Bác sĩ Huvênan Ucbinô không bao giờ chấp nhận một chức vụ chính quyền mà người ta sẵn sàng và không điều kiện trao cho ngài và ngài là một người công kích mạnh mẽ những bác sĩ lợi dụng danh tiếng nghề nghiệp để leo lên các nấc thang chính trị. Dù cho thiên hạ nhìn nhận ngài là một nhà Tự do và dù ngài thường bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng Tự do, ngài chỉ là nhà tự do về mặt hình thức chứ thực lòng ngài là một nhà Bảo hoàng và có lẽ ngài là thành viên cuối cùng của các gia đình cự phú đã quỳ gối trên đường cái khi xe đức giám mục đi qua. Ngài tự nhận mình là một con người hòa bình từ trong máu, một con người đại diện cho khuynh hướng hòa giải mãi mãi giữa hai đảng Tự do và Bảo hoàng vì lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, phương pháp hoạt động công khai của ngài hết sức tự do đến mức không ai có thể sánh kịp ngài và do đó nó khiến cho người khác khó mà nhận định ra bản chất chính trị của con người ngài. Các nhà Tự do coi ngài là tên đầu cơ trục lợi mà giàu có; các nhà Bảo hoàng lại bảo rằng ngài làm tất cả chỉ trừ là nhà tam điểm, còn các nhà tam điểm lại từ chối ngài coi ngài như một tên tu sĩ trá hàng để phục vụ lợi ích của Tòa thánh. Những người khác ít thù địch với ngài, công kích ngài ở mức nhẹ nhàng hơn, đã nghĩ rằng ngài chỉ là một gã quý tộc say mê các cuộc thi thơ đầy hào hứng khi đất nước đang rỉ máu trong một cuộc nội chiến liên miên.
Chỉ có hai hành động của ngài dường như không phù hợp với hình ảnh này. Hành động thứ nhất là việc đổi dinh thự cổ Mackêt Đê Canxanđuêrô, vốn là ngôi nhà của gia đình trong suốt hơn một thế kỷ, để chuyển gia đình đến sống trong một ngôi nhà mới thuộc khu phố những nhà giàu mới phất. Hành động thứ hai là việc ngài cưới một cô gái đẹp thân phận bình thường: không tên tuổi, không giàu có. Các bà mệnh phụ, các phu nhân và các cô gái nhà quyền quý đã cười thầm ngài cho đến khi họ buộc phải thú nhận rằng chính cái cá tính trội bật của ngài đã làm cho họ phải điên đảo. Bác sĩ Huvênan Ucbinô biết rất rõ điều này cũng như biết một số chuyện khác do hình ảnh con người mình gây ra cho mọi người, và cũng không một ai như chính ngài đã ý thức rõ ràng rằng mình là người cuối cùng của một dòng họ đang tuyệt diệt. Hai người con của ngài là hai cái đuôi của một dòng họ không có triển vọng gì. Maccô Aurêliô, người con trai, cũng như ngài, ông ta là bác sĩ, và cũng như tất cả những trưởng nam của từng thế hệ trong dòng họ, ông ta chưa làm được một công trạng hiển hách nào, ngay cả việc sinh con cũng không làm được, mặc dù ông ta đã ngoài năm mươi tuổi. Ôphêlia, người con gái duy nhất, lấy một người làm việc trong nhà băng ở Tân Ooclêăng, đã bước vào thời kỳ mãn kinh với ba đứa con gái, không có con trai. Tuy nhiên, dù cho dòng họ mình bị cụt cuối có làm cho ngài đau lòng, nhưng điều khiến ngài phải bận tâm hơn cả khi chết đi là cuộc sống cô đơn của Phecmina Đaxa không có ngài.
Dù sao chăng nữa, tấn bi kịch này là một sự rung động mạnh mẽ của tâm hồn đã không chỉ giới hạn trong số họ hàng thân tộc và bạn hữu mà còn lây lan đến tận đám dân thường đang đổ ra đường với ý nghĩ hão huyền: đi xem dù chỉ cái ánh hào quang của một chuyện huyền thoại. Người ta tuyên bố để tang ba ngày. Trong các công sở treo cờ rủ. Chuông các nhà thờ trong toàn thành phố gióng giả đổ hồi liên tục cho đến khi hầm mộ được đóng lại. Một nhóm họa sĩ trường Mỹ thuật dùng thạch cao đúc khuôn mặt tử thi để làm khuôn trong một bức tượng bán thân to bằng cỡ người thực nhưng ý định ấy bị bác bỏ ngay vì chẳng một ai cảm thấy vui sướng trước vẻ thảng thốt tội nghiệp trong giây phút cuối cùng của một đời người mà bức tượng sẽ gây nên trong tâm hồn họ. Một nghệ sĩ lừng danh ngẫu nhiên dừng chân ở thành phố này trước khi sang châu Âu, vẽ một bức tranh lụa khổng lồ theo bút pháp hiện thực trữ tình miêu tả bác sĩ Huvênan Ucbinô đang trèo trên thang với bàn tay giơ ra định túm lấy con vẹt trong giây phút tận số của mình. Điều duy nhất trái với hiện thực thô mộc của đời ngài là trong bức tranh trên cái áo sơmi không bẻ cổ và đeo hai dải quần xanh, mà trái lại, ngài đội một chiếc mũ sâu ống, mặc một chiếc áo choàng bằng dạ đen theo đúng như tranh khắc của báo chí trong những ngày dịch tả từng mô tả ngài. Mấy tháng sau tấn thảm kịch, bức tranh này được trưng bày trong phòng tranh rộng lớn mang tên Alambrê đê Ôrô[23], một cửa hàng bán hàng nhập ngoại, là nơi dân chúng cả thành phố đều diễu qua xem. Sau đó bức tranh được treo trên tường của không biết bao nhiêu trường công và trường tư vì nhà trường nghĩ rằng họ có trách nhiệm luôn luôn tưởng niệm nhà quý tộc vĩ đại, và cuối cùng nó được treo ngay trong trường Mỹ thuật nhân ngày giỗ đầu của ngài. Nhiều năm sau này, chính sinh viên hội họa của trường đã lôi bức họa ấy ra Quảng trường trường Đại học để đốt nó đi như đốt bỏ một khuynh hướng thẩm mỹ và những ngày nhàm chán.
Ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc đời góa bụa, người ta không hề thấy Phecmina Đaxa quá ư buồn bã như chồng bà tưởng. Bà một mực không cho phép người ta sử dụng tử thi chồng mình vào lợi ích của bất kỳ một tổ chức chính trị nào, ngay cả đối với ngài Tổng thống nước Cộng hòa nói trong bức điện danh dự rằng: Hãy quàn tử thi ngài trong phòng khánh tiết chính quyền tỉnh. Cũng với chính tinh thần kiên quyết ấy, bà khước từ việc quàn tử thi chồng mình ở nhà thờ trong lúc làm lễ chính thức. Hơn nữa, trước thái độ thờ ơ của con trai mình, Phecmina Đaxa vẫn duy trì quan niệm dân gian cho rằng người chết không thuộc về bất kỳ ai ngoại trừ gia đình họ và rằng người chết phải được quàn ở nhà mình để chủ tang có thể tiếp đón các khách đến phúng điếu bằng cà phê, bánh và để khách đến viếng được tự do muốn khóc hoặc muốn làm gì tùy thích. Bà không theo phong tục cổ truyền để tang chín đêm mà bà để tang theo cách của mình: tức là sau khi chôn cất tử thi xong bà đóng kín các cửa nhà lại và chỉ mở cho những người thân tín đến thăm.
Ngôi nhà đắm chìm trong không khí tang tóc. Tất cả các đồ dùng quý giá đều được cất vào nơi tin cẩn và trên những bức tường nay chỉ còn lại dấu vết những bức tranh bị tháo gỡ đi. Ghế của nhà cũng như ghế mượn các nhà hàng xóm đều được xếp ngược vào tường suốt từ phòng khách vào tận phòng ngủ, các khoảng trống trong nhà do đó càng có vẻ rộng mênh mông và tiếng nói có tiếng vọng rất ma quái, bởi vì các đồ dùng lớn chiếm nhiều diện tích được khuân đi chỗ khác ngoại trừ cây đàn pianô được che tấm ga trắng vẫn nằm nguyên trong xó nhà. Ở ngay chính giữa thư viện, một tử thi vốn khi sống có tên là Huvênan Ucbinô nằm thẳng cẳng trên chiếc bàn làm việc của cha ngài, với nỗi sợ hãi cuối cùng được tạc vào gương mặt, mặc chiếc áo khoác ngoài bằng dạ đen, bên cạnh có thanh kiếm chiến trận của Thánh Xêpuncrô. Phecmina Đaxa đứng bên cạnh tử thi, run rẩy nhưng rất tự chủ. Bà mặc đồ tang, đang nhận những lời chia buồn chân thành đầy thống thiết. Bà cứ đứng im như vậy, không hề nhúc nhích cho đến tận mười một giờ sáng ngày hôm sau khi bà đứng ở hàng hiên trước nhà, tay cầm khăn mùi xoa vẫy và nói lời từ biệt với chồng mình.
Kể từ khi nghe thấy tiếng kêu hoảng hốt của Đichgơna Pacđô ở ngoài sân và từ khi nhìn thấy ông già đang chết nằm trên bãi bùn, Phecmina Đaxa không dễ dàng lấy lại ngay được thái độ tự chủ ấy. Phản ứng đầu tiên của bà là niềm tin vì bà nhìn thấy mắt chồng mình vẫn mở to và trong con ngươi vẫn ánh lên ánh sáng rực rỡ mà bà chưa bao giờ nhìn thấy.
Bà cầu Thượng đế rằng chí ít hãy cho thêm ngài một khoảng thời gian để khi đi sang thế giới bên kia ngài vẫn biết được rằng: vượt lên trên mọi nỗi nghi ngờ lẫn nhau của cả hai người, bà yêu ông biết nhường nào, để ngài nhận thấy một nguyện vọng bức thiết của bà muốn bắt đầu lại từ đầu cuộc sống vợ chồng với ngài, để nói với nhau tất cả những điều họ chưa hề nói, để cả hai người cùng làm lại những việc trong quá khứ họ từng đối xử tồi với nhau. Nhưng bà buộc phải đầu hàng trước thái độ ngoan cố của thần chết. Nỗi đau khổ của bà bùng nổ thành một cơn giận dữ căm tức thế giới và căm tức cả chính mình, điều đó đem lại cho bà thái độ tự chủ và lòng dũng cảm để một mình đối diện với nỗi cô đơn của chính mình. Kể từ lúc đó, không lúc nào bà nguôi đau khổ nhưng bà cẩn thận giữ ý tứ để không ai phải thảng thốt nhận ra bà đang đau khổ. Cái giây phút duy nhất bà lúng túng do vô ý là lúc mười một giờ đêm ngày chủ nhật khi người ta khiêng đi chiếc quan tài vẫn còn thơm mùi gỗ đóng tàu, có tay xách bằng đồng và bên trong lót lụa. Bác sĩ Ucbinô Đaxa ra lệnh đóng nắp quan tài lại vì lúc ấy không khí trong nhà lạ hẳn đi bởi nó nồng nặc hương của đủ loại hoa trong ngày nóng nực, nhưng bác sĩ lại cứ tưởng đó là mùi của những vết thâm tím trên cổ cha mình. Một tiếng nói bâng quơ nghe rõ trong khung cảnh thanh tĩnh lúc ấy: “Ở tuổi ấy người ta sống mà đang thối rữa”. Trước khi người ta đóng nắp quan tài, Phecmina trao đổi nhẫn cưới với chồng: bà tháo nhẫn ở tay mình đeo cho ngài rồi lại đeo chiếc nhẫn của chồng lên tay mình như lâu nay bà vẫn thường làm mỗi khi thấy ngài bần thần trước công chúng.
– Ông ơi, mong rằng chúng ta sẽ nhanh chóng được gặp lại nhau nhé, – bà nói.
Phlorêntinô Arixa, lẫn trong đám người danh giá, cảm thấy mình bị một mũi dao đâm ngay vào mạng sườn. Phecmina Đaxa không nhận ra cụ trong đám đông. Cụ là người từng có mặt tại đây ngay từ phút đầu tiên khi mọi người ào đến chia buồn với bà và không một ai hiện diện và có ích như cụ trong những công việc khẩn trương của đêm ấy. Cụ là người chỉ huy trong nhà bếp để lúc nào cũng có cà phê nóng tiếp khách. Chính cụ đi kiếm các ghế dự trữ khi khách đến đông không đủ ghế cho họ, dù đã mượn thêm ghế các nhà hàng xóm. Cụ là người ra lệnh đặt các vòng hoa ở ngoài sân khi trong nhà không thể chứa thêm được nữa. Cụ lo đón tiếp chu đáo các vị khách mời của bác sĩ Laxiđêt Olivêda. Trong lúc tiệc vui ngày đám cưới bạc lên đến tột đỉnh thì họ biết tin bác sĩ Huvênan Ucbinô gặp chuyện chẳng lành và họ ồn ào cùng nhau kéo tới đây để chia buồn. Sau đó họ ra ngồi vòng quanh bên cây xoài, tiếp tục uống rượu. Vì thế cụ phải lo có đủ rượu brandy cho họ uống. Cụ là người duy nhất biết phản ứng đúng lúc khi vào lúc nửa đêm con vẹt xổng bỗng nhiên xuất hiện ở nhà ăn, đầu ngẩng cao, hai cánh dang ra, khiến cả nhà sợ đến phát sốt phát rét trước hình ảnh nó xuất hiện như thế, vì người ta tưởng rằng đó là lệnh trừng phạt của Chúa trời. Phlorêntinô Arixa tóm ngay lấy cổ con vật, không cho nó có thời gian kịp kêu lên những lời nói vô nghĩa mà nó từng thuộc lòng rồi cụ mang nó ra chuồng ngựa nhốt vào lồng kín. Vậy là cụ làm tất cả mọi việc, dù lớn dù bé với biết bao thận trọng và hữu hiệu đến mức không một ai nghĩ rằng cụ đã nhúng mũi vào công việc của người khác, mà họ chỉ cho rằng đó là một sự giúp đỡ không thể đền đáp được trong lúc gia đình đang tang gia bối rối.
Đây là cái vẻ bề ngoài của con người cụ: một cụ già tận tụy và nghiêm nghị. Cơ thể cụ xương xẩu mịn. Đôi mắt cụ rạo rực sáng sau cặp kính tròn gọng bạc. Bộ ria mép của cụ vểnh lên, hơi có vẻ lỗi thời. Những mớ tóòn lại xung quanh đầu được bôi gôm sau đó chải ngược lên trên đỉnh đầu. Đó là cách tốt nhất để che cái đầu hói của cụ. Dáng vẻ lịch lãm và cung cách ứng xử nhẹ nhàng của cụ hấp dẫn người khác ngay tức thì nhưng đồng thời chúng cũng là hai đức tính đáng khả nghi của một người đàn ông lì lợm chưa vợ. Cụ đã tiêu tốn khá nhiều tiền, khá nhiều trí tuệ và khá nhiều nghị lực để người ta không nhận ra cái tuổi bảy mươi sáu mà cụ vừa ăn mừng sinh nhật trong tháng ba vừa qua và cụ lấy làm hài lòng với nỗi cô đơn của tâm hồn mình, một tâm hồn từng thầm lặng yêu rất đắm say, còn đắm say hơn bất kỳ người nào trên thế gian này.
Cái đêm bác sĩ Huvênan Ucbinô chết, cụ ăn mặc kỳ quặc như cái sự kỳ quặc của cái tin bất ngờ đến với cụ, nghĩa là mặc cho trời nóng hầm hập, cụ vẫn mặc chiếc áo véxtông dạ mầu sẫm, cổ thắt một chiếc nơ lụa, đội chiếc mũ phớt, tay cầm một chiếc ô đen tuyền mà khi không che mưa che nắng nó được dùng làm gậy. Nhưng khi trời bắt đầu rạng sáng, cụ bỏ về nhà chừng hai giờ đồng hồ và khi mặt trời lên cụ trở lại đám tang trong bộ dạng tươi tắn: râu đã được cạo nhẵn và người được xức nước hoa thơm ngát. Cụ mặc chiếc áo khoác ngoài bằng dạ đen chỉ để dùng vào dịp tang lễ hay trong những buổi chính thức của Tuần lễ Thánh. Thay cho chiếc cà vạt bình thường, cụ dùng một chiếc nơ hình con chim có hai dải vải nom rất điệu. Cụ đội chiếc mũ phớt vành tròn. Cụ cũng mang theo chiếc ô nhưng lần này không phải do thói quen mà do cụ biết chắc trời sẽ mưa trước lúc mười hai giờ trưa và cụ cũng đã báo trước cho bác sĩ Ucbinô Đaxa biết rất có thể sẽ mưa trước khi mai táng. Quả nhiên, gia đình tin và định làm theo lời cụ vì Phlorêntinô Arixa là thành viên của một gia đình chuyên làm nghề hàng hải và bản thân cụ là chủ tịch của hãng tàu thủy Caribê, nghề nghiệp đó cho phép cụ hiểu được những biểu hiện của khí tượng thủy văn. Nhưng người ta không thể kịp thời thống nhất lại giờ đưa đám với các nhà chức trách dân sự và quân sự, với các tổ chức công cộng và cá nhân, với đội quân danh dự và đội danh dự của trường Mỹ thuật, với các trường học và các giáo đoàn, các tổ chức này đã thống nhất sẽ đưa tang vào lúc mười một giờ trưa ngày thứ hai. Bởi lẽ đó, cái đám tang được dự tính sẽ tổ chức thành một sự kiện lịch sử đã rã đám vì cơn mưa rào đổ xuống. Có rất ít người chịu bì bõm lội trong bùn theo linh cữu đi đến tận nhà mồ của dòng họ được xây dưới tán một cây gạo cổ thụ có từ thời thuộc địa Tây Ban Nha. Cũng ở dưới tán cây gạo kia, nhưng ở khu đất phía ngoài dành cho những người tự vẫn, những người tị nạn vùng Caribê đã mai táng Giêrêmia Đê Xanh Amua, mai táng cả con chó của y bên cạnh y theo đúng như nguyện vọng của y từ chiều hôm trước.
Phlorêntinô Arixa là một trong số ít người đi cùng với linh cữu đến tận nơi an nghỉ cuối cùng. Cụ bị ướt sũng và khi đi về nhà lòng buồn rầu vì cụ bị sưng phổi sau bao nhiêu năm chăm sóc và giữ gìn sức khỏe rất cẩn thận. Cụ tự làm một cốc nước chanh nóng có pha một ít rượu mạnh brandy rồi nằm trên giường uống nó cùng với hai viên aspirin. Sau đó đắp chiếc áo dạ, cụ nằm yên cho mồ hôi ra như tắm. Cụ nằm im đợi khi nhiệt độ thân thể trở lại bình thường. Khi trở lại nhà đám, cụ đã hoàn toàn sảng khoái.
Một lần nữa Phecmina Đaxa đóng vai trò chủ tang trong ngôi nhà đã được quét dọn sạch sẽ và được chuẩn bị sẵn sàng để đón khách đến chia buồn. Tại chính giữa thư viện đã treo bức chân dung của người chồng quá cố có viền băng tang. Vào lúc tám giờ tối, nhà lại đông nghịt người và lại nóng bức như đêm qua. Sau lễ cầu kinh rôsariô, có người lên tiếng đề nghị mọi người ra về để bà quả phụ được nghỉ ngơi bởi vì kể từ chiều chủ nhật đến giờ bà vẫn chưa hề nghỉ.
Phecmina Đaxa đứng ngay bên cạnh bàn thờ chồng mà chia tay phần lớn các khách đến thăm hỏi, nhưng rồi bà cũng tiễn chân một số bạn thân tình đến tận cửa chính để rồi chính bà sẽ tự tay đóng cửa lại như lâu nay bà vẫn làm. Bà sắp sửa đóng cửa lại thì nhìn thấy Phlorêntinô Arixa mặc tang phục đang đứng ngay giữa phòng khách vắng vẻ. Bà cảm thấy vui vui vì từ nhiều năm nay bà đã xóa hình bóng cụ trong cuộc đời mình và đây là lần đầu tiên bà nhìn thấy cụ. Nhưng trước khi bà có thể lên tiếng nói lời cảm ơn cụ đã đến chia buồn thì cụ đã đứng nghiêm, mũ úp lên phía ngực có trái tim, vẻ run rẩy và đàng hoàng, nghẹn ngào bật ra tiếng nói:
– Phecmina, từ hơn một nửa thế kỷ anh đợi dịp này để một lần nữa nhắc lại với em lời thề hạnh phúc mãi mãi và tình yêu thủy chung son sắt của anh đối với em.
Phecmina Đaxa, những tưởng mình đang đứng trước một thằng điên nếu như bà không có lý do để nghĩ rằng Phlôrêntinô Arixa đứng ở đây trong lúc này là do ý muốn của Thánh linh hồn. Bà giận điên người định chửi cụ ngay vì hành động của cụ là một sự báng bổ đối với gia đình khi tử thi chồng bà vẫn còn nóng nằm trong mộ. Nhưng bà đã kịp ngăn cơn thịnh nộ của mình. “Cút ngay. – Bà nói với cụ. – Trong những năm còn lại của đời ông, ông đừng hòng nhìn thấy tôi nữa”. Bà lại mở toang cánh cửa và kết thúc:
– Và tôi hi vọng những năm tháng của đời ông cũng chẳng còn bao năm.
Khi nghe thấy tiếng bước chân của cụ tắt lịm trên đường phố vắng, lúc ấy bà từ từ đóng cửa lại, chèn thanh chắn cửa, khóa trái nó lại và một mình bà đối diện với số phận mình. Cho đến giây phút này, chưa bao giờ bà có ý thức đầy đủ về sức nặng và tầm cỡ lớn lao của tấn bi kịch mà chính bà đã gây nên khi bà mới vừa mười tám tuổi, và rằng tấn bi kịch còn theo riết bà cho đến lúc chết mới thôi. Kể từ buổi chiều tai họa xảy ra cho đến lúc này, đây là lần đầu tiên bà khóc, khóc một mình không ai chứng kiến, và đó là hình thức khóc duy nhất. Bà khóc vì cái chết của chồng, vì nỗi cô đơn và nỗi giận dữ của mình, và khi bước vào phòng ngủ trống trải bà khóc cho chính mình, bởi vì từ khi bà không còn là gái trinh nữa rất ít khi bà nằm một mình trên chiếc giường ấy. Tất cả những gì thuộc về bác sĩ Huvênan Ucbinô đều làm nên tiếng khóc đốt nóng con người bà: đôi dép lê có viền quanh, bộ quần áo pijama để dưới gối, và cái khoảng không trống vắng con người ngài trên chiếc giường và hơi ngài trong chính làn da bà. Một ý nghĩ bâng quơ khiến bà rùng mình: “Người mà ta yêu khi chết hãy chết cùng với các đồ tùy thân của mình”. Bà không muốn ai giúp mình nằm xuống giường và cũng chẳng muốn ăn thêm bất kỳ thứ gì trước khi ngủ. Nỗi đau buồn khiến bà khó ở. Bà cầu khẩn Thượng đế hãy để cho mình chết đêm nay trong lúc đang ngủ. Với ước nguyện ấy bà nằm xuống giường, tháo giày nhưng vẫn mặc nguyên xống áo. Bà ngủ ngay tức thì. Bà ngủ mà không biết mình đã ngủ nhưng bà biết rằng mình vẫn sống trong khi ngủ, biết rằng cái giường mình vẫn thừa một nửa, biết rằng như thường lệ mình nằm nghiêng ở phía trái giường nhưng lại thiếu đi một người khác nằm ở mé bên kia. Bà miên man nghĩ trong lúc ngủ và bà nghĩ rằng chẳng bao giờ mình ngủ như thế. Bà lại tức tưởi khóc trong khi ngủ, bà khóc hoài mà không hề đổi vị trí trên phía giường vẫn thường nằm cho đến khi trời cất tiếng gáy sáng và ông mặt trời không hề mong muốn của buổi sáng không có ngài đã đánh thức bà dậy. Chỉ lúc ấy bà mới chợt hiểu rằng mình đã ngủ rất nhiều mà không chết, trái lại bà tấm tức khóc trong khi ngủ, và rằng trong lúc ngủ mà bà khóc hoài ấy bà đã nghĩ nhiều đến Phlorêntinô Arixa hơn là nghĩ đến người chồng vừa quá cố.
Ngược lại, không lúc nào Phlôrêntinô Arixa không nghĩ đến bà, Phecmina Đaxa, người đã bội tình cụ sau một thời gian dài hai người yêu nhau say đắm và có nhiều trắc trở. Từ đó đến nay thế mà đã năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày. Cụ chẳng phải làm cái công việc của người tù hàng ngày ghi một vạch lên bức tường nhà giam để khỏi quên, bởi vì không một ngày nào qua đi mà không có một việc nào đó khiến cụ không nhớ đến bà. Lúc hai người cắt đứt quan hệ với nhau, Phlôrêntinô Arixa mới hai mươi mốt tuổi đầu sống với mẹ trong một nửa ngôi nhà thuê ở phố Vênhtana. Tranxitô Arixa là tên bà mẹ. Bà chuyên bán tạp hóa ngay từ thời còn trẻ và chuyên tháo gỡ quần áo rách và vải vụn để lấy sợi đem bán cho người ta làm bông cứu thương trong thời kỳ chiến tranh. Cậu là con trai duy nhất của bà, đứa con ngoài giá thú với Đôn Piô Kinhtô Lôayxa, một thuyền trưởng nổi tiếng và là người anh cả của ba anh em cùng chung vốn thành lập Hãng tàu thủy Caribê, rồi với công ty này anh em họ còn mở thêm đường tàu thủy trên sông Macgơdalêna. Dĩ nhiên cuộc chung giữa bà và Đông Piô Kinhtô Lôayxa là sự chung sống ngoài giá thú.