Tội Ác Và Hình Phạt

Chương 12
Trước
image
Chương 12
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
Tiếp

Nhưng chị ta vừa ra khỏi thì chàng vùng dậy, cài cửa lại, mở cái gói của Razumikhin vừa đem đến lúc nãy anh ta đã buộc lại cẩn thận, và bắt đầu mặc áo quần. Lạ thay, chàng bỗng như đã hoàn toàn bình tĩnh; không còn trạng thái dở mê dở tỉnh như ban nãy, cũng không còn tâm trạng lo sợ hoảng hốt như trong suốt thời gian vừa qua. Đây là giây phút đầu của một trạng thái điềm tĩnh kỳ lạ, đột ngột. Cử động của chàng chính xác và dứt khoát, nhìn qua có thể thấy rõ một chủ định rõ ràng. “Hôm nay, ngay hôm nay!” – Chàng lẩm bẩm một mình. Tuy chàng cũng hiểu là mình còn yếu, nhưng tinh thần chàng căng thẳng đến mức điềm tĩnh hẳn, với một chủ định bất di bất dịch, đã cho chàng thêm sức mạnh và lòng tự tin; dù sao chàng cũng hy vọng là sẽ không ngã khuỵu ra giữa phố. Mặc xong các thứ áo quần mới mua, chàng đưa mắt nhìn xấp bạc để trên bàn, nghĩ ngợi một lát và cầm đút vào túi. Có cả thảy hai mươi lăm rúp. Chàng lấy luôn cả mấy đồng tiền đồng của Razumikhin mua áo quần còn thừa lại. Rồi chàng lặng lẽ nhấc móc cửa lên, ra khỏi phòng, xuống thang gác và hé nhìn vào gian nhà bếp mở toang:

Naxtaxia đứng quay lưng lại phía chàng, đang khom lưng thổi ấm lò cho bà chủ. Chị ta không nghe thấy gì. Vả lại ai có thể dè rằng chàng lại bỏ đi ra ngoài? Một phút sau chàng đã ra phố.

Lúc ấy khoảng tám giờ, mặt trời sắp lặn. Khí trời vẫn ngột ngạt như cũ, nhưng chàng vẫn thèm thuồng hít thở làn không khí hôi hám, bụi bặm bị phố phường nung nóng lên. Chàng bắt đầu thấy hơi chóng mặt; một sức mạnh man rợ bỗng ánh lên trong đôi mắt đỏ ngầu và trên gương mặt gầy gò, vàng võ của chàng.

Chàng không biết đi đâu, và cũng không nghĩ đến vấn đề mà chàng chỉ biết có một điều là “phải chấm dứt hẳn cái đó ngay hôm nay một lần cho xong đi, ngay bây giờ: nếu không thì chàng không muốn về nhà nữa, vì chàng không muốn sống như thế này”. Chấm dứt thế nào? Chấm dứt cái gì? Chàng không hề biết mà cũng không buồn nghĩ.

Chàng xua đuổi ý nghĩ ấy đi: nó dày vò chàng khổ sở quá. Chàng chỉ cảm biết rằng cần phải làm sao cho mọi việc đều thay đổi hẳn, bằng cách này hay cách khác, “Dù có sao cũng mặc”, chàng tuyệt vọng nhắc đi nhắc lại với một lòng tự tin và quả quyết bất di bất dịch, theo thói quen cũ, chàng đi về phía Chợ hàng Rơm theo con đường chàng vẫn đi dạo những lần trước.

Chưa đến Chợ hàng Rơm, trên vỉa hè ở trước mặt một cửa hiệu buôn nhỏ có một người trẻ tuổi, tóc đen đang chơi phong cầm quay một điệu nhạc tình tứ, đệm theo một người con gái trạc mười lăm tuổi đứng hát ở trước mặt hắn.

Người con gái ăn mặc như một tiểu thư, váy xoè áo khoác ngang lưng, găng và mũ lật có cắm một cái lông chim màu lửa, tất cả các thứ đó đều đã cũ và sờn. Với giọng hát tầm thường, hơi rè nhưng khá to và nghe cũng êm tai, cô ta hát một bài tình ca trong khi chờ đợi một, đồng hai cô-pếch trong cửa hiệu vứt ra. Raxkonikov dừng lại bên cạnh cùng với hai ba người khác, nghe một lắt, rút trong túi ra một đồng năm cô-pếch đặt vào bàn tay người con gái.

Người con gái dừng phắt ngay lại ở nốt cao nhất và rung cảm nhất của bài ca như thể có ai lấy dao chém đứt ngang, rồi quát bảo người quay đàn: “thôi!”, và cả hai khệnh khạng đi sang cửa hiệu khác.

– Ông thích nghe hát rong không? – Raxkonikov bỗng hỏi một người qua đường đã có tuổi đang đứng cạnh chàng, trông có vẻ như một người đi bát phố. Hắn ngơ ngác nhìn chàng tỏ vẻ ngạc nhiên. Raxkonikov nói tiếp nhưng lại có vẻ như tuyệt nhiên không nói đến chuyện hát rong:

– Tôi thích nghe tiếng hát có đệm phong cầm quay trong một buổi chiều mùa thu lạnh lẽo, âm u và ướt át, phải ướt át mới được, khi mọi người qua đường đều có những bộ mặt xanh xao, ốm yếu; hay hơn nữa là khi có tuyết ấm rơi, rơi thẳng xuống vì lặng gió, và ánh đèn hơi chiếu mờ mờ qua làn tuyết.

– Tôi không biết ạ… Ông thứ lỗi cho… – người kia nói lắp bắp, chàng sợ vì câu hỏi cũng như cái vẻ kỳ quặc của Raxkonikov và bỏ đi sang bên kia đường.

Raxkonikov đi thẳng và ra đến Chợ hàng Rơm, chỗ cái góc mà hôm trước hai vợ chồng lão tiểu thương nói chuyện với mụ Lizaveta, nhưng lúc bấy giờ họ không ngồi đấy. Nhận ra chỗ cũ, chàng dừng lại, nhìn quanh quất rồi hỏi một chàng thanh niên mặc áo đỏ đang đứng ngáp ở trước cửa một hiệu bán bột.

– Ở góc này vẫn thường có hai vợ chồng ông gì ngồi bán hàng phải không?

– Ai mà chả ngồi đây bán hàng. – chàng thanh niên đáp, mắt khinh khỉnh nhìn Raxkonikov từ đầu đến chân.
_ Ông ta tên là gì?

– Cha mẹ đặt tên gì thì ông ta tên như thế!

– Anh có phải người Zaraisk không, trấn nào? – Chàng thanh niên lại nhìn Raxkonikov.

– Thưa ngài, chỗ chúng tôi không phải là trấn, mà là huyện, chỉ có anh tôi được đi đây đi đó thôi, còn tôi thì ngồi nhà, cho nên không biết ạ… Thưa ngài rộng lòng tha thứ cho.

– Trên gác kia là quán ăn à?

– Tiệm rượu đấy, có cả bàn bi-a, lại có mấy nàng công chúa nữa – Húi!

Raxkonikov đi qua quảng trường. Bên kia, ở một góc phố, có một đám người rất đông, toàn là nông dân cả. Chàng len vào chỗ đông nhất, vừa đi vừa nhìn vào mặt những người đứng quanh. Không hiểu tại sao chàng thấy thèm nói chuyện với bất cứ ai. Nhưng đám nông dân không để ý đến chàng, cứ túm năm tụm ba nói chuyện nhao nhao lên với nhau. Chàng đứng lại ngẫm nghĩ một lát rồi đi sang phải, men theo vỉa hè về phía đại lộ V. Đi qua một khoảng trống, chàng bước vào một ngõ hẻm…

Trước kia chàng cũng hay đi qua ngõ này. Đó là một ngõ hẻm ngắn gấp khúc dẫn từ quảng trường đến phố Xadovaya. Gần đây còn có cái gì thu hút chàng lang thang đến những nơi này mỗi khi chàng tự dưng thấy tởm lợm, “cho nó tởm lợm thêm”. Còn bây giờ thì chàng bước đi, không suy nghĩ gì hết. Ở đây có một ngôi nhà lớn chứa toàn những tiệm ăn, tiệm uống, cứ chốc chốc lại thấy mấy người đàn bà ở trong các tiệm ấy chạy ra, ăn mặc như khi chạy sang nhà bên cạnh: đầu để trần, chỉ mặc áo dài mỏng. Ở vài ba nơi họ xúm lại trên vỉa hè thành từng tốp, nhất là cạnh những bậc thang dẫn xuống các gian nhà hầm, ở đấy cứ bước xuống hai bậc cấp là có thể vào đến những nơi rất vui thú, lúc bấy giờ, trong một nơi như vậy đang có tiếng reo hò đập phá ầm ĩ vang ra khắp phố, tiếng đàn ghi-ta, tiếng hát hò nhộn nhịp vui vẻ. Một tốp đàn bà khá đông chen chúc ở lối vào; mấy người khác ngồi ở bậc thềm hay trên vỉa hè, mấy người nữa đang đứng nói chuyện. Gần đấy, giữa phố có một thằng lính say bước lảo đảo, mồm ngậm thuốc lá, vừa đi vừa chửi rủa; có lẽ hắn đang muốn đi đâu đấy, nhưng dường như đã quên mất là mình muốn đi đâu. Một thằng khố rách áo ôm đang chửi nhau với một thằng khố rách áo ôm khác và một gã say bí tỉ nằm ềnh ra chắn ngang đường.

Raxkonikov dừng lại cạnh tốp đàn bà đông nhất. Họ đang nói chuyện oang oang; cả bọn đều mặc áo vải hoa, đi giầy da dê và để đầu trần. Có người tuổi quá bốn mươi, nhưng cũng có người chỉ độ mười bảy, mắt họ hầu hết đều sưng bầm.

Chàng tự dưng thấy ham thích tiếng hát hò và đập phá ở dưới kia… giữa những tiếng cười, tiếng rú, có thể nghe vẳng lên một giọng hát the thé có đàn ghi-ta đệm theo, và tiếng gót giầy dậm côm cốp của một người nào đang nhẩy nhót điên cuồng lên theo nhịp hát. Chàng chăm chú lắng nghe, vẻ lầm lỳ và đăm chiêu, tò mò nghển cổ dòm vào cửa.

Anh của em chóng ngoan,

Chớ đánh em mà oan!

Giọng hát vẫn the thé lên. Raxkonikov háo hức cố nghe cho rõ lời ca – làm như thể đó là điều quan trọng nhất đối với chàng.

“Hay là ta vào? – chàng nghĩ. – Họ đang cười đùa! Vì họ say. Hay là ta cũng uống cho thật say?”

– Ông anh không vào à? – Một người con gái đứng trong đám kia hỏi, giọng nghe khá vang và chưa khản hẳn. Cô ta hãy còn trẻ, và là người duy nhất trong bọn trông không đến nỗi tởm.

– Cô em xinh nhỉ? – chàng vừa đáp vừa ngẩng lên nhìn cô ta.

Cô ta mỉm cười, rất thích chí vì câu tán tỉnh này.

– Ông anh cũng xinh lắm, – cô ta nói.

– Gay quá! – một cô khác nói giọng ồ ồ. – Mới ở nhà thương ra à?

– Hình như có cả con gái nhà quan nữa đấy, thế nhưng mũi vẫn hếch như thường! – một người mu-gích vừa mới đến bỗng nói xen vào, hắn say chuếnh choáng, áo chẽn mở phanh, mồm ngoác ra cười ranh mãnh.

– Vui chưa kìa? – hắn nói tiếp.

– Đã đến thì vào đi nào!

– Tôi vào chứ, cô em ạ! – Hắn xồng xộc bước xuống.

Raxkonikov bỏ đi.

– Ông anh! – cô gái gọi với theo chàng.

– Cái gì?

Ả đâm ngượng:
– Ông anh ạ, giá em được gần ông anh một vài giờ thì em sung sướng quá, nhưng bây giờ trước mặt ông anh không hiểu sao em ngượng lắm. Công tử cho em sáu cô-pếch uống rượu đi.

Raxkonikov móc túi hú hoạ lấy ra mấy đồng tiền có được ba đồng năm cô-pếch.

– Ôi, ông anh hào phỏng quá!

– Cô tên gì?

– Ông cứ hỏi Duklida.

– Thật quá quắt lắm, – một cô khác trong bọn bắt đầu nhìn Duklida nói. – Đời thuở ai lại đi xin tiền cái lối ấy bao giờ!

Tớ thì tớ chết thẹn mất…

Raxkonikov tò mò nhìn người vừa nói câu ấy. Đó là một người đàn bà trạc ba mươi tuổi, mặt rỗ hoa thâm tím cả lên: môi trên sưng vều. Cô ta chê trách bạn một cách điềm tĩnh và nghiêm trang.

“Không biết mình có đọc ở đâu, – Raxkonikov nghĩ thầm trong khi dời bước, – không biết mình có đọc ở sách nào có đoạn nói một người bị xử tử hình, một giờ trước khi chết, có nói hay nghĩ rằng ví thử có phải sống ở một nơi nào cao ngất, trên một tảng đá hẹp chỉ vừa đặt hai bàn chân, còn xung quanh là vực thẳm, là đại dương, là bóng đêm vô tận, cô đơn vĩnh viễn và bão táp không cùng, và cứ phải đứng co ro như thế suốt đời. Chẳng nghìn năm, mãi mãi, thì thà sống như thế vẫn còn hơn là phải chết bây giờ! Miễn sao được sống, sống và sống! Sống thế nào cũng được, miễn là sống! Đúng quá! Trời ơi, đúng quá đi mất! Con người thật hèn mạt! “Và hèn mạt thay kẻ nào vì thế mà bảo con người hèn mạt” – chàng nghĩ thêm sau một phút.

Chàng rẽ sang một phố khác. A, “Lâu đài pha lê”: Hồi nẫy Razumikhin có nói đến “Lâu đài pha lê”. Thế nhưng vừa rồi mình muốn cái quái gì nhỉ. À phải, đọc báo! Zoximov nói là hắn có đọc trong mấy tờ báo.

– Có báo không? – chàng hỏi khi bước vào một quán rượu khá rộng rãi và sạch sẽ gồm có mấy gian phòng hơi vắng khách. Vài ba người khách đang uống nước trà, và trong một gian phòng mãi tít ở trong cùng có một tốp khoảng bốn người đang ngồi uống sâm-banh. Raxkonikov thấy hình như trong số đó có Zamiotov, nhưng vì xa quá khó lòng trông rõ mặt.

“Kệ xác hắn!” – chàng nghĩ thầm.

– Ông dùng vodka ạ? – người hầu bàn hỏi.

– Cho trà ra đây. Với lại đem cho ta mấy tờ báo ra trong khoảng năm hôm gần đây, ta sẽ cho tiền uống rượu.

– Vâng ạ. Báo hôm nay đây ạ. Ngài dùng thêm vodka chứ ạ?

Báo cũ và trà đã mang lên. Raxkonikov ngồi vào bàn và bắt đầu tìm: “Izler – Izler – Người Aztek – Người Aztk – Izler – Bartola – Masimo – Người Aztek – Izler. À, đồ quý! À tin hàng ngày đây rồi: một người đàn bà ngã cầu thang – một lão lái buôn chết thiêu vì rượu – một đám cháy ở Bãi Cát – một đám cháy ở phố Petersburg – lại một đám cháy ở phố Petersbung – lại một đám cháy ở phố Petersburg – Izler – Izler – Izler – Massimo… Á, đây rồi…”

Cuối cùng chàng đã tìm ra, và bắt đầu đọc. Những giòng chữ cứ nhảy nhót trước mắt, tuy vậy chàng cũng đọc hết được “tin tức” ấy và háo hức tìm những tin bổ sung mới nhất ở các số sau. Tay chàng run bắn lên vì sốt ruột trong khi lần giở mấy tờ báo. Chợt có ai ngồi xuống bên cạnh, ngay ở bàn chàng. Chàng liếc nhìn sang: Zamiotov, đúng cái anh chàng Zamiotov đó, cũng vẫn cái bộ dạng ấy, vẫn những chiếc nhẫn, những sợi dây chuyền, với cái đường ngôi rẽ đôi mớ tóc quăn xức dầu trơn mình mặc chiếc gi-lê bảnh bao, chiếc áo đuôi tôm hơi sờn, và chiếc sơ-mi mặc đã hơi lâu không giặt, hắn đang vui, hay ít nhất hắn cũng mỉm cười vui vẻ và xuề xoà, gương mặt ngăm ngăm đen của hắn hơi bừng lên vì men rượu sâm-banh.

– Kìa! Anh ở đây à? – hắn mở đầu, vẻ bỡ ngỡ, giọng thân mật như thể đã quen chàng từ đời nảo đời nào. – thế mà mới hôm qua Razumikhin còn nói với tôi là anh vẫn chưa tỉnh, lạ thật! Tôi có đến anh.

Raxkonikov đã biết là hắn sẽ đến. Chàng gạt ngay tờ báo ra và quay về phía Zamiotov cười nụ, và qua nụ cười của chàng có thể thoáng thấy một tâm trạng sốt ruột bực tức.

– Tôi biết là anh có đến – chàng đáp, – Tôi có nghe nói. Anh có đi tìm chiếc tất… Thế anh có biết không. Razumikhin chết mệt với anh rồi đấy, cậu ấy bảo là anh với cậu ấy có đến nhà Lizaveta Ivanovna, người mà anh đã ra sức che chở hôm ấy: anh nháy trung uý thuốc súng, nhưng ngài trung uý vẫn không hiểu cho: Anh nhớ chứ? Sao lại không hiểu nhỉ – sự việc rõ quá rồi còn gì.

– Anh chàng nhộn thật!

– Thuốc súng ấy à?

– Không, bạn anh ấy, Razumikhin.

– Anh sướng thật đấy, Zamiotov ạ; tha hồ lui tới những chỗ khoái nhất, không hề phải nộp thuế. Vừa rồi ai thết anh sâm-banh đấy?

– Đấy là chúng tôi… cùng uống với nhau đấy chứ… Sao lại phải có ai thết?

– Thù lao mà! Dịp nào anh chả lợi dụng? – Raxkonikov cười phá lên – Không sao, anh bạn ạ, không sao! – chàng vừa nói thêm vừa vỗ vai Zamiotov, tôi nói thế không phải vì có ác ý gì, mà chỉ là chỗ bạn bè thân thiết đùa chơi thế thôi, như cái anh thợ sơn nhà anh khi đánh thùm thụp vào người thằng Mitka ấy trong vụ ám sát mụ già ấy mà.

– Sao anh lại biết?

– Có lẽ tôi còn biết nhiều hơn anh nữa đấy.

– Trông anh lạ quá… Chắc anh còn ốm nặng, đáng lẽ anh không nên đi chơi mới phải.

– Anh thấy tôi có vẻ kỳ lạ à?

– Vâng. Anh đọc báo đấy à?

– Đọc báo!

– Họ viết nhiều về các vụ hoả hoạn lắm.

– Không, tôi không đọc những tin hoả hoạn.

Chàng nhìn Zamiotov, vẻ bí mật; một nụ cười ngạo nghễ lại làm cho môi chàng méo xệch đi:
– Không, tôi không đọc tin hoả hoạn, – chàng nháy mắt với Zamiotov nói tiếp – Thôi thú đi, anh bạn trẻ: anh rất nóng lòng muốn biết tôi đọc gì, phải không?

– Có muốn gì đâu, tôi hỏi thế thôi. Chả nhẽ không được hỏi? Sao anh cứ…

– Nầy, anh là người có học, có chữ nghĩa đấy chứ?

– Tôi học đến lớp sáu trung học(1), – Zamiotov đáp giọng khá hãnh diện.

– Lớp sáu à! Chà anh bạn thân mến của tôi! Đầu rẽ ngôi, tay đeo nhẫn – một con người giàu có? Chà, cậu bé đáng yêu thật! Nói đến đây Raxkonikov phá lên cười ha hả, mồm chõ thẳng vào mặt Zamiotov, hắn né ra xa, không phải vì khó chịu mà vì quá ngạc nhiên.

– Xì người đâu mà kỳ quái! – Zamiotov nhắc lại, vẻ rất nghiêm trang. – Tôi có cảm tưởng là anh hãy còn mê sảng.

– Tôi mà mê sảng? Anh nói bậy, anh bạn trẻ ạ? Tôi kỳ quặc lắm hả? Tôi đáng cho anh chú ý lắm phải không? Đáng chú ý chứ gì?

– Đáng chú ý.

– Chú ý xem tôi đọc gì, tôi tìm cái gì hẳn? Tôi chả bảo đưa ra cả một mớ báo thế này kia mà! Khả nghi lắm, hả?

– Anh cứ nói đi xem.

– Anh vểnh tai lên đấy à?

– Vểnh cái gì?

– Rồi tôi sẽ nói cho anh biết là vểnh tai để làm gì anh bạn ạ, tôi tuyên bố với anh… không, tốt hơn là tôi xin “thú nhận”… Không, chưa đúng, phải là “tôi xin cung khai”, còn anh thì “lập biên bản” – thế đấy! Vậy tôi xin cũng khai rằng tôi có đọc, có quan tâm… tìm tòi… – Raxkonikov nheo nheo đôi mắt, chờ đợi – tôi muốn tìm tòi, cho nên mới đến đây, tôi muốn biết về vụ ám sát mụ già chủ hiệu cầm đồ – cuối cùng, chàng nói khẽ gần như thì thào, mặt dí sát vào mặt Zamiotov. Zamiotov nhìn chàng trừng trừng, không nhúc nhích, không né ra. Điều về sau khiến Zamiotov lấy làm lạ nhất là suốt một phút đồng hồ họ đã im lặng nhìn nhau như thế.

– Thế thì sao, anh đọc cái gì? – Zamiotov bỗng băn khoăn và sốt ruột quát lên. – Việc gì đến tôi đọc thì đã làm sao?

– Chính cái mụ già này, – Raxkonikov tiếp, vẫn nói thì thào và vẫn không nhúc nhích khi nghe tiếng quát của Zamiotov, – chính mụ già mà các anh đã nói chuyện ở quận cảnh sát khi tôi ngất đi, anh có nhớ không nào? Sao, bây giờ anh hiểu rồi chứ?

– Thế là cái gì? Sao lại… “hiểu”? – Zamiotov nói, trong bụng hơi hoảng.

Gương mặt nghiêm trang và lạnh lùng của Raxkonikov biến sắc hẳn đi trong giây lát rồi chàng bỗng cười phá lên như lúc nãy, như thể không còn chút khả năng tự chủ nào nữa. Và trong giây lát chàng sực nhớ lại rõ nét lạ lùng cái cảm giác hôm nào chàng cầm rìu đứng sau tấm cửa trong khi cái móc rung lên bần bật và hai người đứng trước cửa tức giận chửi bới. Còn chàng thì chợt nảy ra ý muốn quát mắng họ, lè lưỡi ra trước mặt họ, trêu gan họ và cất tiếng cười thật to, thật to!

– Anh điên rồi, hay là… – Zamiotov nói rồi bỗng ngừng bặt, như thể choáng người đi vì một ý nghĩ đột ngột nảy ra trong óc.

– Hay là? “Hay là” cái gì? Nào, cái gì? Nói đi xem nào.

– Có gì đâu – Zamiotov bực bội đáp, – chỉ nhảm!

Cả hai lặng thinh. Sau trận cười đột ngột, Raxkonikov bỗng trở nên đăm chiêu và ủ dột. Chàng chống khuỷu tay lên bàn, hai tay ôm đầu, hình như chàng đã quên hẳn Zamiotov. Im lặng kéo dài khá lâu.

– Sao anh không uống trà đi? Nguội hết, – Zamiotov nói.

– Hả? Cái gì? Trà ấy à? À phải… – Raxkonikov cầm chén lên uống một ngụm, bỏ vào mồm một miếng bánh. Rồi đưa mắt nhìn Zamiotov chàng bỗng như chợt nhớ ra hết và định thần lại: lập tức gương mặt chàng trở lại với vẻ ngạo nghễ như ban nãy. Chàng tiếp tục uống nước trà:

– Thời buổi này những bọn gian phi mọc lên nhan nhản, – Zamiotov nói – Cách đây không lâu trong tờ “Tin tức Moskva” có đăng tin bắt được cả một bọn giả mạo. Chúng nó có cả một hội kín, chúng làm giấy bạc.

– Ờ, đã lâu rồi còn gì! Tôi đọc đã cách đây một tháng, – Raxkonikov điềm tĩnh trả lời – thế theo anh đó là một bọn gian phi? – chàng cười nhạt nói thêm.

– Chứ còn gì nữa!

– Bọn ấy à? Bọn ấy là một lũ nhãi nhép chứ gian phi gì! Hàng năm chục người họp nhau lại để làm một việc như thế! Ai lại làm ăn kiểu ấy bao giờ? Ba người cũng đã là nhiều rồi, mà trong bọn, người này cũng phải biết chắc bụng dạ người kia hơn cả chính bản thân mình! Nếu không thì chỉ cần một người uống rượu say nói ba hoa dăm câu là công chuyện vỡ lở hết? Chỉ là một bọn nhãi nhép! Chúng nó dùng những người không tin cẩn đem tiền giả ra đổi ở các kho bạc, việc như thế mà bạ ai cũng giao. Cứ thử cho là cái bọn nhãi kia làm ăn trót lọt, mỗi đứa đổi được một triệu bạc, thế rồi sao nữa? Còn cả đời người kia mà? Suốt đời đứa này vẫn lệ thuộc vào đứa kia, cứ lo nơm nớp là một đồng loã sẽ tiết lộ, thế thì thà thắt cổ mà chết! Nhưng đằng này đổi tiền chúng cũng không biết đổi kia: ra kho bạc đổi năm nghìn, mà tay run lẩy bẩy. Đếm lại được bốn nghìn, còn một nghìn nữa thì không đếm, chỉ chực bỏ túi đi cho nhanh. Thế là người ta sinh nghi. Mọi việc đều hỏng bét chỉ vì một thằng ngốc? Sao lại có thể như thế được?

– Sao lại có thể run tay ấy à? – Zamiotov đáp, – có thể lắm chứ. Tôi thì tôi tin chắc là có thể lắm. Có khi người ta không tự chủ được.

– Không tự chủ được à?

– Thế còn anh, chắc anh tự chủ được?

– Không, tôi thì chịu? Chỉ vì một trăm bạc tiền thưởng mà đi làm một việc ghê gớm như vậy! Làm bạc giả đi đổi, mà đi đâu kia chứ – đi đến nhà ngân hàng: ở đấy họ còn lạ gì những cái trò ấy nữa, – không, tôi sẽ cuống lên mất. Thế anh thì sao, liệu có cuống không?

Raxkonikov bỗng dưng lại thấy muốn “thè lưỡi” ra quá chừng. Sống lưng chàng gây gấy lên trong khoảng mấy phút.

– Giá phải tay tôi thì tôi không làm như thế – chàng mở đầu xa xôi. Tôi sẽ đi đổi tiền như thế này: xấp bạc thứ nhất tôi sẽ đếm đi đếm lại đến bốn lần, hết đếm xuôi lại đếm ngược, xem kỹ từng tờ một, rồi mới đếm sang xấp thứ hai; đếm được nửa xếp thì ngừng lại rút ra một tờ năm mươi rúp giơ ra ánh sáng soi thử, lật ngược lại soi lần nữa – bạc giả chăng? “Ngại lắm” tôi sẽ nói thế – tôi có người bà con vừa mất toi hăm nhăm rúp như thế đấy”; thế rồi tôi sẽ kể chuyện này ra. Đến khi đếm sang xấp thứ ba thì: à khoan, xin lỗi, hình như xấp thứ hai tôi đếm chưa kỹ ở chỗ bảy trăm, nghi lắm, thế là bỏ xấp thứ ba đấy, đếm lại xấp thứ hai, – Ấy cứ thế mà đếm cho hết năm xấp năm nghìn.

Xong xuôi đâu đấy, lại rút ở xấp thứ năm và xấp thứ hai ra mỗi xấp một tờ, lại giơ lên coi, lại ngờ ngợ, “ông làm ơn đổi cho tờ này” – làm cho lão ngồi quầy phải toát mồ hôi hột ra mới thôi, đến nỗi hắn chi mong sao tôi buông tha hắn ra cho chóng? Rồi đến khi xong xuôi đâu đấy tôi mới đi ra, mở cửa… À quên, xin lỗi, lại quay vào, lại hỏi han này nọ cho rõ; tôi thì tôi làm như thế đấy!

– Chà, anh nói những chuyện nghe mà rợn cả người lên – Zamiotov cười. – Nhưng nói thì nói thế thôi, chứ nếu làm thật thì anh cùng vấp. Anh ạ, theo tôi, không riêng gì anh với tôi mà ngay một kẻ thành thạo và hết sức liều lĩnh cũng không thể tin chắc mười phần ở mình được. Nói đâu xa: cứ lấy ngay vụ giết người ở khu phố ta chẳng hạn.

Hình như đây cùng là một tay không vừa, giữa ban ngày ban mặt mà dám liều mạng như thế, cuối cùng chỉ gặp may mà thoát, ấy thế nhưng vẫn run tay không biết cách lấy của, không tự chủ được; cứ xem vụ này cũng rõ…

Raxkonikov có vẻ như bị chạm vào tự ái.

– Rõ. Thế bây giờ các anh thử bắt hắn đi xem? – chàng nói to lên, trêu tức Zamiotov với một vẻ hả hê.

– À rồi sẽ bắt thôi!

– Ai bắt? Anh à? Anh mà bắt được à? Cứ thử vào đấy mà xem! Đối với anh cái này mới là cái chính: hắn ta có tiêu tiền hay không? Trước thì không có tiền, thế mà nay tiền đâu bỗng dưng đem ra tiêu văng mạng, thế thì còn ai vào đây nữa? Về điểm này thì một thằng bé con bằng này cũng có thể lừa anh được, nếu có muốn!

– Sự thật làm đứa nào cũng là như thế, – Zamiotov đáp – giết người thì giết một cách rất xảo quyệt, liều cả tính mạng, nhưng rồi lại lập tức đến quán rượu thò cổ vào tròng. Chính là người ta căn cứ vào cách tiêu tiền mà bắt. Không phải ai cũng khôn ngoan như anh cả đâu! Anh thì dĩ nhiên là không vào tiệm rượu chứ?

Raxkonikov cau mày nhìn Zamiotov chòng chọc.

– Hình như anh đã phát thèm lên, muốn biết tôi sẽ hành động ra sao nếu ở vào địa vị ấy? – chàng hỏi, vẻ phật ý

– Muốn chứ, – Zamiotov đáp, giọng nghiêm trang và rắn rỏi. Không hiểu sao bây giờ hắn nói và nhìn một cách quá nghiêm nghị.

– Muốn lắm à?

– Muốn lắm.

– Được! Tôi thì tôi sẽ hành động như thế này đây. – Raxkonikov bỗng dừng lại dí sát mặt mình vào mặt Zamiotov, lại nhìn chòng chọc vào mặt hắn và lại nói thì thào, đến nỗi lần này hắn phải giật mình.

– Tôi thì tôi sẽ làm như thế này đây; tôi sẽ lấy tiền, đồ đạc và vừa ở đấy ra một cái là tôi đi thẳng, không ghé vào đâu hết, đến một nơi thật kín đáo và vắng vẻ, xung quanh chỉ có tường và rào, một vườn rau hay một cái gì như thể tôi đã tìm từ trước: một tảng đá, nặng chừng một pút hay pút rưỡi gì đấy nằm ở góc sân, cạnh hàng rào, nó vẫn nằm đấy từ khi xây nhà: tôi sẽ nhấc tảng đá ấy lên, phía dưới tất phải có một chỗ trũng, tôi sẽ bỏ tiền và đồ đạc vào chỗ trũng ấy. Xong đâu đấy tôi sẽ vần tảng đá lại như cũ, lấy chân dận thêm vào và bỏ đi. Một năm, hai năm, tôi vẫn chưa lấy, ba năm cũng chưa lấy, – các anh cứ thử tìm xem. Mất biến.

– Anh điên rồi, – Zamiotov nói, không hiểu sao giọng cũng thì thào và bỗng né xa Raxkonikov.
Mắt chàng sáng quắc, mặt chàng tái nhợt đi; môi trên chàng run bần bật. Chàng chồm vào thật sát Zamiotov, môi lắp bắp nhưng nói không ra tiếng gì cả; cứ như thế đến nửa phút, chàng cũng biết mình đang làm gì, nhưng không kìm nổi. Một lời thú nhận khủng khiếp cứ nhảy bần bật trên môi chàng như hôm nào cài móc cửa nhảy bần bật trong khâu sắt, tưởng chừng nó sắp bật ra ngay tức thì; chỉ cần buông nó ra, chỉ cần thốt nó lên.

– Thế nếu chính tôi giết mụ già và Lizaveta thì sao? – chàng bỗng thốt lên… và sực tỉnh.

Zamiotov bàng hoàng nhìn chàng và tái mặt đi. Một nụ cười mếu máo hiện lên trên mặt hắn.

– Làm sao lại có thể như thế được? – Hắn nói rất khẽ. Raxkonikov hằn học nhìn hắn.

– Anh phải nhận là anh tin đi! Hả? Phải không nào?

– Không! Hoàn toàn không, bây giờ tôi lại càng không tin hơn bao giờ hết! – Zamiotov nói vội.

– Bây giờ tôi bắt thóp được anh rồi nhé! Lộ tẩy rồi. Thế nghĩa là trước đây anh có tin, chả là “bây giờ anh càng không tin hơn bao giờ hết” kia mà?

– Ồ, hoàn toàn không phải, thế! – Zamiotov kêu lên, vẻ ngượng nghịu – Nãy giờ anh cứ nạt tôi để đưa đến đấy phải không?

– Thế anh không tin à? Thế thì các anh nói những gì sau lưng tôi, khi tôi ra khỏi quận? Và trung uý Thuốc súng hỏi cung tôi làm gì, sau khi tôi bị ngất? Này bé con, – chàng đứng dậy cầm mũ và quát gọi người hầu bàn, hết bao nhiêu?

– Cả thảy ba mươi cô-pếch ạ, – người hầu bàn chạy lại, đáp.

– Đây cho anh thêm hai hào uống rượu. Xem này, bao nhiêu là tiền – chàng chìa bàn tay run run cho Zamiotov xem mớ bạc giấy, – đỏ này, xanh này, hai mươi lăm rúp đấy. Ở đâu ra? Lại áo mới nữa, ở đâu ra thế? Anh thừa biết là một cô-pếch tôi cũng không còn kia mà! Chắc là các anh đã hỏi dò bà chủ nhà rồi chứ gì? Thôi xin đủ! Assez causé! (2) Chào anh… chúc anh gặp nhiều điều thú vị!

Chàng bước ra, người run rảy vì một cảm giác kỳ dị như trong cơn bệnh ưu uất trong đó có pha cả một cảm giác khoái lạc không sao chịu nổi. Nhưng chàng vẫn lầm lì, trong người thì mệt nhừ ra. Mặt chàng nhăn nhó như sau một cơn động kinh. Cảm giác mệt mỏi tăng lên rất nhanh. Vừa rồi sức lực chàng được kích thích và chỉ cần một sức ấy, một cảm giác khích động duy nhất cũng đủ làm cho nó dâng mạnh lên, và hễ cảm giác này yếu đi thì nó cũng lại suy yếu rất nhanh. Zamiotov còn lại một mình ngồi yên rất lâu ở chỗ cũ, suy nghĩ trầm ngâm. Raxkonikov đã đảo lộn hết những ý nghĩ của hắn về một điểm nhất định và đã làm cho quan niệm hắn xác định hẳn.
“Ilya Petrovich là một thằng đần!” – hắn quyết định dứt khoát.

Raxkonikov vừa mở cửa ra phố thì bỗng nhiên, ngay ở trước thềm, chàng vấp phải Razumikhin lúc ấy đang bước vào. Đến cách nhau chỉ còn một bước hai bên vẫn không trông thấy nhau, thành thử suýt cộp đầu vào nhau. Họ đưa mắt dò nhau một lát, Razumikhin kinh ngạc đến cực điểm, nhưng rồi một cơn giận thật sự một cơn giận ghê gớm bỗng lóe lên trong mắt anh.

– Thế ra cậu ở đâu! – anh rống lên. – Bỏ giường đi trốn! Thế mà mình chui cả xuống đi-văng tìm hắn, leo cả lên trần nhà nữa! Thiếu chút nữa tôi đã đánh Naxtaxia vì cậu… Thế mà cậu lại đến đây! Rodia! Như thế nghĩa là thế nào?

Nói thật đi! Thú đi! Nghe chưa?

– Như thế nghĩa là các anh đã làm tôi phát ngấy đến chết người đi được, tôi muốn đừng ai bên cạnh tôi hết – Raxkonikov bình thản đáp.

– Đừng ai ở cạnh cậu? Trong khi cậu đi chưa vững, mặt thì xanh như tàu lá, thở thì không ra hơi nữa? Đồ ngu, cậu làm gì trong “lâu đài pha lê”? Cậu phải thú nhận ngay lập tức!

Thôi buông tôi ra – Raxkonikov nói đoạn toan đi vượt qua. Thấy thế Razumikhin liền tiến lên nắm chặt lấy vai chàng.

– Buông ra? Cậu dám nói “buông ra”? Thế cậu có biết tôi sẽ làm gì bây giờ không, tôi sẽ xốc cậu lên như một gói giẻ, xách cậu về buồng và khoá trái cửa lại.

– Razumikhin ạ, – Raxkonikov nói khẽ và hình như hoàn toàn điềm tĩnh, – chả nhẽ cậu không thấy rằng tôi không cần đến những ân huệ của cậu hay sao? Việc gì lại đi làm ơn làm phúc cho những kẻ… không thèm những thứ ấy? Mà lại là những kẻ rất khổ tâm khi phải chịu đựng những thứ ấy? Khi tôi mới ốm, cậu đi tìm tôi để làm gì? Nhỡ tôi chỉ mong được chết thì sao? Chẳng lẽ thái độ của tôi hôm nay chưa đủ cho cậu thấy rằng cậu làm khổ tôi, rằng tôi đã… phát ngấy lên vì cậu hay sao? Sao lại cứ muốn đến làm khổ người ta như thế. Tôi quả quyết với cậu là những thứ đó làm cho bệnh tình của tôi rất khó thuyên giảm, vì nó cứ làm tôi khích động không ngớt. Hồi nãy Zamiotov chả bỏ đi để tôi khỏi khích động là gì? Cậu nữa, tôi van cậu, cậu cũng đi đi! Và sau nữa, cậu có quyền gì mà dám dùng sức mạnh để giữ tôi lại? Chẳng lẽ cậu lại không thấy rằng tôi đang nói chuyện với cậu một cách hoàn toàn tỉnh táo hay sao? Tôi phải làm gì đấy, tôi biết lấy gì đây, tôi van cậu, cậu hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì để cậu khỏi ám tôi, cho cậu khỏi làm ơn làm phúc cho tôi? Cứ cho tôi là bạc bẽo, tôi hèn hạ cũng được miễn là buông tôi ra, vì Chúa, hãy để cho tôi yên! Đi đi, đi đi!

Khi bắt đầu nói chàng rất bình tĩnh, trong lòng khoan khoái thưởng thức trước những lời lẽ độc địa mà mình sắp nói ra, nhưng đến khi kết thúc thì lại sôi sục lên và thở hổn hển, giống như lúc nãy, khi nói với Lugin.

Razumikhin đứng yên ngẫm nghĩ một lát và buông tay chàng ra.

– Thôi cậu xéo về nhà ma cho rảnh! – Anh nói khẽ vẻ gần như trầm ngâm; nhưng khi Raxkonikov bước đi, anh bỗng gầm lên: – Đứng lại… Cậu nghe đây! Tôi nói cho cậu biết là tất cả bọn cậu, không trừ một đứa nào, đều là những thằng ba hoa, những thằng khoác lác. Hễ có chuyện gì hơi khổ một tí là các cậu cứ bo bo ôm lấy như gà ấp trứng?

Ngay cả cái lối ấy nữa, các cậu cũng ăn cắp của các tác giả khác. Không có lấy một dấu hiệu nào tỏ ra các cậu có một cuộc sống độc lập! Thịt các cậu chỉ là mỡ cá voi, máu các cậu chỉ là nước sữa cặn! Hạng các cậu tôi không tin đứa nào hết. Trong trường hợp nào cũng vậy, các cậu chỉ lo sao cho đừng giống một con người! Đứng lạ – ạ – ại! – anh quát lên, giọng giận dữ gấp bột, khi thấy Raxkonikov lại toan bỏ đi, – hãy nghe cho hết đã! Cậu cũng biết là hôm nay bạn bè tôi đến ăn khao nhà mới, có lẽ bây giờ đã đông đủ cả rồi, nhưng tôi để ông chú ở nhà tiếp khách, bảo là chạy tí về ngay. Thế thì giá thử cậu không phải là một thằng ngốc, một thằng ngốc tầm thường, một thằng ngốc thâm căn cố đế, một bản dịch từ tiếng ngoại quốc… Rodia ạ, tôi nhận rằng cậu là một thằng bé thông minh, nhưng vẫn ngốc như thường – đấy giá cậu lại đằng tôi, ngồi chơi với tôi một tối, còn hơn là giầy đi lang thang như thế. Cậu đã ra khỏi nhà rồi thì chẳng còn biết làm sao nữa? Tớ sẽ mượn về mấy chiếc ghế bành thật êm, nhà chủ có đấy… có trà, có bạn… Không thì tớ đặt cậu nằm trên đi-văng, dù sao cùng có bạn có bè với nhau… Cả Zoximov cũng đến. Thế nào, cậu lại chứ?

– Không.

– Bậy quá đi mất! – Razumikhin điên tiết quát lên. – Cậu thì biết gì? Cậu có đủ trí khôn đâu! Cậu chẳng hiểu gì hết…

Đã hàng nghìn lần, tớ cũng đã từng nhổ toẹt vào nhân loại như thế, nhưng rồi lại quay trở lại. Thấy xấu hổ… thế là trở về với con người! Thế cậu nhớ nhé, nhà ông Potsinkov, gác ba…

– Cứ thế này thì có lẽ ngài để cho người ta đánh ngài chỉ để hướng cái thú làm ơn làm phúc thôi, ngài Razumikhin ạ…

– Đánh ai? Đánh tớ ấy à? Chỉ nho nhoe một chút thôi tớ cũng vặt mũi đi chứ! Nhà Potsinkov, số 47, hỏi phòng ông viên chức Babuskin…

– Tôi không đến đâu, cậu ạ – Raxkonikov lại quay đi.

– Tớ cuộc là cậu sẽ đến! – Razumikhin quát vọng theo. – Nếu không thì cậu… – Nếu không tớ không thèm nhìn mặt cậu nữa đâu! Này, thư hẵng, có Zamiotov trong ấy không

– Có.

– Cậu có gặp à?

– Có gặp.

– Cậu có nói chuyện à?

– Có nói chuyện.

– Chuyện gì thế? Thôi được, xéo đi, không nói thì thôi. Nhà Potsinkov, số 47 Babuskin, nhớ nhé

Raxkonikov đi đến phố Xadovaya và rẽ vào góc phố. Razumikhin tư lự nhìn theo. Cuối cùng anh khoát tay một cái, bước vào nhà, nhưng rồi bỗng dưng lại ở nửa chừng thang gác.

“Mẹ kiếp – anh nghĩ tiếp, gần như nói to lên, – hắn nói cũng mạch lạc, nhưng lại có vẻ như… Mà mình cũng ngốc nốt. Người điên cũng có thể nói năng mạch lạc chứ! Mà hình như Zoximov sợ nhất cái ấy đấy! – Anh gõ ngón tay vào trán. – Nhỡ ra… sao bây giờ mà lại để cho hắn đi một mình? Có thể là hắn nhảy xuống sông… Chà, mình làm ăn hỏng bét? Không thể được?

Và anh cắm cổ chạy ngược trở lại đuổi theo Raxkonikov: nhưng không còn thấy tăm hơi đâu nữa.

Anh nhổ toẹt một bãi nước bọt và bước mau vào “Lâu đài pha lê” tìm gặp Zamiotov để hỏi cho ra lẽ.

Raxkonikov đi thẳng đến cầu X.; ra đến khoảng giữa cầu chàng đứng lại tựa hai khuỷu tay vào lan can và nhìn ra phía xa. Sau khi chia tay với Razumikhin, chàng thấy mệt mỏi đến nỗi chật vật lắm mới lê được đến đây. Chàng cứ muốn kiếm nơi nào ngồi xuống, hay nằm dài ra giữa đường. Nghiêng mình trên giòng nước, chàng thẫn thờ nhìn ánh phản chiếu cuối cùng màu hồng nhạt của mặt trời sắp tắt, nhìn dãy nhà tối xẫm trong bóng hoàng hôn mỗi lúc một dày đặc thêm, một khung cửa sổ nhỏ ở một gác xép xa xa bên tả ngạn, kính đỏ rực lên như bốc cháy vì tia nắng cuối cùng rọi vào trong chốc lát, nhìn con kênh tối xẫm và dường như chăm chú nhìn xuống giòng nước. Cuối cùng trong mắt chàng thấy hiện lên những vòng đỏ quay tít, các toà nhà chuyển mình, bờ kênh, người qua đường, xe cộ đều quay cuồng nhảy nhót thành vòng. Có lẽ chàng đã ngất đi: nếu bấy giờ không có một cảnh tượng kỳ dị, gớm guốc bỗng khiến chàng giật mình.

Chàng cảm thấy có ai đang đứng cạnh chàng, ngay bên phải; chàng liếc nhìn sang thì thấy một người đàn bà cao, đầu trùm khăn, khuôn mặt hơi dài, gầy xọp, nước da vàng võ, đôi mắt đó sâu hoắn. Người ấy, nhìn thắng vào chàng nhưng hẳn là chẳng trông thấy gì, không phân biệt được ai hết. Người ấy bỗng chống tay phải vào thành cầu, giơ chân phải lên và lần lượt đu cả hai chân sang bên kia lan can nhảy xuống kênh. Giòng nước bắn tung tóe lên và nuốt chửng mồi trong giây lát, nhưng một phút sau người tự vẫn nổi lên rồi từ từ trôi xuôi theo giòng nước, đầu và chân chìm xuống, lưng nổi lềnh bềnh, chiếc váy phồng lên như cái áo gối.

– Có người tự tử! Có người tự tử? – hàng chục tiếng thét vang lên; họ nhốn nháo chạy lại, hai bên bờ lố nhố những người tò mò, trên cầu, quanh Raxkonikov đã có một đám đông xúm lại, xô nhau chồm cả vào lưng chàng.

– Trời ơi, cô Aphroxinyuska ở nhà tôi mà – gần đâu đây có một giọng đàn bà lu loa – Các ông các bác ơi, cứu cô ấy với! Trăm lạy các ông, các ông vớt cô ấy với!

– Thuyền đâu! Thuyền đâu! – trong đám đông có tiếng quát.

Nhưng không cần đến thuyền làm gì nữa: một người cảnh binh chạy xuống bến, cởi áo khoác, cởi giầy ra và lao xuống nước. Anh ta không phải khó nhọc gì lắm: giòng nước đưa người trẫm mình trôi qua cách bến có hai bước, anh ta đưa tay phải ra túm lấy áo nạn nhân, tay trái đã kịp nắm lấy một cây sào do một người bạn giơ ra cho anh, và lập tức người trẫm mình được kéo lên. Họ đặt cô ta nằm lên mấy phiến đá hoa cương lát bến. Chẳng mấy chốc cô ta mở mắt, ngồi dậy, bắt đầu hắt hơi và xỉ mũi, hai tay cứ xoa xoa chiếc áo ướt sũng một cách ngớ ngẩn. Cô ta lặng thinh không nói gì hết.

– Cô ấy say bí tỉ, các ông ạ, say bí tỉ, – người đàn bà lúc nãy, bây giờ đứng bên cạnh Aphroxinyuska, kể lể – lần trước đã toan thắt cố chết, may người ta cởi dây kịp. Vừa rồi tôi ra cửa hiệu, để con bé ở nhà trông cô ấy thế là có chuyện? Cô ta ở bên cạnh nhà tôi, ông ạ buôn bán nhì nhằng, đây ngôi nhà thứ hai ở cuối phố, kia kìa…

Đám đông tản dần, mấy người cảnh sát vẫn còn loay hoay quanh người tự tử, có ai nói gì léo nhéo về sở cảnh sát… Raxkonikov nhìn cảnh ấy với một cảm giác bình thản và dửng dưng kỳ lạ. Chàng bỗng thấy tơm tởm, “Không, kém lắm, nước… không xong, – chàng lẩm bẩm một mình. – Sẽ không có gì xảy ra hết. – chàng nói thêm, – có gì đâu mà đợi? Còn quận cảnh sát? Tại sao Zamiotov lại không ở quận cảnh sát nhỉ? Mở cửa đến chín giờ cơ mà…

Chàng quay lưng ra phía thành cầu và đưa mắt nhìn quanh.

“Thì đi nào! Sao lại không?” – Chàng lẩm bẩm và quả quyết đi về phía sở cảnh sát. Lòng chàng trống trải và tối tăm.

Chàng không muốn nghĩ. Ngay tâm trạng ưu tư cũng đã qua, không còn lấy một dấu vết nào của sức quyết tâm lúc này khi chàng ra đi “để chấm dứt hẳn tình trạng này”! Nó đã nhường chỗ cho một trạng thái mụ mẫm hoàn toàn.

“Đó cũng là một lối thoát! – Chàng nghĩ trong khi uể oải đi chầm chậm trên bờ kênh. – Dù sao ta cũng sẽ chấm dứt, vì ta muốn thế… Nhưng đó có phải là lối thoát không? Thì cũng thế thôi? Cũng vẫn là mấy tấc đất… hê! Nhưng kết liễu như thế thì thật thảm hại? Kết liễu rồi ư? Nói cho họ biết, hay thôi? Chà… quỷ quái! Mình mệt quá rồi – Sao cho chóng đến chỗ nào mà nằm xuống một cái. Xấu hổ hơn cả là những chuyện này hết sức ngây ngô. Thôi kệ mẹ nó.

Xì, sao lại có thể nghĩ đến những chuyện ngây ngô như thế…”.

Muốn đến quận cảnh sát phải đi thẳng mãi qua hai ngã tư rỗi rẽ sang trái: từ đấy chỉ còn mấy bước nữa là đến.

Nhưng vừa đi đến ngã tư thứ nhất, chàng dừng lại, ngẫm nghĩ một lát, ngoặt vào ngõ và đi vòng qua hai phố nữa, có lẽ cũng chẳng có mục đích gì, hoặc giả có thể là để trì hoãn thêm một vài phút. Chàng bước đi, mắt nhìn xuống đất. Bỗng dường như có ai ghé sát tai chàng thì thầm một câu gì. Chàng ngầng đầu lên và thấy mình đang đứng trước “ngôi nhà ấy” ngay trước cổng. Từ buổi tối “hôm ấy” chàng chưa lần nào đi qua đây.

Một ý muốn không sao cưỡng được, không sao hiểu nổi, cứ thôi thúc chàng. Chàng đi qua cổng, rẽ ngoặt vào cánh cửa đầu tiên ở bên phải và bắt đầu bước lên cái cầu thang quen thuộc, lên tầng thứ tư. Trên cái thang gác chật hẹp và dốc đứng lúc bẩy giờ tối om. Lên đến mỗi trạm bằng chàng lại dừng chân tò mò nhìn quanh. Ở trạm bằng tầng thứ nhất, khung kính ở cửa sổ đã tháo hẳn ra. “Hôm ấy vẫn còn” – chàng thầm nghĩ. Và đây là gian phòng gác hai, nơi Mikolai và Mitka làm việc hôm ấy: “Đóng kín; cánh cửa mới sơn lại; thế nghĩa là phòng này cho thuê”. Và đây, tầng thứ ba, tầng thứ tư. Đây rồi!” Chàng bỗng đớ người ra: cửa vào phòng ấy mở toang, trong phòng đang có người, nghe có tiếng nói chuyện vẳng ra; chàng thật không ngờ.

Lưỡng lự một lát, chàng bước nốt mấy bậc thang cuối cùng và đi vào phòng.

Gian phòng cũng đang được tu sửa lại; trong phòng có mấy người thợ đang làm việc; chàng có vẻ rất lấy làm lạ về điều này. Không hiểu sao chàng cứ hình dung là mọi vật sẽ y nguyên như cũ, thậm chí có lẽ hai cái xác cũng vẫn nằm nguyên giữa sàn nhà: thế mà bây giờ mấy bức tường đều trơ trụi, đồ dạc bàn ghế không có lấy một cái nào; lạ thật! Chàng đến ngồi bên bậu cửa sổ.

Có cả thảy hai người thợ đang làm, còn trẻ cả, nhưng tuổi chênh lệch nhau khá nhiều. Họ đang dán giấy mới lên tường, những tấm giấy dán tường màu trắng có điểm hoa màu tím nhạt, thay cho lớp giấy cũ màu vàng trước kia đã sởn rách. Không hiểu sao Raxkonikov thấy thế rất khó chịu, chàng nhìn lớp giấy mới một cách đầy ác cảm, như thế lấy làm tiếc rằng mọi vật đã thay đổi đi như vậy.

Hai người thợ hẳn là đã làm muộn giờ, và đang hấp tấp cuốn giấy lại sửa soạn ra về. Họ đang mải nói chuyện. hầu như không chú ý đến Raxkonikov. Chàng khoanh tay trước ngực và ngồi nghe.

– Sáng hôm ấy, con bé mới đến nhà tớ, – người lớn tuổi hơn nói với bạn, – đến thật sớm, ăn mặc rất diện. Tớ mới bảo: “Này sao đằng ấy cứ làm dáng với tôi làm gì thế, muốn trêu thèm thằng này đây hẳn?” Con bé nói: “Anh Tit Vaxilievich ạ, từ nay em muốn hoàn toàn tuỳ ý anh, muốn làm gì em cũng được” thế đấy! Mà diện phải biết nhé: trông như các cô ở trong báo thời trang ấy, thật y như trong báo!

– Thế báo thời trang là cái gì hở ông bác? – người trẻ tuổi hơn hỏi. Chắc hẳn xưa nay hắn ta vẫn học khôn ở “ông bác” này.

– Báo thời trang là thế này chú nó ạ. Nó là những tập tô màu, cứ mỗi thứ bảy lại thấy gửi về cho các hiệu thợ may ở đây, ở nước ngoài gửi về, để cho biết người như thế nào thì phải ăn mặc ra sao, đàn ông cho chí đàn bà. Tranh vẽ ấy mà. Đàn ông thì phần nhiều mặc áo đuôi tôm, còn như cái mục đàn bà thì lắm thứ áo trông mê đến nỗi cậu có bán hết cả nhà cậu đi cũng chưa ăn thua!

– Ơ, ở cái xứ Piter (3) này chẳng thiếu thứ gì nhẩy! – người thợ ít tuổi hăm hở reo lên – ngoài bố mẹ ra thì cái gì cũng có.

– Ờ, ngoài thứ ấy ra thì cái gì cũng có chú mày ạ, – người thợ lớn tuổi kết luận, giọng ra điều dạy bảo.

Raxkonikov đứng đậy đi sang phòng bên, nơi trước kia đặt cái giường, cái rương và cái tủ ngăn; gian buồng không có bàn ghế trông nhỏ hẹp 1ạ lùng. Giấy dán tường chưa thay, trong góc còn hằn rõ chiếc trang thờ dựng tượng thánh. Chàng nhìn quanh một lát rồi trở ra ngồi ở bậu cửa sổ. Người thợ lớn tuổi gườm gườm nhìn chàng.

– Ông hỏi gì ạ? – hắn đột ngột hỏi chàng.

Raxkonikov không đáp, lẳng lặng đứng dậy đi ra cửa cầm lấy dây chuông kéo. Vẫn cái chuông ấy, vẫn cái tiếng sắt tây ấy? Chàng kéo lần nữa, rồi lần thứ ba, lắng tai nghe và hồi tưởng lại. Cái cảm giác ghê rợn, quái gở hôm nào bắt đầu sống lại, mỗi lúc một rõ nét thêm, sinh động thêm, và cứ mỗi tiếng chuông vang lên chàng lại rùng mình, và càng nghe chàng lại càng thấy khoái trá.

– Ông kia có việc gì thế? Ông là ai? – người thợ ra theo, quát hỏi. Raxkonikov trở vào.

– Tôi muốn thuê phòng, – chàng nói – đến xem thử.

– Đang đêm ai lại đi thuê phòng; mà đáng lẽ ông phải đi với bác gác cổng chứ!

– Sàn rửa sạch sẽ rồi; sẽ sơn lại chứ? – Raxkonikov nói tiếp. Không có máu à?

– Máu nào?

– Máu của mụ già vừa bị giết với mụ em gái ấy mà, hôm trước ở đây nó chảy lênh láng thành cả một vũng.

– Nhưng ông là ai mới được chứ? – Người thợ đâm 1o, hỏi gắt.

– Tôi ấy à?

– Ừ.

– Anh muốn biết phải không? Ta đến quận, tôi sẽ nói.

Hai người thợ bỡ ngỡ nhìn chàng.

– Muộn rồi, chúng tôi phải về đây. Đi đi, Alioska. Phải khoá cửa, – người thợ lớn tuổi nói.

– Nào thì đi! – Raxkonikov thản nhiên đáp và đi ra trước, thong thả bước xuống cầu thang.

– Ê, gác cổng – chàng quát gọi khi xuống đến sân, lúc bấy giờ ngay ở lối vào có mấy người đang đứng nhìn khách qua đường: cả hai người gác cổng, một mụ đàn bà, một người lái buôn và vài người nữa.

Raxkonikov đi thẳng về phía họ.

– Ông muốn hỏi gì? – một trong hai người gác cổng hỏi.

– Anh có đến quận cảnh sát? (4)

– Vừa mới đến xong. Ông muốn gì?

– Họ vẫn làm việc chứ?

– Vâng.

– Ông phó quận trưởng có ở đấy không?

– Lúc nãy thì có. Ông muốn hỏi gì?

Raxkonikov không đáp, đứng yên cạnh người gác cổng ngẫm nghĩ một lát.

– Ông ấy đến xem phòng, – người thợ lớn tuổi lại gần nói.

– Phòng nào?

– Phòng chúng tôi đang làm ấy mà. Ông ấy bảo “tại sao lại chùi máu đi? Ở đây có xảy ra ra một vụ giết người, tôi mưốn thuê phòng này”. Rồi ông ta kéo chuông, đến suýt đứt cả dây đấy. Ông ấy lại bảo là “ta đến sở cảnh sát, tôi sẽ nói hết”. Ông ta cứ bám lấy chúng tôi.

Người gác cổng băn khoăn cau mày nhìn Raxkonikov từ đầu đến chân.

– Nhưng anh là ai? – hắn hỏi gắt, giọng dữ tợn.

– Tôi là Rodion Romanovich Raxkonikov, cựu sinh viên, tôi ở nhà Sil, trong ngõ kia, gần đây thôi, phòng số mười bốn. Cứ hỏi bác gác cổng, bác ấy biết tôi đấy. – Raxkonikov đáp, giọng uể oải và trầm ngâm, không ngoảnh lại, cứ nhìn đăm đăm ra dãy phố tối om.

– Anh lên phòng ấy làm gì?

– Đến xem.

– Xem cái gì ở đấy?

– Cứ bắt lên quận xem sao! – người lái buôn bỗng nói chen vào, rồi im bặt.

Raxkonikov liếc mắt qua vai, chăm chú nhìn hắn một lát rồi nói, giọng vẫn khẽ và uể oải.

– Đi đi!

– Dẫn hắn ta đi! – người lái buôn được thể nói thêm. – Sao hắn lại đến chỗ ấy, chắc có ý gì đây, hả?

– Say thì không say, mà ăn nói thật lạ lùng, – người thợ lẩm bẩm.

– Anh muốn gì nào. – người gác cổng lại quát; bây giờ hắn đã bắt đầu nổi giận hẳn hoi. – Sao anh cứ dây dưa mãi thế?

– Không dám lên quan à? Sợ chắc? – Raxkonikov nói, giọng ngạo nghễ.

– Sợ cái gì. Anh lôi thôi cái gì?

– Chắc là một tay làm tiền! – Mụ đàn bà nói.

– Thôi nói chuyện với hắn làm gì, – người gác cổng kia nói; đó là một người mu-gích to lớn mặc áo phanh ngực, thắt lưng đeo một chùm chìa khoá!

– Đi đi! Rõ ràng là hạng làm tiền. Xéo đi!

Đoạn nắm lấy Raxkonikov, hắn xô chàng ra đường. Chàng loạng choạng đâm chúi ra ngoài nhưng không ngã.

Đứng thẳng người lại, chàng lặng lẽ đưa mắt nhìn qua mọi người một lượt và bỏ đi.

– Người đâu mà kỳ quặc, – người thợ nói.

– Thời buổi bây giờ thật lắm người kỳ quặc, – mụ đàn bà nói.

– Giá cứ dẫn hắn lên quận, – người lái buôn nói thêm.

– Không việc gì phải dây vào, – người gác cổng thứ hai phân giải – Đúng là một thằng làm tiền. Xưa nay vẫn thế, hắn cứ dẫn xác đến nhưng mình mà dây vào thì rồi gỡ không ra đấy… Biết thừa đi!

“Thế ta có đi hay không?” – Raxkonikov thầm nghĩ. Chàng dừng lại ở giữa một ngã tư và đưa mắt nhìn quanh như thể chờ ai quyết định hộ. Nhưng xung quanh không có lấy một tiếng trả lời, mọi vật đều tối om và im lìm như những phiến đá mà chàng đang dẫm lên: mọi vật đều đã chết đối với chàng, đối với mỗi mình chàng…

Bỗng ở phía xa, cách chàng chừng hai trăm bước, cuối dãy phố, trong bóng tối dày đặc, chàng thấy có một đám đông người đang nói xôn xao, kêu la ơi ới. Giữa đám đông có một chiếc xe ngựa đỗ… Một ngọn đèn chập chờn ở giữa phó “Cái gì thế?”

Raxkonikov quay sang phải đi về phía đám đông.

Dường như chàng muốn bấu viu lấy bất cứ cái gì; chàng mỉm cười lạnh lùng khi nghĩ như vậy, bởi vì chàng đã nhất quyết đến sở cảnh sát và biết chắc rằng chỉ lát nữa, tất cả đều sẽ chấm dứt.

Chú thích

(1) Thời ấy ở Nga, trường trung học chỉ có 8 lớp

(2) Tán gẫu thế đủ rồi! (tiếng Pháp)

(3) Tên gọi thân mật Petersburg

(4) Những người gác cổng các toà nhà lớn ở Petersburg có bổn phận phải hàng ngày đến đồn sảnh sát trình báo về những việc xảy ra trong ngày hôm ấy.

Trước
image
Chương 12
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!