Trong chuyện thất bại này cái duy nhất còn lại với Phlôrentinô Arixa là việc cậu được nghỉ ngơi đầy thích thú bên ngọn hải đăng. Có một đêm cậu và Êuclidêt bị bão đuổi ngay ở ngoài khơi, cậu đã đến được ngọn đèn hải đăng bằng thuyền của Êuclidêt. Từ dạo ấy, chiều chiều cậu đều đến đấy nói chuyện với người coi đèn biển về những chuyện kỳ lạ của đất liền và nước biển mà người coi đèn biển biết được. Đó là ngọn nguồn của một tình bạn thủy chung son sắt bất chấp những thăng trầm của cuộc sống thế tục. Phlôrêntinô Arixa học cách nhóm lửa ngọn đèn, thoạt đầu dùng các bó củi, sau đó dùng các thùng dầu hỏa trước khi chúng ta có nguồn điện. Cậu học cách điều khiển nó và cách tăng thêm ánh sáng bằng việc dùng các tấm gương và trong một vài dịp người coi đèn không thể thực thi nhiệm vụ của mình thì cậu đứng trên tháp cao canh chừng mặt biển suốt đêm. Cậu học cách thức nhận ra các con tàu qua tiếng còi cửa sổ, qua sức phát sáng cho các ngọn đèn pha khi chúng còn ở phía đường chân trời, để mà cảm nhận một cái gì đó từ những con tàu phát trả lại ánh sáng ngọn đèn biển chiếu vào.
Về ban ngày, đặc biệt là vào những ngày chủ nhật, niềm vui của cậu lại là chuyện khác. Ở khu phố các vị Phó Vương, nơi mà giới thượng lưu của thành phố cư trú, bãi tắm biển của phụ nữ và bãi tắm biển của nam giới cách biệt hẳn nhau bởi một bức tường vôi: một cái ở bên phải và một cái ở bên trái ngọn hải đăng. Vậy là người gác đèn biển liền đặt một ống nhòm và bán vé năm xu một lần nhìn cho những ai muốn quan sát cái bãi tắm của phụ nữ. Vì không biết mình đang bị nhìn trộm, các tiểu thư giới thượng lưu chưng ra cái phần ngon mắt nhất mà họ có ở bên trong bộ quần áo tắm rộng thùng thình với giày và mũ, những thứ này che kín cơ thể y như những bộ váy đi ngoài đường họ thường mặc và ngoài ra chúng còn kém phần hấp dẫn hơn. Các bà mẹ ở trên bờ, ngồi giữa trời nắng trên những chiếc ghế xích đu, cũng mặc chính loại quần áo tắm ấy, đội chính những chiếc mũ gài lông chim và đeo những cặp kính râm vẫn thường dùng khi đi nhà thờ dự lễ misa để trông các cô con gái cưng vì họ sợ đàn ông từ bãi tắm bên cạnh lặn sang tán tỉnh và quyến rũ con gái mình. Sự thật là qua ống nhòm cũng không thể nhìn thấy gì hơn và rõ hơn cái mà mắt thường vẫn nhìn thấy ở ngoài đường nhưng có quá nhiều khách hàng đến đây mỗi ngày chủ nhật tranh nhau chiếc ống nhòm chỉ để khoái cái khoái cảm đơn thuần được nếm náp thứ trái cây vô vị tuy ở gần nhưng lại rất xa.
Phlôrêntinô Arixa là một trong số những khách hàng ấy, vì buồn chán mà đến chứ không phải vì thích thú mà đến, nhưng không phải vì trò giải trí hấp dẫn kia mà cậu trở thành bạn thân của người gác đèn biển. Cái lý do đúng đắn của việc cậu thường xuyên đến đây là không địa điểm nào khác ngoài ngọn đèn biển là nơi cậu sống những giờ phút hạnh phúc nhất cũng như cậu tìm thấy lời an ủi tốt nhất cho những nỗi bất hạnh của mình sau khi bị Phecmina Đaxa cự tuyệt. Đó là địa điểm cậu yêu thích hơn cả. Cậu càng yêu thích nó hơn nữa đến mức trong nhiều năm cậu cố thuyết phục bà Tranxitô Arixa và sau đó là ông chú Lêông XII đồng ý giúp cậu tậu ngọn đèn biển này. Bởi vì lúc ấy các ngọn hải đăng thuộc vùng biển Caribê đều thuộc sở hữu tư nhân và các ông chủ của chúng đều có quyền thu tiền qua lại của các tàu thuyền tùy theo mức độ to nhỏ của chúng. Phlôtêntinô Arixa nghĩ rằng đó là hình thức danh dự duy nhất để vừa kinh doanh vừa làm thơ nhưng cả bà mẹ lẫn ông chú không ai nghĩ như cậu và khi cậu có đủ điều kiện tiền nong để mua nó thì các ngọn hải đăng này đã thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Tuy nhiên đối với Phlôrêntinô Arixa không một công việc hão huyền nào trong số những công việc ấy lại vô ích. Câu chuyện huyền thoại về chiếc thuyền đắm, sau đó câu chuyện mua ngọn đèn biển, đều có tác dụng giúp cậu sống qua một cách dễ chịu những ngày Phecmina Đaxa vắng mặt và khi cậu càng ít nghĩ đến sự vắng mặt của cô gái thì tin cô trở về lại đến với cậu. Quả có thế thật, sau một thời gian dài nghỉ lại ở thành phố Riôacha, Lôrenxô Đaxa quyết định trở về nhà. Ðó không phải là thời kỳ biển lặng vì gió bấc đã bắt đầu thổi liên tục và chiếc tàu hai cột buồm, loại tàu duy nhất đảm bảo chuyến vượt biển của cha con họ, có thể cập bến cảng nhờ một ngọn gió ngược chiều kéo đi. Quả vậy, Phecmina Đaxa đã trải qua một đêm cực kỳ vất vả nôn ra mật xanh, bị trói chặt vào giường tầng trong lòng tàu tựa như một phòng nghỉ của quán căng-tin và cô bị nôn mửa không chỉ vì nó chật chội mà còn vì mùi khẳn và hơi nóng ngột ngạt của lòng tàu. Con tàu chao đảo rất mạnh đến mức có vài lần Phecmina Ðaxa tưởng rằng các thang giường bị tuột ra. Từ trên boong tàu vọng đến tai cô những tiếng kêu thảng thốt đầy đau khổ của kẻ hình như đang chết đuối và từ giường tầng bên cạnh tiếng ngáy rền vang như tiếng hổ gầm của người cha vọng đến càng làm tăng thêm không khí hãi hùng. Lần đầu tiên trong gần ba năm cô thức trắng đêm mà không mảy may nghĩ đến Phlôrêntinô Arixa, cũng trong lúc ấy, nằm trên chiếc võng mắc sau quầy hàng, Phlôrêntinô Arixa thức trắng đêm để đếm từng phút từng phút một tưởng như dài vô tận để đợi cô trở về. Khi trời rạng sáng, cơn gió mạnh bỗng ngừng thổi và biển lại trở nên hiền hòa. Phecmina Đaxa nhận ra rằng mình đã ngủ thiếp đi bất chấp những cú nôn ọe do say sóng. Bởi vì cô chỉ thức dậy khi những tiếng va chạm của xích sắt mỏ neo hạ xuống nước làm cô giật mình. Thế là cô vội cởi dây bảo hiểm, rồi thò đầu qua cửa sổ con thuyền với hi vọng sẽ nhìn thấy Phlôtêntinô Arixa trong đám đông đứng ở trên cảng nhưng cái mắt cô nhìn thấy là những cửa hàng thuế quan lấp ló giữa những cây panma rực rỡ vàng trong ánh nắng ban mai và lại là chính cái cầu tàu gỗ mục của cảng Riôacha, nơi đêm qua con tàu đã nhổ neo.
Phần còn lại của ngày hôm đó tựa như một giấc mơ ngay tại ngôi nhà cô đã ở cho đến ngày hôm qua để tiếp đón chính những vị khách từng đến đây tiễn biệt cô, để lại nói về chính những điều đã nói và người ngây ngất vì chính cái cảm giác mình đang sống lại một quãng đời đã sống. Đó là một sự lập lại rất trung thành đến độ Phecmina Đaxa phải rùng mình với một ý nghĩ rằng chuyến đi trên con tàu hai cột buồm kia cũng vẫn là sự lập lại ấy mà chỉ một ký ức về nó thôi cũng đủ khiến cô sợ đến chết khiếp. Tuy nhiên, muốn trở về nhà bằng con đường khác chỉ có một khả năng duy nhất, ấy là việc đi lừa hai tuần liền men theo các triền núi trong điều kiện còn nguy hiểm gấp bội so với lần trước vì một cuộc nội chiến mới được nhen nhóm từ vùng núi Anđết thuộc tỉnh Cauca đã lan rộng đến hầu khắp các tỉnh thuộc duyên hải Caribê. Do đó đến tám giờ tối cô lại được một đoàn người thân ồn ào tiễn ra tận cảng và tại đây người ta lại trào rơi những giọt lệ tiễn đưa, lại tặng những gói quà tặng vào giờ chót mà số lượng của nó quá nhiều đến mức chất đầy cả phòng ngủ trên tàu. Khi con tàu nhổ neo những người đứng đầu các gia đình đi tiễn liền nổ một loạt súng bắn chỉ thiên để đưa tiễn con tàu và Lôrenxô Ðaxa cũng bắn năm phát súng lục để đáp lời họ. Nỗi lo lắng của Phecmina Ðaxa lập tức tan biến vì cả đêm ấy thuận buồm xuôi gió và biển thơm mùi hoa giúp cô ngủ ngon giấc mà chẳng cần phải thắt dây bảo hiểm. Cô gái mơ thấy mình gặp lại Phlôrêntinô Arixa và thấy rằng cậu hạ chiếc mặt nạ mà cô vẫn thường nhìn thấy vì thực tế đó là một chiếc mặt nạ nhưng cái gương mặt đích thực của cậu lại giống hệt nó. Cô thức dậy từ rất sớm, lòng vui như hội vì điềm báo trước của giấc mơ, và cô thấy cha mình đang uống cà phê đắng pha rượu brandy ở trong phòng ăn của thuyền trưởng. Con mắt vốn lác của ông lác hẳn đi vì hơi men nhưng với niềm tin chắc chắn rằng mình đang trên đường trở về nhà.
Họ đang trên đường vào cảng. Con tàu hai cột buồm lẹ làng lách qua những chiếc thuyền neo đậu lộn xộn bên bến chợ mà mùi tanh của nó được ngửi thấy từ ngoài biển cách đó vài dặm và buổi binh mình rực rỡ bị dập tắt bởi một cơn mưa bụi rất dày mà chẳng mấy chốc chuyển thành một trận mưa rào nặng hạt. Dựa lưng bên lan can phòng điện báo, Phlôrêntinô Arixa nhận ra con tàu hai cột buồm khi nó đi qua vịnh Lat Animat với những cánh buồm ủ rũ vì mưa và thả neo ngay tại bến chợ. Ngày hôm trước cậu đã đợi nó cho đến tận mười một giờ trưa là khi cậu ngẫu nhiên đọc bức điện báo báo tin con tàu sẽ đến chậm vì ngược gió. Bốn giờ sáng ngày hôm sau cậu lại có mặt để đợi nó. Cậu chăm chú quan sát không rời mắt những chiếc thuyền đang cập bến chở số hành khách ít ỏi quyết định lên bờ bất chấp trời mưa to. Phần lớn những hành khách này phải rời con thuyền bị mắc cạn ở giữa đường do đó họ buộc phải lội qua bùn lầy để vào bờ. Vào lúc tám giờ, sau khi chờ mãi mà trời không tạnh mưa, một phu khuân vác người da đen lội nước ngang thắt lưng đón Phecmina Ðaxa ở ngay mạn tàu và bế cô vào tận bờ. Nhưng vì cô bị ướt sũng nước nên Phlôrêntinô Arixa không thể nhận ra cô.
Bản thân cô cũng không ý thức đầy đủ mình đã trưởng thành như thế nào trong chuyến du chơi cho đến khi cô bước vào ngôi nhà cửa đóng then cài và ngay lập tức bắt đầu công việc dũng cảm dọn dẹp quét tước để nó có sức sống với sự giúp đỡ của Gala Plaxiđia, người hầu da đen khi nhận được tin chủ trở về đã khẩn trương trở lại nhà sau thời kỳ đi nghỉ ở khu phố cũ của những người nô lệ. Phecmina Đaxa không chỉ là người con gái duy nhất được cha thương yêu và đối xử tàn tệ khắc nghiệt, mà còn là chủ nhân của ngôi nhà bụi bặm bị mạng nhện giăng kín mọi xó xỉnh mà nó chỉ có thể được quét dọn sạch sẽ bởi chính sức mạnh của một tình yêu không gì khuất phục nổi. Cô không hề chán nản trong công việc vì cảm thấy mình được cổ vũ bởi một sức mạnh diệu kỳ có thể giúp cô làm xoay chuyển cả thế giới. Chính cái đêm cô trở về, trong lúc cha con ngồi uống sôcôla với bánh quy phết bơ ở bàn ăn trong nhà bếp, cha cô đã giao lại toàn bộ quyền lực để cô trông nom nhà cửa và ông đã làm việc ấy với cử chỉ hết sức sang trọng:
– Cha giao lại cho con chìa khóa của đời con! – Ông ta nói.
Cô gái, với mười bảy tuổi xanh, đã thực hiện nhiệm vụ ấy với một nghị lực mạnh mẽ vì cô nhận thức rõ ràng rằng mỗi một gang tấc của tự do cô giành được là để cho tình yêu. Ngày hôm sau, sau một đêm mất ngủ, khi mở cửa sổ ban công, lần đầu tiên cô cảm thấy nỗi chán nản của sự trở về, lại nhìn thấy mưa buồn giăng trên vườn hoa, nhìn thấy bức tượng vị anh hùng bị mất đầu, nhìn thấy chiếc ghế đá nơi Phlôrêntinô Arixa vẫn thường ngồi tay cầm quyển sách thơ. Bây giờ cô không nghĩ về cậu như một người tình không thể vươn tới mà như một người chồng hiển nhiên và cậu có thể là người duy nhất và mãi mãi. Cô cảm thấy thời gian bị phung phí kể từ ngày mình ra đi thật đáng tiếc biết bao nhiêu và cảm thấy để sống được mình phải trả giá đắt biết bao nhiêu và cảm thấy để yêu người đàn ông của mình như Thượng đế khuyên nhủ mình còn thiếu biết bao nhiêu tình cảm yêu đương. Cô ngạc nhiên thấy rằng cậu không có mặt ở ngoài vườn hoa như bao lần bất chấp trời mưa cậu đã ngồi thế, ngạc nhiên thấy mình không hề nhận được bất kỳ một dấu hiệu nào của cậu ngay cả một điềm báo về cậu và ý nghĩ cậu đã chết khiến cô rùng mình sợ hãi. Nhưng ngay tức khắc cô xóa bỏ ý nghĩ tội nghiệp đó vì trong lúc tạm ngừng việc đánh điện và trước ngày vội vã lên đường trở về, bọn họ quên không giao ước với nhau cách thức liên hệ khi cô trở về.
Sự thật là Phlôrêntinô Arixa vẫn tin chắc rằng cô chưa trở về cho đến khi bức điện tín đánh đi từ Riôacha báo cho cậu biết rằng cô đã lên tàu vào ngày thứ sáu trên chiếc tàu hai cột buồm và nó đã không đến đây vào ngày hôm trước vì bị ngược gió. Thế là cuối tuần cậu ấy cậu bắt đầu để ý theo dõi bất kỳ một dấu hiệu nào của sự sống có trong nhà cô và đêm ngày thứ hai cậu nhìn thấy sau cửa sổ có ánh đèn di động và cuối cũng tắt mất ở phòng ngủ vào lúc sau chín giờ tối. Cậu lại không ngủ được vì cậu đã trở thành con mồi cho những nỗi khao khát đến nghẹn thở từng làm đảo lộn những đêm đầu tiên của tình yêu. Tranxitô Arixa thức dậy ngay từ lúc gà gáy lần đầu, thảng thốt ngạc nhiên nhận thấy con trai bỏ phòng ngủ đi ra sân và đến nửa đêm vẫn không vào nhà. Bà đã không tìm thấy cậu bởi Phlôrêntinô Arixa thơ thẩn đi lang thang ngoài bãi biển men theo những bãi đá vừa đi vừa ngắm thơ tình gửi theo gió, vừa đi vừa khóc vì sung sướng, và cậu ở đó cho đến khi trời sáng hẳn. Tám giờ sáng cậu đã ngồi dưới mái vòm quán cà phê Parôkia, với tâm hồn vui phơi phới trong lúc chờ đợi Phecmina Ðaxa đi qua và cậu cố tìm một hình thức hợp lý nhất để chúc mừng cô đã trở về. Giữa lúc ấy, cậu cảm thấy người mình bủn rủn vì trong lục phũ ngũ tạng mình có một luồng điện đang chạy rần rật.
Ðích thực là nàng rồi. Có Gala Plaxiđia mang các làn đựng hàng đi bên cạnh, cô gái đang đi qua Quảng trường nhà Thờ lớn và đây là lần đầu tiên cô đi không vận váy áo đồng phục của nữ sinh. So với lúc cô ra đi bây giờ cô cao hơn, gọn gàng và lanh lợi hơn và mang vẻ đẹp được bàn tay khéo léo của người lớn chăm chút. Mái tóc cô đã dài trở lại nhưng không buông xõa sau lưng mà lại được vấn lại bên vai phải và chính sự thay đổi giản dị kia đã tước đi của cô vẻ mặt ngây thơ trước đây. Phlôrêntinô Atixa cứ thẫn thờ cả người đứng nguyên ở chỗ mình cho đến khi người hầu gái vừa đi qua quảng trường mà mắt không rời khỏi con đường cô ta đi. Nhưng chính sức mạnh vô địch từng buộc cậu phải ngồi im đã buộc cậu ngay sau đó phải lập bập bước chân đuổi theo khi cô đã rẽ vào một phố bên cạnh Nhà Thờ lớn và khuất bóng trong đám đông nhốn nháo đứng chật các lối đi chật hẹp trong chợ.
Cậu cứ theo cô mà không để cho cô biết và trong khi đi theo, cậu nhận ra những cử chỉ thân thương, vẻ duyên dáng, sự khôn lớn trước tuổi của người mình yêu hơn hết trên thế gian này, đầu tiên nhìn thấy cô trong trạng thái tự nhiên thoải mái. Tác phong lanh lẹ của cô trong lúc rẽ lối đi giữa đám đông khiến cậu phải ngạc nhiên. Trong lúc bà hầu gái Gala Plaxiđia cứ đụng hoài phải người khác, các làn mua hàng cứ vướng hoài vào người khác và cản bước, bà ta phải chạy theo Phecmina Ðaxa để khỏi lạc thì Phecmina Ðaxa cứ thản nhiên đi giữa những đám đông hỗn độn trên đường phố với một không gian và một thời gian khác hẳn, chẳng va vấp phải một ai, cô đi như một con dơi bay trong sương mù. Đã nhiều lần cô đi chợ với bà cô Excôlaxtica, nhưng bọn họ chỉ mua những thứ lặt vặt thôi bởi cha cô đã đích thân đứng ra nắm tay hòm chìa khóa của nhà này không chỉ ở việc mua sắm đồ dùng nội thất và đồ ăn thức uống mà còn cả việc mua sắm váy áo cho phụ nữ. Vậy là chuyến đi chợ đầu tiên ấy đối với cô là cả một cuộc thám hiểm đầy hào hứng từng được cô ao ước từ thuở còn thơ.
Cô không để ý tới những lời mời chào của những tên bịp bợm chìa ra cho cô thứ nước lá dùng cho tình yêu vĩnh viễn, không để ý đến những lời van xin của những người ăn mày người đầy mụn nhọt nằm ngổn ngang tại các hành lang, cũng không để ý tới một người giả dạng Anh điêng nài nỉ cô mua cho y con cá sấu đã được thuần dưỡng. Cô lượn một vòng dài khắp chợ, không theo một con đường định trước, với một sự chậm rãi không vì một lý do nào khác ngoài lý do thư thả mà nhấm nháp cái khoái cảm nhìn ngắm các đồ vật và hàng hóa. Cô bước vào các cửa hàng có thể bán một thứ hàng nào đó và chỗ nào cô cũng bắt gặp một cái gì đó kích thích thêm lòng ham sống của cô. Cô thích thú hít thở mùi cây hương bài phả ra từ những tấm vải đựng trong hòm lớn, cô cuốn quanh mình những tấm lụa in hoa, cô cười chính nụ cười của mình khi thấy mình đóng giả cô thôn nữ ngoại ô thành phố Madrit tay cầm một cái lược to và một cái quạt vẽ hoa đứng trước tấm gương to của hãng Alambre đê Ôrô[38]. Trong cửa hàng bán thức ăn nhập ngoại, cô mở hộp cá trích muối và dư vị của nó khiến cô nhớ những những đêm ở miền tây bắc tỉnh Xang Hoang đê la Xiênaga, khi ấy cô còn rất nhỏ tuổi. Người ta mời cô nếm miếng dồi lợn xứ Alicantê[39] có vị như vị cam thảo và cô mua hai miếng cho bữa ăn sáng ngày thứ bảy, ngoài ra còn mua mấy miếng cá thu và một chai trứng cá ngâm rượu. Tại cửa hàng đồ gia vị, chỉ là để ngửi cho thú vị mà thôi, cô ôm lá cây xô-thơm và cây kinh giới trong hai bàn tay, mua một nhúm bột thơm, một nhúm bột gừng, một nhúm bột hồi… rồi cô ra khỏi cửa hàng hai mắt đẫm lệ vì cười cợt thích thú trước mùi cay của gia vị xứ Cadema. Tại cửa hàng thuốc của người Pháp, trong lúc mua xà phòng Roitơ và nước gội đầu, người ta bôi cho cô một ít nước hoa đang được ưa chuộng tại thủ đô Pari ở phía mang tai và tặng cô một vỉ thuốc tẩy mùi hôi dùng sau khi hút thuốc lá.
[38] Nghĩa: Sợi dây vàng.
[39] Một tỉnh thuộc Tây Ban Nha.
Hiển nhiên là cô mua hàng và việc mua hàng này đối với cô là một trò tiêu khiển, những thứ hàng cô thật sự cần thiết thì cô đã mua một cách sòng phẳng với một sự quyết đoán rõ ràng rằng cô không cho phép ai nghĩ rằng lần đầu tiên cô đi chợ, lần đầu tiên cô mua hàng nên bị hớ vì cô nhận thức rõ ràng rằng cô không chỉ mua cho riêng mình mà còn mua cho cả cậu nữa: mười hai mét vải lanh để làm khăn trải bàn ăn cho cả hai người, mua vải peccan để may ga trải giường cưới, cái giường cưới ấm hơi ấm hai người vào lúc trời sáng, mua cái tốt nhất của mỗi thứ để cùng cậu hưởng niềm hạnh phúc trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu. Cô đòi người ta phải giảm giá và cô biết cách mặc cả. Với vẻ duyên dáng và lòng tự trọng cô mặc cả với họ cho đến khi đạt được giá thỏa thuận phải chăng nhất, và cô trả họ những đồng tiền vàng mà những người bán chỉ cần thử bằng cách cho chúng nảy trên mặt đá hoa cương quầy bán hàng để nghe tiếng kêu của vàng.
Phlôrêntinô Arixa lòng ngây ngất sướng vui tránh không cho cô nhìn thấy mình. Cậu nín thở để lặng lẽ theo riết cô, vài lần va cả vào những chiếc làn của người hầu gái, người đã mỉm cười đáp lại những lời xin lỗi của cậu. Phecmina Đaxa đi cách cậu không xa lắm đến mức cậu có thể cảm nhận được mùi hương thoảng mát từ người cô phả ra và nếu như lúc ấy cô không nhìn thấy cậu không phải vì cô không thể mà vì thái độ kiêu ngạo trong cách đi đứng của cô. Cậu cảm thấy cô sao mà đẹp thế, sao mà quyến rũ thế, sao mà nổi bật thế giữa tất cả mọi người đến mức cậu không hiểu lý do vì sao không một ai như mình lại xao xuyến lòng dạ trước những tiếng gót giày cô nện trên mặt đường nhựa, vì sao không một ai như mình phải thảng thốt khiến tim đập loạn xạ trước vẻ duyên dáng của tà áo cô bay trong gió, không hiểu vì sao cả thiên hạ không một ai như mình phát điên lên vì tình trước cách vung tay của cô, trước mái tóc bay bay trong gió của cô, trước nụ cười tươi rói của cô. Cậu không để mất một cử chỉ, một tác phong của riêng cô nhưng cậu không dám đến gần cô vì sợ rằng như vậy sẽ dìm tắt niềm vui sướng đang hân hoan dâng lên trong lòng mình. Tuy nhiên khi cô gái hòa mình trong đám đông ở đường phố Lôt Exeribanôt, cậu hiểu rằng mình đang để lỡ mất cơ hội từng ao ước trong nhiều năm.