Thoạt đầu, cô không nghĩ một cách nghiêm túc rằng mình phải viết thư trả lời, nhưng bức thư tỏ tình lại hết sức dứt khoát và sáng tỏ đến mức cô không có cách nào thoái thác được. Trong lúc ngẩn ngơ suy nghĩ cô giật mình nhận ra thấy mình đã nghĩ đến Phlôrêntinô Arixa ngày càng nhiều và ngày một thú vị hơn là điều cô muốn cho phép mình. Hơn nữa cô còn mủi lòng tự hỏi làm sao cậu không có mặt ở vườn hoa như mọi bữa mà không nhớ rằng chính cô đã yêu cầu cậu không được đến đấy trong lúc mình suy nghĩ để trả lời thư cậu. Vậy là cô đã đi đến cái tình trạng nghĩ về Phlôrêntinô Arixa nhiều hơn điều cô tưởng và trong lúc nghĩ đến cậu, cô lại cảm thấy sự có mặt của cậu ở nơi cậu không có mặt. Cô lại mong muốn cậu có mặt ở nơi cậu chưa được phép, cô lại bỗng dưng tỉnh giấc với cảm giác nóng hổi rằng cậu đứng trong bóng tối để nhìn mình trong lúc ngủ. Do đó cái buổi chiều cô cảm nhận rõ ràng tiếng bước chân dứt khoát của cậu giẫm lên lá vàng rơi ngoài vườn hoa, cô phải vất vả lắm mới tin rằng đích thực là cậu rồi, chứ không phải hình bóng cậu trêu chọc cô. Nhưng khi cậu, với giọng oai vệ, đòi cô phải đưa lá thư trả lời thì cô đã kịp lấy lại bình tĩnh. Cô định lảng tránh câu chuyện vì thực tình cô không biết nên trả lời thế nào. Tuy nhiên Phlôrêntinô Arixa lại không biết cách lấp bằng cái hố sâu ngăn cách ấy, trái lại cậu cứ nói phứa đi không hề biết sợ hãi là gì.
– Nếu nhận thư mà không trả lời thì đó là một hành động bất lịch sự. – Cậu nói.
Đó chính là giai đoạn cuối của cuộc săn đuổi tình yêu giữa hai người. Phecmina Đaxa hoàn toàn tự chủ, xin lỗi cậu về sự chậm trễ và nhã nhặn bảo cậu rằng mình sẽ có thư trả lời trước khi kì nghỉ kết thúc. Cô đã thực hiện đúng lời hứa. Tháng hai, một ngày thứ sáu tuần cuối cùng, ba ngày trước khi bắt đầu kì học mới, bà cô Excôlaxtica Đaxa đến phòng bưu điện để hỏi giá cước một bức điện tín gửi về làng Piêdrat Đê Môlê vì bà không thấy ghi trong bảng giá cước bưu điện. Bà cứ để mặc cho Phlôrêntinô Arixa tiếp chuyện mình, làm như thể hai người chưa bao giờ gặp mặt nhau. Khi ra về, bà vờ bỏ quên một chiếc ví bọc da thằn lằn trong đó đựng một phong thư mà tờ bì của nó làm bằng giấy gió, xung quanh có viền những đường hoa văn vàng. Nhận được thư, cậu sướng ngây ngất. Phần chiều còn lại, cậu chỉ ngồi ăn hoa hồng và đọc thư. Đến nửa đêm, vì đọc đi đọc lại bức thư quá nhiều nên cậu cũng ăn quá nhiều hoa hồng đến mức bà Tranxitô Arixa phải nựng cậu như nựng một con cừu con, nài nỉ cậu uống một cốc dầu thầu dầu để giúp dạ dày tiêu thụ nhanh cái món hoa hồng đi.
Đó là năm tháng của tình yêu say đắm. Không một phút giây nào cô cậu không nghĩ đến nhau, mà không mộng thấy nhau, không háo hức đợi thư của nhau và viết thư cho nhau. Trong mùa xuân chan chứa tình yêu ấy, và cả một năm sau ấy, cô cậu không có lấy một cơ hội nào để nói chuyện riêng với nhau. Hơn thế nữa kể từ lần đầu tiên hai người nhìn thấy nhau cho đến khi Phlôrêntinô Arixa nhắc lại lời tỏ tình của mình một nửa thế kỉ đã trôi qua, hai người cũng không hề có cơ hội được nói chuyện riêng về ái tình của mình. Nhưng trong suốt ba tháng đầu, không có ngày nào họ không trao đổi thư từ với nhau, thậm chí có ngày họ viết thư tới hai lần, đến mức bà Excôlaxtica Đaxa phải giật mình ngạc nhiên trước ngọn lửa cuồng nhiệt của cái lò lửa mà bà đã góp phần nhen nhóm lên.
Sau lá thư đầu tiên của cô gái mà bà cầm đến văn phòng điện báo với một ý nghĩ trả thù ngay số phận mình, bà cho phép đôi bạn trẻ được trao đổi thư từ hàng ngày với nhau qua những hộp thư lưu đặt trên dọc đường đi nhưng bà không đủ dũng cảm để che chở cho một cuộc nói chuyện riêng giữa hai người, dù cho đó là một cuộc nói chuyện thường tình hay chốc lát thôi cũng được. Tuy vậy sau ba tháng bà hiểu rằng cháu gái mình không chịu dừng lại ở sự đùa cợt như lúc ban đầu bà tưởng và rằng cuộc sống của chính bà đang bị đám cháy tình yêu kia đe dọa. Thật thế, ngoài tình thương của ông anh ra, cuộc sống thường ngày của bà chẳng còn biết bám víu vào đâu và biết rõ rằng cái tính cách bạo ngược của ông ta không cho phép bà được có những hành động đùa cợt với lòng tin của ông ta ủy thác nơi bà. Nhưng vào lúc phải có một quyết định cuối cùng thì bà không nỡ lòng nào để cháu gái mình phải chịu đựng từ khi trẻ tuổi và thế là bà cho phép cô cháu gái sử dụng một biện pháp xem chừng có vẻ ngây thơ. Đó là biện pháp hết sức giản đơn: Phecmina Đaxa để bức thư của cô ở một chỗ kín đáo nào đó trên đường từ nhà về trường và trong chính bức thư ấy cô dặn Phlôrêntinô Arixa cần để thư của cậu ở chỗ nào để cô đến lấy. Về phần mình, Phlôrêntinô Arixa cũng làm như vậy. Nhờ hình thức này, từ đó cho đến hết năm, những lo lắng trong lương tâm bà cô Excôlaxtica Đaxa cũng theo họ chuyển dời vị trí: lúc thì ở nơi làm lễ xưng tội ở nhà thờ, lúc thì ở các hốc cây dọc đường đi, lúc thì ở kẽ nẻ các bức tường một thành quách thời thuộc địa Tây Ban Nha đã đổ nát. Đôi lúc hai người nhận được những bức thư ướt đầm nước mưa, lấm bê bết bùn đất, nhàu nát vì nỗi bất hạnh và cũng có những bức thư thất lạc vì những lý do khác nhau nhưng bao giờ họ cũng tìm được cách nối lại quan hệ thư từ.
Đêm nào cũng như đêm nào, Phlôrêntinô Arixa đều viết cho chính mình mà không hề biết mỏi, mà tự hủy hoại mình bằng chính những từ viết ra trong khói ngọn đèn dầu ở sâu trong cửa hàng tạp hóa, và các bức thư của cậu ngày một dày hơn, ngày một thú vị hơn, khi cậu càng cố sức bắt chước các nhà thơ được cậu hâm mộ ở Tủ Sách Bình Dân mà thời ấy đã đạt tới con số tám mươi tập. Bà mẹ cậu, người từng nhiệt tình cổ vũ cậu vui lên trong lúc cậu đau khổ vì tình yêu, bắt đầu ngạc nhiên khi thấy sức khỏe con trai có chiều suy sụp. “Con đến loạn trí mất thôi.” – từ trong phòng ngủ khi nghe thấy gà cất tiếng gáy lần đầu mà con mình vẫn thức, bà đã la lên, – “Không có một cô gái nào đáng để con phải hao tâm tổn sức đến như vậy”. Bởi vì bà không nhớ mình đã thấy có ai chịu hao tâm tổn sức như con mình. Nhưng cậu không chịu nghe lời bà. Có đôi lúc cậu đến nhiệm sở sau một đêm thức trắng với bộ tóc rối bù của kẻ đang yêu sau khi đã cất bức thư vào nơi hẹn trước để Phecmina Đaxa trên đường đi học cứ việc đến mà lấy thư. Trái lại Phecmina Đaxa rất đề phòng sự theo dõi ngặt nghèo của cha mình và sự dò la tinh quái của các cô tu sĩ, hầu như cô không viết hết nửa trang giấy vở học trò, mỗi bận cô ngồi viết trong nhà tắm hoặc ngồi viết trong lớp cứ vờ như đang ghi chép bài vở. Các bức thư của cô ngắn không chỉ vì cô vội vàng và sợ hãi mà còn vì chính tính cách của cô nữa. Các bức thư của cô thường tránh không đề cập tới tình cảm thực của mình mà hay nói về những chuyện vặt vãnh hàng ngày. Đó là những bức thư được viết ra để giữ cho hòn than luôn luôn đỏ hồng nhưng không bao giờ người viết chịu nhúng tay vào ngọn lửa đang cháy. Trong khi đó, Phlôrêntinô Arixa lại tự thiêu đốt mình trong từng dòng chữ một, vì say mê chuyện tình cảm cuồng si của mình với cô gái nên Phlôrêntinô Arixa đã lấy mũi kim khảm những vần thơ hay trên cánh hoa trà rồi đưa vào bì thư gửi cho cô gái. Cậu, chứ không phải cô, là một người khôn khéo để cả một mớ tóc của mình vào phong thư gửi cho cô nhưng chẳng bao giờ cậu nhận được một lời đáp hằng mong đợi một mớ tóc thề của Phecmina Đaxa. Nhưng ít ra cậu cũng giành được một bước tiến mới trong quan hệ hai người, bởi vì từ lúc đó trở đi cô gái bắt đầu gửi cho cậu những mẫu lá khô ép trong các cuốn từ điển, những cánh bướm, những chiếc lông chim đẹp và trong dịp sinh nhật cậu, cô còn gửi tặng một xăngtimet vuông vải cắt từ chiếc áo của Thánh Pêdrô Clavê, một thứ hàng lưu niệm mà thời ấy người ta thường bán lén cho các cô học sinh ở tuổi cô với giá rất đắt. Có một đêm, không hề báo trước, Phecmina Đaxa kinh hoàng thức dậy vì nghe thấy tiếng đàn viôlin đang tấu lên một khúc nhạc êm đềm nghe rất du dương và réo rắt. Cái ý nghĩ sáng suốt làm cô rùng mình khi thấy mỗi nốt nhạc đang được tấu lên kia là một lời cảm ơn những chiếc lá ép khô của cô, cảm ơn cô đã ăn cắp thời gian làm toán để ngồi viết thư cho cậu, cảm ơn những lo lắng của cô khi mùa thi đến vì cô dành nhiều thời gian để nghĩ đến cậu nhiều hơn là thời gian cô dành ôn tập các môn khoa học thường thức, nhưng cô không dám nghĩ rằng Phlôrêntinô Arixa lại là một người bạo phổi như thế.
Sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, Lôrenxô Đaxa không tài nào kìm nổi tính tò mò. Thứ nhất, ông ta không hiểu trong ngôn ngữ các khúc nhạc đêm thì việc đơn tấu một khúc nhạc có ý nghĩa gì; thứ hai, mặc dù tập trung nghe tiếng nhạc ông ta vẫn không xác định được khúc nhạc ấy tấu lên từ đâu. Bà cô Excôlaxtixca, với thái độ tỉnh bơ, thái độ ấy giúp cô cháu yên lòng, đã khẳng định rằng qua rèm cửa sổ phòng ngủ bà thấy người chơi viôlin ấy đứng ở phía bên kia vườn hoa và còn bảo rằng trong mọi trường hợp việc đơn tấu một nhạc cụ thường có ý nghĩa là sự cắt đứt quan hệ nào đó. Trong phong thư hôm ấy, Phlôrêntinô Arixa khẳng định với cô gái rằng cậu chính là người đơn tấu khúc nhạc đêm qua và rằng bản nhạc ấy chính cậu sáng tác ra với tựa đề Nữ Thiên thần được tấn phong và với tựa đề ấy cậu khắc sâu hình ảnh Phecmina Đaxa trong trái tim mình. Cậu không đơn tấu cây đàn violin ở vườn hoa nữa, nhưng trong các đêm trăng cậu thường đơn tấu nó tại những địa điểm được lựa chọn với mục đích để cô ở trong phòng ngủ nghe nhạc mà không hoảng hốt như lần vừa rồi. Một trong những địa điểm mà cậu ưa thích nhất là nghĩa trang dành cho người nghèo, một nghĩa trang dãi dầu với nắng mưa nằm trên đỉnh một quả đồi xơ xác, nơi diều quạ thường đến ngủ đêm và là nơi âm nhạc có sức vang xa nhất. Sau này cậu học và biết cách nhận ra hướng gió và nhờ vậy cậu tin chắc rằng tiếng nhạc mình tấu lên sẽ đến nơi cần phải đến.
Tháng tám năm ấy một cuộc nội chiến thuộc số những cuộc nội chiến từng tàn phá đất nước hơn nửa thế kỉ nay đã bùng nổ và đe dọa lan rộng ra trong cả nước. Chính phủ công bố lệnh thiết quân luật và tại các tỉnh duyên hải, người ta thổi kèn giới nghiêm lúc sáu giờ chiều. Mặc dù xảy ra một số vụ lộn xộn và quân đội lạm dụng quyền được trừng phạt đã đàn áp dân chúng một cách bừa phứa, Phlôrêntinô Arixa vẫn đam mê sống với tình yêu đến mức không hề hay biết gì về thực trạng đất nước. Một đêm nọ cậu bị đội tuần tra của quân đội bắt trong lúc cậu đang chơi các bản nhạc tình từng khiến cho các linh hồn chết phải nháo nhác hoảng loạn. Nhờ phép màu nhiệm cậu thoát được một vụ hành quyết theo lối tiền trảm hậu tấu vì tội gián điệp dùng các nốt nhạc để báo tin cho các tàu chiến của phái tự do đang lảng vảng ngoài khơi.
– Gián điệp với chả gián điếc gì. – Phlôrêntinô Arixa nói. – Tôi chỉ là một thằng con trai khốn khổ vì đang tương tư mà thôi.
Ba đêm liền cậu phải ngủ trong xà lim nhà tù thành phố, chân bị xiềng. Nhưng khi bọn họ thả cậu ra, cậu cảm thấy thời gian ngắn ngủi trong nhà tù đánh lừa mình. Ngay cả những năm tháng của tuổi già khi có quá nhiều cuộc nội chiến lộn xộn trong kí ức mình, cụ Phlôrêntinô Arixa vẫn cứ nghĩ rằng mình là người duy nhất của thành phố, thậm chí là người duy nhất của cả nước, là người vì tình yêu đã bị cầm tù với bàn chân kéo lê chiếc xích sắt nặng năm libra[26].
[26] Đơn vị đo lường, mỗi libra bằng khoảng 445g.
Gần tròn hai năm kể từ khi họ trao đổi thư từ với nhau. Phlôrêntinô Arixa, trong một lá thư ngắn gọn, đã chính thức ngỏ lời cầu hôn Phecmina Đaxa. Sáu tháng trước, cậu từng gửi cho Phecmina Đaxa một bông trà my trắng nhưng cô gái đã gửi trả cậu ngay trong bức thư sau để cậu hiểu rằng cô vẫn tiếp tục quan hệ thư từ với cậu nhưng như thế không có nghĩa là cô đã hứa hôn với cậu. Thực ra cô coi việc những bông trà my được gửi đi gửi lại như một trò chơi tình yêu, chưa bao giờ cô nghĩ nó như một ngã tư đường của số phận mình. Nhưng khi lời cầu hôn chính thức của Phlôrêntinô Arixa đến với cô thì cảm thấy như bị nanh vuốt của quỷ thần đang cào vào da thịt mình. Lòng đầy hoang mang, cô đem chuyện ấy kể với bà cô Excôlaxtica và bà này đã đưa một giải pháp dứt khoát với tất cả lòng dũng cảm và trí sáng suốt mà ở tuổi hai mươi bà không có khi phải tự quyết định lấy số phận mình.
– Cháu hãy trả lời nó rằng cháu đồng ý nhận lời. – bà bảo cô cháu gái. – Dù cháu có sợ hãi đến chết, dù cháu có ân hận đi nữa, cháu cũng nên trả lời nó rằng cháu đồng ý nhận lời, bởi nếu trả lời rằng không thì cháu sẽ phải ân hận suốt đời.
Nhưng Phecmina Đaxa bối rối đến mức xin cậu cho một thời gian để suy nghĩ. Lúc đầu cô xin được một tháng, sau đấy lại xin thêm một tháng, rồi một tháng nữa. Bốn tháng qua đi vẫn chưa có thư trả lời. Lúc đấy cô lại nhận được một bông bạch trà nhưng không như những lần trước còn có cả một mẩu giấy ghi lại bức tối hậu thư nói rằng đây là bông bạch trà cuối cùng: hoặc là ngay bây giờ hoặc là không bao giờ. Và thế là lúc ấy Phlôrêntinô Arixa chính là người nhìn thấy bộ mặt thần chết, vâng ngay chính đêm ấy cậu nhận được phong thư trong đó có mẩu giấy xé vội từ cuốn vở học trò ghi độc một dòng chữ viết bằng bút chì: Tốt thôi, em đồng ý lấy anh nếu anh cam đoan sẽ không để em phải ăn cơm với cà nén.
Phlôrêntinô Arixa vẫn chưa sẵn sàng lắm để thực hiện lời đồng ý kết hôn với Phecmina Đaxa nhưng bà mẹ cậu thì đã sẵn sàng. Sáu tháng trước đây, kể từ lần đầu tiên Phlôrêntinô Arixa nói với mẹ về ý định cưới vợ, và Tranxitô Arixa đã bắt đầu đánh tiếng xin được thuê toàn bộ ngôi nhà cho đến lúc ấy vẫn có hai gia đình cùng chung sống. Đó là một ngôi nhà dân dụng được xây dựng từ thế kỉ mười bảy, gồm hai tầng. Trước đây nó là cửa hàng bán thuốc lá dưới chế độ thực dân Tây Ban Nha và các ông chủ ngôi nhà này vì bị phá sản không đủ sức sửa chữa nên buộc phải cho thuê từng phần. Tầng dưới gồm hai phòng riêng biệt cách nhau bởi một cái sân gạch. Khu ngoài ăn thông ra đường phố vốn là cửa hàng. Khu trong ở phía cuối sân vốn là xưởng chế biến thuốc lá và một tàu ngựa rộng hiện nay các chủ hộ thuê nhà dùng chung để giặt giũ và phơi phóng quần áo. Bà Tranxitô Arixa ở khu nhà ngoài là khu nhà tiện lợi và vững vàng hơn mặc dù có chật hẹp hơn. Bà Tranxitô Arixa lấy ván chia cửa hàng trước đây thành hai gian. Gian ngoài bà thuê trổ một cửa lớn và dùng nó làm cửa hàng tạp hóa. Gian trong bà kê một bộ bàn ghế gồm bốn chiếc ghế tựa vừa dùng làm bàn ăn vừa dùng làm bàn viết và tại đây Phlôrêntinô Arixa mắc võng ngủ khi cậu không ngồi viết. Bà Tranxitô Arixa ngủ trong kho hàng cũ vừa chật chội vừa ngột ngạt vì nó chỉ có một cái cửa thông sáng. Đó là một căn hộ tốt đủ cho hai người và nếu thêm một người nữa, lập tức nó sẽ trở nên bất tiện, càng bất tiện hơn khi người ấy là cô nữ sinh Trường Đức mẹ Đồng trinh mà người cha cô ta thừa tiền để sửa chữa ngôi nhà đổ nát thành ngôi nhà mới trong khi đó các gia đình quý tộc cũ khi ngủ lúc nào cũng sợ mái nhà sập đổ lên người mình trong lúc còn đang mơ. Vậy mà Tranxitô Arixa tìm cách thuyết phục chủ nhà cho mình thuê nốt khu nhà trong sân với điều kiện bà phải bỏ tiền ra sửa chữa lại ngôi nhà sao cho nó bền vững được trong năm năm.
Bà có đủ điều kiện để thực hiện điều cam kết ấy. Ngoài số thu nhập do cửa hàng tạp hóa và do việc gỡ vải vụn lấy bông đem bán đưa lại, mà số tiền này vốn đủ cho mẹ con bà sống một cuộc sống bình dị, bà còn biết nhân số tiền dư thừa bằng cách đem chúng cho số bạn hàng mới bị nghèo nhưng vẫn cố tình giữ thể diện vay, những người này nhận trả lãi cao với điều kiện bà phải giữ kín chuyện vay mượn của họ. Các bà mệnh phụ vẻ đài các đế vương bước xuống xe hoa ngay trước cửa hàng tạp hóa, không có con sen cũng không có thằng hầu nào đi theo, đã bước vào cửa hàng vờ mua những dải đăng ten Hà Lan, nào dải tua ren, tua kim tuyến nhưng thực ra khóc dở mếu dở cầm cố những lá vàng cuối cùng của thiên đường vừa bị khánh kiệt. Bà Tranxitô Arixa biết nhanh chóng lấy lòng họ bằng cách ngợi ca quá mức danh thế của họ đến nỗi nhiều lúc các bà ra về lòng mang nặng ơn bà không chỉ vì bà tận tình giúp đỡ mà chủ yếu vì bà giữ thể diện cho họ. Chưa đầy mười năm, bà Tranxitô Arixa đã làm quen với cơ man vòng hạt quý từng được chủ của chúng chuộc lại rồi lại khóc dở mếu dở đem đến cầm cố tới mức bà coi chúng như của mình. Tiền lời thu được bà liền biến thành vàng ròng đựng trong cái bình sứ đem chôn dưới gầm giường. Đó chính là lúc con trai bà quyết định lấy vợ. Vậy là bà tính toán thấy rằng số tiền vốn ấy chẳng những đủ cho bà chi tiêu vào việc sửa chữa ngôi nhà mà còn cho phép bà nếu vẫn sử dụng mưu mẹo ấy mà gặp may, mua đứt ngôi nhà để tặng đàn cháu mười hai đứa mà bà hằng ao ước. Về phần mình, Phlôrêntinô Arixa đã được công nhận là người giúp việc số một cho điện báo viên, với tư cách tạm thời, và Lôtariô Tugut muốn nhường lại cho cậu chân trưởng phòng một khi ông ta chuyển sang lãnh đạo Trường điện báo sẽ mở trong năm tới.
Vậy là chuyện hôn nhân của cậu được giải quyết trên phương diện thực tế của đời sống. Tuy nhiên Tranxitô Arixa vẫn băn khoăn lo lắng về hai điều kiện cuối cùng. Một là phải tìm hiểu xem Lôrenxô Đaxa trên thực tế là ai. Cứ theo âm điệu vang lên của tên ấy thì không ai nghi ngờ gì về địa phương ông ta sinh trưởng nhưng không một ai biết gì về gia thế cũng như điều kiện sinh trưởng của ông ta. Thứ hai là phải kéo dài tình yêu giữa hai người thêm một thời gian nữa để họ hiểu kĩ về nhau hơn và để thử thách tình yêu của họ đến khi nào cả hai đều thấy cưới nhau là lẽ đương nhiên. Vậy là bà nảy sinh ra ý định đòi hỏi hai người phải đợi nhau cho đến khi nào nội chiến kết thúc. Phlôrêntinô Arixa đồng ý với việc phải giữ kín chuyện hai người yêu nhau phần vì lí lẽ của bà mẹ phần vì cái tính e dè nhút nhát của cậu. Cậu cũng đồng ý với việc thử thách tình yêu của mình trong một thời gian dài nhưng cậu cảm thấy cái thời gian ấy không thực tế vì hơn nửa thế kỉ nay kể từ khi giành được độc lập đến giờ đất nước vẫn chưa hề có một ngày hòa bình thật sự.
– Chúng con sẽ già vì chờ đợi mất. – cậu bảo mẹ.
Người cha đỡ đầu của cậu, ngẫu nhiên tham gia cuộc nói chuyện của hai mẹ con, không nghĩ rằng các cuộc nội chiến là một cản trở đáng kể. Ngài nghĩ rằng các cuộc chiến tranh chẳng qua cũng như các cuộc đánh lộn giữa những người nghèo khổ từng bị các chúa đất sai khiến như sai khiến những con bò mộng chống lại những người lính chân đất bị chính phủ sai khiến như những con lừa.
– Chiến tranh ở trên núi ấy, – ông ta nói – kể từ khi tôi là tôi, tại thành phố, chúng ta không bị giết bằng đạn mà ngược lại bị giết bằng đạo luật.