Đó là một người đã đứng tuổi, dáng người kiểu cách và bệ vệ, vẻ mặt thận trọng và cau có. Thoạt tiên hắn dừng lại ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn quanh một lượt với vẻ ngạc nhiên xấc xược không hề muốn che giấu, dường như đang băn khoăn tự hỏi: “Ta lọt vào cái xó xỉnh nào thế này?”. Khách nhìn quanh cái “buồng tàu thuỷ” ẩm thấp và chật chội của Raxkonikov một lượt như có ý ngờ vực và thậm chí lại còn cố làm ra vẻ hơi sợ sệt nữa, nếu không phải là kinh tởm. Vẫn giữ vẻ ngạc nhiên như cũ, hắn đưa mắt nhìn Raxkonikov đang nằm trên đi-văng, ăn mặc hở hang, đầu tóc rối bù, mặt mày cáu bẩn, và cũng đang dương mắt nhìn hắn trừng trừng. Rồi vẫn cái kiểu chậm rãi đĩnh đạc như trước, hắn đưa mắt nhìn cái bóng dáng lôi thôi lếch thếch, mớ tóc không chải, bộ râu không cạo của Razumikhin lúc bấy giờ vẫn ngồi yên tại chỗ và xấc xược nhìn thẳng vào mắt hắn như muốn gạn hỏi. Một phút im lặng căng thẳng trôi qua, và cuối cùng, như người ta có thể đoán trước, có một sự thay đổi nhỏ trong cách bài trí.
Chừng đã hiểu qua một vài dấu hiệu đích xác nào đó rằng trong cái “buồng tàu thuỷ” này dáng điệu long trọng quá mức kia không có tác dụng gì, vị khách hơi nhũn đi một tí và dùng một giọng lễ phép, tuy không kém phần nghiêm nghị, quay sang phía Zoximov phát âm từng tiếng một:
– Tôi muốn hỏi ông Rodion Romanovich Raxkonikov, sinh viên hoặc cựu sinh viên?
Zoximov chậm chạp cựa mình một cái và có lẽ cũng đang định trả lời, thì Razumikhin đã lập tức nói trước, mặc dầu chẳng ai hỏi anh ta cả:
– Ấy đấy, đang nằm trên đi-văng kia kìa! Ông cần hỏi gì?
Cái câu “ông cần hỏi gì” quá ư sỗ sàng ấy khiến vị khách trang trọng kia đâm ra lúng túng, thậm chí đã toan quay sang phía Razumikhin, nhưng lại kịp thời tự chủ và vội vàng quay lại với Zoximov.
– Raxkonikov đây! – Zoximov hất đầu về phía người ốm nói lắp bắp rồi ngáp dài một cái, mồm há ra rất to, và giữ cái tư thế ấy rất lâu. Ngáp xong, anh ta chậm rãi thò tay vào túi gi-lê rút ra một chiếc đồng hồ vàng to tướng mặt lồi, bấm nắp ra xem rồi lại chậm rãi và uể oải đút nó vào chỗ cũ.
Về phần Raxkonikov thì vẫn im lặng nằm dài trên đi-văng nhìn người mới vào một cách chăm chú, tuy không biểu lộ một ý nghĩ gì. Khuôn mặt chàng bấy giờ không còn quay về phía cái bông hoa lạ mắt, vẽ trên giấy dán tường nữa, xanh xao lạ lùng và để lộ một nỗi đau khổ phi thường, như thế chàng vừa mới trải qua một cuộc mổ xẻ đau đớn hay vừa mới bị tra tấn nhục hình. Nhưng người khách lạ dần dần khiến chàng mỗi lúc một thêm chú ý, rồi thêm ngỡ ngàng, rồi thêm ngờ vực và dường như còn đâm ra sợ sệt nữa. Đến khi Zoximov hất đầu về phía chàng nói:
“Raxkonikov đây” chàng bỗng vùng dậy rất nhanh, ngồi lên đi-văng và với một giọng thách thức nhưng yếu ớt và ngắc ngứ, chàng nói:
– Phải! Tôi là Raxkonikov! Ông muốn gì?
Khách chăm chú nhìn chàng một lúc rồi lấy giọng oai nghi nói:
– Piotr Petrovich Lugin. Tôi hy vọng rằng tên họ tôi đối với ông không đến nỗi hoàn toàn xa lạ.
Nhưng Raxkonikov, vẫn đinh ninh chờ đợi một cái gì khác hẳn, chỉ thẫn thờ và đăm chiêu nhìn khách, lặng thinh không đáp, dường như thể chàng nghe cái tên Piotr Petrovich lần này là lần đầu.
– Sao? Chả nhẽ đến bây giờ mà ông vẫn chưa nhận được tin tức gì – Piotr Petrovich hỏi, vẻ hơi lúng túng.
Đáp lại câu hỏi ấy, Raxkonikov chỉ chậm rãi ngả mình xuống gối, chắp hai tay sau gáy và đầu nhìn lên trần nhà.
Gương mặt Lugin thoáng có vẻ lo lắng. Zoximov và Razumikhin càng tò mò nhìn ông khách, và cuối cùng ông ta cũng đâm ngượng.
– Tôi thiết tưởng và cũng hy vọng rằng – Lugin lúng túng. -… rằng bức thư gửi đi hơn mười hôm nay, thậm chí đã gần hai tuần nay…
– Này ông, sao ông cứ đứng ngoài cửa thế? – Razumikhin đột ngột ngắt lời. – Nếu ông có gì cần nói chuyện thì vào đây mà ngồi, chứ không ông với Naxtaxia, hai người cứ chen nhau ở cái khung cửa ấy thì chật lắm. Naxtaxy tránh ra cho ông ấy vào! Ông vào đi ghế đây! Kìa ông lách vào đi chứ!
Anh ta nhích lùi ghế lại để chừa một khoảng hở giữa cái bàn và hai đầu gối của mình là hơi rúm người lại chờ cho khách “lách vào” qua cái khoảng hở ấy. Cái thế lúc bấy giờ khiến khách không sao từ chối được, bèn hấp tấp len qua khoảng hở chật hẹp, vướng víu, ngồi xuống ghế và đưa mắt nghi kỵ nhìn Razumikhin.
– Ông cũng đừng ngượng nghịu gì cả, – Razumikhin nói bô bô, – Rodia ốm đã năm hôm nay, mê sảng liên miên suốt ba ngày, bây giờ thì đã tỉnh và ăn thấy ngon miệng. Đây là bác sĩ điều trị cho anh ấy, bác sĩ vừa mới khám cho anh ấy xong, còn tôi là bạn của Rodia, trước kia cũng là sinh viên, còn bây giờ thì đang làm hộ lý cho cậu ấy, ông cứ xem như không có hai chúng tôi ở đây và có việc gì cứ nói chuyện tiếp đi.
– Cảm ơn ông. Nhưng không biết tôi đến đây nói chuyện có phiền cho người ốm không – Piotr Petrovich quay sang hỏi Zoximov.
– Kh… không. – Zoximov lắp bắp. – Có lẽ ông đến còn làm cho anh ấy khuây khoả nữa – nói đoạn lại ngáp dài.
– Ồ cậu ấy tỉnh từ từ rồi, từ hồi sáng kia! – Razumikhin nói tiếp. Thái độ thân mật suồng sã của anh có vẻ thật thà và tự nhiên đến nỗi Piotr Petrovich nghĩ lại và bắt đầu cảm thấy đỡ lúng túng hơn, có lẽ một phần cũng vì cái thằng cha ăn mặc rách rưới, nói năng lấc cấc kia đã tự giới thiệu mình là sinh viên.
– Bà cụ cậu… – Lugin mở đầu.
– Hừm! – Razumikhin hắng giọng một tiếng rõ to. Lugin ngơ ngác nhìn anh.
Không có gì đâu, tôi chỉ… thế thôi; ông cứ nói đi!
Lugin so vai.
– Bà cụ cậu có viết cho cậu một bức thư trước khi tôi lên đường đến đây. Lên đến đây, tôi cố ý nán lại mấy ngày không đến thăm cậu để cho thật chắc là cậu đã biết rõ mọi việc; nhưng nay tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng…
– Tôi biết, tôi có biết? – Raxkonikov đột ngột cắt ngang, vẻ hết sức bực bội. – Ông là chú rể chứ gì? Tôi biết rồi? Thôi, thế là đủ!
Piotr Petrovich giận lắm rồi, nhưng vẫn làm thinh. Ông ta cố nghĩ gấp xem như thế nghĩa là thế nào. Một phút im lặng trôi qua.
Trong khi đó Raxkonikov, vừa rồi hơi ngoảnh lại một chút để trả lời ông Lugin, bỗng dừng lại bắt đầu nhìn ông ta trừng trừng với một vẻ tò mò đặc biệt, dường như lúc này chàng chưa kịp nhìn kỹ, hoặc trên người ông ta có thêm một cái gì mới mẻ khiến chàng chú ý: chàng còn cố ý nhấc đầu lên khỏi gối để nhìn cho rõ. Quả nhiên, dáng dấp Piotr Petrovich có một cái gì đặc biệt đập vào mắt người ta, một cái gì như thể xác minh thêm cái danh hiệu “chú rể” mà Raxkonikov vừa tặng cho ông ta một cách quá sỗ sàng như vậy. Trước hết có thể thấy, và thấy quá rõ rằng Piotr Petrovich đã hết sức vội vàng lợi dụng mấy ngày trú ngụ ở thủ đô để phục sức và trang điểm trong khi chờ đợi vị hôn thê, vả chăng đó cũng là một việc chính đáng không có gì đáng chê trách. Ngay cả cái ý thức tự mãn, dù có quá đáng đi nữa, về sự thay đổi hay ho vừa làm cho dung mạo mình tuấn tú hẳn lên cũng có thể dung thứ được lắm, vì Piotr Petrovich nay đang ở vào địa vị một chàng rể. Áo quần ông ta đều vừa mới lấy ở hiệu may ra, và tất cả đều tươm tất, họa chăng chỉ có một điểm nhỏ là mọi thứ đều mới quá và phô bày quá rõ một mục đích nhất định.
Ngay cả cái mũ dạ tròn mới tinh, bảnh bao của ông cũng để lộ mục đích đó Piotr Petrovich đối xử với nó một cách quá trân trọng và cầm nó trên tay một cách quá nâng niu. Ngay cả đôi găng tay màu hoa cà rất đẹp, một đôi găng Jouvin chính hiệu cũng cho thấy rõ điều đó, dù chỉ xét riêng một điểm là chủ nhân không mang nó vào, mà chỉ cầm trên tay để phô trương. Trên y phục của Piotr Petrovich các màu tươi trẻ chiếm ưu thế. Ông ta mặc chiếc áo vét tông mùa hè xinh xắn màu nâu nhạt, chiếc quần mỏng màu vàng tươi và chiếc gi-lê cùng màu, một chiếc áo sơ-mi bằng hàng mịn vừa mới mua, trên cổ thắt chiếc cà vạt bằng nhiễu hết sức mỏng có sọc hung, và đáng mừng hơn cả là các thứ đó đều rất ăn ý với vẻ mặt Piotr Petrovich. Khuôn mặt ông ta khá tươi tắn và còn có thể gọi đẹp nữa, dù không có những trang phục kia trông cũng đã có vẻ trẻ hơn là cái tuổi bốn mươi lăm của ông. Hai bộ râu má mầu thẫm tỉa thành “kôt-lét” (thịt băm viên) đánh viền hai bên mặt một cách dễ ưa phía dưới để rậm đóng khung lấy cái cằm cạo nhẵn, trông rất đẹp mắt. Ngay cả bộ tóc, chỉ hơi lốm đốm hoa râm, mới uốn và chải ở hiệu cắt tóc ra, cũng không phải vì thế mà có cái vẻ lố bịch hay ngốc nghếch của những bộ tóc mới uốn nói chung, vốn thường làm cho người ta giống hệt như một chú rể người Đức. Nếu trong cái vẻ mặt trang trọng và khá đẹp này quả có một cái gì khó chịu khả dĩ gây ác cảm, thì đó là do những nguyên nhân khác. Sau khi ngắm nghía ông Lugin một cách khiếm nhã, Raxkonikov mỉm một nụ cười chua chát, ngả đầu xuống gối và lại ngước mắt nhìn lên trần nhà như cũ.
Nhưng ông Lugin đã vững tâm lại và hình như đã nhất quyết tạm thời không để tâm đến những thái độ kỳ quặc ấy.
– Tôi rất lấy làm tiếc rằng phải gặp cậu trong một tình trạng như thế này, – Ông ta gượng gạo lên tiếng để chấm dứt phút im lặng, – Giá tôi biết cậu ốm, tôi đã đến đây sớm hơn. Nhưng chắc cậu cũng biết, tôi bận quá! Hơn nữa tôi lại có một công việc rất quan trọng ở Viện nguyên lão với tư cách trạng sư, đó là chưa nói đến những nỗi lo âu mà chắc cậu cũng có thể biết. Tôi đang chờ gia đình cậu, nghĩa là bà cụ và cô em cậu, chỉ nay mai sẽ lên đây.
Raxkonikov cựa mình và toan nói một câu gì, nhưng mặt chàng hơi lộ vẻ xúc động. Piotr Petrovich ngưng lại để nhường lời, nhưng chẳng thấy chàng nói gì, ông ta lại nói tiếp.
– Chỉ nay mai thôi. Tôi đã kiếm cho hai người một chỗ ở tạm.
– Ở đâu? – Raxkonikov hỏi khẽ.
– Gần đây thôi, nhà của ông Bakaleyev.
– À ở phố Voznexkaya, – Razumikhin nói xen vào, có hai gác xép ngăn thành phòng trọ, do lão lái buôn Yusin cho thuê. Tôi đã có lần đến đấy.
– Vâng, phòng trọ…
– Tởm vô cùng, vừa bẩn vừa hôi, mà lại là một nơi rất khả nghi; đã xảy ra lắm chuyện xằng bậy ở đây, người ở trọ thì thật là ô hợp… Tôi cũng đã ghé vào đấy nhân một chuyện lôi thôi. Dù sao tiền thuê phòng cũng rẻ.
– Dĩ nhiên tôi không thể nào thu thập được nhiều tài liệu như thế, vì tôi cũng mới đến đây thôi! – Piotr Petrovich nói, giọng hơi khó chịu, – nhưng dù sao đây cũng là hai căn buồng rất sạch sẽ, vả lại cũng chỉ ở tạm một thời gian ngắn… tôi đã tìm được chỗ ở chính thức, nghĩa là chỗ ở sau này của chúng tôi, – Ông ta quay sang Raxkonikov, – hiện nay đang được sửa sang lại: còn bây giờ thì chính tôi cũng đành chịu ở chật trong một phòng trọ cách đây có mấy bước, ở nhà bà Lippevekzen, ở chung với một ông bạn trẻ của tôi là Andrey Xemionovich Lebeziatnikov – chính ông ta chỉ cho tôi nhà trọ của ông Bakalaiev.
– Lebeziatnikov à? – Raxkonikov thong thả buông từng tiếng, như thể đang cố nhớ lại điều gì.
– Vâng, Andrey Xemionovich Lebeziatnikov, làm việc ở bộ. Cậu có biết ạ?
– Vâng… không. – Raxkonikov đáp.
– Xin lỗi cậu, nghe cậu hỏi lại tôi lại tưởng cậu có quen. Trước kia tôi làm giám hộ cho ông ấy – một người rất dễ mến… và theo kịp phong… Tôi rất thích tiếp xúc với thanh niên: qua họ có thể biết được những cái mới. – Piotr Petrovich nhìn qua cả ba người một lượt, lòng khấp khởi hy vọng.
– Về phương diện nào? – Razumikhin hỏi.
– Về phương diện quan trọng nhất, có thể nói như thế, về thực chất của vấn đề, – Piotr Petrovich đáp, có vẻ mừng rỡ vì câu hỏi ấy. – Các ông ạ, tôi đã mười năm nay không ghé Petersburg. Tất cả những cái mới, những cuộc cải cách, những tư tưởng mới của chúng ta đều có tiếng vang ở các tỉnh; nhưng muốn thấy cho rõ và thấy cho đủ thì phải ở Petersburg mới được. Ấy, tôi bao giờ cũng nghĩ rằng chỉ có quan sát các thế hệ trẻ của chúng ta mới có thể thấy nhiều, biết nhiều hơn cả. Và cũng xin thú thật là tôi rất mừng…
– Cụ thể là về cái gì?
– Câu hỏi của ông rộng lắm. Có thể tôi nhầm nhưng tôi thấy có một quan điểm minh xác hơn, có thể nói là có nhiều óc phê phán hơn; nhiều tính chất thiết thực hơn…
– Cái đó đúng. – Zoximov buông thõng một câu.
– Đúng quái gì, làm gì có óc thiết thực. – Razumikhin vặn lại. – Có được óc thiết thực cũng khó lắm, không phải của trên trời rơi xuống đâu. Mà chúng ta thì dễ đến hai trăm năm nay không hề đụng chạm với công việc thực tế. Tư tưởng thì có lẽ nhan nhản ra, – anh quay sang Piotr Petrovich nói tiếp. – Thiện ý cũng có, tuy rất ấu trĩ; và ngay cả lòng trung thực cũng có thể kiếm ra được, mặc dầu cũng có hàng mớ những bọn bịp bợm chính danh hay ẩn danh, chứ như óc thiết thực thì dù sao vẫn không có! Của hiếm đấy.
Tôi không đồng ý với ông, – Piotr Petrovich cãi, vẻ thích thú rõ rệt. – Cố nhiên cũng có những hiện tượng quá khích, những sự lệch lạc, nhưng cũng phải rộng lượng: sự qua khích chứng tỏ là người ta có nhiệt tình đối với công việc và cũng chứng tỏ rằng hoàn cảnh bên ngoài của công việc không thích hợp. Còn sở dĩ làm được ít là vì ít thời gian.
Đó là chưa nói đến phương tiện. Theo quan điểm riêng của tôi thì cũng đã làm được ít nhiều rồi đấy: những tư tưởng mới, bổ ích; đã được phổ biến, một số tác phẩm mới bổ ích cũng đã được phổ biến, thay cho những tác phẩm mơ mộng, lãng mạn trước kia; văn học đã có một sắc thái chín chắn hơn; nhiều thành kiến có hại đã bị chế giễu và đả phá tận gốc… Nói tóm lại, chúng ta đã dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, và theo tôi, đó là một việc quan trọng.
– Chỉ đọc thuộc lòng! Cốt tự giới thiệu đấy mà, – Raxkonikov bỗng buông thõng mấy tiếng.
– Sao ạ? – Piotr Petrovich không nghe ra, vội hỏi, nhưng chàng không đáp.
– Những cái đó đều đúng, – Zoximov vội xen vào.
– Ồ phải không ạ? – Piotr Petrovich nói, mắt nhìn Zoximov một cách trìu mến, đoạn quay sang Razumikhin nói tiếp, nhưng lần này đã thoáng có vẻ đắc chí vì hãnh diện, tưởng chừng như thêm chút nữa ông ta đã dùng thêm mấy chữ “anh bạn trẻ” – Ông cũng phải thừa nhận rằng dù sao cũng có sự tiến hoá, hay như ngày nay người ta thường nói, có tiến bộ, ít nhất là trên quan điểm khoa học và chân lý kinh tế học.
– Sáo ngữ!
– Không ạ, không phải sáo ngữ đâu ạ! Chẳng hạn nếu trước nay người ta nói với tôi “hãy thương yêu đồng loại và tôi cũng thương yêu đồng loại, thì kết quả ra sao? – Piotr Petrovich nói tiếp, có lẽ hơi quá vội vàng, – kết quả là tôi xẻ đôi manh áo để chia cho đồng loại, và cả hai đều dở trần dở truồng đúng như câu tục ngữ Nga: “Săn hai thỏ một lúc, chỉ tổ trượt cả hai”. Khoa học thì lại nói: Hãy yêu thương lấy một mình mình đã, vì trên đời này mọi thứ đều dựa trên cơ sở quyền lợi cá nhân. Chỉ yêu thương lấy bản thân mình thì việc mình sẽ chạy, mà áo cũng còn nguyên.
Kinh tế học lại nói thêm là trong xã hội càng có nhiều cơ nghiệp tư nhân ổn định, nghĩa là càng có nhiều áo nguyên lành, thì nó càng có nhiều cơ sở vững chắc, và sự nghiệp chung trong xã hội lại càng được tiến hành có hiệu quả.
Vì vậy trong khi chỉ mang lợi riêng cho mỗi một mình tôi mà thôi, tôi dường như cũng chính do đó mà mưu lợi cho mọi người và làm cho đồng loại của tôi có thêm được một cái gì hơn là manh áo cắt đôi, và không phải qua sự hào phóng của một vài cá nhân lẻ tẻ, mà là do sự hưng thịnh chung của toàn thể xã hội. Một tư tưởng rất giản đơn, nhưng tiếc thay nó đến chậm quá vì bị những tâm trạng cuồng sĩ và mơ mộng che mờ đi, và thiết tưởng chỉ cần thông minh một chút là có thể đoán được rằng…
– Ông thứ lỗi cho, tôi cũng chẳng thông mình gì đâu – Razumikhin cắt ngang một cách phũ phàng, – vì vậy xin ngừng lại ở đây là vừa. Sở dĩ tôi bắt đầu câu chuyện là có một mục đích riêng, còn như tất cả những lời tán gẫu giải sầu ấy, tất cả những sáo ngữ nhắc đi nhắc lại mãi nghe nhàm cả tai ấy, đã ba năm nay tôi ngấy lắm rồi, đến nỗi tôi không thể nào mở miệng ra nói được mà thậm chí còn thấy xấu hổ khi có ai nói những chuyện ấy trước mặt tôi.
Hiển nhiên là ông đã nhanh nhẩu muốn tự giới thiệu mình với những quan diểm của mình, cái đó không có gì đáng trách, mà tôi không hề có ý trách. Chẳng qua vừa rồi tôi chỉ muốn biết rõ ông là người thế nào, vì ông cũng thấy đấy, gần đây có bao nhiêu những bọn bịp bợm thuộc đủ các loại xông vào phấn đấu cho sự nghiệp chung và đã bóp méo tất cả những gì chúng động chạm đến để kiếm lợi riêng, đến nỗi bao nhiêu cơ sự đều hỏng bét ra cả. Thôi, xin đủ!
– Thưa ông, – ông Lugin mở đầu, người ưỡn thẳng lên một cách vô cùng trang trọng – Những lời lẽ khiếm nhã đó phải chăng muốn ám chỉ rằng tôi…
– Ô thôi xin ông, xin ông… Tôi đâu có dám! Thôi ạ, thế đủ rồi! – Razumikhin cắt ngang và quay phắt lại nói tiếp câu chuyện bỏ dở với Zoximov.
Piotr Petrovich cũng đủ trí thông minh để bằng lòng ngay với câu trả lời ấy. Vả chăng ông ta cũng đã quyết định là hai phút nữa sẽ ra về. Ông ta quay sang Raxkonikov, nói:
– Tôi hy vọng rằng mối quan hệ mới bắt đầu xác lập giữa chúng ta hôm nay sau khi cậu bình phục vì do những hoàn cảnh mà cậu đã rõ, sẽ càng được củng cố thêm… Đặc biệt xin chúc cậu sức khoẻ…
Raxkonikov chẳng buồn ngoảnh lại nữa. Piotr Petrovich đứng dậy.
– Thủ phạm chắc hẳn là một người đến cầm đồ! – Zoximov quả quyết nói.
– Chắc chắn là như thế! – Razumikhin tán thành.
– Porfiri thường không để lộ ý nghĩ của mình ra, nhưng hắn vẫn hỏi cung những người cầm đồ.
– Hỏi cung những người đến cầm đồ à? – Raxkonikov hỏi to.
– Phải, thế sao?
– Không sao cả.
– Làm sao biết được ai là người đến cầm đồ? – Zoximov hỏi.
– Lão Koch có biết một số, còn có một số nữa thì tên có ghi trên các gói đồ, lại có một số tự ý đến khai khi nghe tin.
– Chà, chắc phải là một thằng bợm già khôn ngoan và giàu kinh nghiệm? Táo bạo thật! Quả quyết thật!
– Ấy chính cái đó lại không đúng! – Razumikhin cắt ngang. – Chính cái đó làm cho các cậu lầm tuốt. Tớ thì tớ bảo là hắn không khôn ngoan, chẳng có kinh nghiệm gì hết, và chắc hẳn đây là lần đầu hắn giết người! Thử giả thiết đó là một tên thành thạo có suy tính kỹ càng, thì sẽ thấy vô lý ngay. Còn nếu giả thiết là một tên ít kinh nghiệm thì sẽ thấy là hắn chỉ nhờ ngẫu nhiên mà thoát, mà nhờ ngẫu nhiên thì việc gì chả làm được. Cậu thử cho là hắn có lẽ cũng không lường được những trở ngại nữa! Mà hắn tiến hành công việc ra sao? – Lấy mấy thứ đáng giá một vài chục rúp nhét vào túi, đâm đầu vào lục cái tráp đựng gì của mụ già, trong khi đó thì ở ngăn kéo trên của chiếc tủ ngăn, có một cái tráp dựng một nghìn năm trăm rúp toàn tiền vàng, chưa kể số bạc giấy? Hắn không biết ăn trộm, chi biết giết thôi. Lần đầu đấy, tớ bảo cậu là lần đầu hắn giết người đấy; hắn đã rối trí! Và hắn thoát không phải vì có tính toán, mà là vì tình cờ.
– Hình như đây là chuyện vụ ám sát bà quả phụ vừa xảy ra thì phải, – Piotr Petrovich xen vào nói với Zoximov lúc bấy giờ ông ta đã cầm lấy mũ và găng tay, nhưng trước khi ra về còn muốn buông thêm vài câu ý nhị nữa. Rõ ràng là ông ta đang muốn gây một ấn tượng tốt và tính ưa chưng diện đã thắng sự khôn ngoan của ông ta.
– Vâng. Ông cũng có nghe?
– Có chứ ạ, ngay cạnh nhà mà…
– Ông có biết tường tận?
– Tôi không dám nói là biết tường tận, nhưng tôi có quan tâm đến một vấn đề, có thể nói là một vấn đề toàn cục. Tôi khỏi phải nói rằng trong năm năm gần đây, số tội ác trong tầng lớp dưới tăng lên; cũng không cần nói đến những vụ đốt nhà, cướp của diễn ra liên tiếp ở khắp nơi, đối với tôi điều kỳ lạ hơn cả là các tầng lớp trên số tội ác cũng tăng lên như vậy, có thể nói là một cách song song. Nơi này thì một cựu sinh viên cướp phá một chuyến xe bưu vụ trên đường cái quan; nơi kia thì một số người có địa vị cao trong xã hội lại làm giấy tờ giả; ở Moskva lại bắt được cả một ổ làm giả phiếu quốc trái có xổ số, và trong số đầu xỏ có cả một ông giảng viên lịch sử thế giới ở đại học; ở một nơi khác, người ta giết mất một viên đại sứ của ta ở nước ngoài vì những lý do tiền bạc rất bí ẩn… và nếu bây giờ cái bà già chủ hiệu cầm đồ kia bị một người trong giới thượng lưu giết – vì bọn mu-gich không bao giờ đi cầm đồ vàng bạc – thì biết lấy gì mà cắt nghĩa tình trạng đồi truỵ đó của một bộ phận văn minh trong xã hội ta?
– Có nhiều sự biến chuyển kinh tế… – Zoximov nói.
– Lấy gì cắt nghĩa ấy à? – Razumikhin xen vào. – Thì chính là vì quá thiếu óc thiết thực đó thôi!
– Nghĩa là thế nào ạ?
– Đấy chẳng hạn như cái vị giảng viên của ông ở Moskva ấy mà, khi họ hỏi ông ta làm giả phiếu quốc trái để làm gì, thì ông ta đáp: “Mọi người đều có những cách này nọ để làm giàu, tôi cũng muốn làm giàu cho nhanh”. Tôi không nhớ nguyên văn câu trả lời, nhưng tinh thần là như thế: làm giàu cho nhanh, đừng mất gì, không phải khó nhọc! Họ đã quen ăn sẵn, ăn bám, ăn của nhai lại. Ấy, đến khi giờ đã điểm thì ai nấy đều phơi bộ mặt thật ra…
– Thế còn luân lý thì sao? Dù sao cũng có những quy tắc.
– Nhưng việc gì ông phải lo? – Raxkonikov đột nhiên xen vào. – Theo đúng như lý thuyết của ông đấy chứ còn gì nữa?
– Sao lại đúng như lý thuyết của tôi?
– Nếu cứ nhất quán phát triển những điều ông vừa tuyên truyền lúc nãy, thì phải kết luận rằng có thể cắt cổ đồng loại…
– Xin lỗi! – Lugin kêu lên.
– Không, không phải thế! – Zoximov đệm theo.
Raxkonikov mặt tái mét, môi trên run run, thở khó nhọc.
– Cái gì cũng phải có chừng mực, – Lugin nói tiếp, giọng trịch thượng, – tư tưởng kinh tế học chưa phải là một lời khuyến khích giết người và chỉ cần giả định rằng…
– Thế có đúng là ông… – Raxkonikov lại đột ngột ngắt lời Lugin, giọng run lên vì tức giận, nhưng lại nghe như có phần hả hê, – Có đúng là ông nói với vợ chưa cưới của ông, ngay khi cô ta thuận lòng lấy ông, rằng điều ông lấy làm mừng hơn cả là… cô ta nghèo túng… bởi vì lấy một người nghèo có lợi hơn: về sau dễ bề thống trị hơn… lại có thể nói là cô ta chịu ơn ông?
– Thưa ông! – Lugin quát, sôi sục lên vì tức giận, giọng lạc hẳn đi – Thưa ông… sao lại có thể xuyên tạc ý nghĩ của người ta đi như thế! Xin ông bỏ qua cho, nhưng tôi phải nói rõ cho ông biết rằng những lời đồn đại đến tai ông, hay nói cho đúng hơn, được truyền lại cho ông, không hề có chút căn cứ nào, và tôi ngờ rằng, nói tóm lại, mũi tên này, nói tóm lại, mẹ ông… Trước đây tôi vẫn thấy rằng bên cạnh những đức tính hết sức đáng quý: mẹ ông cũng có những nét tư tưởng hơi cuồng nhiệt và lãng mạn viển vông… Thế nhưng tôi cũng không hề mảy may ngờ rằng bà ta lại có thể quan niệm và trình bày sự việc một cách sai lạc và hoang đường như vậy… và cuối cùng… cuối cùng…
– Này ông? – Raxkonikov quát lên, người nhổm hẳn lên trên gối và nhìn Lugin trừng trừng với đôi mắt sáng quắc và sắc như mũi khoan, – Này ông, bây giờ thế này nhé.
– Làm sao ạ? – Lugin dừng lại đợi, vẻ tức giận và thách thức. Hai người im lặng một vài giây.
– Thế này nhé: nếu một lần nữa ông… còn dám nói đến mẹ tôi, dù chỉ một tiếng thôi… tôi cũng sẽ quăng ngược ông xuống dưới cầu thang ngay lập tức!
– Cậu làm sao thế! – Razumikhin kêu lên.
– À ra thế! – Lugin tái mặt đi, cắn môi. – Xin ông nghe tôi nói, – Ông ta mở đầu sau một khoảng im lặng và lấy hết sức bình sinh ra để nén giận, nhưng vẫn thở hổn hển, – ngay từ lúc nãy, ngay từ phút đầu tôi đã đoán được mối ác cảm của ông, nhưng cố ý ngồi lại để biết rõ hơn nữa. Đối với một người ốm và là một người có họ hàng tôi rất sẵn lòng tha thứ, những bây giờ… đối với ông… không bao giờ tôi có thể…
– Tôi không ốm! – Raxkonikov quát.
– Càng hay!
– Ông xéo đi cho rảnh!
Nhưng Lugin đã tự mình lui ra trước khi nói dứt lời len qua cái khoảng hở giữa cái bàn với cái ghế: lần này Razumikhin đứng dậy nhường lối cho ông ta. Không nhìn ai hết, thậm chí cũng không gật đầu chào Zoximov, tuy anh ta đã cúi chào ông từ lâu mong ông để cho người bệnh nằm yên, Lugin bước ra, tay thận trọng cầm mũ ngang vai cho khỏi chạm trong khi khom lưng đi qua khung cửa. Và ngay trong cái dáng lom khom ấy người ta cũng cảm thấy như ông ta mang ra theo một nỗi căm giận ghê gớm.
– Ai lại thế bao giờ. – Razumikhin hoang mang lắc đầu nói.
– Thôi đi đi! Đi hết đi. – Raxkonikov điên dại thét lên – Có chịu để cho tao yên không nào, đồ đao phủ! Tao không sợ chúng mày! Bây giờ tao không sợ đứa nào hết! Xéo đi! Tao muốn ngồi một mình, một mình, một mình!
– Ta đi thôi! – Zoximov hất hàm bảo Razumikhin.
– Trời ơi, chả nhẽ bỏ cậu ấy một mình như thế?
– Ta đi thôi! – Zoximov cương quyết nhắc lại và bỏ ra ngoài. Razumikhin ngẫm nghĩ một lát rồi cũng chạy theo bạn.
– Nếu không nghe theo cậu ấy thì còn có thể tệ hơn nữa, – Zoximov nói khi hai người đã ra cầu thang. – Không nên khích động.
– Cậu ấy làm sao thế?
– Giá được một sự khích động nào dễ chịu thì hay biết mấy! Lúc ấy cậu ấy đã đủ sức… Cậu ạ, trong trí cậu ấy có một cái gì đấy. Một cái gì bất di bất dịch đang ám ảnh cậu ta… Tớ sợ cái đó lắm, chính thế đấy!
– Chắc là cái lão kia chứ gì, Piotr Petrovich ấy mà! Qua câu chuyện, tớ biết lão ta sắp lấy cô em cậu ấy, và ngay trước khi ốm cậu ấy có nhận được một bức thư về chuyện này đấy!
– Phải, chính ma quỷ dẫn lão ấy đến đây; có lẽ lão đã làm hỏng hết. Nhưng cậu có nhận thấy là cậu ấy dửng dưng với mọi việc, nói chuyện gì cậu ấy cũng làm thinh, chỉ trừ có một điểm, hễ động đến là cậu ấy lồng lên; vụ giết người ấy…
– Phải, phải! – Razumikhin xác nhận, – tớ có nhận thấy! Cậu ấy rất quan tâm, lại có vẻ sợ. Là vì ngay hôm cậu ấy ốm ở quận cảnh sảt người ta đã làm cậu hoảng lên, cậu ấy ngất đi đấy.
– Tối nay cậu kể tôi nghe tỉ mỉ nhé, rồi tôi sẽ nói cho cậu biết cái này. Cậu ấy có những cái làm cho tôi rất quan tâm, rất quan tâm! Nửa giờ nữa tôi sẽ đến xem sao… Bây giờ thì không bị viêm não nữa đâu.
– Cảm ơn cậu nhé? Tròng thời gian ấy tôi sẽ đợi ở nhà Pasenka và sẽ nhờ Naxtaxia quan sát cậu ấy.
Raxkonikov ngồi lại một mình, sốt ruột, và lo lắng nhìn Naxtaxia; nhưng chị ta vẫn nấn ná mãi không chịu ra cho.
– Bây giờ cậu uống nước trà chứ? – Naxtaxia hỏi.
– Sau hẵng hay. Tôi muốn ngủ, chị ra đi.
Chàng quay phắt vào trong; Naxtaxia lui ra.
Chú thích:
(1) Thời ấy ở Nga, trường trung học chỉ có 8 lớp.
(2) Tán gẫu thế đủ rồi! (tiếng Pháp)
(3) Tên gọi thân mật Petersburg.
(4) Những người gác cổng các toà nhà lớn ở Petersburg có bổn phận phải hàng ngày đến đồn sảnh sát trình báo về những việc xảy ra trong ngày hôm ấy.