Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 34
Trước
image
Chương 34
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

Dẫu rằng Phecxima Đaxa và bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn viết thư đều đặn cho nhau, vẫn thông báo đầy đủ và tỉ mỉ tình hình sức khỏe và học tập của con cái và các vấn đề khác của gia đình, hai năm đã đi qua rồi nhưng không một ai tìm được con đường trở về mà không làm thương tổn đến lòng kiêu hãnh của nhau. Đám con cái, trong dịp nghỉ hè năm thứ hai, đã đến làng Phlôrêt đê Maria thăm Phecxima Đaxa và bà đã tỏ rõ mình không muốn trở về nhà vì hình như bà đã quen với cuộc sống mới của mình. Chí ít điều đó cũng là một kết luận mà bác sĩ Huvênan Ucbinô đã rút ra từ những lá thư của đứa con trai gửi về cho ngài. Hơn nữa, trong những ngày ấy, Đức Giám mục tỉnh Riôcha lại đến thăm làng này. Ngài cưỡi trên lưng một con lừa trắng yên thêu kim tuyến vàng óng ánh và phía trên đầu là một chiếc lọng. Theo sau ngài là đám người hành hương đến những địa phương cổ kính, là đám các nhạc công chơi đàn phong cầm, là đám người bán cơm rong và bùa yểm, bùa hộ mệnh, và trong suốt ba ngày trang trại này chật ních đám người tàn tật và ốm đau đã hết hi vọng được cứu chữa. Trên thực tế, họ lũ lượt kéo nhau tới đây không với mục đích để nghe các bài thuyết giảng thông tuệ của Đức Giám mục và sự xá tội hoàn toàn mà vì những ân huệ tốt lành của con lừa vốn được người ta bảo rằng nó sẽ làm phép mầu không để cho chủ biết. Ngay từ khi còn là một linh mục bình thường, Đức Giám mục là người bạn thân quen của gia đình Ucbinô đê la Cađê, và một buổi trưa nọ ngài đã trốn hội chợ đông vui của mình, lẻn đến trang trại của Hinđêbragđa để dùng cơm trưa với gia đình. Trong bữa cơm này ngài chỉ toàn nói chuyện thế tục và sau đấy ngài nói chuyện riêng với Phecxima Đaxa hi vọng bà sẽ xưng tội. Nhưng bà đã khéo léo từ chối bằng một luận điểm rõ ràng rằng bà chẳng có gì phải ân hận. Mặc dù việc này không phải là mục đích của mình nhưng bà tin rằng câu trả lời của mình sẽ đến tai người cần nghe nó.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô vẫn thường nói rằng hai năm cay đắng của đời ngài không phải tại ngài gây ra mà tại cái thói xấu của người vợ: vẫn thường ngửi quần áo mà ngài cởi để ở nhà và ngay cả chính quần áo của bà, để xem chúng đã phải giặt chưa mặc dù chỉ thoáng nhìn đã biết ngay là chúng còn sạch sẽ. Ngay từ tấm bé bà đã có thói quen này, và chẳng bao giờ bà nghĩ rằng người khác sẽ để ý đến nó cho đến khi chồng bà bắt gặp bà ngửi quần áo ngay trong đêm tân hôn. Ngài còn biết rằng bà hút thuốc lá một ngày đến ba lần trong buồng đóng kín cửa nhưng cái thói xấu này không khiến ngài phải bận tâm bởi vì những người đàn bà thuộc giới quý tộc của ngài thường đóng kín cửa buồng, tụ tập với nhau để nói chuyện về bọn đàn ông, để hút thuốc lá và uống rượu mạnh có khi cả nửa chai cho tới lúc say nằm lăn ra sàn nhà y hệt những người thợ nề. Nhưng cái thói ngửi quần áo khi người khác thay ra đối với ngài không chỉ là một thói quen lạ lẫm chưa hề thấy ai làm thế bao giờ mà theo ngài: nó còn rất nguy hiểm cho sức khỏe. Bà lại cười khẩy và không tin ngài, như lâu nay bà vẫn làm thế trước những điều bà thấy chẳng cần phải tranh cãi và bà bảo rằng cái mũi thính của con chim vàng anh kia chẳng phải là một thứ trang trí đơn thuần mà Thượng đế đã nặn lên trên gương mặt bà. Có một buổi sáng, trong lúc bà đi chợ mua sắm, bọn các cô người hầu làm ồn ĩ cả hàng xóm để tìm đứa trẻ ba tuổi mà họ không tìm thấy ở bất cứ xó xỉnh nào trong nhà. Bà trở về nhà trong khung cảnh vừa huyên náo vừa sợ sệt ấy, bà chỉ việc đảo đi đảo lại vài lần cách lùng sục của con chó săn thì đã thấy đứa trẻ ngủ ngay trong một tủ đựng quần áo, là nơi không một ai nghĩ rằng nó có thể ẩn trong đó. Khi người chồng ngạc nhiên hỏi làm thế nào bà tìm được thằng bé, bà trả lời:

– Cứ lần theo cái mùi cứt của nó mà tìm.

Sự thật là khứu giác không chỉ giúp Phecxima Đaxa trong việc giặt quần áo hay trong việc tìm trẻ lạc mà nó còn giúp bà đắc lực trong cuộc đời: đối với bà nó như một cần ăngten giăng ra để đón nhận mọi chuyện trong cuộc sống, nhất là trong đời sống xã hội. Trong suốt thời kỳ vợ chồng chung sống bên nhau, bác sĩ Huvênan Ucbinô đã quan sát khứu giác ấy của vợ mình nhất là ngay từ khi họ mới làm bạn trăm năm với nhau, ngay từ khi bà còn là người xa lạ trước hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh sống cố hữu của mình từ ba trăm năm, tuy nhiên bà vẫn bơi lội thật khéo léo tựa như con cá bơi lội bên những cành san hô rậm rạp um tùm để không va chạm với bất kỳ ai. Bà hành động với một sự tự chủ vốn chỉ có thể là một bản năng siêu việt mà thôi. Cái khả năng đáng sợ ấy, vốn chính là cái có nguồn gốc từ sự hiểu biết lâu đời hàng ngàn năm hơn là có nguồn gốc từ một trái tim sắt đá, lại gặp phải cái giờ bất hạnh của mình vào một ngày chủ nhật không tốt lành trước lễ mixa, Phecxima Đaxa theo lệ thường ngửi quần áo của chồng mặc từ chiều hôm trước được thay và bà rùng mình trước cảm giác khó chịu rằng hơi người ủ trong quần áo ấy khác hẳn với hơi người đàn ông vẫn cùng ngủ chung một giường với mình.

Thoạt đầu bà ngửi chiếc áo véxtông và chiếc áo gilê trong lúc tháo chiếc đồng hồ quả quýt ra khỏi khuy áo và rút chiếc bút chì và ví tiền cùng một số đồng tiền lẻ trong các túi, rồi bà để tất cả những thứ đó lên trên mặt bàn ngủ. Sau đó bà ngửi đến chiếc áo sơ mi trong lúc tháo chiếc ghim cài ca-vát, bộ xéc-măng tay áo và chiếc cúc vàng dùng để đeo cổ giả. Sau đó, bà lại ngửi đến chiếc quần trong lúc lấy ra chùm chìa khóa mười một chiếc, con dao gọt bút chì có chiếc cán đồi mồi. Sau cùng bà ngửi đến chiếc quần đùi, đôi tất và chiếc khăn tay do bà thêu rất tỉ mỉ. Không còn nghi ngờ gì nữa: trong mỗi thứ mặc trên người kia có một mùi mà trong nhiều năm cùng chung sống bà chưa hề gặp, một mùi không thể xác định được vì nó chẳng phải là mùi hoa hay mùi nước hoa, mà nó chính là hơi người. Bà không nói gì cả và trong suốt ngày hôm đó bà không gặp lại cái mùi ấy. Nhưng từ hôm đó trở đi bà không ngửi quần áo của chồng với sự tò mò để xem chúng đã phải giặt chưa mà với sự bứt rứt không tài nào chịu nổi từng làm nẫu ruột nẫu gan bà.

Phecxima Đaxa không biết xác định cái mùi lạ ấy ở đâu trong những bộ quần áo thường dùng của chồng mình. Nó không thể có được trong khoảng từ giờ học buổi sáng cho đến giờ cơm trưa vì bà đoán rằng cứ theo ý nghĩ lành mạnh của mình thì không một người đàn bà nào lại làm chuyện ân ái chớp nhoáng vào những giờ như thế này, lại càng không thể xảy ra trong mấy phút khám bệnh, trong khi đó họ còn bận phải quét nhà, dọn dẹp giường chiếu, đi chợ, chuẩn bị bữa cơm trưa và có lẽ còn phải lo sợ rằng một trong những đứa trẻ vì bị đá ném vỡ đầu chảy máu được nhà trường cho về trước giờ bắt gặp mình đang trần như nhộng ở trong buồng vào lúc mười một giờ sáng với một ông bác sĩ trên bụng thì xấu hổ không biết để đâu cho hết. Mặt khác bà còn biết rằng bác sĩ Huvênan Ucbinô thường chỉ làm chuyện mây mưa về ban đêm, và càng thích thú hơn khi được làm tình trong bóng tối hoàn toàn và làm lần cuối cùng trước khi ăn sáng khi chim chóc bắt đầu cất tiếng hót líu lo. Sau những giờ ấy, theo như lời bác sĩ nói, việc cởi và mặc quần áo còn vất vả hơn cái khoái cảm chốc lát của cú làm tình theo kiểu gà phủ nhau. Vậy là cái mùi lạ còn vương lại trên quần áo của chồng mình chỉ có thể xảy ra vào các giờ đi thăm con bệnh tại nhà riêng hoặc bất cứ giờ phút nào mà người chồng lẻn trốn được trong những đêm chơi cờ đam hoặc những đêm xem phim. Trường hợp cuối cùng này cũng thật khó tin vì trái lại với tính cách các bạn gái mình, Phecxima Đaxa rất kiêu hãnh trong việc theo dõi sát sao từng bước chồng mình hoặc khéo léo nhờ một ai đó theo dõi ngài giúp mình. Giờ đi thăm con bệnh, mà có lẽ là cái giờ dễ xảy ra điều bất hạnh của bà, lại là cái giờ rất thuận việc theo dõi của bà, bởi vì bác sĩ Huvênan Ucbinô bao giờ cũng ghi lại rất tỉ mỉ các quan hệ đối với con bệnh của mình, kể cả tiền công xá được tính toán đến mức chi li, kể từ lần đầu tiên ngài đến thăm con bệnh cho đến khi ngài vĩnh biệt họ bằng cây thánh giá và lời nói an ủi tâm hồn họ.

Sau ba tuần, Phecxima Đaxa không bắt gặp cái mùi lạ ấy trong quần áo của chồng nữa. Bỗng bà lại bắt gặp nó khi không đợi chờ nó, và bà bắt gặp cái mùi này rõ ràng nhất trong mấy ngày liền, mặc dù một trong những ngày ấy là một ngày chủ nhật gia đình có tiệc và trong suốt ngày hôm ấy, bà và ngài bác sĩ đã không hề rời nhau lấy một phút. Có một buổi chiều, ngược lại hoàn toàn với thói quen và ý thích của mình, bà bước vào phòng làm việc của chồng như thể bà không phải là bà mà là một người khác đang làm cái việc sẽ chẳng bao giờ bà làm: đó là việc dùng chiếc kính lúp Bengala để đọc cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những chuyến đi thăm con bệnh mấy tháng gần đây của ngài. Đây là lần đầu tiên một mình bà bước vào phòng làm việc sực nức mùi crôôzôt, xếp đầy những cuốn sách bìa cứng bọc da thú, tường treo những tấm da thuộc, kính thiên văn và các đồ vật lạ lẫm được sưu tập trong nhiều năm. Một nơi ở thiêng liêng và bất khả xâm phạm của người chồng mà bà không quan tâm vì nó không liên quan đến tình yêu của bà. Vậy là có rất ít lần bà ở trong phòng này với ngài và thường là để giải quyết các vấn đề cấp thiết. Bà cảm thấy mình không có quyền một mình bước vào phòng này, và càng không có quyền để lục lọi vốn là những hành động thấp hèn, theo bà nghĩ. Nhưng bà hiện đang có mặt trong phòng làm việc của bác sĩ Huvênan Ucbinô. Bà muốn tìm cho ra sự thật và bà đang tìm cái sự thật đó với những nỗi khát khao cháy bỏng hầu như có thể sánh chúng với nỗi hãi hùng khủng khiếp khi tìm ra nó. Bà làm việc này vì bị xúi giục bởi một cơn bão lòng không thể ghìm lại được, nó còn kiêu hãnh hơn cả niềm kiêu hãnh của chính bà, còn kiêu hãnh hơn cả danh dự của chính bà: một sự trừng phạt.

Bà không tìm được một điều gì rõ ràng bởi vì những bệnh nhân của chồng bà, trừ những người bạn quen thuộc của cả hai người ra, đều là những người xa lạ với thế giới của bà. Đó là những người không có chứng minh thư để qua đó có thể nhận ra được khuôn mặt mà chỉ có những giấy tờ qua đó có thể biết thêm được những cơn đau đớn của họ. Đó là những người không có đặc điểm nhận dạng để có thể biết được màu mắt của họ hoặc sự tổn thương của trái tim họ mà chỉ có những đặc điểm bệnh lý qua đó có thể biết độ to nhỏ của buồng gan, muối urat đọng lại trên mặt lưỡi, nước tiểu đục, những ảo ảnh họ thấy trong những đêm sốt cao. Đó là những người tin tưởng chồng bà, tin rằng mình sống được nhờ chồng bà khi mà trên thực tế họ sống cho chồng bà, và được rút gọn lại trong một câu ngài viết ở cuốn sổ tay. Hãy yên tâm, Thượng đế đang đợi ngươi ở ngoài cửa. Sau hai giờ tìm kiếm vô ích, Phecxima Đaxa bắt đầu phát hiện ra những thay đổi của chồng mình. Bà thấy ngài hay lảng tránh, thiếu nhiệt tình ở bàn ăn và trên giường nằm, bà thấy ngài thích cãi vặt và thường hay thở dài chán nản khi ngài về nhà thì ngài không phải là người đàn ông điềm tĩnh trước đây mà là một con sư tử bị nhốt trong chuồng. Kể từ khi họ làm lễ thành hôn đến nay, đây là lần đầu tiên bà theo dõi những bận về muộn giờ của ngài, bà tính chi li từng phút một, và bà nói lảng sang chuyện khác để qua đó tìm ra sự thật nhưng ngay lập tức bà cảm thấy những mâu thuẫn của bà đang đánh đòn tử thương vào chính bà. Có một đêm bà bỗng hoảng hốt thức dậy trước nỗi ám ảnh của mình: và đó là chồng bà từ trong bóng tối nhìn bà với đôi mắt căm giận, theo như nhận biết lúc ấy của bà. Bà cảm thấy người mình gai rợn y hệt như cái thời thanh xuân rực rỡ của mình khi bà thấy Phlôrêntinô Arixa đứng ở cuối giường, khác nhau chỉ ở chỗ hình bóng của Phlôrêntinô Arixa không phải là sự căm giận mà trái lại là tình yêu thương. Ngoài ra, lần này không phải là ảo ảnh trong giấc mơ của bà mà đó chính là chồng bà thức dậy lúc hai giờ sáng và ngài nhỏm người dậy nhìn bà đang ngủ, nhưng khi bà hỏi ngài vì sao lại thức dậy lúc nửa đêm để nhìn bà ngủ thì ngài đã chối phắt đi. Ngài lại gối đầu lên chiếc gối, nằm xuống và nói:

– Có lẽ em đang nằm mơ.

Kể từ đêm ấy, và qua nhiều chuyện tương tự khác của thời kỳ ấy, Phecxima Đaxa không biết đích xác đâu là chỗ sự thật kết thúc, đâu là chỗ những ám ảnh trong lòng mình bắt đầu, bà có cảm nhận rõ ràng rằng mình lại điên mất. Sau cùng bà biết rằng chồng mình không làm lễ Kiên tin ngày thứ năm, không làm lễ Ban Thánh thể và sau đấy cũng chẳng thấy chồng dự lễ Kiên tin một ngày chủ nhật nào trong những tuần gần đây và không thấy ngài dành ra vài ngày để ăn chay cầu kinh trong năm ấy. Khi bà hỏi ngài vì sao trong đời sống tinh thần lành mạnh của ngài lại có những thay đổi kỳ dị ấy thì ngài chỉ ỡm ờ trả lời cho qua chuyện. Câu trả lời ấy là chìa khóa quyết định bởi vì ngài chưa hề bỏ việc làm lễ Kiên tin trong một ngày lễ trọng kể từ khi chịu lễ Kiên tin lúc lên tám tuổi. Cứ theo cách ấy mà suy bà còn biết rằng chồng mình không những đã phạm tội trọng mà còn sẵn sàng dấn sâu thêm vào tội lỗi bởi vì ngài không hề nghĩ đến việc xưng tội để rửa tội. Chưa bao giờ bà nghĩ rằng mình có thể chịu đựng bao đau khổ chỉ vì một chuyện nào đó không phải là chuyện tình yêu, nhưng trên thực tế bà đang đau khổ vì những chuyện ngoài phạm vi tình yêu và bà quyết định biện pháp duy nhất để khỏi phải chết là việc châm lửa đốt cháy cái rổ rắn hổ mang đang làm thương tổn lòng mình. Đúng thế, bà đã làm như vậy. Có một buổi chiều nọ, bà ngồi ở hành lang mạng lại gọt tất trong khi chồng bà cũng vừa kết thúc buổi đọc sách hang ngày sau giấc ngủ trưa. Bỗng, bà ngừng tay, hất ngược lên phía trán, với giọng không lấy gì gắt gỏng lắm, bà gọi ngài:

– Bác sĩ ơi.

Ngài còn đang đăm chiêu với việc đọc cuốn Đảo chim cánh cụt, cuốn tiểu thuyết mà trong những ngày ấy cả thế gian lao vào đọc, và ngài không ngừng đọc nhưng vẫn trả lời bà: Ơi. Bà vẫn kiên quyết đòi ngài phải chú ý đến mình:

– Hãy nhìn vào mặt tôi đây.

Ngài làm theo bà. Qua làn hơi mờ cặp kính đọc sách ngài nhìn bà mà không nhìn bà, nhưng ngài cũng chẳng cần phải gỡ kính ra đã cảm thấy mắt mình như bị thiêu đốt bởi than lửa đỏ rực trong cái nhìn của bà.

– Mình làm sao vậy? – Ngài hỏi.

– Ông, ông biết rõ điều đó hơn tôi mà. – Bà bảo vậy.

Bà chẳng nói gì hơn nữa. Hạ cặp kính xuống vị trí cũ, bà lại tiếp tục mạng tất. Thế là bác sĩ Huvênan Ucbinô biết rằng những giờ phút dài đằng đẵng mang đầy lo lắng nay đã kết thúc. Ngược lại hoàn toàn với hình thức ngài dự đoán trước cho khoảnh khắc này: khi câu chuyện xảy ra trái tim ngài không hề nhảy thót lên mà ngược lại nó lại đập rất bình thản. Đó là một khoảnh khắc rất thanh thản đã đến sớm hơn của cái điều sớm muộn cũng phải xảy ra: Bóng ma ám ảnh của Bacbara Lin cuối cùng đã lọt vào trong ngài.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô quen nàng bốn tháng trước đây khi nàng đợi đến lượt vào khám ngoại khoa ở bệnh viện Mixêricordia và ngay lúc ấy ngài nhận ra có một cái gì đó không thể đừng được đã xảy ra trong số phận mình. Bacbara Lin là một phụ nữ lai đen, nhưng dịu dàng uyển chuyển. Buổi sáng ấy nàng vận bộ váy áo hoa nền đỏ tươi có điểm xuyết những vòng tròn mầu trắng, đội chiếc mũ đồng màu với váy áo có vành rộng trùm kín mi mắt. Thân hình nàng có sức khêu gợi mãnh liệt hơn hẳn những người khác. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không làm nhiệm vụ khám bệnh ở phòng khám ngoại nhưng thường xuyên ngài vẫn qua đây để nhắc nhở những học trò lớn tuổi của mình rằng không có thuốc nào bằng chuẩn đoán cho đúng căn bệnh. Và thế là ngài chuẩn bị khám luôn cho người đàn bà lai đen, thận trọng từng cử chỉ một để các học trò của mình không nhận thấy chúng là những hành động cố ý và hầu như ngài không để ý tới nàng nhưng ngài cố nhớ kĩ địa chỉ của nàng. Chiều ấy, sau chuyến đi thăm con bệnh cuối cùng trong ngày, ngài bảo gã xà ích đi theo địa chỉ mà người đàn bà lai đen để lại ở phòng khám và quả nhiên nàng đang ở nhà, ngồi ngoài hiên hóng mát.

Đó là một ngôi nhà vùng Antidat độc đáo, được quét vôi mầu vàng tuyền lên tận mái tôn, có cửa sổ che mành, với những giò cẩm chướng và dương xỉ treo ở mái hiên. Toàn bộ ngôi nhà được những chiếc cột gỗ đỡ lấy và nâng lên trên vùng ruộng nước Mala Criăngxa. Một con chim tucpian đang hót trong chiếc lồng treo ở đầu hồi. Trên bãi cao ráo ở phía trước nhà là trường tiểu học, và bọn trẻ lũ lượt ồn ĩ từ trong trường bước ra khiến gã xà ích phải ghìm chặt cương ngựa để nó khỏi lồng. Đó là một may mắn lớn vì nhờ thế mà Bacbara Lin có thời gian để nhận ra bác sĩ. Bằng điệu bộ thân quen nàng chào bác sĩ và mời ngài vào nhà uống cà phê trong lúc chờ cho đám trẻ đi qua. Ngài vui vẻ nhận lời, và khác hẳn với thói quen của mình, ngài chăm chú nghe Bacbara Lin kể về mình, vốn là điều duy nhất ngài thích thú ngay từ buổi sáng hôm ấy và cũng là điều duy nhất sẽ gây hào hứng cho ngài, sẽ không để ngài được yên lấy một phút trong những tháng sau này. Trong một vài trường hợp trước đây, khi ấy ngài mới cưới vợ xong, có một người bạn thân đã nói với bác sĩ ngay trước mặt cô vợ rằng sớm hoặc muộn ngài cũng phải đương đầu với một nỗi đam mê điên dại, đủ sức đe dọa sự ổn định của cuộc sống vợ chồng ngài. Bác sĩ Huvênan Ucbinô, vốn rất tự tin ở chính mình, vốn biết rõ tính bền vững của những cội rễ đạo đức của gia đình mình, đã cười mỉa lời phỏng đoán kia. Vậy là lời phỏng đoán đã hiển nhiên và ngài đang phải đương đầu với một cơn đam mê điên dại.

Trước
image
Chương 34
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!