Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 31
Trước
image
Chương 31
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

Chiều hôm sau, vào đúng giờ cho chim ăn, cô gái xinh đẹp nuôi bồ câu ấy lại nhận thấy con bồ câu đã làm quà tặng anh mà hiện nay đang có mặt ở chuồng và cô nghĩ rằng chắc là nó trốn về đây. Nhưng khi cô bắt đầu lấy nó khám kĩ thì thấy nó mang theo một mẩu giấy cuốn quanh vòng kim loại: Một lá thư tỏ tình. Đó là lần đầu tiên Phlôrêntinô Arixa đã để lại chứng tích trên thư từ và đây chẳng phải là lần cuối cùng, mặc dù trong trường hợp này anh thận trọng không ký tên. Buổi chiều hôm sau, ngày thứ tư, đang lúc bước vào trong nhà mình thì một kẻ không quen đưa cho chính anh con bồ câu ấy nhốt trong một cái lồng và nói lời nhắn mà anh đã thuộc lòng: “Cô nuôi chim bồ câu gửi cho ông cái lồng chim này đây và cô ấy nhờ cháu nói lại với ông rằng ông hãy làm ơn đóng kín cửa chiếc lồng lại kẻo con bồ câu này lại bay mất và đây là lần chót mà cô ấy gửi trả cho ông đấy!”. Anh thật không biết giải thích như thế nào về hiện tượng này: Hoặc giả là con chim bồ câu ấy đã đánh rơi mất thư trên đường bay về nhà, hoặc giả cô gái nuôi chim bồ câu lại làm ra vẻ ngây thơ, hoặc giả chính cô ta gửi cho anh con bồ câu này để anh lại gửi thư cho cô. Tuy nhiên, trong trường hợp sau cùng này lẽ tự nhiên cô ta có thể gửi trả con bồ câu cùng với bức thư trả lời.

Buổi sáng ngày thứ bảy, sau khi suy nghĩ lao lung, Phlôrêntinô Arixa lại cho con bồ câu mang bức thư không ký tên bay về nhà chủ. Lần này anh chẳng phải đợi sang ngày hôm sau. Buổi chiều, chính thằng bé ấy mang đúng con bồ câu ấy nhốt trong lồng khác mang đến cho anh cùng với lời nhắn nhủ của cô nuôi chim bồ câu rằng đây cô ấy trả lại cho ông con bồ câu đã xổng chuồng bay về, rằng lần trước cô gửi trả vì cô là người được giáo huấn tử tế, lần này gửi trả là vì cô thương hại ông, nhưng nếu ông lại để nó xổng, cô sẽ không trả lại nữa đâu, thật đấy. Tranxitô Arixa vui chơi với con bồ câu mãi đến khuya, bà cụ bắt nó ra khỏi chuồng, bế nó trong hai cánh tay và cố lòng ru nó ngủ bằng những bài hát ru con và bỗng nhiên bà cụ phát hiện ra trên vòng đeo ở cổ chân con vật có một mẩu giấy ghi đúng một dòng chữ: Em không nhận những bức thư nặc danh. Phlôrêntinô Arixa đọc bức thư ấy mà tim anh đập rộn ràng như thế đó là đỉnh cao của cuộc mạo hiểm đầu tiên của mình và đêm ấy hầu như anh không thể ngủ được, nằm trên giường mà người cứ trăn trở đầy xao xuyến. Sáng tinh mơ ngày hôm sau, trước khi đi làm, anh thả con bồ câu mang theo một phong thư tình có ký rõ tên anh và ngoài ra, trên vòng chân con vật anh còn đeo thêm một bông hồng tươi tắn, đỏ thắm nhất, thơm nhất trong vườn nhà mình.

Cuộc săn đuổi ái tình này cũng chẳng dễ dàng gì. Sau ba tháng bị săn đuổi ráo riết, cô gái xinh đẹp nuôi chim bồ câu vẫn chỉ nói một điều duy nhất: “Em không thuộc số những cô gái ấy”. Nhưng không bao giờ cô không nhận thư tình của anh cũng chẳng bao giờ để lỡ những cuộc hẹn hò mà Phlôrêntinô Arixa sắp đặt như những cuộc gặp gỡ vô tình giữa hai người. Lúc nào anh cũng đóng vai người xa lạ: Người yêu chẳng bao giờ ra mặt, người rất nhiệt tình đối với tình yêu nhưng đồng thời cũng là người tầm thường nhất, người không cho phép bất kỳ ai để lại trong trái tim anh một dấu ấn của mối tình giữa hai người, kẻ đi săn lén lao ra đường chơi hết mình với sự lôi cuốn của những phong thư tình có ký tên rõ ràng, với những tặng vật lộng lẫy, với những cú mạo hiểm thiếu thận trọng để mò tới nhà người đàn bà nuôi chim bồ câu, ngay cả trong hai trường hợp người chồng không đi chợ và cũng chẳng đi xa. Kể từ những ngày đầu tiên của kẻ đi săn lén, đây là lần duy nhất anh cảm thấy mình bị mũi tên của thần ái tình xuyên qua trái tim mình.

Sáu tháng sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, bọn họ lại gặp nhau trong một buồng giường nằm của một chiếc tàu thủy đậu tại cảng đang trong quá trình sơn lại. Đó là một buổi chiều kỳ diệu. Ôlimpia Xulêta có một tình yêu rất vui vẻ, nó tựa như tình yêu của con bồ câu mái đang gù trống, và cô thích được khỏa thân hoàn toàn vài giờ trong một sự nghỉ ngơi kéo dài mà đối với cô nó cũng nồng say như tình yêu vậy. Phòng giường nằm đang được sửa lại, đang sơn dở, và cái mùi sơn kia thật tuyệt để cô gái mãi mãi khắc họa buổi chiều hạnh phúc này trong ký ức của mình. Bỗng nhiên thể theo những đòi hỏi của một ý nghĩ bất chợt đến với mình, Phlôrêntinô Arixa mở nắp một hộp sơn đỏ ở ngay trong tầm tay, rồi anh lấy ngón tay trỏ quẹt sơn vẽ trên mu… của người đàn bà nuôi chim bồ câu một mũi tên đỏ màu máu chỉ về phía hạ bộ và viết một dòng chữ: Cái con người này là của anh. Ngay chính đêm ấy, Ôlimpia Xulêta khỏa thân trước mắt người chồng mà không nhớ hàng chữ ấy, còn anh chồng chẳng nói một lời, cũng chẳng thay đổi thái độ, anh ta chẳng thể hiện sự khó chịu gì hết, mà chỉ lẳng lặng đi vào nhà tắm tìm con dao cạo râu trong lúc cô mặc chiếc áo ngủ và thế là anh ta dùng con dao ấy cứa một nhát vào cổ người đàn bà đẹp nuôi chim bồ câu.

Phlôrêntinô Arixa không biết chuyện ấy mãi đến những ngày sau khi người chồng chạy trốn bị bắt lại và y đã nói rõ lý do cũng như hình thức gây tội ác của y trước các nhà báo. Trong rất nhiều năm, Phlôrêntinô Arixa vẫn còn sợ hãi khi nghĩ đến những bức thư tình có ký tên rõ ràng, anh tính từng năm người chồng phải ngồi tù, người mà anh biết rõ ràng qua những chuyến đi buôn trên tàu thủy của hãng mình. Nhưng thực lòng anh không sợ con dao cạo cứa vào cổ cũng như vụ tai tiếng vừa rồi bằng việc anh sợ cái sự kiện không may này: Phecmina Đaxa biết chuyện anh không chung thủy với mình. Trong những năm chờ đợi, người đàn bà có tuổi chăm nom Tranxitô Arixa phải ở lại chợ quá lâu so với giờ định trước do bị một cơn mưa rào không đúng mùa bất thình lình trút xuống và khi về đến nhà thì thấy cụ Tranxitô Arixa chết rồi. Cụ ngồi trên ghế xích đu, đầu đội chiếc vương niệm cài hoa giấy, mặt được điểm son phấn, như lâu nay cụ vẫn làm thế, với đôi mắt rất sống động và một nụ cười rất ranh mãnh đến mức người đàn bà trông nom cụ không nhận ra rằng cụ đã chết vừa được hai giờ đồng hồ. Trước đó ít lâu cụ đã chia cho đám trả con hàng xóm kho của cải của mình gồm vàng và đá quý được chôn cất dưới gầm giường. Cụ bảo chúng rằng đây là những thứ có thể ăn như kẹo và do đó Phlôrêntinô Arixa không thể thu hồi lại được một thứ gì trong số những thứ quý giá nhất. Phlôrêntinô Arixa chôn cụ tại điền trang cũ mệnh danh là Nghĩa trang Thổ tả và anh trồng trên mộ cụ một khóm hồng.

Ngay từ những chuyến viếng thăm nghĩa trang đầu tiên, Phlôrêntinô Arixa phát hiện ra rằng cạnh mộ mẹ mình là mộ Ôlimpia Xulêta, không có bia mộ, nhưng tên và ngày chết của cô được ai đó dùng ngón tay viết trên thành mộ khi xi măng còn ướt và anh ghê rợn mà nghĩ rằng đó là một sự cười cợt đẫm máu người chồng. Khi cây hồng trên mộ mẹ trổ hoa, anh hái một bông để lên mộ cô, trong trường hợp anh không thấy có ai ở bên cạnh, rồi sau đó anh tỉa một nhánh hồng ở mộ mẹ mang sang trồng ở mộ cô. Cả hai khóm hồng này sinh sôi nẩy nở rất nhanh đến mức Phlôrêntinô Arixa phải mang kéo và một số cọc sắt ở vườn nhà đến để tỉa cành và chống đỡ cho cây mọc ngay thẳng. Nhưng hai khóm hồng này phát triển nhanh và mạnh vượt ra ngoài sức lực của anh: chỉ mấy năm sau khi anh trở lại thăm, hai khóm hồng này đã mọc lan ra tựa như cây cỏ hoang dại trùm kín cả hai ngôi mộ. Và cái nghĩa trang chuyên dùng để chôn người chết trong nạn dịch tả, kể từ dạo ấy trở đi, được gọi tên là nghĩa trang Hoa Hồng, cho đến khi có một vị thị trưởng nào đó, người kém phần thực tế hơn là sự thông thái của nhân dân, chỉ trong một đêm đã cho trồng hoa hồng trên khắp nghĩa trang này, và ở ngay cổng và ngài cho treo một tấm biển: Nghĩa trang Đại đồng.

Cái chết của bà mẹ để lại Phlôrêntinô Arixa một lần nữa lao vào những công việc đầy hứng thú của mình: Công việc ở văn phòng, những cuộc gặp gỡ theo thứ tự chặt chẽ với các cô nhân tình thường ngày của mình, những ván cờ đôminô ở Câu lạc bộ Thương mại, những cuốn sách tình, những chuyến viếng thăm nghĩa trang ngày chủ nhật. Đó là sự ôxy hóa của thói quen, rất buồn tẻ và rất đáng sợ, nhưng nó lại che chở anh khỏi nỗi lo lắng về tuổi tác của mình. Tuy nhiên, có một ngày chủ nhật trong tháng chạp, khi những khóm hồng trên hai ngôi mộ mọc um tùm giao cành sang nhau, anh nhìn thấy những con chim họa mi đậu trên hàng dây điện đèn vừa được mắc xong, và bỗng anh nhận ra rằng biết bao thời gian đã qua đi kể từ ngày bà mẹ mất, biết bao thời gian đã qua đi kể từ cái buổi chiều tháng chạp mà Phecmina Đaxa gửi cho anh một bức thư nói rằng vâng, rằng cô yêu anh mãi mãi. Cho đến tận lúc ấy anh đã hoạt động như thể thời gian không qua đi với bản thân mình mà chỉ qua đi với những người khác. Ngay như cái tuần trước đây, anh gặp lại một trong những cặp vợ chồng lấy nhau nhờ có những bức thư tình anh viết hộ và anh đã không nhận ra đứa con lớn, vốn là con đỡ đầu của anh. Thế là anh tự che giấu nỗi ngượng ngùng của bản thân bằng một câu nói tỏ ý đầy thán phục: “Chao ôi, lớn quá nhỉ, người lớn rồi còn gì nữa!”. Anh luôn luôn như vậy mặc dù cơ thể anh đã để lộ những dấu hiệu của tuổi già đáng phải lo ngại, bởi vì lúc nào anh cũng có cái sức khỏe bền như lim của những người không hay ốm. Tranxitô Arixa vẫn thường bảo: “Cái bệnh duy nhất mà con trai tôi mắc phải ấy là bệnh thổ tả”. Dĩ nhiên bà cụ đã nhầm lẫn giữa bệnh thổ tả với tình yêu ngay từ trước khi trí nhớ của bà cụ bị giảm sút. Nhưng dù sao đi nữa, bà cụ vẫn cứ nhầm to, vì con trai cụ đã sáu lần bị bệnh lậu rồi, nếu như viên thầy thuốc nói rằng không phải là sáu mà đúng hơn chỉ là một bệnh ấy thôi và cái bệnh này xuất hiện lại sau mỗi khi anh bị thất bại. Ngoài ra anh đã một lần bị bệnh sưng bạch hạch, lần đầu bị bệnh sa đì, và sáu lần bị bệnh eczêma, nhưng cả anh và cả những người khác đều không xem chúng như là bệnh tật mà lại coi chúng như là những chiến công.

Vừa lúc bốn mươi tuổi anh đã phải đến thầy thuốc nhờ ông ta khám bệnh vì anh thấy người mình cứ mỏi nhừ. Sau khi khám xét kĩ càng, người thầy thuốc bảo anh: “Chẳng có bệnh tật gì cả. Những thứ đau này chẳng qua do tuổi tác mà thôi.” Anh trở về nhà mà chẳng bao giờ tự hỏi xem lời phán định của thầy thuốc có liên quan gì tới mình không. Bởi điều duy nhất đáng phải lưu ý của quá khứ đời anh là những năm tháng đẹp đẽ sống trong tình yêu thuở ban đầu với Phecmina Đaxa và chỉ những gì có liên quan đến cô mới liên quan đến cuộc đời anh. Do vậy mà cái buổi chiều anh nhìn họa mi đậu trên dây điện đèn, anh đã điểm duyệt lại quá khứ của mình kể từ ký ức xa xưa nhất, điểm duyệt lại vô vàn những mối nguy hiểm mà anh phải vượt qua để đạt tới địa vị lãnh đạo hiện nay trong hãng tàu thủy, điểm duyệt lại những sự kiện không thể đếm được từng xui khiến anh đi đến cái quyết định mạnh mẽ: bất chấp tất cả, anh sẽ làm hết sức mình để Phecmina Đaxa là của anh và anh là của cô, và chỉ đến lúc này anh mới nhận ra rằng anh đã để cho cuộc đời của mình trôi đi. Một cơn rùng mình lạnh buốt xương sống làm tối sầm mắt anh lại và anh buộc phải buông chiếc cưa của người làm vườn ra và vội bám vào tường thành nghĩa trang để cho cú đạp đầu tiên của tuổi già không quật ngã mình.

– Của khỉ, – anh hoảng hốt kêu – thế mà đã ba mươi năm rồi!

Quả thế thật. Dĩ nhiên đó cũng là ba mươi năm đã qua đi đối với Phecmina Đaxa, nhưng đối với cô, chúng là những năm tháng êm đẹp của đời mình. Những ngày kinh sợ trong dinh thự Casanđuêrô đã chìm sâu xuống đáy sọt rác của ký ức rồi. Cô sống trong ngôi nhà mới của mình ở La Mănga, hoàn toàn làm chủ số phận mình, với một ông chồng mà cô lại yêu thích hơn trong số những người đàn ông thuộc cõi đời này nếu cô phải chọn lựa lần nữa, với một đứa con trai đang theo học trường y để tiếp nối truyền thống của gia đình và một cô gái giống hệt cô khi cô ở tuổi nó, đến mức đôi lần cô nao núng bởi cảm giác mình đang được lập lại ở chính cô con gái này. Kể từ sau chuyến du lịch bất hạnh từng được dự tính trước để không bao giờ trở lại sống trong nỗi hoang loạn thường xuyên, đã ba lần cô du chơi sang Châu Âu.

Cuối cùng có lẽ Thượng đế đã nghe thấy trong lời cầu nguyện của một người nào đó: Phecmina Đaxa và bác sĩ Huvênan Ucbinô sống ở Pari được hai năm, khi mà bọn họ vừa mới bắt đầu tìm kiếm cái còn sót lại của tình yêu trong đống đổ vỡ thì có một bức điện khẩn cấp đến vào nửa đêm đã đánh thức họ dậy. Bức điện báo cho họ biết tin rằng bà cụ Blăngca đang bị ốm nặng và ngay sau đó họ lại nhận tiếp bức điện nữa báo tin cụ đã tạ thế. Bọn họ trở về ngay tức khắc. Phecmina Đaxa bước xuống cầu tàu trong chiếc tunica rộng thùng thình đượm màu tang tóc mà độ rộng của nó vẫn không đủ che kín cái bụng lùm lùm của cô. Quả nhiên, lại một lần nữa cô có thai, và cái tin cô có thai lại là khởi hứng cho một bài hát trong suốt năm đó: Điều gì xảy ra với người đẹp ở Pari mà sao cứ mỗi bận trở về đều mang thai sắp đẻ. Bất chấp tính chất suồng sã của lời văn, bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn ra lệnh cho người ta hát nó trong các buổi dạ hội tại Câu lạc bộ Xã hội mãi cho đến những năm sau này, coi đó như một bằng chứng về tinh thần vui vẻ của ngài.

Dinh thự quý báu của Hầu tước Casanđuêrô, mà về tầm rộng lớn và vinh quang của nó không bao giờ có được tin tức chính xác, được bán lần đầu với giá phải chăng cho Ngân quỹ thành phố và sau này được bán lại cho chính phủ trung ương với một giá cực hãi, khi một nhà nghiên cứu người Hà Lan đang đào bới để chứng minh rằng dưới dinh thự này là một ngôi mộ đích thực của Crixtôp Côlông: ngôi mộ thứ năm của Đại đô đốc. Những chị em gái của bác sĩ Huvênan đã vào sống trong tu viện của các nữ tu dòng Phranxixcô để Salê, họ bị buộc phải tu kín và Phecmina Đaxa ở lại nhà cũ của cha để cho đến khi nhà số năm ở phố La Măngga được mua bán xong. Bà dõng dạc bước vào ngôi nhà mới, bước vào để sai phái, và dọn về đây những bàn ghế giường tủ sản xuất tại Anh quốc được mua về từ chuyến du lịch đầu tiên sang Châu Âu, chuyến đi thưởng ngoại tuần trăng mật, và các đồ nội thất cần phải bổ sung được mang về sau chuyến du chơi ở Châu Âu để củng cố tình yêu của hai người, rồi ngay từ ngày đầu bà đã bắt đầu để ở khắp nơi trong khu nhà những con vật lạ mà bà từng trèo lên các con tàu thuộc vùng Caribê để mua. Bà bước vào ngôi nhà với người chồng vừa giành lại được, với thằng con trai được nuôi dưỡng chu đáo với đứa con gái sinh nở sau bốn tháng vợ chồng họ từ Châu Âu trở về và nó được đặt tên là Ôphêlia. Về phần mình, bác Huvênan Ucbinô hiểu rằng thật là khó lòng giành lại người vợ hoàn hảo như người vợ trong chuyến du chơi sang Châu Âu để hưởng tuần trăng mật bởi vì phần tình yêu mà ngài muốn được tận hưởng lại là cái phần bà dành cho các con, nhưng bà đã rèn luyện để sống và hạnh phúc với những gì còn lại. Sự hòa thuận bấy lâu từng ao ước rất nhiều nay bỗng nhiên đạt được ở ngay nơi không ai nghĩ tới: ở ngay bữa cơm tối thịnh soạn có một bát canh ngon và Phecmina Đaxa không biết là thứ gì. Bà bắt đầu ăn rất ngon miệng, bà rất thích đến mức người ta bưng lên hầu bà bát thứ hai và bà lấy làm phiền lòng vì theo phép lịch sự không thể ăn tới bát thứ ba khi bà biết rằng mình vừa ăn hết hai bát canh cà đầy với tất cả niềm thích thú. Bà không còn sợ cà nữa và từ độ ấy trở đi, tại ngôi nhà số năm phố Măngga, người ta lại ăn cà dưới mọi hình thức chế biến và hầu như ăn thường xuyên như hồi còn sống tại dinh thự Casanđuêrô, và cà là món ăn được mọi người rất ưa thích đến mức trong những giờ rảnh rỗi của tuổi già bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng ngài muốn có thêm một đứa con gái nữa để đặt cho nó cái tên mà cả nhà yêu thích: Bêrênhêna Ucbinô

Lúc ấy Phecmina Đaxa hiểu rằng, ngược lại với cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình rất quanh co và không thể nhìn rõ được. Đối với bà thật khó mà thiết lập được những sự khác nhau thực tế giữa trẻ em và người lớn, nhưng trong những phân tích cuối cùng bà vẫn thích trẻ em hơn bởi vì chúng có quan điểm rõ ràng hơn. Hầu như vừa bước sang tuổi trưởng thành, bị tước hết mọi ảo tưởng, bà bắt đầu nhìn rõ cái nhàm chán của cuộc đời vốn không chỉ là những niềm mơ ước trong tuổi thanh xuân, cái thời ở công viên Lôt Êvănghêliôt, chẳng bao giờ được thực hiện mà nó còn là một cái gì đó bà chẳng bao giờ dám nói ngay với chính mình: bà chỉ là một người hầu gái sang trọng. Ở ngoài xã hội bà đã trở thành một mệnh phụ đươc yêu quý, được kính trọng nhất, đồng thời cũng là một mệnh phụ đáng sợ hơn cả, nhưng trong gia đình bà chẳng là gì hết ngoại trừ điều người ta đòi hỏi bà nhiều hơn và không tha thứ cho bà trong công việc nội trợ nếu như có sơ suất. Lúc nào bà cũng sống một cuộc đời phụ thuộc vào người chồng: là người có quyền tuyệt đối của một vương quốc rộng lớn của niềm hạnh phúc được ngài xây dựng lên và cái niềm hạnh phúc ấy bao giờ cũng dành riêng cho ngài. Bà biết rõ rằng ngài yêu mình sâu sắc nhất, yêu mình hơn bất kỳ ai trên cõi đời này nhưng bà chỉ là của riêng ngài mà thôi: yêu bà để bà tận tụy hầu hạ ngài.

Trước
image
Chương 31
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!