Trong quan hệ với cha, cô đã thiếu hẳn tình cảm thương mến kể từ ngày ông đuổi bà cô Êxcôlaxtica đi, mặc dù cả hai cha con đã tìm thấy cách thức cùng chung sống mà không làm nhau khó chịu. Khi cô thức dậy thì ông đã đi rồi. Bữa cơm trưa, rất ít khi không để phần cơm cho ông nhưng hầu như chẳng mấy khi ông ăn bởi vì rượu khai vị và các món nhắm nấu theo sách của người Gadêgô[48] ở quán cà phê Parôkia đã làm ông lửng dạ. Bữa cơm tối ông cũng không ăn: Phecmina Ddaxxa và Gala Plaxidia để phần cơm cho ông ở bàn ăn, tất cả đều để gọn trong một cái đĩa và lấy chiếc đĩa khác úp lên, mặc dù họ đều biết rõ ông không ăn và như vậy hôm sau phải đem hâm lại để ăn sáng. Mỗi tuần một lần ông đưa tiền cho con gái, số tiền này được ông tính toán rất sát và được con gái chi tiêu rất hợp lý nhưng ông cũng vui vẻ đáp ứng ngay những đề nghị chi thêm của con gái cho những món ăn chưa được dự trù trước. Không bao giờ ông bớt của cô một đồng, cũng chẳng bao giờ ông bảo cô phải thanh toán nhưng cô gái đã hành động đúng đắn: cô kết toán sòng phẳng cho ông biết. Chẳng bao giờ ông nói chuyện với con gái về công việc của mình, về tình trạng buôn bán của mình và cũng chẳng bao giờ ông dẫn con gái đến ăn tại các cửa hàng mình thường lui tới ở ngoài bến cảng, một khu vực cấm đối với các cô gái danh giá dù cho các cô có được cha dẫn đi cũng mặc. Lôrenxô Đaxa không bao giờ trở về nhà trước lúc mười giờ đêm, vốn là giờ giới nghiêm trong thời kỳ chiến tranh ít căng thẳng. Ông ở quán cà phê Parôkia cho đến tận giờ ấy để chơi bất kỳ thứ gì bởi ông từng là chuyên gia của tất cả các trò chơi trong phòng xa lông, hơn nữa còn là người thầy giàu kinh nghiệm. Bao giờ ông cũng trở về nhà trong tình trạng tinh thần sảng khoái, không hề đánh thức con gái dậy mặc dù ngày từ lúc thức dậy ông đã uống rượu hồi và tiếp tục nhai đầu mẩu thuốc lá và uống các cốc rượu đặc biệt trong suốt ngày hôm sau. Tuy nhiên có một đêm, Phecmina Đaxa cảm thấy ông bước vào nhà. Cô nghe rõ tiếng giày ông nện gót trên từng bậc cầu thang, nghe rõ tiếng thở hồng hộc của ông dọc theo hành lang tầng trên, nghe rõ tiếng nắm đấm bàn tay ông đấm thình thịch vào cánh cửa phòng ngủ. Cô mở cửa cho ông và lần đầu tiên trong đời, cô giật mình trước con mắt lác của ông và lời nói lắp bắp của ông:
[48] Tức người Tây Ba Nha sinh sống ở tỉnh Galixia (Tây Ba Nha).
– Chúng ta phá sản rồi, – ông nói. – Phá sản hoàn toàn! Rồi con sẽ biết.
Đó là tất cả những gì ông nói và chẳng bao giờ ông nhắc lại điều ấy, cũng chẳng xảy ra điều gì chứng tỏ rằng lời nói là thực hay hư. Nhưng sau đêm ấy, Phecmina Đaxa đã có ý thức rõ ràng rằng mình sống trong cô đơn trên thế gian này. Cô sống trong một nhà tù giữa một xã hội ồn ào. Những người bạn gái cùng trường trước đây đang ở một chân trời khác, một tế giới khác hoàn toàn ngăn cách đối với cô nhất là từ sau vụ cô bị đuổi học, nhưng cô cũng không phải là láng giềng của láng giềng mình vì những người này chỉ biết cô từ khi cô vận đồng phục của trường Đức mẹ Đồng Trinh và họ không biết gì về quá khứ của cô. Thế giới của cha cô là thế giới của những con buôn và phu bốc vác, của những kẻ tị nạn chiến tranh tụ tập trong cái hang công cộng ấy, là quán cà phê Parôkia, là thế giới của những người đàn ông sống độc thân. Trong năm cuối cùng, các lớp học vẽ có phần nào làm cho cô khuây khỏa đôi chút trước tình trạng không có bạn bởi vì cô giáo dạy vẽ thích dạy lớp học công cộng hơn do đó thường dẫn đến nhà này một số nữ học sinh. Nhưng đó là những cô gái thân phận xã hội khác nhau và rất khó xác định đối với Phecmina Đaxa, họ chỉ là những người bạn chốc lát mà tình cảm thương mến của họ sẽ kết thúc khi giờ học kết thúc. Hinđêbranđa muốn mở hết các cửa, muốn làm thay đổi không khí trong nhà, muốn đem nhạc công và pháo hoa của cha cô đến đây và tổ chức một đêm nhảy cacvnavan mà những vòng quay như lốc xoáy của chúng sẽ xua tan tâm hồn u uẩn của cô em họ, nhưng ngay lập tức cô nhận ra rằng ý định của cô là vô vọng bởi chỉ một lý do đơn giản thôi: sẽ nhảy với ai?
Ngược lại, dù sao đi nữa Phecmina Đaxa mới là người đặt Hinđêbranđa vào cuộc đời thực. Các buổi chiều, sau giờ học vẽ, cô dẫn Hinđêbranđa đi dạo để làm quen thành phố này. Phecmina Đaxa chỉ cho cô chị họ biết con đường mà cô vẫn thường qua lại hàng ngày với bà cô Êxcôlaxtiaca, chiếc ghế đá trong vườn hoa mà Phlôrêntinô Arixa vẫn giả vờ ngồi đọc sách để đợi cô đi qua, những con đường hẻm mà anh đã đi để theo cô, những hộp thư lưu động của hai người, cái dinh thự buồn thảm từng là nhà thờ Thánh Ôphixô và sau đó được trùng tu lại và trở thành Trường Đức Mẹ Đồng Trinh vốn bị cô căm thù tới tận xương tủy. Bọn họ cùng trèo lên quả đồi được dùng làm nghĩa địa cho những người nghèo, vốn là nơi Phlôrêntinô Arixa chơi viôlin để gửi theo gió tiếng đàn của mình đến tận tai Phecmina Đaxa đang nằm trên giường. Từ trên đỉnh đồi này, bọn họ nhìn hoài cảnh thành phố lịch sự, nhìn những đống đổ nát của các pháo đài cổ giữa cây hoang, nhìn những hòn đảo quần tụ bên nhau, nhìn những khu nhà lụp sụp dựng quanh đầm lầy, nhìn biển Caribê bao la.
Đêm chúa giáng sinh bọn họ cùng nhau đi dự lễ Misa lúc mười hai giờ đêm tại Nhà thờ lớn. Phecmina Đaxa ngồi ngay chỗ nghe rõ nhất tiếng đàn của Phlôrêntinô Arixa và chỉ cho cô chị họ biết các vị trí chính xác của lần đầu tiên cô nhìn rất gần đôi mắt hoảng hốt của anh. Cả hai cô gái kéo nhau ra phố Lôt Excribanôt. Họ mua kẹo bánh và hào hứng vui vẻ trong cửa hàng bán các thứ mục màu nhiệm, và Phecmina Đaxa chỉ cho cô chị họ biết các chỗ bỗng nhiên cô nhận ra tình yêu của mình với Phlôrêntinô Arixa chỉ là ảo tưởng. Chính bản thân Phecmina Đaxa cũng không nhận ra rằng mỗi bước cô đi từ nhà đến trường, mỗi địa điểm trong cái thành phố này, mỗi khoảnh khắc quá khứ của cô hiện đang sống lại tươi mới, tất cả những thứ ấy chỉ có thể tồn tại được nhờ sự hiện hữu của Phlôrêntinô Arixa. Hinđêbranđa đã lưu ý Phecmina Đaxa điều đó nhưng cô em họ lại dứt khoát không chịu thừa nhận bởi vì chẳng bao giờ cô thừa nhận cái sự thực này: dù xấu hay tốt, Phlôrêntinô Arixa là người duy nhất đã dẫn dắt cô gia nhập cuộc đời này.
Trong những ngày ấy, có một bác thợ ảnh người Bỉ đến thành phố dựng cửa hiệu tại phố Lôt Excribanôt và những ai trả tiền đều có thể vào chụp một bức ảnh chân dung. Phecmina Đaxa và Hinđêbranđa là những người đầu tiên. Họ lục tủ quần áo của Phecmina Săngchêt, chia nhau các bộ váy áo lộng lẫy nhất, những chiếc ô, những đôi giày ngày hội, những chiếc mũ và họ đóng giả các cô gái sống hồi giữa thế kỷ XIX. Gala Plaxiđia giúp họ thắt chặt nịt vú, dạy họ các cử động mông ở bên trong cái khung sắt thử chiếc váy phồng, cách đi găng tay, cách đóng khóa giày cao gót. Hinđêbranđa chọn chiếc mũ rộng vành có gài mấy chiếc lông đà điểu bông dài tới tận thắt lưng. Phecmina Đaxa lại chọn chiếc mũ tương đối hợp mốt thời đại có vẽ hoa quả trên vành mũ. Cuối cùng họ tự chế nhạo mình khi cùng nhìn vào gương và họ thấy mình trong những bức ảnh Đaghê. Họ ra đi lòng hân hoan, cười ngặt nghẽo, để người thợ chụp ảnh cho mình, Từ trên ban công nhà, Gala Plaxidia nhìn họ đang đi qua vườn hoa tay giương cao tấm ô xòe rộng cánh, chân cố giữ thăng bằng trên đôi giày cao gót, vung vẩy chiếc váy phồng và bà ta làm dấu ban phước lành và cầu mong Thượng đế phù hộ cho các cô trong lúc chụp ảnh.
Trước cửa hiệu ảnh người ta xúm lại đông đúc đang chụp ảnh cho Bêni Xênhtênô, người đoạt chức vô địch đấm bốc ở Paraguay trong những ngày ấy. Anh ta vận quần áo đấm bốc, tay đeo găng, đầu đội vòng nguyệt quế và việc chụp ảnh cho anh ta không phải dễ dàng gì bởi vì anh ta phải đứng đúng tư thế nhảy bổ vào đối phương trong một phút và trong cái phút ấy anh phải nín thở; nhưng ngay khi anh quơ quả đấm lên lập tức những người hâm mộ anh liền vỗ tay hoan hô vang dội và thế là anh ta không thể thỏa mãn họ bằng cách biểu diễn thật đẹp nghệ thuật đấm bốc của mình. Khi đến lượt chị em Phecmina Đaxa vào chụp ảnh thì trời kéo đầy mây và chẳng bao lâu mưa sẽ trút xuống, nhưng chị em họ vẫn để cho người ta thoa phấn trắng lên mặt, rồi với tư thế tự nhiên họ đứng tựa lưng vào một chiếc cột đá hoa cương và nhờ vậy họ có thể đứng im được lâu hơn thời gian cần thiết. Đó là một bức ảnh được giữ gìn mãi mãi. Khi Hinđêbranđa chết, lúc ấy gần một trăm tuổi, ở điền trang Phlôrêt đê Maria, người ta bắt gặp bức ảnh ấy trong ngăn tủ phòng ngủ, giấu giữa những tấm ga trải giường thơm phức cùng với một tờ giấy đã nhòe mực ghi lại một phần câu châm ngôn. Trong nhiều năm, Phecmina Đaxa để bức ảnh của mình ở ngay trang nhất cuốn am-bom gia đình, sau đó nó biến mất mà bà không hề biết mất từ bao giờ và mất như thế nào. Qua nhiều ngẫu nhiên, nó đã đến tay Phlôrêntinô Arixa khi cả hai người đã lên lão bảy mươi.
Quảng trường phố Excribanôt đông nghịt người và người tràn lên cả ban công nhà bên hè phố khi Phecmina Đaxa và Hinđêbranđa từ trong hiệu ảnh bước ra. Cả hai người đều quên rằng mặt mình bự phấn trắng và môi mình phết son màu sôcôla, rằng quần áo mình mặc không hợp mốt thời đại. Người đứng trên đường phố liền đón họ bằng những tiếng huýt sáo giễu cợt. Hai chị em bỗng dồn vào một xó, đang định trốn chạy đám công chúng giễu cợt mình thì một chiếc xe hai con ngựa kéo rẽ đám đông tiến đến. Những tiếng huýt sao chế nhạo bỗng ngừng bặt, đám người khiêu khích tản mát đi hết. Hinđêbranđa sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh đầu tiên của người đàn ông hiện ra ở cửa xe đầu đội chiếc mũ sâu ống may bằng lụa xa tanh, chiếc áo khoác ngoài may bằng lụa dệt chỉ kim tuyến, với điệu bộ thông thái, ánh mắt ngọt ngào và vẻ quyền thế hiện rõ trong con người anh ta.
Dù chưa nhìn thấy anh ta bao giờ, Hinđêbranđa đã nhận ra ngay anh ta là ai. Trong tháng trước đây vào một buổi chiều, Phecmina Đaxa đã nói với cô về anh ta mặc dù nói với vẻ thản nhiên thôi. Đó là buổi chiều Phecmina Đaxa không muốn đi qua dinh thự Mackêt đê Canxanđuerô vì lúc đó chiếc xe ngựa đang đậu ngay trước cửa. Phecmina Đaxa kể cho cô nghe ai là chủ chiếc xe này, và cố lảng tránh không chịu giải thích lý do vì sao cô không thích anh ta mặc dù cô không nói một lời nào về ý muốn cầu hôn của anh ta. Hinđêbranđa quên khuấy chuyện ấy rồi. Nhưng khi cô nhận ra anh ta đứng ở cửa xe như một sự xuất hiện mang tính chất huyền thoại, một chân để trên mặt đất, một chân để ở cửa lên xuống chiếc xe, thì cô không làm sao hiểu nổi vì sao cô em họ lại từ chối lời cầu hôn của anh ta.
– Xin mời các cô lên xe, – bác sĩ Huvênan Ucbinô bảo họ, – Tôi sẽ chở các cô đến bất kỳ nơi nào mà các cô ra lệnh.
Phecmina Đaxa làm điệu bộ từ chối nhưng Hinđêbranđa đã nhận lời mời rồi. Bác sĩ Huvênan Ucbinô đứng xuống đất, chỉ dùng các ngón tay, nghĩa là bàn tay hầu như không chạm vào da thịt cô gái, đã giúp Hinđêbranđa bước lên xe, Phecmina Đaxa, không thể bối rối hơn được nữa, gương mặt đỏ bừng bừng vì oi nóng cũng lên xe sau người chị họ.
Nhà chỉ các đấy ba ô phố. Hai chị em cô gái không biết rằng bác sĩ đã thỏa thuận với tay xà ích, nhưng hẳn là như thế rồi, bởi vì xe chạy thế nào mà mãi nửa giờ sau mới đến nhà. Hai cô gái ngồi trên ghế chính, còn bác sĩ ngồi ở ghế trước lưng quay ngược lại với chiều xe chạy. Phecmina Đaxa nhìn ra cửa sổ và chìm đắm trong suy tư. Trái lại Hinđêbranđa rất vui vẻ và bác sĩ Huvênan Ucbinô lại càng hớn hở hơn với chính niềm vui đang dâng trào trong tâm hồn ngài. Ngay khi xe bắt đầu chuyển bánh, Hinđêbranđa cảm nhận ngay mùi nồng ấm của da thuộc được dùng làm ghế đệm, cảm thấy không khí thân thuộc bên trong xe và nói rằng đây là nơi dễ chịu có thể dùng để ở mãi được. Ngay lập tức bọn họ, Hinđêbranđa và bác sĩ bắt đầu cười, bắt đầu nói tếu theo kiểu những người bạn thân thường đùa nhau, cùng vui vẻ trong trò chơi nói chữ. Bác sĩ và Hinđêbranđa cùng giả vờ làm ra vẻ Phecmina Đaxa không hiểu được họ dù rằng họ biết rõ ràng cô gái không chỉ hiểu mà còn để ý theo dõi họ. Vì vậy họ vui đùa hơn để chọc tức cô. Sau khi cười cợt một lúc lâu, Hinđêbranđa thú nhận rằng mình không thể chịu đựng hơn được nữa trước việc đôi giày cứ bóp chặt lấy chân.
– Dễ thôi, – bác sĩ Huvênan Ucbinô nói – Nào thử thi xem ai cởi giày ra trước.
Chính ngài bắt đầu cởi giày trước và Hinđêbranđa chấp nhận lời thách thức của ngài. Việc làm này chẳng dễ dàng gì đối với cô và cái nịt vú cứng không cho phép cô cúi gập người xuống, nhưng bác sỹ Huvênan Ucbinô lại cố ý chậm trễ đợi cho đến khi cô gái rút được đôi giày cao gót ra khỏi chiếc váy phồng với tiếng cười đắc thắng như thể cô ta vừa mò được chúng trong bể nước. Lúc ấy cả hai người cùng nhìn Phecmina Đaxa và họ nhìn gương mặt nhìn nghiêng tuyệt đẹp của cô đang rạng rỡ trong ráng chiều. Phecmina Đaxa đang giận dữ gấp ba lần, giận vì hoàn cảnh trớ trêu mà họ đang sống, giận vì thái độ buông thả của Hinđêbranđa, giận vì biết rõ rằng chiếc xe cứ vòng vèo hoài không chịu đưa họ về nhà sớm hơn. Nhưng Hinđêbranđa lại càng tỏ ra trơ trẽn hơn.
– Bây giờ tôi mới biết – cô gái nói, – rằng làm cái tôi khó chịu không phải là đôi giày mà chính là cái chuồng sắt này.
Bác sĩ Huvênan Ucbinô hiểu ngay rằng cô muốn đề cập đến chiếc váy phồng. Thế là ngài vớ lấy ngay cơ hội này nói: “Chẳng có gì dễ hơn: Hãy cởi ra”. Ngài rút vội từ trong quần ra chiếc mùi xoa, tự bịt lấy mắt.
– Tôi không nhìn – ngài nói.
Chiếc khăn bịt mặt càng tô đậm thêm tính chất trinh nguyên của đôi môi ngài ẩn giữa hầm râu đen tròn với hàng ria được tỉa tót rất điệu. Hinđêbranđa bỗng phát hoảng. Cô nhìn Phecmina Đaxa và lần này cô không thấy người em họ nổi cáu mà người lại đang hoảng sợ trước việc cô đủ khả năng cởi chiếc váy phồng. Hinđêbranđa làm bộ: “Chúng ta làm gì bây giờ?” Phecmina Đaxa trả lời bằng chính cái ngôn ngữ của người chị họ rằng nếu không cho xe chạy thẳng về nhà mình cô sẽ nhảy xuống trong lúc xe đang chạy.
– Xong chưa? Tôi đang đợi để mở mắt đây. – Bác sĩ nói.
– Ngài có thể mở mắt được rồi.
Khi tháo chiếc khăn bịt mắt ra. Bác sĩ Huvênan Ucbinô thấy cô hoàn toàn khác hẳn và ngài hiểu rằng trò chơi đã kết thúc và kết thúc rất tồi. Ngài ra hiệu cho gã xà ích và theo lệnh ngài gã cho xe vòng một vòng tròn rồi cho xe chạy thẳng vào vườn hoa Lôt Evanhêliôt đúng lúc người coi đèn đêm thắp sáng các ngọn đèn đường. Các nhà thờ đều rung chuông cầu kinh Đức Bà. Hinđêbranđa vội bước xuống xe, lòng hơi bối rối vì ý nghĩ mình là người đã làm cho người em họ khó chịu, và từ biệt bác sĩ bằng một cái bắt tay rất chặt, chẳng cần phải giữ phép tắc gì. Phecmina Đaxa cũng bắt chước cô nhưng khi định rút tay về thì bác sĩ Huvênan Ucbinô giữ chặt lấy ngón tay giữa bàn tay cô.
– Anh đang chờ lời đáp của em. – Ngài nói.
Lúc ấy Phecmina Đaxa rút mạnh tay về cái găng tay tuột ra nằm lại trong tay bác sĩ Huvênan Ucbinô, nhưng cô không lấy lại. Cô lên giường đi nghỉ mà không ăn uống gì. Hinđêbranđa làm ra vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra, bước vào phòng ngủ sau khi ăn với thái độ rất tự nhiên. Cô không chịu giấu giếm tâm trạng hào hứng của mình trước người bác sĩ Huvênan Ucbinô, trước vẻ đẹp và thái độ thân ái của ngài. Phecmina Đaxa không hề nói năng gì trước bất cứ câu bình luận của chị họ nhưng cô sẵn sàng phản đối chúng. Có lúc Hinđêbranđa tự giãi bày tâm trạng thực của mình, rằng khi bác sĩ Huvênan Ucbinô bịt mắt và cô nhìn thấy hàm răng trắng đều đặn sáng bừng giữa làn môi hồng và cô cảm thấy trong mình dâng lên một nỗi thèm khát da diết được hôn ngài. Phecmina Đaxa xoay mặt vào tường chấm dứt cuộc nói chuyện mà không hề muốn kháng cự lại người chị họ, đúng hơn, cô còn mỉm cười là đằng khác, nhưng đó là một thái độ dứt khoát.
– Chị có hơi đĩ đấy, – cô nói.
Cô ngủ không được an giấc, luôn luôn giật thột. Trong khi ngủ cô mơ thấy bác sĩ Huvênan Ucbinô ở khắp nơi, nhìn thấy ngài cười, ngài hát, thấy ngài đang tung ra những lời đùa tếu qua hàm răng khi bịt mắt lại, thấy ngài đang trêu chọc mình bằng cách nói chữ không theo một quy tắc nào trong một chiếc xe khác hẳn với chiếc xe hồi chiều và nó đang trèo lên nghĩa địa dành cho những người nghèo. Cô thức dậy từ lúc trước khi trời sáng rất nhiều, người mệt phờ. Cứ nằm nguyên trên giường hai mắt nhắm lại, cô nghĩ về những năm tháng dài dặc nhiều vô kể mà cô cần phải sống. Sau đó, trong lúc Hinđêbranđa đang tắm, cô viết một bức thư, rồi vội vàng gấp nó lại, vội vàng nhét nó vào một chiếc phong bì và trước khi Hinđêbranđa từ trong nhà tắm bước ra cô đưa nó cho Gala Plaxidia mang đến nhà bác sĩ Huvênan Ucbinô. Đó là một trong những bức thư vốn có của cô, không thừa và không thiếu một từ, trong đó cô chỉ nói: em đồng ý, bác sĩ ạ, rằng anh hãy đến thưa chuyện với cha em đi.
Khi Phlôrêntinô Arixa biết chuyện Phecmina Đaxa kết hôn cùng một bác sĩ con nhà dòng dõi và giàu có, được du học tận bên châu Âu và ở tuổi của mình đã là người nổi tiếng thì anh phát ốm không tài nào dậy nổi. Traxitô Arixa đã làm hết sức mình để an ủi con khi bà biết anh không ăn, không nói và cả đêm thức trắng khóc sướt mướt, nhưng sau một tuần bà đã dỗ dành được anh ăn uống bình thường. Thế là bà nói chuyện với Đôn Lêông XII Lôayxa, người duy nhất còn sống trong số ba anh em trai nhà Lôayxa, và không hề nói lý do, bà cầu khẩn ngài cho đứa cháu vào làm việc trong hãng tàu thủy, làm việc gì cũng được miễn là lúc nào nó cũng ở tại một cảng hẻo lánh trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Macgơđalêna là nơi không có thùng thư bưu điện cũng không có trạm điện tín, là nơi anh sẽ không gặp một ai quen biết để họ kể cho nghe về thành phố lãng quên này. Người chú không cho anh vào làm trong hãng tàu của mình vì ngài rất khó chịu trước sự hiện hữu của thằng cháu ngoài giá thú, nhưng ngài đã xin được việc làm cho anh tại trạm điện báo ở Vida đê Lâyva một thành phố thơ mộng cách thành phố này chừng hai mươi ngày đường và ở độ cao một ngàn mét so với cốt đất đường phố Lát Vênhtanat.
Phlôrêntino Arixa chẳng bao giờ tán thành chuyến đi xa nhằm mục đích chữa lành cơn bệnh thất tình. Lúc nào anh cũng nhớ nó, như tất cả những gì xảy ra trong những ngày ấy, theo như lăng kính bị nỗi bất hạnh làm cho lạ hẳn đi. Khi nhận được bức điện người ta báo nhận anh vào làm việc thì anh nghĩ sẽ không đón nhận nó một các thực hồ hởi như Lotariô Tugut đã thuyết phục anh bằng lý lẽ kiểu người Đức rằng một tương lai xán lạn đang chờ đón anh trong sự nghiệp phục vụ công chúng. Lôtariô Tugut bảo anh rằng: “Điện báo là một nghề tương lai”. Ông cho anh một đôi găng tay trong lót da thỏ, một chiếc mũ vải gai, một chiếc áo khoác ngoài có cổ lông từng được mặc thử trong những ngày tháng giêng băng giá ở Baviera. Ông chú Lêông XII tặng anh hai bộ quần áo dạ, vài đôi ủng không bị ngấm nước vốn là của người anh để lại, và một chiếc vé giường nằm trong chuyến tàu sắp tới. Tranxitô lo việc may lại quần áo cho vừa với kích thước của con trai vốn không được vâm váp như người cha và thấp hơn rất nhiều so với ông người Đức, và bà mua cho anh tất len và quần lót để anh có thể chịu đựng được cái rét căm căm của vùng núi thảo nguyên. Phlôrêntinô Arixa cứng cỏi hẳn lên bởi phải chịu nhiều đau khổ, tham gia công việc chuẩn bị cho chuyến đi như thể một người chết tham dự việc chuẩn bị làm đám tang trọng thể cho mình. Anh không nói với bất kỳ ai rằng mình sẽ ra đi, không từ biệt một ai, với một sự kín đáo mà chỉ riêng với bà mẹ anh đã hé cho điều bí mật trong tâm trạng đam mê bị dồn nén của mình, nhưng đêm trước ngày khỏi hành anh đã phạm một sai lầm vì nó có thể anh phải trả giá cả cuộc đời mình. Đó là một hành động bột khởi của con tim nhưng anh đã làm với tất cả lương tri mình. Nửa đêm rồi mà anh còn thức dậy, mặc quần áo ngày chủ nhật rõ diện, ra đi để đứng dưới ban công nhà Phecmina Đaxa độc tấu bản nhạc tình yêu do chính anh sáng tác tặng riêng cho cô. Đó là bản nhạc chỉ riêng hai người, anh và cô thuộc và trong nhiều năm nó là biểu tượng của sự đồng lõa của hai người. Anh chơi rành rọt từng nốt nhạc với một câu viôlin đẫm nước mắt, với một hi vọng chan chứa đến mức ngay từ những nhịp nhạc đầu tiên chó hàng xóm đã sủa ầm ĩ, tiếp đó là chó cả thành phố nhưng sau đó chúng dần dần thôi không sủa nữa trước tiếng nhạc mỏng manh rên rỉ và bản nhạc cũng kết thúc trong sự thanh vắng khủng khiếp. Ban công không bị mở cửa cũng chẳng có một ai ngó ra đường, cùng chẳng có sự thận trọng của người con gái cầm ngọn đèn cố nghe như nuốt lấy từng nhịp của bản senêtara. Đối với Phlôrêntinô Arixa cảnh tượng ấy là một lời cầu xin được an thân, bởi vì khi nhét cây bàn vào hộp và ra đi trên những đường phố vắng như chết mà không hề ngoái lại nhìn, anh không cảm thấy mình sẽ ra đi vào sáng ngày hôm sau mà đúng hơn mình đã ra đi từ rất nhiều năm trước đây với sự sắp đặt chín chắn để không bao giờ trở lại.