Nền độc lập giành được từ tay bọn Tây Ban Nha và sau đó là sự xóa bỏ chế độ nô lệ đã đưa đến sự sụp đổ của giới thượng lưu trong đó bác sĩ Huvênan Ucbinô sinh ra và lớn lên. Những gia đình giàu có đầy thế lực trước đây lặng lẽ mai một trong chính những dinh thự xơ xác của họ. Trong những ngõ hẻm thuộc các đường phố lát đá rất kiên cố từng bị chiến tranh và bọn cướp biển bất thình lình ập đến phách, nay cỏ mọc um tùm trên những ban công và trên những bức tường thành xây gạch, ngay cả những ngôi nhà nguy nga nửa tưởng cũng đã nứt nẻ và biểu hiện duy nhất của sự sống vào lúc hai giờ chiều là những bản nhạc tập pianô vang lên từ trong bóng râm những trưa hè. Bên trong những ngôi nhà, trong những phòng sực nức mùi hương, các phụ nữ tránh ánh nắng như thể họ tránh một bệnh dịch hay lây và ngay cả trong các buổi cầu kinh trước lúc mặt trời mọc, các bà cũng dùng mạng che mặt. Tình yêu đến với các cô gái quý phái này thật là muộn mằn, vất vả, thường bị đảo lộn bởi những điềm báo bất hạnh và đối với các cô này cuộc đời dài tưởng như vô tận. Tối đến, trong khoảnh khắc căng thẳng lúc trời chạng vạng tối, hàng đàn muỗi xăngcudô[7] từ các đầm lầy y như cơn lốc vù vù bay vào các ngôi nhà vương theo cái mùi phân người nồng nặc, và ý nghĩa sáng tỏ về sự chết chóc khuấy động tới đáy sâu tâm hồn.
[7] Một loại muỗi to ở châu Mỹ
Vậy đó là cuộc sống đích thực của thành phố thời thuộc địa Tây Ban Nha mà anh thanh niên Huvênan Ucbinô thường lý tưởng hóa trong niềm nhớ nhung quê hương khi anh ta học ở thủ đô Pari. Lúc ấy nó chỉ là một ảo ảnh của ký ức mà thôi. Ở thế kỷ XVIII, gia đình Ucbinô là gia đình thương gia giàu có nhất vùng Caribê và nổi tiếng là gia đình chuyên buôn bán nô lệ Phi châu ở châu Mỹ. Ngoài ra, phủ thống sứ của các vụ Phó vương trong triều đình mới ở Granađa[8], những người muốn từ đây, từ bên bờ Thái Bình Dương này, chỉ huy tất cả thế giới chứ không chỉ ở cái thành phố xa lạ và lạnh buốt mà những cơn mưa phùn hàng thế kỷ của nó làm sai lạc cảm quan về thực tại. Mỗi năm vài lần các đội thuyền chở đầy của cải từ Pôtôsi[9], từ Kitô[10], từ Vêracrut[11], về đây tập trung ở ngoài cảng và lúc ấy thành phố thực sự sống những năm tháng huy hoàng của nó. Vào lúc bốn giờ chiều thứ sáu ngày mồng tám tháng sáu năm 1708 con tàu Xăng Hôsê chở đầy đá và kim loại quý trị giá ước khoảng nửa tỷ pêxô vừa nhổ neo để vượt đại dương đi về thành phố Cadit[12] liền bị đội hải thuyền Anh đánh đắm ở ngoài khơi ngay phía đối diện với cửa cảng, và hai thế kỷ sau nó vẫn chưa được vớt lên. Kho của ấy cùng với xác nằm nghiêng trên ghế chỉ huy của vị thuyền trưởng vẫn nằm sâu dưới đáy biển, bị san hô phủ kín lâu nay vẫn được các nhà sử học thường xuyên nhắc đến và coi là biểu tượng của thành phố đắm chìm trong ký ức.
[8] Một thành phố ở châu Nam Mỹ, nay thuộc nước Nicragoa. Ở đây ám chỉ chính quyền thực dân
[9] Tên một địa phương ở Côlômbia
[10] Tên một địa phương ở Equado
[11 Hải cảng thuộc Mêhico.
[12] Hải cảng thuộc Tây Ban Nha
Bác sĩ Huvênan Ucbinô, có một ngôi nhà cũ ở bờ bên kia vịnh, tại khu phố La Mănga toàn nhà biệt thự. Đó là ngôi nhà một tầng, rộng và mát mẻ, có sân hiên ngoài dựng hàng cột đôricô rất kiểu cách. Từ sân hiên này người ta có thể bao quát tầm nhìn toàn bộ quang cảnh của vịnh. Nền nhà lát gạch hoa đen trắng tạo thành hình bàn cờ đam suốt từ cửa chính vào tận nhà bếp, và điều này nhiều lần đã củng cố thêm nỗi đam mê chủ yếu của bác sĩ Huvênan Ucbinô mà không hề nhớ rằng cái khu phố những nhà giàu mới phất kia là một điểm yếu kém chung của các bậc thầy xây dựng công trình kiến trúc ở đầu thế kỷ này. Phòng tiếp khách rộng và thoáng như toàn bộ ngôi nhà, có sáu cửa sổ mở ra phía đường cái và được ngăn cách với phòng ăn bởi một cửa kính rộng có vẽ các tích truyện với những cành nho và chùm nho sai quả, những cô thôn nữ bị các vị thần đồng áng quyến rũ tạc trên cành hoa làm bằng đồng. Các đồ dùng tiếp tân, kể cả chiếc đồng hồ quả lắc treo trong phòng khách cũng có dáng vẻ sống động của một tên lính gác, đều được sản xuất từ cuối thế kỷ XIX ở tận bên nước Anh. Những ngọn đèn chùm đều làm bằng thủy tinh bọt. Ở mọi chỗ trong phòng bày biện nào cốc chén và bình hoa được sản xuất ở Sevrơ, những bức tượng thạch cao tuyết hoa thể hiện đề tài tình yêu nơi trần thế. Nhưng cái sự cố kết các đồ vật Âu châu ấy sẽ kết thúc ở phần còn lại ngôi nhà, nơi những chiếc ghế mặt đan sợi nilon lẫn với những chiếc ghế xích đu và ghế bọc da, sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương. Trong các phòng ngủ, ngoài các giường ra còn có mắc những chiếc võng sản xuất ở Xăng Haxinhtô[13] có thêu tên ông chủ theo dáng chữ Gô-tích bằng chỉ lụa và xung quanh có viền những mũi tên màu sắc sặc sỡ. Khoảng không rộng rãi bên cạnh phòng ăn ngay từ lúc đầu đã được dự định dùng làm nơi tổ chức các bữa cơm khách trọng thể, nay nó được dùng làm phòng nghe nhạc để tổ chức các buổi hòa nhạc cho một số bạn bè thân thiết cùng nghe khi có các tay nhạc công nổi tiếng đến đây. Nền gạch đã được trải thảm Thổ Nhĩ Kỳ mua ở triển lãm Quốc tế tại Pari để trong nhà cho đỡ ồn. Một chiếc máy hát đời mới kê bên cạnh một chiếc kệ đựng đĩa hát xếp theo thứ tự. Chiếc đàn pianô lâu nay bác sĩ Huvênan Ucbinô không chơi đặt tại một xó phòng, được một tấm vải Manila trùm kín. Người ta nhận rõ trong khắp ngôi nhà này đều mang chính kiến và nỗi sợ sệt của một người đàn bà vốn đứng vững hai chân trên mặt đất này.
[13] Tên một thành phố ở Côlômbia.
Tuy nhiên, không một nơi nào chứng tỏ trong nhà này có thư viện. Đó là một thư viện trang trọng và xinh xắn mà bác sĩ Huvênan Ucbinô coi như một nơi thờ phụng trước khi tuổi già đến với ngài. Tại đấy, xung quanh chiếc bàn gỗ đào hoa tâm vốn là bàn viết của cha ngài và những chiếc ghế bọc da, người ta dựng những chiếc giá sách làm bằng thủy tinh dọc theo bốn bức tường cao vút đến tận cửa sổ, và xếp đầy lên đấy, gần như tức cười, ba nghìn cuốn sách bìa bọc da dê và gáy in chữ vàng tên viết tắt của ngài. Ngược hẳn lại với những phòng khác thường ồn ào và nồng nặc mùi tanh tưởi từ ngoài cảng bay đến, thư viện lúc nào cũng thanh lặng và có mùi vị của một nhà thờ. Là những người sinh ra và lớn lên trong tín điều vùng duyên hải cho rằng phải mở hết các cửa để đón gió mát vốn không có trong thực tế, bác sĩ Huvênan Ucbinô và bà vợ ngài, ngay từ phút đầu đã cảm thấy tim mình như ngừng đập trước việc ngôi nhà ban ngày lúc nào cửa cũng đóng im ỉm. Nhưng rồi họ cũng đồng tình trước những cái lợi của phương pháp chống nóng của người La Mã bằng việc đóng hết các cửa lại ngăn không cho hơi nóng của tháng tám và về ban đêm mở toang các cửa để đón gió mát. Kể từ dạo ấy, ngôi nhà của họ là ngôi nhà mát mẻ nhất trong những ngày nắng nóng ở khu phố La Mangga, và thật hạnh phúc cho người nào được nằm trong phòng ngôi nhà đó mà nghỉ trưa. Về buổi chiều ngồi ở hành lang có hàng cột đôricô mà ngắm nhìn những chiếc tàu màu ghi xám nặng nề chở hàng từ Tân Occlêăng tới và nhìn những chiếc tàu khách bánh lái bằng gỗ với những ngọn đèn nhấp nháy sáng lúc chiều buông, và tiếng nhạc không ngừng nghỉ, những con tàu này sẽ làm thanh sạch bầu không khí uế tạp đọng lại ngoài vịnh biển. Rồi từ tháng chạp năm trước đến tháng ba năm sau, nó cũng là ngôi nhà được bảo vệ chu đáo nhất trước những trận gió mùa đông – bắc liên hồi thổi tốc mái nhà, chúng như những con sói đói mồi lồng lộn suốt đêm quanh nhà tìm khe hở luồn hơi rét vào. Chưa bao giờ có ai dám nghĩ rằng đôi vợ chồng chung sống trong ngôi nhà xây kiên cố kia có thể có một lý do nào đó để mà không được hưởng hạnh phúc.
Dẫu sao thì buổi sáng hôm ấy bác sĩ Huvênan Ucbinô không còn là mình nữa khi ngài trở về nhà trước lúc mười giờ sáng. Ngài bàng hoàng vì hai cuộc viếng thăm không những làm ngài phải bỏ lễ misa ngày Hạ trần mà còn đe dọa sẽ trả ngài trở lại cái tuổi sức đã tàn lực đã cạn. Ngài muốn ngủ say như trâu chết trong lúc đợi đến giờ dự bữa tiệc linh đình của bác sĩ Laxidêt Ôlivêda nhưng ngài lại thấy đám gia nhân đang nhốn nháo tìm cách bắt lại chú vẹt xổng chuồng hiện đang đậu trên đỉnh ngọn cây xoài vì khi họ bắt nó ra khỏi chuồng để cắt lông cánh nhưng do vô ý tuột tay đánh xổng mất. Đó là con vẹt trụi lông và điên khùng: khi người ta bảo nói nó không nói nhưng nó sẽ bất thình lình nói khi không ai bảo nó. Lúc này con vẹt rất ranh ma và tinh khôn không một người sánh kịp. Con vẹt đã được bác sĩ Huvênan Ucbinô đích thân dạy bảo và chính việc này là một đặc ân đối với nó mà cả gia đình, ngay cả các con ngài khi chúng còn rất bé, không một ai được hưởng.
Con vẹt sống ở nhà này đã được hai chục năm và không một ai biết trước đó nó đã bao nhiêu tuổi. Vào tất cả các buổi chiều sau giờ ngủ trưa, bác sĩ Huvênan Ucbinô ngồi ở ngoài sân hiên, nơi mát nhất trong khu nhà, đối diện với chú vẹt và ngài vận dụng mọi ngón nghề hữu hiệu trong nghề sư phạm để dạy cho đến khi nó nói được tiếng Pháp y như một viện sĩ viện hàn lâm. Sau đó, do thói quen, ngài còn dạy nó cầu kinh misa bằng tiếng Latinh và một số đoạn trích từ kinh Phúc âm của thánh Mathêu và ngài còn định nhồi nhét cho nó quan niệm máy móc về bốn pháp làm thơ. Trong chuyến du lịch gần đây nhất sang châu Âu, ngài mang về một chiếc máy hát đầu tiên cùng với nhiều đĩa hát ghi những bản nhạc đang thịnh thời và cả những đĩa hát ghi nhạc của những nhạc sĩ cổ điển. Trong vài tháng liền, ngày này qua ngày khác, lúc nào rỗi, ngài cho con vẹt nghe những bài hát của Yvêttê Ghinbec và Aristidơ Bruan, vốn là những bài hát được hâm mộ nhất nước Pháp trong thế kỷ trước, cho đến khi con vẹt thuộc lòng những bài hát ấy. Con vẹt hát những bài hát này, khi thì với giọng nữ nếu bài hát ấy là của nữ, khi thì với giọng nam nếu bài hát ấy là của nam và nó kết thúc bằng một trận cười ha hả y hệt tiếng cười của những cô hầu gái đã cười khi nghe nó hát bằng tiếng Pháp. Tiếng đồn về chú vẹt tinh khôn hát hay bay đi rất xa, đến mức có những khách sang trọng từ trong đất liền đi trên những chuyến tàu khách đã xin phép được xem con vẹt và có lần một vài khách du lịch người Anh thuộc số những người vẫn đến đây trên những chiếc tàu chở muối về Tân Ooclêăng đã định mua nó với bất kỳ giá nào. Tuy nhiên cái ngày vinh hiển nhất là ngày Tổng thống nước cộng hòa, Đôn Máccô Phiđen Soarêt cùng toàn thể các vị bộ trưởng trong chính phủ của Ngài đến nhà để chứng thực sự nổi tiếng của con vẹt. Họ đến vào lúc ba giờ chiều, người phát sốt phát rét vì phải đội mũ phớt và mặc complê nỉ suốt ba ngày liền trong chuyến công du dưới trời tháng tám nắng như đổ lửa và họ lại phải vội vã ra về như họ đến, vì con vẹt không chịu nói ngay cả đến cái câu ‘Cái mỏ này là của tôi’. Trong suốt hai giờ đầy thất vọng, con vẹt không chịu nói bất chấp người ta khẩn khoản van nài hoặc nổi cáu dọa dẫm, bất chấp cái nỗi thẹn thùng trước đám đông của bác sĩ Huvênan Ucbinô, người từng khoái chí lắm trước lời khen ngợi quá ư táo bạo khác hẳn với những lời cảnh tỉnh rất thông minh của vợ ngài.
Việc con vẹt vẫn được hưởng những ân huệ của ngài sau khi xảy ra chuyện mất mặt đáng nhớ đời kia là một thử thách cuối cùng đối với đặc quyền bất khả xâm phạm của nó. Không một con vật nào khác được nuôi trong nhà này trừ con rùa đất vừa mới xuất hiện trở lại trong nhà bếp sau ba hoặc bốn năm biến mất mà ai cũng tưởng nó sẽ không bao giờ trở lại nữa. Con rùa này không được coi là một sinh vật mà là một vật thờ mang lại vận may mà người ta không hề biết rõ nó ở đâu. Bác sĩ Huvênan Ucbinô đã chiến đấu để buộc người ta phải thù hằn con vật và ngài đã che giấu điều đó bằng tất cả những huyền thoại khoa học và những lý lẽ triết học từng thuyết phục được rất nhiều người nhưng không thuyết phục nổi vợ ngài. Ngài bảo rằng ai mà quá yêu quý con vật sẽ là người đủ khả năng gây ra những tội ác dã man nhất đối với đồng loại mình. Ngài bảo rằng chó không phải là loài vật trung thành mà là loài vật tận tụy phục vụ con người, rằng mèo là giống cơ hội và phản trắc, rằng công là sứ giả của thần chết, rằng vẹt đuôi dài là loài thích diện bộ cánh lòe loẹt, rằng thỏ là loài vật ấp ủ những ham muốn xấu xa, rằng khỉ truyền cho ta sự ham mê tửu sắc và rằng gà là loài vật đáng bị chửi bới chính vì nó ba lần khiến Chúa Giêsu bị từ chối.
Ngược lại bà Phecmina Đaxa, vợ ngài, lúc đó đã bảy mươi hai tuổi, đi lại không còn nhanh nhẹn như con hươu như khi bà còn trẻ, là một người cuồng nhiệt yêu các loại hoa nhiệt đới và các con vật nuôi và khi vợ chồng mới cưới nhau bà đã biết tranh thủ tình cảm mới mẻ đòi chồng mua các loài hoa và vật nuôi nhiều hơn mức bình thường rất nhiều. Đầu tiên là ba chú chó dòng Đanmata mang tên các hoàng đế La Mã. Chúng cắn xé lẫn nhau để bảo vệ con cái, rất xứng đáng mang cái tên Mêsalina, bởi vì nó đã đẻ chín con chậm hơn việc chửa mười con khác. Sau đó là những con mèo xứ Abisinico gương mặt nhìn nghiêng của con diều hâu và điệu bộ của Pharaông, những con mèo xứ Xiêm-La đôi mắt xếch có con ngươi màu vàng cam đi lại trong các phòng ngủ tựa như những bóng ma và làm nhộn nhạo đêm thanh tĩnh bằng tiếng kêu rên sung mãn khi làm tình với nhau. Trong vài năm liền nhà này có một con khỉ đột vùng Amadôn bị xích vào gốc cây xoài ngoài sân. Nó là một con khỉ có gương mặt tựa như gương mặt của đức giám mục Ôbduliô, đôi mắt rực sáng và đôi bàn tay khéo léo từng gây thương hại cho ai xem nó, nhưng không phải vì thế mà bà Phecmina Đaxa cho nó đi ở chỗ khác, mà chính là nó có cái tật xấu thích trêu ghẹo các bà mệnh phụ đến chơi nhà.
Có đủ các loại chim Goatêmala nhốt trong các lồng treo dọc hành lang và có những chú vạc và những chú diệc cẳng dài nghêu màu vàng, quen sống ở các hồ đầm và một chú hươu non thường thò đầu qua cửa sổ ăn lộc non các bụi cây cảnh. Trước khi xảy ra cuộc nội chiến cuối cùng ít lâu, khi lần đầu tiên người ta nói đến chuyến viếng thăm có thể có của Đức Giáo hoàng, một con chim sống ở vườn thượng uyển được đưa từ Goatêmala về đây. Nhưng nó đã bay ngay về quê cũ của nó, khi người ta biết rằng lời tuyên bố về chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng chỉ là một trò bịp của chính phủ đưa ra nhằm dọa các nhà tự do chịu ngồi vào bàn thương lượng. Một lần nữa họ lại ngay trên chiếc thuyền buồm của những kẻ buôn lậu vùng Curaxao một lồng sắt có sáu con quạ hương y hệt những con mà hồi còn ở nhà bố mẹ đẻ Phecmina Đaxa từng có và bây giờ khi đã về nhà chồng cô vẫn còn muốn có chúng trong nhà. Nhưng không một ai có thể chịu đựng nổi việc chúng liên tục vẫy cánh khiến cho cả ngôi nhà nồng nặc cái mùi khó chịu của các vòng hoa tang. Họ còn mang về nhà cả một con trăn dài bốn mét. Con vật săn mồi ít ngủ đêm này với tiếng thở của nó khuấy động bóng tối trong các phòng ngủ khiến người ta rất khó ngủ, tuy vậy nhờ nuôi nó người ta có thể giành được điều mong muốn: với hơi thở của mình nó xua đuổi đám dơi và thạch sùng cùng đám sâu bọ độc thường vào đầy nhà trong mùa mưa bão. Bác sĩ Huvênan Ucbinô, lúc này hết sức đơn thương độc mã trong nhiệm vụ trị bệnh cứu người toàn tâm toàn ý đưa sức lực ra hoạt động xã hội và văn hóa, lấy làm mãn nguyện mà nghĩ rằng người vợ của mình chẳng những là người phụ nữ đẹp nhất vùng Caribê mà còn là người hạnh phúc nhất trong hoàn cảnh xã hội nhiều nỗi éo le. Nhưng có một chiều mưa, sau một ngày làm việc mệt phờ, bác sĩ Huvênan Ucbinô thấy một cảnh rợn người ngay ở trong nhà khiến ngài tỉnh mộng. Từ phòng khách đến cuối nhà, có một hàng dài những con vật chết nổi trên một hồ máu. Đám các cô hầu gái đang đứng trên ghế mà không biết nên hành động như thế nào đây, vẫn chưa hoàn hồn trước quang cảnh chết chóc thê thảm ấy.
Chuyện xảy ra vì có một con chó săn giống Đức lên cơn điên bất thình lình, đã cắn xé bất kỳ con vật nào gặp trên đường cho đến khi người làm vườn nhà bên rất dũng cảm đã dám đánh nhau và dùng dao rựa chém chết nó. Không thể biết nó đã cắn bao nhiêu con vật nuôi, hoặc với nước dãi xanh lè của mình nó đã truyền bệnh dại cho những con vật nào, vì thế bác sĩ Huvênan Ucbinô ra lệnh giết hết những con vật nuôi còn sống sót và đốt xác chúng ở một bãi đất cách xa ngôi nhà, tiếp đó ngài yêu cầu bệnh viện Mixêricôrđia đến tẩy uế. Con vật nuôi duy nhất thoát chết, và không ai nhớ đến nó, là con rùa đất có vận may.