Lúc nào Phlôrêntinô Arixa cũng giữ kè kè một cuốn vở trong đó cha anh ghi lại các bài thơ tình, có một số bài được cấu tứ bởi tình yêu của Tranxitô Arixa và các trang của cuốn vở này đều được trang trí hình ảnh những trái tim bị thương. Có hai sự việc khiến Phlôrêntinô Arixa phải ngạc nhiên. Một phong cách viết của vha giống hệt với anh, mặc dù anh chọn phong cách này chỉ vì nó là một trong số các phong cách được thể hiện trong cuốn sách giáo khoa mà anh yêu thích hơn cả. Sự việc thứ hai bắt gặp trong cuốn vở này là một câu châm ngôn mà anh cứ nghĩ là của chính mình viết ra nhưng thực ra nó đã được cha viết trong cuốn vở trước khi anh ra đời rất lâu. Đó là câu châm ngôn: Cái duy nhất khiến ta đau khổ đến chết được là cái không thuộc về tình yêu.
Phlôrêntinô Arixa cũng nhìn thấy hai bức ảnh chân dung duy nhất của cha anh. Một bức được chụp ở Xăngta Phe khi ông còn rất trẻ, bằng đúng tuổi của anh khi anh nhìn thấy nó lần đầu tiên, mặc một chiếc áo khoác ngoài nom ông như đang đội lốt gấu, và ông dựa lưng vào bệ đá một bức tượng chỉ còn lại những chiếc ủng mà thôi. Đứa bé đứng bên cạnh ông là ông chú Lêông XII đội chiếc mũ của thuyền trưởng. Trong một bức ảnh khác, cha anh đứng cùng với một nhóm người có vũ trang và ông là người cầm khẩu súng hỏa mai nòng dài nhất và là người có bộ ria vàng vương mùi khói thuốc súng sực nức cả bức ảnh. Ông là một nhà tam điểm và tự do cũng như các anh em ông vậy. Tuy nhiên ông lại muốn đứa con trai vào học trong trường dòng. Phlôrêntinô Arixa không cảm thấy sự giống nhau giữa hai cha con của mình nhưng theo như lời ông chú Lêông XII nói thì cha anh cũng bị người ta mắng mỏ vì tội để cho tính chất trữ tình đậm màu trong các công văn giấy tờ giao dịch thương mại. Tóm lại Phlôrêntinô Arixa không thấy mình giống cha trong các bức ảnh, không thấy được, không đồng tình với hình ảnh do bà mẹ, vì quá yêu, cố tình vẽ sai lạc đi. Tuy nhiên, sau nhiều năm, trong lúc đứng trước gương chải tóc, Phlôrêntinô Arixa đã phát hiện ra sự giống nhau của cha con mình và chỉ đến lúc này, anh mới hiểu rằng khi người ta bắt đầu già thì người ta cũng bắt đầu nhận ra mình giống cha mình.
Ở phố Vênhtanat anh không nhớ ông. Anh tưởng mình biết rằng có một thời gian ông ngủ ở đây vào lúc ông mới yêu Tranxitô Arixa, nhưng sau khi bà sinh nở ông không đến thăm bà nữa. Lễ ghi tên ở nhà thờ của Phlôrêntinô Arixa xảy ra trước ngày chúng ta sử dụng thủ tục khai sinh rất nhiều năm. Tại giáo khu Xăngtô Tôribiô người ta thấy tài liệu ghi rõ về anh như sau: Con hoang của một cô con hoang chưa chồng tên là Tranxitô Arixa. Trong tài liệu này không thấy có ghi tên người cha, người lúc ấy vẫn cố giữ kín tên trước những đòi hỏi cần thiết của đứa con cho đến ngày cuối cùng. Điều kiện này đã khép cánh cửa trường dòng đối với Phlôrêntinô Arixa nhưng nó cũng giúp anh thoát được việc nhập ngũ trong thời kì đẫm máu nhất của cuộc nội chiến của chúng ta, vì anh là đứa con duy nhất của một bà mẹ không chồng.
Sau giờ học, tất cả các ngày thứ sáu Phlôrêntinô Arixa đều ngồi chờ trước cửa văn phòng Hãng tàu thủy Caribê và trong lúc ngồi chờ, cậu giở lại cuốn sách vẽ tranh con vật từng được giở nhiều lần đã nhàu nát. Người cha bước vào văn phòng không nhìn cậu. Ông mặc chiếc áo dạ dài, mà sau này Tranxitô Arixa đã chữa lại để cậu dùng, với gương mặt thánh Hoan Êvănghêlixta ở trên bàn thờ Chúa. Khi ông bước ra, sau nhiều giờ ở trong văn phòng và cẩn thận để không một ai nom thấy, kể cả người đánh xe của mình, trao cho cậu số tiền đủ chi dùng cho cả tuần. Hai cha con không nói gì với nhau một lời, không chỉ vì ông không muốn đã đành mà còn vì cậu cũng rất sợ ông. Có một ngày, sau khi phải chờ đợi quá lâu so với mọi bận, người cha đưa cho con số tiền và nói:
– Đây, hãy cầm lấy và đừng có đến đây nữa.
Đó là lần cuối cùng Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy ông. Nhưng thời gian qua đi, có lẽ anh cũng hiểu rằng ông chú Lêông XII, người ít hơn cha anh chừng mười tuổi, tiếp tục mang tiền trợ cấp đến cho Tranxitô Arixa và là người lo lắng cho bà khi Đôn Piô Kinhtô Lôayxa qua đời. Cha anh chết vì một cơn đau bụng không được chăm sóc cẩn thận, chết đi không để lại một chữ nào, không kịp trối trăn điều gì ngõ hầu có lợi cho đứa con trai duy nhất: một đứa con rơi vãi ở ngoài đời.
Bi kịch của Phlôrêntinô Arixa trong lúc anh làm nhân viên thư kí của Hãng tàu thủy Caribê là ở chỗ anh không thể tránh được cảm hứng trữ tình của mình vì anh không thể không nghĩ đến Phecmina Đaxa và không bao giờ rèn tập để viết mà không nghĩ đến cô. Sau đó, khi anh chuyển sang đảm nhận một vài công việc khác thì anh lại có quá nhiều tình cảm yêu đương mà không biết dùng vào đâu, thế là anh đưa tặng lại cho những người tình không biết chữ bằng cách viết hộ họ những lá thư tình ở phố Lôt Escribanôt. Sau giờ làm việc, bao giờ anh cũng đến địa điểm này, với cử chỉ duyên dáng anh cởi chiếc áo dạ khoác ngoài ra, vắt nó lên tay ghế, mặc ống tay áo giả vào để khỏi làm hỏng sơ mi, cởi hàng cúc trước chiếc áo véxtông để suy nghĩ dễ dàng hơn, và đôi lúc anh ở lại cho đến tối mịt mới về, để bằng những lá thư cháy bỏng cổ vũ những kẻ buồn ủ rũ. Đôi lúc anh gặp một người đàn bà khốn khổ đang có chuyện rắc rối với một người con trai, gặp một cựu chiến binh cố đòi chính phủ phải cấp lương hưu cho mình, gặp một ai đó bị mất trộm và muốn làm đơn yêu cầu nhà nước phải giải quyết, nhưng dù có cẩn thận viết đến mức nào đi nữa cũng không thể làm hài lòng bọn họ bởi vì điều duy nhất mà anh có thể chinh phục một người nào đấy ấy là những bức thư tình. Đối với các khách hàng mới hầu như anh không phải hỏi họ nhiều bởi vì chỉ cần nhìn con mắt trắng trợn đã đủ để anh thấu tâm trạng của họ rồi và thông qua hình thức không thể tránh khỏi: viết mà lúc nào cũng nghĩ đến Phecmina Đaxa và chỉ nghĩ đến cô mà thôi. Anh mải miết viết hết trang này đến trang khác một lá thư chan chứa tình yêu. Vừa được một tháng, anh thấy cần phải thiết lập một kỷ luật tự tiết chế mình không để cho khát vọng của những người đang yêu dìm mình ngạt thở.
Một kí ức dễ chịu nhất của anh hồi đó là kí ức về một cô gái rất bẽn lẽn, cô ta hầu như còn trẻ ranh, với giọng nói run run đề nghị anh viết hộ một bức thư trả lời một bức thư không thể trì hoãn được mà cô vừa nhận, và Phlôrêntinô Arixa nhận ra bức thư đó đã được anh viết ra ngay buổi chiều hôm trước. Anh trả lời bức thư ấy bằng một bút pháp khác hẳn, một bút pháp phù hợp với lứa tuổi và tâm trạng đang cảm động khôn xiết của cô gái, với một lối chữ viết cũng từa tựa như của cô ta bởi vì anh biết cách đánh lừa kiểu chữ viết sao cho nó phù hợp với từng trường hợp, với từng tính cách của mỗi người. Anh viết thư ấy mà cứ nghĩ đến cái điều Phecmina Đaxa có thể đã trả lời anh nếu như cô yêu anh say đắm như chính cái cô gái ngây thơ không nơi bám víu kia đang yêu người thanh niên cầu hôn nọ. Dĩ nhiên, hai ngày sau, anh lại phải viết một bức thư của anh người yêu với lối chữ viết, phong cách văn chương và loại tình yêu mà chính anh đã thể hiện trong bức thư đầu tiên và như vậy anh đã thực hiện trách nhiệm của mình với chính mình. Trước một tháng cưới nhau, anh và ả, cả hai người đều thầm lén đến cảm ơn anh vì chính anh đã tỏ tình trong bức thư của anh người yêu và cũng chính anh đã nhiệt tình chấp thuận nó trong lá thư trả lời của cô người yêu: họ sẽ cưới nhau.
Chỉ khi họ có đứa con đầu lòng, qua một cuộc nói chuyện rất vô tình, họ mới biết rằng những lá thư của cả hai người đều do chính một người viết thuê viết ra và thế là cả hai người cùng đi đến phố Lôt Escribanôt để mời anh làm cha đỡ đầu cho thằng bé. Trước sự kiện những ước mơ của anh đã có tác dụng thực tế hiển nhiên này, Phlôrêntinô Arixa cực kì phấn chấn đến mức tự anh hối hận làm sao mình không viết một cuốn sách: Bí mật của những người đang yêu, một cuốn sách thơ mộng hơn, rộng lớn hơn cái cuốn sách cho đến lúc ấy được bán rộng rãi ở các phố với giá hai mươi xu một bản và đang được nửa số dân thành phố thuộc lòng. Anh sắp xếp các tình huống trong đó Phecmina Đaxa và anh có thể gặp được nhau và anh viết rất nhiều thư mẫu cho đủ mọi trường hợp được trao đổi với nhau một cách hợp lí. Cuối cùng anh viết được mấy ngàn bức thư đóng thành ba tập dày cộp như cuốn từ điển của Côvarubiat, nhưng không một nhà xuất bản nào của thành phố này dám nghĩ đến việc in chúng vì vậy chúng bị quăng quật ở ghế sôpha cùng với đống giấy lộn bởi vì Tranxitô Arixa cự tuyệt dứt khoát việc đào các chum chĩnh đựng số của cải dành dụm được để phung phí vào việc in ấn các tập thư một cách bốc đồng của cậu con trai. Những năm sau này, khi Phlôrêntinô Arixa có đủ điều kiện tiền nong để xuất bản cuốn sách ấy thì anh phải vất vả lắm mới nhận ra một thực tế hiển nhiên là các bức thư tình ấy đã lỗi mốt rồi.
Trong lúc anh dò dẫm những bước đi đầu tiên ở Hãng tàu thủy Caribê và viết hộ những lá thư tình ở phố Lôt Escribanôt, những người bạn thời trẻ của anh đều có ý nghĩ sáng tỏ rằng họ dần dần mất anh và anh sẽ chẳng bao giờ trở về với họ nữa. Quả đúng như thế thật. Ngay khi anh trở về sau chuyến du lịch trên sông, anh nhìn thấy một số trong bọn họ với hi vọng sẽ làm anh khuây khỏa nỗi nhớ Phecmina Đaxa, anh đã đi chơi bi-a với họ, đến dự các buổi khiêu vũ cuối cùng của họ, anh sẵn sàng chơi đố giữ các bạn gái, sẵn sàng cùng họ làm mọi việc có ích để mình lại trở thành một thanh niên đáng yêu trước đây. Sau đó, khi ông chú Lêông XII nhận anh vào làm việc trong hãng, anh chơi đôminô với các bạn cùng làm việc ở văn phòng trong Câu Lạc bộ Thương mại, và những người này bắt đầu thừa nhận anh như người cùng cánh với mình khi anh chỉ nói đến công việc của hãng và không gọi trọn vẹn tên của nó mà chỉ gọi tên viết tắt H.T.C. Anh đã hoàn toàn thay đổi, thay đổi tới cả cách ăn uống. Dù hoàn cảnh thay đổi và bất bình thường đi nữa, kể từ dạo ấy cho đến ngày cuối cùng của đời mình, trên bàn ăn bao giờ thực đơn của Phlôrêntinô Arixa vẫn chỉ là một bữa điểm tâm, một tách cà phê đen; bữa trưa một khoanh cá rán và một tô cơm trắng; bữa tối trước khi đi nằm, một tách cà phê sữa và một mẩu bơ. Anh uống cà phê vào tất cả mọi giờ, ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi ngày uống tới ba mươi tách nhỏ. Đó là thứ cà phê do anh pha lấy, giống hệt như dầu thô và lúc nào cũng được đựng trong một chiếc phích ngay trong tầm tay. Tật nghiện cà phê đến mức ấy là trái với ý muốn kiên cường của anh và trái với những cố gắng phi thường của anh nhằm trở lại làm mình trước khi bị thất bại trong tình yêu.
Thực ra chẳng bao giờ anh lại là người như trước đây. Chiếm lại Phecmina Đaxa là mục đích duy nhất của đời anh và anh rất tin tưởng sớm hay muộn gì mình cũng giành được mục đích ấy. Anh tin lắm đến mức anh thuyết phục được Tranxitô Arixa đi xa hơn cả điều anh mong muốn; bà mua đứt ngôi nhà và tiến hành sửa sang toàn bộ nó. Họ làm ngay một phòng tiếp khách ở nơi trước đây là phòng ngủ và ở tầng trên xây dựng một phòng ngủ cho vợ chồng anh và một phòng ngủ nữa dành cho đám con cái của họ sắp ra đời, cả hai buồng ngủ này đều rất rộng rãi và được trang hoàng đẹp mắt, và tại khoảng không rộng rãi vốn trước đây là kho chứa thuốc lá họ làm một vườn hoa lớn trồng đủ loại hoa hồng và nó là nơi để Phlôrêntinô Arixa suy tư vào lúc tâm hồn thanh thản buổi ban mai. Địa điểm duy nhất được để nguyên, coi như một bằng chứng thú vị của thời quá khứ, là phòng được dùng làm cửa hàng. Gian sau cửa hàng nơi Phlôrêntinô Arixa ngủ vẫn được giữ nguyên trạng; chiếc vòng treo ngang và chiếc bàn bừa bộn sách vở nhưng anh lại lên ở phòng mà tương lai được giành làm phòng ngủ của vợ chồng tại tầng trên. Phòng này rộng rãi và mát mẻ hơn so với các nơi khác trong ngôi nhà và hơn nữa nó có một sân hiên thật dễ chịu, về ban đêm khi gió biển thổi vào mang theo hương hồng ngào ngạt nhưng đồng thời nó cũng là nơi thích hợp hơn cả đối với tinh thần kiên nghị của Phlôrêntinô Arixa. Tường phòng phẳng lì được quét vôi trắng lốp. Phòng có đồ nội thất quý giá, gồm một chiếc giường nhà tù, một chiếc bàn ngủ với một ngọn nến cắm trên miệng chai, một chiếc tủ quần áo cũ kĩ, một thùng nước với chậu rửa mặt của nó.
Công việc sửa sang lại ngôi nhà kéo dài gần ba năm và ba năm này là thời kì hồi phục tạm thời của thành phố nhờ sự phồn thịnh của ngành hàng hải và trao đổi thương mại, đó chính là những nhân tố từng khuếch trương oai phong của thành phố trong suốt thời kì thuộc địa và trong hai thế kỷ nay, chúng biến thành phố này thành cửa ra vào của châu Mỹ. Nhưng thời kì này cũng là thời kì Tranxitô Arixa bộc lộ những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh không phương cứu chữa. Những khách hàng quen của bà đến cửa hàng ngày một già hơn, ngày một xanh xao hơn, ngày một còm cõi hơn và bà không nhận ra họ sau một nửa cuộc đời giao dịch với họ hoặc nhầm lẫn câu chuyện buôn bán của người này với người khác. Sự nhầm lẫn này rất nguy hiểm trong chuyện buôn bán, nhất là kiểu buôn bán của bà: không cần giấy tờ gì hết mà chỉ cần lời nói danh dự là đủ nhằm bảo đảm danh giá của chính bà hoặc cho chính khách hàng. Thoạt đầu người ta tưởng bà bị nặng tai nhưng ngay lập tức người ta nhận ra ngay rằng bà đang bị mất trí nhớ. Vậy là bà thôi không làm nghề cầm cố nữa. Số của cải bà tích lũy được cũng đủ để bà mua sắm đồ nội thất trang bị cho ngôi nhà và hơn thế nữa bà còn giữ được rất nhiều hạt ngọc đáng giá nhất của thành phố mà những người chủ của chúng không cách nào có thể chuộc lại được.
Lúc này Phlôrêntinô Arixa phải đồng thời quan tâm tới quá nhiều nhiệm vụ nhưng vẫn không bao giờ chịu để cho nhiệt tình của mình bị suy giảm trong công việc của một kẻ đi săn trộm. Sau kinh nghiệm thực tế với bà quả phụ Naxarê, kinh nghiệm từng mở cho anh con đường đi tới những mối tình ngoài đường, anh tiếp tục săn những con chim đêm cô đơn trong vài năm liền, vẫn giữ nguyên ảo tưởng sẽ tìm được niềm an ủi để xoa dịu nỗi đau do Phecmina Đaxa gây ra cho mình. Nhưng sau đó anh không thể nói được rằng cái thói quen ngủ bừa với đàn bà không mang một chút hi vọng gì của mình là một đòi hỏi của lương tri hay chỉ đơn thuần là một đòi hỏi thấp hèn của xác thịt. Anh đến khách sạn ngoài cảng ngày một thưa hơn không chỉ vì những ham muốn của anh hiện đang tỏa ra nhiều hướng mà còn vì anh không thích để cho người ta nhìn thấy mình có mặt ở đấy giữa những khuôn mặt khác nhau thuộc số những kẻ thân quen và danh giá mà họ từng quen biết anh rất rõ. Tuy nhiên, trong ba trường hợp vội vã anh đã sử dụng thủ thuật thường thấy trong thời đại mình: anh cải trang cho những cô gái hay hoảng hốt sợ người nhận được mặt mình thành đàn ông rồi cùng các cô bước vào khách sạn ngoài cảng với điệu bộ của những kẻ thác loạn thức qua đêm. Ít nhất có hai trường hợp không thiếu kẻ nhận ra anh và người cùng với mình được cải trang không đến bàn nhậu mà ngược lại đi thẳng vào phòng giường nằm và thế là danh dự vốn bị mai một ít nhiều của Phlôrêntinô Arixa liền bị một đòn chí tử. Cuối cùng anh thôi không đến khách sạn này nữa và những lần hiếm hoi anh đến đây không phải là để trác táng đến nỗi ngày hôm sau phải dậy muộn, mà ngược lại hoàn toàn anh đến đây là để tìm một nơi nghỉ ngơi sau những trận thác loạn quá sức ở nơi khác.
Nói như thế quả không ngoa cho anh. Khoảng năm giờ chiều anh ra khỏi văn phòng làm việc và thế là anh đi trong vòng bay phấn chấn của chú diều hâu đang sức trẻ. Thoạt đầu anh bằng lòng với những gì mà đêm tối dành cho mình. Anh dựng các cô gái phục vụ ở ngoài vườn hoa dậy, các cô gái da đen ở ngay trong chợ, các cô gái mĩ miều ở ngoài bãi tắm, các cô gái Mỹ ngay trên tàu thủy từ Tân Ooclêăng tới. Anh dẫn các cô ra ngoài bờ đập, nơi một nửa số dân thành phố vẫn làm chính điều đó ngay từ lúc mặt trời lặn, anh mang các cô đến nơi có thể và đôi lúc cả những nơi không thể mà hành sự, bởi vì có không ít trường hợp anh phải hành sự thật chớp nhoáng ngay tại phòng đợi tối tăm và làm điều đó có thể bằng bất kì hình thức nào ở ngay sau cánh cửa chính.
Tháp ngọn đèn hải đăng luôn luôn là một nơi ẩn náu thích hợp mà Phlôrêntinô Arixa thường nhớ đến với niềm hoài nhớ khôn nguôi khi ông bước vào tuổi già bởi vì nó là nơi ông hưởng hạnh phúc khá trọn vẹn, nhất là về ban đêm và ông nghĩ rằng có thể có gì đó của tình yêu của mình đã theo ánh sáng ngọn hải đăng để đến với những người đi biển. Vậy là anh tiếp tục đến chơi ngọn hải đăng, đến thường xuyên hơn so với bất kì nơi nào, trong lúc người bạn coi đèn hải đăng vui vẻ, hào hứng đón tiếp anh với bộ mặt của thằng khờ vốn là tấm màn che tốt nhất đối với những con chim đêm hay hoảng sợ. Phía bên dưới tháp có một căn nhà dựng ngay bên bờ biển nơi sóng vẫn táp vào những tảng đá lởm chởm nhô ra biển. Đó là nơi tình yêu diễn ra đắm đuối hơn cả vì nó có cái thi vị của một vụ đắm tàu. Nhưng sau đêm tình tự đầu tiên, Phlôrêntinô Arixa vẫn thích tháp có ngọn đèn hải đăng hơn vì đó anh có thể quan sát toàn cảnh thành phố, có thể ngắm nhìn những ánh lửa chập chờn trên những chiếc thuyền đánh cá ngoài biển và cả ánh đèn những chiếc thuyền của ngư dân trên các đầm lầy xung quanh.
Ở thời kì này anh hình thành những lí thuyết tương đối đơn giản về mối quan hệ giữa thể trạng sức khỏe của phụ nữ và khả năng đáp ứng tình yêu của họ. Anh không thích tuýp người ham nhục dục, đó là những người đàn bà tưởng như có đủ khả năng nuốt sống cả con cá sấu nhưng ở trên giường lại rất thụ động. Típ người anh thích hoàn toàn ngược lại: đó là những người đàn bà nom tựa con nhái bén, gầy gò mà nếu gặp họ ở ngoài đường chẳng một ai tốn công quay mặt lại nhìn ngắm họ, đó là những người đàn bà khi cởi hết sống áo ra thì hầu như họ chẳng có gì đáng kể và ta sẽ phải mủi lòng thương hại khi nghe thấy xương hóc họ kêu roàn roạt ở ngay cú đụng đầu tiên, thế nhưng họ có thể ném vào sọt rác cái chàng lắm mồm trong số những kẻ ve vãn họ. Anh ghi lại những nhận xét thiếu chín chắn ấy với ý định sẽ viết phần phụ chương cho cuốn: Bí mật của những người đang yêu, nhưng ý định ấy cũng chịu chung số phận với ý định trước đây sau khi anh làm quen Auxênhxia Santăngđê. Với kinh nghiệm từng trải của một con chó cái già, bà hết vần anh sang trái lại vần anh sang phải, túm lấy đầu anh, nhấc anh lên, hạ anh xuống và thế là anh như một người mới sinh ra lần thứ hai. Bà bẻ gãy thành từng mẩu vụn thứ lí thuyết quá ư mĩ miều của anh và bà dạy cho anh điều duy nhất cần phải học để biết yêu là không một ai nên dạy đời cả.
Auxênhxia Santăngđê đã có cuộc sống vợ chồng hòa thuận trong hai mươi năm liền, có ba người con trai và cả ba người này đều lấy vợ và có con rồi, vậy là bà có thể được trọng vọng và được coi là người đàn bà hạnh phúc nhất trong thành phố. Có một điều chẳng bao giờ được làm sáng tỏ, ấy là việc bà là người đã bỏ chồng, hay chính ông mới là người bỏ bà, hoặc cả hai người cùng bỏ nhau khi ông bỏ nhà đi sống mãi mãi với cô nhân tình và thế là bà cảm thấy mình hoàn toàn được tự do để ngay giữa ban ngày, đón rước Rôxênhô Đê La Rôsa vào cửa chính nhà mình. Rôxênhô Đê La Rôsa là thuyền trưởng của con tàu khách, vốn là người đàn ông bà vẫn thường nhiều đêm lén lút rước ông vào cửa sau. Cũng chính Rôxênhô Đê La Rôsa, không hề suy tính, là người dẫn Phlôrêntinô Arixa về nhà Auxênhô Santăngđê hai lần.
Ông đưa anh về nhà ăn cơm trưa. Ông còn mang về nhà cả một hũ sành bọc trong rọ mây đựng thứ rượu tự cất lấy và các thứ thực phẩm ngon nhất cần thiết để làm món sancôchô tuyệt ngon, một món ăn chỉ có thể có được nhờ làm với thịt gà nuôi trong sân, thịt bò tơ, lợn sữa và rau tươi trồng ở ven sông. Nhưng ngay từ phút đầu tiên, Phlôrêntinô Arixa đã tỏ ra không thú vị lắm trước món ăn tuyệt vời, trước cái vẻ đẫy đà của nữ chủ nhân cũng như vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi nhà. Anh thích chính cái ngôi nhà, lộng lẫy và thoáng mát có bốn cửa sổ nhìn ra biển, và phía sau là toàn cảnh thành phố cổ. Anh thích đồ vật đã nhiều lại đẹp lộng lẫy từng cho ta cảm giác về cái phòng khách vừa bừa bộn vừa sinh động chứa đầy các hàng thủ công mỹ nghệ mà thuyền trưởng sau Rôxênhô Đê La Rôsa sau mỗi chuyến đi đã tha về cho đến khi phòng không thể chứa thêm được nữa mới chịu thôi. Tại hành lang nhìn ra biển có một chú vẹt mào nhốt trong lồng. Đó là con vẹt mào giống Malaxia có bộ lông trắng muốt vẻ cho ta cảm giác nó đang suy tư dữ lắm: một con vẹt tuyệt đẹp mà chưa bao giờ Phlôrêntinô Arixa được nhìn thấy.