Phecmina Đaxa từng chia sẻ với các bạn gái cùng trường cái ý nghĩ độc đáo cho rằng phố Lôt Exeribanôt là một địa điểm trụy lạc và dĩ nhiên đối với các cô gái con nhà tử tế nó còn là một nơi bị cấm. Nó là đoạn đường có mái vòm đối diện với một bãi để xe cho thuê và xe lừa kéo và là nơi đông đúc và ồn ào nhất chợ. Cái tên ấy có từ thời thuộc địa Tây Ban Nha bởi vì tại đây ngay từ thời ấy những tay viết thuê lầm lì mặc áo khoác ngoài tay lửng may bằng dạ đã ngồi nhận viết thuê đủ loại giấy tờ theo giá rẻ mạt: nào đơn khiếu tố hoặc thư cám ơn, danh thiếp chúc tụng hoặc thư chia buồn, nào thư tình cho đủ mọi lứa tuổi. Hiển nhiên cái tên Lôt Exeribanôt không phải do những người viết thuê mà là do những người bán hàng rong đặt ra cho khu chợ ồn ào ấy. Họ là những người lúc nào ở trong quầy hàng cũng có sẵn hàng lậu được cất lại trên các tàu từ châu Âu sang: nào bưu ảnh khiêu dâm, nào cao tăng lực, cả những dụng cụ kích thích giúp cho dai sức rất nổi tiếng được sản xuất ở Catalut, thứ dụng cụ có cái mào của con kỳ đà để kích thích khi cần thiết hoặc thứ dụng cụ ở một đầu có gài một bông hoa để sử dụng bẻ từng cánh hoa một theo ý thích. Phecmina Ðaxa vào khu chợ này không để ý lắm đến nơi mình đang đi, chỉ cốt mua một chiếc mũ đội đầu tránh cơn nắng gay gắt lúc mười một giờ trưa.
Phecmina Ðaxa lặn ngụp trong tiếng rao hàng sôi động của những người đánh giày và những người bán chim, của những người bán sách và những ông lang vườn, và của những người bán kẹo bánh đang banh cổ ra gào để đám đông nghe rõ những lời quảng cáo về mứt dứa cho trẻ em gái, mứt dừa cho những thằng điên và đường phên cho cô Nicaêla. Nhưng Phecmina Đaxa vẫn điềm nhiên thây kệ những tiếng rao hàng om xòm ấy vì lúc này cô đang để tâm đến tờ giấy to trưng bày các loại mực viết huyền bí: mực đỏ tươi như màu đỏ của máu, các loại mực có màu sẫm buồn dễ viết thư chia buồn, các loại mực xanh óng ánh sáng lân tinh để đọc thư trong bóng tối, loại mực viết xong không hiện chữ dưới ánh sáng mặt trời nhưng lại hiện rõ chữ khi đọc dưới ánh sáng ngọn đèn dầu. Cô gái rất thích thú tất cả các loại mực này, cô muốn có tất cả để cùng vui chơi với Phlôrêntinô Arixa, để khiến cậu phải giật mình trước trí tuệ của cô, nhưng sau khi thử vài lần cô đi đến quyết định chỉ mua thứ mực màu vàng. Sau đó cô đến dãy các bà bán hàng kẹo bánh ngồi ở phía sau những tấm kính lớn và cứ mỗi loại kẹo bánh cô mua sáu chiếc bằng cách dùng ngón tay chỉ đích vào từng thứ một và ra hiệu chủ hàng bán cho mình bởi vì cô không thể nào nói để chủ hàng hiểu trong khung cảnh ồn ào những tiếng gào thét: sáu chiếc bánh nặn hình con ngựa thánh, sáu chiếc kẹo sữa, sáu thanh kẹo lạc, sáu chiếc bánh ngọt làm bằng bột sắn, sáu thỏi sôcôla, sáu chiếc kẹo dồi, sáu cái của thứ này rồi sáu cái của thứ kia, sáu cái của tất cả mọi thứ hàng được bày bán và cô đem hết lên những chiếc làn của người hầu gái với vẻ duyên dáng không thể chê được. Cô cứ đi mà tâm tưởng hoàn toàn xa lạ trước những đám ruồi nhặng bay vù vù bên trên lò nấu kẹo, xa lạ trước đám đông ồn ĩ trong chợ, xa lạ trước mùi mồ hôi chua loét nồng nặc trong không khí oi nóng đến ngột thở. Cô chợt tỉnh trước một bà da đen đầu đội một chiếc khăn sặc sỡ sắc màu, tròn lẳn nom đẹp mắt, vẻ phúc hậu, chìa cho cô một dọi dứa bổ ba cắm trên mũi một con dao bầu. Cô cầm lấy miếng dứa rồi đưa cả vào mồm, thưởng thức dư vị của nó và trong lúc cô đang thưởng thức miếng dứa với đôi mắt mơ màng nhìn lướt đám đông thì một nỗi xúc động đã trồng đứng cô ngay tại chỗ, cô nghe thấy một giọng nói ở phía sau lưng mình, rất gần bên tai mình đến mức chỉ một mình cô có thể nghe thấy:
– Đây không phải là nơi xứng dáng cho một nữ thiên thần được tấn phong đặt chân tới.
Phecmina Đaxa quay đầu lại và cô nhìn thấy chỉ cách đôi mắt mình hai gang tay là đôi mắt cứng lạnh, gương mặt xanh xám, đôi môi cứng lại như đá vì sợ hãi, chúng y như cô từng nhìn thấy lần đầu tiên trong đám đông dự lễ Misa cái lần cậu đứng rất gần cô. Nhưng khác hẳn lần ấy, lần này cô không cảm thấy nỗi xúc động mạnh mẽ của tình yêu mà trái lại cô cảm thấy một vực thẳm của nỗi chán chường. Chỉ trong khoảnh khắc thôi, toàn bộ sự lừa dối của chính cô đã bộc lộ ra với tất cả tính chất nghiêm trọng và cô hoảng hốt tự hỏi lòng mình rằng làm sao mình lại có thể ấp ủ nơi trái tim mối tình lừa dối ấy một cách độc ác như vậy, nó tựa như một ảo ảnh trong không biết bao nhiêu thời gian. Hầu như cô chỉ còn kịp nghĩ: “Trời ơi, một con người đáng thương”. Phlôrêntinô Arixa mỉm cười định nói điều gì, định tiếp tục theo sau cô, nhưng với một cử chỉ của bàn tay cô xóa hẳn hình ảnh cậu trong cuộc đời mình.
– Làm ơn, xin đừng theo tôi, – cô nói với cậu. – Hãy quên chuyện ấy đi!
Ngay buổi chiều ấy, trong lúc cha cô ngủ trưa, cô nhờ Gala Plaxiđia mang một bức thư chỉ vẻn vẹn hai dòng đến cho cậu: “Hôm nay, khi nhìn thấy anh, tôi mới hiểu rằng chuyện yêu đương của chúng ta chẳng qua chỉ là một chuyện hoang đường mà thôi!” Người hầu gái cũng mang đến cho cậu những bức điện, những bài thơ, những bông hoa trà ướp khô và xin cậu gửi trả cô những bức thư và những tặng phẩm mà cô gửi cho: cuốn sách bổn của bà cô Êxcôlaxtica, những bộ gân lá ướp khô, một xăngtimet vuông cắt từ bộ quần áo của Thánh Pêđrô Clave, các huy hiệu thánh, mái tóc lúc cô mười lăm tuổi cuốn trong dải lụa cắt từ bộ váy áo đồng phục nữ sinh. Trong những ngày sau, với tâm trạng điên dại, cậu viết cho cô hàng loạt bức thư chứa chan tình cảm thất vọng, van nài người hầu gái mang về nhưng người này chỉ mang về những thứ cô chủ căn dặn. Người hầu gái cứ khăng khăng một mực không chịu cầm thư khiến Phlôrêntinô Arixa bực mình đã gửi trả toàn bộ thư từ và kỷ vật trừ bím tóc là cái mà cậu chưa muốn trả trong lúc Phecmina Đaxa chưa gặp cậu dù chỉ một lần thôi để thảo luận với nhau. Nhưng cậu vẫn không thực hiện được mong muốn ấy. Vì sợ con trai mình sẽ có những hành động liều lĩnh, Tranxitô Arixa đã phải hạ cố xin Phecmina Ðaxa làm phúc tiếp mình trong năm phút đồng hồ và cô gái đã tiếp bà ngay ở ngoài hiên, cả hai cùng đứng. Cô không mời bà vào trong nhà và không hề tỏ thái độ nhân nhượng. Hai ngày sau, sau khi tranh luận với bà mẹ, Phlôrêntinô Arixa lấy từ trên tường phòng ngủ một chiếc hộp kính phủ đầy bụi tựa như một hộp thánh tích bên trong đựng mớ tóc và bà Tranxitô Arixa đã lấy mớ tóc ra cuộn lại và để nó vào túi nỉ có viền chỉ vàng rồi trả cô gái. Chẳng bao giờ Phlôrêntinô Arixa có dịp được gặp riêng Phecmina Ðaxa, có dịp được nói chuyện riêng với cô trong rất nhiều lần gặp gỡ trong cuộc đời dài dằng dặc của cả hai cho đến năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày sau đó, khi cả hai đã già, cụ nhắc lại lòng thủy chung muôn thuở và tình yêu đắng cay của mình trong đêm đầu tiên của cuộc đời góa bụa của Phecmina Ðaxa.
Cho đến năm hai mươi tám tuổi bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn là một thanh niên chưa vợ được các cô gái ngưỡng vọng. Ngài trở về tổ quốc sau một thời gian dài sống ở Pari để nâng cao trình độ học thuật về nghề thuốc và phẫu thuật và kể từ khi đặt chân lên đất liền ngài đã bộc lộ những ý tưởng đầy háo hức: sẽ không để phí hoài một phút trong cuộc đời của mình. So với lúc ra đi, ngài trở về với tư thế đĩnh đạc hơn, tự chủ hơn và không một ai trong đám các bạn cùng lứa tuổi lại sắc sảo và hiểu biết như ngài trong khoa học y học, nhưng cũng không một ai trong số họ lại biết nhảy các bản nhạc thời thượng và ứng tác nhạc trên cây đàn pianô tuyệt hơn ngài. Các cô gái cùng giới thượng lưu với ngài bị quyến rũ bởi con người hào hoa phong nhã của ngài và bởi gia sản chắc chắn thuộc về ngài, đã lén lút rút thăm giành quyền được đi chơi riêng với ngài và về phần mình ngài cũng đi chơi riêng với từng cô nhưng bao giờ cũng giữ được một quan hệ đúng mức vừa đủ để hai bên cùng yêu thích lẫn nhau cho đến một ngày ngài phải đầu hàng vô điều kiện trước sắc đẹp bình dân của Phecmina Ðaxa.
Ngài vẫn thích thú nói rằng mối tình ấy là kết quả của sự nhầm lẫn bệnh lý. Chính ngài cũng không thể tin rằng mối tình ấy lại xảy ra và hơn nữa lại xảy ra trong quãng đời ấy của mình khi tất cả mọi nỗi lao tâm khổ tứ đầy thận trọng của mình đều tập trung vào số phận của thành phố quê hương, cái thành phố từng được ngài nói tới thường xuyên và không cần phải đắn đo rằng trên thế gian này không có thành phố nào sánh kịp. Tại Pari, vào một mùa thu về muộn, trong lúc khoác tay một cô người yêu tạm bợ đi dạo, ngài cảm thấy thật khó có thể mường tượng ra một niềm hạnh phúc nào thuần khiết hơn là niềm hạnh phúc của những buổi chiều vàng ấy với mùi thơm vẻ hoang dã của hạt dẻ rang trên các bếp, với tiếng đàn phong cầm du dương, với cảnh tượng các đôi nhân tình say đắm hôn nhau không dứt ở các sân hiên, nhưng tuy nhiên, với bàn tay đặt nơi con tim mình ngài nói rằng ngài không sẵn lòng đổi dù chỉ một khoảnh khắc của quê hương Caribê trong tháng tư để lấy tất cả những phút giây huyền ảo ở đất nước này. Lúc ấy ngài vẫn còn quá trẻ để hiểu rằng trí nhớ của con tim làm mờ đi những kỉ niệm buồn và làm tươi sáng hơn những kỉ niệm đẹp và nhờ nghệ thuật đó chúng ta mới mãi mãi mang quá khứ trong trái tim mình. Nhưng chỉ khi từ trên hiên tàu bên hàng bao lơn của nó ngài có dịp ngắm lại khu nhà trắng ở khu phố thời thuộc địa Tây Ban Nha, ngắm nhìn những chú diều hâu im lìm đậu trên các mái nhà, ngắm nhìn quần áo người nghèo giăng ra phơi trên các ban công, chỉ lúc ấy ngài mới thấu hiểu sâu sắc biết nhường nào rằng mình từng là nạn nhân quá ngây ngô trước những cạm bẫy thích thú của nỗi niềm hoài nhớ.
Con tàu rẽ lối qua một đám xác các con vật chết nổi lềnh bềnh ở trong vịnh và phần lớn hành khách đã chui vào các phòng ngủ trên tàu để trốn chạy mùi khẳn thối. Bác sĩ trẻ mặc quần áo vải anpaca mịn màng, ngoài khoác áo măng tô san, mép để ria Paxtơ thời trẻ, đầu chải ngôi giữa, bước xuống cầu thang vẻ bình tĩnh đủ để che đậy cái nỗi sợ chứ không phải nỗi buồn đang làm nghẹn cổ ngài. Trên bến cảng hầu như vắng vẻ cô quạnh được bọn lính chân đất không mặc đồng phục canh giữ, bà mẹ, các em gái cùng các bạn bè thân hữu đang đợi đón ngài. Bác sĩ Huvênan Ucbinô thấy họ xanh xám và không có tương lai mặc dù họ có vẻ vui đùa và họ nói đến những cuộc khủng hoảng và nói về nội chiến như một sự kiện xa lạ và cổ xưa nhưng trong giọng nói của họ lại run rẩy và trong ánh mắt của họ để lộ sự nghi ngờ phản lại ý nghĩa các từ được nói ra. Người khiến ngài cảm động hơn cả là bà mẹ, người đàn bà hãy còn trẻ nhưng đã quyết chỉ ở vậy với vẻ đỏm dáng và tinh thần nhập cuộc sôi nổi của mình nhưng lúc này đã héo hon đi trong bộ đồ tang nhiễu đen nồng nặc mùi băng phiến. Có lẽ bà nhận ra chính mình trong vẻ hoảng hốt của con trai, bởi vì để tự vệ bà đã hỏi trước cậu con vì sao lại trở về với nước da trắng nhợt như pa-ra-phin thế kia.
– Ðó là cuộc đời, thưa mẹ. – Ngài nói – Ở Pari, tất cả mọi người, ai ai cũng trẻ trung.
Ít phút sau, ngồi trong chiếc xe đóng kín cùng bà mẹ, ngài cảm thấy ngộp thở trước cái nóng và ngài cảm thấy không thể chịu đựng nổi tính chất phũ phàng của cuộc đời thực đang từng chập từng chập qua cửa sổ lọt vào trong xe. Biển xám màu tro, những dinh thự cổ kính của các vị hầu tước đang như sắp sập đổ vì sự sinh sôi nẩy nở đông đúc của đám ăn mày và thật là khó lòng tìm thấy hương nhài thơm nồng sau cái mùi thối thum thủm bốc lên từ những cống rãnh nước đen xì. Đối với ngài, tất cả dường như nhỏ bé hơn, nghèo hèn hơn và buồn thảm hơn so với lần ngài ra đi, và trên mặt đường có rất nhiều chuột đói lũ lượt chạy qua khiến các chú ngựa kéo xe trượt chân đầy hoảng hốt. Trên con đường dài từ cảng về nhà, ngay ở trung tâm thành phố Lôt Virâydêt, ngài không nhận thấy gì xứng đáng với nỗi hoài nhớ quê hương khi ở đất khách quê người. Do hoàn toàn thất vọng, ngài quay mặt đi để bà mẹ khỏi nhìn thấy rồi lặng lẽ ngài khóc thầm.
Dinh thự của Hầu tước Canxanđuêrô, nơi ở lịch sử của dòng họ Ucbinô đê la Cađê, không phải là dinh thự giữ được vẻ kiêu hãnh nhất trong khung cảnh điêu tàn chung. Bác sĩ Huvênan Ucbinô với trái tim đau đớn như bị tan vỡ từng mảnh nhận ra điều đó ngay từ khi bước qua cái cổng đáng sợ và ngài nhìn thấy chiếc cầu phủ đầy bụi nổi ở vườn sau, nhìn thấy đám cây dại không mọc hoa um tùm là nơi trú ngụ của đủ loại thằn lằn và rắn mối và ngài cũng nhận ra trên chiếc cầu thang rộng có tay vịn bằng đồng dẫn tới các phòng chính ở tầng trên thiếu đi rất nhiều viên gạch đá hoa cương, một số viên khác vì đã vỡ. Cha ngài một bác sĩ nổi tiếng vì lòng tận tụy hơn và vì tài năng xuất chúng, đã chết trong nạn dịch tả Á châu từng tàn hại cư dân ở đây sáu năm về trước và do đó tinh thần của gia đình này cũng chết theo ngài luôn. Đônha[40] Blăngoa, bà mẹ, mệt mỏi vì cái tang từng dự kiến sẽ kéo dài vĩnh viễn, đã thay lễ tang chín ngày đêm liên tục bằng những buổi dạ hội thơ trữ tình nổi tiếng và nghe nhạc giao hưởng phát ra từ chiếc máy để trên bàn thờ người chồng quá cố. Hai bà chị gái, trái lại với vẻ duyên dáng tự nhiên và thiên hướng thích hội hè của họ, đã vào nhà tu.
[40] Từ để xưng gọi phụ nữ đã có chồng con; nghĩa là Bà.
Ngay đêm mới về đến nhà, bác sĩ Huvênan Ucbinô không chợp mắt được lấy một phút vì ngài sợ bóng tối và không khí thanh lặng của ngôi nhà. Ngài đã đọc kinh rôsariô tới ba lần và đọc không biết bao lần những câu kinh mà ngài nhớ được để tránh mọi tai ương và nạn đắm tàu thuyền và xua đuổi mọi bất hạnh có thể xảy ra trong đêm tối, trong khi đó một chú vạc qua cánh cửa khép hờ lọt được vào phòng ngủ cứ đều đặn gáy từng giờ từng giờ một. Những tiếng kêu rú của các bà điên trong nhà thương điên Ðivina Paxtôva ở bên cạnh, tiếng nước nhỏ thánh thót đều đều từ bể lọc xuống bể chứa mà tiếng vọng của chúng âm vang khắp ngôi nhà, tiếng bước chân của chú vạc lạc trong phòng ngủ, cái nỗi sợ bóng tối từ bé của bản thân ngài, sự hiện tồn vô hình của người cha quá cố lởn vởn trong ngôi nhà rộng im lìm ngủ, tất cả những thứ ấy cũng xúm đến tra tấn ngài, không để cho ngài yên. Khi chú vạc cùng với lũ gà hàng xóm gáy vào lúc đúng năm giờ sáng, bác sĩ Huvênan Ucbinô sẵn sàng hiến dâng thân xác và tâm hồn mình cho Đấng Toàn năng vì ngài không hào hứng để sống thêm dù chỉ một phút trên đất nước điêu tàn của mình. Tuy nhiên, tình cảm yêu thương của mọi người trong gia đình, những ngày chủ nhật dạo chơi trên đồng nội, những lời tán tỉnh đầy tham vọng của các cô gái cùng giới thượng lưu, tất cả những thứ ấy dần dần xoa dịu những nỗi đắng cay trong cảm giác lần đầu đặt chân lên đất quê hương. Ngày nọ qua ngày kia, dần dà ngài làm quen với cái nóng kinh hoàng của tháng mười, làm quen với các mùi tanh khẳn khó chịu, làm quen với những quan niệm già trước tuổi của các bạn mình cho đến khi ngài hoàn toàn quy hàng những tín điều của tập tục. Ngài không chậm trễ những việc nhận ra việc ngài từ bỏ những nếp sống và ý nghĩ của châu Âu là hợp lý. Đây là thế giới của ngài, người ta bảo thế, cái thế giới buồn rầu và bị đè nén mà Thượng đế đã cho ngài và ngài phải chịu ơn Thượng đế.