bức tranh; là một bài thơ tên Viễn Xa Hành[2]. Thơ nàng ta hay nhưng chữ viết quả thật hơi… Nó không xấu, có điều trông quá phóng túng, nói theo người xưa thì tác giả như đang cố nhét con chữ vào một cái khuôn. Khi nhìn gần còn thấy kỳ kỳ nữa, song bọn họ chẳng thể chỉ ra kỳ ở điểm nào.
Mọi người mù tịt nhưng Mai Như ngờ ngợ phát hiện chân tướng.
Chu Tố Khanh viết đẹp, tuy nhiên nét chữ của nàng ta lại bắt chước Mai Như đôi phần!
Mai Như viết vô cùng phóng khoáng, nét chữ dưới tay nàng tựa cục bột được nhào nặn thành dáng vẻ thoải mái, sảng khoái, và vui vẻ. Tại kinh thành này, nàng coi như sở hữu phong cách viết riêng. Rất ít người từng thấy chữ nàng; tiểu Kiều thị, Phó Tranh, Chu Tố Khanh là số ít đó. Đấy là chưa kể Chu Tố Khanh đã xem qua sách do Mai Như biên soạn.
Cách Mai Như viết giống hệt con người nàng. Nét chữ dưới ngòi bút của nàng đúng như Phó Tranh mô tả: đầy si mê ngây ngô, mang theo nét phong lưu thời Ngụy Tấn, không đẹp nhất nhưng độc đáo lẫn thú vị nhất. Nếu người khác viết thì chỉ đủ sức bắt chước bề ngoài chứ không thể nắm bắt tinh túy của con chữ.
Có lẽ Chu Tố Khanh thấy Bình Dương tiên sinh coi trọng Mai Như nên làm bài theo sở thích của bà, ai dè nàng ta lại tự đào hố chôn mình!
Mai Như cười khẩy.
Bình Dương tiên sinh vừa phất tay liền có người gỡ tranh Chu Tố Khanh rồi dẫn nàng ta ra ngoài.
Chu Tố Khanh mặt đỏ tai hồng, nàng ta chưa bao giờ mất mặt đến thế trong các kỳ thi văn chương hội họa.
Nàng ta đang muốn cấp tốc rời đi thì Mai Như đột ngột gọi, “Chu tỷ tỷ!”
Chân Chu Tố Khanh cứng đờ, nàng ta bình tĩnh quay đầu lại.
Mai Như thản nhiên hỏi, “Chu tỷ tỷ đã trả cho dì…mấy quyển sách của ta chưa?”
Nàng không vạch trần mà chỉ bóng gió một câu. Suy cho cùng, có nói cũng chẳng ai tin vì quá ít người thấy chữ viết của Mai Như. Tuy vậy, câu hỏi này được thốt ra vào thời điểm nhạy cảm nên kích thích người ta nghiền ngẫm.
Mặt Chu Tố Khanh trắng bệch, hai người lạnh lùng đứng đối diện nhau. Nàng ta nói “ta chưa trả” rồi gấp gáp bỏ đi.
Mai Như thầm cười mỉa mai.
Kế đến là khảo nghiệm hai chữ “âm nhạc”. Kiếp trước, Mai Như cố học đàn sắt vì muốn cầm sắt hòa minh[3] với Phó Tranh. Thuở ấy nàng vui sướng học tập, tiếc rằng tâm trạng hiện tại khác hẳn xưa kia. Nàng ngồi ngay ngắn rồi nhẹ nhàng gảy đàn, đầu ngón tay nàng tấu lên khúc nhạc đượm vẻ thê lương.
Bình Dương tiên sinh mới nghe đã xua tay. Mai Như sửng sốt, nàng ngừng chơi và đứng bật dậy.
Bà cau mày, “Còn nhỏ tuổi mà sao nhiều u sầu thế?”
Mai Như đứng lóng ngóng không biết giải thích ra sao, Bình Dương tiên sinh thở dài, “Ta vốn ốm yếu, nghe giai điệu kiểu này sẽ tổn hại sức khỏe. Ngươi về đi.”
Mai Như chưng hửng trước mấy lời đó. Lúc ngồi trên xe ngựa, nàng vẫn hoang mang tự hỏi phải chăng nàng “chết” dưới tay của chính mình?
Nhưng Mai Như thấy mình chưa đến nỗi bẽ mặt, Chu Tố Khanh thảm hơn nhiều.
Nhớ đến sắc mặt đỏ trắng đan xen của Chu Tố Khanh làm Mai Như cao hứng tột độ.
Kiều thị thấy nàng hí hửng về phủ thì mừng lắm, bà vội hỏi, “Con được chọn hả?”
Mai Như đáp, “Làm gì có? Bình Dương tiên sinh bảo con về.”
“Vậy mà còn cười?” Kiều thị chọc đầu nàng, con gái vô tâm khiến bà tức chết đi được.
Vài ngày sau, toàn bộ Mai phủ đều biết tam cô nương thi rớt. Tại Xuân Hi Đường, lão tổ tông răn dạy, “Tuần Tuần, về sau con hãy an phận ở trong phủ học quy củ giống nhị tỷ tỷ của con. Bớt ra ngoài gây sự đi!” Đỗ lão thái thái hết sức lo lắng về tam nha đầu với tính cách hoang dã này, bà sợ nàng phạm sai lầm.
Mai Như chả tức giận, nàng ngoan ngoãn đáp, “Vâng ạ.”
Ngay sau đó, đại nha hoàn của lão tổ tông tiến vào thông báo, “Lão tổ tông, Bình Dương tiên sinh lại gửi thiệp.”
Đỗ lão thái thái nghe tên Bình Dương tiên sinh liền hạ hỏa, bà chau mày sai nàng ấy đọc.
Nha hoàn mở thiệp rồi đọc lướt qua, nàng ấy mừng rỡ bẩm báo, “Lão tổ tông, tam cô nương được chọn!”
“Hở?” Đỗ lão thái thái giật bắn mình.
Kiều thị vui sướng nói, “Đưa ta xem nào.”
Kiều thị cầm tấm thiệp vàng khắc hoa rồi đọc đi đọc lại – con nhóc nhà mình đậu thật! Bà niệm “A Di Đà Phật” trong lòng và chọc chọc đầu Mai Như.
Mai Như ngỡ ngàng.
Bình Dương tiên sinh đã đuổi nàng về mà, sao lại…
Lão thái thái cũng đọc tấm thiệp, bà ngẩng đầu nhìn Mai Như rồi bất lực lắc đầu và nở nụ cười hiếm hoi, “Mai phủ chúng ta sắp cho ra đời một tài nữ ngỗ ngược thật à?”
[1] Dịch nghĩa: Không biết đến mùa xuân. Đây là cây thuộc họ đậu, có tên khoa học là Dalbergia Hupeana Hance.
[2] Dịch nghĩa: Hành trình tới những ngọn núi xa.
[3] Cầm và sắt là tên hai loại đàn mà khi cùng hòa tấu thì có âm sắc vô cùng hài hòa. Vì vậy “cầm sắt hòa minh” dùng để chỉ quan hệ vợ chồng hòa hợp.