Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 9
Trước
image
Chương 9
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

Khi lần đầu tiên Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy cô gái, mẹ cậu đã phát hiện ra ngay từ trước lúc cậu kể cho bà biết vì bà thấy cậu lầm lì ít nói, biếng ăn, đêm thức trắng và trằn trọc trên giường nằm. Nhưng khi cậu bắt đầu chờ đón bức thư trả lời của cô gái thì nỗi khắc khoải mong đợi đã làm cho cậu bị ốm nặng: bụng quặn đau, nôn mửa ra mật xanh, ngớ ngẩn, nhiều lúc còn ngất xỉu đi.

Bà mẹ phát hoảng vì thấy tình trạng đau ốm của con trai bà khác hẳn với tình trạng của kẻ đang tương tư. Bà thấy con mình đang có những triệu chứng của bệnh tả. Cha đỡ đầu của Phlôrêntinô Arixa, một thầy thuốc chữa bệnh theo pháp vi lượng đồng căn, vốn là người tin cẩn của bà Tranxitô Arixa ngay từ thời bà chỉ mới biết yêu thầm vụng, cũng phải sinh nghi ngay từ lúc đến thăm cậu: mạch chìm đi, hơi thở khò khè mà mồ hôi của cậu lại có màu vàng giống như mồ hôi của những người bệnh đang chết dần. Nhưng kết quả khám nghiệm lại cho ông thấy rằng cậu không sốt, không đau đớn ở bất kì bộ phận nào trong cơ thể và chỉ có một biểu hiện rõ ràng cậu cảm thấy muốn được chết ngay. Ông chỉ cần hỏi bà mẹ, để một lần nữa hiểu rằng triệu chứng của người thất tình cũng là triệu chứng của người mắc bệnh tả. Ông kê đơn cho cậu gồm có việc sắc hoa cây đoạn lấy nước uống để làm dịu thần kinh và buộc cậu phải đi xa thành phố để thay đổi không khí. Nhưng điều mà Phlôrêntinô Arixa mong muốn lại hoàn toàn khác hẳn: cậu muốn được tận hưởng nỗi giày vò của tình yêu.

Tranxitô Arixa là một phụ nữ buông thả, vốn dày kinh nghiệm về một loại hạnh phúc không trọn vẹn vì mình nghèo. Bà tự lấy làm sung sướng thấy những đau khổ của con trai như là đau khổ của mình. Khi thấy con mình ngây ngất như muốn xỉu đi bà liền cho nó uống nước hoa cây đoạn, lấy áo ấm đắp lên người nó, nhưng đồng thời bà lại động viên nó để nó vui lên trong lúc ốm đau.

– Bây giờ con hãy tranh thủ lúc mình còn trẻ để chịu đựng tất cả những đau khổ con có thể chịu đựng được. – bà bảo với cậu – Những chuyện này sẽ không kéo dài suốt cả đời một người đâu.

Ở Bưu điện, người ta không nghĩ như bà nghĩ. Phlôrêntinô Arixa đã trở thành người lẩn thẩn, làm việc mà tâm trí cứ để ở đâu nên cậu ấy nhiều lần treo nhầm cờ báo hiệu các chuyến bưu kiện đã tới thành phố, ví dụ một ngày thứ tư cậu trương cờ Đức trong lúc đó tàu khách hãng Leyland đến cảng mang theo bưu kiện của Livecpôn, và bất kỳ một ngày nào đó cậu sẽ trương cờ Mỹ khi tàu khách cập bến cảng lại là tàu của Hãng tàu Viễn dương với bưu kiện của thành phố Xanh Naxre[24]. Trong lúc chia thư từ, cậu làm việc mà tâm trí để tận đâu đâu nên cũng đã gây ra chuyện nhầm lẫn khiến công chúng nhiều lần kháng cáo hãng bưu điện và nếu cậu không bị mất việc là vì Lôtariô Tugut giữ cậu lại làm việc tại phòng điện tín, rồi sau khi xong việc, đưa cậu đến nhà thờ chơi đàn viôlin với đội đồng ca. Nếu xem về tuổi tác, hai người cách tuổi nhau rất lớn có thể xem như ông với cháu, thì sự khăng khít của hai người trong tình thân mật là không thể hiểu được. Họ rất thân nhau trong lao động cũng như trong các quán vui nhậu ngoài bến cảng là nơi mọi người vẫn tới chơi cho đến tận sáng ngày hôm sau, không một sự hồ nghi nào, kể từ những kẻ say rượu trốn chạy các bữa tiệc linh đình tại Câu lạc bộ xã hội đến đây để ăn món thịt cừu rán với cơm nấu lẫn dừa. Lôtariô Tugut thường vẫn đến quán nhậu này sau ca điện tín cuối cùng, và nhiều lần ông thức tới tận sáng hôm sau mà uống rượu pônchê của Hamaica và chơi đàn accocđêông với thủy thủ trên các thuyền vùng Caribê, những người vốn vui nhộn như điên. Ông là người vạm vỡ, cơ bắp săn chắc, hàm râu vàng óng, và mỗi bận ra khỏi nhà ông đội chiếc mũ nồi đỏ. Chỉ thiếu mỗi vòng hoa chuông đeo cổ là có thể nhầm ông với Thánh Nicôlat. Mỗi tuần ít ra cũng một lần ông ngủ với một con chim đêm[25], như ông vẫn thường gọi thế đối với những cô gái bán tình trong khách sạn dành cho thủy thủ. Khi ông quen Phlôrêntinô Arixa, việc đầu tiên ông làm với tấm lòng sung sướng là dẫn cậu vào những điều bí mật trong cái thiên đường của mình. Đích thân ông chọn ả mái mà ông mùi mẫn nhất, đích thân ông ngã giá và cách chơi với các cô, rồi lấy tiền túi của mình ông trả trước cho các cô để cậu thỏa sức hoan lạc. Nhưng Phlôrêntinô Arixa không chấp nhận vì cậu còn là trai tân và chưa sẵn sàng để mất tân nếu không vì tình yêu chân chính.

[24] Một thành phố thuộc Pháp

 

[25] Từ lóng chỉ bọn gái làng chơi.

Khách sạn là một tòa dinh thự có từ thời thuộc địa Tây Ban Nha và các phòng xa-lông cũng như các phòng ngủ lát đá hoa cương đều được ngăn thành nhiều buồng nhỏ. Ngăn cách các phòng này là những bức liếp làm bằng giấy cac-tông bị đâm thủng nhiều chỗ. Những ai thuê các phòng này đều có thể dùng làm tình cũng như để nhìn trộm những người khác đang làm tình. Tại các phòng này người ta đàm tiếu về những ai liếc mắt qua lỗ thủng để nhìn trộm, chế giễu kẻ nhận ra ngay chính bà vợ mình trong người đàn bà bỏ trốn đến khách sạn này, đàm tiếu về những công tử nòi giả dạng nữ thiện xạ để vào khách sạn trác táng, đàm tiếu những thuận lợi của kẻ đi nhìn trộm và của người bị nhìn trộm. Người ta đàm tiếu quá nhiều đến mức chỉ một ý nghĩ liếc mắt sang phòng bên cũng đã làm Phlôrêntinô Arixa thấy tởm lợm. Vậy là Lôtariô Tugut đã không thể thuyết phục cậu nhìn sang phòng bên cạnh cũng như hãy cho người khác nhìn mình dù ông có nói rằng việc nhìn trộm người khác làm tình và để cho người khác nhìn mình đang làm tình là những hành động lịch duyệt của các công tử bên Châu Âu.

Thân xác ông to béo là thế mà cái bộ phận sinh dục của ông ta lại bé tí tẹo, nó tựa như cái nụ hồng nhưng nó lại là một dị dạng hạnh phúc vì những con chim đêm thường được khách ưa chuộng nhất đã phải cãi lộn nhau để tranh phần được ngủ với ông. Trong khi hoan lạc, những tiếng rên rỉ sung mãn của các cô khiến cho nền móng tòa dinh thự phải rung lên và làm hoảng hồn những bóng ma trú ngụ trong nó. Người ta đồn rằng trong khi ngủ với đàn bà ông đã dùng một thứ mỡ pha nọc rắn hổ mang, chính thứ thuốc này đã kích thích trực tiếp các cô gái. Nhưng ông thề rằng ông không dùng bất cứ một bộ phận nhân tạo nào ngoài bộ phận mà Thượng Đế phú cho mình. Ông cười sặc sụa mà bảo rằng: “Đó là thứ ái tình thuần khiết mà”. Phải mất nhiều năm, Phlôrêntinô Arixa mới hiểu rằng những lời ông nói có thể rất có lí. Mãi về sau này cậu mới hiểu thấu đáo chân lí ấy. Đó là khi cậu trưởng thành đầy đủ nhất về sinh hoạt tình dục, là thời kì cậu quen biết một người đàn ông đã dám dành cả cuộc đời vương giả của mình để cùng một lúc ngủ với ba người đàn bà. Sau một đêm hoan lạc, sáng ra cả ba người đàn bà đều quy hàng ông ta, đều phủ phục dưới chân ông ta mà xin ông ta tha cho cái sức lực có hạn của họ và xin ông ta hãy ngủ với người đàn bà nào cho ông ta nhiều tiền hơn. Phlôrêntinô Arixa nghĩ rằng chỉ có nỗi sợ hãi mới dẫn họ đến tình trạng hèn kém kia. Tuy nhiên một trong số ba người đàn bà đã đề cập tới một sự thật ngược lại hoàn toàn khiến cậu kinh ngạc.

– Những việc này – người đàn bà ấy nói – chỉ có thể được làm vì tình yêu mà thôi.

Có được điều đó không chỉ vì khả năng phi thường của con đực khỏe cũng như cái vẻ duyên dáng của con người ông mà chủ yếu vì Lôtariô Tugut đã trở thành một trong những khách hàng được trọng vọng hơn cả của khách sạn. Với vẻ trầm tư mà lánh đời, Phlôrêntinô Arixa cũng chiếm được thiện cảm của ông chủ khách sạn. Trong những ngày đầu bị khủng hoảng tình yêu, cậu thường ở lì trong các phòng ngột ngạt để đọc thơ và truyện buồn đến rơi lệ đăng tải trên các báo hàng tuần, và cậu gửi những mơ mộng của mình vào các tổ chim nhạn ngoài ban công, vào những cú hôn môi chùn chụt và tiếng cánh quạt chạy vù vù trong giấc ngủ mê mệt. Chiều đến, khi cơn oi nóng trong ngày đã dịu hẳn, cậu thật khó lòng không nghe những cuộc đàm tiếu của bọn đàn ông sau một ngày làm việc mệt nhọc đã mò đến đây để giải khuây bằng cách buông thả mình trong thứ ái tình chốc lát. Chính nhờ vậy, Phlôrêntinô Arixa biết được khối chuyện kín, ngay đến cả những chuyện bí mật của nhà nước mà các ông tai to mặt lớn và cả một số chức sắc địa phương đã tin cẩn kể lại cho các cô nhân tình mà họ không biết rằng có những kẻ ở phòng bên sẽ nghe được. Cũng bởi vậy, Phlôrêntinô biết rằng ở thế kỷ mười bảy có một chiếc tàu Tây Ban Nha chở hơn năm trăm tỷ đồng pêsô đúc bằng vàng nguyên chất cùng với rất nhiều đá quý bị cấm tại một địa điểm cách quần đảo Sôtaventô bốn dặm biển về phía bắc. Câu chuyện làm cho cậu ngạc nhiên nhưng cậu không suy nghĩ nhiều về nó. Mãi bốn tháng sau cậu mới lại nghĩ đến nó khi tình yêu đang độ say mê đã kích thích cậu có ý nghĩ sẽ đi vớt số của cải chìm sâu dưới đáy biển về cho Phecmina Đaxa để nàng tắm trong bể đúc bằng vàng.

Những năm sau này, khi cố nhớ lại hình ảnh cô trinh nữ vốn được lí tưởng hóa theo khuôn mẫu các bài thơ lãng mạn, Phlôrêntinô Arixa đã đồng nhất hình ảnh nàng với hình ảnh các buổi chiều buồn thương hồi ấy. Ngay cả khi đã xóa nhòa hình ảnh nàng rồi, thế mà trong những ngày háo hức mong chờ bức thư phúc đáp của nàng, Phlôrêntinô Arixa vẫn thấy hình bóng nàng lẫn trong ánh phản quang rực rỡ lúc hai giờ chiều, giữa trận mưa, các cánh hoa hạnh đào lấm tấm trắng, đó là lúc mà mùa nào trong năm cũng cho ta có cảm giác nó là tháng tư. Công việc duy nhất là hồi ấy cậu thích làm là việc cùng Lôtariô Tugut đi chơi với đàn violin ở hàng đầu đội đồng ca trong nhà thờ và cậu làm việc này cốt chỉ để ngắm nhìn tà áo Phecmina Đaxa bay bay theo làn gió nhẹ gây nên bởi những khúc ca. Nhưng cậu liền thất vọng ngay vì đối với cậu thứ âm nhạc được tấu lên trong nhà thờ này quá ư hiền lành, đến mức cậu định chơi các bản nhạc van tình tứ thay cho thứ âm nhạc kia, vì vậy Lôtariô Tugut buộc phải đuổi cậu ra khỏi đội đồng ca. Đó chính là thời kì cậu dập tắt được những khát khao cháy bỏng trong lòng nhờ ăn hoa dành dành do Tranxitô Arixa trồng trên các luống đất ngoài sân nhà, nhờ vậy cậu biết được mùi vị của Phecmina Đaxa. Đó cũng là thời kì cậu ngẫu nhiên tìm được chai nước hoa Côlônia, một thứ nước hoa được các thủy thủ trên tàu Humbur American bán lậu thuế ở ngoài bến cảng và Tranxitô Arixa mua về giấu trong hòm. Vì không thể kìm được ý muốn uống thứ nước hoa này để tìm kiếm mùi vị người con gái được mình yêu, nên cậu đã uống nó, uống từng ngụm cháy cổ, uống cho đến sáng trong lúc lòng say đắm hình ảnh Phecmina Đaxa. Thoạt đầu cậu uống tại các quán nơi bến cảng, sau đó uống trên đê biển là nơi các đôi tình nhân làm tình ngoài trời và cứ thế uống cho tới khi cậu chìm nghỉm trong thế giới vô thức của mình. Tranxitô Arixa lo hết hồn đợi cậu cho đến tận sáu giờ sáng vẫn không thấy cậu trở về nhà, đã đi tìm cậu ở những nơi khuất khoáng ít ngờ tới nhất mà không thấy. Bà đi tìm, tìm mãi cho đến sau giờ ngọ mới thấy cậu nằm cạnh đống nôn mửa sực mùi nước hoa Côlônia ngay ở khuỷu vịnh, nơi xác những người chết trôi thường dạt vào.

Lợi dụng lúc cậu tĩnh dưỡng, bà Tranxitô Arixa đã rèn giũa thêm cho cậu đức tính kiên nhẫn cần thiết trong việc đợi lá thư trả lời của cô gái. Bà nhắc cậu nhớ cho rằng những kẻ hèn nhát chẳng bao giờ đặt chân tới được vương quốc của tình yêu, một vương quốc phũ phàng và cay nghiệt, và nhắc cậu nhớ cho rằng các cô gái chỉ trao thân gửi phận cho những chàng trai có lòng quả cảm vì các cô tin rằng những ai càng lắm khát vọng càng dồi dào sinh lực và ý chí để đối diện với cuộc sống đầy chông gai. Có lẽ Phlôrêntinô Arixa đã tiếp thu bài học ấy nhiều hơn mức cần thiết. Tranxitô Arixa không thể kiềm chế được tình cảm tự hào đang trỗi dậy trong lòng mình, một thứ tình cảm tự hào có xen lẫn tính hiếu dục, khi thấy con trai ra khỏi cửa hàng tạp hóa của mình mặc bộ đồ dạ đen, đội chiếc mũ cứng, cổ cài nơ, và bằng giọng đùa cợt bà hỏi con: “Có phải con đi dự đám tang không đấy?”. Hai tai đỏ bừng, cậu con trai trả lời mẹ: “Cũng gần như thế, mẹ ạ”. Bà nhận thấy con trai mình hãy còn nhút nhát đôi chút nhưng quyết tâm của nó thì không ai có thể bẻ gãy được. Bà dặn dò cậu những điều cần thiết cuối cùng, ban phước lành cho cậu rồi bà cười ngặt nghẽo mà hứa với cậu rằng: vẫn còn một chai nước hoa Côlônia nữa để hai mẹ con cùng uống chúc mừng thắng lợi của cậu.

Kể từ khi trao bức thư đầu tiên, nhiều lần cậu vi phạm lời hứa sẽ không đến vườn hoa nữa nhưng cậu vẫn đến và biết cẩn thận giấu kín mình đi để không ai thấy. Cuộc sống nơi đây diễn ra y hệt trước. Vẫn những buổi tập đọc dưới bóng những cây hạnh đào kết thúc vào hai giờ chiều khi mà cả thành phố bừng tỉnh sau giấc ngủ trưa; vẫn là Phecmina Đaxa ngồi thêu bên cạnh bà cô của mình cho đến chiều mát. Phlôrêntinô Arixa không đợi cho đến khi bà cô vào nhà, trái lại cậu xăm xăm bước qua đường cái đi thẳng tới chỗ cô cháu gái họ ngồi. Cậu không nhìn Phecmina Đaxa mà lại nhìn vào bà cô.

– Thưa bà, bà làm ơn cho phép cháu được nói chuyện với cô đây một lát thôi. – cậu nói với bà – Cháu có chuyện quan trọng muốn nói riêng với cô đây mà.

– Xin cậu cứ việc tự nhiên cho. – bà bảo cậu – Cậu nhớ cho rằng không có chuyện gì của con bé mà ta không thể cùng nghe.

– Vậy thì cháu sẽ không nói nữa. – Cậu nói. – Nhưng cháu báo trước cho bà biết rằng bà sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc xảy ra sau này.

Đó không phải cung cách ứng xử mà bà Excôlaxtica hằng mong đợi ở người yêu cô cháu gái mình nhưng bà đã hốt hoảng đứng dậy vì lần đầu tiên trong đời bà sợ hãi trước điều Phlôrêntinô Arixa nói, nó tựa như lời phán bảo của Đấng Toàn năng. Vậy là bà đi vào nhà thay kim chỉ và để cho hai người đầu xanh tuổi trẻ được đứng nói chuyện với nhau dưới bóng những cây hạnh đào bên hiên nhà.

Thực là ít ỏi điều mà Phecmina Đaxa biết về người con trai trầm tư kia, người tựa như một con chim nhạn hiếm hoi trong mùa đông bỗng nhiên xuất hiện trong cuộc đời, theo đuổi mình, và về người con trai đó cô biết gì ngay cả tên của anh ta nếu không kí dưới bức thư tỏ tình cô đã đọc. Ngay sau ngày nhận được lá thư đó, cô liền tìm hiểu về cậu và cô được biết rằng cậu là một người con không cha của một người đàn bà ở vậy, cần cù và đứng đắn và vì lầm lỗi của một thời tuổi trẻ mà bà phải mang tiếng xấu là người không chồng mà chửa, một thức tai tiếng không có cách nào gột rửa được. Cô được biết rằng cậu không phải là một gã loong toong chạy đưa điện tín như cô đã phỏng đoán mà là một trợ lí điện báo viên được đánh giá cao, là người có triển vọng huy hoàng và cô nghĩ rằng việc cậu mang bức điện đến cho cha mình chẳng qua chỉ là một cái cớ để cậu đến nhà nhìn mặt cô mà thôi. Cô lại càng cảm động hơn khi nghĩ như thế… Cô cũng được biết rằng cậu là thành viên của đội đồng ca trong nhà thờ. Dẫu rằng trong lúc làm lễ misa cô không bao giờ ngước mắt lên nhìn cậu, nhưng có một ngày chủ nhật nọ, cô biết chắc chắn rằng trong khi các nhạc cụ khác chơi nhạc cho mọi người thì cây đàn viôlin kia chỉ tấu nhạc cho riêng cô mà thôi. Cậu không phải là loại người mà cô có thể chọn làm chồng. Cặp kính cận, bộ quần áo khổ hạnh như quần áo thầy tu, các thủ thuật huyền bí của cậu khiến cô không thể không tò mò tìm hiểu cậu nhưng chẳng bao giờ cô nghĩ rằng tính tò mò của con gái cũng là một trong những cạm bẫy của ái tình.

Chính cô không thể giải thích được vì sao mình lại nhận lá thư ấy. Chưa hẳn là cô đã khước từ cậu nhưng lời hứa sẽ trả lời thư cậu ngày càng thúc bách cô hơn đến nỗi nó thành một chướng ngại vật trong cuộc sống riêng tư của cô. Đối với một lời nói của cha cô, mỗi cái nhìn bâng quơ, mỗi cử chỉ vô tư của ông, cô đều cảm thấy chúng như những cái bẫy giăng ra để phát hiện bí mật của mình. Đây là một trong những biểu hiện lo lắng của tâm trạng cô: cô tránh không nói chuyện ở bàn ăn vì sợ rằng một vài câu nói thiếu thận trọng của mình có thể sẽ tố cáo mình và cô giữ ý giữ tứ ngay cả với bà Excôlaxtica, người vẫn chia sẻ mọi khát vọng bị dồn nén của cháu gái và coi chúng như là của chính mình. Bất kể lúc nào, dù không cần thiết, cô cũng vào trong buồng tắm đóng trái cửa lại để được ở một mình trong đó đọc lại bức thư ấy, cố tìm trong đó một luật lệ bí mật, một yếu tố huyền diệu ẩn sau một số trong ba trăm mười con chữ hình thành năm mươi tám từ, với hi vọng chúng sẽ nói nhiều hơn điều đã được nói ra. Nhưng cô chẳng tìm thấy điều gì hơn điều cô nhận thức được ngay lần đầu tiên đọc bức thư này. Khi nhận được lá thư, cô liền chạy vào nhà tắm đóng trái cửa lại. Trong lúc trái tim đập thình thình, cô lúng túng mở bì thư với ảo tưởng sẽ gặp một bức thư dày cộp với những lời lẽ sôi nổi chan chứa tình yêu, nhưng cô chỉ bắt gặp một tờ giấy thơm lựng với nội dung ngắn gọn và sáng tỏ, điều đó dĩ nhiên đã khiến cô ngạc nhiên.

Trước
image
Chương 9
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!