Không thể đừng được: mùi đắng của hạnh đào khiến ngài luôn luôn nhớ đến số phận những mối tình ngang trái. Bác sĩ Huvênan Ucbinô cảm nhận điều đó ngay từ khi mới bước vào ngôi nhà lờ mờ tối. Ngài đã phải khẩn cấp đến ngay để lo liệu cho một trường hợp mà lâu nay ngài không còn coi là trường hợp khẩn cấp nữa. Giêrêmia đê Xanh Amua, một người vùng Antidat[1] lưu vong đến đây, một người tàn phế vì chiến tranh, một bác phó nháy chuyên chụp ảnh cho con nít và một người bạn chơi cờ đam gần gũi của ngài đã tự giải thoát mọi nỗi dằn vặt trong lương tâm bằng hơi xyanua vàng.
[1] Quần đảo nằm trong biển Caribê thuộc Trung Mỹ.
Ngài thấy tử thi được tấm khăn vải phủ kín nằm trên chiếc giường dã chiến lâu nay y vẫn ngủ. Ngay bên cạnh là chiếc ghế đẩu có đặt một cái bình đựng chất độc hóa học để xông hơi. Dưới sàn nhà, một con chó săn lông đen có đốm ngực, còn bị cột vào chân giường, nằm thẳng cẳng. Bên cạnh con chó là mấy chiếc nạng. Căn phòng đã loang lổ sắc màu lại còn ngột ngạt, vốn là phòng ngủ đồng thời là phòng tráng phim ảnh của Giêrêmia đê Xanh Amua, bắt đầu sáng dần lên nhờ ánh ban mai lọt qua một ô cửa sổ cánh mở toang. Tuy ánh sáng vẫn còn yếu ớt nhưng cũng đủ cho ta nhanh chóng nhận ra uy quyền của thần chết. Những cửa sổ khác, cũng như tất cả các khe hở của căn phòng, đều được người ta lấy giẻ rách đút nút hoặc dùng các-tông đen dán kín lại, do vậy mà căn phòng đã ngột ngạt lại càng ngột ngạt hơn. Trong phòng còn có một chiếc bàn lớn đựng đầy chai lọ không nhãn và hai chiếc bình hợp kim chì – thiếc, tất cả đều ở dưới ngọn đèn thông dụng bọc giấy điều. Bình thứ ba đựng thuốc định hình là chiếc bình đặt ngay bên cạnh tử thi, nào báo và tạp chí, nào phim âm bản in trên kính, nào bàn ghế gãy chân để bừa bộn khắp phòng, nhưng tất cả đều sạch bong không một vết bụi nhờ bàn tay tháo vát lau chùi cẩn thận. Dẫu cho không khí nơi cửa sổ ùa vào làm cho căn phòng thoáng đãng hơn nhưng ở đây vẫn còn hòn than âm ỉ nóng của những mối tình không hạnh phúc mang vị đắng của hạnh đào mà chỉ người tinh tế mới nhận ra. Hơn một lần bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn điềm đạm nghĩ rằng cái phòng này không phải nơi thích hợp để chết trong danh thơm của Chúa. Nhưng với thời gian qua đi ngài cũng kịp nhận ra rằng sự bừa bộn trong căn phòng kia có lẽ đã tuân theo quyết định của một Đấng Toàn năng.
Một viên sĩ quan cảnh sát tiến đến phía ngài. Theo sau y là một anh sinh viên y khoa trẻ măng đang thực tập tại phòng khám bệnh thành phố của ngài. Trong lúc ngài đang trên đường đến đây, hai người này đã lo mở cửa và quạt cho căn phòng thoáng đãng, lấy tấm vải trùm kín tử thi. Cả hai trang trọng chào bác sĩ để biểu lộ sự chia buồn thống thiết vì không một ai trong số họ không biết mức độ thân thiết trong tình bạn giữa ngài với Giêrêmia đê Xanh Amua. Vị thầy học giàu kinh nghiệm siết chặt tay hai người như lâu nay ngài vẫn làm đối với mỗi sinh viên trước khi bắt đầu bài giảng thường lệ về môn y học thực hành tại buồng bệnh. Sau đó, ngài chìa ngón trỏ và ngón cái, do đó nom bàn tay ngài lúc ấy tựa như một bông hoa hai cánh, ngài cầm lấy mép tấm vải, rồi kính cẩn từ từ lật nó ra và thế là tử thi lộ nguyên hình. Người chết hoàn toàn khỏa thân, cứng đơ và co rúm, hai mắt mở trợn trừng, da xanh tái, nom y già hẳn đi năm mười tuổi so với đêm trước đây. Người chết có đôi con ngươi trong vắt, râu và tóc vàng hoe, bụng mang vết sẹo mổ dài còn in rõ những mối khâu, vai và hai cánh tay to bè vâm váp nhưng hai bẹn bại liệt lại teo tóp. Bác sĩ Huvênan Ucbinô nhìn tử thi hồi lâu, tim ngài đau nhoi nhói khi thấy trong những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc chiến đấu kém hiệu quả của ngài nhằm chống lại thần chết.
– Đồ hèn – ngài nói với tử thi – Điều đốn mạt nhất đã qua đi rồi.
Ngài che khăn vải lại cho tử thi và lấy lại điệu bộ trịnh trọng theo kiểu hàn lâm viện vốn có của mình. Năm ngoái, ngài làm lễ khai thọ tám mươi tuổi kéo dài suốt ba ngày liền. Trong bài diễn văn cảm tạ các tân khách đến dự tiệc, một lần nữa ngài bác bỏ ý định về hưu. Ngài nói: “Tôi còn khối thời giờ để nghỉ ngơi khi nào nhắm mắt xuôi tay, còn bây giờ thì ý định nghỉ ngơi ấy nằm ngoài dự kiến của tôi”. Mặc dù tai trái của ngài ngày một nghễnh ngãng hơn, mặc dù mỗi bận đi lại ngài phải chống cây ba toong mũi bịt bạc để bước đi của mình đỡ loạng choạng, ngài vẫn ăn diện như thời xuân trẻ của mình: vận quần áo lanh mịn và khoác một chiếc áo khoác có vắt chéo sợi dây đeo đồng hồ vàng chóe. Bộ ria vểnh màu hổ phách, kiểu ria của cụ Paxtơ, mái tóc vàng cũng màu hổ phách được chải ốp có đường ngôi ở giữa, đó là những biểu hiện thường nhật của cá tính con người bác sĩ Huvênan Ucbinô. Trí nhớ suy giảm khiến ngài lo ngay ngáy nhưng ngài đã khắc phục nó bằng cách ghi chép vội vàng trên những mẩu giấy rồi để lẫn lộn trong các túi áo, túi quần, cũng giống như ngài để lẫn lộn các chai lọ, dụng cụ đồ nghề và các thứ linh tinh khác trong các túi xách căng phồng. Ngài không chỉ là một thầy thuốc cao niên và sáng giá hơn cả mà còn là con người được kính trọng nhất của thành phố. Nhưng cái thói khoe khoang trí thức của mình cũng như cách thức sử dụng đầy kiêu ngạo tên tuổi của mình khiến ngài ít được mọi người yêu mến.
Những chỉ dẫn của ngài ban cho viên sĩ quan cảnh sát và anh sinh viên thực tập là súc tích và ngắn gọn. Không cần phải mổ tử thi vì cái mùi lẩn quất trong phòng này đã đủ để khẳng định rằng nguyên nhân cái chết là do nhiễm phải hơi độc của muối xyanua vàng đựng trong bình phản ứng với axit và Giêrêmia đê Xanh Amua đã biết thừa điều đó nên không thể hành động thiếu thận trọng để đến nỗi phải chuốc lấy vạ vào thân. Trước thái độ dè dặt của viên sĩ quan cảnh sát, ngài trấn an ngay: “Anh nên nhớ rằng ta là người ký vào biên bản khám nghiệm tử thi.” Anh sinh viên trẻ đứng ngẩn tò te, vẻ buồn bã vì theo quyết định của bác sĩ Ucbinô anh ta buộc phải bỏ cơ hội ngàn năm có một để nghiên cứu tác hại của muối xyanua trên tử thi. Bác sĩ Huvênan Ucbinô ngạc nhiên nhận ra rằng chưa lần nào ngài thấy anh ta có mặt tại trường Y. Nhưng cái cung cách anh ta đỏ bừng mặt cũng như cách nói năng của người vùng núi Anđêt[2] đã giúp bác sĩ Ucbinô hiểu ngay rằng anh ta là người vừa mới đến thành phố này. Ngài nói với anh ta: “Ở đây sẽ chẳng thiếu những thằng điên vì tình để một ngày nào đó sẽ cho anh dịp may nghiên cứu tác động của muối xyanua vàng trên xác chết đâu.”, vào lúc nói như thế ngài mới sực nhớ rằng trong hàng loạt vụ tự tử mà ngài còn nhớ được thì đây là vụ đầu tiên dùng muối xyanua vàng và người tự tử không phải là một gã thất tình. Thế là ngài đổi giọng, nói với anh sinh viên trẻ:
– Khi nào gặp, anh hãy chú ý cho: ở những tử thi chết vì hơi độc xyanua vàng thường hay có cát ở trong tim.
[2] Dãy núi dài 8.500 km ở Nam Mỹ, chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.
Sau đó ngài nói chuyện với viên sĩ quan cảnh sát làm như thể y là người giúp việc của mình. Ngài nói: “Sau đó ta sẽ trực tiếp nói chuyện với quan Thị trưởng.” Ngài biết rằng Giêrêmia đê Xanh Amua là một kẻ hà tiện vắt cổ chày ra nước, rằng bằng nghề chụp ảnh y đã thu về gấp bội so với việc chi ra cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vì thế mà trong một vài ngăn kéo nào đó ở nhà này dứt khoát có tiền và số tiền ấy thừa sức chi phí cho việc chôn cất.
– Nhưng nếu không tìm thấy tiền thì cũng chẳng sao, – Ngài nói với viên sĩ quan cảnh sát. – ta chịu hết cho.
Ngài bảo y hãy nói với các nhà báo rằng người thợ ảnh chết vì bệnh thôi, dẫu ngay sau đó ngài nghĩ rằng cái tin này sẽ chẳng làm cho các nhà báo thú vị gì. Ngài nói: “Nếu cần thiết ta sẽ nói chuyện với nhà chức trách”. Viên sĩ quan cảnh sát, vốn là một kẻ thừa hành nghiêm chỉnh và khiêm tốn, biết rõ rằng bác sĩ Huvênan Ucbinô là một người nghiêm khắc trong việc bảo vệ luật pháp, không hề biết vị nể ai, từng làm thất vọng ngay cả những người bạn thân cận nhất, do đó y rất lấy làm ngạc nhiên trước việc bác sĩ vượt qua tất cả quy định của pháp luật để nhanh chóng chôn cất người chết. Việc duy nhất mà y không tán thành là việc bác sĩ Huvênan Ucbinô sẽ xin đức giám mục cho phép chôn Giêrêmia đê Xanh Amua trong nghĩa địa của giáo khu. Viên sĩ quan cảnh sát, khó chịu trước quyết định đường đột của bác sĩ, định can ngăn ngài:
– Thưa ngài, theo chỗ tôi hiểu, con người này là cả một vấn đề đấy.
– Còn hơn thế nữa. – Bác sĩ Huvênan Ucbinô nói. – Ông ta là một vị thánh vô thần. Nhưng thôi. Những chuyện đó hãy để cho Chúa phán xử.
Phía bên kia thành phố thời thuộc địa Tây Ban Nha, chuông nhà thờ lớn dõng dạc vang lên gọi con chiên đi làm lễ misa. Bác sĩ Huvênan Ucbinô đeo đôi kính gọng vàng mắt hình bán nguyệt rồi rút cái đồng hồ quả quýt ra để xem giờ. Đó là một cái hộp vuông rất xinh xắn. Ngài bóp mạnh lò xo, nắp hộp bật mở. Ôi, suýt nữa ngài bị lỡ mất lễ Hạ trần.
Trong phòng có một cỗ máy ảnh to, loại máy ảnh kềnh càng có bánh xe y hệt loại vẫn được dùng tại các công viên, một tấm phông vẽ cảnh biển lúc hoàng hôn theo lối tranh thủy mạc và trên bốn bức tường có treo ảnh trẻ con trong những ngày đáng ghi nhớ của chúng: ngày nhận lễ ban thánh thể đầu tiên, ngày sinh nhật hạnh phúc, ảnh chụp chúng đội lốt thỏ. Những buổi chiều lặng lẽ suy tư trong lúc chơi cờ đam, bác sĩ Huvênan Ucbinô nhìn thấy những bức tường kia, năm này qua năm khác, bị các bức ảnh dần dà che kín và nhiều lần con tim ngài đập thình lình đầy đau khổ khi nghĩ rằng trong các bức ảnh ngẫu nhiên đem treo tường kia có những hạt giống của một thành phố tương lai, cái thành phố sẽ bị chính những đứa trẻ kia thống trị, chi phối, và ngài nghĩ trong cái thành phố tương lai ấy sẽ không còn mảy may một dấu vết nào có liên quan đến niềm vinh quang của ngài.
Trên bàn giấy, bên cạnh chiếc đĩa sứ đựng mấy chiếc tẩu thuốc của những tay thủy thủ kỳ cựu là bàn cờ với cuộc đấu chưa kết thúc. Dù đang lúc cần phải khẩn trương và tâm hồn phiền muộn, bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn không thể cưỡng được ý muốn nghiên cứu ván cờ bị bỏ dở. Ngài biết rằng đó là ván cờ đêm hôm trước, bởi Giêrêmia đê Xanh Amua chiều nào cũng chơi cờ và tuần nào cũng vậy, y chơi với ít nhất ba đối thủ khác nhau và bao giờ cũng chơi cho đến khi xong ván mới thôi, sau đó thu bàn về và quân cờ bỏ vào một cái hộp rồi cất hộp vào trong ngăn kéo bàn. Ngài biết rằng Giêrêmia đê Xanh Amua bao giờ cũng chơi quân trắng và lần này hiển nhiên là y sẽ thua sau bốn nước nữa, thua không phương cứu chữa. “Nếu là một tội ác thì đây sẽ là chứng tích hiển nhiên, – ngài nói với chính mình – Chỉ có mình mới biết một người đủ khả năng tạo ra một thế cờ thông minh bậc thầy này”. Ngài sẽ không thể sống mà không tìm ra lý do vì sao cái người lính ngang ngạnh kia, vốn quen chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đã bỏ dở trận chiến đấu cuối cùng của đời mình.
Vào lúc sáu giờ sáng, trong lúc đi tuần lần cuối, người tuần đêm nhìn thấy một tấm biển treo ngay trước cửa ăn thông ra đường cái: Hãy lặng lẽ mà vào và hãy báo cáo cho cảnh sát biết. Sau đó ít lâu, viên sĩ quan cảnh sát đi cùng với anh sinh viên y khoa đang thực tập đến nhà Giêrêmia đê Xanh Amua. Cả hai cùng lục soát rất kĩ ngôi nhà để tìm kiếm một chứng tích hiển nhiên khác hẳn với cái mùi đắng của hạnh đào không thể nhầm lẫn được. Nhưng chỉ trong ít phút dừng lại nghiên cứu ván cờ bị bỏ dở, viên sĩ quan nhìn thấy một bì thư đề gửi bác sĩ Huvênan Ucbinô nằm giữa những tờ giấy khác. Đó là một phong thư dán hồ rất cẩn thận đến mức phải xé bì mới lấy lá thư ra được. Ngài bác sĩ vén tấm rèm lụa đen ở cửa sổ để căn buồng sáng hơn rồi đọc lướt bức thư một tờ giấy viết kín cả hai mặt với chữ viết dễ đọc, đáng yêu. Ngay từ lúc đọc đoạn đầu tiên, bác sĩ biết ngay rằng mình sẽ phải bỏ buổi lễ Hạ Trần. Ngài đọc thư mà lòng nôn nao do đó cứ phải lần trở lại mấy trang trước đó để nắm vững mạch văn trong lá thư. Khi đọc xong thư, ngài có cảm giác mình vừa từ nơi rất xa và rất xưa trở về đây. Nỗi lòng xốn xang của ngài được bộc lộ rất rõ mặc dù ngài cố tình che giấu nó: trên làn môi ngài nổi đậm lên màu xám ngoét của tử thi và khi gấp bức thư lại ngài đã không thể ghìm được các ngón tay run rẩy. Ngài cất bức thư vào túi áo khoác ngoài. Lúc này ngài mới sực nhớ đến sự có mặt của viên sĩ quan cảnh sát và anh sinh viên thực tập, rồi ngài mỉm một nụ cười gượng với họ:
– Không có gì đặc biệt cả, – Ngài nói. – đó là những lời nhắn nhủ cuối cùng của ông ta.
Đó là câu nói nửa đùa nửa thật nhưng bọn họ hoàn toàn tin tưởng. Bởi vì ngài bảo họ lật một viên gạch khỏi sàn nhà và họ thấy cuốn sổ ghi chép đã nhàu nát. Trong cuốn sổ này họ đọc được những lời chỉ dẫn để mở chiếc tủ sắt. Không có quá nhiều tiền như họ tưởng nhưng cũng thừa sức chi dùng cho việc chôn cất và trang trải một số việc cần thiết ít tốn kém hơn. Chính lúc này, bác sĩ Huvênan mới thực sự nhận thức đầy đủ rằng mình không thể đến nhà thờ lớn trước lúc đọc kinh Phúc âm.
– Kể từ khi ta biết đến giờ, đây là lần thứ ba ta bỏ lỡ buổi lễ misa ngày chủ nhật, – Ngài nói. – nhưng Chúa hiểu cho nỗi lòng của ta.
Vậy là ngài muốn ở lại đây thêm ít phút nữa để giải quyết nốt mấy việc vặt vãnh khác cho dù ngài đang cố ghìm nỗi khao khát muốn cùng chia sẻ với vợ những lời tự thú trong bức thư. Ngài tự nhủ lòng sẽ thông báo cho một số người thuộc vùng biển Caribê sống lưu vong ở thành phố này biết tin Giêrêmia đê Xanh Amua đã từ trần để phòng khi họ muốn viếng con người từng xử sự như là người đáng được tôn trọng nhất, con người hăng say và cương quyết dẫu rằng sau đó đã chết vì quá thất vọng. Đó là điều hiển nhiên. Ngài cũng sẽ thông báo cho các bạn cờ quay từ những chuyên gia nổi tiếng đến cả những người bạn ít thân cận hơn để đề phòng khi tất cả bọn họ muốn tham dự việc chôn cất. Trước khi được biết bức chúc thư thì ngài đâm ra phân vân. Nhưng dù sao chăng nữa cũng phải gửi đến đám tang một vòng hoa dành dành làm như thể Giêrêmia đê Xanh Amua trước khi chết đã có một lúc ân hận. Đám tang sẽ được cử hành vào lúc năm giờ chiều vì đó là lúc dễ chịu nhất trong những tháng nóng nực. Nếu người ta cần đến ngài thì ngài sẽ có mặt từ lúc mười hai giờ trưa ở ngôi nhà nơi thôn dã của bác sĩ Laxidêt Ôlivêda, một học trò cưng người mời mọi người đến dự bữa cơm thịnh soạn để mừng đám cưới bạc[3] của vợ chồng họ.
[3] Đám cưới bạc là lễ ăn mừng vợ chồng chung sống với nhau được hai mươi năm.
Bác sĩ Huvênan Ucbinô có thói quen dễ thực hiên kể từ sau những năm sóng gió ngài tổ chức cuộc tranh cử đầu tiên và ngài đã giành được một sự tôn kính và một danh dự không một ai trong tỉnh này sánh kịp. Ngài thức dậy từ lúc gà gáy sáng lần đầu và trong giờ này ngài bắt đầu uống các thứ thuốc dùng riêng cho bản thân: thuốc brumua kali để kích thích thần kinh, thuốc xalixylat chống đau nhức xương trong thời kỳ mưa bão, từng giọt mạch nha lúa mạch để chống choáng, thuốc bêladon để ngủ an giấc. Cứ mỗi giờ ngài uống một thứ thuốc, luôn luôn uống lén, bởi vì trong cuộc đời dài lâu làm thuốc và làm thầy của mình, bao giờ ngài cũng tỏ thái độ phản đối việc kê đơn thuốc giảm đau cho những người già. Ngài cho rằng chữa bệnh cho người khác bao giờ cũng dễ hơn chữa bệnh cho chính bản thân. Trong túi áo, ngài luôn luôn mang theo tuýp thuốc long não để ngửi khi không một ai nhìn thấy và với việc ngửi thuốc long não này ngài xua đi cảm giác khó chịu trước mùi hỗn hợp của nhiều loại thuốc.
Ngài ngồi yên trong phòng làm việc một giờ đồng hồ chuẩn bị bài giảng về y học thực hành tại buồng bệnh. Cho đến trước lúc chết, ngày nào cũng vậy suốt từ thứ hai cho đến thứ bảy, ngài đều phải bắt đầu giảng từ lúc tám giờ sáng ở trường Y. Ngài còn là bạn đọc cần mẫn của những cuốn sách mới xuất bản mà người ta gửi cho ngài theo đường bưu điện, dù đó là sách gửi từ Pari hay từ Bacxêlôna. Bao giờ cũng vậy, ngài vẫn thích đọc văn học Pháp hơn là văn học được viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Dù thế nào chăng nữa, ngài không đọc tiểu thuyết vào buổi sáng mà thường vào sau giấc ngủ trưa hay trước khi đi ngủ buổi tối. Khi kết thúc công việc nghiên cứu bài giảng, ngài thường thở sâu mười lăm phút trong nhà tắm. Hướng mặt về phía cửa sổ mở toang, ngài hít thở thứ không khí trong lành theo gió tươi từ bên phía có tiếng gà gáy sáng ùa vào. Sau đó ngài tắm, ngài sửa lại râu cằm, tỉa tót bộ ria sau khi đã cẩn thận bôi nước hoa hãng Pharian Giêgiênuybec chính hiệu. Ngài vận bộ quần áo trắng bằng vải lanh, khoác một chiếc áo ngoài, đội chiếc mũ mềm, đi đôi ủng da dê nhẵn bóng. Vào tuổi tám mươi mốt này, ngài vẫn giữ được tác phong ứng xử thoải mái và tính tình vui vẻ từ thời ngài mới từ Pari trở về, ít lâu sau nạn dịch tả khủng khiếp xảy ra ở thành phố này, và ngài vẫn giữ được mái tóc chải mượt có đường ngôi giữa như thời trai trẻ, chỉ khác trước ở chỗ bây giờ mái tóc ấy đã ngả màu cước trắng. Ngài ăn sáng cùng gia đình nhưng với chế độ ăn riêng: nước sắc hoa ngải cứu dễ nhuận tràng và một củ tỏi bóc thành từng rồi nhai từng tép một với miếng bánh mì gối với sự tin tưởng rằng tỏi sẽ giúp cho nhịp tim đập điều hòa. Sau bài giảng ở trường Y, hãn hữu lắm ngài mới không có hẹn gặp các bạn cùng thảo ra quy tắc công cộng, với các bạn nghệ sĩ và hoạt động xã hội hoặc với những nhà quân sự theo đạo Thiên Chúa.
Hầu như ngài luôn luôn ăn cơm trưa tại gia đình. Sau đó, ngài ngồi ở ngoài hiên nhà mà ngủ chừng độ mười phút và trong lúc ngủ mơ màng ấy ngài nghe tiếng hát của các cô hầu gái vang lên từ dưới gốc những cây xoài rợp bóng, nghe tiếng rao hàng ở ngoài đường phố, nghe tiếng ồn của máy nổ các tàu thuyền ngoài bến cảng mà mùi dầu của chúng lan đến tận đây, lởn vởn trong không khí ngôi nhà vào các buổi chiều oi nóng, nó giống như thứ mùi của một vị thần bị đày ải trong ẩm mục. Sau đó ngài đọc sách trong khoảng một giờ, đặc biệt là sách truyện và sách nghiên cứu lịch sử, dạy tiếng Pháp và bài hát cho chú vẹt nuôi, vốn từ lâu đã là trò tiêu khiển cho cả khu vực này. Vào lúc bốn giờ chiều sau khi uống xong cốc nước chanh đá, ngài đi thăm bệnh nhân của mình. Bất chấp tuổi tác, ngài vẫn tiếp tục tiếp khách trong phòng khám riêng và chăm sóc ngay tại nhà riêng của từng người, như lâu nay đã làm vậy, từ thời thành phố này chưa sầm uất mà ngài có thể đi bộ đến bất kỳ nơi nào của nó.
Kể từ khi lần đầu tiên từ châu Âu trở về, ngài dùng xe song mã hai mui do hai chú ngựa hồng kéo. Nhưng khi loại xe này không được dùng nữa ngài lại chuyển sang dùng xe độc mã mui trần để đi lại trong thành phố. Sau đó ngài vẫn tiếp tục sử dụng chiếc xe này mặc dù thiên hạ đang chạy theo mốt bỏ xe ngựa dùng xe ô tô. Ngay cả khi xe ngựa không được dùng trong thành phố và những chiếc xe ngựa duy nhất được dùng là những chiếc xe ngựa chở các khách du lịch hoặc để chở vòng hoa trong các đám tang, ngài vẫn cứ dùng xe ngựa. Mặc dù không chịu nghỉ hưu, ngài ý thức rất rõ rằng người ta chỉ gọi mình đến chăm nom các trường hợp thập tử nhất sinh, nhưng ngài cho rằng cả việc này cũng là một hình thức chuyên môn hóa. Ngài có đủ khả năng chỉ nhìn biểu hiện bề ngoài đã biết bệnh nhân ấy đang mắc bệnh gì và ngài ngày càng không tin vào việc dùng thuốc và tỏ thái độ dè chừng trước việc áp dụng rộng rãi giải phẫu học. Ngài bảo rằng: “Con dao mổ là bằng chứng lớn nhất về sự thất bại trong việc sử dụng thuốc.” Với một quan điểm chặt chẽ, ngài nghĩ rằng thuốc là chất độc và bảy mươi phần trăm thức ăn của con người đều đẩy con người đi nhanh đến cái chết. “Trong tất cả mọi trường hợp – ngài vẫn thường nói tại lớp học – số thuốc ít ỏi mà con người biết đến chỉ có một số rất ít thầy thuốc biết được mà thôi.” Từ cách sống vui vẻ, trẻ trung và yêu đời ngài đã chuyển sang cách sống bi quan yếm thế mà chính ngài định nghĩa là một chủ nghĩa nhân văn định mệnh: “Mỗi người là chủ của cái chết của chính mình và điều duy nhất mà chúng ta có thể làm được khi số mệnh đã hết, là giúp cho con người ta chết không sợ hãi và không đau đớn.” Nhưng dù cho ngài có những quan điểm lạ lùng ấy – những quan niệm đã hình thành nên quan niệm y học dân gian địa phương – các học trò cũ của ngài ngay khi đã trở thành những nhà chuyên môn nổi tiếng rồi vẫn tiếp tục tham bác ý kiến của ngài vì họ tán đồng với ngài về quan niệm ấy vốn được gọi là con mắt nghề nghiệp. Muốn nói gì thì nói, ngài luôn luôn là một thầy thuốc cao giá và độc đáo và khách hàng của ngài toàn là dân sống trong những ngôi biệt thự tập trung tại khu phố mang tên Lôt Virâydet[4].
[4] Nghĩa: Các vị Phó Vương.