Phecmina Đaxa, vì lúc nào cũng ăn mặc trái với những mốt quần áo đang thịnh thời, đã mang về sáu hòm đựng chặt căng quần áo cho mọi mùa, bởi vì cô không thích những bộ quần áo được quảng cáo ầm ĩ. Cô từng có mặt tại vườn Tuynlơri vào giữa thời kì mùa đông để tham dự cuộc trưng bày các kiểu quần áo của Wort, một hãng may mặc nổi tiếng nhất, nhưng cái mà cô chọn được là một trận cảm cúm phải nằm năm ngày liền trên giường. Hãng may mặc Laphơriơ đối với cô có phần khiêm tốn dễ chịu hơn trong các hàng hóa được trưng bày nhưng sự hiểu biết thông tuệ của cô lại hướng tới những thứ hàng được bày bán ở các cửa hiệu bán giá hạ hơn, cho dù chồng cô kinh hãi mà thề rằng đó là thứ quần áo của người chết. Tương tự như vậy, cô tha về số lượng lớn giày Ý không có nhãn hiệu để rồi có thể thay vào đó bằng cái tên Phêry, mang về một chiếc ô của hãng Đuypuy, một chiếc ô đỏ như màu lửa nơi địa ngục, từng hiến đề tài để viết báo cho các kí giả xã hội hay sợ sệt của chúng ta. Cô chỉ mua một chiếc mũ của cửa hiệu Bà Rơbut, trái lại cô nhét nhặt cả một hòm những cành hoa anh đào nhân tạo, những cành hoa nỉ của đủ loại hoa quen thuộc với cô, chiếc mũ lông chim đà điểu, chiếc mũ lông chim công, lông đuôi gà vùng châu Á, bộ lông chim cun cút nguyên vẹn, chim ruồi, và cả một bộ sưu tập cơ man loại chim lạ được nhồi trong các tư thế: đang bay, đang hót, đang đau khổ, những thứ này đã giúp cô rất đắc lực suốt hai mươi năm gần đây trong việc cô làm cho những chiếc lá mũ của mình luôn luôn lạ kiểu, luôn luôn mới, dường như là vừa mới sắm xong. Cô tha cả một bộ sưu tập các loại quạt của nhiều nước khác nhau trên thế giới, mỗi chiếc đều khác nhau về hình thức, kiểu cách và cách sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Cô còn mang về một lọ nước hoa thơm nồng được chọn trong số rất nhiều loại nước hoa bày bán trong cửa hàng mĩ phẩm Bada đơ la Salitê nhưng cô chỉ dùng nó độc một lần thôi vì khi thay đổi nước hoa chính cô cũng không nhận ra mình. Cô cũng mang về một đồ trang sức vốn là thứ tân kì nhất trong chợ bán các thứ hàng đầy hấp dẫn và cô là người phụ nữ đầu tiên mang nó đến các cuộc vui, khi mỗi cử động va phải nó trong đám đông đều bị coi là vô văn hóa.
Ngoài ra cô còn mang theo mình ba kỉ niệm không thể quên được: buổi trình diễn không tiền khoáng hậu của Truyện ngắn Hôpman ngay tại thủ đô Pari, đám cháy kinh người của hầu hết những chiếc thuyền đi lại trên các kênh mương ở Vênêxia được trưng bày ở trước quảng trường Thánh Maccôt mà họ đứng ở cửa sổ khách sạn ngắm nhìn đám cháy với trái tim đau thắt, và hình ảnh thoáng qua của Ôxca Uyndơ trong đợt bão tuyết đầu tiên của tháng giêng. Nhưng trong hoàn cảnh những kỉ niệm ấy và vô vàn những kỉ niệm khác, bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn giữ tươi mới một kỉ niệm mà ngài luôn luôn ca thán chưa được chia sẻ với người vợ của mình bởi vì cái kỉ niệm ấy đến từ những ngày ngài còn là một sinh viên chưa vợ đang theo học ở Pari. Đó là kỉ niệm về Victo Huygô. Ngài đã hưởng danh tiếng từng kích động lòng người bên cạnh những cuốn sách của nhà thơ, bởi vì có người nói rằng, mặc dù trên thực tế chưa một ai nghe thấy điều đó, ông nói “Hiến pháp của chúng ta là Hiến pháp không phải cho một đất nước những con người mà cho một đất nước các thiên thần”. Kể từ dạo ấy ông được người ta tôn thờ một cách đặc biệt, và phần lớn đồng bào ngài du chơi sang Pháp đều náo nức muốn gặp ông tới mức mất ăn mất ngủ. Một nửa tá sinh viên, trong số đó có Huvênan Ucbinô đã đứng đợi trong một thời gian trước cửa ngôi nhà ông trên đại lộ Êvicô, và đứng đợi ông tại các quán cà phê ông sẽ phải đến theo như người ta nói nhưng ông đã không bao giờ đến, rồi cuối cùng họ cùng viết một bức thư, nhân danh các thiên thần của Hiến pháp vùng Riônêgrô, xin gặp riêng ông. Chẳng bao giờ họ nhận được thư trả lời của ông. Có một ngày nào đó, Huvênan Ucbinô đi dạo ở công viên Lucxămbua đã bỗng nhiên nhìn thấy ông khoác tay một phụ nữ trẻ từ trong Lầu Thượng nghị viện bước ra. Ngài thấy ông rất già, nặng nhọc cất bước đi với bộ tóc và hàm râu không được bảnh bao như trong bức ảnh của ông, và ông mặc một chiếc áo khoác rộng thùng thình dường như mượn của người khác. Ngài không muốn làm thương tổn kí ức đẹp của mình về ông bằng một lời chào không đúng lúc. Ngài lấy làm bằng lòng chỉ với hình ảnh hầu như không có thực mà có lẽ ngài đã dành cho cuộc đời mình. Ngài đã có vợ. Ngài trở lại Pari trong điều kiện có thể đến thăm chính thức ông, Victo Huygô đã qua đời rồi.
Như một niềm an ủi, Huvênan Ucbinô và Phecmina Đaxa cùng mang niệm chung về một buổi chiều tuyết rơi. Đó là buổi chiều cả hai cùng tò mò không hiểu vì sao có một đám đông bất chấp trời rét dữ đang đứng trước một cửa hiệu sách ở đại lộ Capuchinô. Ôxca Uyndơ đang ở trong đó. Họ đợi cho đến khi Ôxca Uyndơ bước ra rất đỏm dáng và đám đông liền vây lấy ông xin chữ kí vào các cuốn sách. Bác sĩ Huvênan Ucbinô dừng lại chỉ để xem ông ta nhưng bà vợ hiếu động của ngài lại muốn chạy sang đường để xin ông ta kí vào vật duy nhất bà mang theo lúc ấy: chiếc tất chân. Nó dài, mịn, mềm mại, cùng màu với nước da mới cưới chồng của mình. Phecmina Đaxa rất vững tin rằng một người đàn ông lịch duyệt như chồng mình ắt hẳn sẽ tán thưởng hành động của mình. Nhưng người chồng đã kiên quyết phản đối, và khi cô định làm theo ý định bất chấp lí lẽ của chồng thì ngài cảm thấy mình không thể sống nổi trước nỗi hổ thẹn này.
– Nếu em cứ một mực vượt qua đại lộ, – ngài nói. – Khi trở lại tới đây em sẽ thấy anh đã chết rồi.
Đó là một việc rất đỗi ngạc nhiên trong cô. Trước khi cưới chồng một năm, Phecmina Đaxa hoạt động khắp nơi với những tính tình hoạt bát của cô từng có từ hồi nhỏ khi sống ở tỉnh Xăng Hoan đê la Xiênaga, như thể cô sinh ra là đã biết làm điều đó rồi, với sự linh lợi trong đối xử với những người từng khiến người chồng phải ngạc nhiên và với một tài năng kì bí để hiểu bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha với bất kì ai và bất kì nơi nào. “Cần phải hiểu ngôn ngữ khi một người nào đó định đi bán thứ gì, – cô cười chế nhạo, nói vậy – nhưng khi người đó đi mua, cả thiên hạ đều hiểu anh ta thế nào cũng được”. Thật khó mà tưởng tượng ra một người từng hòa rất nhanh và ồn ĩ quá mức vào cuộc sống thường nhật của Pari đến đọ đã học để chỉ yêu trong kí ức bất chấp những trận mưa dài lê thê của nó. Tuy nhiên, khi trở về nhà, lòng nặng trĩu những kinh nghiệm cùng chia sẻ, mệt mỏi vì du chơi nhiều, ngái ngủ vì đang mang thai trong bụng, điều đầu tiên người ta hỏi cô tại bến cảng là câu hỏi vợ chồng họ cảm thấy thế nào trước những điều kì diệu của Pari, và cô gói gọn mười sáu tháng hạnh phúc trong bốn từ của ngôn ngữ người vùng Caribê:
– Quá ư ồn ào.
Cái ngày Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy Phecmina Đaxa ngay ở cửa ra vào Nhà Thờ lớn, có thai sáu tháng, rất tự nhiên trong tư thế mới của mình: một thiếu phụ quyền thế và sang trọng, chính là ngày anh quyết chí phấn đấu bằng được để trở thành một người giàu có và nổi tiếng ngõ hầu xứng đáng với cô. Anh không hề nghĩ đến tình thế bất lợi lúc ấy: Cô đã là gái có chồng, bởi vì anh quyết định rằng bác sĩ Huvênan Ucbinô phải chết, cứ như thể việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân anh. Dù không biết cái chết ấy sẽ xảy ra khi nào và như thế nào, nhưng anh đã dự tính nó như là một sự kiện không thể nào tránh được và do đó anh sẵn sàng chờ đợi, chờ đợi một cách thật bình tĩnh không hề nông nóng, không hề náo nức, dẫu có phải đợi chờ cho đến cuối thế kỷ cũng cam lòng.
Anh bắt đầu từ đầu. Không hề báo trước, anh đến văn phòng của ông chú Lêông XII, chủ tịch Ban lãnh đạo và Tổng giám đốc Hãng Tàu thủy Caribê và anh bày tỏ lòng quyết tâm phục vụ trong hãng của ông chú mình. Ông chú Lêông XII còn đang rầu lòng về việc anh tự ý bỏ chân điện báo viên ở làng Lâyva nhưng ông đã nguôi phần nào vì nghĩ rằng con người sinh ra không phải bao giờ cũng vào đúng cái ngày cha mẹ mong muốn mà cuộc đời từng nhiều lần buộc nó phải tự sinh ra nó, phần vì Đôn[50] nể bà quả phụ của người anh ruột đã chết từ năm trước, chết mà vẫn còn hận và chẳng để lại của cải thừa tự gì cả. Vậy là ông chú cho thằng cháu lêu lổng vào làm việc trong hãng của mình.
[50]: Ngài
Đó là quyết định độc đáo của riêng Đôn Lêông XII Lôayxa. Bên trong cái vỏ ngoài của nhà buôn không tâm hồn, có tiềm ẩn một niềm vui độc đáo từng làm nẩy sinh một dòng nước mát ở vùng hoang mạc Goahira, cái dòng suối từng nhấn chìm một đám tang long trọng trong tiếng khóc trước tiếng hát đau thương của Đôn qua bài in questatomba oscura[51]. Với mái tóc quăn xoắn tít lại và đôi môi dày bì bì của mình, Đôn chỉ còn thiếu cây đàn lia và chiếc miện vòng nguyệt quế để trở thành người giống hệt Nêrông, kẻ gây nên đám cháy trong kho huyền thoại Kitô giáo. Sau khi lo việc quản lí những chiếc tàu ọp ẹp mà lúc này vẫn còn nổi được chỉ là nhờ sự lãng quên của nỗi bất hạnh và giải quyết những vấn đề ngày càng gây cấn của việc giao thông đường thủy, Đôn dành hết thời gian còn lại để làm phong phú thêm tập thơ trữ tình của mình. Đôn chỉ thích đi hát trong các đám tang. Đôn có giọng hát của một người chèo thuyền, nó tự nhiên chứ không theo các qui tắc sư phạm gì hết, nhưng lại có sức mạnh làm rung động lòng người. Có ai đó đã kể với Đôn rằng Enhricô Caruxô, chỉ đơn thuần bằng giọng hát đã có thể làm vỡ các lọ hoa thành từng mảnh vụn và thế là Đôn cố bắt chước ông ta trong nhiều năm liền, định với tiếng hát sẽ làm vỡ tan kính cửa sổ. Các bạn bè của Đôn mang về cho Đôn những bình hoa thủy tinh mỏng ở khắp nơi họ đặt chân đến và tổ chức các cuộc vui đặc biệt để Đôn thực hiện ước mơ từng ấp ủ lâu ngày. Chẳng bao giờ Đôn làm được. Tuy nhiên, trong miền sâu thẳm của tiếng hát rền vang như sấm động của Đôn như một thứ ánh sáng mềm mại từng làm rạn nứt trái tim những người nghe, nó cũng tựa như những bình thủy tinh của Carusô trứ danh, và điều này đã khiến Đôn trở thành người rất được kính trọng trong các đám tang. Chỉ trừ một trường hợp duy nhất mà thôi, ấy là lần Đôn bị tay giáo sĩ vốn không thể nào chịu nổi sự tuyên truyền học thuyết Luyte ngay trong nhà thờ của mình đã buộc Đôn phải câm họng khi Đôn có ý định tốt đẹp sẽ hát bài When Wake up in Glory[52], một tang khúc xứ Luixiana, một tang khúc lời hát rất hay và cảm động.
[51]: Trong mồ tối.
[52]: Khi tỉnh giấc ở Glory
Vậy là, giữa những thú vui đặc biệt đối với nhạc kịch và nhạc giao hưởng xứ Napolit, tài năng sáng tạo và tinh thần kinh doanh bất chấp chiến thắng của Đôn trở thành yếu nhân của hãng tàu thủy trong thời huy hoàng nhất của nó. Từ tay không mà Đôn làm nên như hai người anh quá cố của Đôn và cả ba anh em nhà này đều thành đạt như ý nguyện mặc dù họ đều là con hoang và đều chịu chung một kết cục như nhau là chẳng bao giờ được bên họ nội thừa nhận. Ba anh em họ đều là tinh hoa của cái mà lúc ấy được mệnh danh là giới quý tộc của quầy bán hàng, mà lễ đường của họ là Câu lạc bộ Thương nghiệp. Tuy nhiên ngay cả khi Đôn thu xếp phương tiện vật chất để sống như một Hoàng đế La Mã vì Đôn rất giống ngài, ông chú Lêông XII sống tại thành phố cổ cho tiện công việc cùng với vợ và ba người con, theo một cung cách rất đúng đắn trong một ngôi nhà giản dị ấy thế mà cũng chẳng bao giờ Đôn thoát được danh tiếng xấu về một anh giàu mà keo kiệt. Nhưng cái vẻ lộng lẫy duy nhất của ngôi nhà vẫn là tính giản dị: một ngôi nhà của ngư dân cách nơi làm việc chừng hai dặm đường, đồ nội thất chẳng có gì ngoài sáu chiếc ghế, một cái chum nước, một chiếc võng mắc ngoài hiên để Đôn nằm nghỉ mỗi chủ nhật. Không một ai có thể định nghĩa về Đôn chính xác bằng Đôn khi có ai đó bảo Đôn là một người giàu có.
– Tôi không phải là người giàu có, – Đôn nói: – Tôi là một người nghèo nhưng có tiền. Hai loại người đó vốn không phải là một.
Cái phong cách sống lạ lẫm ấy trong vài lần từng được một số người ca ngợi trong một bài diễn văn coi nó là một sự điên dại thông thái, đã cho phép Đôn nhìn ra ngay cái mà không một ai từng nhìn thấy trước và cả sau này tiềm ẩn trong con người Phlôrêntinô Arixa. Kể từ ngày anh đến văn phòng với vẻ buồn rười rượi và một cuộc đời hai mươi tuổi vẫn chưa đâu vào đâu để xin vào làm việc trong hãng tàu thủy, chú Piô XII đã thử thách anh bằng một chế độ làm việc hà khắc nơi trại lính đủ sức đánh gục những kẻ ương ngạnh nhất. Nhưng Đôn đã không thể làm cho anh phải khiếp sợ. Điều mà chẳng bao giờ ông chú Piô XII nghi ngờ là tính cách ấy của người cháu không nảy sinh từ sự cần thiết phải tồn tại, cũng chẳng nảy sinh từ tính cách bốc trời của người cha để lại, mà nảy sinh từ một khát vọng tình yêu mà không một trở lực nào của cõi đời hoặc cõi thần có thể bẻ gãy được.
Những năm đầu tiên là những năm khốn khổ nhất khi người ta giao cho anh chức thư kí của Văn phòng Tổng hợp, một chức vụ xem ra đã được cân nhắc cẩn thận để chỉ giao cho anh thôi. Lôtariô Tugut, người thầy dạy nhạc cũ của ông chú Piô XII, là người đã khuyên Đôn rằng hãy trao cho người cháu công việc viết lách nơi bàn giấy vì anh ta là một người say mê văn chương nhất trần đời đến mức đọc sách không hề biết mệt mỏi, không hề phân biệt văn hay hay văn dở. Ông chú Piô XII không nghe theo sự đánh giá về người cháu trong cách đọc sách nghiến ngấu ấy vì Lôtariô Tugut cũng đã nhận xét về Đôn rằng Đôn là một học trò kém cỏi nhưng tiếng hát của Đôn từng khiến bia mộ chí trong nghĩa địa cũng phải khóc thét lên. Dù sao chăng nữa, ông người Đức này cũng có lí ở cái phần ít nghĩ đến nhất và đó là việc Phlôrêntinô Arixa viết bất cứ đề tài gì cũng viết với tất cả nỗi đam mê của lòng mình đến mức ngay các tài liệu chính thức cũng đều nhuốm màu sắc ái tình. Các bản kê khai hàng hóa trên tàu đệ trình lên sở hải quan vẫn được viết với một lối văn chương rất vần điệu mặc dù anh đã cố gắng hết sức để tránh lối văn này; những bức thư giao dịch thương mại vì vẫn mang âm hưởng trữ tình nên thiếu hẳn tính chất nghiêm túc. Ông chú Piô XII phải đích thân đến văn phòng mang theo cả xấp công văn dày cộp không đúng quy chuẩn nên không thể kí tên vào được trả lại cho anh và Đôn tạo cho anh dịp thuận lợi cuối cùng để mà hối cải:
– Nếu cháu không đủ khả năng viết một bức thư giao dịch thương mại thì cháu đi quét rác ở ngoài bến cảng. – Đôn nói với anh.
Phlôrêntinô Arixa chấp nhận lời đe dọa ấy. Anh phấn đấu hết sức mình để học cho được lối viết giản dị thiết thực của văn xuôi thương mại bằng cách mô phỏng các mẫu được lưu trữ trong kho chứng thư với một tinh thần miệt mài như trước đây anh từng bắt chước các nhà thơ thời thượng. Đó là thời kì anh đến phố Lôt Excribanôt để tiêu khiển những giờ nhàn rỗi, để giúp các tay đang yêu không biết chữ viết những lá thư tình có tẩm hương, nhờ đó anh tự làm dịu nhẹ trái tim đầy ắp những từ ngữ yêu đương chưa được dùng tới trong các bảng kê khai đệ trình lên sở hải quan. Sáu tháng sau, dù phải trăn trở nhiều, anh vẫn không thể vặn được cổ con thiên nga bướng bỉnh của mình. Vậy là khi ông chú Piô XII lần thứ hai vẫn thấy anh chứng nào tật ấy, Phlôrêntinô Arixa đành phải thú nhận sự bất lực của mình nhưng anh thú nhận với lòng kiêu hãnh:
– Thưa chú, điều duy nhất mà cháu thích là tình yêu, – anh nói.
– Cháu ạ, điều tệ hại là ở chỗ nếu không kinh doanh tàu thủy thì không có tình yêu.
Để thực hiện lời đe dọa của mình, Đôn Lêông XII cho anh đi quét rác ở ngoài cảng, nhưng Đôn hứa với anh rằng sẽ từng bước nâng bậc lương cho tới khi nào xứng đáng với năng lực của anh. Đôn đã thực hiện đúng như thế. Không một công việc nào, dù vất vả hay hèn kém đến đâu chăng nữa có thể khuất phục nổi anh, không một đồng lương thấp kém nào có thể làm mất đạo đức của anh và về phần mình không một phút giây nào anh không thể hiện thái độ kiêu hãnh vốn có của mình trước thái độ xấc xược của những người cai quản anh trong công việc. Nhưng cũng không lúc nào anh lại ngây ngô cả: kẻ nào dám phá ngang con đường anh đi thì sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả của một quyết định rất tàn bạo đủ khả năng làm mọi chuyện nấp sau diện mạo thiểu não của anh. Như điều ông chú Lêông XII từng nhìn thấy trước và mong muốn anh nắm được tất cả mọi việc trong suốt ba mươi năm đầy say sưa và kiên quyết. Anh đã làm mọi việc với một khả năng tuyệt vời đáng khâm phục nhờ nghiêm chỉnh nghiên cứu kĩ lưỡng mọi chi tiết trong mớ bòng bong của công việc kinh doanh, một công việc phức tạp có thể so sánh với các phức tạp của nghề làm thơ. Nhưng không bao giờ anh giành được tấm huân chương chiến công mà ông chú hằng mong ước ở anh, đó là việc viết một bức thư thương mại được chấp nhận, chỉ một mà thôi. Không hề có ý định và cũng chẳng hề biết nữa, bằng cuộc đời mình anh đã chứng tỏ chân lí của mình, cho đến hơi thở cuối cùng vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng không ai có tinh thần thực tiễn hơn, không một người thợ đẽo đá nào cần mẫn hơn và cũng không một người quản lí nào lại thông minh và đáng sợ hơn các nhà thơ. Điều đó chí ít ra cũng là điều ông chú Lêông XII kể lại cho anh nghe. Đôn vốn là người chỉ nói về cha anh vào những lúc tâm hồn Đôn thanh thản và là người vẫn giữ ý niệm cho rằng cha anh là một kẻ mơ mộng hão huyền hơn một nhà kinh doanh.
Đôn kể cho anh biết rằng Piô Kinhtô Lôayxa biến các văn phòng làm việc thành nơi vui chơi hơn là nơi làm việc và bao giờ ông cũng thu xếp các công việc để vắng nhà vào ngày chủ nhật với lí do: đón hoặc tiễn một con tàu. Hơn thế nữa ông còn ra lệnh dựng một nồi hơi ngay trong sân các cửa hàng. Một nồi hơi chẳng để làm gì nhưng lại có cả một chiếc còi tàu và khi bà vợ nghi ngờ thì ông bảo một ai đó kéo cho nó lên y hệt tiếng còi tàu ở ngoài cảng. Do để ý suy nghĩ, ông chú Lêông XII tin chắc rằng Phlôrêntinô Arixa được hoài thai ngay trên một chiếc bàn viết trong một văn phòng nào đó được cửa kín đáo và một buổi chiều chủ nhật oi bức giữa lúc ở nhà mình bà vợ của cha anh nghe thấy tiếng còi tiễn biệt của một chiếc tàu chẳng bao giờ rời bến cảng. Khi bà vợ biết chuyện thì đã muộn để buộc ông phải thú tội vì ông đã chết rồi. Bà sống thêm rất nhiều năm, tàn tạ trong đau khổ vì không có con trai nỗi dõi, nhưng lại nguyền rủa đứa con hoang trước Thượng đế.
Hình ảnh người cha khiến Phlôrêntinô Arixa phải suy nghĩ lao lung. Mẹ anh nói về ông như một con người chứ tuyệt không có năng khiếu kinh doanh thương mại nhưng cuối cùng đã kết thúc đời mình trong các công việc kinh doanh đường sông vì người anh cả của ông từng là người cộng sự thân cận vị thuyền trưởng kì cựu nhất người Đức tên là Hoan B.Ơnbơc, người phụ trách trước của nghề hàng hải. Họ đều là con hoang của chính một bà mẹ, một người nấu bếp chuyên nghiệp, với những người đàn ông khác nhau và tất cả đều mang họ của một cha cố ngẫu nhiên gặp trong buổi xưng tội, trừ tên của ông chú Lêông XII vốn là tên của một cha cố đang ngụ ở đây trong lúc Đôn ra đời. Cái tên Phlôrêntinô Arixa là tên của người ông ngoại của tất cả bọn họ, như vậy là cái tên ấy đã truyền tới đứa con trai của Tranxitô Arixa qua cả một thế hệ những đức giám mục.