Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 30
Trước
image
Chương 30
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

Bác sĩ Huvênan Ucbinô tự đánh giá sự hèn yếu của con người mình bằng những luận cứ đã lỗi thời mà không hề tự hỏi lòng xem chúng có trái với tôn giáo của mình không. Ngài không thừa nhận rằng những mâu thuẫn với vợ mình có nguồn gốc từ không khí lạ trong ngôi nhà mình mà lại cho rằng chúng có nguồn gốc từ chính bản chất của hôn nhân: hôn nhân chẳng qua là một sự bày đặt khó hiểu mà chỉ có thể có đươc bởi Thượng đế quá ư vô công rồi nghề. Hôn nhân hoàn toàn ngược lại với mọi lý lẽ khoa học: hai người vốn không quen biết nhau, chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau, với những cá tính khác hẳn nhau, với trình độ văn hóa khác nhau, và ngay cả các bộ phận sinh dục cũng khác nhau, thế rồi bỗng nhiên người ta thấy họ cam kết sống với nhau, ngủ chung với nhau trên cùng một chiếc giường, cùng chia sẻ hai số phận mà có lẽ đã được định hướng khác nhau. Ngài bảo rằng: “Vấn đề của hôn nhân là tất cả các đêm sẽ được kết thúc sau khi làm tình với nhau và rồi cần phải làm lại nó vào tất cả các buổi sáng trước khi ăn điểm tâm”. Còn tồi tệ hơn thế nữa là trường hợp hôn nhân của bọn họ, Ngài nói, nó nảy sinh từ hai giai tầng xã hội đối nghịch nhau trong một thành phố vẫn còn mơ các vị phó vương trở lại nắm quyền. Thứ vôi vữa duy nhất có thể gắn chặt các mối quan hệ hôn nhân là một cái gì đó không thể kiểm nghiệm được và rất dễ thay đổi, đó là tình yêu, nếu như nó có thật và trong trường hợp hôn nhân của bọn họ, khi họ cưới nhau họ chưa có tình yêu và số phận chỉ việc đặt họ đối diện với thực tế khi họ suýt nữa sáng tạo ra tình yêu.

Đó là tình trạng cuộc sống vợ chồng họ ở vào thời kỳ nhà có cây thụ cầm. Họ vui với nhau nhờ những ngẫu nhiên thú vị, tỷ như khi cô bước vào nhà tắm trong lúc Ngài đang tắm và thế là bất chấp những cuộc cãi vã, bất chấp món cà độc, bất chấp những người chị em chồng lẩn thẩn và bà mẹ đẻ ra họ, Ngài vẫn còn tương đối yêu cô để bảo cô hãy xoa xà phòng cho mình. Cô cũng bắt đầu xoa xà phòng cho Ngài bằng những mẩu vụn của tình yêu còn lại sau chuyến du chơi ở Châu Âu, và thế là cả hai đều để cho ký ức cũ lôi cuốn, rồi làm lành với nhau mà thật lòng không muốn, rồi yêu nhau mà không nói ra lời, và kết thúc việc làm lành khi người mệt phờ vì tình yêu được thỏa mãn ngay ở trên sàn nhà tắm, người đầy bọt xà phòng, trong lúc đó vẳng đến tai họ lời bàn tán của các cô người ở từ ngoài nhà giặt: “Ông bà không có con nữa chẳng qua là vì ông bà không ăn nằm với nhau mà thôi.” Thỉnh thoảng thôi, sau khi từ một cuộc vui náo nhiệt trở về, nỗi hoài nhớ ẩn sau cánh cửa liền đánh họ ngã gục và thế là lại xảy ra một cuộc bùng nổ kỳ diệu trong đó tất cả lại một lần nữa như trước đây và trong vòng năm phút đồng hồ họ lại là những người yêu nhau sôi nổi trong tuần trăng mật.

Nhưng ngoài những dịp hiếm có ấy ra, một trong hai người lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi, cũng tỏ ra uể oải hơn người kia vào giờ đi ngủ. Cô cố kéo dài thời gian ở trong buồng tắm để cuộn điếu thuốc lá trong giấy thơm, rồi hút một hơi, và trong khi hút cô sống lại những tình cảm yêu đương được an ủi khi cô còn trẻ và tự do ngay trong nhà của mình, khi cô còn là chủ nhân duy nhất của thân xác mình. Bao giờ cô cũng kêu nhức đầu, kêu trời oi nóng, lúc nào cũng vậy, hoặc cô giả vờ đang ngủ, hoặc bảo rằng mình đang thời kỳ kinh nguyệt, lúc nào cũng kinh nguyệt. Cô cứ nói mãi như vậy đến mức bác sĩ Huyênna Ucbinô không chịu được và có lần ở ngay trên lớp học ngài nói rằng sau mười năm lấy chồng bọn đàn bà có kinh nguyệt tới ba lần trong một tuần. Ngài nói thế là để làm dịu nhẹ đi các cảm giác hậm hực trong lòng mình mà không thể tự thú được.

Bất hạnh chồng lên bất hạnh, trong nắm khốn quẫn nhất của cuộc đời mình Phecmina Đaxa buộc phải đối chọi với điều sớm hay muộn tất phải xảy ra: đó là sự thật về những chuyện buôn bán ma quái của cha mình mà chẳng bao giờ cô được biết. Nhà chức trách tỉnh này đã cho mời bác sĩ Huvênan Ucbinô đến văn phòng của mình để báo cho ngài biết chuyện chẳng lành đã xảy ra với ông bố vợ ngài, rồi quan tỉnh trưởng kết thúc gọn lỏn trong một câu: “Không có một luật lệ thiêng liêng và nhân hậu nào mà con người ấy không nắm vững”. Một số trong số những vụ việc nghiêm trọng nhất mà Lôrenxô Đaxa làm được là do ông ta đã nấp sau cái bóng quyền lực của người con rể và do đó thực khó mà tin rằng bác sĩ Huvênan Ucbinô và vợ lại không hay biết gì. Vì biết chắc rằng danh tiếng duy nhất có thể bảo vệ được ông bố vợ là danh tiếng của bản thân ngài, và nó là cái duy nhất đủ sức đứng vững được, ngài đã dùng toàn bộ sức nặng của quyền lực mình để tham gia vào việc bênh vực bố vợ và chỉ bằng lời nói danh dự ngài đã bưng bít cái vụ om xòm này. Vậy là Lôrenxo Đaxa đã đi khỏi thành phố ngay trên chuyến tàu thủy đầu tiên để không bao giờ trở lại. Ông trở về quê hương bản quán như một trong những hành khách từng thỉnh thoảng làm như vậy để đánh lừa tình cảm nhớ nhung quê hương và đằng sau cái hành động lừa dối kia có một cái gì đó thuộc về bản chất sự thật này: từ lâu nay ông vẫn thường trèo lên một chiếc tàu của quê hương để chỉ uống một cốc nước mát, được lấy từ những suối nguồn của quê mình. Ông ra đi mà không ngoắt tay lại, mà tự bào chữa rằng mình là kẻ vô tội, và vẫn cố thuyết phục chàng rể kia rằng ông chỉ là nạn nhân của một âm mưu chính trị mà thôi. Ông ra đi mà nước mắt lã chã rơi vì con bé, như lâu nay ông vẫn gọi Phecmina Đaxa như vậy kể từ sau khi cô cưới chồng, ông ra đi mà nước mắt lã chã rơi vì thằng cháu, vì mảnh đất này vốn là nơi giúp ông trở nên giàu có và tự do, là nơi ông giành được chiến tích biến con gái thành một mệnh phụ nổi tiếng trên cơ sở những cuộc thương lượng bẩn thỉu. Ông ra đi trong tình trạng già nua và bệnh hoạn nhưng ông còn sống dai hơn nhiều so với điều không một nạn nhân nào của ông dám mong ước. Phecmina Đaxa không thể ghìm được một tiếng thở dài nhẹ nhõm khi cái tin ông chết đến tai cô và cô cũng không để tang ông để khỏi phải trả lời người khác hỏi thăm. Nhưng trong vài tháng ròng cô khóc lóc với một nỗi giận dữ thầm lặng mà không biết vì sao. Khi cô đóng cửa buồng tắm lại để hút thuốc lá là lúc cô khóc thương cha mình.

Điều vô lý trong mối quan hệ của hai người trong những năm bất hạnh ấy là việc chưa bao giờ họ xuất hiện trước công chúng hạnh phúc đến thế. Bởi vì trên thực tế đó là những năm họ giành được những thắng lợi to lớn nhất đối với thói ganh ghét ngầm của xã hội thượng lưu vốn không chịu thừa nhận họ như thế: những con người trôi nổi và yêu thích cái mới lạ và do đó là những kẻ đã vi phạm lề lối cổ truyền. Tuy nhiên, cái cuộc sống ấy đối với Phecmina Đaxa lại có phần dễ dàng hơn cả. Cái cuộc sống trần tục của giới quý tộc từng gây bao ngỡ ngàng khi cô chưa quen với nó, chẳng qua chỉ là một hệ thống những luật lệ trói buộc, những nghi thức nhạt nhẽo, những lời nói sáo cũ và với hệ thống ấy mọi người trong giới quý tộc của mình làm vui lòng nhau để khỏi phải tự vẫn. Đặc trưng nổi bật của cái thiên đường phù phiếm mang tính chất tỉnh lẻ ấy là nỗi sợ những gì chưa được biết tới. Bằng một hình thức giản dị hơn cả, Phecmina Đaxa từng định nghĩa lối sống ấy như sau: “Vấn đề của cuộc sống xã hội là hãy rèn tập để tự chủ trước nỗi sợ sệt; vấn đề của cuộc sống vợ chồng là hãy rèn luyện để tự chủ trước nỗi buồn chán.” Cô phát hiện ra điều đó ngay lập tức kể từ khi cô bước vào phòng khánh tiết của Câu lạc bộ Xã hội, kéo theo sau một mình cái đuôi dài của cô dâu. Phòng khánh tiết hôm ấy lạ hẳn đi trong hương sắc của đủ loài hoa, trong tiếng nhạc van bừng sáng, và chật ních đám đàn ông đang vã mồ hôi hột và đám đàn bà run rẩy cho đến lúc ấy vẫn chưa biết vì sao bọn họ đã chiến thắng cái trò đe dọa mờ ám kia. Cô mới tròn hai mươi tuổi đời và hầu như chỉ ra khỏi nhà khi phải đến trường, thế mà chỉ cần đưa mắt nhìn khắp một lượt cô đã đủ hiểu rằng kẻ thù của mình không vì căm giận mà phải so vai rụt cổ lại mà chính vì sợ hãi mà phải đứng đần mặt ra. Đáng lẽ làm cho họ phải sợ hãi hơn, như cô đang ở trong trạng thái ấy, thì cô đã ban ân cho họ, giúp họ làm quen mình. Không một ai khác biệt với điều cô từng nghĩ phải như thế, như chính điều cô cảm thấy khi mình đứng trước các thành phố khác nhau, nghĩa là cô không thấy chúng đẹp hay là xấu mà cô chỉ việc ghi khắc hình ảnh chúng vào trong trái tim mình. Đối với Pari, bất chấp những cơn mưa dai dẳng dầm dề, bất chấp những người bán hàng lôi thôi lết thếch, bất chấp tính tình thô lỗ của những người lái xe của thành phố này, Pari buộc cô thường xuyên nhớ đến nó như một thành phố đẹp tuyệt trần, không chỉ vì trên thực tế nó có phải hay không phải là thế mà còn vì nó luôn luôn gắn bó với nỗi hoài nhớ những năm tháng hạnh phúc nhất của đời cô. Về phần mình, bác sĩ Huvênan Ucbinô đối chọi lại bằng những vũ khí được sử dụng thông minh hơn và với thái độ nghiêm chỉnh có tính toán kĩ. Không có gì xảy ra mà vắng mặt bọn họ: những cuộc diễu hành của dân chúng, các Dạ hội Thơ ca, những hoạt động nghệ thuật, các cuộc xổ số, các cuộc mít tinh ái quốc, chuyến du lịch đầu tiên trên bóng thám không. Bọn họ tham dự tất cả các hoạt động xã hội ấy và hầu như bao giờ cũng có mặt ngay từ lúc người ta có ý định tổ chức và cho đến khi chúng được thực hiện. Không một ai có thể nghĩ rằng trong những năm tháng bất hạnh của họ lại có một người nào đó hạnh phúc hơn bọn họ, lại có một cặp vợ chồng nào đó hòa thuận như vợ chồng họ.

Ngôi nhà người cha để lại đã cho Phecmina Đaxa một chỗ chạy trốn không khí ngột ngạt đến khó thở của tòa dinh thự nhà chồng. Ngay sau khi khuất được con mắt của đám đông, cô lẩn ngay vào công viên Lôt Evanhêliôt và ngay tại đây cô tiếp đón những người bạn gái mới cũng như cũ hồi đi học hay hồi ở nhà học vẽ tranh, đó là một nơi thay thế vô tư cho lòng bội tín. Cô sống những giờ dễ chịu của người mẹ son rỗi với tất cả những gì còn lại của tuổi ấu thơ. Cô lại mua những chú quạ hương, thu nhặt những con mèo hoang, và để cho Gala Plaxidia chăm nom. Gala Plaxidia là người mà lúc này đã già nua và chậm chạp bởi bệnh hen xuyễn, nhưng vẫn còn giàu nhiệt tình để sửa sang lại ngôi nhà. Cô lại mở cửa sổ phòng máy may là nơi Phlôrêntinô Arixa lần đầu tiên nhìn thấy cô và là nơi bác sĩ Huvênan Ucbinô bắt cô thè lưỡi ra để tìm hiểu trái tim cô và cô biến phòng này thành đền thờ của quá khứ của mình. Có một chiều đông, cô đi đóng cửa ban công, trước khi cái ban công này bị bão tố đánh đập, cô đã nhìn thấy Phlôrêntinô Arixa ngồi trên ghế đá dưới bóng cây hạnh đào ngoài công viên, mặc bộ quần áo của người cha được may lại và tay cầm quyển sách mở trang để phía trước mặt, nhưng cô không sợ rằng cái hình ảnh kia là điềm báo trước của cái chết. Cô dám mạnh dạn tự nói với lòng mình rằng có lẽ với anh mình sẽ có hạnh phúc, và chỉ hạnh phúc với anh thôi trong ngôi nhà kia mà cô với bao tình yêu thương từng sửa sang lại cho anh cũng như anh đã sửa sang lại ngôi nhà mình để cho cô, và chính cô tự cho phép mình hiểu lấy những điểm tận cùng của nỗi bất hạnh mà cô đã đi tới. Thế là cô lấy hết sức bình sinh và buộc người chồng phải tranh luận trực tiếp với mình chứ không được quanh co, phải mặt đối mặt với cô, phải đấu tranh với cô, phải cùng khóc với cô vì đã để mất thiên đường của ái tình, cho đến khi cả hai người cùng nghe tiếng gà gáy sáng cuối cùng, cùng nhìn thấy ánh sáng làm nổi rõ những đường viền của dinh thự, cùng nhìn thấy mặt trời lên. Lúc ấy người chồng mặt nở ra vì nói nhiều quá, người phạc phờ vì mất ngủ, với trái tim kiên cường hơn nhờ khóc lóc nhiều, đã buộc lại dây giày, thắt chiếc dây lưng, nghĩa là ngài thắt lại tất cả những gì thuộc về người đàn ông cần phải làm trước khi ra khỏi nhà, và ngài nói rằng: “Anh đồng ý, em thân yêu ạ, rằng chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm lại ái tình bị mất ở Châu Âu: ngay ngày mai và mãi mãi chúng ta phải tìm cho được cái tình yêu ấy”. Đó là một quyết định hết sức sáng tỏ đến mức ngài đi gặp ngay và thỏa thuận với nhà băng En Têxôrô việc bán đứt toàn bộ bất động sản của gia đình nhưng đã bị thất tán ngay từ những nguồn gốc của nó trong các cuộc mua bán, nhượng lại, và cả trong các văn tự, mà về thực chất giá trị của bất động này chỉ có ngài mới biết đích xác rằng vì nó không phải là kho của cải không thể tính xuể như người ta từng đồn đại mà thực ra nó chẳng đáng là bao để phải nghĩ nhiều. Số của cải ấy, thường được chuyển thành vàng và có lẽ đã được chuyển dần cho các nhà băng ở nước ngoài để đến mức hiện nay họ, ngài và vợ ngài, chẳng còn gì ngay cả ba thước đất chôn người chết cũng không có nốt.

Vậy là quả thật Phlôrêntinô Arixa vẫn tồn tại ngược hẳn với điều cô phỏng đoán. Anh đang đứng ở bến cảng có con tàu vượt đại dương của Pháp đậu khi cô cùng chồng và đứa con trai đi trên chiếc xe do những chú ngựa vàng kéo đến đây và anh nhìn thấy bọn họ xuống xe như bao lần anh từng nhìn thấy họ trong các hoạt động xã hội: nghĩa là rất đàng hoàng. Họ đi cùng đứa con trai được giáo dưỡng theo kiểu mà qua đó cho phép ta nhận ra nó sẽ phải như thế nào khi ở tuổi trưởng thành: Nghĩa là nó sẽ phải như thế nào. Bác sĩ Huvênan Ucbinô vui vẻ vẫy mũ chào Phlôrêntinô Arixa và nói: “Chúng tôi đi Phần Lan đây”. Phecmina Đaxa gật đầu chào anh. Phlôrêntinô Arixa nhận ra cô chào mình và anh cũng khẽ ra hiệu chào cô. Phecmina Đaxa để ý tới anh mà không hề động lòng trắc ẩn trước những biểu hiện quá sớm của việc anh sẽ hói đầu. Đúng là anh rồi, y hệt như điều cô từng nhận ra anh: một cái bóng của một người nào đó mà cô chưa bao giờ quen biết cả.

Phlôrentinô Arixa cũng đang ở trong thời kỳ vất vả. Hiện nay anh đã đi tới sự bình lặng hoàn toàn của người có tuổi, đã chán ngấy công việc của kẻ đi săn trộm, đã phải làm việc ngày càng căng thẳng hơn và hơn thế nữa anh phải lo sức khỏe của Tranxitô Arixa hiện đang suy sụp nghiêm trọng: bà cụ hầu như không còn nhớ được gì nữa, trí nhớ của bà đã bị xóa nhòa hoàn toàn. Ngay cả khi đôi lúc bà cụ quay về phía anh ngồi trên ghế xích đu đang đọc sách và bà cụ ngạc nhiên hỏi anh: “Anh là con ai vậy?”. Anh bao giờ cũng trả lời rất thật thà nhưng bà cụ lại cắt ngang câu trả lời của anh và hỏi ngay:

– Con yêu, con hãy nói cho mẹ biết, – bà cụ nói. – Ta là ai vậy?

Bà cụ béo phì ra rất nhiều đến mức không thể đi lại được và cả ngày ngồi ở cửa hàng mà giờ đây chẳng còn gì để bán, cứ việc trang điểm cho bản thân suốt từ lúc gà gáy sáng lần đầu cho đến tận khuya ngày hôm sau, vì trên thực tế cụ ngủ được rất ít. Bà cụ tự đội lên đầu mình chiếc miện có cài hoa giấy, rồi tô môi son, thoa phấn lên mặt và hai cánh tay, và cuối cùng bà cụ sẽ hỏi bất cứ người nào ở gần mình rằng thấy mình thế nào. Những người hàng xóm biết rằng bà cụ đang đợi chỉ một câu trả lời thường xuyên: “Cụ là Curacachita Mactinêt”. Sự đồng nhất này, lấy tích từ một nhân vật trong một truyện thiếu nhi, là cái duy nhất khiến bà cụ hài lòng. Cụ ngồi trên ghế xích đu mà đung đưa, lấy chiếc quạt lông hồng mà quạt cho mình, cứ thế cho đến khi bà cụ lại làm công việc thường ngày của mình: Lại đội lên đầu chiếc miện gài hoa giấy, lại tô môi, kẻ mày, thoa phấn trên mặt. Lại một lần nữa bà cụ hỏi người đúng bên cạnh: “Thấy tôi thế nào hả?”. Khi bà cụ biến thành mụ hoàng hậu gây cười cho hàng xóm, trong một đêm Phlôrêntinô Arixa cho phá đi quầy bán hàng, tủ trưng bày hàng hóa ở cửa hàng cũ, bịt kín cửa ăn thông ra đường phố, và sửa sang nó theo đúng như phòng ngủ của Cucarachita Mactinêt mà anh đã nghe thấy bà cụ thường miêu tả, rồi từ độ ấy trở đi không bao giờ nghe thấy cụ hỏi mình là ai nữa.

Theo yêu cầu của ông chú Lêông XII, Phlôrêntinô Arixa đã thuê một người đàn bà có tuổi chăm nom bà cụ, nhưng cụ già đáng thương thường ngủ nhiều hơn thức và đôi lúc còn cho ta cảm giác chính cụ đã quên mình là ai. Do đó Phlôrêntinô Arixa ở nhà kể từ lúc đi làm về cho đến khi dỗ được bà cụ ngủ. Anh không đến Câu lạc bộ Thương mại để chơi đôminô và bẵng đi một thời gian khá lâu anh cũng chẳng thăm những người bạn gái quen biết trước đây anh vẫn thường đến với họ, bởi vì trong trái tim anh đã có một cái gì đó thay đổi sâu sắc kể từ cuộc gặp gỡ đáng sợ với Ôlimpia Xulêta.

Đó là cuộc gặp gỡ nguy hiểm. Phlôrêntinô Arixa vừa đưa ông chú Lêông XII về nhà trong lúc một trong số những cơn giông tháng mười thường buộc chúng ta phải nghỉ việc đang thổi rất mạnh, và từ trên xe anh nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai, mặc một bộ váy áo diện như váy áo của cô dâu. Anh nhìn thấy cô lảo đảo chạy bên này sang bên kia vì gió mạnh đang thổi phồng chiếc ô trên tay cô như đang định cuốn cô ra biển. Anh đưa cô lên xe và cho xe chạy về thẳng nhà cô, một ngôi nhà cũ được sửa sang chắc chắn có thể sống trong nó, mặt đối mặt với biển. Trong sân nhà đầy những chuồng chim bồ câu có thể được nhìn thấy rõ ngay từ ngoài đường cái. Ở trên xe cô ta kể cho anh biết rằng cô ta đã lấy chồng được gần một năm nay. Chồng cô là một anh nông dân chuyên đi buôn chuyến mà Phlôrêntinô Arixa vẫn thường thấy nhiều lần trên các tàu thủy của hãng mình, người vẫn bốc lên bờ những chiếc hòm đựng đủ loại hàng hóa và cả một thế giới chim bồ câu nhốt trong một cái lồng có lưới vây kín chung quanh như loại lồng mà các bà mẹ vẫn nhốt trẻ sơ sinh mỗi bận phải đi lại trên tàu thủy. Dường như Ôlimpia Xulêta là con gái một gia đình nuôi ong. Nhận xét đó không chỉ bắt nguồn từ bộ mông vổng và eo lưng thắt đáy của cô mà còn bởi toàn bộ con người cô: Bộ tóc quăn màu đồng hun, nước da rám nắng, đôi mắt tròn và tươi tắn hơi khác thường một chút, một giọng nói trong trẻo dường như chỉ được dùng để nói những điều thông minh, ý nhị và vui vẻ. Phlôrêntinô Arixa cảm thấy cô là một người con gái ý nhị hơn là người con gái hiếu động và anh quên ngay cô sau khi đã đưa cô về đến nhà, là nơi cô chung sống với người chồng, ông bố chồng và một số thành viên khác của gia đình.

Mấy ngày sau, Phlôrêntinô Arixa gặp người chồng ở bến cảng đang bốc hàng lên tàu, và khi con tàu nhổ neo, anh nghe rõ trong tai mình có tiếng nói của quỷ dữ. Chiều ấy, sau khi đưa ông chú Lêông XII về nhà, anh giả tảng như là mình ngẫu nhiên cho xe chạy qua nhà Ôlimpia Xulêta và anh nhìn thấy cô đang cho bồ câu ăn ở phía trong hàng rào. Từ trên xe anh gào lên gọi cô gái: “Bao nhiêu tiền một con bồ câu đấy?”. Cô ta nhận ra anh và trả lời bằng giọng nói vui vẻ: “Không bán đâu”. Anh hỏi tiếp: “Làm thế nào để có một con bây giờ?”. Vẫn không ngừng tay cho chim ăn, cô trả lời anh: “Đưa cô gái nuôi bồ câu đi trên xe khi cô ta gặp mưa giữa đường!”. Vậy là đêm ấy anh trở về với tặng vật của Ôlimpia Xulêta: một con bồ câu đưa thư trong nách cánh có sẵn một chiếc vòng kim loại.

Trước
image
Chương 30
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!