Ký ức dai dẳng của bà đã làm tăng thêm nỗi lòng giận dữ của bà. Khi thức bà nghĩ đến ông, ngày thứ hai sau lễ an táng người chồng, chỉ với điệu bộ đơn giản của ý chí bà đã xóa được hình ảnh ông trong ký ức của mình. Nhưng nỗi giận giữ thường xuyên trở lại với bà và thế là ngay tức khắc bà hiểu rằng càng cố gắng quên ông thì bà càng nhớ ông nhiều hơn. Thế là do đã phải đầu hàng nỗi nhớ nhung, lần đầu tiên bà dám gợi lại những ngày huy hoàng của tình yêu mang đầy tính ảo tưởng kia. Bà cố xác định lại xem công viên lúc ấy với những cây hạnh đào xơ xác, với cái ghế đá lúc ấy ông ngồi yêu bà như thế nào vì hiện nay khung cảnh ấy không còn như xưa nữa. Tất cả đều đã thay đổi, cây cối với thảm lá vàng rơi đã bị mang đi nơi khác và ở địa điểm của bức tượng người anh hùng bị gẫy đầu người ta đã dựng thế vào đó một bức tượng khác với đồng phục oai vệ hơn, một bức tượng không tên tuổi, không ngày tháng, không công trạng để người đời chẳng biết tới là ai, và bên trong bệ đá lộng lẫy người ta còn thiết lập cả một trạm biến thế điện cho khu vực này. Ngôi nhà của bà, từ rất nhiều năm trước, từng được bán đi đã bị tan nát trong bàn tay của chính quyền địa phương. Đối với bà việc tưởng tượng ra Phlôrêntinô Arixa lúc ấy như thế nào thật chẳng dễ dàng gì và lại càng khó lòng nhận ra rằng anh thanh niên lầm lỳ, rất tiều tụy đứng dưới mưa kia lại chính là cái ông yếu đuối đang đứng trước mặt bà, không hề tôn trọng tình yêu, không hề tôn trọng nỗi đau thương của bà và đã đốt cháy ruột gan của bà bằng chính sự xúc phạm nóng như lửa đang cháy, khiến bà bối rối không tài nào thở được bình thường.
Người chị họ Hinđêbranđa Săngchêt đã đến thăm bà sau ít ngày bà sống ở điền trang của bà tại là Phlorêt đê Haria để cho qua đi cái giờ xúi quẩy do nàng Lin gây nên cho vợ chồng bà. Hinđêbranđa Săngchêt lúc này đã là một bà già béo phục phịch, nhưng rất hạnh phúc, được người con trai cả cùng đi. Y đã từng là đại tá trong quân đội giống như cha mình, nhưng chính y đã từ chức ngay sau khi hành động tội ác của y trong vụ thảm sát những người công nhân trồng chuối ở Xăng Hoan đê la Xiênaga. Hai chị em vốn gặp nhau nhiều lần và bao giờ cũng vậy họ đều dành ra nhiều giờ trong lúc chuyện trò để nhớ lại thời kỳ họ làm quen với nhau. Trong chuyến thăm viếng cuối cùng Hinđêbranđa Săngchêt lại càng nhớ quá khứ hơn bao giờ hết, rất hay mủi lòng vì sức nặng của tuổi già. Để trong lúc hoài nhớ thời quá vãng được vui thú nhất, bà mang đến một bức ảnh đóng giả mệnh phụ thời xưa mà bác thợ ảnh người Bỉ chụp cho hai người vào buổi chiều anh thanh niên ở Huvênan Ucbinô đã trêu chọc một cách thích thú đối với cô Phécmina Đaxa cố tình làm ngơ. Bức ảnh của Phecmina Đaxa đã bị mất, còn bức ảnh của Hinđêbranđa Săngchêt hầu như không thể nhìn rõ hình. Nhưng cả hai người đều nhận ra mình qua nỗi buồn thảng thốt: họ trẻ và đẹp như sẽ chẳng bao giờ họ được như thế nữa.
Đối với Hinđêbranđa Săngchêt, thật khó lòng mà không nói đến Phlôrêntinô Arixa, bởi vì bà luôn luôn đồng nhất số phận của ông với số phận của bà. Bà nhớ tới ông như ngày bà đi đánh bức điện đầu tiên và từ đó trở đi chẳng bao giờ bà rũ bỏ khỏi con tim mình ký ức về một con chim buồn bị đầy ải vào cõi lãng quên. Về phần mình, Phecmina Đaxa từng nhiều lần nhìn thấy ông, không nói chuyện với ông, hiển nhiên rồi, và bà không tài nào chấp nhận ông chính là người tình đầu tiên của mình. Tin tức của ông luôn luôn đến tai bà, cũng như tất cả những tin tức của kẻ có địa vị trong thành phố này đã đến với bà. Người ta đồn rằng ông không lấy vợ vì ông có thói quen lạ lùng lắm nhưng ngay cả với điều này bà cũng không hề để ý, phần vì bà không tin lời đồn đại, phần vì dù sao đi nữa có biết bao chuyện tương tự về những người đàn ông không thể hồ nghi đã được mọi người đồn đại. Ngược lại, hình như bà lại ngạc nhiên rằng ngay sau khi đã khởi nghiệp trong cuộc đời bằng một hình thức độc đáo và danh giá, Phlôrêntinô Arixa vẫn giữ nếp ăn vận những bộ quần áo kỳ quái, vẫn dùng các loại nước hoa khác thường và hơn nữa vẫn đăm chiêu khó hiểu. Bà không thể nghĩ rằng cái con người ấy vẫn chỉ là một, vẫn chỉ là ông, và bà luôn luôn thảng thốt khi Hinđêbranđa Săngchêt thở dài não nuột nói: “Ôi, con người đáng thương, ông ta đã chịu bao đau thương”. Bởi từ rất nhiều năm bà nhìn ông với con mắt không mủi lòng thương: ông cứ như một chiếc bóng phai mờ.
Tuy vậy, cái đêm bà gặp ông ở rạp chiếu bóng, những ngày vừa từ làng Phlôrêt đê Maria trở về, trong trái tim bà đã xảy ra một chuyện rất lạ lùng. Bà không ngạc nhiên trước việc ông cùng đi với một người đàn bà, hơn nữa lại là một người đàn bà da đen. Bà chỉ ngạc nhiên thấy rằng ông giữ gìn sức khỏe rất tốt, rằng ông xử sự rất nhanh nhẹn, nhưng bà không nghĩ rằng có thể bà chứ không phải ông là người đã thay đổi sau vụ nàng Lin xâm phạm cuộc đời riêng của bà. Kể từ dạo ấy trở đi, và trong hơn hai mươi năm, bà đã nhìn ông với con mắt thương cảm hơn. Cái đêm đầu tiên viếng người chồng quá cố chẳng những bà thông cảm với việc ông có mặt mà còn hiểu đó là kết cục tất nhiên của lòng hiềm thù: một hành động tha thứ và cho qua mọi chuyện. Nhưng việc ông nhắc lại với bà về một tình yêu mà đối với bà chẳng hề có và hơn nữa ở lứa tuổi trong đó cả bà lẫn ông chỉ chờ ngày Chúa gọi đi hầu, đúng việc ấy đối với bà là rất bất ngờ.
Sau khi hỏa thiêu tượng trưng thi hài người chồng, nỗi giận ghê gớm do cú đụng độ đầu tiên vẫn nguyên vẹn và bà cảm thấy nó ngày càng lớn thêm, càng ngày càng đâm thêm ra nhiều cành nhánh khi khả năng làm chủ nỗi giận của mình càng giảm đi. Tình trạng còn tồi tệ hơn nữa: Những khoảng không trống rỗng trong ký ức bà do đã dập tắt được những ký ức về người chồng quá cố lại bị bãi cây hoa thuốc phiện nơi bà từng chôn vùi những ký ức về Phlôrêntinô Arixa từng bước chiếm chỗ. Do đó, bà đã nghĩ về ông mà lòng không hề muốn, và càng nghĩ đến ông bà càng nổi giận, và khi càng nổi giận bà lại càng nghĩ về ông, đến độ có một cái gì đó không thể chịu hơn được nữa đã làm bà quẫn trí. Lúc ấy, bà ngồi vào bàn viết của người chồng quá cố, viết cho Phlôrêntinô Arixa một bức thư dài ba trang kín đặc những lời thóa mạ và nguyền rủa và chúng đã có tác dụng làm nguôi cơn giận của bà vì với ý thức rõ ràng bà đã phạm một hành động bỉ ổi hơn cả trong cuộc đời dài lâu của mình.
Đối với Phlôrêntinô Arixa, ba tuần lễ ấy cũng là những ngày đầy đau khổ. Cái đêm ông nhắc lại với Phecmina Đaxa tình yêu thủy chung son sắt của mình, ông đã lang thang trên những phố xá bị trận mưa rào ghê gớm lúc buổi chiều tàn phá mà vừa lo sợ vừa tự hỏi lòng mình sẽ phải làm gì với chiếc da hổ vừa giết xong sau khi đã dũng cảm kháng cự trong vòng vây của nó suốt hơn một nửa thế kỷ. Cả thành phố còn đang trong tình trạng ngập lụt. Trong một vài ngôi nhà, có những người đàn ông và đàn bà để trần đang cố vớt vát những gì Thượng đế mong muốn khỏi nạn lụt lội, và Phlôrêntinô Arixa bỗng có ngay cảm tưởng rằng nỗi bất hạnh của tất cả mọi người đều liên quan dù ít dù nhiều với nỗi bất hạnh của chính ông. Nhưng nó lại hiền hòa vàao trời vùng Caribê vẫn lấp lánh sáng ở đúng vị trí của chúng. Bỗng nhiên, trong khung cảnh thanh tĩnh, Phlôrêntinô Arixa nhận ra ngay giọng hát của người đàn ông mà Lêôna Catxiani và ông đã từng nghe hát trong rất nhiều năm trước đây, vào cùng giờ này vào chính lúc này: Từ cầu anh trở về đẫm nước mắt. Một bài hát mà đứng ở một góc độ nào đó để xét, trong một đêm như đêm ấy và chỉ dành cho ông nghe thôi, nhất định có ám chỉ đến cái chết.
Chưa bao giờ như lúc ấy ông cảm thấy mình cần có Tranxitô Arixa, cần đến những lời thông thái của cụ, cần đến cái đầu hoàng hậu gài những bông hoa giấy nom đến tức cười của cụ đến như thế. Không thể nào tránh được cảm giác ấy: Bao giờ cũng vậy, khi ông đứng bên miệng vực của tai họa, ông cần có sự che chở của một người đàn bà. Vậy là ông đi về phía Trường Sư phạm để tìm lối vào và ông nhìn thấy ánh sáng một ngọn đèn trong dãy dài cửa sổ phòng ngủ của Amêrica Vicunha. Ông phải cố gắng đấu tranh tư tưởng để khỏi sa vào cơn điên của người ông là vào dẫn cô ta đi lúc hai giờ sáng, người vẫn ấm hơi nóng chăn đệm, vẫn thơm mùi nôi.
Ở đầu bên kia thành phố là Lêôna Catxiani, cô đơn và tự do, sẵn sàng tiếp đón ông vào lúc hai giờ sáng, ba giờ sáng hay vào bất kỳ giờ nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà lòng thương hại cần đến bà. Không phải lần đầu tiên ông gõ cửa gọi là trong nỗi hoang vắng mỗi bận mất ngủ nhưng ông hiểu rằng bà quá ư thông minh, và họ, ông và bà, quá say đắm nhau để đến mức ông đến khóc trên ngực bà mà không cần phải nói rõ lý do. Sau khi suy nghĩ lao lung, lang thang đi như một kẻ mộng du trong thành phố hoang vắng, ông thấy rằng tốt hơn hết là hãy đến với Pruđênhxia Pitrê: “Bà góa của Thượng đế”. Bà ít hơn ông chừng mười tuổi. Bọn họ quen biết nhau từ thế kỷ trước và lâu nay họ không gặp nhau chính là vì bà quyết chí không để cho bất kỳ ai nhìn thấy mình trong tình trạng đáng thương: sắp mù hẳn và hiện đang ở bên lề của tuổi già lão. Ngay sau khi nhớ đến bà, Phlôrêtinô Arixa đi ngay về phố Vênhatanat, nhét hai chai rượu và một chai nước ngọt vào chiếc túi đi chợ, rồi vội vã đi thăm bà mà không hề biết bà có ở một mình hay không, mà không hề biết bà còn sống hay không.
Pruđênhxia Pitrê không quên chìa khóa móc nơi cánh cửa, và với chiếc chìa khóa này ông tự nhận định lấy hoàn cảnh khi mà họ cứ tưởng mình vẫn còn trẻ dẫu rằng họ chẳng còn trẻ trung, và bà mở cửa cho ông vào mà không cần phải hỏi han gì. Đường phố tối đen và với bộ quần áo nỉ sẫm màu, ông cũng lẫn trong bóng tối. Ông mang theo chiếc mũ cứng và chiếc ô cánh dơi khoác nơi cánh tay. Bà không còn mắt để nhìn thấy ông trong ánh sáng rõ ràng, nhưng bà nhận ngay ra ông nhờ ánh sáng trên gọng sắt cặp kính. Ông giống như một tên giết người hai tay vẫn còn đẫm máu.
– Một chỗ trú ngụ cho một kẻ mồ côi đáng thương. – Ông nói.
Đó là điều duy nhất ông dám nói và nói là để mà nói thôi. Ông ngạc nhiên biết chừng nào khi thấy bà già đi quá nhiều kể từ lần cuối cùng ông nhìn thấy bà và ông cũng biết rằng bà sẽ nghĩ về ông tương tự. Nhưng ông tự an ủi lòng mình bằng cách nghĩ rằng một lát sau, khi cả hai cùng hoàn hồn, họ sẽ ít nhận thấy tính chất tàn phá của thời gian trên hình hài mỗi người, và họ lại sẽ thấy nhau rất trẻ y như hồi họ mới quen nhau, bốn mươi năm trước đây.
– Nom ông cứ như người đi dự một đám tang ấy, – bà bảo ông.
Quả đúng như vậy. Ngay từ lúc mười một giờ trưa bà đã đứng ở cửa sổ nhà mình, cũng như hầu hết dân thành phố này, để xem đám tang đông và sang trọng nhất đang diễu qua kể từ sau đám tang của đức giám mục Đê Luna đến nay. Những tiếng đại bác gầm rung trời chuyển đất, những tiếng la hét chói tai của các đơn vị quân đội, sự lộn xộn của những bài kinh được tụng trong đám tang vang lên lấn át tiếng chuông rên rỉ của tất cả các nhà thờ đổ hồi không ngừng nghỉ suốt từ ngày hôm trước đã đánh thức bà dậy ngay từ lúc ngủ trưa. Từ trên ban công, bà nhìn thấy đám quân nhân ăn vận sang trọng cưỡi trên lưng ngựa, những giáo đoàn, học sinh các trường học, đám chức sắc vận đồ đen, cỗ xe do những chú ngựa đầu đội mũ mào gà lông chim và lưng thắng bộ yên màu vàng kéo chiếc quan tài màu vàng có phủ một lá cờ, và cuối cùng là hàng dài những chiếc xe ngựa cổ lỗ mui trần chở qua các vòng hoa viếng. Đám tang hầu như chưa đi qua trước ban công nhà Pruđênhxia Pitrê, sau giờ ngọ một chút, thì một trận mưa rào như trút nước đổ xuống, và đám tang lúc ấy như chợ vỡ, người ta vội bỏ về.
– Ôi, sao cái chết lại có một hình thức ngớ ngẩn đến như thế, – bà nói.
– Cái chết không có ý nghĩa tức cười, – ông nói, và ông đau khổ nhấn mạnh thêm: – trước hết là đối với tuổi của chúng ta.
Họ ngồi ở sân hiên, đối diện với biển bao la, ngắm vầng trăng với tán to che gần hết nửa bầu trời, thưởng ngoạn cơn gió mát dịu nhẹ và thơm hương sau trận mưa. Họ uống từng ngụm rượu và ăn bánh mà Pruđênhxia Pitrê lấy từ trong lò ra. Họ từng sống bên nhau rất nhiều đêm như cái đêm ấy sau khi bà góa chồng ở tuổi ba mươi lăm không con cái. Phlôrêntinô gặp bà ở thời kỳ bà tiếp bất cứ người đàn ông nào muốn theo bà, dẫu rằng họ phải chia giờ đến với bà. Phlôrêntinô Arixa và Pruđênhxia Pitrê đã thiết lập được một quan hệ nghiêm chỉnh và lâu dài hơn là điều có thể có được.
Dẫu rằng chưa bao giờ bà để lộ ý định của mình, Pruđênhxia Pitrê sẽ bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để đi bước nữa cưới ông làm chồng. Bà biết rằng mình không dễ gì vâng theo tính nết keo kiệt của ông, không dễ gì chiều nổi những yêu cầu của người già trước tuổi của ông, không dễ gì thỏa mãn cái ham muốn đòi hỏi tất cả mà chẳng phải trả gì cả, nhưng ngược lại với tất cả những thứ đó, thì không có người đàn ông nào cần cho bà hơn là ông, bởi trên thế gian này không có người đàn ông nào lại khao khát ái tình đến như ông. Nhưng cũng không có một người đàn ông nào lại khó cầm giữ chân như ông vì nghĩ rằng tình yêu không đi quá cái mức ông ta cần nghĩa là nó chỉ đến chỗ không gây trở ngại cho quyết tâm của ông muốn mình được tự do để đợi chờ Phecmina Đaxa. Tuy nhiên, ái tình của hai người đã kéo dài được rất nhiều năm, ngay cả sau khi ông thu xếp để Pruđênhxia Pitrê đi bước nữa cưới một người lái buôn từng đến thành phố này trong ba tháng và sau đó trở lại đây du lịch trong ba tháng nữa. Với người này, Pruđênhxia Pitrê có một người con gái và bốn người con trai, trong đó, theo đúng như lời thề của bà, có một người con là của Phlôrênhtinô Arixa.
Họ nói chuyện mà chẳng hề quan tâm đến giờ giấc bởi vì hai người đã quen thức trắng đêm trong thời trẻ, vì vậy hiện nay họ lại càng không quan tâm đến việc thức trắng đêm trong tuổi già. Dẫu rằng hầu như chưa bao giờ họ uống đến chén thứ hai, thế mà lần này họ đã uống đến chén thứ ba và Phlôrêntinô Arixa mệt lử hầu như không lấy lại được tinh thần. Ông đổ mồ hôi hột, chúng chảy thành dòng. Bà góa của thượng đế liền bảo ông rằng hãy cởi áo véxtông ra, cởi áo gi-lê ra, cởi quần ra, rằng hãy cởi tất cả nếu như ông thích, của khỉ, vì đã lâu bọn họ quen biết nhau nhiều trong lúc khỏa thân hơn là trong lúc mặc quần áo. Ông bảo rằng ông sẽ khỏa thân nếu bà khỏa thân trước nhưng bà lại không muốn thế. Có thời kỳ bà nhìn mình trong chiếc gương tủ quần áo và ngay lập tức bà hiểu rằng mình chẳng đáng giá nữa khi khỏa thân trước con mắt của bất kỳ ai, kể cả ông.
Phlôrêntinô Arixa, trong tâm trạng cao hứng đến mức bốn chén rượu cũng chưa làm ông thỏa, tiếp tục nói về quá khứ, nói về những kỉ niệm trong quá khứ vốn là đề tài duy nhất của ông từ lâu nay, nhưng ông lại đang háo hức muốn tìm thấy một con đường bí mật để khỏi bị nghẹt thở vì quá khứ. Bởi đó chính là cái mà hiện nay ông đang cần: nói hết tâm trạng của mình. Khi cảm thấy cái ánh hồng đầu tiên ló rạng ở đường chân trời, ông thử dò đoán ý nghĩ của Pruđênhxia Pitrê. Làm bộ vô tình ông hỏi bà: “Trong tình trạng hiện nay của mình: Góa bụa lại già nua, mình sẽ làm gì nếu có người đặt vấn đề cưới mình làm vợ”. Bà cười, và với nụ cười nhăn nheo của tuổi già, bà cũng hỏi ông:
– Mình nói điều đó là vì bà quả phụ Ucbinô chứ gì!
Phlôrêntinô Arixa luôn luôn quên khi không nên quên rằng đàn bà bao giờ cũng nghĩ đến ý nghĩ kín đáo của các câu hỏi hơn là chính bản thân các câu hỏi, và rằng Pruđênhxia Pitrê lại cáo hơn bất kỳ người đàn bà nào. Câu hỏi lạnh gáy của bà khiến Phlôrêntinô Arixa bị bất ngờ sinh ra hoảng hốt và lúng túng. Ông đành phải lảng vảng sang chuyện không thật lòng của mình: “Tôi hỏi thế là vì mình đấy”. Bà lại cười: “Thôi, mình hãy đi mà phỉnh bà mẹ đàn điếm của mình, người đang yên nghỉ giấc ngàn thu”. Ngay lập tức bà đòi ông phải nói thật điều ông muốn nói, vì bà biết rằng không một người đàn ông nào, kể cả ông, đã đến đánh thức mình dậy lúc ba giờ sáng, và sau bao nhiêu năm không gặp lại nhau, chỉ để uống rượu và ăn bánh không thôi. Bà bảo: “Điều ấy chỉ xảy ra khi một người cần tìm một người để khóc lóc và thở than”. Phlôrêntinô Arixa cố chống chế trong lúc phải nhượng bộ.
– Lại một lần nữa mình nhầm rồi, – ông nói với bà. – Lý do đến thăm mình đêm nay của tôi chỉ là cùng hát với mình.
– Thế thì chúng mình cùng hát nào, – bà nói.
Với giọng hát tốt ông lấy điệu để hát bài hát đang là mốt thời thượng; Rêmôna, không có em anh không thể sống được. Đó là lúc tàn đêm, bởi ông không dám chơi trò mạo hiểm với một người đàn bà từng chứng tỏ cho ông biết rằng bà ta hiểu ông rất thấu đáo. Ông đứng dậy ra về. Ông đi trong một thành phố khác hẳn, một thành phố lạ hẳn đi bởi những đóa thược dược cuối cùng trong tháng sáu và đi trên đường phố của thời thanh xuân của ông. Nơi những bà góa đang lũ lượt đi trong hơi sương lúc năm giờ sáng để kịp làm lễ misa. Nhưng lúc ấy chính ông chứ không phải các bà góa là người đã phải tránh đường để người khác không thể ghìm chúng lại được nữa, không phải từ lúc nửa đêm như ông tưởng, bởi vì rằng những giọt nước mắt này là những giọt nước mắt khác những giọt nước mắt ông cố kìm nén từ trước đây năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày.
Ông không còn ý thức về thời gian khi thức dậy mà không biết mình đang ở đâu trước một cửa sổ chói chang ánh sáng. Tiếng nói của Amêrica Vicunha đang chơi bóng cùng các cô hầu phòng ở ngoài vườn hoa đã đưa ông về thực tế: Ông đang nằm trên giường của mẹ mình, trong cái phòng ngủ của cụ vẫn được giữ như cũ, và là nơi ông chỉ ngủ để cảm thấy bớt cô đơn hơn trong những trường hợp hiếm hoi bị nỗi cô đơn dày vò. Đối diện với giường nằm là chiếc gương mang từ tiệm ăn Đôn Sangchô về đây, và ông chỉ cần nhìn nó khi thức dậy là đã nhìn thấy hình bóng Phecmina Đaxa trong đáy gương rồi. Ông biết hôm nay là ngày thứ bảy, bởi vì đó là ngày người tài xế đánh xe vào trường nội trú đón Amêrica Vicunha và đưa cô về nhà ông. Ông nhận ra rằng mình đã ngủ thiếp đi từ lúc nào mà không hay, mà trong khi ngủ mơ ấy thấy mình không thể ngủ được, với một giấc ngủ không ngon giấc bị ám ảnh bởi gương mặt cau có đầy giận giữ của Phecmina Đaxa. Trong lúc tắm ông nghĩ bước tiếp theo của đời mình sẽ như thế nào, rồi ông thư thả mặc bộ đồ diện nhất, xức nước hoa và vuốt lại cho chỉnh hàng ria vểnh đã bạc như cước. Khi ra khỏi phòng ngủ và từ hành lang tầng hai ông nhìn thấy cô gái đẹp mặc đồng phục nữ sinh, người đang với quả bóng bay trong không trung với vẻ kiều diễm từng khiến ông sướng run lên trong không biết bao nhiêu ngày thứ bảy nhưng buổi sáng này nó không hề khiến ông mảy may động lòng. Ông ra hiệu cho cô gái đi theo mình và trước khi lên ô tô ông nói vẻ hững hờ: “Hôm nay chúng ta sẽ không làm cái trò ấy”. Ông đưa cô đến Hiệu kem Amêricana mà giờ ấy chật ních các ông bố bà mẹ đang cùng ăn kem với con mình ở bên dưới những chiếc quạt trần cánh dài mắc trên trần nhà. Amêrica Vicunha mua một cốc kem có nhiều tầng, mỗi tầng một màu. Đó là món kem ngon và bán chạy nhất của cửa hiệu vì khi ăn, thứ kem này tỏa ra một mùi hương diệu huyền. Phlôrêntinô Arixa mua một cốc cà phê đen. Ông nhìn cô bé ăn kem mà không nói năng gì, trong lúc cô gái dùng chiếc thìa có cán dài để ăn kem. Không ngừng nhìn cô bé, bỗng ông bảo cô:
– Ta sẽ cưới vợ đấy.
Với ánh mắt lưỡng lự cô gái nhìn ông trong lúc tay giơ cao chiếc thìa, nhưng ngay sau đó cô bình tĩnh lại và nở một nụ cười.
– Điêu nào! – Cô nói. – Các cụ già không cưới nhau mà.