Các buổi chiều đến thăm bà của ông nhanh chóng khiến cho cả nhà khó chịu vì bác sĩ Ucbinô Đaxa và vợ ông đôi lúc làm như vô tình đến chơi thôi và họ ở lại cũng chơi bài tây. Phlôrêntinô Arixa không biết chơi nhưng Phecmina Đaxa đã dạy ông chỉ trong một buổi đến chơi và cả hai cũng gửi cho vợ chồng bác sĩ Ucbinô Đaxa một bức thư thách đấu vào thứ ba tuần tới. Đó là những buổi gặp gỡ rất dễ chịu đối với tất cả đến độ chúng nhanh chóng trở thành chính thức như các buổi ông đến thăm bà, và các thể thức đã được xác định để mỗi người, ứng xử đúng phận sự của mình. Bác sĩ Ucbinô Đaxa và vợ, vốn là một người bán giải khát tuyệt vời thường mang bánh ngọt mới ra lò đến góp phần, mỗi lần một thứ bánh khác nhau. Phlôrêntinô Arixa vẫn mang đến những thức ngon vật lạ ông tìm mua được trên những con tàu viễn dương từ châu Âu sang và Phecmina Đaxa thích thú tiếp nhận những thứ đó để khích lệ ông mỗi tuần mang đến một thứ mới khiến ngạc nhiên hơn. Các cuộc thi này được tổ chức vào ngày thứ ba trong tuần lễ thứ ba của mỗi tháng và họ không chơi ăn tiền, nhưng ai thua, trong cuộc thì tới người ấy phải chịu trách nhiệm đóng góp thức ăn đặc biệt.
Bác sĩ Ucbinô Đaxa thuộc loại người trông mặt mà bắt hình dong. Ông là người không có thủ đoạn vặt, hơi chậm chạp và thường hay lúng túng, dù đó là lúc ông vui hay đó là lúc ông khó chịu, và mỗi bận như vậy mặt ông đỏ lựng không đúng lúc khiến người ta sợ chúng ảnh hướng đến sức khỏe tinh thần của ông. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa và mới chỉ thoạt nhìn thấy ông, người ta nhận ra ngay ông là một con người hiền lành, đó là điều mà Phlôrêntinô Arixa sợ hơn cả. Ngược lại với ông ta hoàn toàn, bà vợ bác sĩ Ucbinô Đaxa lại là người lanh lợi và thường có lối nói hài hước kiểu bình dân, đúng lúc và sáng rõ, vốn là người đã cho Phlôrêntinô Atixa một cảm giác dễ chịu, rất con người, trước sắc đẹp của bà ta. Không thể mong một đôi vợ chồng nào hơn để chơi bài và thế là những đòi hỏi tình yêu day dứt của Phlôrêntinô Arixa được thỏa mãn với ảo tưởng mình được cả gia đình đùm bọc.
Có một đêm, khi bọn bọ cùng ra về, bác sĩ Ucbinô Đaxa mời Phlôrêntinô Arixa cũng ăn trưa với ông ta: “Ngày mai, vào lúc mười hai giờ rưỡi tại Câu lạc bộ Xã hội”. Đó là một nơi ăn ngon và là một nơi có thứ rượu đắng lòng: Câu lạc bộ Xã hội vẫn giữ quyền không tiếp khách khác ngoài giới quý tộc, và một trong những khách họ kiên quyết không tiếp là những người con hoang. Ông chú Lêông XII vẫn giữ nguyên kinh nghiệm sống nóng hổi trong ý nghĩa này và chính Phlôrêntinô Arixa phải chịu nỗi nhục bị họ đuổi ra khi đã ngồi vào bản ăn theo lời mời của một người bạn thân vốn là người sáng lập ra câu lạc bộ này. Người bạn này vốn là người phải chịu ơn Phlôrêntinô Atixa nhiều trong việc kinh doanh đường thủy, không còn cách nào hơn là dẫn ông đi ăn ở nơi khác.
– Những người đặt ra luật lệ là những người phải gương mẫu thực hiện chúng hơn ai hết, – ông ta nói với Phlôrêntinô Arixa.
Tuy nhiên, Phlôrêntinô Arixa đi ăn với bác sĩ Ucbinô Đaxa lần này không gặp trở ngại gì, ngược lại, còn được đón tiếp với thái độ đặc biệt, mặc dù họ không mời ông ký tên vào sổ vàng của các khách quý. Bữa cơm trưa chỉ có hai người với nhau, diễn ra ngắn ngủi trong khi cả hai cùng khẽ khàng nói chuyện. Những lo ngại từng khiến Phlôrêntinô Arixa không yên lòng từ chiều hôm trước liền tan biến với cốc rượu đầy lý thú. Bác sĩ Ucbinô Đaxa muốn ông nói chuyện về bà mẹ của bác sĩ. Cứ theo điều bác sĩ nói, Phlôrêntinô Arixa biết rằng Phecmina Đaxa nói về ông với con trai bà. Và còn quan trọng hơn thế: Bà đã nói dối con trai về những điều có lợi cho ông. Bà kể cho con trai biết rằng ông và bà là bạn cũ với nhau từ hồi còn nhỏ, cùng chơi với nhau từ hồi bà mới từ Xăng Hoan đê là Xiênagga đến đây, rằng ông là người đã mở đầu các bài học đầu tiên của bà, bởi lẽ ấy bà vẫn giữ được một tình bạn dễ chịu từ xa xưa. Ngoài ra bà còn kể cho ông ta biết rằng khi bà thôi học, bà thường xuyên ở bên cạnh bà cụ Tranxitô Arixa ở cửa hàng tạp hóa để tập thêu, bởi bà cụ là một bà giáo tuyệt vời, và rằng nếu bà không thường xuyên gặp lại Phlôrêntinô Arixa không phải vì bà không thích mà vì do sự khác nhau về thân phận của hai người.
Trước khi thực hiện triệt để mục đích của mình trong cuộc gặp gỡ này, bác sĩ Ucbinô Đaxa đã bộc lộ một số suy tư của mình về tuổi già. Ông nghĩ rằng cuộc đời sẽ đi nhanh hơn nếu không có những trở ngại của các cụ già. Ông ta nói: “Loài người, như bính lính đã đứng thành hàng khối, đang tiến lên vùn vụt”. Ông ta mường tượng tới một tương lai nhân đạo hơn, trong đó các cụ già được cư trú trong những thành phố vệ tinh mà từ đó các cụ không thể tự đánh giá về mình, để tránh cho các cụ nỗi tủi hổ, những đau khổ, nỗi cô đơn của tuổi già bỗng ập tới. Từ góc độ nhìn nhận của người thầy thuốc, theo như ông nghĩ, cái giới bạn ấy của tình thương, giải pháp duy nhất là chỗ cư trú, vốn là nơi các cụ già an ủi lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, các cụ thấy mình giống nhau trong sở thích, trong nỗi hoài nhớ và cả trong nỗi buồn, ngoại trừ sự khác biệt tự nhiên với các thế hệ sau. Ông ta bảo: “Các cụ già, giữa các cụ già, đỡ già hơn”. Bởi vì bác sĩ Ucbinô Đaxa muốn cảm tạ Phlôrêntinô Arixa về tình thân mật mà ông giành cho mẹ mình trong cảnh góa bụa cô đơn, ông ta khẩn khoản đề nghị ông hãy tiếp tục hành động như vậy vì lợi ích của cả hai bên là sự yên bình của tất cả mọi người và mong ông hãy bình tĩnh trước những thói trái tính trái nết của tuổi già. Phlôrêntinô Arixa cảm thấy nhẹ nhõm trước giải pháp của cuộc nói chuyện. “Mong cậu hãy yên tâm, – ông nói. – Ta lớn hơn bà ấy bốn tuổi, không phải là bây giờ, mà từ trước đây, trước khi cậu ra đời rất lâu kìa”.
Sau đó bằng một ý hóm hỉnh, ông vui vẻ nói:
– Trong một xã hội tương lai ngay từ bây giờ cậu sẽ phải đến nghĩa địa để mang cho bà ấy và ta một cành anturiô cho bữa ăn trưa.
Cho đến tận lúc ấy, bác sĩ Ucbinô Đaxa vẫn chưa dừng lại ở dự cảm không đúng của mình và do đó ông ta bị lạc nẻo vào những hẻm núi khó hiểu đến mức sinh ra lúng túng. Phlôrêntinô Arixa đã giúp ông ta thoát khỏi tình trạng ấy. Ông rất phấn khởi vì ông biết rằng sớm hay muộn mình sẽ có một cuộc gặp gỡ thân mật như cái cuộc gặp gỡ với bác sĩ Ucbinô Đaxa này để thực hiện một nghĩa vụ xã hội không thể lẩn tránh được lời cầu hôn chính thức với bà mẹ bác sĩ. Bữa cơm trưa rất vui, vui không chỉ vì chính đề tài của nó mà còn vì nó chứng tỏ cho ông biết sự đòi hỏi kiên quyết kia đã được chấp nhận nhanh chóng đến thế. Nếu như có tính đến sự đồng tình của Phecmina Đaxa thì không một dịp nào thuận lợi như dịp này. Hơn thế nữa, sau điều hai người nói chuyện với nhau trong bữa cơm trưa lịch sử đó, tính chất hình thức chủ nghĩa của sự đòi hỏi đâm ra thừa.
Phlôrêntinô Arixa lên xuống cầu thang với một thái độ thận trọng đặc biệt, ngay cả khi ông còn trẻ, bởi ông luôn luôn nghĩ rằng tuổi già bắt đầu bằng cú ngã đầu tiên, một cú ngã chẳng nguy hiểm gì nhưng rồi thần chết sẽ đến với mình khi ngã lần thứ hai. Cầu thang Văn phòng ông, đã cao lại hẹp, đối với ông là cầu thang nguy hiểm nhất trong số những cầu thang ông biết tới, do đó đã từ lâu ông cố gắng hết sức để khỏi bị trượt chân. Trong lúc lên cầu thang, mắt ông nhìn cho thật rõ các bậc thang của nó và hai tay ông vịn chắc vào tay vịn. Đã nhiều lần ông nẩy ra ý định cần phải thay cầu thang khác để bớt nguy hiểm hơn, nhưng ý định ấy luôn bị trì hoãn tháng này sang tháng tới, vì đối với ông đó là một sự nhượng bộ của tuổi già. Trong lúc năm tháng cứ trôi đi, việc lên xuống cầu thang của ông ngày một tốn thời gian hơn. Bởi không phải vì nhọc sức hơn như là điều ông vội vã giải thích mà vì mỗi lần lên xuống cầu thang ông phải thận trọng hơn. Tuy nhiên ở cái buổi chiều sau khi dùng cơm trưa với bác sĩ Ucbinô Đaxa trở về, sau cốc rượu ôportô đầy thích thú và tiếp đó một nửa ly rượu màu uống lúc ăn, và nhất là sau cuộc nói chuyện thành công viên mãn, Phlôrêntinô Arixa, với bước đi mạnh mẽ định vượt liền ba bậc một lúc và chính vì thế ông bị trẹo chân trái và bị ngã ngửa. May mà ông không chết. Trong lúc ngã ông còn khá minh mẫn để nghĩ rằng mình sẽ không chết bởi cú ngã này vì trong cái lẽ hợp lô-gíc của cuộc đời không thể nào có chuyện hai người cùng yêu say đắm một người đàn bà trong nhiều năm lại cùng chết dưới chính một bình thức và chỉ cách nhau có một năm. Ông có lý khi nghĩ vậy. Người ta bó bột cho ông từ chân lên đến thắt lưng và buộc ông phải nằm yên ở trên giường, nhưng ông vẫn khỏe mạnh hơn ngay cả trước khi bị ngã. Khi thầy thuốc ra lệnh cho ông phải bất động trong sáu mươi ngày, Phlôrêntinô Arixa không thể tin được rằng mình lại bất hạnh đến như thế.
– Bác sĩ ơi, xin ngài làm ơn đừng bắt tội tôi như thế, – ông van nài. – Hai tháng trời của tôi bằng cả mười năm của ngài đấy.
Đã vài lần Phlôrêntinô Arixa định vùng dậy khỏi giường lê theo cái chân bị bó bột cứng đơ như chân tượng thạch cao, nhưng bao giờ ông cũng bị thực tế đánh gục. Khi đã có thể đi lại được với mắt cả chân còn đau nhoi nhói và cái lưng tấy đỏ ông vẫn có thừa lý do để mà nghĩ rằng số phận đã thưởng cho tinh thần kiên cường của mình một cú ngã may mắn.
Ngày đau khổ nhất của ông lại là ngày thứ hai đầu tiên. Cái đau đớn nhức nhối đã thuyên giảm và lời chẩn đoán của thầy thuốc có sức động viên rất ghê gớm đối với ông, nhưng ông không chịu chấp nhận nỗi bất hạnh không được nhìn thấy Phecmina Đaxa buổi chiều ngày hôm sau. Đó là lần đầu tiên ông sẽ không gặp bà kể từ bốn tháng nay. Nhưng, sau một giấc ngủ trưa, ông hiểu rõ tình trạng thực tế của sức khỏe mình và thế là ông viết cho bà một bức thư xin lỗi. Lần này ông dùng bút viết trên một thứ giấy thơm bằng một thứ mực óng ánh chất lân tinh để có thể đọc nó trong bóng tối, và không hề xấu hổ ông đã bi thương hóa tính chất ác liệt của cú ngã hòng làm cho bà thương cảm mình hơn. Hai ngày sau, bà có thư trả lời ông với những lời lẽ rất cảm kích, rất đáng yêu, nhưng chỉ có thế thôi, y như trong những ngày vĩ đại của tình yêu. Được lời như cởi tấm lòng, ông bám chắc lấy thời cơ này và ông lại viết thư cho bà. Khi bà trả lời ông lần thứ hai, ông bèn quyết chí đi xa hơn các cuộc nói chuyện được hẹn hò vào ngày thứ ba hàng tuần, và ông yêu cầu mắc điện thoại cho mình ngay cạnh giường với lý do là để theo dõi công việc hàng ngày ở hãng tàu thủy. Ông bảo cô gái trông máy ở trạm trung tâm nối đường dây để ông nói chuyện với máy điện thoại ba chữ số ông từng thuộc lòng ngay từ lần gọi đầu tiên. Tiếng chuông reo ở máy bên kia vừa dừng, tiếng nói của người yêu trả lời, nhận ra giọng nói đầy quen thuộc, và sau ba câu chào hỏi qua loa, nó lại biến mất. Phlôrêntinô Arixa đau khổ trước thái độ hờ hững của người nói ở đầu đây bên kia: một lần nữa hai người trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Tuy nhiên, sau đó hai ngày, ông nhận được một bức thư của Phecmina Đaxa trong đó bà yêu cầu ông không nên gọi điện thoại nữa. Những lý do bà đưa ra là rất xác đáng. Ở thành phố này có rất ít điện thoại đến độ việc giao dịch bằng máy điện thoại đều phải qua máy trung tâm chỉ do một người điều khiển do đó người này biết rất rõ từng chủ máy, từ cuộc đời riêng đến những chuyện huyền thoại khác của họ và nếu họ gọi mà không có ở nhà thì chính cô ta sẽ tìm thấy họ ở những máy khác. Dù người nói điện thoại cẩn thận giữ ý giữ tứ, cô ta vẫn biết họ nói chuyện gì, vẫn phát hiện được bao điều bí mật, bao tấn bi kịch được giữ gìn kín đáo nhất, và không có gì đáng phải ngạc nhiên khi thấy cô ta tham dự cuộc đàm thoại để dắt dẫn một quan điểm hay để làm dịu nhẹ những lo âu trong tâm hồn những người nói điện thoại. Mặt khác, trong năm ấy, tờ báo La Huxtixia được thành lập ở thành phố. Đó là một tờ báo hàng ngày phát hành vào buổi chiều mà cứu cánh duy nhất của nó là công kích các gia đình quý tộc có tên họ dài dòng, nêu đích tên họ và thẳng tay thóa mạ họ, đó là sự trả đũa của giới chủ vì con cái họ không được Câu lạc bộ Xã hội thừa nhận. Dù đã cố gắng giữ cho cuộc sống của mình thanh sạch, hơn bao giờ hết Phecmina Đaxa vẫn phải giữ gìn khi nói hoặc khi hành động, ngay cả với những người bạn thân tình nhất của bà. Vậy là bằng việc trao đổi thư từ, bà gắn bó với Phlôrêntinô Arixa. Thư từ giữa hai người được trao đổi với nhau rất thường xuyên, và rất khẩn trương đến độ Phlôrêntinô Arixa quên hẳn cái đau nơi chân mình, quên hẳn việc phải nằm bất động ở trên giường, quên tất cả và ông dốc toàn thân toàn sức cho việc ngồi viết thư bên chiếc bàn nhỏ có thể xê dịch thường dùng làm bàn ăn cho bệnh nhân trong các bệnh viện.
Họ lại xưng hô thân mật với nhau, lại trao đổi với nhau những bình luận về cuộc đời mình như trong các bức thư trước đây, nhưng Phlôrêntinô Arixa lại một lần nữa muốn nhanh chóng hơn: Ông lấy mũi kim châm tên bà lên đài một bông hoa trà rồi để nó trong thư gửi cho bà. Hai ngày sau, ông thấy nó được trả lại mà không một lời bình. Phecmina Đaxa không tránh được điều đó: Bà cảm thấy nó là trò trẻ con. Bà càng cảm thấy như vậy khi Phlôrêntinô Arixa vẫn kiên nhẫn nhắc lại những buổi chiều buồn ông ngồi đọc thơ ở vườn hoa Evănghêlôt, những bộp thư lưu động của bọn họ đặt trên đường từ nhà đến trường, những buổi học thêu dưới những bóng cây hạnh đào. Với nỗi đau đớn trong tâm hồn bà đã nêu nó ra trong một câu hỏi có vẻ vô tình ngay giữa những lời bình luận quen thuộc khác trong bức thư của mình “Vì sao anh vẫn cố tình nói đến cái không tồn tại?”. Sau này, bà còn chê trách cái thói bướng bỉnh không chịu để cho mình già đi cùng với tuổi tác một cách tự nhiên. Theo bà, thói ương bướng ấy là nguyên nhân của những sự hấp tấp và những thất bại của ông trong quá khứ. Bà không hiểu vì sao một người đàn ông đủ khả năng đưa ra những ý nghĩ từng góp phần đắc lực giúp bà chiến thắng tình cảnh góa bụa lại lúng túng khi định áp dụng chúng vào cuộc đời của mình. Giấy má được dùng viết thư hết khá nhiều.
Lúc ấy bà là người định đem đến cho ông những nhiệt tình mới mẻ để ông nhìn thấy tương lai khi bà viết một câu mà ngay ông, trong sự nôn nóng của mình, đã không thể giải thích được: “Hãy để cho thời gian qua đi và lúc ấy chúng ta sẽ thấy cái mà nó đưa đến”. Bởi chẳng bao giờ ông là một học trò ngoan như Phecnmina Đaxa. Cuộc sống bị buộc phải bất động đến khó chịu, cái ý thức ngày càng sáng rõ về thời gian trôi đi tựa vó câu qua cửa sổ, những mong mỏi sôi nổi được gặp bà, tất cả những thứ đó đã chứng tỏ cho ông thấy rằng những lo sợ của ông về cú ngã vừa rồi là quá mức so với tình hình thực tế. Ông bắt đầu nghĩ đến thực tế của cái chết dưới một hình thức duy lý hơn.
Cứ hai ngày một lân Lêôna Catxiani giúp ông tắm và thay quần áo pigia ma, thụt cho ông, thay chậu nước cho ông, xoa bóp cho ông theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh những bệnh tật khác do việc nằm bất động gây nên. Ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, người thay bà lo chăm sóc ông là Amêrica Vicunba, người đến tháng mười hai năm ấy sẽ nhận bằng cô giáo. Ông đã hứa sẽ gửi America Vicunha đi học ở Alabama mà mọi tốn kém sẽ do hãng tàu thủy chịu, phần để lương tâm mình khỏi phải đay dứt, phần để khỏi phải đối diện với những lời dị nghị mà cô ta không biết cư xử như thế nào, cũng như đối với những lời giải thích mà ông còn nợ cô. Chẳng bao giờ ông hiểu được cô ta khổ sở biết bao nhiêu trong những đêm mất ngủ ở trường nội trú, trong những ngày cuối tuần không có ông bên cạnh, bởi vì chẳng bao giờ ông hiểu cô đã yêu ông biết nhường nào. Theo công văn của nhà trường, ông biết rằng từ chỗ là người luôn luôn đứng nhất lớp bây giờ cô chuyển xuống đứng bét lớp và trong kì thì cuối cũng suýt nữa cô phải thi lại. Nhưng ông đã chạy trốn trách nhiệm người đỡ đầu của mình: Ông không thông báo gì cho cha mẹ Amêrica Vicunha, do ý nghĩ về tội lỗi đã ngăn cản ông, và ông cũng không bình luận gì đối với Amêrica Vicunha, vì ông sợ cô gái buộc ông phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của cô. Vậy là ông cứ để nguyên mọi chuyện, mặc cho chúng muốn thế nào cũng được. Ông không hề biết rằng mình đã bắt đầu để cho vụ việc của mình cứ dây dưa với hi vọng rằng cái chết sẽ giải quyết tất cả cùng một lúc.
Không chỉ hai người đàn bà lo lắng cho ông, ngay cả chính Phlôrêntinô Arixa nữa, đều phải ngạc nhiên thấy rằng ông đã thay đổi biết bao nhiêu. Chưa đầy mười năm trước đây, ông đã từng cưỡng hiếp một trong những cô phục vụ ngay ở đằng sau cầu thang chính nhà ông, cô ta vẫn đứng và mặc nguyên váy áo đàng hoàng, và với một thời gian ngắn ngủi hơn cả thời gian con gà trống phủ gà mái ông đã làm cô ta thụ thai. Ông buộc phải tặng cô ta một căn nhà đầy đủ tiện nghi để cô ta thề sống thề chết với gia đình rằng tác giả vụ làm cô ta thất tiết này là một chàng trai cô ta mới yêu, người thậm chí chưa hề hôn cô ta lấy một lần, và thế là cha và các ông chú cô ta, vốn là những tay chặt mía cự phách, đã buộc họ phải cưới nhau. Dường như không thể nào hiểu được người đàn ông ấy lại chính là ông mà giờ đây không mảy may xúc động, không mảy may hào hứng trước việc hai người đàn bà từng khiến ông phải run bắn lên vì tình tha hồ vần xấp vần ngửa ông, tha hồ xoa xà phòng ở bên trên cũng như ở bên dưới người ông, tha hồ dùng khăn bông Hy Lạp lau khô và sau đó xoa bóp khắp người ông. Trước thái độ tỉnh khô của ông, mỗi người đàn bà ấy đều có cách giải thích riêng của mình. Lêôna Catxiani thì nghĩ đó là những triệu chứng báo trước của cái chết. Amêrica Vicunha lại nghĩ đến một nguyên nhân thầm kín mà cô không bộc lộ ngay. Chỉ có ông biết rõ sự thật và cái sự thật này có tên gọi hẳn hoi. Dù sao chăng nữa đây cũng là chuyện vô lý: Các bà càng đau khổ bao nhiêu trong lúc hầu hạ ông thì ông càng được chăm sóc chu đáo bấy nhiêu.
Chỉ ba ngày thứ ba thôi đã đủ để Phecmina Đaxa nhận ra nỗi trống vắng vì thiếu những buổi đến thăm của Phlôrêntinô Arixa đã gây nên cho bà. Bà từng sống khá êm đẹp những giây phút ấy cùng với những người bạn gái thân cận vẫn thường đến thăm bà đúng hẹn, và càng tốt hơn nữa khi mà thời gian ngày càng trôi đi càng khiến bà quên dần những thói quen của người chồng đã quá cố. Lucrêxia đên Rêan đến Obixpô đã đi Panama để khám bệnh đau tai mà không một thứ thuốc nào chữa lành, và sau một tháng bà ta trở về lòng thanh thản hơn nhưng tai nghe không được thính như trước mặc dù đã đeo một ống nghe nhỏ tựa một con quay ở mang tai. Phecmina Đaxa là người bạn gái chịu đựng tốt hơn cả những nhầm lẫn khi nghe hỏi và khi trả lời của Lucrêxia và chính điều đó đã khích lệ bà ta rất nhiều đến mức không ngày nào là không thấy bà ta xuất hiện ở nhà Phecmina Đaxa vào bất cứ lúc nào. Nhưng Phecmina Đaxa đã không thể lấy bất kỳ ai để thay cho Phlôrêntinô Arixa trong các buổi chiều nao nao lòng buồn nhớ.