Vậy là Phecmina Đaxa đã trở về. Cô trở về không có một lí do gì để mà ân hận về sự đảo lộn mà người ta đã đem đến cho cuộc đời cô. Trái lại hoàn toàn, càng ngày cô càng ít phải ân hận, nhất là sau những năm tháng đầu tiên chung sống với chồng. Trong trường hợp của cô, điều đáng khen ngợi hơn cả là cô đến nơi tổ chức lễ thành hôn vẫn chưa hết ngỡ ngàng của tuổi ngây thơ. Trong chuyến du chơi gần như khắp tỉnh người chị họ Hinđêbranda cô bắt đầu để mất tuổi thơ của mình. Tại làng Vadêđupa cô đã biết vì sao những chú gà trống cồ lại đi ghẹo các cô gà mái tơ. Cô đứng xem các lễ nghi thô bạo của các chú lừa đực với các cô lừa con. Cô nghe các cô chị em họ nói về những cặp vợ chồng nào của gia đình đang làm tình, nói về những cặp vợ chồng nào tuy vẫn sống với nhau nhưng đã thôi không chung chăn gối nữa từ khi nào và lí do vì sao… Đó là khi cô bắt đầu tự nhận biết trong ái tình cô đơn với cảm giác mình đang phát hiện ra một cái gì đó mà bản năng cô nín thở để khỏi tự tố giác mình trong phòng ngủ chung của mười hai chị em họ và sau đó là ở trong nhà tắm, không hề ý tứ gì hết cô cứ thả hai tay xuống, tóc buông xõa mà thèm thuồng hít những điếu thuốc lá nặng đầu tiên của những tay lục lâm giang hồ. Lúc nào cô cũng làm như thế với một vài nghi ngờ của lương tâm cho rằng mình chỉ có thể hiểu biết chuyện buồng kín khi đã có chồng, và lúc nào cô cũng làm như thế trong một sự bí mật tuyệt đối trong khi đó các chị em gái lại xì xào với nhau về không chỉ số quá nhiều lần trong ngày mà còn cả cái hình thức và tầm vóc của những cơn hứng tình của cô. Tuy nhiên, bất chấp những cú sướng đê mê ấy, cô vẫn mang theo mình niềm tin cho rằng để mất trinh là cả một sự hi sinh đẫm máu.
Vậy là tiệc cưới của cô, một trong những tiệc cưới ồn ĩ từng xảy ra hồi cuối thế kỷ trước, đã diễn ra với cô trước khi nỗi sợ hãi xảy đến. Nỗi lo lắng cho tuần trăng mật đã tác động tới cô còn mạnh hơn cả dư luận xã hội ồn ỹ bàn tán về đám cưới của cô với một người đàn ông lịch duyệt số một trong những ngày ấy. Kể từ ngày bắt đầu thông báo cuộc hôn nhân của hai người trong buổi lễ Misa trọng thể tại Nhà Thờ lớn, Phecmina Đaxa lại nhận được rất nhiều thư nặc danh, có một số thư đe dọa cô bằng cái chết, nhưng có lẽ hầu như cô thấy cái chết không đến với mình, bởi thế trong tất cả sự sợ hãi có khả năng xảy ra ấy cô chỉ tập trung lo đối phó với lời đe dọa sẽ cưỡng dâm cô. Đó là cách ứng xử đúng đắn đối với những kẻ viết thư nặc danh mặc dù cô không làm điều ấy với ý thức đầy đủ. Vậy là tất cả những ai cản trở cô đã dần dần đứng về phía cô bởi vì đám cưới là không thể trì hoãn được. Cô nhận ra điều đó trong những thay đổi từng bước một của đám các bà mệnh phụ da mái mái xanh, ốm yếu vì bệnh thấp khớp và vì những tình cảm ân hận, mà một ngày nào đó họ đã thắng được lòng kiêu hãnh chứa đựng nhiều mưu ma chước quỷ của mình, và không hề báo trước, họ xuất hiện ở vườn hoa Lôt Evanhêliôt, làm như thể nó là nhà họ vậy, mang theo những thực đơn và quà tặng có ý nghĩa trong tương lai. Tranxitô Arixa quá quen thuộc cái thế giới ấy, mặc dù chỉ có lần ấy bà đau đớn tận trong xương tủy và biết rằng các khách hàng của mình lại có mặt ở nhà mình vào đêm trước những lễ hội linh đình để xin bà làm ơn hãy đào các chum chĩnh lên và hãy cho họ thuê những vòng ngọc chỉ trong hai mươi tư giờ theo giá thỏa thuận. Đã lâu lắm, chưa hề xảy ra hiện tượng đông khách hàng như lần ấy đến mức các chum chĩnh của bà vốn để đầy vòng vàng, dây chuyền, vòng hạt nay rỗng không để cho các bà mệnh phụ dòng dõi rút bỏ những bộ trang phục xám xịt và xuất hiện trước công chúng thật lộng lẫy với những vòng vàng, chuỗi hạt ngọc thuê của bà trong một đám cưới linh đình và rực rỡ chưa từng thấy ở cuối thế kỷ mà vinh dự tột đỉnh của nó là sự đỡ đầu của tiến sĩ Raphaen Munhôt, ba lần đắc cử Tổng thống nước Cộng hòa, là nhà triết học, nhà thơ và là tác giả bản quốc ca, theo như người ta viết trong những cuốn từ điển được biên soạn từ những ngày ấy.
Phecmina Đaxa khoác tay cha mình bước tới bàn thờ chính trong Nhà Thờ lớn. Cha cô mặc trang phục lộng lẫy mà bộ trang phục này đã mang lại cho ông vẻ ngỡ ngàng của người lần đầu được trọng thị. Cô được làm lễ chỉ một lần trong cả đời mình trước bàn thờ chính tại Nhà Thờ lớn trong một buổi lễ Misa long trọng được ba đức giáo chủ làm chủ lễ, vào lúc mười một giờ trưa ngày thứ sáu vinh quang của Thánh bà Triniđat và cô không hề có dù chỉ một ý nghĩ thương hại dành cho Phlôrêntinô Arixa, người lúc đó đang hôn mê vì sốt cao, đang sống dở chết dở vì cô, trong không khí ngột ngạt ở trên con tàu mang anh vào cõi lãng quên. Trong lúc tiến hành nghi lễ và cả sau khi làm xong lễ cưới, cô cố giữ một nụ cười mỉm dường như được định hình bởi thuốc chì cacbonat, đó là một cử chỉ không hồn mà một số người giải thích nó như một nụ cười mỉa mai của kẻ chiến thắng, nhưng thực ra nó là một biện pháp đáng thương để che đi nỗi sợ hãi của cô về cái trinh tiết của gái mới cưới chồng.
Cũng may thôi, những tình huống bất ngờ cùng với sự thông cảm của người chồng đã giúp cô vượt qua ba đêm đầu tiên của tuần trăng mật không một chút đau đớn. Đó là một điều màu nhiệm. Con tàu của Hãng Giênêran Trăngsalăngtic, với lộ trình bị đảo lộn bởi thời tiết xấu của biển Caribê, thông báo trước ba ngày nó sẽ khởi hành sớm hai mươi giờ so với giờ đã dự báo cách đây sáu tháng, vậy là nó không nhổ neo đi Rôsơn vào hôm sau ngày tổ chức đám cưới mà vào chính đêm cưới. Không một ai tin rằng sự thay đổi ấy là một bất ngờ nữa thêm vào vô số những bất ngờ tuyệt vời của đám cưới, bởi đám cưới kết thúc sau mười hai giờ đêm ngay trên con tàu vượt đại dương sáng trưng ánh đèn với sự giúp đỡ của đàn nhạc Viên chơi thử những bản nhạc mới nhất của Giôhan Strôx trên chuyến đi này. Do đó một vài bậc cha đỡ đầu người ướt đẫm rượu sâm banh đã được những bà vợ vất vả kéo từ trên tàu xuống đất liền khi bọn họ đang đi hỏi các tay bồi phục vụ ở phòng giường nằm rằng còn sẵn giường không để họ tiếp tục cuộc vui cho đến tận Pari. Những người xuống tàu cuối cùng Lôrenxô Đaxa ở trước quán căng tin tại bến cảng ngồi ngay giữa cái bộ quần áo sang trọng rách bươm. Ông gào lên mà khóc như những người Ả Rập khóc lóc thảm thiết trước thi hài người thân. Ông ngồi trong vũng nước tù đọng rất dễ lầm với một vũng nước mắt.
Những hành động thô bạo mà Phecmina Đaxa vốn sợ hãi đã không xảy ra trong đêm đầu tiên trên biển cồn sóng, cũng không xảy ra trong những đêm con tàu chạy êm ả, cũng không xảy ra trong cuộc đời vợ chồng dài lâu của cô. Đêm đầu tiên, dù con tàu lớn là vậy, dù phòng giường nằm sang trọng là vậy, vẫn là một sự lặp lại đáng sợ của những đêm trên con tàu Riôacha và chồng cô là một bác sĩ tận tụy phục vụ đã không hề ngủ lấy một phút để an ủi cô và đó là việc làm duy nhất mà một bác sĩ rất nổi tiếng biết làm để chống say sóng. Sang ngày thứ ba giông bão tan dần, và kể từ cảng Goayra trở đi, bọn họ đã ở bên nhau khá lâu và nói chuyện với nhau cũng khá nhiều đến mức họ cảm thấy quan hệ giữa họ với nhau là quan hệ giữa những người bạn thân quen từ lâu. Sang đêm thứ tư khi bọn họ khôi phục lại những thói quen thường ngày của mình, bác sĩ Huvênan Ucbinô lấy làm ngạc nhiên trước việc người vợ trẻ của ngài không cầu kinh trước khi ngủ. Cô chân thành giải thích cho ngài biết rằng sự giả dối của các nữ tu sĩ đã khêu gợi trong cô ý thức chống lại các nghi thức nhưng lòng tin của cô đối với Chúa trời vẫn nguyên vẹn và cô đã học để thầm lặng duy trì niềm tin ấy. Cô bảo: “Em thích mình tự trực tiếp hiểu lấy Chúa Trời”. Ngài hiểu những lí do của cô nêu ra từ đó mỗi người thực thi bổn phận tín ngưỡng theo cách thức của mình. Bọn họ từng quan hệ yêu nhau trong thời gian rất ngắn nhưng không được bình thường lắm theo quan niệm của thời đại, bởi vì vào các buổi chiều hàng ngày bác sĩ Huvênan Ucbinô đến nhà thăm cô không có sự giám sát của người thứ ba. Cô không cho phép ngài đụng đến người mình dù chỉ là đầu ngón tay, trước khi cha cô thay mặt Chúa ban phước lành, nhưng ngay chính bản thân ngài cũng không hề có ý định ấy. Đó là đêm đầu tiên họ đi trên con tàu chạy êm ả giữa đại dương. Họ đã lên giường nằm rồi nhưng vẫn mặc quần áo chỉnh tề, và ngài bắt đầu đưa tay mơn trớn cô, ngài sờ nhẹ nhàng với bao thận trọng đến mức cô cảm thấy nếu mặc áo ngủ lúc này là chuyện tự nhiên thôi. Cô đi vào buồng tắm để thay quần áo ngủ, nhưng trước khi vào buồng cô đã tắt đèn ở ngoài phòng giường nằm và khi ra khỏi buồng tắm cô còn lấy giẻ nhét kín các khe hở ở cánh cửa buồng tắm để trở lại giường nằm trong bóng tối tuyệt đối. Trong khi cô nằm, cô nói đùa:
– Bác sĩ muốn gì cơ. Đây là lần đầu tiên em ngủ chung với một người lạ.
Bác sĩ Huvênan Ucbinô cảm thấy cô như một con vật hoảng hốt đang trườn đến gần mình, cố ý giữ một khoảng cách có thể được giữa hai người trên một chiếc giường hẹp không thể tránh được việc hai người đụng phải nhau. Ngài nắm lấy tay cô, bàn tay giá lạnh và cứng đờ vì đang sợ hãi. Ngài luồn ngón tay mình trong các kẽ ngón tay cô và bằng một giọng thầm thì ngài kể cho cô nghe những chuyến đi vượt đại dương khác của mình. Lại một lần nữa cô hoảng hốt vì khi trở lại giường nằm cô nhận thấy ngài đã hoàn toàn trần truồng trong lúc mình ở trong buồng tắm. Chính hiện tượng này đã báo trước cho cô biết nỗi kinh hoàng của bước tiếp theo. Nhưng bước tiếp theo kéo dài hàng vài giờ bởi bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn tiếp tục nói chuyện một cách từ tốn trong lúc ngài từng bước chinh phục lòng tin của cô. Ngài nói với cô về Pari, về ái tình ở Pari, về những người yêu nhau ở Pari thường ôm hôn nhau ngay ở giữa đường phố, ngay ở trên xe ô tô buýt, ngay ở các sân hiên rực rỡ hoa tại các quán cà phê ngoài trời, bên hơi lửa ấm và bên tiếng đàn phong cầm rên rỉ trong những đêm hè và họ đứng mà làm tình với nhau ngay bên bờ sông Xen mà chẳng khiến ai phải khó chịu. Trong lúc ngài nói trong bóng tối, ngài lấy năm ngón tay khẽ mơn trớn cái đường cong nơi cổ cô, vuốt ve hai cánh tay cô mặc lụa mềm, rồi khi cảm thấy cô đã bớt căng thẳng, ngài liền thực hiện ý định đầu tiên: vén chiếc váy ngủ lên thì cô gái với cú hất tay rất đặc trưng cho tính cách của mình, đã kịp ngăn ngài lại. Cô bảo: “Em biết làm lấy một mình”. Cô cởi chiếc váy ngủ ra, sau đó cô nằm im phăng phắc đến mức bác sĩ Huvênan Ucbinô tưởng rằng cô không nằm ở đấy nữa.
Một lúc sau ngài lại nắm bàn tay cô và thế là ngài cảm thấy lúc này cô dịu dàng và ấm nóng trở lại nhưng vẫn ấm một thứ hơi dịu nhẹ. Cả hai người đều nằm yên và không nói năng gì trong một lúc nữa. Ngài đang cẩn thận quan sát để chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo còn cô gái đang chờ đợi mà không biết nó sẽ bắt đầu từ đâu trong khi bóng tối cũng ngày càng trải rộng ra cùng với hơi thở của cô càng ngày càng mạnh thêm. Bỗng ngài buông bàn tay cô ra và ngài nhảy vào cõi hư không: ngài nhấp giọng một ngụm rượu ngon rồi ngài mân mê núm vú cô thế là cô gái cảm thấy mình đột ngột bị rơi hẫng xuống tựa như có luồng điện mạnh chạm phải người mình. Cô sung sướng vì mình đang ở trong bóng tối chứ nếu không thì ngài nhìn rõ cái màu máu đỏ lựng nóng rực đang chạy khắp người khiến cô bủn rủn đến tận các dây thần kinh. “Bình tĩnh – ngài nói với cô cũng vẻ rất bình tĩnh. – Em đừng quên rằng anh hiểu hết”. Ngài cảm thấy cô mỉm cười, cảm thấy tiếng nói của cô ngọt ngào và mới mẻ trong bóng tối.
– Em nhớ rất tốt, – cô nói – và cơn giận vẫn chưa đến với em.
Thế là ngài biết rằng niềm tin giữa hai người đã nhân lên gấp đôi và ngài nắm lấy bàn tay to và mềm mại của cô đặt lên nó những chiếc hôn khao khát. Thoạt đầu trên mu bàn tay, sau đó là các ngón tay sạch bong, các móng tay sáng bóng, và cuối cùng là lòng bàn tay chi chít những đường chỉ ghi rõ số phận cô. Cô không biết làm sao tay mình lại ở trên ngực ngài và bàn tay ấy chạm phải một vật gì đó vốn cô không hiểu. Ngài bảo cô: “Đó là dải quàng vai của con chiên đấy”. Cô mân mê lông ngực ngài, sau đó cô dùng năm đầu ngón tay định nhổ cả đám lông ngực. “Nhổ mạnh vào em!”. Ngài bảo thế. Cô nhổ thật mạnh cho đến khi cô biết rằng ngài không hề cảm thấy đau đớn, rồi sau đó bàn tay cô chính là kẻ đi tìm bàn tay ngài ẩn trong bóng tối. Nhưng ngài không để cho cô đan kẽ ngón tay cô với ngón tay mình mà trái lại, ngài nắm lấy cổ tay cô và với một sức mạnh vô hình nhưng được hướng đạo rất tốt ngài ấn sâu bàn tay cô trườn theo cơ thể mình xuống dưới cho đến khi cô cảm nhận được hơi ấm nóng của con vật đang sống, một con vật không hình thù rõ rệt, nhưng đang khao khát và thượng cứng lên. Ngược lại với điều ngài tưởng và cũng ngược lại với chính điều cô nghĩ, cô không rụt bàn tay về và cũng chẳng chịu để nó yên ở nơi ngài đặt nó vào, mà ngược lại, cô đã hiến dâng toàn bộ sức lực và tâm hồn của mình cho Thánh bà Đồng Trinh, nghiến răng lại chịu đựng bởi chính nỗi lo ngài sẽ cười mình quá điên loạn, và bằng xúc giác cô bắt đầu tìm hiểu cái kẻ địch đang ngỏng lên, để mà biết được độ to nhỏ của nó, biết được sức mạnh của thân nó, biết được bề rộng những đôi cánh nó. Cô sống trong cảm giác vừa ngỡ ngàng trước những quyết tâm của mình vừa thương hại cho nỗi cô đơn của mình mà biến cái con vật ấy thành của mình với một sự tò mò tế nhị mà một người ít kinh nghiệm hơn chồng cô sẽ nhầm lẫn nó với những cú mơn trớn. Ngài phải lấy hết sức bình sinh để ghìm lại cảm giác đê mê cho đến khi cô, bằng cử chỉ duyên dáng thơ ngây ném nó đi như thể vào sọt rác.
– Chưa bao giờ em hiểu được cái bộ máy này như thế nào. – cô nói.
Thế là phương pháp tuyệt vời của mình, ngài nghiêm chỉnh giảng giải cho cô biết về bộ máy ấy trong lúc ngài cầm lấy tay cô chỉ vào những chỗ ngài đề cập tới và cô cứ ngoan ngoãn vâng lời như một nữ sinh chăm học. Trong giây phút ấy ngài năn nỉ rằng nếu có ánh đèn thì mọi lí thuyết ngài giảng đều rất dễ hiểu. Ngài định đi thắp đèn nhưng cô nắm lấy cánh tay ngài ngăn lại mà nói rằng: “Với hai bàn tay em nhìn thấy rõ hơn”. Thực tình cô cũng muốn thắp đèn nhưng cô muốn tự mình thắp lấy chứ chẳng cần một ai phải bảo mình. Trong ánh đèn mới thắp lại, ngài nhìn thấy cô trong tư thế bào thai và hơn thế nữa còn đắp ga trải giường. Nhưng ngài nhìn thấy cô lại một lần nữa bình tĩnh nắm lấy cái con vật mà cô thèm thuồng rồi lật nó hết sang trái lại sang phải, nhìn ngắm nó với một sự thích thú ngày càng lộ rõ hơn là ý thức tìm hiểu khoa học, và để kết luận cô nói: “Ôi sao mà nó xấu thế, xấu hơn cả cái của phụ nữ”. Ngài đồng ý với cô, ngài còn chỉ cho cô biết thêm những khuyết tật còn nghiêm trọng hơn cái hình thù xấu xí của nó. Ngài nói: “Nó tựa như thằng con cả mà những người khác cả một đời làm lụng vất vả vì nó, hi sinh tất cả cho nó nhưng khi đến giờ cần thiết phải quyết định thì nó chỉ làm cái nó thích”. Cô vẫn tiếp tục xem xét con vật ấy, luôn miệng hỏi cái này để làm gì, cái kia để làm gì và khi cô thấy mình đã hiểu biết đầy đủ rồi thì cô lấy hai bàn tay nâng nâng nó lên để xem nó nặng hay nhẹ, rồi cô để nó nằm xuống trong cử chỉ khinh rẻ.
– Hơn nữa em nghĩ rằng anh có quá nhiều cái thừa, – cô nói.
Ngài đâm ra lúng túng. Dự án ban đầu làm luận văn tốt nghiệp của ngài là sự phù hợp của việc đơn giản hóa tổ chức con người. Ngài cảm thấy nó cũ rồi với rất nhiều chức năng vô bổ hoặc lắp đi lắp lại mà không thể cắt bỏ đi được đối với một số lứa tuổi khác của giống người nhưng lại có thể cắt đi đối với lứa tuổi của chúng ta. Đúng thế: có thể đơn giản hơn và vì vậy có thể nhỏ đi hơn. Ngài kết luận: “Đó là cái mà chỉ có Thượng đế mới sáng tạo ra được, dĩ nhiên rồi, nhưng tốt hơn hết là hãy để chúng được thiết lập trong hệ thống các khái niệm khoa học”. Cô cười thích thú, rất tự nhiên thoải mái đến mức ngài lợi dụng cơ hội ấy để ôm lấy cô vài lần đầu tiên hôn lên miệng cô. Cô hào hứng đáp lại ngài và thế là ngài hôn lên má, lên mũi rồi hôn lên mi mắt cô trong lúc luồn tay vào trong tấm ga cô đắp để mơn trớn bộ mông tròn và mượt mà ở hạ bộ: một bộ lông kiểu Nhật Bản. Cô không gạt tay ngài đi nhưng vẫn cảnh giác giữ nguyên bàn tay mình cạnh đó phòng khi ngài tiến thêm một bước nữa.
– Ứ ừ, chúng mình nên chấm dứt bài học y khoa ở đây thôi, – cô nói.
– Được thôi, – ngài nói. – Lần này sẽ là bài học tình yêu em ạ.
Thế là ngài lột bỏ tấm ga cô đắp và cô không những không kháng cự mà còn lấy chân hất nó đi rõ xa khỏi giường nằm vì bản thân cô cũng không chịu được không khí nóng bức lúc ấy. Tấm thân ngọc ngà của cô uốn lượn và uyển chuyển, còn nghiêm chỉnh hơn cả khi cô mặc váy áo, nó tỏa ra một mùi hương của con vật hoang dã cho phép phân biệt cô với tất cả các phụ nữ khác của cõi thế tục này. Bị lột trần ra giữa ánh sáng chói lòa, mặt cô đỏ bừng và việc duy nhất cần phải làm để có thể che khuất mặt đi là cứ ôm miết lấy cổ chồng mà hôn say mê, hôn rõ mạnh cho đến khi sức cô kiệt đi trong những chiếc hôn nồng nàn.
Ngài có ý thức rõ ràng mình không yêu cô, ngài cưới cô là vì ngài thích tính kiêu hãnh của cô, thích tính nghiêm trang của cô, thích sức khỏe của cô và đồng thời một phần nữa cũng vì tính thích khoe khoang của ngài. Nhưng trong lúc đầu tiên ngài được cô hôn những chiếc hôn nồng nàn thì ngài biết chắc chắn rằng sẽ không có một trở lực nào ngăn cản ngài tạo ra một tình yêu tốt đẹp giữa hai người. Trong cái đêm đầu tiên họ nói vô số chuyện nhưng cả hai không hề nói chuyện tình yêu của mình và cũng chẳng bao giờ họ nói đến tình yêu. Nhưng trong suốt cuộc đời vợ chồng dài lâu của họ không một ai trong hai người bị nhầm lẫn.
Vào lúc trời rạng sáng, khi hai người còn đang ngủ, cô vẫn là con gái trinh nhưng chẳng bao lâu nữa cô sẽ bị mất trinh. Quả nhiên là như vậy: đêm hôm sau, sau khi ngài dạy cô nhảy những điệu van do dàn nhạc Viên đệm đàn dưới bầu trời rực rỡ sao ở biển Caribê, ngài phải vào buồng tắm và lúc trở ra phòng ngủ ngài đã thấy cô khỏa thân nằm trên giường đợi mình. Lúc ấy cô là người mở đầu và hiến thân cho ngài không sợ sệt, không đau khổ, với niềm vui của một chuyến mạo hiểm đầy thú vị giữa biển khơi, với một bông hồng danh dự để lại trên tấm ga giường quý giá hơn nhiều so với những dấu ấn nghi lễ đẫm máu khác. Như một phép màu hai người làm tình với nhau đều thỏa mãn và họ tiếp tục làm tình cả về ban đêm lẫn ban ngày và ngày càng thành thạo hơn trong suốt cả chuyến đi, và khi tàu đến cảng La Rôsen thì họ đã hiểu nhau như những người bạn cố tri.
Họ ở lại châu Âu mười sáu tháng. Lấy thủ đô Pari làm căn cứ, họ du chơi một thời gian ngắn ở các nước láng giềng. Trong thời gian sống ở châu Âu ngày nào họ cũng ngủ với nhau và trong những ngày chủ nhật mùa đông họ ngủ với nhau nhiều lần hơn, họ cứ nằm trên giường mơn trớn nhau không chán cho đến tận giờ ăn trưa. Ngài là một người đàn ông rất hăng hái và lại được rèn luyện tốt và cô lại là người chẳng chịu để ai hơn mình, do đó, trên giường họ là đôi địch thủ cân sức cân tài. Sau ba tháng sống trong tình yêu nồng nàn, ngài biết rằng một trong hai người bị bệnh vô sinh và thế là cả hai cùng đi khám ở bệnh viện Xanpêtriơ và ngài phải vào nằm điều trị cũng ngay ở bệnh viện này. Đó là một sự lo lắng quá sớm mà không cần thiết. Nhưng đã xảy ra điều kì lạ khi mà họ ít đợi chờ nhất và không cần tới sự can dự của khoa học. Cuối năm sau, khi họ trở về nhà, Phecmina Đaxa đã có thai sáu tháng và cô cứ tưởng mình là người đàn bà hạnh phúc nhất trần gian. Đứa con trai, mà cả hai người đều háo hức chờ đón, chào đời một cách bình thường với số mạng nằm trong cung Bảo Bình, được đặt tên trong danh thơm của người ông nội chết vì dịch tả.
Thật khá lòng biết được rằng châu Âu hay tình yêu đã làm cho họ thay đổi hẳn bởi vì cả hai sự kiện này cùng xảy ra một lúc. Hai người đã thay đổi hoàn toàn, thay đổi một cách căn bản, không chỉ với riêng họ mà ngay cả với bàn dân thiên hạ như Phlôrêntinô Arixa nhận ra điều đó ngay trong ngày chủ nhật buồn của anh khi họ từ trong Nhà Thờ lớn sau buổi lễ Misa bước ra. Họ trở về mang theo những quan niệm sống khác hẳn, mang theo cả những cái mới lạ của thế giới và sẵn sàng lao vào cuộc sống. Ngài mang về những tinh hoa của văn chương, của âm nhạc và trước hết là của nghề nghiệp. Ngài mang về tờ hóa đơn đặt mua báo Lơ Phigarô để khỏi lạc hậu với cuộc sống, tờ hóa đơn đặt mua tạp chí Hai thế giới để khỏi lạc hậu với tình hình thơ ca. Ngoài ra ngài còn giao kèo với một tay chủ cửa hàng sách ở Pari để ông ta gửi cho mình những tác phẩm của các tác giả được đọc nhiều nhất, trong số đó có Anatôn Phrăng và Ptơrơ Lôti, các tác phẩm của các tác giả mà ngài yêu thích nhất, trong số đó có Rơmy đơ Gurmông và Pôn Bucgiơ nhưng tuyệt đối không gửi tác phẩm của Êmin Dôla mà theo ngài đó là tác giả khó chịu nhất, dù cho ông ta đã dũng cảm đoạn tuyệt với quan điểm của Đrâyphuyt. Chính người chủ hiệu sách ấy đã hứa với ngài rằng sẽ gửi qua bưu điện cho ngài những nhạc phẩm hay nhất, quyến rũ nhất trong mục lục của Ricordi, nhất là các bản nhạc nhẹ để ngài duy trì danh hiệu “Người đầu tiên gây dựng âm nhạc giao hưởng trong thành phố” mà cha ngài giành được.