Có một đêm sau cái đêm người ta độc tấu pianô bản nhạc sêrênata, Lôrenxô Đaxa bắt gặp một phong thư hồng ở ngay cổng chính nhà mình gửi con gái và ở chỗ đề tên người gửi in đậm màu hồng ba chữ H.V.C. Khi đi qua phòng ngủ của Phecmina Đaxa ông luồn phong thư phía dưới cánh cửa và cô gái không tài nào hiểu nổi làm sao nó lại có thể lọt được vào tận đấy, bởi vì cô không thể tin được rằng chẳng lẽ cha mình đã thay đổi quá nhiều đến mức trở thành kẻ đồng lõa với người đang theo đuổi mình để mang thư của họ về cho cô. Cô đặt phong thư lên chiếc bàn ngủ mà không biết nên làm gì và trong vài ngày liền nó nằm yên ở đó cho đến một chiều mưa Phecmina Đaxa mơ thấy bác sĩ Huvênan Ucbinô đến nhà tặng cô chiếc đè lưỡi mà ngài từng dùng nó để khám họng cô. Chiếc đè lưỡi mà trong giấc mơ không bằng nhôm trái lại bằng một thứ kim loại có thể ăn được mà cô đã từng ăn nó thích thú trong giấc mơ khác, thế là cô bẻ nó làm hai phần không đều nhau và đưa cho ngài phần nhỏ hơn.
Khi thức dậy cô mở phong thư. Đó là một bức thư ngắn gọn thú vị, và điều duy nhất mà bác sĩ Huvênan Ucbinô van nài cô hãy xin phép cha để ngài được đến thăm cô. Nội dung giản dị và nghiêm túc của bức thư khiến cô cảm động và cơn tức giận được vun trồng bằng tình yêu trong biết bao ngày nay bỗng nhiên tan biến. Cô để bức thư trong một cái hộp cũ rồi cất vào đáy nhưng cô kịp nghĩ ra rằng đó nơi từng cất những bức thư thơm lựng mùi nước hoa của Phlôrêntinô Arixa. Thế là cô lại lấy cái hộp ra cất vào nơi khác mà toàn thân cô run rẩy vì cảm giác xấu hổ râm ran chạy khắp người. Do đó cô cảm thấy rằng điều danh giá hơn cả là nên làm như không nhận được bức thư ấy. Vậy là cô đã đốt nó trên ngọn lửa đèn mà ngắm nhìn phẩm hồng cháy chuyển thành ngọn lửa xanh. Cô thở dài não nuột, nói: “Một con người đáng thương”. Bỗng cô nhận ra rằng chư một năm, đây là lần thứ hai cô lại nói câu ấy, rồi trong khoảng khắc cô nghĩ đến Phlôrêntinô Arixa và chính cô cũng phải ngạc nhiên thấy anh rất xa lạ trong cuộc đời mình: một con người đáng thương.
Trong tháng mười, những ngày mưa muộn mằn, có ba bức thư nữa gửi tới. Bức thứ nhất được gửi kèm với một hộp kẹo màu xanh do Tu viện Phlavinhi sản xuất. Hai bức kia được tay xà ích của bác sĩ Huvênan Ucbinô đưa đến tận cổng. Từ trong xe, người xà ích này chào Gala Plaxiđia với mục đích: thứ nhất là để người ta không nghi ngờ gì nữa những bức thư này là của bác sĩ Huvênan Ucbinô, thứ hai là để không ai có thể từ chối được rằng những bức thư đó không được nhà này nhận. Ngoài ra chúng còn được dán bằng cồn màu hồng và viết với những con chữ nguệch ngoạc mà Phecmina Đaxa từng quen biết: chữ của bác sĩ. Cả hai bức thư này đều nói lại chính những điều đã đề cấp tới trong bức thư thứ nhất, đều được viết ra bởi một tinh thần khiêm tốn nhưng đằng sau cái vẻ trang nhã lịch sự ấy đã bắt đầu để lộ một tình cảm đam mê xác thịt chưa bao giờ có trong những bức thư của Phlôrêntinô Arixa. Ngay sau khi nhận được thư, Phecmina Đaxa đọc ngay. Chỉ hai tuần sau thôi kể từ khi nhận được lá thư đầu tiên, cô đã thay đổi quan điểm: khi sắp ném lá thư vào bếp lửa thì cô đã giữ lại. Nhưng tuy nhiên cô chưa bao giờ nghĩ đến việc trả lời thư ngài.
Lá thư thứ ba trong tháng mười được luồn phía dưới cánh cổng và hoàn toàn khác hẳn với những bức thư trước đây. Chữ viết rất trẻ con đến mức có thể nhận ra ngay là nó được viết bằng tay trái nhưng Phecmina lại không nghĩ thế mà cô lại cứ nghĩ nó là một bức thư nặc danh. Người biết bức thư đó cho rằng Phecmina Đaxa đã bỏ bùa mê cho bác sĩ Huvênan Ucbinô và từ sự đoán định ấy anh ta đã đi đến những kết luận nghiêm khắc. Cuối thư anh ta đe dọa nếu Phecmina Đaxa không từ bỏ ý định lập thân với người đàn ông được ngưỡng vọng nhất của thành phố thì sẽ bị bêu xấu trước công chúng.
Phecmina Đaxa cảm thấy mình là nạn nhân của một nhận định hết sức sai trái nhưng phản ứng của cô không mang tính chất trả thù mà hoàn toàn trái ngược lại: cô muốn tìm cho ra tác giả của bức thư nặc danh kia để bằng những lý lẽ hợp lý mà thuyết phục anh ta từ bỏ những ý nghĩ sai lầm đó vì cô vững tin ở mình là chẳng bao giờ và không một lý do gì cô lại đi bỏ bùa mê cho bác sĩ Huvênan Ucbinô. Những ngày sau đó cô nhận thêm một số bức thư khác cũng không ký tên ở dưới. Cũng như bức thư đầu tiên chúng rất khác lạ nhưng không một bức thư nào chứng tỏ chúng được một người duy nhất viết ra. Hoặc giả cô là nạn nhân của một âm mưu, hoặc giả sự giải thích sai lạc những tình yêu thầm kín của cô đã đi quá xa đều có thể được dự đoán. Ý nghĩ cho rằng tất cả những sự kiện ấy là hậu quả của việc làm thiếu thận trọng của bác sĩ Huvênan Ucbinô làm cô lo lắng. Cô từng nghĩ rằng có lẽ trong các buổi viếng thăm, ngài đã buột miệng nói ra và khiến mọi người ngạc nhiên trước cuộc săn đuổi tình yêu tưởng tượng của mình như biết bao người đàn ông thuộc giới quý tộc đã làm. Cô nghĩ tới việc viết thư cho ngài để phản đối việc làm ảnh hưởng xấu đến danh dự của cô nhưng rồi cô từ bỏ ý định ấy ngay, vì có thể đó cũng chính là điều ngài mong đợi chăng. Cô đem chuyện ấy nói với các bạn gái cùng học vẽ tại phòng máy may, hi vọng họ sẽ cung cấp cho mình những thông tin mới thì các cô này cho biết rằng điều duy nhất họ nghe được là những lời tán thưởng rất tốt đẹp về bản nhạc sêrênata được độc tấu trên đàn piano. Cô cảm thấy tức điên người, cảm thấy mình bất lực, cảm thấy mình bị sỉ nhục. Khác hẳn với thời kỳ đầu khi cô chỉ muốn gặp mặt kẻ thù giấu mặt để nói cho anh ta biết anh ta đã nhìn nhận sai về cô thì bây giờ cô chỉ muốn lấy mũi kéo làm vườn mà đâm vào mặt anh ta thôi. Nhiều đêm cô thức trắng để phân tích tỉ mỉ những chi tiết cũng như những lời nói trong các bức thư nặc danh với hi vọng sẽ tìm thấy lời an ủi. Nhưng đó là một ảo tưởng: Phecmina Đaxa theo bản tính của cô, hoàn toàn xa lạ với thế giới nội tâm của những người thuộc dòng họ Ucbinô đê la Cadê, và cô có những vũ khí để tự vệ mình trước những ngón chơi đẹp nhưng không thể tự vệ mình trước những ngón chơi xấu của họ.
Cái ý nghĩ sáng tỏ này càng trở nên cay đắng hơn khi những ngày không nhận được thư cô lại nhận được một con búp bê. Con búp bê này khiến cô hoảng hốt nhưng cô nhận ra ngay người gửi nó cho mình: chỉ có bác sĩ Huvênan Ucbinô mới có thể làm được điều này. Nó từng được mua ở đảo Mactinich, theo nhưng nhãn hiệu ghi rõ, vận một bộ quần sáo váy lộng lẫy, tóc vàng xoăn tít lại, nhắm mắt khi được đặt nằm xuống. Phecmina Đaxa rất thích thú con búp bê này đến mức cô đã tự vượt lên trên những nghi ngờ của mình và suốt ngày cô đặt nó trên gối của mình. Cô đã quen ngủ với búp bê. Tuy nhiên, có một hôm sau giấc ngủ mê mệt cô thức dậy nhận thấy con búp bê đang lớn: bộ váy áo nó mặc lúc đầu khi đến nhà này đã ngắn lại để lộ hai đùi, đôi giày cũng nứt toác do hai bàn chân to ra. Phecmina Đaxa từng nghe thấy người ta nói về các thứ bùa yểm của người dân Phi châu nhưng không một thứ yểm bùa kinh rợn bằng thứ này. Mặc khác, cô cũng không thể nghĩ rằng một người đàn ông như bác sĩ Huvênan Ucbinô lại đủ khả năng làm cái trò dị mọi ấy. Quả thật là cô có lý: con búp bê này không phải do người xà ích mang đến nhà mà là do một người bán tôm rong mà không một ai biết rõ tung tích về người này. Vì đang cố gắng tìm hiểu câu chuyện bí hiểm này, bỗng Phecmina Đaxa lại nghĩ đến Phlôrêntinô Arixa mà số phận buồn thảm của anh khiến cô giật mình. Nhưng cuộc đời đã tự gánh lấy trách nhiệm làm cho cô hiểu những thiếu sót của bản thân. Đã chẳng bao giờ điều bí hiểm kia được làm sáng tỏ và sự hồi tưởng đơn giản về nó khiến Phecmina Đaxa rùng mình kinh hãi cho đến khi cô cưới chồng, có con và tin rằng mình là cô gái được số phận lựa chọn: người con gái hạnh phúc nhất trần gian.
Âm mưu cuối cùng của bác sĩ Huvênan Ucbinô được thể hiện ở sự dàn xếp của nữ tu sĩ Phraca đê la Lút, Mẹ bề trên của trường Đức Mẹ Đồng Trinh, người đã không thể từ chối sự nhờ vả của một gia đình từng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo đoàn kể từ khi nó được thành lập ở châu Mỹ. Vào lúc chín giờ sáng, Mẹ bề trên đến nhà cùng với một nữ tu sĩ mới và cả hai người đều phải tự tìm cách vui chơi với những lồng chim lạ trong lúc đợi Phecmina Đaxa tắm xong. Mẹ bề trên là một người đàn bà Đức có tướng mạo đàn ông: giọng nói sang sảng, ánh mắt nghiêm nghị quyền thế hoàn toàn xa lạ với những đam mê thơ ngây của bà. Không một thứ gì trên thế gian này lại khiến Phecmina Đaxa căm thù bằng sự căm thù Mẹ bề trên, căm thù những gì có liên quan đến bà và chỉ một ký ức về sự đối xử thiếu tình thương của bà đã khiến cô gái rùng mình sợ hãi. Từ cửa nhà tắm, chỉ cần nhận ra Mẹ bề trên ngay lập tức Phecmina Đaxa đã sống lại những kỉ niệm về sự trừng phạt ở nhà trường, về giấc ngủ khó chịu sau lễ Misa hàng ngày, về nỗi sợ hãi khi kỳ thi đến, về sự làm lụng tất bật của các nữ tu sĩ mới tu, về cuộc sống nhàm chán do thiếu trí tuệ. Trái lại nữ tu sĩ Phranca đê la Lút đã vồn vã chào cô với vẻ chân thành. Mẹ bề trên ngạc nhiên thấy cô lớn và trưởng thành nhiều quá và ca ngợi ý thức của người giữ gìn cho ngôi nhà phong quang sạch sẽ, cho cái sân có vẻ đẹp dễ mến, ca ngợi hương thơm nồng ấm của đủ loại hoa. Mẹ bề trên ra lệnh cho cô nữ tu sĩ hãy đợi mình ở ngoài sân nhưng không được đến gần chuồng quạ kẻo dễ bị chúng móc mắt. Bà đích thân tìm một chỗ kín đáo để nói chuyện riêng với Phecmina Đaxa. Cô mời mẹ bề trên vào phòng khách.
Đây là một chuyến viếng thăm ngắn ngủi và khó chịu. Không để mất thời giờ vào những lời mào đầu, nữ tu sĩ Phranca đê la Lút đã trao cho Phecmina Đaxa tờ chứng chỉ phục hồi danh dự cho cô. Việc đuổi học cô chẳng những sẽ được xóa khỏi các hồ sơ mà còn được xóa khỏi ký ức của giáo đoàn. Việc làm này sẽ cho phép cô tiếp tục học hết tú tài toàn phần và giành tấm bằng tú tài văn chương. Phecmina Đaxa hết sức ngạc nhiên muốn biết được lý do.
– Đó là lời đề nghị của người xứng đáng trên mọi phương diện và nguyện vọng tha thiết duy nhất của ông ta là làm cho con được hạnh phúc, – Mẹ bề trên nói. – Con có biết là ai không?
Thế là cô gái hiểu. Cô tự hỏi lòng mình rằng người đàn bà từng vặn cong cuộc đời cô chỉ vì một bức thư dại dột lấy quyền gì để chắp nối tình yêu cho người khác. Song cô không dám nói ra. Trái lại cô nói rằng cô có biết, rằng cô có quen biết đàn ông ấy mà cũng chính vì thế cô biết rằng ông ta chẳng có quyền gì mà can thiệp vào cuộc đời cô.
– Điều duy nhất mà ông ta tha thiết van xin con là con hãy cho phép ông ta được nói chuyện riêng với con trong vòng năm phút đồng hồ, – nữ tu sĩ nói. – Ta tin chắc rằng cha con sẽ đồng ý đấy.
Nỗi căm giận của Phecmina Đaxa càng gay gắt hơn bởi ý nghĩ cho rằng cha cô là kẻ đồng lõa với chuyến viếng thăm này.
– Chúng con đã hai lần gặp nhau rồi vào lúc con bị ốm, – cô gái nói. – Bây giờ không có bất cứ lý do nào để cho ông ta đến nhà.
– Đối với bất kỳ một người con gái trán chỉ rộng hai đốt ngón tay thôi thì con người ấy là quà tặng của Đấng toàn năng đấy, con ạ.
Mẹ bề trên tiếp tục ca ngợi những đức tính của ngài, ca ngợi lòng kính yêu Thượng đế của ngài, ca ngợi sự hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp trị bệnh cứu người của ngài. Trong khi nói, Mẹ bề trên rút từ trong ống tay áo thụng ra một chuỗi hạt bằng vàng có ảnh của Chúa Giêsu khắc trên bài ngà rồi vung nó quay trong trước mắt của Phecmina Đaxa. Đó là một báu vật gia đình, cổ đến hơn một trăm năm rồi, được một người thợ kim hoàn Xiêna làm và được Giáo hoàng Clêmêntê IV ban phước lành.
– Của con đấy. – Mẹ bề trên nói.
Phecmina Đaxa cảm thấy máu chảy rần rật trong huyết quản mình, thế là cô đã bạo dạn lên.
– Con không giải thích cho mình hiểu nổi vì sao mẹ bề trên lại sẵn lòng làm cái việc chắp nối tình yêu này một khi Mẹ từng cho rằng ái tình là tội lỗi?
Nữ tu sĩ Phranca đê la Lút giả vờ như không để ý đến lời trách móc ấy nhưng hai mắt bà ta nảy lửa. Mẹ bề trên vẫn tiếp tục quay tròn vòng tràng hạt vàng trước mắt cô.
– Tốt hơn hết là con nên nghe theo lời ta – Mẹ bề trên nói, – vì sau chuyến viếng thăm của ta đức giám mục có thể đến đây và với ngài mọi chuyện sẽ khác đấy.
– Mong rằng ngài sẽ đến, – Phecmina Đaxa nói.
Nữ tu sĩ Phranca đê la Lút giấu vòng tràng hạt vào ống tay áo. Sau đó bà lại rút từ ống tay áo khác một chiếc mùi xoa cũ, vo lại thành một quả bóng rồi bà nắm chặt nó trong lòng bàn tay mà nhìn Phecmina Đaxa với một nụ cười đầy lòng thương cảm.
– Tội nghiệp con gái ta, – Mẹ bề trên thở dài – con vẫn còn nghĩ đến gã ấy.
Phecmina Đaxa đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt trước thái độ xấc xược ấy để nhìn không chớp mắt vào mắt nữ tu sĩ, không hề một lời, cứ thế lặng nhìn cho đến khi với niềm vui bất tận cô thấy rằng đôi mắt đàn ông của nữ tu sĩ ràn rụa nước mắt. Nữ tu sĩ Phranca đê la Lút lấy quả bóng làm bằng khăn mùi xoa lâu khô lệ rồi đứng dậy:
– Đúng như cha con nói rằng con là một con lừa cái. – Mẹ bề trên nói.
Đức giám mục không đến nhà. Dù ngài không đến thì sự o bế của bác sĩ Huvênan Ucbinô cũng phải kết thúc vào ngày ấy vì Hinđêbranda đã đến đây để dự lễ Noel với người em họ của cô và thế là cuộc sống của hai người đã thay đổi. Vào lúc năm giờ sáng gia đình cô cháu gái từ trên tàu Riôacha đến trong khung cảnh ồn ào, các hành khác lả đi vì say sóng nhưng Hinđêbranda bước xuống tàu với vẻ tươi rói rạng rỡ, rất đàn bà, với tinh thần vui nhộn bất chấp một đêm vất vả đi trên tàu. Cô ta đến mang theo những bu vịt sống và các sọt đựng cơ man hoa quả do vùng đất trù phú của cô sản sinh ra, để trong lúc cô ở lại nhà Phecmina Đaxa không ai phải thiếu ăn. Liximacô Sanchêt, cha cô, nhờ cô hỏi hộ xem gia đình có cần nhạc công để vui chơi trong ngày lễ Paxqua không, bởi vì ông có sẵn những tay nhạc công cự phách và ông nhờ nói giùm mình sẽ gửi đến sau một thùng pháo hoa. Ngoài ra ông còn nhắn rằng ông chưa thể đến để đón cô con gái trước tháng tư. Vậy là cô con gái có đủ thời giờ để mà vui chơi ở đây.
Cả hai cô gái liền lao ngay vào cuộc sống vui chơi thỏa thích. Ngay từ buổi chiều mới đến họ cùng tắm chung, khỏa thân, cùng kì cọ cho nhau trong nhà tắm. Họ cùng xoa xà phòng cho nhau, cùng tuốt trứng chấy cho nhau, cùng so độ mông vế của nhau, so bộ ngực căng mọng của nhau, người nọ nhìn vào người kia tựa như nhìn vào gương để mà ngạc nhiên đến mức phát mừng rỡ khi thấy cơ thể của nhau đã đẹp lên biết nhường nào kể từ lần cuối cùng thấy nhau để truồng. Hinđêbranda cao lớn và đẫy đà, nước da trắng ngần nhưng thứ lông mọc trên toàn thân cô lại mầu đen đen, ngắn và xoăn tít tựa như phoi bào. Ngược lại Phecmina Đaxa có tấm thân chưa phát triển đầy đủ, các đường cong thẩm mỹ chưa nổi rõ, nước da trắng hơi xanh, lông mọc trên da cô mượt mà. Gala Plaxiđia đã thu xếp buồng ngủ, dọn sẵn hai giường cho họ, nhưng đôi lúc họ cùng nằm một giường rồi tắt đèn và nói chuyện với nhau cho tới sáng. Họ cùng nhau hút thuốc lào của những tên tướng cướp mà Hinđêbranda giấu trong hòm mang đến, rồi sau đó phải đốt giấy thơm sản xuất ở Acmêni để xông không khí hôi hám đọng lại trong phòng ngủ. Phecmina Đaxa hút thuốc lá lần đầu tiên ở làng Vadêđupa, sau đó tiếp tục hút ở Phôngxêca, ở Riôacha. Đó là những nơi có tới hàng mười chị em họ cùng ngồi trong phòng đóng trái cửa lại để nói chuyện nhảm về đàn ông và để hút thuốc lá trộm. Phecmina Đaxa đã học hút thuốc theo cách của những người đàn ông trong trận mạc: cho đầu thuốc châm lửa vào trong miệng mà hút khỏi lộ sáng trong đêm tối. Nhưng không bao giờ cô hút thuốc một mình. Với Hinđêbranđa, ở nhà mình, đêm nào cũng như đêm nào, cô đều hút thuốc lá trước khi đi ngủ và, kể từ đó trở đi cô có thói quen hút thuốc lá và luôn luôn hút lén ngay cả khi đã có chồng, có con. Cô hút lén không chỉ vì là phụ nữ mà hút thuốc công khai trước đám đông thì khó coi quá mà còn vì cô thích làm chuyện bí mật.
Chuyến đến chơi của Hinđêbranđa đã được cha mẹ cô sắp đặt nhằm mục đích làm cho cô quên đi mối tình không được gia đình ưng thuận mặc dù họ vẫn làm cho cô tin rằng cô đi thăm Phecmina Đaxa để giúp cô em họ chọn người bạn trăm năm. Hinđêbranđa chấp nhận chuyện sắp đặt của cha mẹ mình với ý nghĩ cho rằng cha mẹ đừng mong mình sẽ quên mối tình ấy như trong những ngày trước đây cô em họ đã không quên, và cô đã thông đồng với người điện báo viên ở Phôngxêca để anh ta chuyển điện của họ một cách thận trọng nhất. Bởi thế, ảo tưởng của cô đã đổ vỡ một cách cay đắng khi cô biết được rằng Phecmina Đaxa đã cắt đứt quan hệ yêu đương với Phlôrêntinô Arixa. Ngoài ra, Hinđêbranđa lại có quan điểm tình yêu rất phổ quát và cô nghĩ rằng bất kỳ một chuyện hay nào xảy ra với một người đang yêu đều không có lợi cho tất cả các mối tình trên thế gian này. Tuy nhiên cô vẫn không từ bỏ ý định của mình. Với một tinh thần bạo dạn từng khiến Phecmina Đaxa phải kinh hãi, cô đã đến văn phòng điện báo với ý định sẽ tranh thủ được giúp đỡ của Phlôrêntinô Arixa.
Cô không nhận ra được anh vì anh chẳng có những đặc điểm gì giống với hình ảnh mà cô thường mường tượng về anh theo những điều mà Phecmina Ddaxxa kể lại.
Ngay từ lúc thoạt nhìn thấy anh, cô nhận thấy thật không thể hiểu được rằng làm sao cô em họ của mình lại mê mệt gần như phát điên vì cái anh chông quá đỗi bình thường với thần thái mệt mỏi của một con chó bị ốm đòn, với bộ quần áo thiểu não, với điệu bộ quá ư trịnh trọng chẳng có thể làm rung động trái tim bất kỳ ai. Nhưng ngay lập tức cô đã phải ân hận vì cảm nhận đầu tiên ấy bởi vì Phlôrêntinô Arixa đã phục vụ cô tận tình không cần biết cô là ai: sẽ chẳng bao giờ anh biết được cô là ai. Không ai hiểu cô bằng anh vì rằng anh không đòi hỏi cô phải nói mình là ai và cũng không đòi phải nói rõ địa chỉ. Giải pháp của anh rất giản dị: cứ chiều thứ tư hàng tuần cô đến văn phòng điện báo để anh trao tận tay các bức điện trả lời. Chỉ có thế thôi. Mặt khác, khi anh đọc bức điện do Hinđêbranđa viết gửi người yêu anh đã hỏi cô có đồng ý cho sửa không và cô đã đồng ý. Trước tiên Phlôrêntinô Arixa chữa một số từ ở giữa các dòng chữ, xóa đi một số chữ khác, rồi viết lại các từ khác cho đến khi trang giấy không còn chỗ để viết. Cuối cùng anh xé tờ giấy đi và viết lại hoàn toàn bức điện ấy khiến Hinđêbranđa cũng phải cảm động. Khi ra khỏi văn phòng điện báo, Hinđêbranđa nước mắt lưng tròng.
– Anh ấy xấu trai và buồn, – cô nói với Phecmina Đaxa – nhưng là cả một khối tình.
Điều khiến Hinđêbranđa phải quan tâm hơn cả chính là nỗi cô đơn của cô em họ, ở tuổi hai mươi mà cứ như một bà không chồng, cô nói với Phecmina Đaxa như vậy. Vốn quen với một gia đình đông người và quen với cảnh nhà đông đúc đến mức không ai biết chính xác có bao nhiêu người sống trong nhà và có bao nhiêu người sẽ ăn cơm, nên Hinđêbranđa không thể nào mường tượng nổi một cô gái ở tuổi cô đã tự cấm cung để chỉ sống cuộc sống của mình. Quả nhiên là như vậy. Kể từ khi thức dậy vào lúc sáu giờ sáng cho đến khi phòng ngủ tắt đèn, cô em họ đã hoàn toàn hiến dâng mình cho thời gian mất đi. Cuộc đời được sắp đặt từ bên ngoài. Thoạt tiên, khi gà gáy lần thứ nhất, người cung ứng sữa cho gia đình đã nện vồ gọi cửa ở ngoài cổng đánh thức cô dậy. Sau đó những người gọi cổng là bà bán cá mang cả một thùng cá bên dưới có lót một lớp rong biển, là bà bán rau quả tươi: rau tươi ở vùng Maria Hạ, hoa quả vùng Xan Hanxintô. Cuối cùng, trong suốt cả một ngày, người đến gọi cổng nhà cô có đủ loại: những kẻ ăn mày, những cô gái bán vé xổ số, các cô tu sĩ quyên góp, người thợ mài dao thuê dắt chiếc sáo trúc bên hông, người mua vỏ chai, kẻ mua báo cũ, người mua đồng nát, những cô gái giả làm người Digan đến để xem số mệnh qua đường chỉ tay, qua những lá bài. Gala Plaxiđia cả tuần cứ phải đóng và mở cổng hoài để nói rằng không mua, rằng không cần, rằng hôm khác hãy trở lại hoặc giả từ trên ban công, với thái độ khó chịu bà gào toáng lên rằng xin đừng quấy rầy nữa nỡm ạ, rằng nhà này đã sắm đủ rồi. Gala Plaxiđia thay thế bà cô Excôlaxtica với tất cả nhiệt tình và ý nhị đến mức Phecmina Đaxa đã nhầm bà cô mình với bà và thật lòng yêu quý bà ta. Bà ta sẵn có lòng lo toan của một người nô lệ. Ngay khi có được một lúc rảnh tay bà ta đi ngay vào phòng làm việc là quần áo trắng gấp lại cẩn thận rồi cất vào tủ. Và không chỉ là gấp quần áo vừa giặt xong mà bà ta còn là và gấp lại cả những bộ quần áo lâu ngày chưa dùng đến. Cũng với chính thái độ cẩn thận ấy bà ta lo gìn giữ quần áo cho Phecmina Săngchêt, mẹ của Phecmina Đaxa, người chẳng may quá cố được mười bốn năm rồi. Nhưng người quyết định mọi việc trong nhà này lạ là Phecmina Đaxa. Cô ra lệnh cần phải nấu nướng thứ gì, cần phải mua sắm thứ gì, cần phải làm gì trước cái gì sau và bằng hình thức ấy cô đã định đoạt cuộc sống của một gia đình mà trên thực tế chẳng có gì cần phải định đoạt cả. Khi đã quét dọn xong chuồng chim, thay thức ăn và nước uống cho chúng rồi, chăm tưới hoa xong rồi, cô chẳng biết làm gì nữa. Rất nhiều lần, sau khi bị đuổi học, cô đã ngủ một giấc dài từ hôm trước cho tới tận sáng hôm sau. Các buổi học vẽ tranh chẳng qua cũng chỉ là một hình thức để cô tiêu khiển thời gian mà thôi.