Sáu tháng sau, theo sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên trong hãng, Phlôrêntinô Arixa được phong là Chủ tịch Ban lãnh đạo và là Tổng giám đốc. Ngày Phlôrêntinô Arixa lên nắm quyền lãnh đạo, sau cốc sâm banh đầu tiên, cụ già Lêông xin được phép phát biểu mà vẫn ngồi nguyên trên chiếc ghế xích đu của mình, rồi cụ tuyên đọc một bài diễn văn ngắn tựa như một khúc bi ca. Cụ bảo rằng cuộc đời của mình bắt đầu và kết thúc với hai sự kiện được thấy trước. Sự kiện thứ nhất là việc Nhà Giải Phóng đã bế cụ trên hai tay tại làng Tucbacô khi Người đi trong chuyến du hành bất hạnh đến cõi chết. Sự kiện thứ hai là việc cụ đã tìm được người thừa kế xứng đáng cho hãng tàu thủy của mình sau khi vượt qua được tất cả những trở ngại mà số phận đặt ra để cản ngăn cụ. Cuối cùng, cụ kết thúc nhằm làm dịu đi tấn bi kịch của mình. Cụ bảo:
– Tâm trạng thất vọng duy nhất mà tôi mang trong cuộc đời này là việc tôi hát quá nhiều trong các đám tang trừ của chính mình.
Để kết thúc bài nói của mình cụ hát một bài đơn ca nhan đề Vĩnh biệt cuộc sống, sáng tác của Tôxca. Cụ hát nó như cụ vẫn thích hát như vậy và hát với giọng vẫn rất khỏe. Phlôrêntinô Arixa nghe rất cảm kích nhưng ông đã kịp trấn tĩnh để trong khi cảm ơn không ai nhận ra tiếng nói của mình run run. Đúng như ông đã làm và đã nghĩ, tất cả những gì từng làm và nghĩ trong cuộc đời, ông đi đến đỉnh cao với một quyết tâm nóng bỏng là sẽ sống và sống rất khỏe mạnh trong thời điểm số phận mình được hóa thân trong bóng hình của Phecmina Đaxa.
Tuy nhiên, trong ký ức về bà không chỉ là ký ức duy nhất sống lại với ông trong đêm Lêôna Catxiani làm tiệc mừng ông. Theo ông suất bữa tiệc ấy là ký ức về tất cả các cô, các bà: Từ những bà đã ngủ ở ngoài nghĩa địa, nằm nghĩ đến ông thông qua những cây hồng ông trồng trên chốc mộ. Bởi ngay cả trong những thời kỳ khó khăn cũng như trong những đoạn mạt vận nhất của cuộc đời ông, bao giờ ông cũng duy trì được một mối liên hệ nào đó, dù là mỏng manh đi nữa, với không biết cơ man nhân tình trong rất nhiều năm: Bao giờ ông cũng theo dõi sợi chỉ cuộc đời họ.
Vậy là đêm ấy ông nhớ đến Rôsanba, người đàn bà được ông quen biết sớm nhất so với những người khác, người từng phá tân của ông, mà ký ức về bà vẫn khiến ông nhức nhối y như ngày mới quen biết. Chỉ cần nhắm mắt lại ông đã mường tượng rõ ràng ra bà ta với bộ váy áo bằng vải muxilin và chiếc mũ buông dài những dải lụa, đang ngồi đung đưa chiếc nôi trẻ nhỏ trên boong tàu. Khi ông khá nhiều tuổi có vài năm liền ông đã sẵn sàng đi tìm bà dù không biết tìm bà ở đâu, dù không hề biết họ của bà, dù không biết đích xác có phải bà là người ông đang cần gặp không, nhưng lại tin chắc rằng mình sẽ tìm được bà ở bất cứ nơi nào miễn là nơi ấy ở giữa những rừng có nhiều hoa phong lan. Đã bao lần, vì một sự cản trở thực tế nào đó vào phút chót hay vì bỗng nhiên ông thiếu ý chí, chuyến đi liền bị hủy bỏ khi con tàu đã sẵn sàng nhổ neo. Bao giờ cũng vậy, luôn luôn có một nguyên cớ ít nhiều liên quan đến Phecmina Đaxa.
Ông nhớ tới bà quả phụ Naxarêt, người đàn bà duy nhất mà cùng với bà ông làm uế tạp ngôi nhà của mẹ mình ở đường Vênhtanat, dù rằng không phải là ông mà là cụ Tranxitô Arixa đã dẫn về nhà. So với những người đàn bà khác bà được ông thông cảm hơn cả vì bà là người duy nhất đã truyền cho ông những khoái cảm để mê như là để bà thay thế Phecmina Đaxa, cho dù ở trên giường, bà là người vụng về. Nhưng thiên hướng mèo cái lang thang ở bà, mãnh liệt hơn chính sức mạnh của trái tim bà, bà giữ cho cả hai mãi mãi bị đẩy vào cuộc sống không chung thủy. Tuy nhiên, giữ được quan hệ tình nhân trong gần ba mươi năm nhờ lời đề từ của bà ghi trên màn giường nằm: “Bội tín mà thủy chung”. Ngoài ra bà còn là người duy nhất mà Phlôrêntinô Arixa nhìn mặt, khi người ta báo cho ông biết rằng bà chết và rằng người ta sẽ làm phúc chôn cất cho bà, thì ông đã bỏ tiền ra lo liệu việc chôn cất và chỉ có một mình ông dự lễ an táng bà.
Ông nhớ tới những bà góa khác được ông yêu. Ông nhớ tới Pruđênhxia Pitrê, người tình xa xưa hơn cả so với những nhân tình còn sống, được mọi người biết đến với cái tên Bà Góa của Thượng đế, bởi vì quả thật bà chẳng phải của riêng ai. Ông nhớ đến một Phuđênhxia khác, bà quả phụ của Arêdanô, người đàn bà có mối tình nồng say từng dứt đứt hết cúc áo của ông để buộc ông phải ở lại nhà lâu hơn trong lúc bà ngồi đơm lại toàn bộ cúc trên chiếc áo. Ông nhớ tới Hôsêpha, bà quả phụ của Xunhiga, người đàn bà yêu ông như điên, đến mức trong lúc mơ suýt nữa dùng chiếc kéo làm vườn cắt mất “con quay” của ông để ông không thuộc về ai, dẫu rằng ông cũng sẽ không thuộc về bà.
Ông nhớ tới Ănghêlêt Anpharô, người được ông yêu say đắm hơn những người khác, người đến thành phố này trong thời gian sáu tháng để dạy đàn tại Trường Nhạc và cùng ông bà thức qua những đêm trắng trên sân thượng nhà ông, bà để truồng như lúc bà chào đời vậy. Với cây đàn viôlôngsen giữa hai đùi nõn nà ngà trắng bà chơi những nhạc phẩm hay và giọng hát của bà khàn khàn như giọng đàn ông. Ngay từ đêm trăng đầu tiên, với một tình yêu cuồng say, cả hai người làm tình với nhau như đang nghiền nát vụn trái tim mình. Nhưng Ănghêlê Anpharô đã ra đi thanh thản như bà đã thanh thản tới đây, mang theo tính dịu hiền và cây đàn viôlôngsen tội lỗi của mình, trên một chiếc tàu viễn dương trương lá cờ của cõi lãng quên và cái duy nhất của bà còn lại ở sân thượng trong những đêm trăng sáng là cú vẫy tay vĩnh biệt bằng chiếc khăn tay trắng nom nó giống hệt một con bồ câu đang vẫy cánh ở phía chân trời, cô đơn và buồn tẻ, như trong những bài thơ của Dạ hội Thơ ca. Với bà, Phlôrentinô Arixa đã học được cái điều mà nhiều lần ông từng cảm thấy cho dù chưa nhận thức đầy đủ về nó: tức là việc cùng một lúc ông có thể yêu nhiều người với một nỗi đau khổ như nhau mà không phản bội một ai cả. Một mình ông cô đơn giữa đám đông ngoài bến cảng, với một cú đấm tay đầy giận dữ, ông nói: “Trái tim còn có nhiều buồng hơn cả hộp đêm”. Ông tắm mình trong nước mắt trước nỗi đau phải ly biệt. Tuy nhiên, hình ảnh con tàu viễn dương chỉ biến mất ở đường chân trời khi ký ức về Phecmina Đaxa hiện về trọn vẹn xâm chiếm toàn bộ tâm hồn ông.
Ông nhớ tới Anđrêa Varông. Tuần trước đây ông đi qua trước cửa nhà bà nhưng ánh sáng màu vàng da cam ở cửa buồng tắm đã mách trước ông đừng vào: Người nào đó đã đến trước ông rồi. Ai vậy, đàn ông hay đàn bà? Nhưng Anđrêa Varông không tự dừng lại ở những chuyện vặt vãnh kiểu ấy trong những sự lộn xộn của ái tình. Trong số những nhân tình của ông, Anđrêa Varông là người duy nhất sống nhờ sắc đẹp của mình nhưng bà ta biết cách quản lý nó theo đúng ham muốn của bản thân chứ không theo một dự tính trước nào. Trong những năm tháng lộng lẫy nhất của đời mình, Anđrêa Varông đã hành nghề như một con điếm thượng lưu rất trứ danh đến mức được người đời gọi là Đức bà của chúng ta, Đức bà của tất cả. Bà làm cho các quan tỉnh trưởng và các đô đốc phải phát điên lên vì mình, bà đã nhìn thấy một số bậc yếu nhân trong quân đội và cả trong làng văn nữa, vốn chẳng lừng danh lắm nhưng họ tưởng hoặc giả cũng có người lừng danh thực, từng gục đầu khóc lóc thở than trên vai mình. Ngược lại, quả đúng là Tổng thống Raphaen Rêdêt, chỉ trong nửa giờ vội vã trong hai chuyến đến thăm thành phố này rất cập rập, đã cấp cho bà khoản lương hưu suốt đời vì đã có công lớn trong lúc làm việc ở Bộ Tài chính mà thực ra bà không hề làm việc lấy một ngày tại cơ quan nhà nước này. Bà ban phát những ân huệ khoái lạc của mình cho đến mức cơ thể mình còn chịu đựng được, và dẫu rằng đạo đức kỳ quặc của bà lại thuộc quyền phán xử của nhân dân, ấy thế mà không một ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chống lại bà vì những người đồng lõa trứ danh của bà đã bảo vệ bà như bảo vệ cuộc đời mình với ý thức sáng tỏ rằng không phải là bà mà chính họ sẽ bị mất mát trước những vụ xúc phạm đến công chúng. Phlôrêntinô Arixa đã vì bà mà phải tự vi phạm nguyên tắc của mình về việc không trả tiền và bà cũng vì ông mà đã tự vi phạm nguyên tắc của mình về việc nhất thiết không biếu không cho đám đàn ông, kể cả chồng mình. Hai người liền thống nhất với nhau một giá tượng trưng: cứ mỗi lần làm tình với nhau ông phải trả một trăm đồng pêxô nhưng bà không nhận đồng tiền ấy và ông cũng không trao tay cho bà mà cả hai người cùng nhét nó vào con lợn – ống đựng tiền tiết kiệm cho đến khi được một số tiền lớn đủ sức mua bất kỳ một thứ hàng ngoại nhập nào ở thành phố Lôt Enxcribanôt. Bà chính là người từng góp phần làm cho thứ thuốc thụt mà ông vẫn dùng để giải quyết những cơn đau quắn bụng do bệnh kiết lỵ gây ra có một cảm giác lạ lùng và bà thuyết phục được ông cùng chia sẻ với mình, cùng dùng chung với mình trong những buổi chiều thác loạn của họ hi vọng sẽ tạo ra thêm một thứ ái tình trong ái tình.
Trong hàng loạt cuộc hội ngộ hạnh phúc, ông coi cuộc hội ngộ với Sara Nôriêga là quý như vàng. Chỉ có Sara Nôriêga là người duy nhất đã khiến ông phải nếm một giọt mật đắng. Bà đã kết thúc những ngày còn lại của mình ở trong nhà thương điên Đivina Paxtôra, chuyên ngâm những bài thơ của tuổi già mang đậm tính chất khiêu dâm đến mức cần phải nhốt riêng bà kẻo những vần thơ bà ngâm sẽ khiến cho những người đàn bà điên khác lại điên lên vì tình. Tuy nhiên, khi ông nhận hoàn toàn trọng trách của Hãng Tàu thủy Caribê, ông không còn quá nhiều thời gian rảnh rỗi cũng như nhiệt tình để bắt tình với những người đàn bà khác để qua họ mà tạm lãng quên Phecmina Đaxa. Ông biết không thể lấy người khác thay cho bà được. Dần dần ông rơi vào thói quen thường xuyên đi thăm những nhân tình cũ của mình để hú hí với họ cho đến khi họ còn đủ sức để chiều ông, cho đến khi nào ông còn đủ sức để chiều họ, cho đến khi bọn họ vẫn còn cuộc sống. Ngày chủ nhật lễ Hạ Trần, khi Huvênan Ucbinô tạ thế, lúc ấy ông chỉ còn lại một người đàn bà, chỉ một mà thôi, mới mười bốn tuổi đầu, nhưng là người có tất cả những gì mà không một người đàn bà nào khác cho đến lúc ấy có thể khiến ông lại phát điên lên vì tình.
Người đó là Amêrica Vicunha. Hai năm trước, từ một miền biển ở cảng Pađrê cô ta đến đây theo sự gửi gắm của gia đình cho Phlôrêntinô Arixa, người cha đỡ đầu của cô, và là người có quan hệ huyết thống được thừa nhận. Cô gái được gửi tới với một học bổng trong lúc học sư phạm cao đẳng, với hành lý là một hòm làm bằng sắt tựa như cái hộp đựng búp bê, và từ khi cô ta bước xuống tàu cùng với đôi ủng màu trắng và bím tóc hung, ông đã có ngay một dự cảm tàn bạo rằng mình sẽ cùng ngủ trưa với cô ta trong rất nhiều ngày chủ nhật. Cô gái hãy còn nhãi ranh, theo đúng nghĩa của từ này, răng đầy bựa và đầu gối đầy vết sẹo do đùa nghịch trong những ngày học trường tiểu học nhưng ngay tức khắc ông nhận ra loại đàn bà sẽ trưởng thành nhanh chóng ở trong cô gái và ông vun trồng người đàn bà ấy trong một năm ròng với những ngày thứ bảy đi xem xiếc, với những ngày chủ nhật đi chơi công viên để ăn kem, với những buổi chiều thơ mộng và nhờ những buổi vui chơi này ông chinh phục được niềm tin của cô bé, giành được tình cảm yêu mến cô bé, rồi như một người ông đôn hậu với một mưu mẹo ông cầm tay dẫn cô tới lò sát sinh bí mật của mình. Cánh cửa thiên đường được mở ngay cho cô. Cô gái bừng nở trong một mùa hoa rộ nở từng để cô trôi nổi bềnh bồng trong niềm hạnh phúc ngây ngất và nó chính là sự cổ vũ mãnh liệt đối với cô, vì cô phải cố gắng học tập, luôn luôn đứng nhất lớp để ngày chủ nhật được ra khỏi nội trú mà đi chơi. Đối với ông, mối tình này là một xó xỉnh thú vị hơn cả trong tuổi già buồn tẻ. Sau hàng bao năm theo đuổi những mối tình được tính toán chi li, cái sở thích khó chịu của cô gái ngây thơ lại là niềm vui cho ông khi bị sự hư hỏng ở trong ông được phục hồi lại.
Họ hành động rất ăn ý. Cô gái cư xử đúng với tư cách của mình: Một bé gái sẵn sàng khám phá cuộc đời dưới sự hướng dẫn của một người đàn ông có tuổi không hề biết sợ là gì, còn ông xử sự với một ý thức sáng tỏ mình là người tình già và rằng tình yêu này là điều đáng sợ hơn cả trong cuộc đời của ông. Không bao giờ ông đồng nhất cô bé với Phecmina Đaxa, mặc dù giữa hai người có một sự giống nhau rất dễ dàng không chỉ vì tuổi tác, vì bộ đồng phục của học sinh và bím tóc, vì cái cách đi như hươu đi của cô bé mà còn vì ngay cả cái tính cách kiêu hãnh của cô bé. Hơn thế nữa: ý niệm về sự thay thế cũng đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Ông thích cô bé vì cô bé là cô bé và ông yêu cô bé vì cô bé có những cơn sốt khoái cảm vào lúc hoàng hôn. Cô bé là người đàn bà duy nhất ông đã hành động thận trọng tới mức tối đa để ngừa thai. Sau sáu lần gặp nhau, cả hai người không có ao ước nào hơn là sự hội ngộ vào những buổi chiều ngày chủ nhật.
Vì là người duy nhất được ủy thác đón cô bé ra khỏi nội trú, ông đi trên chiếc xe Hutsông sáu sylanh của Hãng Tàu thủy Caribê đến trường đón cô về nhà. Trong những buổi chiều râm mát, thỉnh thoảng họ còn hạ mui xe ra để ra biển dạo chơi. Ông đội chiếc mũ buồn thảm của mình. Cô bé cười ngạo nghễ đưa hai tay lên cố giữ chắc chiếc mũ hải quân của bộ đồng phục học sinh để gió khỏi cuốn nó đi. Có người từng khuyên cô bé rằng không nên đi quá xa trong quan hệ với người cha đỡ đầu, rằng không nên ở quá gần mà quen hơi hướng của ông, vì tuổi già rất đáng sợ: Nó dễ lây thói xấu cho mình. Nhưng cô gái phớt lờ mọi lời khuyên nhủ ấy. Cả hai người đều làm ngơ, đều không giữ gìn ý tứ để tránh những điều thiên hạ nghĩ về họ, vì quan hệ ruột thịt của họ rất rõ ràng, ai cũng biết, ngoài ra sự chênh lệch tuổi tác của hai người quá xa cũng giúp họ thoát được mọi ý nghĩ xấu xa có thể có đối với họ.
Vào lúc bốn giờ chiều, sau khi bọn họ vừa ân ái với nhau xong thì tiếng chuông cầu hồn vang lên. Phlôrêntinô Arixa cố trấn tĩnh trước những cú tim đập thon thót. Ở thời thanh niên của mình, nghi thức kéo chuông cầu hồn nằm ngay trong chi phí cho đám tang và chỉ có những người quá nghèo khổ mới bị từ chối không được kéo chuông cầu hồn mà thôi. Nhưng sau cuộc nội chiến cuối cùng ở đất nước chúng ta trong thời gian giao giữa hai thế kỷ, chế độ Bảo hoàng củng cố các tập tục thời thuộc địa Tây Ban Nha của mình, do đó những tiếng chuông cầu hồn rất đắt giá, đến mức chỉ những người cự phú mới đủ khả năng trả tiền. Khi Đức Giám mục Đăngtê đê Luna quá cố, các nhà thờ trong toàn tỉnh đều rền rĩ đổ hồi suốt chín ngày đêm liên tục và hiện tượng ấy trở thành một nỗi đau chung của tất cả mọi người đến mức Đức Giám mục kế nghiệp ngài đã loại bỏ nghi thức kéo chuông cầu hồn ra khỏi nghi thức của đám tang và ngài chỉ dành chúng cho những người chết nổi tiếng và có thế lực. Bởi vậy, khi Phlôrêntinô Arixa nghe thấy chuông Nhà Thờ lớn đổ những hồi chuông rên rỉ cầu hôn cho người chết vào lúc bốn giờ chiều ngày chủ nhật lễ Hạ Trần ông liền cảm thấy có một bóng ma ám ảnh mình từ thời trai trẻ đến thăm mình. Chưa bao giờ ông nghĩ rằng đó là những tiếng chuông cầu hồn mình từng mong đợi trong rất nhiều năm kể từ ngày chủ nhật ông nhìn thấy Phecmina Đaxa có thai sáu tháng từ trong nhà thờ bước ra sau khi dự lễ misa.
– Của khỉ, – ông nói. – Phải là một con cá mập to lắm để đến nỗi Nhà Thờ lớn nhất phải kéo chuông cầu hồn.
Amêrica Vicunha, hoàn toàn khỏa thân, vừa bừng tỉnh dậy.
– Có lẽ người ta kéo chuông là vì lễ Hạ Trần đấy! – Cô nói.
Phlôrêntinô Arixa không phải là người giàu kinh nghiệm trong các hoạt động của nhà thờ. Ông cũng không đi dự lễ misa kể từ sau khi ông không chơi viôlin trong đội đồng ca của một người Đức, người dạy ông nghề điện báo, và về số phận của ông ta như thế nào ông cũng không được biết tin tức xác thực. Nhưng ông biết chắc rằng không bao giờ nhà thờ kéo chuông để làm lễ Hạ Trần. Trong thành phố hẳn là có đám tang, ông biết rõ điều đó. Một nhóm bạn hữu trong số những người tị nạn ở vùng Caribê sáng hôm nay đã có mặt ở nhà ông báo cho ông biết rằng Giêrêmia đê Xanh Amua đã chết lúc sáng sớm trong phòng làm ảnh của ông ta. Dẫu rằng Phlôrêntinô Arixa không phải là bạn thân cận của ông ta nhưng ông là bạn của rất nhiều người tị nạn vùng Caribê vốn thường mời ông cùng tham gia các hoạt động chung, nhất là tham dự các đám tang của bọn họ. Nhưng Phlôrêntinô Arixa cũng tin chắc rằng những tiếng chuông rên rỉ kia cũng không đổ hồi để cầu hồn cho Giêrêmia đê Xanh Amua vì ông ta là một nhà vô thần, là một người vô chính phủ tàn bạo và hơn nữa ông ta đã chết bằng chính bàn tay mình.
– Không đúng thế đâu, – ông nói. – Những hồi chuông cầu hôn như thế chỉ có thể rung lên một cách rên rỉ để an ủi những người chết có chức vụ từ tỉnh trưởng trở lên mà thôi.
Amêrica Vicunha, với cơ thể xanh tái vằn vèo những đốm sáng lọc qua tận rèm cửa khép không kín, chưa đến tuổi để nghĩ về cái chết. Bọn họ ân ái với nhau sau bữa cơm trưa và sau lúc nghỉ trưa còn đang nằm trên giường đợi tỉnh ngủ hẳn. Cả hai người đang khỏa thân nằm bên dưới quạt trần mà tiếng kêu vo vo của nó vẫn không che lấp nổi tiếng lạo sạo của bước chân những chú quạ đen đi trên mái nhà lợp tôn còn nóng bỏng dưới ánh nắng lúc giữa trưa. Phlôrêntinô Arixa yêu cô bé như ông từng yêu bao người đàn bà khác trong cuộc đời dài lâu của mình. Nhưng so với những người khác, ông yêu cô gái này với nỗi đau day dứt hơn nhiều vì ông biết chắc rằng mình sẽ chết vì già lão trước khi cô học xong trường sư phạm cao đẳng.
Phòng họ nằm là phòng giường nằm trên tàu thủy, với những bức vách ghép ván được sơn đi sơn lại nhiều lần y như con tàu được sơn đi sơn lại, nhưng hơi nóng ở đây khủng khiếp hơn nhiều so với hơi nóng trong các phòng giường nằm của những con tàu chạy trên sông vào lúc bốn giờ chiều bởi chính hơi nóng từ trên mái kim loại hắt xuống mặc dù nó đã được mắc một chiếc quạt điện ngay trên đầu giường. Đây không phải là một phòng ngủ bình thường mà đúng hơn nó là một phòng giường nằm của một chiếc tàu thủy nhưng lại được dựng lên ở trên đất liền theo lệnh của Phlôrêntinô Arixa. Nó được làm ngay ở phía sau văn phòng của Hãng Tàu thủy Caribê chỉ với một mục đích duy nhất: ông có một tổ ấm cho những mối tình ở tuổi già của mình. Trong những ngày làm việc, thật khó mà ngủ được ở đây vì lúc nào cũng ồn vang tiếng gào thét của bọn phu khuân vác, tiếng cần cẩu làm việc ở ngoài cảng. Tuy nhiên, đối với cô gái nó là một thiên đường ngày chủ nhật.