Hầu như lúc nào ông cũng nhìn thấy Phecmina Đaxa, người vẫn đi bên chồng trong không khí hoàn toàn hòa thuận, và cả hai cùng hoạt động trong khung cảnh của chính mình, với một thái độ dịu dàng kín đáo của người Xiêm thường chỉ khó chịu khi cả hai cùng chào ông. Quả thật, bác sĩ Huvênan Ucbinô bắt chặt tay ông và đôi lần còn tự cho phép mình vỗ vai ông. Ngược lại, bà luôn luôn giữ thái độ thờ ơ lãnh đạm và không bao giờ có một cử chỉ nhỏ cho phép ông hiểu rằng mình nhớ ra ông từ cái thuở còn con gái chưa chồng. Hai người, ông và bà, sống ở hai thế giới khác nhau, nhưng trong lúc ông làm hết sức mình để rút ngắn khoảng cách thì bà lại càng cố tránh xa hơn. Cứ thế họ để cho thời gian trôi đi rất nhiều trước khi ông dám mạnh dạn nghĩ rằng cái thái độ thờ ơ lãnh đạm kia chẳng qua chỉ là một cái vỏ bọc để chống lại nỗi sợ hãi mà thôi. Bỗng nhiên ông nẩy ra ý nghĩ phải tổ chức thật trọng thể lễ đặt tên cho con tàu thủy chạy đường sông được xưởng đóng tàu địa phương đóng lấy và buổi lễ này cũng là dịp đầu tiên để ông Phlôrêntinô Arixa, đứng ra giới thiệu ông chú Lêông XII là Phó chủ tịch thứ nhất của Hàng Tàu thủy Caribê. Sự trùng hợp này đòi hỏi một buổi lễ đặc biệt trọng thể và sẽ mời tất cả những ai có địa vị và danh tiếng trong đời sống chung của thành phố này.
Phlôrêntinô Arixa đang săn sóc các tân khách của mình trong phòng khách chính của con tàu vẫn thơm mùi sơn mới và mùi nhựa đường thì bỗng nhiên vang lên những tràng vỗ tay và tiếng reo hò chào mừng khách quý tại các cầu cảng. Ban nhạc cử các bản nhạc hành khúc. Ông phải cố ghìm lại cảm xúc bủn rủn rất quen thuộc trong mình khi nhìn thấy người đàn bà đẹp mình hằng mong ước khoác tay chồng, rất lộng lẫy trong tuổi trưởng thành, đi như một nữ hoàng diễu qua trước hàng quân danh dự mặc đồng phục, dưới làn mưa hoa mà người ta đứng trên các tầng cao ném qua cửa sổ chào mừng bà. Hai vợ chồng vẫy tay đáp lại những tràng vỗ tay sôi nổi. Riêng bà lại quá ngây ngất đến mức người ta tưởng bà là người duy nhất trong đám đông mặc toàn một màu vàng của hoàng gia: vàng trên đôi giày cao gót, vàng trên cái đuôi chồn khoác quanh cổ, vàng trên chiếc mũ hình quả chuông.
Phlôrêntinô Arixa, cùng với các vị chức sắc địa phương, đón họ ở cầu tàu trong khung cảnh ồn vang tiếng nhạc hành khúc, tiếng pháo nổ giòn và ba hồi còi đinh tai kéo dài của con tàu khiến cầu cảng đẫm hơi nước. Bác sĩ Huvênan Ucbinô chào hàng người đứng đón mình với vẻ tự nhiên rất đặc trưng của ngài từng khiến mỗi người đều tưởng rằng mình được ngài yêu quý đặc biệt: trước hết là viên thuyền trưởng mặc đại lễ, là đức giám mục, sau đó là quan tỉnh trưởng và phu nhân, ngài thị trưởng thành phố với phu nhân, và sau cùng là viên đồn trưởng vốn là người vùng núi Anđêt vừa mới tới nhận chức. Sau hàng quan chức địa phương đến Phlôrêntinô Arixa, người mặc áo dạ sẫm màu, gần như bị chìm đi trong đám quan khách sang trọng. Sau khi chào viên đồn trưởng, Phecmina Đaxa dường như đang lưỡng lự trước bàn tay chìa ra của Phlôrêntinô Arixa. Vị sĩ quan này, đang định giới thiệu hai người với nhau, đã hỏi bà có quen biết ông không. Bà không nói rằng có cũng không nói rằng không mà chìa bàn tay mình ra cho Phlôrêntinô Arixa với nụ cười rất xã giao. Điều đó trong quá khứ đã xảy ra hai lần và có lẽ còn xảy ra nhiều lần nữa và Phlôrêntinô Arixa luôn luôn đồng nhất nó với cách cư xử rất đặc trưng cho cá tính của Phecmina Đaxa. Nhưng chiều ấy với khả năng tưởng tượng vô tận, Phlôrêntinô Arixa tự hỏi lòng mình rằng một sự lãnh đạm thờ ơ được duy trì quá mức lẽ nào lại chẳng phải là một sự lảng tránh để làm dịu nhẹ cơn bão lòng đang vần tụ trong tâm hồn bà.
Chỉ một ý nghĩa ấy thôi đã khiến lòng dạ Phlôrêntinô Arixa rộn ràng những tình cảm yêu đương tha thiết. Ông lại dạo quanh khu phố của Phecmina Đaxa với chính mình những nỗi niềm khao khát từng có trong những năm xa xưa ở vườn hoa Lôt Êvănghêliôt, nhưng không với ý định được dự tính trước cốt để bà nhìn thấy mình, mà định duy nhất cốt nhìn thấy à để biết rằng bà vẫn còn sống trên thế gian này. Đối với công việc qua lại nơi đây bây giờ thật khó lòng mà tránh được con mắt thiên hạ. Khu phố của Phecmina Đaxa ở trên một cù lao gần như là hoang vắng, biệt lập với thành phố cổ kính bởi một con mương nước xanh lè, và nó được một rừng dừa hoang che kín vốn là những cái ổ lý thú cho các đôi nhân tình vui thú vào các ngày chủ nhật suốt trong thời kỳ Thuộc địa Tây Ban Nha. Trong những năm gần đây, người ta phá đi chiếc cầu đá và thay vào đó người ta xây một chiếc cầu bê tông kiên cố có mắc những ngọn đèn điện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của những chiếc xe khách do lừa kéo. Thoạt đầu, dân chúng thuộc khu phố Mănga phải chịu đựng một sự tra tấn vốn không được thấy trong kế hoạch xây dựng, đó là việc họ ngủ ngay bên cạnh nhà máy điện thành phố mà tiếng động của nó tựa như một trận động đất không ngừng nghỉ. Ngay đến cả bác sĩ Huvênan Ucbinô với tất cả quyền lực và uy tín của mình cũng không thể làm thế nào để người ta chuyển nhà máy điện đi nơi khác cho đến khi Đấng Toàn năng phải ra tay ủng hộ ngài. Có một đêm, nồi hơi nhà máy điện nổ với một tiếng nổ long trời chuyển đất và nó bay qua các nhà mới, bay qua một nửa thành phố rồi rơi xuống phá sập cái phòng lớn của tu viện Thánh Hulian Người Từ thiện, một tu viện cổ lắm rồi. Cái tòa nhà đổ nát này đã bị bỏ hoang ngay từ đầu năm ấy nhưng cái nồi hơi nhà điện rơi xuống gây ra cái chết của bốn người tù trốn trại đang ẩn nấp tại đây.
Cái khu phố ngoại ô thanh bình kia, cùng với biết bao vẻ đẹp truyền thống của tình yêu, ngược lại khi trở thành một khu phố sang trọng, nó không phải là nơi thích hợp cho những mối tình nhiều trắc trở. Các đường phố của nó lầm lụi vào mùa hè, vẩn bùn vào mùa đông và cả năm lúc nào cũng vắng bóng người. Các ngôi nhà của nó lẩn mình trong những vườn rợp bóng cây và thay cho những ban công đua ra trước đây, các ngôi nhà này đều làm những hàng hiên khảm như thể chúng được làm ra để làm giảm đi nhiệt tình cháy bỏng của những mối tình vụng trộm. Nhưng cũng còn may là trong thời kỳ ấy đang thịnh hành cái mốt đi dạo chơi buổi chiều trên những chiếc xe một ngựa kéo mới được tân trang và chuyến đi sẽ kết thúc trong những phút huy hoàng nhất của buổi hoàng hôn tháng mười (còn thích hơn là đứng trên tháp ngọn hải đăng) khi biển nổi rõ những chú cá mập khôn ngoan tung tang bơi ngay ở bãi tắm của trẻ nhỏ, với con tàu viễn dương, khổng lồ và trắng bong, hầu như có thể với tay tới khi chúng đi qua kênh vào bến cảng trong những ngày thứ năm hàng tuần. Sau một ngày làm việc căng thẳng trong văn phòng, Phlôrêntinô Arixa thường thuê một chiếc xe một ngựa kéo, nhưng ông không cho che mui như thói quen vốn có trong những ngày oi nóng người ta vẫn làm vậy mà tự mình ngồi thụp xuống dưới lòng xe để không ai nhìn thấy mình và bao giờ ông cũng đi một mình, liên tục ra lệnh buộc người xà ích cho xe chạy theo ý mình để gã không nghĩ ngợi lung tung. Thực tình cái duy nhất khiến ông thích thú là ngôi nhà pactênông bằng đá hoa cương màu hồng lấp ló giữa những cây chuối và cây xoài rợp tán, nó là một sự mô phỏng cố ý những ngôi nhà điền viên trên những cánh đồng bông ở Luxiana. Đàn con của Phecmina Đaxa trở về nhà trước lúc năm giờ. Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy chúng đi xe nhà về, sau đó ông lại thấy bác sĩ Huvênan Ucbinô đi trên chiếc xe ấy để đi thăm bệnh nhân của mình, nhưng trong gần một năm ròng đi dạo quanh như vậy ông vẫn không nhìn thấy bóng dáng người yêu dấu của mình.
Có một chiều, ông vẫn cố tình thực hiện chuyến dạo chơi một mình bất chấp trận mưa rào tháng sáu có sức tàn phá ghê gớm, do đó chú ngựa bị trượt chân, ngã vập mặt xuống bùn. Phlôrêntinô Arixa bỗng lo hết hồn nhận thấy mình đang ở ngay trước khu phố của Phecmina Đaxa và thế là ông van nài người đánh xe mà không nghĩ rằng sự hoảng hốt của mình sẽ khiến cho người kia phải để ý.
– Làm ơn, đừng để tôi phải xuống xe ở đây, – ông van lạy. – Bất kỳ chỗ nào cũng được trừ chỗ này.
Luýnh quýnh vì vội vã, người xà ích định vực con ngựa dậy mà không cần phải tháo dây cương cho nó và thế là trục xe gãy. Phlôrêntinô Arixa buộc phải xuống xe, ngượng chín người, cứ thế mà đi bộ dưới trời mưa tầm tã cho đến khi có người cho ông lên xe và đưa ông về tận nhà. Trong lúc chờ đợi, một người hầu nhà Ucbinô nhìn thấy ông người ướt sũng, bì bõm lội trong bùn nước ngập tới tận gối và bà ta mang cho ông mượn chiếc ô để ông có thể đứng đợi ở hành lang cho đến khi trời tạnh mưa. Phlôrêntinô Arixa không dám mơ được hưởng biết bao may mắn trong cái dịp rủi ro nhất này nhưng buổi chiều ấy ông nghĩ thà chết còn hơn để cho Phecmina Đaxa nhìn thấy mình trong tình trạng sống dở chết dở ấy.
Khi còn sống ở thành phố cổ, bác sĩ Huvênan Ucbinô và gia đình ngài vẫn thường đi bộ đến Nhà Thờ lớn vào các ngày chủ nhật để dự lễ Misa lúc tám giờ, vốn là một hoạt động văn hóa thế tục hơn là một buổi lễ tôn giáo. Về sau này, khi thay đổi chỗ ở, trong vài năm họ vẫn đi xe đến Nhà Thờ Lớn và đôi lúc họ nấn ná ở lại chuyện trò với các bạn hữu ở dưới bóng các cây panma ngoài vườn hoa. Nhưng khi người ta xây dựng nhà thờ họ đạo ngay ở khu phố Măngga với quảng trường riêng và nghĩa địa riêng của khu phố này, thì vợ chồng nhà Ucbinô không đến Nhà Thờ lớn nữa mà chỉ đến đó vào những ngày lễ trọng thể mà thôi. Vì không biết những thay đổi ấy, Phlôrêntinô Arixa trong vài ngày chủ nhật liền ngồi đợi họ ở sân hiên quán cà phê Parôkia canh chừng cả ba buổi lễ Misa để xem họ có trong số những người từ trong nhà thờ đi ra không. Sau đó, ông nhận ra sai lầm của mình và ông đi đến nhà thờ mới được xây dựng xong mà choăm gần đây vẫn giữ được mốt. Tại đây ông bắt gặp bác sĩ Huvênan Ucbinô cùng với đám con cái, luôn có mặt vào lúc đúng tám giờ như thường lệ trong cả bốn ngày chủ nhật thuộc tháng tám ấy, nhưng ông không thấy Phecmina Đaxa đâu cả. Một trong những ngày chủ nhật đó, ông đi tham quan nghĩa địa ngay cạnh nhà thờ mới được xây dựng lấy các khu mộ gia đình của mình và trái tim ông đập thon thót khi ông thấy ở bên dưới bóng cây gạo cổ thụ có một nhà mồ lộng lẫy, đã làm xong, với bia mộ cho cả gia đình được viết bằng chữ mạ vàng, một nhà mồ được trang trí bằng hoa văn gôtích và các vị thiên thần tạc bằng đá hoa cương. Giữa những bia mộ ấy có bia mộ của Phecmina Đaxa đê Ucbinô đê la Cadê và tiếp sau đó là bia mộ của người chồng với một hàng chữ chung: “Vẫn ở bên nhau trong sự thanh bình của Thượng đế”.
Từ độ ấy cho đến cuối năm, Phecmina Đaxa không tham gia bất cứ một hoạt động xã hội nào, ngay cả lễ Chúa Giáng sinh, trong đó bà và chồng mình bao giờ cũng là nhân vật quan trọng. Nhưng nơi mà ta nhận ra sự vắng mặt của bà hơn là buổi khai mạc mùa nhạc kịch. Trong giờ giải lao, Phlôrêntinô Arixa bắt gặp một nhóm người đang nhỏ to bàn tán về bà mà không nói đến tên bà. Họ bảo rằng có ai đó nhìn thấy bà vào ngay lúc nửa đêm sau một ngày tháng sáu đã trèo lên một chiếc tàu viễn dương của hãng Cunac trên đường đi Panama và người ấy bảo rằng bà trùm một chiếc khăn đen để không một ai nhận ra cái căn bệnh nguy hiểm đang giết dần giết mòn bà. Có ai đó nói rằng không sợ sao mà dám gây chuyện với một người đàn bà đầy quyền lực và câu trả lời mà ông ta nhận được mới đáng buồn:
– Một mệnh phụ danh giá như vậy chỉ có thể bị ho lao mà thôi!
Phlôrêntinô Arixa biết rõ rằng ở miền đất quê ông những người giàu có không bao giờ bị bệnh thông thường cả. Hoặc là bọn họ chết đột tử, gần như là ngay trong đêm trước một tiệc vui lớn nhất để lập tức nó sẽ trở thành đám tang, hoặc là sẽ chết từ từ, chết dần chết mòn trong những căn bệnh hiểm nghèo và dai dẳng. Sự cách ly ở Panama gần như là một sự kiêng cữ bắt buộc trong cuộc đời những người giàu có. Bọn họ vâng theo điều Thượng đế muốn có ở trong bệnh viện Lốt Atvênhtixtat, một ngôi nhà rộng quét vôi trắng chìm đi trong những cơn mưa rào thời tiền sử ở cảng Đariên, vốn là nơi những người bệnh không còn nhận ra cuộc đời ngắn ngủi còn lại của mình và trong những căn phòng cô quạnh của nó với những cửa sổ buông mành không một ai nhận ra được cái mùi phênôn kia là mùi của sức khỏe hay là mùi của tử thần. Những người lành bệnh trở về mang theo những tặng phẩm tuyệt đẹp mà với những bàn tay đầy đặn họ đem biếu chúng với cảm giác đau khổ vì đã tha thứ cho ý nghĩ thiếu thận trọng: hành động sống. Một số trở về với cái bụng hằn những đường chỉ khâu rất thô dường như chúng được may bằng sợi gai của thợ khâu giày, rồi tốc ngược áo sơ mi lên họ chiềng cho khách đến chơi xem chúng, họ so đọ chúng với những đường chỉ khâu của người khác đã chết ngạt bởi những cú hạnh phúc đến cao độ và rồi trong những ngày còn lại của đời mình bọn họ kể đi rồi kể lại hình ảnh các vị thánh thần mà họ từng nhìn thấy dưới tác dụng của thuốc gây mê. Ngược lại, chẳng một ai biết được cái nhìn của những người không trở về và trong số những người bất hạnh này là những người buồn hơn cả: những người chết được chôn trong nghĩa trang những người bị bệnh ho lao, buồn hơn cả là vì mưa chứ không phải vì sự khó chịu của bệnh tật.
Cần phải lựa chọn, nhưng Phlôrêntinô Arixa không biết cần lựa chọn cái gì cho Phecmina Đaxa. Nhưng trước hết là phải tìm cho ra sự thật và chính điều này làm cho ông khó chịu lắm bởi vì ông càng cố công tìm kiếm càng không thể biết được sự thật. Ông không thể nào hiểu được rằng không một ai có thể cung cấp cho mình chí ít một dấu hiệu để khẳng định lời giải thích ấy đúng hay sai. Trong thế giới những con tàu thủy của hãng ông thường xuyên qua lại không một điều bí mật nào, một lời tự thú nào dù kín đáo đến đâu mà không bị tiết lộ. Tuy nhiên, không một ai nghe nói về một người đàn bà quàng tấm khăn đen. Trong một thành phố chuyện gì người ta cũng biết, đặc biệt là chuyện của giới nhà giàu, ngay đến cả những chuyện sắp xảy ra người ta cũng tỏ tường thế mà không một ai biết gì. Nhưng cũng không một ai có thể có một lời giải thích tạm được về việc Phecmina Đaxa mất tích. Phlôrêntinô Arixa vẫn tiếp tục dạo chơi khu phố La Măngga, vẫn tiếp tục đi nghe các buổi giảng kinh misa ở nhà thờ xứ đạo, vẫn tiếp tục tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội và văn hóa mà trước đây ông không hề thích thú, nhưng thời gian qua đi chỉ làm tăng thêm lòng tin vào tin đồn kia mà thôi. Tất cả dường như đều rất bình thường trong nhà Ucbinô trừ việc bà mẹ vắng nhà từ lâu.
Trong lúc háo hức tìm kiếm tin tức ông bắt gặp những tin tức khác chưa từng được nghe, hoặc đúng hơn những tin tức ông không tìm kiếm và một trong những tin tức ấy là tin về cái chết của Lôrênxô Đaxa ở ngày làng ông ta sinh ra, một làng quê bên bờ vịnh Căngtabricô. Ông nhớ rằng mình đã nhìn thấy ông cụ nhiều năm trong các cuộc đánh cờ đam rất sôi nổi tại quán cà phê Parôkia, với giọng ồm ồm vì nói nhiều, người nom già hơn, chán nản hơn vì đang chết dần chết mòn trong tuổi già không được chăm nom chu đáo. Hai người, ông và Lôrenxô, không thèm nói chuyện với nhau kể từ cái buổi họ gặp nhau trong bữa điểm tâm uống rượu hồi từ thế kỷ trước và Phlôrêntinô Arixa tin chắc rằng ông cụ vẫn tiếp tục nhớ đến mình với bao niềm tức giận cũng như ông uất hận mà nhớ đến Lôrênxô Đaxa, ngay cả sau khi ông cụ đã tìm cho Phecxima Đaxa một cuộc hôn nhân may mắn vốn là cái mục đích duy nhất của cả cuộc đời mình. Nhưng vì ông vẫn kiên trì tìm cho được một lời giải thích thật sáng tỏ về sức khỏe của Phecxima Đaxa đến mức ông lại la cà đến quán cà phê Parôkia, do đó ông nhận được tin về cái chết của cha bà. Đó là lúc tại quán cà phê này người ta tổ chức cuộc thi đấu cờ đam có tính chất lịch sử một mình Giêrêmia đê Xanh Amua chiến đấu với bốn mươi hai đối thủ. Chính trong khung cảnh ấy ông biết được rằng Lôrenxô đã qua đời, và thật lòng ông vui sướng biết bao mặc dù ông biết rằng cái giá của niềm vui kia có thể là việc ông sống mà chẳng bao giờ biết tin đích xác về Phecxima Đaxa. Cuối cùng ông chấp nhận lời giải thích của bệnh viện, những người ốm mất hi vọng được cứu chữa là sáng tỏ, nhưng cũng không hơn gì một câu tục ngữ quen biết: “Người đàn bà bị bệnh, người đàn bà bất tử”. Trong những ngày chán nản, ông tự bằng lòng với một ý nghĩ cho rằng tin tức về cái chết của Phecxima Đaxa, nếu quả đúng bà đã chết rồi, thế nào cũng phải đến với ông mà chẳng cần phải tìm kiếm.
Nhưng cái tin ấy sẽ chẳng bao giờ đến với ông. Bởi Phecxima Đaxa sống khỏe mạnh ở điền trang cách xa làng Phlôrêt đê Maria chừng nửa dặm đường, nơi Hinđêbranđa Săngchêt, người chị họ của bà, đang sống ẩn dật và bị thế giới lãng quên. Theo như đã thỏa thuận với chồng, bà ra đi không hề gây ồn ào sau khi cả hai người đều cáu tiết như cái hồi còn trẻ trước một vụ bất đồng gay gắt duy nhất từng khiến cả hai đều đau khổ trong suốt hai mươi nhăm năm vợ chồng chung sống hòa thuận. Hai người bất đồng gay gắt với nhau ngay trong cuộc sống êm đềm của tuổi già khi mà cả hai đều cảm thấy đã thoát khỏi mọi cạm bẫy của lực lượng chống đối mình, khi đàn con đã trưởng thành được giáo dưỡng chu đáo, và khi trước mắt là một tương lai rộng mở để họ rèn tập trở thành những cụ già hạnh phúc, sống mà chẳng phải tủi hờn. Đối với hai người đó là một sự kiện không hề ngờ tới đến mức cả hai người đều không muốn giải quyết nó bằng những cuộc cãi cọ ồn ĩ, bằng nước mắt hay những cuộc hòa giải của người trung gian, như là cách xử sự thường có ở vùng Caribê mà lại giải quyết nó theo sự hiểu biết thông thái của các dân tộc châu Âu và vì cách giải quyết ấy, vốn chẳng theo tập tục ở đây cũng chẳng theo tập tục bên kia, đã buộc cả hai cùng phải bì bõm lội trong một hoàn cảnh tầm thường. Cuối cùng bà quyết chí ra đi, không hề biết việc mình bỏ đi là vì sao và để làm gì, chỉ đơn giản là nỗi giận dữ mà thôi, còn ngài lại không đủ khả năng khuyên giải bà bởi ý nghĩ về tội lỗi của mình đã ngăn cản ngài.
Đúng thế, bà trùm kín một chiếc khăn đen, và kín đáo lên tàu vào ngay nửa đêm nhưng không phải lên con tàu viễn dương của hãng Cunac đi Panama mà lên một chiếc tàu thủy bình thường đi Xăng Hoan đê Xiênaga, là nơi bà sinh ra và sống tuổi thơ ấu cho đến tuổi dậy thì và khi năm tháng qua đi càng khiến bà nhớ đến thành phố quê hương. Ngược lại với nguyện vọng của chồng và tập quán của thời đại mình, bà chỉ mang theo một cô con nuôi mười lăm tuổi mà bà nuôi nó để giúp việc trong nhà, nhưng bà và chồng mình đã thông báo chuyến du lịch của bà cho các thuyền trưởng và các chức sắc ở bến cảng con tàu dừng lại. Khi đã quyết định dứt khoát về chuyến đi của mình, Phecxima Đaxa báo cho các con mình biết rằng bà đi thăm bà bác Hinđêbranđa trong khoảng ba tháng nhưng trong thâm tâm bà định sẽ không bao giờ trở về. Bác sĩ Huvênan Ucbinô biết rất rõ nghị lực phi thường của vợ mình và ngài rầu lòng lắm đến mức phải chấp nhận chuyến đi của bà vợ như là một đòn trừng phạt đối với những tội lỗi nghiêm trọng của chính mình. Nhưng cả hai người, bác sĩ Huvênan Ucbinô và Phecxima Đaxa đều không lúc nào không nhận ra những ngọn đèn thắp sáng ngoài bến cảng khi cả hai đều ân hận về những sự yếu đuối của lòng mình.